Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 266/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 02 tháng 08 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Kết luận số 250-KL/TU ngày 09/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI về tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025; Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 28/02/2022 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về thực hiện Kết luận số 250-KL/TU ngày 09/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI về tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức bồi dưỡng kiến thức về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Thông tin và bồi dưỡng kịp thời những kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững trong toàn hệ thống chính trị và hệ thống giáo dục trên toàn Tỉnh.

- Nội dung, phương pháp và cách thức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của các cơ quan, đơn vị và địa phương cũng như đối tượng được bồi dưỡng; có trọng tâm, tránh lãng phí, huy động thêm các nguồn lực khác theo hướng xã hội hóa nhằm góp phần đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ đào tạo, cập nhật kiến thức về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững.

II. CẬP NHẬT KIẾN THỨC TRONG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

1. Đối tượng

Báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương.

2. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng

- Chuyên đề 1: Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng năm 2030.

- Chuyên đề 2: Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

- Chuyên đề 3: Công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025.

- Chuyên đề 4: Kinh tế tập thể.

3. Hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng

a) Hình thức tổ chức

- Trực tiếp:

Mời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội Tỉnh; Ban Dân vận Tỉnh ủy.

Các đồng chí Báo cáo viên cấp Tỉnh.

Báo Đồng Tháp; Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp; Cổng Thông tin điện tử Tỉnh.

Trường Chính trị Tỉnh; Trường Đại học Đồng Tháp; Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp.

Lãnh đạo, chuyên viên tham mưu trong công tác tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Tỉnh, Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn Tỉnh và kinh tế tập thể thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch Đầu tư, Liên minh Hợp Tác xã Tỉnh.

- Trực tuyến:

Thành viên Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới và Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cấp huyện.

Các đồng chí Báo cáo viên cấp huyện, cộng tác viên dư luận xã hội cấp huyện và tương đương.

b) Số lượng và thời lượng

- Số lượng: 100 người/ lớp (trực tiếp cho điểm cầu Tỉnh, trong đó có mời các báo cáo viên cấp tỉnh 39 người; cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh 32 người).

- Thời lượng: 02 ngày/ lớp, gồm 04 chuyên đề.

c) Thời gian và địa điểm

- Thời gian: Tháng 09/2022.

- Địa điểm: Tại điểm cầu cấp Tỉnh sẽ có thông báo cụ thể, đồng thời tổ chức trực tuyến tại điểm cầu cấp huyện.

III. CẬP NHẬT CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC

1. Đối tượng

Học sinh, sinh viên chuyên ngành Nông nghiệp, Kinh tế Nông nghiệp, Phát triển nông thôn, Nông học Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Cao Đẳng Công đồng Đồng Tháp; cán bộ, công chức, viên chức là học viên của Trường Chính trị Tỉnh.

2. Nội dung cập nhật vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục

- Kiến thức tổng quan về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo bền vững, kinh tế tập thể.

- Các chuyên đề chuyên sâu:

Chuyên đề 1: tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo định hướng “Hợp tác - Liên kết - Thị trường - Giảm giá thành - Tăng chất lượng - Chế biến tinh/Đa dạng sản phẩm”.

Chuyên đề 2: xây dựng nông thôn mới: bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới cấp xã, huyện giai đoạn 2021 - 2025; kiến thức về xây dựng làng thông minh; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); các chính sách liên quan trong xây dựng nông thôn mới.

Chuyên đề 3: Các kiến thức về công tác giảm nghèo bền vững: các chính sách về công tác giảm nghèo, mô hình giảm nghèo hiệu quả; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, giảm bất bình đẳng trong xã hội.

Chuyên đề 4: Các vấn đề về kinh tế tập thể: kiến thức về hợp tác xã, hợp tác xã kiểu mới; kiến thức về tổ hợp tác; vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững hàng năm hoặc các nguồn vốn lồng ghép, xã hội hoá hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp số lượng báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương trong việc tổ chức các lớp cập nhật kiến thức trong hệ thống chính trị.

- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn Dân đối với Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng năm 2030; Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025; kinh tế tập thể.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là đơn vị chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Liên minh Hợp tác xã Tỉnh tổ chức triển khai công tác cập nhật kiến thức trong hệ thống chính trị.

- Chủ trì soạn thảo, cử Lãnh đạo Sở báo cáo chuyên đề 1 và chuyên đề 2.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì soạn thảo, cử Lãnh đạo Sở báo cáo chuyên đề 3.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tổ chức các lớp cập nhật kiến thức trong hệ thống chính trị.

4. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trường Chính trị Tỉnh nghiên cứu một số nội dung của Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, kinh tế tập thể để bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia học tập tại Trường Chính trị Tỉnh theo gợi ý các Chuyên đề tại khoản 2 Mục II.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư; Liên minh Hợp tác xã Tỉnh

- Chủ trì soạn thảo, cử Lãnh đạo báo cáo chuyên đề 4.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tổ chức các lớp cập nhật kiến thức trong hệ thống chính trị.

6. Sở Tài chính

Phối hợp các đơn vị liên quan thẩm định kế hoạch vốn đề xuất, trình Ủy ban nhân dân Tỉnh bố trí theo quy định để đảm bảo triển khai thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả.

7. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

- Chỉ đạo bộ phận chuyên môn phối hợp đăng ký, chiêu sinh học viên tham dự tập huấn theo đúng thành phần yêu cầu; chuẩn bị địa điểm trực tuyến; đôn đốc, nhắc nhở học viên tham dự bồi dưỡng kiến thức đầy đủ khi có lịch tổ chức.

- Chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức cấp huyện, xã và các Ban Phát triển ấp hàng năm theo yêu cầu.

8. Đề nghị Trường Chính trị Tỉnh; Trường Đại học Đồng Tháp; Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp

Chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu giải pháp đưa các nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo bền vững, kinh tế tập thể vào giảng dạy theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Trường Đại học Đồng Tháp và Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp; theo Chương trình đào tạo của Trường Chính trị Tỉnh.

Yêu cầu các đơn vị phối hợp triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này, trong quá trình thực hiện có thể linh động trong việc bố trí giảng dạy giữa các chuyên đề sao cho phù hợp yêu cầu thực tiễn; nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời thông tin về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- TT/TU; TT/HĐND Tỉnh;
- Ban Tuyên giáo TU;
- CT, các PCT/UBND Tỉnh;
- Các Sở: NNPTNT; LĐTBXH; KHĐT; TC; NV; GDĐT;
- Liên minh HTX Tỉnh;
- Lãnh đạo VP/UBND Tỉnh;
- Các Trường: Chính trị Tỉnh; ĐH ĐT; CĐCĐ ĐT;
- UBND huyện, thành phố;
- VPĐP NTMTCCTT Tỉnh;
- Lưu VT, NC/KT(VA).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Minh Tuấn

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 266/KH-UBND năm 2022 tổ chức bồi dưỡng kiến thức về xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững do tỉnh Đồng Tháp ban hành

  • Số hiệu: 266/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 02/08/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Huỳnh Minh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản