Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 404/KH-UBND

Bình Dương, ngày 25 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19, ĐẶC BIỆT LÀ BIẾN CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT SARS-COV-2 (OMICRON) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

- Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (gọi là dịch COVID-19) xảy ra trên Thế giới từ cuối năm 2019 đến nay. Tại Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra 4 đợt dịch với quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn1; đặc biệt là trong đợt dịch thứ 4 với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ dịch và đã xâm nhập sâu rộng trong cộng đồng, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tấn công vào các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở y tế, ... Bình Dương với dân số trên 2,5 triệu người đã và đang trải qua 02 đợt bùng phát dịch Covid-19. Ca mắc đầu tiên được phát hiện vào ngày 31/01/2021 tại ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo trong đợt dịch thứ 3 của cả nước; ghi nhận đợt dịch này tỉnh Bình Dương có 06 ca mắc và không có trường hợp tử vong. Đợt dịch thứ 2 của tỉnh (là đợt dịch thứ 4 của cả nước) ghi nhận các ca đầu tiên vào ngày 31/5/2021 tại khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn, Tp. Thuận An đến nay đã ghi nhận 291.446 ca mắc và 3.302 trường hợp tử vong.

- Đặc điểm biến chủng Omicron là tên một loại biến chủng mới của SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên trong mẫu xét nghiệm tại Botswana vào ngày 11/11/2021 và tại Nam Phi vào ngày 14/11/2021. Ban đầu, đây là biến chủng B.1.1.529 nhưng đến ngày 26/11/2021, chúng đã được WHO đặt tên là Omicron.

Ngay từ đầu, WHO đã đánh giá Omicron là biến chủng đáng lo ngại do sự phát triển cũng như tốc độ lây lan của nó. So với biến chủng ở Vũ Hán ban đầu thì Omicron có đến 60 đột biến với tốc độ lây lan nhanh trong cộng đồng. Đến nay biến chủng này đã lây lan ít nhất 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại Nam Phi, 80% trong số ca nhập viện do biến chủng Omicron là những người trẻ tuổi, nguy cơ tái nhiễm biến chủng Omicron cũng cao hơn 3 lần; tốc độ lây lan nhanh hơn gấp 5-6 lần đối với biến chủng Delta và Beta.

Tại Việt Nam, ngày 27/12/2021 thành phố Hà Nội đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên về từ nước Anh được phát hiện tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, đến ngày 16/01/2022 Việt Nam đã ghi nhận nước ta đã có 68 ca nhiễm biến chủng Omicron là các trường hợp nhập cảnh đã được quản lý, cách ly kịp thời, trong đó Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP HCM (30), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2) và Long An (1).

Giữa tháng 12, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương rà soát người nhập cảnh từ 28/11, xét nghiệm dương tính với nCoV, lấy mẫu để giải trình tự gene vi rút xác định biến chủng, giám sát và phòng chống. Nếu ghi nhận người dương tính với chủng này, các tỉnh tiếp tục rà soát, lấy mẫu xét nghiệm người tiếp xúc gần, gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ hoặc Pasteur để xét nghiệm, giải trình tự gene vi rút.

Các địa phương cũng được khuyến cáo tăng cường giám sát ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường, phối hợp Viện Vệ sinh Dịch tễ hoặc Pasteur lấy mẫu giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh.

Ước tính với tốc độ lây lan gấp 5-6 lần biến chủng Delta, khi biến chủng Omicron xâm nhập vào Bình Dương sẽ làm số lượng ca bệnh tăng cao, có thể đạt đến 4.000- 5.000 ca bệnh/ngày, lúc cao điểm có thể đến 8.000-10.000 ca bệnh/ngày. Vì vậy, Bình Dương cần có sự chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng ứng phó khi biến chủng Omicron xâm nhập và lan rộng trên địa bàn tỉnh.

Các thực nghiệm mới nhất đã cho thấy mũi 3 vắc xin Pfizer có khả năng ngăn chặn sự lây lan của biến chủng mới, mặc dù các loại vắc xin ngừa Covid hiện nay có thể kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa sự lây lan của biến chủng Omicron. Vì vậy, vắc xin là “vũ khí” tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của Omicron.

Các khuyến cáo của WHO để phòng ngừa biến chủng Omicron:

- Tiêm đủ liều vắc xin cơ bản, bổ sung và nhắc lại

- Chủ động làm xét nghiệm, khuyến khích làm test nhanh kháng nguyên tại nhà nhằm phát hiện sớm và chủ động báo với cơ quan y tế địa phương để kịp thời xây dựng phương án cách ly theo quy định.

- Một số biện pháp khác:

Thường xuyên mang khẩu trang.

Rửa tay sát khuẩn, súc miệng họng 2-3 lần/ngày.

Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát.

Thực hiện dinh dưỡng đủ chất và chế độ tập luyện khoa học là cách để tăng cường hệ miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của vi rút gây hại.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 và Nghị quyết số 145/NQ-CP ngày 19/11/2021 của Chính phủ về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19;

- Thông báo số 347/TB-VPCP ngày 22/12/2021 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính;

- Công điện số 1745/CĐ-TTg ngày 19/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, kiểm soát biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2;

- Công điện số 1815/CĐ-TTg ngày 26/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19; tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, ca tử vong do Covid-19;

- Quyết định số 2626/QĐ-BYT ngày 28/5/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành danh mục nhu cầu trang thiết bị, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu của các khu vực điều trị người bệnh Covid-19;

- Quyết định số 3616/QĐ-BYT ngày 29/7/2021 về việc ban hành Đề án tăng cường năng lực hồi sức tích cực;

- Quyết định số 4038/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà”;

- Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19;

- Quyết định số 4111/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu hướng dẫn thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng;

- Quyết định số 4349/QĐ-BYT ngày 10/9/2021 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn triển khai Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng; Công văn số 6226/UBND-VX ngày 02/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc bổ sung nhiệm vụ cho Tổ Covid cộng đồng;

- Quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 06/10/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19;

- Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày 01/12/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị;

- Công điện số 1988/CĐ-BYT ngày 06/12/2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trước biến chủng mới (Omicron) của vi rút SARS-CoV-2;

- Công điện số 2146/CĐ-BYT ngày 22/12/2021 của Bộ Y tế về việc tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19;

- Công điện số 22/CĐ-BYT ngày 05/01/2022 của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trước biến thể mới (Omicron) của vi rút SARS-CoV-2;

- Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 06/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương về chế độ hỗ trợ đối với Tổ Covid cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bình Dương;

- Các văn bản chỉ đạo có liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh.

III. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích:

Triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 ngăn chặn, phòng ngừa các biến chủng SARS-CoV-2 có nguy cơ cao, đặc biệt là biến chủng Omicron xâm nhập, lan rộng trên địa bàn tỉnh Bình Dương; đồng thời phát hiện sớm nhất sự xuất hiện của biến chủng Omicron, truy vết, cách ly, điều trị, quản lý, chăm sóc người bệnh Covid-19 kịp thời, hiệu quả.

2. Yêu cầu

- Huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia vào hoạt động phòng chống dịch nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.

- Chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản kiểm soát dịch, can thiệp kịp thời, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sức khỏe người dân và hoạt động kinh tế - xã hội nếu xuất hiện các biến chủng nguy hiểm của vi rút SARS-CoV-2 tại tỉnh Bình Dương.

- Tổ chức truyền thông nguy cơ đúng mức, phù hợp và hiệu quả về công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là về biến chủng Omicron đến người dân và cộng đồng.

- Giải quyết tốt chế độ chính sách cho người bệnh, người tham gia hoạt động phòng chống dịch.

IV. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác chỉ đạo

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại các công ty/doanh nghiệp/cơ quan, tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là các biến chủng mới.

- Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp chỉ đạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia vào hoạt động phòng chống dịch; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các hướng dẫn của Bộ Y tế về chủ động phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là biến chủng Omicron; chủ động xây dựng kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 trên địa bàn.

2. Công tác phát hiện, truy vết các trường hợp nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là biến chủng Omicron

2.1. Củng cố hệ thống giám sát, phát hiện tại các địa phương trong tỉnh:

a) Kiện toàn các Tổ Covid cộng đồng tại các xã/phường/thị trấn, Tổ An toàn Covid tại các cơ quan, đơn vị, hoạt động thực chất, hiệu quả.

- Ban Chỉ đạo các xã/phường/thị trấn kiện toàn các Tổ Covid cộng đồng tại địa phương, bổ sung nhiệm vụ quản lý, chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà theo hướng dẫn tại Công văn số 6226/UBND-VX ngày 02/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc bổ sung nhiệm vụ cho Tổ Covid cộng đồng. Thực hiện phương châm: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để giám sát, phát hiện các trường hợp có nguy cơ ra/vào địa phương, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch và tham gia quản lý, chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà, hỗ trợ cho Trạm Y tế/Trạm Y tế lưu động.

- Các công ty/doanh nghiệp/cơ quan: kiện toàn Tổ An toàn Covid, triển khai giám sát, phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại đơn vị; quản lý cán bộ/công chức/người lao động đi/về từ các quốc gia/địa phương có dịch, nhất là các quốc gia/địa phương có biến chủng Omicron; triển khai xét nghiệm test nhanh phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, xử lý kịp thời.

b) Tăng cường hoạt động giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, liên quan đến ca nhiễm biến chủng Omicron, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng.

c) Tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, nhất là các trường hợp nhập cảnh từ các quốc gia, địa phương đã xuất hiện biến chủng Omicron, lưu ý kiểm tra điều kiện lưu trú của các trường hợp này nhằm đảm bảo không tiếp xúc với người xung quanh khi mới nhập cảnh theo quy định.

d) Theo dõi, phân tích dữ liệu theo nhóm, chuỗi người nhiễm Omicron để đánh giá mức độ lây nhiễm, mức độ nặng, tử vong,...

2.2. Tăng cường hoạt động xét nghiệm phát hiện, định danh biến chủng Omicron

- Khuyến khích các cơ sở y tế, các công ty/doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thực hiện xét nghiệm test nhanh phát hiện các trường hợp nhiễm Covid-19.

- Chỉ đạo việc cấp phép xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 cho các đơn vị đủ điều kiện.

- Phối hợp Viện Pasteur TP. HCM để gửi mẫu các trường hợp nghi ngờ để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gene phát hiện biến chủng Omicron.

3. Phân loại nguy cơ và định hướng xử trí, cách ly và điều trị ca bệnh

Thực hiện đánh giá phân loại các đối tượng nguy cơ theo Công điện số 1815/CĐ-TTg ngày 26/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19, tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, ca tử vong do Covid-19 và Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày 01/12/2021 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly điều trị ngay từ cơ sở và xử lý kịp thời, phù hợp.

4. Xử lý các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh (F1)

Các trường hợp F1 liên quan ca nhiễm biến chủng Omicron: Được bố trí cách ly tại nhà/nơi lưu trú. Trạm Y tế/Trạm Y tế lưu động theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm.

Thực hiện cách ly y tế 07 ngày tại nhà, nơi lưu trú (nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú), tự theo dõi sức khoẻ trong 07 ngày tiếp theo.

Tuân thủ 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế đế theo dõi và xử trí theo quy định; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR hoặc xét nghiệm bằng kháng nguyên nhanh 02 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7).

Nếu phát hiện trường hợp dương tính thì thực hiện cách ly, theo dõi, quản lý và điều trị tại nhà, nơi cư trú hoặc cơ sở điều trị thích hợp theo quy định.

- Giấy chứng nhận hoàn thành cách ly do Trạm Y tế tại địa phương hoặc Trạm Y tế lưu động (đồng ký với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 công ty/doanh nghiệp có người bệnh Covid-19) cấp.

5. Chuẩn bị sẵn sàng các khu điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, đáp ứng 4.000-5.000 ca bệnh/ngày, có thể tăng đến 8.000-10.000 ca bệnh/ngày:

5.1. Trường hợp 4.000 - 5.000 ca bệnh/ngày:

Với thời gian điều trị trung bình 10 ngày, cần chuẩn bị 40.000-50.000 giường bệnh, trong đó gồm:

- 95% (38.000 - 47.500 trường hợp cách ly tại nhà/nơi lưu trú): Dành cho các trường hợp nhẹ, không triệu chứng.

- 5% (2.000-2.500 giường): Dành cho bệnh nhân tầng 2 (tại các huyện/thị/thành phố); các bệnh viện ngoài công lập và tầng 3 (kể cả ICU, khoảng 0,5%), tại: BVĐK tỉnh, BVĐK quốc tế Becamex.

5.2. Trường hợp 8.000 - 10.000 ca bệnh/ngày:

Với thời gian điều trị trung bình 10 ngày, cần chuẩn bị 80.000 - 100.000 giường bệnh, quá khả năng đáp ứng của ngành Y tế:

- Đề xuất giãn cách xã hội.

- Tập trung điều trị cho bệnh nhân tầng 2, 3 (kể cả ICU) tại các huyện/thị/thành phố và BVĐK tỉnh, BVĐK quốc tế Becamex.

6. Phát huy vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng, Trạm Y tế lưu động

- Nâng cao, củng cố năng lực hệ thống y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, năng lực cung cấp oxy y tế theo phương châm 4 tại chỗ và phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế cho Tổ Covid-19 cộng đồng, Trạm Y tế lưu động.

- Không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với nhân viên y tế, không được tư vấn, theo dõi, cấp phát thuốc điều trị, diễn tiến nặng dẫn đến tử vong do không tiếp cận được dịch vụ y tế.

- Các địa phương chủ động trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm các mô hình hay để triển khai hiệu quả tại địa phương, địa bàn dân cư của mình; xây dựng Tổ Covid-19 cộng đồng, Trạm Y tế lưu động phối hợp cùng Trạm Y tế truyền thống tạo thành một hệ thống hỗ trợ công tác phòng, chống dịch lâu dài trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài và có thể xuất hiện thêm nhiều biến chủng mới.

7. Tăng cường công tác tiêm chủng

- Tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân tham gia công tác tiêm chủng vắc xin bằng nhiều hình thức, nhấn mạnh lợi ích của tiêm chủng vắc xin trong việc giảm nguy cơ nhiễm vi rút SARS-CoV-2, giảm nguy cơ chuyển nặng của bệnh dẫn đến tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý nền, người cao tuổi.

- Chủ động trong việc đảm bảo cung cấp đủ vắc xin Covid-19 cho các đơn vị, địa phương; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vét (mũi 1, mũi 2), tiêm mũi 3 cho các đối tượng thuộc diện tiêm chủng đảm bảo bao phủ 100% dân số tiêm đủ 2 mũi trong tháng 01/2022, ít nhất 95% dân số được tiêm mũi 3 trong tháng 3/2022.

- Đa dạng hóa các hình thức tiêm chủng theo hướng dẫn, đảm bảo thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể (tổ chức xe tiêm chủng lưu động, tiêm chủng tại nhà,...). Giao chỉ tiêu cụ thể số lượng các mũi tiêm cho từng đơn vị, địa phương theo thời gian cụ thể, hợp lý vừa đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin theo kế hoạch đề ra vừa đảm bảo an toàn tiêm chủng không để xảy ra sự cố tiêm chủng.

- Bố trí tiêm chủng cho các đối tượng thuộc nhóm thận trọng tiêm chủng tại các điểm tiêm đủ điều kiện cấp cứu phản ứng sau tiêm kịp thời (đối với cơ sở không đủ điều kiện, chủ động liên hệ các bệnh viện tuyến tỉnh, cơ sở y tế tư nhân để hỗ trợ, phối hợp triển khai). Chú trọng việc đảm bảo an toàn tiêm chủng đối với các trường hợp người cao tuổi, người mắc các bệnh lý nền.

- Đối với trường hợp từ chối không đăng ký tham gia tiêm chủng sau khi vận động, yêu cầu người dân thực hiện: Ký cam kết tuân thủ thực hiện nghiêm các quy định về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lây lan dịch COVID-19 do không tham gia tiêm chủng.

8. Thanh tra, kiểm tra công tác phòng chống dịch; thực hiện chế độ, chính sách cho người bệnh, nhân viên phục vụ phòng chống dịch

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe, cơ sở giáo dục, trường học,...yêu cầu thực hiện nghiêm nhiệm vụ phòng chống dịch xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch.

- Tham mưu Ban Chỉ đạo các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách cho người bệnh, nhân viên phục vụ phòng chống dịch.

- Thực hiện chi trả BHXH, BHYT một cách kịp thời, đúng quy định.

- Khen thưởng kịp thời và nêu gương điển hình cho các tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch.

9. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin

Áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý người dân, trong hoạt động truy vết, tiêm chủng, báo cáo phòng chống dịch, nhập dữ liệu người bệnh,...

10. Tiếp tục duy trì các biện pháp phòng bệnh khác:

- Nâng cao cảnh giác của người dân trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là biến chủng Omicron, không tụ tập đông người khi không cần thiết, thực hiện nghiêm 5K trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt những người nhập cảnh và gia đình phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, không ra khỏi nơi lưu trú, xét nghiệm khi mới nhập cảnh theo quy định.

- Tổ chức truyền thông hướng dẫn và truyền thông nguy cơ kịp thời, nhanh chóng, phù hợp, hiệu quả theo đúng các hướng dẫn và quy định về truyền thông phòng chống dịch bệnh.

- Tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế.

- Tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.

11. Thông tin, báo cáo

- Thường xuyên truy cập thông tin từ các trang tin điện tử chính thống như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Châu Âu (ECDC), Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S.CDC), Bộ Y tế... để cập nhật tình hình và thông báo đến người dân, cộng đồng.

- Thực hiện đúng chế độ về thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm hàng ngày kết quả giám sát, điều tra, phòng chống dịch Covid-19 về Sở Y tế (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và hệ thống các cấp y tế) và Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, email: baocaobtn@gmail.com) theo quy định.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế:

- Chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là biến chủng Omicron xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo triển khai xét nghiệm, cách ly, điều trị cho các trường hợp bệnh (F0) và các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron (F1) theo quy định, trường hợp vượt thẩm quyền thì tham mưu BCĐ giải quyết.

- Tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo hoạt động tiêm ngừa vắc xin trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu báo cáo tình hình dịch bệnh Covid-19 cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, BCĐ Quốc gia.

- Thường xuyên cập nhật các thông tin về tình hình lây nhiễm biến chủng Omicron trên thế giới cũng như tại Việt Nam; các bằng chứng khoa học về khả năng lây nhiễm, khả năng đáp ứng với vắc xin và khả năng gây bệnh của biến chủng Omicron để thông tin rộng rãi đến người dân và cộng đồng, đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch một cách hiệu quả.

- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện việc giải trình tự gen đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron.

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trong ngành thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch; tiếp tục phối hợp, hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị huyện, thị xã, thành phố để triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch.

- Chỉ đạo hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh về công tác phát hiện, truy vết, cách ly, điều trị...người bệnh (F0) và các trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm biến chủng Omicron.

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện việc phân luồng, kiểm soát người ra vào khám, chữa bệnh, đảm bảo công tác phòng hộ cho đội ngũ y bác sỹ nhằm không để lây nhiễm chéo dịch bệnh. Chuẩn bị khu cách ly đủ giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị cũng như nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống.

- Chủ động dự báo sát, đúng diễn biến tình hình dịch bệnh để xây dựng các phương án sẵn sàng triển khai giường bệnh để thu dung điều trị người bệnh tầng 2, tầng 3 trong tình huống dịch bệnh tiếp tục gia tăng nhanh. Tham mưu xây dựng kế hoạch dự trù kinh phí, các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc men,... đảm bảo đủ phục vụ cho công tác phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả; tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng bị động hoặc gây thất thoát lãng phí trong mọi tình huống.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19 các đối tượng ưu tiên, đối tượng nguy cơ cao theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Phối hợp Sở Tài chính tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh kinh phí phòng chống dịch theo kế hoạch.

- Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, BHXH tỉnh tham mưu Ban Chỉ đạo về chế độ chính sách cho người bệnh và nhân viên phục vụ phòng, chống dịch theo các quy định hiện hành.

- Phối hợp Bộ CHQS tỉnh trong việc vận chuyển, cách ly các trường hợp bệnh (F0) và các trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm biến chủng Omicron.

- Phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ động phối hợp Sở Ngoại vụ, Sở Y tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh về hoạt động nhập cảnh của người nước ngoài theo phân cấp quản lý.

- Phối hợp Sở Y tế, Sở Tài chính, BHXH, các địa phương giải quyết chế độ chính sách cho người bệnh và nhân viên phục vụ phòng chống dịch theo quy định hiện hành.

- Phối hợp Ban QLKCN tỉnh, Sở Công thương và Liên đoàn Lao động tỉnh trong việc hướng dẫn công nhân, lao động di chuyển cho phù hợp trong tình huống dịch bệnh phát sinh theo đúng quy định.

- Chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các cơ sở dạy nghề, giáo dục chuyên nghiệp, các cơ sở bảo trợ xã hội...trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch, trường hợp vượt thẩm quyền thì tham mưu BCĐ xem xét, quyết định.

3. Sở Ngoại vụ:

- Chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh về hoạt động nhập cảnh của người nước ngoài theo phân cấp quản lý.

- Tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh giải quyết hồ sơ các trường hợp nhập cảnh đặc biệt: Khách của Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh, người có cấp hàm ngang Thứ trưởng trở lên, người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư với tỉnh; chuyên gia nước ngoài là đối tác khách mời của các doanh nghiệp vào tìm hiểu thị trường, ký kết hợp tác đầu tư, dự hội nghị, hội thảo làm việc ngắn hạn tại Bình Dương; thăm thân và người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng thân nhân (theo nhóm thị thực tương ứng DN2, HN, VR) và một số trường hợp đặc biệt khác trên lĩnh vực đối ngoại, nhân đạo (khám chữa bệnh, thai sản...).

- Phổ biến, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho người nước ngoài đến Việt Nam.

4. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp Sở Y tế tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh về kế hoạch kinh phí phòng chống dịch theo Kế hoạch.

- Phối hợp Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH tỉnh tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh về chế độ chính sách cho người bệnh và nhân viên phục vụ phòng chống dịch theo các quy định hiện hành.

- Chủ động, phối hợp Sở Y tế và các ngành liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tự, trang thiết bị...phục vụ phòng chống dịch theo đúng thẩm quyền quy định.

5. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng chống dịch.

- Chỉ đạo các cơ quan báo, đài thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh cũng như phổ biến cách làm hay, gương điển hình trong công tác phòng, chống dịch.

- Phối hợp với Sở Y tế tổ chức truyền thông rộng rãi để người dân và cộng đồng hiểu đúng và cùng hợp tác với cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có biến chủng Omicron.

- Phối hợp với cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn kịp thời những thông tin xấu, lệch lạc liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh trong đó có phòng, chống biến chủng Omicron, tránh gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả phòng, chống dịch.

6. Ban Quản lý các khu công nghiệp:

- Phối hợp Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Ngoại vụ tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh về hoạt động nhập cảnh của người nước ngoài liên quan đến doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

- Chỉ đạo về công tác phòng chống dịch tại các công ty/doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp, trường hợp vượt thẩm quyền thì tham mưu BCĐ quyết định.

7. Liên đoàn Lao động tỉnh:

- Phối hợp các ngành liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh giải quyết chế độ chính sách cho đoàn viên công đoàn, người lao động trên địa bàn tỉnh theo quy định.

- Phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các khu công nghiệp, Sở Công thương các đơn vị liên quan trong việc hướng dẫn công nhân, lao động di chuyển cho phù hợp trong tình huống dịch bệnh phát sinh theo đúng quy định.

8. Sở Giao thông vận tải:

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn, tổ chức hoạt động giao thông vận tải trong thời gian dịch bệnh cho phù hợp tình hình dịch bệnh theo quy định.

- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để vận chuyển bệnh nhân F0 hoặc người tiếp xúc gần theo yêu cầu của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

- Chủ động phương tiện vận chuyển người bệnh (F0) và vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch khi dịch bùng phát, lan rộng.

9. Sở Công thương:

- Tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh về hoạt động kinh doanh, lưu thông hàng hóa trên thị trường khi bùng phát dịch; tham mưu các hoạt động đảm bảo bình ổn thị trường, cứu trợ khi dịch lan rộng.

- Chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các cơ sở kinh doanh hàng hóa: Chợ, siêu thị, nhà hàng...theo thẩm quyền.

- Tăng cường kiểm tra, quản lý xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng khan hiếm hàng hóa trên thị trường hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với trang thiết bị y tế, dụng cụ bảo hộ (khẩu trang, găng tay...) để bảo vệ sức khỏe, nhằm phòng chống dịch hiệu quả.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị có liên quan đảm bảo cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho Nhân dân trong trường hợp phải cách ly, phong tỏa do dịch bệnh.

10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh về tổ chức các hoạt động Lễ hội, văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh.

- Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch theo thẩm quyền.

- Chỉ đạo các công ty du lịch, các khách sạn tổ chức tập huấn và thực hiện công tác phòng, chống dịch, công tác đảm bảo An toàn vệ sinh thực phẩm cho cán bộ, nhân viên nhất là nhân viên phục vụ ăn, uống.

- Chỉ đạo các công ty du lịch, các khách sạn thông báo kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch và hành trình của các đoàn khách đến từ vùng có dịch cho cơ quan y tế địa phương để Sở Y tế chỉ đạo phối hợp giám sát và tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch.

- Chỉ đạo các khách sạn tổ chức tiếp nhận và cách ly y tế đúng quy định đối với người đến/về từ vùng dịch, thường xuyên liên hệ và báo cáo với y tế địa phương để giám sát sức khỏe.

11. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong trường học, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện công tác vệ sinh môi trường khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh, thông thoáng lớp học; chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch khi học sinh trở lại đi học trực tiếp.

- Phối hợp với ngành Y tế triển khai hiệu quả chiến dịch tiếm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho lứa tuổi học sinh nhanh nhất, an toàn nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Thực hiện tốt công tác y tế trường học (quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh), công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học khi học sinh trở lại đi học trực tiếp.

- Tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh học sinh về dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch trong nhà trường; khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng. Phổ biến kiến thức phòng, chống dịch bệnh trên bảng tin của các trường học.

- Cung cấp kịp thời thông tin về trường hợp học sinh mắc COVID-19 trong trường học cho ngành Y tế để phối hợp xử lý.

12. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chỉ đạo các công ty môi trường đô thị triển khai tốt công tác thu gom, quản lý, xử lý các nguồn chất thải, rác thải sinh hoạt và rác thải y tế đặc biệt với rác thải y tế có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại các cơ sở y tế, các cơ sở thu dung điều trị F0 và tại các hộ gia đình có F0 được quản lý, chăm sóc, điều trị trên địa bàn tỉnh.

- Quản lý môi trường, nguồn nước: Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn nước thải, đảm bảo nguồn nước thải được xử lý tốt trước khi xả thải ra môi trường.

13. Sở Khoa học - Công nghệ

- Khuyến khích triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh.

- Phổ biến và áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực phòng, chống dịch.

14. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Phối hợp Sở Y tế, các ngành liên quan trong hoạt động vận chuyển, cách ly người bệnh và người tiếp xúc gần (F1) với người nhiễm biến thể Omicron; đảm bảo an ninh trật tự tại các khu cách ly, khu điều trị.

- Tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các đơn vị quân đội, nhất là công tác tuyển quân năm 2022.

15. Công an tỉnh:

- Phối hợp Sở Y tế, các ngành liên quan trong hoạt động truy vết các trường hợp tiếp xúc gần (F1) với người nhiễm biến thể Omicron; đảm bảo an ninh trật tự tại các khu cách ly, khu điều trị.

- Tăng cường các biện pháp giám sát tại địa bàn dân cư kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm hoạt động nhập cảnh, cư trú trái phép nhất là tại các địa bàn, khu vực trung tâm, tập trung đông người nước ngoài làm việc, sinh sống phối hợp với địa phương và y tế để tiến hành cách ly kiểm dịch, xét nghiệm theo quy định.

- Tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không đúng về tình hình dịch gây hoang mang trong cộng đồng và các trường hợp không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

- Tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các đơn vị công an, các trại giam, tạm giam, tạm giữ trên địa bàn tỉnh.

16. Bảo hiểm xã hội tỉnh:

Phối hợp với Sở Y tế trong thanh toán chi phí xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 theo quy định.

17. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 đặc biệt là biến chủng Omicron trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.

- Triển khai đầy đủ và hiệu quả các nội dung truyền thông phòng, chống biến chủng Omicron; phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

- Triển khai kế hoạch tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19 an toàn, hiệu quả đúng đối tượng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh và hướng dẫn của Sở Y tế.

- Chỉ đạo toàn diện các ban, ngành trong công tác phòng chống dịch tại địa phương, theo phương châm “4 tại chỗ”, theo nhiệm vụ được phân công.

- Huy động lực lượng của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội tham gia vào công tác phòng, chống dịch.

- Chỉ đạo ngành Y tế phối hợp các ngành liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là biến chủng Omicron tại địa phương.

- Bố trí kinh phí phòng chống dịch tại địa phương từ nguồn kinh của địa phương và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch của tuyến xã.

- Giải quyết chế độ, chính sách phòng chống dịch cho các đối tượng nhanh chóng, kịp thời, phù hợp theo các quy định hiện hành.

18. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:

- Phối hợp với ngành Y tế và các Sở, ngành trong chỉ đạo tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch.

- Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho thành viên, hội viên các cấp Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tăng cường công tác giám sát và tích cực tham gia, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

- Tổ chức vận động, hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn cho các tổ chức, người dân.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- UBND tỉnh bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch cấp tỉnh trên cơ sở đề xuất của Sở Tài chính.

- UBND huyện, thị xã, thành phố cân đối bố trí kinh phí cho công tác tổ chức, triển khai phòng, chống dịch trên địa bàn theo quy định từ nguồn kinh phí của địa phương và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí cho công tác này theo phương châm “4 tại chỗ...

Trên đây là Kế hoạch phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 (Omicron) trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể, Thủ trưởng các Sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Y tế để tổng hợp)./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCTUBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành trong tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP, Tùng, TH;
- Lưu: VP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Lộc Hà

 

DỰ KIẾN KINH PHÍ ĐIỀU TRỊ TRONG KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG BIẾN CHỦNG OMICRON TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH (ƯỚC TÍNH CHO 3 THÁNG)

Đơn vị tính: Triệu VNĐ

Nội dung

Tầng 1 (bao gồm cả cách ly tại nhà) 95% trường hợp bệnh

Tầng 2

4,5% trường hợp bệnh

Tầng 3

0,5% trường hợp bệnh

Tổng cộng

I. chi phí điều trị

 

 

 

 

Chi phí điều trị/01 trường hợp/ngày

0,44

4,2

10,44

 

Chi phí điều trị 4.000-5.000 trường hợp/ngày

1.672-2.090

756-945

208.8-261

2.637-3.296

Chi phí điều trị 3 tháng

150.480-188.100

68.040-85.050

18.792-23.490

237.312-296.640

Chi phí điều trị 8.000-10.000/ngày

3.344-4.180

1.512-1.890

418-522

5.274-6.592

Chi phí điều trị 3 tháng

300.960-376.200

136.080-170.100

37.620-46.980

474.660-593.280

II. Chi phí vật tư, trang thiết bị kèm theo

 

 

 

 

1. 4.000-5.000 trường hợp/ngày

 

 

 

 

Đồ bảo hộ

11

56

334

401

Test nhanh

777

56

5

838

RT-PCR

56

56

223

335

Hóa chất khử khuẩn

50

25

10

85

Dự trù cho 3 tháng

80.460

17.370

51.480

149.310

2. 8.000-10.000 trường hợp/ngày

 

 

 

 

Đồ bảo hộ

33

112

556

701

Test nhanh

1.556

112

9

1.677

RT-PCR

112

112

445

669

Hóa chất khử khuẩn

100

50

17

167

Dự trù cho 3 tháng

162.090

34.740

92.500

289.330

 

UBND TỈNH BÌNH DƯƠNG
SỞ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/TTr-SYT

Bình Dương, ngày 18 tháng 01 năm 2022

 

TỜ TRÌNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG BIẾN CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT SARS-COV-2 (OMICRON) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

nh gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh cần có kế hoạch đáp ứng nguy cơ biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 (Omicron) xâm nhập vào địa bàn tỉnh;

Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch Covid-19;

Căn cứ tình hình thực tế về diễn biến dịch Covid-19 và khả năng đáp ứng của tỉnh đối với biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 (Omicron).

Sở Y tế đã tham mưu xây dựng dự thảo Kế hoạch phòng chống biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 (Omicron) trên địa bàn tỉnh; đồng thời Sở Y tế đã có Công văn số 48/SYT-NVY ngày 10/01/2022 gửi các Sở, ngành góp ý cho dự thảo Kế hoạch. Cho đến ngày 18/01/2022, Sở Y tế nhận được văn bản góp ý của các đơn vị: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ, Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Lao động tỉnh (góp ý trực tiếp vào dự thảo), Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An, Trung tâm Y tế thành phố Thủ Dầu Một, Trung tâm Y tế Bến Cát, Trung tâm Y tế Bàu Bàng, Trung tâm Y tế Bắc Tân Uyên.

Sở Y tế đã tổng hợp các ý kiến góp ý của các đơn vị vào dự thảo Kế hoạch phòng chống biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 (Omicron) trên địa bàn tỉnh.

* Đính kèm nội dung góp ý của các đơn vị.

Sở Y tế kính trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sớm ban hành Kế hoạch để chủ động ứng phó dịch bệnh Covid-19 khi biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 (Omicron) xâm nhập vào tỉnh.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- BGĐ SYT;
- Lưu VT, NVY (06).

GIÁM ĐỐC




Nguyễn Hồng Chương

 



1 Giai đoạn 1 (từ 23/01-24/7/2020) ghi nhận 415 ca mắc; Giai đoạn 2 (từ 25/7/2020-27/01/2021) ghi nhận 1.136 ca mắc; Giai đoạn 3 (28/01/2021-26/4/2021) ghi nhận 1.301 ca mắc; Giai đoạn 4 (từ 27/4/2021 đến nay) ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 404/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 (Omicron) trên địa bàn tỉnh Bình Dương

  • Số hiệu: 404/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 25/01/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Nguyễn Hồng Chương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản