Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 25 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 21/2/2017 của UBND tỉnh Lạng Sơn về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn;

Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn về mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2020 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, nhất là ở các địa bàn nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin và trợ giúp xã hội…).

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3% trở lên (riêng các huyện, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao phấn đấu giảm từ 4,5% trở lên); tập trung giảm hộ nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới;

b) Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống, giúp người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội trước hết là về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh... Để cải thiện điều kiện sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo do thiếu hụt các chiều tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản;

c) Cải thiện tốt hơn hệ thống hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới;

d) Hỗ trợ trên 8.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội;

đ) 100% người nghèo thiếu hụt thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), người cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT để giảm chiều thiếu hụt dịch vụ về y tế;

e) 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng chính sách được miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo và hỗ trợ chi phí học tập; thực hiện đồng bộ các chính sách khác về giáo dục và đào tạo theo quy định để giảm nhanh chiều thiếu hụt về giáo dục;

g) Bảo đảm 100% hộ nghèo, người nghèo có nhu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí, tạo điều kiện cho người nghèo hiểu biết quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo;

h) Hỗ trợ dạy nghề cho 1.000 lao động nông thôn1, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số;

i) Xây dựng và triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo có hiệu quả;

k) Tiếp tục hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh và tăng số hộ được sử dụng nước sạch để giảm chiều thiếu hụt về nước sạch và vệ sinh;

l) Các hộ dân được tiếp cận thông tin về chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kinh nghiệm sản xuất; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông; thực hiện hỗ trợ phương tiện nghe nhìn cho hộ nghèo thuộc dân tộc ít người, hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn để giảm chiều thiếu hụt về tiếp cận thông tin;

m) Bảo đảm 100% công chức phụ trách công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, người có uy tín tại cộng đồng, cán bộ đoàn thể xã được tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia của người dân để giúp phát triển cộng đồng.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI

1. Đối tượng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

2. Phạm vi: Kế hoạch được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, ưu tiên tập trung đầu tư cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; các thôn, các xã đặc biệt khó khăn; xã an toàn khu; xã biên giới; xã về đích xây dựng nông thôn mới năm 2020.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các Dự án trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã được Ngân sách Trung ương bố trí vốn năm 2020, bao gồm các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo năm 2020 gồm: Dự án hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; Chương trình 135; Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn đặc biệt khó khăn và các chính sách khác đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; Dự án nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo…

2. Tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư hạ tầng nước sạch, nhà vệ sinh,... cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa bàn 03 huyện Bình Gia, đình Lập, Văn Quan và một số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao thuộc các huyện khác để giảm chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của các hộ dân, tăng khả năng tiếp cận với các nhu cầu xã hội cơ bản.

3. Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm chuyển biến tích cực nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, vận động Nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững.

4. Lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

5. Mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân đối với các hoạt động của Chương trình từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch trong suốt quá trình thực hiện Chương trình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình giảm nghèo ở các cấp, phát huy quyền giám sát của người dân ở các vùng được hưởng lợi chương trình, dự án.

6. Trợ cấp thường xuyên cho đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo như người già cô đơn, trẻ mồ côi, người tàn tật, người đơn thân nuôi con nhỏ... theo quy định của Chính phủ. Trợ cấp đột xuất cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, bệnh hiểm nghèo.

7. Thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo chung, bao gồm:

a) Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo:

- Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo theo quy định; thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là hộ có người khuyết tật, chủ hộ là phụ nữ; xây dựng và triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030.

- Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở trường, lớp học, thiết bị, đào tạo giáo viên dạy nghề; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo. Các địa phương, đoàn thể vận động doanh nghiệp bảo trợ, nhận người nghèo vào làm việc để có thu nhập ổn định. Tạo điều kiện hỗ trợ xuất khẩu lao động đối với lao động nghèo có nhu cầu.

b) Hỗ trợ giáo dục và đào tạo:

- Thực hiện có hiệu quả chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nghèo ở các cấp học theo quy định hiện hành; tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên và các chính sách khác, nhất là sinh viên thuộc hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Khuyến khích xây dựng, mở rộng và nâng cao hiệu quả của “Quỹ Khuyến học”; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện mạng lưới trường, lớp học theo hướng đạt chuẩn ở các xã đặc biệt khó khăn.

c) Hỗ trợ y tế:

- Thực hiện có hiệu quả chính sách cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo sinh sống tại các huyện nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Hỗ trợ mua Bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ cận nghèo.

- Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, chính sách kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phòng chống dịch bệnh.

d) Hỗ trợ nhà ở:

Thực hiện có hiệu quả và đạt chỉ tiêu hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015.

đ) Thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý:

Tiếp tục thực hiện và triển khai hiệu quả Quyết định số 32/2016/QĐ- TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình. Tạo điều kiện cho người nghèo hiểu biết quyền, nghĩa vụ của mình, chủ động tiếp cận các chính sách trợ giúp của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo bền vững.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020 bao gồm: Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn lực hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành tỉnh

1.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Là cơ quan thường trực theo dõi, tổng hợp, tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo công tác giảm nghèo và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn tỉnh. Chủ trì phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan xác định đối tượng hỗ trợ; thực hiện chính sách dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ các đối tượng trợ giúp xã hội. Chủ trì phối hợp cùng các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố thực hiện theo dõi, tổng kết, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện kế hoạch theo định kỳ 06 tháng, 01 năm và đột xuất. Tham mưu kế hoạch kiểm tra công tác triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và nội dung tổ chức các cuộc họp định kỳ 6 tháng và 01 năm.

Trực tiếp phụ trách Dự án 5:“Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình giảm nghèo”; Tiểu dự án 4: Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và các hợp phần của tiểu dự án gồm hợp phần triển khai hoạt động nhân rộng mô hình giảm nghèo; hợp phần truyền thông giảm nghèo trong các Dự án 3 và Dự án 4.

1.2. Sở Kế hoạch và đầu tư

Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2020. Hướng dẫn thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo.

1.3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư, các cơ quan liên phân bổ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020. Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

1.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế về nông nghiệp. Triển khai lồng nghép các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa để người nghèo dễ tiếp cận và tham gia; hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và gia đình chính sách xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Hướng dẫn, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực từ Chương trình xây dựng nông thôn mới đầu tư cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện dự án và tổng hợp báo cáo theo quy định.

Trực tiếp phụ trách Dự án 3: “Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và chương tình 135”.

1.5. Ban Dân tộc tỉnh

Chủ trì, tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, đề án/Dự án hỗ trợ giảm nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, xã an toàn khu, xã biên giới; hướng dẫn, tổ chức thực hiện dự án, theo dõi, giám sát thực hiện dự án thành phần, tổng hợp và báo cáo theo quy định.

Trực tiếp phụ trách Dự án 2: “Chương trình 135”.

1.6. Sở Y tế

Tham mưu và trực tiếp chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, đối tượng có liên quan trong khám chữa bệnh; tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi trong việc tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng, vệ sinh môi trường, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em và người khuyết tật.

1.7. Sở Giáo dục và đào tạo

Tham mưu, phối hợp các ngành liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên con hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh trong giáo dục và đào tạo.

1.8. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ người có công theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

1.9. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành liên quan đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác giảm nghèo, triển khai dự án giảm nghèo về thông tin, hỗ trợ hộ nghèo, người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa tiếp cận thông tin và truyền thông.

Trực tiếp phụ trách Dự án 4:“Truyền thông và giảm nghèo về thông tin”.

1.10. Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh

Tham mưu Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016-2020 chỉ đạo, đôn đốc công tác xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã.

1.11. Cục Thống kê tỉnh

Chủ trì, phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thống kê, công bố tỷ lệ hộ nghèo hằng năm.

1.12. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình quân dân y kết hợp; mô hình giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng để hỗ trợ sản xuất, tạo thu nhập cho người nghèo ở xã biên giới; tăng cường cán bộ cho các xã biên giới; giúp người dân xây dựng nếp sống mới, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn.

1.13. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh

Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan quản lý vốn tín dụng ưu đãi có hiệu quả để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, trong đó tập trung cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định.

1.14. Các sở, ban, ngành khác của tỉnh

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp tham gia tổ chức thực hiện các chính sách, dự án Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình số 40/CTr-BCĐ ngày 21/3/2014 của Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh về Chương trình vận động giúp đỡ hộ nghèo, xã nghèo theo địa chỉ giai đoạn 2014 - 2020; Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 26/9/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020.

1.15. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội

Phối hợp tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác giảm nghèo; Tăng cường cán bộ cho các xã biên giới; vận động thanh niên, trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại xã biên giới, giúp người dân xây dựng nếp sống mới; Tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia học nghề, giải quyết việc làm, tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”; Chương trình vận động giúp đỡ hộ nghèo theo địa chỉ giai đoạn 2014-2020; phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020.

2. UBND các huyện, thành phố

- Xây dựng và triển khai kế hoạch giảm nghèo và định hướng giảm tỷ lệ hộ nghèo cụ thể trên địa bàn từng xã, phường, thị trấn để bảo đảm kế hoạch giảm nghèo chung trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh việc triển khai lựa chọn và thực hiện có hiệu quả dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo và Chương trình số 40/CTr-BCĐ ngày 21/3/2014 của Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh về Chương trình vận động giúp đỡ hộ nghèo, xã nghèo theo địa chỉ giai đoạn 2014 - 2020; Kế hoạch số 165/KH-UBND ngày 26/9/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2020.

- Tiếp tục vận động nguồn lực để xóa nhà tạm cho hộ nghèo, cải thiện nhà ở, ưu tiên hộ nghèo có người cao tuổi, người khuyết tật.

- Tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 09/5/2017 của UBND tỉnh về kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2017 - 2020.

- Tổ chức tốt việc xác định số hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo trong năm trên địa bàn quản lý; đánh giá đúng thực trạng nghèo trên địa bàn để có giải pháp phù hợp; tập trung nguồn lực hỗ trợ các hộ đăng ký thoát nghèo để đạt kế hoạch giảm nghèo trong năm, trong đó chú trọng đến các xã đăng ký hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

- Triển khai nghiêm túc việc quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội trên phần mềm quản lý MIS POSASOFT theo đúng hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Thông tư số 11/2019/TT- BLĐTBXH, ngày 17/7/2019 quy định về xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và giảm nghèo. Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch và tổng kết Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Thực hiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.

- Huy động nguồn lực tại chỗ, vận động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp để tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo. Thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, đề án trên địa bàn cho mục tiêu giảm nghèo. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả. Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, giám sát để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.

3. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Tiếp tục chỉ đạo, vận động các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, giúp đỡ huyện nghèo, xã nghèo, tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề và nhận lao động nghèo vào làm việc để tăng thu nhập cho hô nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, cac đơn vi liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này; trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) Để kịp thời chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBMTTQVN và các đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Văn phòng đPXDNTM tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- C, PVP UBND tỉnh, các Phòng CM;
- Lưu: VT, KG-VX (NCD).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Xuân Huyên

 

KẾ HOẠCH

GIẢM NGHÈO NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
(Kèm theo Kế hoạch số:    /KH-UBND ngày    /02/2020 của UBND tỉnh Lạng Sơn)

STT

Các huyện, thành phố

Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 09/01/2020 về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2019

Định hướng giảm nghèo năm 2020

Tổng số hộ dân

Hộ nghèo

Hộ cận nghèo

Tổng số hộ dân cư

Hộ nghèo

Hộ cận nghèo

Số hộ

Tỷ lệ

Số hộ

Tỷ lệ

Số hộ giảm trong năm

Số hộ còn lại cuối năm

Tỷ lệ cuối năm

Tỷ lệ giảm

Số hộ giảm trong năm

Số hộ còn lại cuối năm

Tỷ lệ cuối năm

Tỷ lệ giảm

(A)

(B)

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

(14)

1

Thành phố

28.099

53

0,19

61

0,22

28.124

8

45

0,16

0,03

15

46

0,16

0,05

2

Tràng định

15.758

1.747

11,09

1.609

10,21

15.772

437

1.310

8,31

2,78

161

1.448

9,18

1,03

3

Văn Lãng

13.517

1.196

8,85

1.306

9,66

13.529

299

897

6,63

2,22

137

1.169

8,64

1,02

4

Bình Gia

12.879

2.928

22,73

2.507

19,47

12.891

878

2.050

15,90

6,83

263

2.244

17,41

2,06

5

Bắc Sơn

17.062

2.071

12,14

1.403

8,22

17.077

518

1.553

9,10

3,04

147

1.256

7,35

0,87

6

Văn Quan

13.982

2.253

16,11

3.912

27,98

13.995

924

1.329

9,50

6,62

411

3.501

25,02

2,96

7

Cao Lộc

18.325

1.931

10,54

1.753

9,57

18.341

483

1.448

7,90

2,64

184

1.569

8,55

1,01

8

Lộc Bình

20.239

3.043

15,04

2.175

10,75

20.257

730

2.313

11,42

3,62

228

1.947

9,61

1,14

9

Chi Lăng

18.266

1.784

9,77

1.981

10,85

18.282

446

1.338

7,32

2,45

208

1.773

9,70

1,15

10

Đình Lập

7.436

1.312

17,64

1.000

13,45

7.443

472

840

11,28

6,36

105

895

12,03

1,42

11

Hữu Lũng

30.270

3.018

9,97

2.543

8,40

30.297

664

2.354

7,77

2,20

267

2.276

7,51

0,89

 

Cộng

195.833

21.336

10,89

20.250

10,34

196.009

5.859

15.477

7,90

3,00

2.127

18.123

9,25

1,09

 



1 Kế hoạch số 35/KH-UBND, ngày 21/02/2017 về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020 đề ra mục tiêu hỗ trợ đào tạo nghề cho 5.000 người/5 năm.