Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 360/KH-UBND

Nghệ An, ngày 03 tháng 7 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT VÀ ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG CÁC LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Phát triển ngành nghề nông thôn; Kế hoạch số 99/KH-UB ngày 09/2/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 08/12/2017 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025. Trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1862/TTr-SNN-PTNT ngày 18/6/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch điều tra, khảo sát và đánh giá hoạt động các làng nghề trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Đánh giá công tác bảo vệ môi trường và tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề.

- Đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm tháo gỡ khó khăn, đề xuất với các cấp có thẩm quyền về một số vấn đề liên quan đến chủ trương chính sách phát triển làng nghề.

2. Yêu cầu

- Thông qua đợt điều tra, khảo sát, đánh giá được thực chất thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An

- Tập trung chỉ đạo, phát huy cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân nhằm hỗ trợ phát triển làng nghề trên địa bàn.

- Thực hiện các nội dung của đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh và thực trạng sản xuất của làng nghề.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, PHƯƠNG PHÁP, THỜI GIAN ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT

1. Đối tượng, phạm vi Điều tra, khảo sát

- Đối tượng: Các làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận.

- Phạm vi: Trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

2. Thời gian điều tra, khảo sát

- Thời gian thực hiện: Từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2020.

- Thời kỳ điều tra: Số liệu thu thập đến năm 2019 (trong đó có một số nội dung cập nhật đến 30/6/2020).

III. NỘI DUNG ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT

1. Nội dung Điều tra, khảo sát

- Thông tin chung về làng nghề: Tên làng nghề, địa chỉ, ngành hoạt động sản xuất kinh doanh chính; một số chỉ tiêu chung: Lao động, thu nhập của người lao động, tổng nguồn vốn, tổng tài sản, doanh thu, cung cấp dịch vụ, tổng lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách,....

- Điều tra, khảo sát các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề: Tổng giá trị sản xuất; nguồn nhân lực; khả năng tiếp cận vốn; xúc tiến thương mại; việc áp dụng cơ chế chính sách,....

- Điều tra, khảo sát chỉ tiêu về môi trường theo quy định.

2. Kế hoạch điều tra, khảo sát

2.1. Thành lập đoàn điều tra, khảo sát, gồm đại diện các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và Cục Thống kê tỉnh.

Thời gian thực hiện: Tháng 7/2020

2.2. Xây dựng, lập phiếu điều tra: Thời gian tháng 7/2020.

2.3. Tổ chức khảo sát, điều tra tại địa phương

- Đoàn điều tra, khảo sát làm việc tại 19/21 huyện, thành, thị có làng nghề trên địa bàn tỉnh;

- Tiến hành điều tra, khảo sát tại 165 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận;

- Thời gian thực hiện: từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2020.

2.4. Tổng hợp, đánh giá, xây dựng báo cáo kết quả điều tra, khảo sát.

- Thời gian thực hiện: Tháng 10/2020.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, thành lập đoàn liên ngành cấp tỉnh gồm các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và Cục Thống kê tỉnh, thực hiện điều tra, khảo sát và đánh giá hiện trạng hoạt động của các làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng, hiệu quả, đúng quy định.

- Tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh theo đúng quy định; trong đó, cần đề xuất rõ các nội dung tăng cường quản lý làng nghề trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng, phê duyệt đề cương thực hiện; lập dự toán kinh phí để thực hiện các nội dung được phê duyệt tại kế hoạch này, gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.

2. Các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và Cục Thống kê

Cử cán bộ có chuyên môn tham gia đoàn công tác liên ngành để thực hiện các nội dung tại kế hoạch này và phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch.

3. Sở Tài chính

Trên cơ sở Kế hoạch, đề cương được phê duyệt và kinh phí do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, thẩm định dự toán, tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí thực hiện điều tra, khảo sát và đánh giá hoạt động các làng nghề trên địa bàn tỉnh.

4. UBND các huyện, thị xã và thành phố

Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:

- Như tổ chức thực hiện;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Phó Chủ tịch (NN) UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành, thị;
- CVP, PCVP (KT) UBND tỉnh;
- Phòng NN VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, NN (D.Hùng).

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Nghĩa Hiếu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 360/KH-UBND năm 2020 về điều tra, khảo sát và đánh giá hoạt động các làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu: 360/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 03/07/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Hoàng Nghĩa Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản