Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 390/KH-UBND

Bến Tre, ngày 22 tháng 01 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2020-2025

Giáo dục mầm non (GDMN) là một phần trong hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi, tạo khởi đầu cho sự phát triển toàn diện của trẻ, đặt nền tảng cho các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời. Trong những năm gần đây, GDMN được xác định là vấn đề có tầm chiến lược lâu dài trong việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước. Vì vậy, việc chăm lo phát triển GDMN là trách nhiệm chung của các cấp chính quyền, mỗi ngành, mỗi gia đình và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Phần I

TỔNG KẾT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN GDMN GIAI ĐOẠN 2016-2020

Căn cứ Kế hoạch 3928/KH-UBND ngày 02/8/2016 của UBND tỉnh về phát triển GDMN trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020, sau 04 năm triển khai thực hiện, kết quả đạt được như sau:

1. Quy mô phát triển và mạng lưới GDMN

Tại thời điểm báo cáo, cấp học có 181 trường mầm non, mẫu giáo và 88 nhóm trẻ độc lập (có giấy phép thành lập), trong đó có 18 trường ngoài công lập. Mạng lưới trường, lớp mầm non được phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư.

- Tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng hàng năm1, năm học 2018-2019 huy động được 46.217 trẻ đến trường, lớp mầm non, trong đó có 4.124 cháu nhà trẻ (0-2 tuổi), tỷ lệ 13% và 42.093 cháu mẫu giáo (3-5 tuổi), tỷ lệ 80,4% so với trẻ trong độ tuổi. Riêng trẻ 5 tuổi huy động 18.891 trẻ, tỷ lệ 99,98%.

- Có 164 /164 xã, phường và 9/9 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em năm tuổi (tỷ lệ 100%); được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập GDMN trẻ năm tuổi (PC GDMNTNT) tại thời điểm tháng 12/2014.

- Thành lập mới: trường mầm non Rạng Đông, Ánh Dương, Bình Minh (thành phố Bến Tre), trường Mầm non Khu công nghiệp Giao Long (huyện Châu Thành) và 6 trường mầm non tư thục. Hiện tỉnh còn 2 xã, phường chưa có trường mầm non độc lập (Phường 4 và xã Mỹ Thành, thành phố Bến Tre).

2. Chất lượng GDMN

- Toàn tỉnh có 1.500 nhóm, lớp học 2 buổi/ngày theo Chương trình GDMN (tỷ lệ 100%). Trẻ em 5 tuổi được tổ chức các hoạt động giáo dục theo Bộ Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, tỷ lệ đạt yêu cầu chuẩn phát triển là 99,92 %, vượt 19,92% so mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Triển khai thí điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh cho hơn 2.000 trẻ 4-5 tuổi.

- Có 130 trường và 88 nhóm trẻ tổ chức bán trú với 34.354 trẻ 2, chiếm tỷ lệ 74,41%. Đảm bảo 100% trẻ đến trường được khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hàng năm giảm từ 2-3% so với đầu vào. Đánh giá cuối năm học 2018-2019, trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 0,48%; suy dinh dưỡng thể thấp còi 0,41%. Các cơ sở GDMN đều xây dựng kế hoạch và các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ.

Triển khai Chương trình Sữa học đường từ năm 2017, đến nay toàn tỉnh có 20.396 trẻ mầm non tham gia. Chính sách hỗ trợ cho tất cả trẻ tham gia chương trình gồm 25% từ nguồn xã hội hóa; trẻ em hộ nghèo, cận nghèo uống sữa miễn phí (ngân sách Nhà nước chi trả). Qua 3 năm có 3.203 trẻ được uống miễn phí.

- Kiểm định chất lượng giáo dục: Có 101 trường thực hiện đánh giá ngoài, trong đó 84 trường đạt cấp độ 1, 08 trường đạt cấp độ 2 và 09 trường cấp độ 3.

3. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý GDMN

Tổng số đội ngũ giáo viên mầm non (GVMN) có 2.905 người3, trong đó:

- Đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) là 406 người (trường công lập 375, tỷ lệ 92,36%). Trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên 100%; trên chuẩn (cao đẳng 75, đại học 313), tỷ lệ trên chuẩn 99,16% 4.

- Đội ngũ GVM: 2.420 người (trường công lập 2.057, tỷ lệ 85%). Tỷ lệ giáo viên trên lớp chung là 1,74. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 100%; trên chuẩn (cao đẳng 927, đại học 1231), tỷ lệ 86,73% .

4. Đầu tư tài chính, cơ sở vật chất

- Về đầu tư tài chính: Tập trung bố trí ngân sách, hàng năm kinh phí dành cho GDMN đạt từ 12,2% - 13,4% trong tổng chi ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục và đào tạo của tỉnh. Thực hiện chế độ miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ diện chính sách từ 2016 đến nay số tiền là 37.041 triệu đồng.

- Về đầu tư cơ sở vật chất: số phòng học kiên cố tăng, không có phòng học tranh tre. Toàn cấp học hiện có 1.528 phòng học (tăng 244 phòng, trong đó phòng kiên cố chiếm tỷ lệ 85,19%). Tỷ lệ phòng học có đủ bộ thiết bị, đồ đùng, đồ chơi tối thiểu phục vụ cho các hoạt động chăm sóc - giáo dục trẻ đạt trên 80%. Tỷ lệ sân chơi có đồ chơi ngoài trời đạt 100%. Tổng số trường có công trình vệ sinh đạt 100%, trong đó công trình vệ sinh đạt yêu cầu chiếm 94,18%. Công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia được đẩy mạnh gắn với mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới. Toàn tỉnh có 41 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 24,54%.

(Phụ lục 1 đính kèm)

5. Công tác xã hội hóa, huy động sự góp sức của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân tăng nguồn lực cho GDMN

Công tác triển khai thực hiện Kế hoạch số 5742/KH-UBND ngày 11/12/2017 về xã hội hóa đầu tư phát triển GDMN giai đoạn 2017-2020 đạt kết quả tốt. Bằng các chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với các nhà đầu tư, từ năm 2017 đến nay đã phát triển thêm 5 trường tư thục và 36 nhóm trẻ, nâng tổng số số trường ngoài công lập lên 18 trường với số học sinh 6.616, chiếm tỷ lệ 14,33% trong tổng số trẻ đến trường, lớp mầm non.

* Đánh giá chung:

- Kết quả nổi bật: Sau 5 năm thực hiện kế hoạch 3928/KH-UBND ngày 02/8/2016 của UBND tỉnh về Kế hoạch phát triển GDMN giai đoạn 2016-2020, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể cùng với sự nỗ lực của ngành giáo dục, mạng lưới GDMN phát triển tương đối hợp lý; tăng tỷ lệ huy động trẻ ở các độ tuổi và học 2 buổi/ngày theo chương trình GDMN. Các điều kiện đảm bảo chất lượng được tăng cường đáng kể. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý tăng nhanh về số lượng và trình độ đào tạo. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ có chuyển biến rõ nét, đáp ứng yêu cầu phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

- Hạn chế, bất cập và nguyên nhân:

+ Về qui hoạch mạng lưới trường lớp: Vẫn còn địa bàn chưa có trường mầm non công lập làm nòng cốt như Phường 6, Phường Phú Khương và 02 xã, phường chưa có trường mầm non độc lập mà chỉ có lớp mẫu giáo liên phường: Phường 4, xã Mỹ Thành (Thành phố Bến Tre).

+ Định mức giáo viên/ lớp chưa đủ theo quy định (chỉ đạt 1,74 so với quy định 2,2 đối với lớp mẫu giáo và 2,5 đối với nhóm trẻ), nguồn tuyển dụng khó khăn (tại thời điểm tháng 5/2019, tỉnh còn thiếu 797 giáo viên).

+ Số trường chuẩn quốc gia chưa đạt theo kế hoạch (40/163 trường công lập, tỷ lệ 24,54%, hụt 15,46%).

- Nguyên nhân hạn chế

+ Tỉnh chưa đủ cơ sở vật chất và biên chế giáo viên để phát triển thêm trường, lớp mầm non. Có khó khăn về quỹ đất trong việc mở rộng hệ thống phòng chức năng đáp ứng điều kiện trường chuẩn quốc gia.

+ Chỉ tiêu đào tạo GVMN hàng năm được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho tỉnh rất ít chưa đáp ứng được số lượng giáo viên đang hiện thiếu của tỉnh. Nguyên nhân do đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Cao đẳng Bến Tre thiếu so với quy định/sinh viên.

+ Một số dự án đầu tư trường mầm non theo kế hoạch xã hội hóa đầu tư phát triển GDMN chậm thực hiện do vướng thủ tục quy định chuyển đổi mục đích sử dụng đất; một số chính sách khuyến khích trong kế hoạch xã hội hóa khó triển khai do có sự thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Phần II

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN GDMN GIAI ĐOẠN 2020-2025

I. CÁC CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 03/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển GDMN giai đoạn 2018-2025;

- Chương trình hành động số 33-CTr/TU ngày 27/01/2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

- Kế hoạch số 1564/KH-UBND ngày 11/4/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 26/01/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;

Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển GDMN giai đoạn 2020-2025 với những nội dung sau:

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Đa dạng hóa các phương thức, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng đạt chuẩn chất lượng GDMN trong khu vực và quốc tế; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp Một; phát triển GDMN cho trẻ em dưới 5 tuổi.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Về quy mô, mạng lưới trường lớp: Phát triển mạng lưới trường lớp mầm non, bảo đảm đến năm 2025, huy động được ít nhất là 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 90% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường. Tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở GDMN ngoài công lập chiếm từ 20% trở lên.

(Phụ lục 2 đính kèm).

- Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ: Phấn đấu đến năm 2025, có 99,50% nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,3%/năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,2%/năm, tỷ lệ trẻ em thừa cân - béo phì được khống chế.

- Về đội ngũ giáo viên: Phấn đấu đến năm 2025, đủ số lượng GVMN theo quy định, trên 90% GVMN đạt trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên.

(Phụ lục 3 đính kèm)

- Về cơ sở vật chất, trường lớp: Phấn đấu đến 2025, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 90%, có ít nhất 74,3% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; có ít nhất 95% số trường mầm non được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó có 75% đạt cấp độ 2 trở lên.

- Về phổ cập GDMN: Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

Tiếp tục quán triệt Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Chương trình hành động số 33-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; hưởng ứng phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” theo Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 07 tháng 01 năm 2015 của Tỉnh ủy, ngành Giáo dục và Đào tạo tập trung tạo bước đột phá trong đổi mới giáo dục nói chung và GDMN nói riêng bằng các giải pháp sau:

1. Thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển GDMN

a) Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDMN trên địa bàn tỉnh theo quy định và hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương;

b) Xây dựng một số chính sách riêng của tỉnh và các huyện, thành phố phù hợp với kinh tế - xã hội của địa phương để thúc đẩy phát triển GDMN.

c) Thực hiện nghiêm túc chế độ làm việc của GVMN, rà soát định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở GDMN công lập theo quy định hiện hành để có chính sách hỗ trợ phù hợp.

2. Huy động nguồn lực tài chính cho phát triển GDMN

a) Ưu tiên ngân sách chi cho các hoạt động của GDMN trong phạm vi ngân sách được giao theo phân cấp.

b) Tích cực huy động và tranh thủ các nguồn lực, lồng ghép kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, các chương trình dự án khác và nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi cho GDMN nhằm bảo đảm các điều kiện thực hiện đổi mới nội dung, chương trình GDMN; các chính sách cho đội ngũ giáo viên, nhân viên và trẻ mẫu giáo theo quy định hiện hành. Cụ thể:

- Xây dựng dự toán đảm bảo ngân sách chi cho GDMN theo tỷ trọng thực hiện các hoạt động chuyên môn đảm bảo tỉ lệ 82-18.

- Xây dựng và triển khai kế hoạch kinh phí bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các trường mầm non, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục GDMN và thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

- Tiếp tục đầu tư kinh phí thực hiện công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi nhằm duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập.

- Đảm bảo kinh phí thực hiện chế độ chính sách cho giáo viên và trẻ khuyết tật học hòa nhập trong các cơ sở GDMN theo quy định hiện hành.

c) Điều chỉnh, bổ sung chính sách và xây dựng giải pháp khuyến khích các nhà đầu tư phát triển trường mầm non ngoài công lập.

3. Đổi mới công tác quản lý GDMN

a) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc phát triển GDMN; đưa mục tiêu phát triển GDMN vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hàng năm;

b) Thực hiện đổi mới công tác quản lý các cơ sở GDMN; nâng cao năng lực tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDMN;

c) Thực hiện đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá của các cấp quản lý giáo dục bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh hình thức và giảm tải cho GVMN; xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy khả năng sáng tạo, trí tuệ trong tổ chức hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ, tạo động lực phấn đấu nâng cao chất lượng đội ngũ.

d) Quản lý phát triển GDMN ngoài công lập; kịp thời ban hành các văn bản quản lý, chỉ đạo; phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ chuyên môn để điều chỉnh, kịp thời thúc đẩy các cơ sở GDMN tư thục thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định.

e) Thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý GDMN và trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ.

4. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức của gia đình và cộng đồng đối với GDMN.

a) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng, gia đình về vai trò, vị trí của GDMN trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong phát triển nguồn nhân lực; về các chính sách đối với GVMN, đối với trẻ em và các nhà đầu tư phát triển GDMN.

b) Xây dựng kế hoạch thông tin và truyền thông; xây dựng chuyên trang, chuyên mục về GDMN trên các phương tiện truyền thông, báo chí, website của ngành và các trường mầm non trong toàn tỉnh.

5. Đổi mới nội dung, chương trình GDMN

a) Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp để đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình GDMN; phát triển các điều kiện và hoạt động của trường mầm non theo các tiêu chí của trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường giáo dục, an toàn, lành mạnh, thân thiện;

b) Triển khai thực hiện đổi mới hoạt động chuyên môn trong nhà trường; đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp, hình thức GDMN; rà soát, đánh giá về chương trình GDMN; vận dụng các phương pháp GDMN tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.

c) Tổ chức triển khai tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình GDMN phù hợp với điều kiện từng địa phương. Tăng cường hỗ trợ chuyên môn cho các nhóm lớp độc lập tư thục. Tổ chức cho trẻ em làm quen với ngoại ngữ và tin học ở những nơi có điều kiện;

d) Phối hợp với đơn vị liên quan phát hiện sớm, can thiệp sớm đối với trẻ em có nguy cơ chậm phát triển và trẻ em khuyết tật; đẩy mạnh giáo dục hòa nhập đối với trẻ em khuyết tật. Nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật được giáo dục hòa nhập trong trường mầm non.

6. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ mầm non

a) Huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho trẻ. Tăng cường phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì đối với trẻ mầm non thông qua chế độ chăm sóc dinh dưỡng phù hợp, kết hợp với giáo dục phát triển vận động.

Thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các giải pháp kế hoạch Phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025 của Kế hoạch số 5057/KH-UBND ngày 26/10/2018. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình Sữa học đường theo Quyết định số 2271/QĐ-UBND ngày 26/9/2017 của UBND tỉnh.

b) Lựa chọn, nhân rộng các mô hình phối hợp nhà trường, gia đình, cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non; tiếp tục phổ biến kiến thức và kỹ năng cơ bản về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ cho cha mẹ và cộng đồng.

c) Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an toàn cho trẻ tại các cơ sở GDMN theo quy định hiện hành.

7. Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho GDMN

a) Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường, lớp mầm non trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt theo Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình GDMN và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025, Kế hoạch 2271/KH-UBND tỉnh ngày 2/5/2018 về tổ chức sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDMN và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018-2020 và đến năm 2030. Các huyện, thành phố quy hoạch chi tiết và dành quỹ đất xây dựng cơ sở GDMN phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ đến trường/lớp mầm non.

b) Ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng các cơ sở GDMN công lập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực có khu công nghiệp, địa bàn đông dân cư có nhu cầu gửi trẻ cao nhưng chưa kêu gọi được nhà đầu tư theo phương thức xã hội hóa đầu tư cơ sở GDMN ngoài công lập.

c) Bảo đảm yêu cầu kiên cố hóa trường lớp và đủ 1 phòng/lớp: Xóa phòng học bán kiên cố xuống cấp. Đầu tư xây dựng mới, bổ sung các hạng mục công trình theo quy định theo hướng đạt chuẩn về cơ sở vật chất, cụ thể:

- Xây mới phòng học: 637 phòng.

- Hệ thống phòng chức năng: 151 phòng thể chất, 73 phòng nghệ thuật, 65 nhà bếp và 104 nhà kho.

d) Bổ sung đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu cho các nhóm, lớp: 23.219 bộ thiết bị tối thiểu và 400 bộ đồ chơi ngoài trời.

8. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDMN

a) Rà soát, đánh giá, phân loại, cân đối đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để phối hợp thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GVMN đáp ứng đổi mới GDMN, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN và bổ sung kịp thời số giáo viên còn thiếu.

Giai đoạn 2020-2025 cần bổ sung thêm nguồn 127 cán bộ quản lý và 1389 giáo viên, trong đó có 40 cán bộ quản lý và 797 giáo viên còn thiếu tính đến tháng 9/2019 và 87 cán bộ quản lý, 592 giáo viên theo kế hoạch phát triển trường lớp giai đoạn 2020-2025.

Bồi dưỡng nâng chuẩn 321 giáo viên có trình độ trung cấp lên cao đẳng (đạt chuẩn), 600 giáo viên từ cao đẳng lên đại học (trên chuẩn) theo Luật Giáo dục sửa đổi.

b) Xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, GVMN cốt cán; bồi dưỡng cán bộ quản lý, GVMN đạt chuẩn nghề nghiệp GVMN, chuẩn hiệu trưởng, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cán bộ quản lý, GVMN. Chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, nâng cao năng lực thực tiễn cho giáo viên.

9. Đẩy mạnh xã hội hóa GDMN

a) Tổ chức kêu gọi, huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong, ngoài nước tham gia phát triển GDMN;

b) Thực hiện nghiêm túc các cơ chế, chính sách về xã hội hóa giáo dục, nhất là các chính sách của tỉnh được quy định tại Quyết định số 10/2019/QĐ-UBND ngày 01/3/2019 về việc quy định chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, tín dụng, thuế và thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở GDMN phục vụ nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ của công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và của người dân ở những nơi tập trung đông dân cư;

c) Lựa chọn một số địa phương phù hợp để khuyến khích thực hiện cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm phát triển cơ sở vật chất cho GDMN; xây dựng cơ sở vật chất cho thuê với mức phí ưu đãi, khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở GDMN ngoài công lập; tạo điều kiện thuận lợi trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chuyển một số cơ sở GDMN công lập sang tự chủ kinh phí hoạt động ở những nơi có điều kiện;

10. Tăng cường hợp tác quốc tế và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong GDMN

a) Tranh thủ các nguồn đầu tư, tài trợ từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước để phát triển GDMN;

b) Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ quản lý, GVMN tham gia các hoạt động, các lớp đào tạo, bồi dưỡng với các chuyên gia về GDMN và giảng viên với các nước trong khu vực và quốc tế theo kế hoạch hợp tác của tỉnh và trung ương;

c) Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ quản lý, GVMN tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế về chăm sóc và phát triển trẻ em;

d) Phát triển đội ngũ chuyên gia về GDMN, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về GDMN.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch từ các nguồn: Ngân sách nhà nước: Từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo; lồng ghép từ nguồn vốn của các chương trình, dự án (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các dự án ODA, vốn trái phiếu Chính phủ) được cấp có thẩm quyền giao trong kế hoạch hàng năm của các bộ, ngành, địa phương theo phân cấp quản lý hiện hành cùng các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, cụ thể là các nguồn đã có dự toán trong kế hoạch sau:

- Chương trình Sữa học đường.

- Kế hoạch số 5057/KH-UBND về Phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học.

- Dự toán kinh phí thực hiện Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình GDMN và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025

- Nguồn vận động xã hội hóa theo Kế hoạch số 5742/KH-UBND về xã hội hóa đầu tư phát triển GDMN.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Căn cứ vào mục tiêu, nội dung của kế hoạch, các ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong giai đoạn 2020-2025 và cụ thể hóa trong kế hoạch hàng năm.

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai kế hoạch phát triển GDMN giai đoạn 2020-2025. Hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện nội dung tại kế hoạch này.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo, các sở ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nhà giáo và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và GVMN.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo, các sở ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai các chính sách phát triển GDMN hiện hành, kịp thời tham mưu UBND tỉnh quy định và cơ chế, chính sách phát triển GDMN phù hợp với yêu cầu thực tiễn và quy định của pháp luật.

d) Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông để tổ chức các hoạt động thông tin và truyền thông về GDMN.

đ) Theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện tại các đơn vị, địa phương; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố huy động các nguồn vốn hợp pháp hỗ trợ cho các chương trình, dự án về phát triển GDMN.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố bố trí kinh phí trong dự toán Ngân sách Nhà nước hằng năm theo quy định. Cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo, các ngành liên quan tham mưu đề xuất về chế độ, chính sách đãi ngộ thu hút nguồn lực đầu tư đối với GDMN. Hướng dẫn chuyển một số cơ sở GDMN công lập sang tự chủ kinh phí hoạt động ở những nơi có điều kiện.

4. Sở Nội vụ

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu giúp UBND tỉnh trình Bộ Nội vụ bổ sung số lượng người làm việc cho cấp học mầm non theo quy định.

b) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý và GVMN.

c) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thành phố triển khai các chính sách đối với GVMN phù hợp với luật pháp hiện hành.

5. Sở Y tế

Chủ trì, triển khai thực hiện các chương trình tiêm chủng, phòng bệnh cho trẻ; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt các chương trình sức khỏe, dinh dưỡng, chương trình Sữa học đường trong các trường lớp mầm non; phổ biến kiến thức, kỹ năng và cung cấp dịch vụ chăm sóc, giáo dục tại gia đình.

6. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo giám sát việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế và các chính sách xã hội khác đối với GVMN, đến việc bảo vệ quyền trẻ em trong lĩnh vực GDMN kể cả hệ thống ngoài công lập.

7. UBND các huyện, thành phố

a) Căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch. Hướng dẫn các xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện nội dung kế hoạch này.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan rà soát quy hoạch và sắp xếp mạng lưới trường, lớp trên địa bàn phù hợp với kế hoạch sử dụng đất từng giai đoạn.

c) Phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan triển khai thực hiện các chính sách phát triển GDMN, chính sách đối với cán bộ quản lý, GVMN phù hợp với chủ trương của Đảng, của Nhà nước.

d) Phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan để huy động và triển khai các nguồn vốn hợp pháp hỗ trợ cho các chương trình, dự án về phát triển GDMN.

đ) Theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch; kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện tại các đơn vị, địa phương; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện kế hoạch gửi Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

8. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

Tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ chăm sóc giáo dục trẻ em toàn diện, đặc biệt các trẻ, nhóm trẻ ngoài nhà trường, nhóm trẻ độc lập tư thục ở các khu công nghiệp; tăng cường phổ biến, cung cấp kiến thức chăm sóc, giáo dục trẻ đến từng gia đình.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tăng cường phối hợp trong công tác vận động, tuyên truyền, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch này đạt kết quả.

Trên đây là Kế hoạch phát triển GDMN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020- 2025, Trong quá trình thực hiện, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương, các sở, ngành liên quan để tính toán nhu cầu và quy mô đầu tư phù hợp, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Sau khi kết thúc thực hiện kế hoạch, giao Sở Giáo dục và Đào tạo tổng kết tình hình thực hiện và tham mưu đề xuất Kế hoạch thực hiện giai đoạn tiếp theo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ GD&ĐT;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo TU;
- Ban VHXH.HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Hội Phụ nữ tỉnh;
- Chánh, PCVP UBND tỉnh;
- Các Sở: GD&ĐT, KH&ĐT, Y tế, Tài chính, Nội vụ, LĐTB&XH;
- UBND các huyện, thành phố;
- Phòng: TH, KGVX, TCĐT;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đức

 

 



1 Số liệu so sánh với năm học 2015-2016: Nhà trẻ tăng 4,73%; Mẫu giáo tăng 5,72%; Học sinh ngoài công lập tăng 2943 trẻ, tỷ lệ tăng tăng 5,73%

2 Trẻ được tổ chức bán trú tăng 8.360 trẻ, tỷ lệ tăng 14,5 % so với năm học 2015-2016

3 Đội ngũ CBQL, GVMN tăng 633 người

4 Tỷ lệ trên chuẩn CBQL tăng 12,47%; giáo viên 30,12%

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 390/KH-UBND năm 2020 về phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025

  • Số hiệu: 390/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 22/01/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Nguyễn Văn Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/01/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản