Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1175/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN NGHỀ VÀ LÀNG NGHỀ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 07/2008/TTLT-BCT-BNV ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công thương thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 4233/TTr-SCT ngày 20 tháng 11 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành, kèm theo Quyết định này "Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Hà Nội".

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở, ngành: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục thuế, Cục Thống kê Liên minh HTX Thành phố; các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề Thành phố và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Chủ tịch UBND Thành phố; (để b/c)
- Các PCT UBND Thành phố;
- CVP, PVP Nguyễn Ngọc Sơn; CT(Hùng);
- Lưu: VT, SCT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Huy Tưởng

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN NGHỀ VÀ LÀNG NGHỀ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định 1175/QĐ-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định các hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển nghề và làng nghề thành phố Hà Nội (gọi tắt là BCĐ Thành phố), nhằm tham mưu cho UBND Thành phố những vấn đề về cơ chế, chính sách hỗ trợ, triển khai các hoạt động để phát triển nghề và làng nghề Hà Nội, phát triển kinh tế ngoại thành, thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông thôn.

Điều 2. BCĐ Thành phố hoạt động theo Quy chế do Trưởng ban quyết định, Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội về hoạt động của BCĐ Thành phố; Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch, tiến độ và chỉ đạo tổ chức thực hiện hỗ trợ nghề và làng nghề phát triển; hướng dẫn, đôn đốc các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện chương trình, kế hoạch và các biện pháp triển khai thực hiện

Điều 3. Các thành viên BCĐ Thành phố làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, thực hiện nhiệm vụ do Trưởng BCĐ Thành phố phân công; trực tiếp chỉ đạo ngành phụ trách, có kế hoạch, giải pháp cụ thể được thực hiện nhiệm vụ của BCĐ Thành phố về phát triển nghề và làng nghề Thành phố.

Sở Công thương là cơ quan Thường trực giúp BCĐ Thành phố theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện của các Sở ban, ngành, UBND các quận huyện, thị xã và của các thành viên BCĐ Thành phố, báo cáo BCĐ thành phố hàng quý, 6 tháng và năm,

Điều 4. Kinh phí hoạt động của BCĐ Thành phố do Ngân sách Thành phố cấp hàng năm Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán trình UBND Thành phố quyết định, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý sử dụng và quyết toán nguồn kinh phí này theo chế độ tài chính hiện hành.

Chương 2.

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA BCĐ THÀNH PHỐ

Điều 5. BCĐ Thành phố hoạt động theo chế độ cá nhân phụ trách, chỉ đạo thực hiện theo nhiệm vụ được phân công.

Điều 6. Nhiệm vụ của các thành viên BCĐ Thành phố

1. Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng ban

- Điều hành hoạt động chung của BCĐ Thành phố, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên BCĐ.

- Chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với các cơ quan Trung ương triển khai các chính sách, chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

- Các văn bản do Trưởng ban BCĐ Thành phố ký được đóng dấu UBND Thành phố.

2. Bà Đào Thu Vịnh, Phó Giám đốc Sở Công thương - Phó Trưởng ban

- Giúp việc và thay mặt Trưởng ban giải quyết công việc của BCĐ Thành phố khi Trưởng ban ủy quyền.

- Chủ trì lập và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nghề và làng nghề Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Đôn đốc các thành viên BCĐ Thành phố thực hiện nhiệm vụ đã được Trưởng ban phân công.

- Chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, đề xuất cơ chế chính sách, xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

- Chỉ đạo Tổ chuyên viên giúp việc, dự thảo các văn bản của BCĐ Thành phố theo dõi, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch, chính sách.

- Các văn bản do Phó Trưởng ban ký, được đóng dấu Sở Công thương.

3. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố ủy viên.

- Phối hợp với Sở Công thương xây dựng kế hoạch, chương trình làm việc của BCĐ Thành phố; đôn đốc các thành viên BCĐ Thành phố thực hiện nhiệm vụ đã được phân công.

4. Ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - ủy viên.

- Kiểm tra, đôn đốc việc lập triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nghề và làng nghề Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Cân đối, tổng hợp các nguồn vốn để thực hiện các chương trình, đề án phát triển nghề và làng nghề Hà Nội; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư các cụm công nghiệp làng nghề.

- Trực tiếp chỉ đạo, theo dõi công tác hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

5. Ông Ngô Đức Trung, Phó Giám đốc Sở Tài chính - ủy viên.

- Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc sử dụng vốn ngân sách phục vụ các chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề Hà Nội,

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành liên quan đề xuất chính sách tạo nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

- Phối hợp với Sở Công thương để trình UBND thành phố phê duyệt kinh phí hoạt động của BCĐ Thành phố.

- Trực tiếp chỉ đạo, theo dõi công tác hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề của Sở Tài chính.

6. Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT - ủy viên.

- Phối hợp lồng ghép nội dung phát triển nghề và làng nghề Hà Nội với việc thực hiện Chương trình của Thành ủy về phát triển kinh tế ngoại thành và hiện đại hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

- Trực tiếp chỉ đạo, theo đõi công tác hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề của Sở Nông nghiệp và PTNT.

7. Ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - ủy viên.

- Đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp giao đất, thuê đất để tạo mặt bằng cho các dự án xây dựng cụm công nghiệp làng nghề. Hướng dẫn trình tự, thủ tục và hồ sơ giao đất, thuê đất cho các dự án xây dựng cụm công nghiệp làng nghề.

- Đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp để hỗ trợ làng nghề hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

- Trực tiếp chỉ đạo, theo dõi công tác hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề của Sở Tài nguyên và Môi trường.

8. Ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc - ủy viên

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan lập quy hoạch sử dụng đất cho chương trình phát triển nghề và làng nghề Hà Nội.

- Trực tiếp chỉ đạo, theo dõi công tác hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề của Sở Quy hoạch - Kiến trúc theo chức năng, nhiệm vụ của Sở và các huyện.

9. Ông Hà Ngọc Hồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Ủy viên.

- Trực tiếp chỉ đạo, theo dõi công tác hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề theo nhiệm vụ của Sở Xây dựng.

10. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - ủy viên. 

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan đề xuất chính sách hỗ trợ đào lạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các làng nghề Hà Nội.

- Trực tiếp chỉ đạo, theo dõi công tác hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề theo nhiệm vụ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

11. Ông Vũ Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - ủy viên.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan đề xuất các chính sách về khoa học - công nghệ để hỗ trợ nghề và làng nghề phát triển.

- Trực tiếp chỉ đạo, theo dõi công tác hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề theo nhiệm vụ của Sở Khoa học và Công nghệ.

12. Ông Hoàng Kim Cảnh, Phó Cục trưởng Cục thuế - ủy viên.

- Hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế đối với các cơ sở làng nghề, các dự án, đề án phát triển nghề và làng nghề.

- Trực tiếp chỉ đạo, theo dõi công tác hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề theo nhiệm vụ của Cục thuế.

13. Ông Đỗ Ngọc Khải, Phó Cục trưởng Cục Thống kê - ủy viên.

- Theo dõi, tổng hợp, cung cấp thông tin số liệu về làng nghề và báo cáo định kỳ với Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố.

- Trực tiếp chỉ đạo, theo dõi công tác hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề theo nhiệm vụ của Cục Thống kê.

14. Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Thành phố - ủy viên.

- Trực tiếp chỉ đạo, theo dõi công tác hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề theo nhiệm vụ của Liên minh HTX Thành phố Hà Nội.

Điều 7. Chế độ làm việc của BCĐ Thành phố

- BCĐ Thành phố họp giao ban định kỳ mỗi quý/lần. Nội dung họp do Trưởng ban hoặc Phó ban chuẩn bị và thông báo trước cho các thành viên BCĐ

- Ngoài họp định kỳ, BCĐ Thành phố có thể họp đột xuất do Trưởng ban triệu tập.

- BCĐ Thành phố hoạt động theo chương trình, kế hoạch do Trưởng ban phê duyệt. Các thành viên BCĐ có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đã được phân công và báo cáo kết quả tại các kỳ họp của BCĐ.

- BCĐ Thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình kế hoạch hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề của các sở, ngành, UBND các huyện theo nội dung và thời gian được Trưởng ban quyết định.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Thành viên BCĐ Thành phố chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này. Các cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, thực hiện công tác phát triển nghề và làng nghề Hà Nội sẽ được BCĐ Thành phố đề nghị UBND Thành phố khen thưởng. Các cá nhân không thực hiện đúng Quy chế này phải chịu trách nhiệm trước Trưởng ban chỉ đạo.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế này nếu có vướng mắc hoặc cần điều chỉnh, bổ sung, các thành viên BCĐ Thành phố, các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, làng nghề phản ánh về Sở Công thương để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định./.