Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3164/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN NGHỀ VÀ LÀNG NGHỀ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Quyết định số 3951/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2010 của UBND Thành phố về thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Hà Nội và Tổ chuyên viên giúp việc Ban Chỉ đạo; Quyết định số 2679/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2011 của UBND Thành phố về bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Hà Nội và Tổ chuyên viên giúp việc Ban Chỉ đạo;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1828/TTr-SCT ngày 27 tháng 6 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1175/QĐ-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2011 của UBND Thành phố.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở, ngành: Công ty, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Thuế, Cục Thống kê, Liên minh HTX Thành phố; Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thành phố Hà Nội, các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ chuyên viên giúp việc Ban Chỉ đạo và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Đ/c Bí thư Thành ủy (để b/c);
- TT Thành ủy, TT HĐND TP (để b/c);
- Các PCT UBND Thành phố;
- Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã;
- CVP, các PVP, CTh;
- Lưu: VT, SCT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Huy Tưởng

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN NGHỀ VÀ LÀNG NGHỀ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3164/QĐ-UBND ngày 01 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định các hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề thành phố Hà Nội (gọi tắt là Ban chỉ đạo Thành phố), nhằm tham mưu cho UBND Thành phố những vấn đề về cơ chế, chính sách hỗ trợ, triển khai, điều phối các hoạt động để phát triển nghề và làng nghề Hà Nội, phát triển kinh tế ngoại thành, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn.

Điều 2. Ban chỉ đạo Thành phố hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND Thành phố và theo quy chế do Trưởng ban chỉ đạo Thành phố quyết định ban hành.

Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội về hoạt động của Ban chỉ đạo Thành phố.

Ban chỉ đạo Thành phố có nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch, tiến độ và chỉ đạo tổ chức thực hiện hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề; hướng dẫn, đôn đốc các Sở, Ban, Ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện chương trình, kế hoạch và các biện pháp triển khai thực hiện.

Điều 3. Các thành viên Ban chỉ đạo Thành phố thực hiện nhiệm vụ do Trưởng Ban chỉ đạo Thành phố phân công; trực tiếp chỉ đạo ngành phụ trách; có kế hoạch, giải pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Thành phố về phát triển nghề và làng nghề.

Điều 4. Trưởng Ban chỉ đạo Thành phố sử dụng con dấu của UBND Thành phố.

Các Phó Trưởng ban và thành viên Ban chỉ đạo Thành phố sử dụng con dấu của Sở, Ngành mình trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm được phân công.

Điều 5. Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo Thành phố do Ngân sách Thành phố cấp hàng năm. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán trình UBND Thành phố quyết định, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn kinh phí này theo chế độ tài chính hiện hành.

Điều 6. Sở Công Thương là cơ quan thường trực giúp Ban chỉ đạo Thành phố theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện của các Sở, Ban, Ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và của các thành viên Ban chỉ đạo Thành phố, báo cáo Ban chỉ đạo Thành phố hàng quý, 6 tháng và năm.

Chương 2.

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO THÀNH PHỐ

Điều 7. Chế độ làm việc

- Ban chỉ đạo Thành phố làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, hoạt động theo chế độ cá nhân phụ trách, thảo luận tập thể và quyết định theo đa số.

- Căn cứ quy chế hoạt động và chức năng, nhiệm vụ được phân công, các thành viên Ban chỉ đạo Thành phố chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, đôn đốc và chỉ đạo các quận, huyện, thị xã thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nghề, làng nghề. Chỉ đạo thành viên Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo Thành phố thuộc ngành mình thực hiện nhiệm vụ được phân công.

- Ban chỉ đạo Thành phố họp định kỳ 3 tháng một lần. Trường hợp cần thiết, Trưởng Ban chỉ đạo Thành phố có thể triệu tập họp bất thường. Thời gian, địa điểm, nội dung và thành phần dự họp do Trưởng ban quyết định và thông báo trước cho các thành viên Ban chỉ đạo Thành phố.

- Đồng chí Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban chủ trì các cuộc họp của Ban chỉ đạo Thành phố; các thành viên Ban chỉ đạo Thành phố có trách nhiệm tham gia đầy đủ và báo cáo tại cuộc họp, trường hợp vắng mặt phải được sự đồng ý của Đồng chí Trưởng ban chỉ đạo và thông báo cho cơ quan thường trực biết.

- Ban chỉ đạo Thành phố tổ chức kiểm tra việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển nghề và làng nghề của các Sở, Ngành, UBND các quận, huyện, thị xã theo nội dung và thời gian được Trưởng ban quyết định.

Điều 8. Nhiệm vụ của các thành viên Ban chỉ đạo Thành phố

1. Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng ban

- Điều hành hoạt động của Ban chỉ đạo Thành phố, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chỉ đạo.

- Chỉ đạo các Sở, Ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với các cơ quan Trung ương triển khai các chính sách, chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

- Chủ trì và kết luận các cuộc họp của Ban chỉ đạo Thành phố

2. Bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương - Phó Trưởng ban thường trực

- Giúp việc và thay mặt Trưởng ban điều phối giải quyết công việc của Ban chỉ đạo Thành phố khi Trưởng ban ủy quyền.

- Chủ trì triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nghề và làng nghề Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Chủ trì xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm để triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề.

- Chủ trì đề xuất các cơ chế chính sách, xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

- Xây dựng chương trình hoạt động của Ban Chỉ đạo.

- Đôn đốc các thành viên Ban chỉ đạo Thành phố thực hiện nhiệm vụ đã được Trưởng ban phân công.

- Trực tiếp chỉ đạo và điều hành Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo Thành phố.

- Dự thảo các văn bản của Ban chỉ đạo Thành phố, theo dõi, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch, chính sách.

- Trực tiếp chỉ đạo Sở Công Thương triển khai thực hiện công tác phát triển nghề, làng nghề liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Trực tiếp chỉ đạo các quận, huyện Hoàng Mai, Thanh Trì.

3. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố - Phó Trưởng ban.

- Phối hợp với Sở Công Thương xây dựng kế hoạch, chương trình làm việc của Ban chỉ đạo Thành phố.

- Đôn đốc các Sở, Ban, Ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ đã được phân công.

- Tổng hợp, kiểm tra, rà soát các văn bản trước khi trình Trưởng ban chỉ đạo Thành phố ký ban hành.

- Trực tiếp chỉ đạo Văn phòng UBND Thành phố triển khai thực hiện công tác phát triển nghề, làng nghề liên quan đến chức năng nhiệm vụ của văn phòng UBND Thành phố.

- Trực tiếp chỉ đạo các quận, huyện Hà Đông, Thanh Oai.

4. Ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - ủy viên.

- Tham mưu việc khai thác, huy động các nguồn vốn để thực hiện các chương trình, đề án phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

- Chủ trì đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư các cụm công nghiệp làng nghề.

- Hướng dẫn các quận, huyện, thị xã, các  xã, phường, thị trấn thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư, lập hồ sơ ghi vốn hàng năm.

- Trực tiếp chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện công tác phát triển nghề, làng nghề liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Trực tiếp chỉ đạo các quận, huyện Long Biên, Đông Anh.

5. Ông Ngô Đức Trưng, Phó Giám đốc Sở Tài chính - ủy viên.

- Chỉ đạo, bố trí và hướng dẫn và kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn ngân sách phục vụ các chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề Hà Nội theo quy định hiện hành.

- Hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra đôn đốc công tác lập dự toán.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành liên quan đề xuất chính sách tạo nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

- Phối hợp với Sở Công Thương để trình UBND thành phố phê duyệt kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo Thành phố.

- Trực tiếp chỉ đạo Sở Tài chính triển khai thực hiện công tác phát triển nghề, làng nghề liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Trực tiếp chỉ đạo các quận, huyện Cầu Giấy, Hoài Đức.

6. Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT  - ủy viên.

- Phối hợp lồng ghép nội dung phát triển nghề và làng nghề Hà Nội với việc thực hiện Chương trình của Thành ủy về phát triển kinh tế ngoại thành và hiện đại hóa nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Xây dựng và đăng ký thực hiện các kế hoạch chương trình, đề án về phát triển nguyên liệu phục vụ sản xuất làng nghề hàng năm.

- Phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra, đôn đốc các làng nghề phát triển sản xuất.

- Trực tiếp chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện công tác phát triển nghề, làng nghề liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Trực tiếp chỉ đạo các huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ

7. Ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - ủy viên.

- Đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp giao đất, thuê đất để tạo mặt bằng cho các dự án xây dựng cụm công nghiệp làng nghề. Hướng dẫn trình tự, thủ tục và hồ sơ giao đất, thuê đất cho các dự án xây dựng cụm công nghiệp làng nghề.

- Đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp để hỗ trợ làng nghề để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng, triển khai các đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.

- Xây dựng và đăng ký thực hiện các kế hoạch chương trình, đề án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn hàng năm.

- Trực tiếp chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện công tác phát triển nghề, làng nghề liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Trực tiếp chỉ đạo các huyện Thạch Thất, Quốc Oai.

8. Ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc - ủy viên.

- Hướng dẫn lập quy hoạch xây dựng các làng nghề phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô.

- Phối hợp thẩm định các đồ án quy hoạch làng nghề, quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề và các quy hoạch có liên quan đến phát triển nghề, làng nghề.

- Trực tiếp chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc triển khai thực hiện công tác phát triển nghề, làng nghề liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Trực tiếp chỉ đạo các quận, huyện Tây Hồ, Gia Lâm.

9. Ông Hà Ngọc Hồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng - ủy viên.

- Xây dựng quy hoạch điểm dân cư nông thôn.

- Xây dựng và thực hiện các kế hoạch chương trình, đề án phát triển hạ tầng làng nghề, cung cấp nước sạch.

- Trực tiếp chỉ đạo Sở Xây dựng triển khai thực hiện công tác phát triển nghề, làng nghề liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Trực tiếp chỉ đạo các huyện Mê Linh, Sóc Sơn.

10. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - ủy viên.

- Chủ trì đề xuất chính sách với lao động làng nghề và hỗ trợ đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các làng nghề Hà Nội.

- Xây dựng và thực hiện các kế hoạch chương trình, đề án về đào tạo nghề cho lao động tại làng nghề.

- Tổng hợp số lượng, đánh giá hiệu quả chất lượng các chương trình đào tạo.

- Trực tiếp chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện công tác phát triển nghề, làng nghề liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Trực tiếp chỉ đạo huyện Từ Liêm

11. Ông Vũ Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - ủy viên.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất các chính sách về khoa học - công nghệ để hỗ trợ nghề và làng nghề phát triển.

- Xây dựng và thực hiện các kế hoạch chương trình, đề án hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề Hà Nội hàng trăm về ứng dụng công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, vật liệu mới trong sản xuất.

- Bố trí thực hiện các đề tài, dự án khoa học, công nghệ cho các cơ sở sản xuất làng nghề, phát triển thương hiệu làng nghề.

- Trực tiếp chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện công tác phát triển nghề, làng nghề liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Trực tiếp chỉ đạo huyện Ba Vì.

12. Ông Hoàng Kim Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế - ủy viên.

- Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề, các dự án, đề án phát triển nghề và làng nghề.

- Trực tiếp chỉ đạo Cục Thuế triển khai thực hiện công tác phát triển nghề, làng nghề liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Trực tiếp chỉ đạo huyện Mỹ Đức.

13. Ông Đỗ Ngọc Khải, Phó Cục trưởng Cục Thống kê - ủy viên.

- Theo dõi, tổng hợp, cung cấp thông tin số liệu về làng nghề và báo cáo định kỳ với Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố.

- Trực tiếp chỉ đạo Cục Thống kê triển khai thực hiện công tác phát triển nghề, làng nghề liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Trực tiếp chỉ đạo huyện Phú Xuyên.

14. Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Thành phố - ủy viên

- Xây dựng và thực hiện các kế hoạch chương trình, đề án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể phục vụ phát triển nghề và làng nghề.

- Trực tiếp chỉ đạo Liên minh Hợp tác xã Thành phố triển khai thực hiện công tác phát triển nghề, làng nghề liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Trực tiếp chỉ đạo huyện Thường Tín.

15. Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch - ủy viên.

- Chủ trì phối hợp với các ngành, UBND các quận huyện xây dựng các dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống.

- Phối hợp với Sở Công Thương, các địa phương thực hiện dự án phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch.

- Trực tiếp chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện công tác phát triển nghề, làng nghề liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Trực tiếp chỉ đạo các huyện, thị xã Sơn Tây, Phúc Thọ.

16. Ông Phạm Văn Vũ, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội - ủy viên

- Chủ trì xây dựng các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng, cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề.

- Thực hiện công tác tổng hợp, đánh giá số lượng, chất lượng và hiệu quả vốn vay của các cơ sở sản xuất trong làng nghề;

- Trực tiếp chỉ đạo Ngân hàng nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội triển khai thực hiện công tác phát triển nghề, làng nghề liên quan đến chức năng nhiệm vụ của ngành.

- Trực tiếp chỉ đạo huyện Đan Phượng.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Thành viên Ban chỉ đạo Thành phố chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Các cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, thực hiện công tác phát triển nghề và làng nghề Hà Nội sẽ được Ban chỉ đạo Thành phố đề nghị UBND Thành phố khen thưởng.

Các cá nhân không thực hiện đúng Quy chế này sẽ bị xử lý hành chính theo quy định.

Điều 10. Bổ sung, sửa đổi quy chế

Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế này nếu có vướng mắc hoặc cần điều chỉnh, bổ sung, các thành viên Ban chỉ đạo Thành phố, các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, làng nghề phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3164/QĐ-UBND năm 2011 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 3164/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/07/2011
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Huy Tưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản