Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/KH-UBND

Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN NGHỀ VÀ LÀNG NGHỀ THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2017

Căn cứ Quyết định số 3164/QĐ-UBND ngày 01/7/2011 của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Hà Nội; Quyết định số 6186/QĐ-UBND ngày 09/11/2016 của UBND thành phố Hà Nội về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Hà Nội và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo;

Căn cứ kết quả đã đạt được về công tác phát triển nghề, làng nghề năm 2016, để tiếp tục triển khai công tác chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn Thành phố có hiệu quả, UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Hà Nội năm 2017 với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH

1. Tham mưu giúp Thành ủy, UBND Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 về Khuyến công; Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020; Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020; Chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố Hà Nội.

2. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện các mục tiêu, nội dung phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, kế hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành và của UBND Thành phố về phát triển nghề làng nghề; công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ tại các làng nghề; thực hiện tuyên truyền, quảng bá, hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường du lịch gắn với sản phẩm du lịch làng nghề.

- Tham mưu cho UBND Thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố Hà Nội cho phù hợp với các quy định hiện hành.

- Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển các sản phẩm làng nghề của địa phương thông qua việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhằm duy trì hoạt động sản xuất của làng nghề, tạo vị thế cho các sản phẩm làng nghề trên thị trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế có sức cạnh tranh sản phẩm nhập khẩu.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong năm 2017 trong đó chú trọng đến việc đào tạo nghề du lịch cho cộng đồng dân cư tại nơi có làng nghề truyền thống kết hợp du lịch.

- Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đầu tư vốn tín dụng ngân hàng cho các cơ sở làng nghề; mở rộng cho vay ngoại tệ, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng phát triển nghề và làng nghề.

- Tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 31/12/2015 và các chương trình, kế hoạch của UBND Thành phố về việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề cho khoảng 30.000 lao động (bao gồm cả nguồn khuyến công, khuyến nông và đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009); tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho khoảng 100 chủ doanh nghiệp là giám đốc, phó giám đốc các cơ sở sản xuất làng nghề.

- Hỗ trợ 10 dự án đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại các làng nghề (bao gồm cả nguồn khuyến công, khuyến nông và phát triển nông thôn).

- Hỗ trợ từ 10 - 15 làng nghề xây dựng và phát triển thương hiệu; hỗ trợ từ 8-10 làng nghề xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể.

- Hỗ trợ khoảng 480 cơ sở, doanh nghiệp tham gia 15 Hội chợ trong nước; 80 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tham gia 05 Hội chợ nước ngoài.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

TT

Nội dung

Thời gian hoàn thành

Cơ quan thực hiện

Cơ quan phối hợp

1

Tham mưu báo cáo UBND Thành phố tổ chức tổng kết công tác hoạt động năm 2016, triển khai Kế hoạch năm 2017 của Ban chỉ đạo phát triển nghề, làng nghề Hà Nội năm 2017.

Tháng 02/2017

Sở Công Thương

Các Sở, ngành là Thành viên Ban Chỉ đạo.

2

Tổ chức làm việc với các quận, huyện, thị xã về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề và kết quả triển khai, vướng mắc, giải pháp đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 31/2014/QĐ-UBND ngày 04/8/2014 của UBND Thành phố ban hành Quy định về chính sách khuyến khích phát triển nghề, làng nghề Thành phố.

Quý I+III/2017

Sở Công Thương

Các Sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã.

3

Triển khai công tác liên kết vùng phát triển nghề, làng nghề tại một số tỉnh phía Bắc.

Quý III/2017

Sở Công Thương

Các Sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã.

4

Hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề.

Cả năm 2017

Sở Công Thương

Các Sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã.

5

Chương trình xét công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống Hà Nội, danh hiệu Làng nghề.

Tháng 11/2017

Sở Công Thương

Các Sở, ngành có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã.

6

Tổ chức đoàn tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.

Năm 2017

Sở Công Thương

Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất làng nghề.

7

Đào tạo nghề, truyền nghề, nhân cấy nghề tại các làng nghề.

Năm 2017

Sở Công Thương

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã.

8

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng tại các làng nghề.

Cả năm 2017

Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã.

9

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với giới thiệu các làng nghề, sản phẩm làng nghề; tập trung tạo dựng các sản phẩm du lịch làng nghề hoàn chỉnh; triển khai Đề án Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng du lịch cho cộng đồng dân cư nơi có làng nghề kết hợp du lịch.

Cả năm 2017

Sở Du Lịch

Các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã.

10

Tập huấn nâng cao năng lực các cơ sở làng nghề; hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.

Cả năm 2017

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã.

11

Triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực phát triển nghề, làng nghề; các dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể của làng nghề; tổ chức chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ cho tổ chức, cá nhân đủ điều kiện ứng dụng vào thực tiễn.

Cả năm 2017

Sở Khoa học và Công nghệ

Các Sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã.

12

Triển khai Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 31/12/2015 của UBND Thành phố về thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 và “Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Cả năm 2017

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã.

13

Tổ chức phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn xử lý vướng mắc cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ sản xuất tại các làng nghề về các Luật thuế, các chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ đối với nhóm nghề sản xuất truyền thống.

Cả năm 2017

Cục Thuế Hà Nội

UBND các huyện, thị xã; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan.

14

Tiếp tục triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; chỉ đạo các tổ chức tín dụng hỗ trợ và tập trung vốn cho hoạt động tín dụng phục vụ phát triển nghề và làng nghề.

Cả năm 2017

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP HN

UBND các huyện, thị xã; các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan.

15

Hỗ trợ thành lập mới các HTX tiểu thủ công nghiệp và làng nghề; tổ chức cho các HTX tiểu thủ công nghiệp tham gia các Hội chợ, triển lãm; phối hợp tổ chức các lớp cấy nghề, truyền nghề cho xã viên HTX tiểu thủ công nghiệp làng nghề.

Cả năm 2017

Liên minh HTX TP Hà Nội

UBND các huyện, thị xã; các HTX tiểu thủ công nghiệp làng nghề.

16

- Tổ chức các cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Hà Nội; tổng kết hoạt động Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Hà Nội năm 2017.

Tháng 6 và tháng 12/2017

Sở Công Thương

Thành viên Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Hà Nội; Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành viên Ban Chỉ đạo ở các Sở, ngành có trách nhiệm chỉ đạo ngành mình tổ chức thực hiện tốt các Chương trình, Kế hoạch phát triển nghề và làng nghề của Thành phố. Đồng thời, chủ động bố trí kinh phí triển khai (từ nguồn kinh phí ngân sách cấp hàng năm của các Sở, ngành hoặc đề nghị cấp bổ sung); trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc, khó khăn, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo có kiến nghị và đề xuất UBND Thành phố các giải pháp để xem xét, giải quyết.

2. Sở Công Thương - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thị xã thực hiện Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Hà Nội năm 2017 và đôn đốc, tổng hợp đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Ban Chỉ đạo và UBND Thành phố.

3. Các Sở, ban, ngành (thành viên Ban Chỉ đạo), UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng nhiệm vụ, điều kiện thực tế để tổ chức triển khai hoặc lồng ghép các nội dung hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Thành phố để thực hiện; định kỳ 6 tháng và cả năm báo cáo tình hình, kết quả về Sở Công Thương (Nội dung, thời gian báo cáo theo hướng dẫn của sở Công Thương).

UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành (thành viên Ban Chỉ đạo), UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển nghề, làng nghề Hà Nội năm 2017./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy; (để b/cáo)
- Thường trực HĐND TP; (để b/cáo)
- Chủ tịch UBND TP; (để b/cáo)
- Các PCT UBND TP;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Thành viên BCĐ;
- Thành viên Tổ giúp việc BCĐ;
- VPUB: CVP, PVP Nguyễn Ngọc Sơn;
- Lưu: VT, KTv.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 36/KH-UBND hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Hà Nội năm 2017 do thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 36/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 16/02/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Văn Sửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản