Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/KH-UBND

Cà Mau, ngày 15 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2023 CỦA TỈNH CÀ MAU

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đánh giá khách quan, toàn diện tình hình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2023 của tỉnh và các văn bản quy định thuộc lĩnh vực cải cách hành chính; thông qua đó, làm rõ kết quả cải cách hành chính đạt được trên các lĩnh vực quản lý của tỉnh, của đơn vị; chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế; kịp thời chấn chỉnh, đề ra biện pháp, giải pháp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ công tác cải cách hành chính những năm tiếp theo.

- Phát hiện những cách làm hay, sáng tạo; ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh; tạo đột phá mới trong công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương hành chính của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện cải cách hành chính.

2. Yêu cầu

- Việc kiểm tra bảo đảm chính xác, khách quan, không gây trở ngại đến các hoạt động của đơn vị được kiểm tra.

- Việc kiểm tra phải tuân thủ đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao.

- Cơ quan, đơn vị được kiểm tra có trách nhiệm cử công chức, viên chức nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ để phối hợp và cung cấp các thông tin, hồ sơ cho Đoàn kiểm tra.

II. NỘI DUNG KIỂM TRA

Kiểm tra việc triển khai và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, tập trung vào những nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2023 của tỉnh, trong đó có một số nội dung chủ yếu sau:

1. Kiểm tra định kỳ

a) Công tác chỉ đạo, điều hành

- Việc quán triệt, triển khai văn bản của cấp trên và ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị.

- Công tác kiểm tra, tuyên truyền cải cách hành chính.

- Những sáng kiến, giải pháp mới trong công tác cải cách hành chính.

b) Cải cách thể chế

- Công tác tham mưu ban hành và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (tiến độ thực hiện, chất lượng văn bản được ban hành).

- Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; kết quả kiểm tra, rà soát; kết quả khắc phục sau kiểm tra, rà soát.

- Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

- Công tác theo dõi thi hành pháp luật.

c) Cải cách thủ tục hành chính

- Cập nhật, đề nghị công bố, niêm yết, công khai thủ tục hành chính.

- Việc rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính; rà soát, đánh giá, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (về thành phần hồ sơ, điều kiện, quy trình thực hiện...).

- Việc phân công công chức, viên chức làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, chế độ phụ cấp...

- Việc giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh (tỷ lệ); kết quả giải quyết thủ tục hành chính; việc thực hiện xin lỗi tổ chức, cá nhân khi xảy ra tình trạng giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn.

- Việc tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính, thủ tục hành chính; công tác phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân.

- Việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

- Kết quả thực hiện chứng thực bản sao điện tử tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã.

- Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

- Tiến độ triển khai Hệ thống nhận diện hình ảnh và thông tin dữ liệu công dân tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã.

- Kiểm tra tác phong, lề lối, thái độ làm việc của công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa.

d) Cải cách tổ chức bộ máy

- Kiện toàn, sắp xếp các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; tham mưu ban hành, ban hành chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của đơn vị thuộc và trực thuộc theo quy định.

- Tình hình quản lý, sử dụng biên chế tại cơ quan và các đơn vị trực thuộc.

- Số lượng lãnh đạo tại cơ quan, đơn vị theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 và Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ.

- Việc thực hiện các nhiệm vụ được cấp trên phân cấp (nêu rõ số nhiệm vụ đơn vị được phân cấp, kết quả thực hiện); công tác kiểm tra, giám sát đối với các nhiệm vụ đã phân cấp cho cấp huyện, cấp xã (nếu có) thuộc chức năng quản lý của ngành, đơn vị.

đ) Cải cách chế độ công vụ

- Việc bố trí công chức, viên chức theo Đề án vị trí việc làm được phê duyệt; kết quả khắc phục tình trạng bố trí công chức, viên chức chưa đúng theo Đề án vị trí việc làm được phê duyệt (nếu có).

- Công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý, bổ nhiệm công chức, viên chức; thực hiện chính sách tinh giản biên chế, kết quả đạt được so với chỉ tiêu đề ra.

- Công tác quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

- Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

e) Tài chính công

- Việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

- Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí hành chính.

- Việc thực hiện các nhiệm vụ được cấp trên phân cấp lĩnh vực tài chính (nêu rõ số nhiệm vụ đơn vị được phân cấp, kết quả thực hiện); công tác kiểm tra, giám sát đối với các nhiệm vụ đã phân cấp cho cấp huyện, cấp xã (nếu có) thuộc chức năng quản lý của ngành, đơn vị.

- Công tác quản lý, sử dụng tài sản công.

g) Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số

- Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần; thủ tục hành chính có phát sinh hồ sơ; kết quả giải quyết.

- Kết quả xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng (Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành - iOffice.

- Việc quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong phát hành văn bản đi trên iOffice.

- Chất lượng hoạt động Trang thông tin điện tử của đơn vị (số lượng tin, bài đăng tải trong tuần; cập nhật lịch làm việc của lãnh đạo; việc cập nhật thông tin tại các chuyên mục).

- Việc thực hiện hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

2. Kiểm tra đột xuất

- Kiểm tra công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; thái độ phục vụ, giao tiếp của Thủ trưởng đơn vị và công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh...

- Việc người dân sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập Cổng Dịch vụ công quốc gia tại Bộ phận Một cửa các cấp.

- Triển khai Hệ thống nhận diện hình ảnh và thông tin dữ liệu công dân tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã.

3. Tùy tình hình thực tế, công tác kiểm tra có thể bổ sung một số nội dung khác có liên quan (nếu xét thấy cần thiết).

III. THỜI GIAN, ĐỐI TƯỢNG KIỂM TRA

1. Kiểm tra định kỳ:

- Trong quý II năm 2023 kiểm tra 04 đơn vị cấp huyện: Thới Bình, Đầm Dơi, Trần Văn Thời và thành phố Cà Mau.

- Trong quý III năm 2023 kiểm tra 02 Sở: Giao thông vận tải, Xây dựng.

2. Kiểm tra đột xuất: Trong năm 2023, thực hiện kiểm tra đột xuất ít nhất 03 cơ quan, đơn vị.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn thành viên Đoàn kiểm tra cải cách hành chính của tỉnh; thông báo thời gian kiểm tra định kỳ đến các cơ quan, đơn vị được kiểm tra và thành viên Đoàn kiểm tra.

Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị được kiểm tra khắc phục những hạn chế đã được Đoàn kiểm tra chỉ ra; tham mưu, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện cải cách hành chính

Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện công tác kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất tại các cơ quan, đơn vị theo kế hoạch đề ra.

2. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn vị có liên quan đảm bảo kinh phí cho công tác kiểm tra theo quy định của pháp luật.

3. Các cơ quan báo, đài địa phương

Tham gia đi cùng Đoàn kiểm tra, kịp thời đưa tin, bài khách quan, chính xác, trung thực về quá trình, kết quả kiểm tra tại các đơn vị.

4. Các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng kiểm tra định kỳ

Chuẩn bị báo cáo theo nội dung được quy định tại Kế hoạch này; tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn kiểm tra thực hiện tốt nhiệm vụ. Đồng thời, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, hồ sơ có liên quan đến nội dung kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực các thông tin, hồ sơ đã cung cấp.

Tổ chức thực hiện nghiêm các kiến nghị, kết luận của Đoàn kiểm tra; khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế do Đoàn kiểm tra chỉ ra; trường hợp có nội dung chưa thống nhất thì phải nêu rõ lý do để Đoàn kiểm tra phản ánh lại cơ quan, cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Trên đây là Kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính năm 2023 của tỉnh Cà Mau. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh (trực tiếp là Phòng Cải cách hành chính) để tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau;
- Báo Cà Mau;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, CCHC(T). Lai(56).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Văn Bi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 30/KH-UBND về kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2023 của tỉnh Cà Mau

  • Số hiệu: 30/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 15/02/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Lâm Văn Bi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản