Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2653/KH-UBND | Kon Tum, ngày 15 tháng 8 năm 2022 |
ỨNG PHÓ THẢM HỌA ĐỘNG ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Căn cứ Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum như sau:
1. Mục tiêu:
- Huy động hợp lý các nguồn lực, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó thảm họa động đất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường.
- Tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả động đất trên địa bàn.
- Hoàn thiện hệ thống kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện.
- Nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho người dân, rèn luyện kỹ năng cho các lực lượng để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất.
2. Yêu cầu:
- Cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó thảm họa động đất và triển khai có hiệu quả Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ứng phó thảm họa động đất.
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cơ quan, tổ chức và mọi người dân, bảo đảm phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả động đất; tăng cường tổ chức tập huấn, diễn tập nâng cao năng lực cho dân quân tự vệ, đội xung kích và các lực lượng khác, đảm bảo khả năng ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa kịp thời, hiệu quả.
II. DỰ BÁO TÌNH HÌNH ĐỘNG ĐẤT, KHU VỰC ẢNH HƯỞNG
1. Tình hình động đất:
- Từ năm 1903 đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2.5 độ Richter trở lên tại huyện Kon Plông và lân cận; trong đó, chỉ có hai trận động đất xảy ra vào năm 1973 độ lớn 3.9 độ Richter và năm 2015 độ lớn 3.0 độ Richter.
- Từ tháng 4 năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông và vùng lân cận đã ghi nhận hơn 300 trận động đất có cường độ ngày càng lớn; đặc biệt ngày 18 tháng 5 năm 2022, tại huyện Kon Plông ghi nhận động đất có cường độ 4.5 độ Richter. Dự kiến trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhất là huyện Kon Plông tiếp tục có những trận động đất kích thích có cường độ và mật độ ngày càng lớn, gây sập đổ công trình, nhà ở, cầu cống, sạt lở đất gây ách tắt giao thông. Đặc biệt, có nguy cơ rạn nứt bờ đập, dẫn đến vỡ đập thủy điện, khả năng ngập nước vùng trũng, ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
2. Khu vực ảnh hưởng:
Khu dân cư ảnh hưởng của động đất: Xã Đăk Nên, Đăk Ring, Măng Bút/huyện Kon Plông; số hộ dân phải sơ tán khoảng 900 hộ/1.512 khẩu.
a) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn dân.
- Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó thảm họa động đất; phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa động đất.
- Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực thực hiện nhiệm vụ cho các lực lượng theo phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của từng cấp, từng ngành. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
b) Công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, hoàn thiện cơ chế hoạt động phù hợp, hiệu quả.
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật; phổ biến kinh nghiệm, xây dựng năng lực, kỹ năng phòng tránh thảm họa động đất tạo ra sự đồng thuận giữa người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.
- Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương trong việc ứng phó động đất; Quy chế phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong chỉ đạo, điều hành, diễn tập ứng phó thảm họa động đất.
- Thường xuyên rà soát, cập nhật tài liệu, tư liệu phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền. Có kế hoạch lồng ghép, tích hợp kiến thức, kỹ năng phòng tránh động đất đưa vào chương trình giáo dục, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm trong các cơ sở giáo dục phù hợp với đặc điểm thiên tai từng địa bàn.
c) Gắn phát triển kinh tế - xã hội với nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của hạ tầng cơ sở, công trình xây dựng và khu dân cư.
- Gắn quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị với quy hoạch phát triển ngành với công tác phòng chống thiên tai bảo đảm phát triển bền vững. Có giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi, thủy điện, các nhà cao tầng và các công trình cơ sở hạ tầng khác trong mùa mưa lũ, bão, động đất và các loại hình thiên tai khác.
- Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng thích ứng chống chịu của hạ tầng và khu dân cư đủ khả năng phòng chống thảm họa thiên tai, động đất; rà soát, quy hoạch và xây dựng địa điểm sơ tán Nhân dân, điểm an toàn, hệ thống y tế, mạng lưới giao thông vận tải, thông tin liên lạc trọng yếu, các công trình lưỡng dụng theo quy định; có kế hoạch dự trữ vật chất hậu cần, kỹ thuật và các cơ sở vật chất thiết yếu khác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
d) Nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, đầu tư mua sắm trang thiết bị ứng phó.
- Duy trì lực lượng, phương tiện, công cụ dụng cụ liên quan phục vụ công tác trực quan sát, giám sát, cảnh báo, xử lý và ban hành bản tin động đất; đánh giá toàn diện các nguy cơ, sự cố do thảm họa động đất gây ra, làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó phù hợp, hiệu quả; rà soát, cập nhật và xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai động đất.
- Đầu tư, mua sắm các trang thiết bị phù hợp, từng bước nâng cao năng lực cho các lực lượng ứng phó. Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong công tác báo tin động đất, cảnh báo và ứng phó với thảm họa.
đ) Xây dựng, hoàn thiện các kế hoạch, phương án ứng phó; tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập theo phương án.
- Rà soát, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai, động đất để phục vụ công tác ứng phó thảm họa động đất phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.
- Chuẩn bị tốt trang thiết bị, cơ sở vật chất cho huấn luyện, diễn tập; từng bước nâng cao năng lực ứng phó, cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng ứng phó thảm họa động đất; tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, lực lượng ứng phó thảm họa động đất các cấp nhằm nâng cao năng lực ứng phó khi xảy ra thảm họa động đất, trong đó lồng ghép nội dung huấn luyện ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng theo quy định.
- Phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”(1) trong ứng phó thảm họa động đất; chủ động huy động, điều phối các lực lượng để sơ tán, phòng, tránh thảm họa và cứu hộ, cứu nạn; đồng thời, có phương án khai thác, vận hành, bảo vệ an toàn các công trình lớn: Hồ chứa thủy điện, thủy lợi, hệ thống lưới điện, hệ thống giao thông.... bảo đảm khi xảy sự cố do động đất gây ra mức độ thiệt hại thấp nhất và khắc phục nhanh nhất phục vụ công tác khôi phục các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội.
a) Tổ chức thông báo, báo động và cảnh báo kịp thời đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế - xã hội và Nhân dân tại địa phương các tin động đất.
- Truyền tin cảnh báo, báo động trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống thông tin mạng viễn thông... Tăng cường kết nối thông tin để nắm bắt kịp thời các diễn biến, hậu quả của động đất.
- Đánh giá kịp thời quy mô, diễn biến sự cố do thảm họa động đất, xác định nhanh kịch bản ứng phó hiệu quả. Triển khai các lực lượng, phương tiện quan sát, giám sát; các lực lượng giúp dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả...
b) Tổ chức sơ tán, phân tán bảo đảm an toàn cho Nhân dân, các cơ quan, tổ chức và tài sản ra khu vực an toàn.
Động đất không thể dự báo trước, song có một số biện pháp có thể làm trong lúc động đất để tránh hoặc giảm thương tích và thiệt hại do động đất gây ra:
- Đang ở trong nhà nên chui xuống gầm bàn, lựa góc phòng để đứng, tránh cửa kính, những vật có thể rơi xuống. Che mặt và đầu để khỏi bị các mảnh vụn rơi trúng. Nếu mất điện, dùng đèn pin, không dùng nến hay diêm vì chúng có thể gây hỏa hoạn; nắm chắc tin tức khẩn cấp để ứng phó.
- Trong các tòa nhà cao tầng: Tuyệt đối không được dùng thang máy, ở trong nhà, di chuyển tới góc phòng, tránh xa các khu vực có cửa kính, đèn điện treo. Khóa gas, mở cửa sổ hoặc cửa ra vào. Nếu đang ở trong thang máy nằm xuống sàn bảo vệ đầu, khi thang máy làm việc trở lại ra khỏi thang máy ở tầng kế tiếp và sử dụng cầu thang bộ.
- Đang đi đường: Tránh xa các tòa nhà và dây điện; tìm chỗ trống để đứng; trong lúc lái xe, ngừng xe ở lề đường nên tránh các cột điện, dây điện, công trình phía trên xe và không chui xuống gầm xe.
- Khi bị kẹt trong đống đổ nát: Không la hét, lấy tay, khăn che mũi miệng; dùng vật cứng gõ vào vật cứng khác báo vị trí của mình cho lực lượng cứu nạn.
- Sau động đất: Kiểm tra người bị thương, sơ cứu và gọi cứu hộ; kiểm tra các thiệt hại, không sử dụng diêm, bật lửa; không chạm vào dây điện bị đứt; dập tắt đám cháy nhỏ (nếu có); tránh xa các bức tường gạch, thận trọng với các chất lỏng và các vật nặng trên trần, kệ có thể bị rơi.
- Cập nhật tin tức khẩn cấp của cơ quan chức năng.
- Chuẩn bị ứng phó các trận dư chấn, những trận động đất gây ra bởi trận động đất vừa xảy ra. Tuy chúng nhỏ hơn, chúng vẫn có thể gây ra thương tích.
c) Huy động, điều phối các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị khẩn trương tổ chức tìm kiếm, cứu nạn trong các khu vực xảy ra thảm họa.
Huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ, cứu trợ thiên tai, động đất; các đơn vị quân đội; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, y tế, viễn thông, xây dựng, vận tải, khai thác mỏ; các đơn vị phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ an ninh trật tự, giám định tư pháp hình sự; các trung tâm phối hợp, hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn... và lực lượng, phương tiện của các sở, ban ngành và cấp huyện, cấp xã...
d) Duy trì hệ thống thông tin liên lạc thông suốt bảo đảm cho chỉ huy, chỉ đạo, điều hành.
Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sử dụng các mạng viễn thông như (Hệ thống viễn thông cố định, di động vệ tinh; hệ thống viễn thông vô tuyến điện; hệ thống truyền hình hội nghị; các xe ô tô chuyên dùng phục vụ thông tin và các hình thức thông tin, liên lạc khác) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thảm họa động đất; tăng cường sử dụng tần số ưu tiên cho các phương tiện làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra thảm họa động đất bảo đảm thông suốt, không gián đoạn.
3. Công tác khắc phục hậu quả:
a) Huy động các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tiếp tục tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; nhanh chóng đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ khẩn cấp; huy động lực lượng, phương tiện ngành y tế, các đội y tế hỗ trợ khẩn cấp để tiếp nhận, phân loại, cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị nạn nhân; làm tốt công tác phân loại, giám định người tử nạn, an táng theo quy định; tổ chức đánh giá cụ thể thiệt hại về người, tài sản, các công trình, hạ tầng... mức độ ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, nhu cầu cứu trợ khẩn cấp.
b) Rà soát, bố trí nơi ở tạm cho những người bị mất nhà cửa, kịp thời cung cấp nhu yếu phẩm, bảo đảm hậu cần, vật tư y tế cho lực lượng ứng phó và Nhân dân vùng bị nạn. Thu dọn, xử lý vệ sinh môi trường, tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn môi trường sống.
c) Đánh giá tổng hợp tình hình, thực hiện công tác chính sách, xây dựng kế hoạch, tiến hành các biện pháp hỗ trợ, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng; ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội.
a) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Các phân đội Bộ binh, Công binh, Thông tin, Trinh sát, Phòng hóa, Hậu cần, Quân y... và các xe, xuồng, phương tiện thủy khác làm nhiệm vụ vận tải, huấn luyện.
b) Công an tỉnh: Đơn vị Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; các đơn vị Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát môi trường; các đơn vị bảo vệ an ninh trật tự; cơ quan giám định tư pháp hình sự và Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ.
c) Sở Giao thông vận tải: Các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải.
d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực phòng chống thiên tai, thủy sản, nông lâm nghiệp, các công ty thủy lợi...
đ) Sở Công Thương: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khai thác mỏ, dầu khí, tài nguyên môi trường...
e) Sở Y tế: Các đội y tế cơ động, hệ thống bệnh viện và các cơ sở khám, điều trị bệnh, Trung tâm y tế dự phòng...
g) Các huyện, thành phố: Lực lượng, phương tiện của các phòng, ban và cấp xã trực thuộc; các cơ quan, đơn vị trực thuộc sở, ngành và lực lượng, phương tiện của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, xây dựng, vận tải, tài nguyên môi trường, thông tin, viễn thông... đứng chân trên địa bàn.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh. Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ ngành trương ương kết quả thực hiện theo quy định.
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền phối hợp với các địa phương xây dựng phương án sử dụng lực lượng, phương tiện của các đơn vị Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh gắn với việc trực và ứng phó, tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra thảm họa động đất.
- Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả; phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó thảm họa động đất. Rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền nhu cầu đầu tư mua sắm trang thiết bị từng bước nâng cao năng lực ứng phó cho các lực lượng tham gia ứng phó thảm họa động đất.
- Khi xảy ra thảm họa động đất, kịp thời điều động lực lượng, phương tiện phối hợp với chính quyền địa phương sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nơi xảy ra thảm họa chủ trì, phối hợp với các địa phương thiết lập Sở chỉ huy hiện trường, triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn; thiết lập bệnh viện dã chiến cứu chữa, vận chuyển người và trang bị, vật tư, nhu yếu phẩm, khắc phục hậu quả; phối hợp với các lực lượng công an, chính quyền địa phương bảo vệ an toàn tài sản của nhà nước và các khu vực trọng điểm khác.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp nắm tình hình liên quan đến an ninh Quốc gia, an ninh chính trị nội bộ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ an toàn các cơ quan Đảng, Nhà nước và các mục tiêu, công trình trọng điểm theo thẩm quyền; tổ chức phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm lợi dụng thảm họa động đất để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
- Chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập nhằm phối hợp với các lực lượng sẵn sàng ứng phó, tìm kiếm cứu nạn khi xảy thảm họa động đất; điều động các lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng khác giúp chính quyền địa phương trong vùng ảnh hưởng sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn; phối hợp tổ chức ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả, tổ chức giám định, nhận dạng, phân loại nạn nhân theo chức năng, nhiệm vụ.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực về phòng chống thiên tai)
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ phòng chống thiên tai; hướng dẫn xây dựng, phát huy tổ đội đoàn kết, lực lượng xung kích cấp xã tại các địa phương sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra, đảm bảo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.
- Phối hợp với các sở, ngành và địa phương kịp thời cung cấp các thông tin về diễn biến tình hình có liên quan đến thảm họa động đất; triển khai thực hiện các biện pháp giảm nhẹ hậu quả do thảm họa động đất gây ra theo quy định của pháp luật; chỉ đạo tổ chức di dời dân đến nơi an toàn; điều tra, thống kê, thiệt hại và xác định nhu cầu cấp bách, khắc phục hậu quả đối với các lĩnh vực được phân công; đồng thời có kế hoạch khôi phục sản xuất bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác theo thẩm quyền quản lý cho Nhân dân vùng bị nạn.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các địa phương tổ chức nghiên cứu, đánh giá, xây dựng, cập nhật bản đồ phân vùng nguy hiểm rủi ro động đất; rà soát, cung cấp số liệu cần thiết cho các đơn vị phục vụ công tác quy hoạch xây dựng, phát triển kinh tế bền vững và xây dựng kế hoạch ứng phó với thảm họa động đất.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, phối hợp với các lực lượng và địa phương liên quan điều tra, đánh giá thiệt hại và xử lý các sự cố về môi trường; xây dựng kế hoạch phục hồi môi trường bị ô nhiễm.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm để triển khai thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của Luật Đầu tư công.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí ngân sách chi thường xuyên cho các đơn vị thực hiện hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Phối hợp với sở, ban ngành, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thảm họa động đất; tổ chức tập huấn, diễn tập từng bước nâng cao năng lực cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm theo chức năng nhiệm vụ; phối hợp với các đơn vị chức năng, địa phương liên quan bảo đảm phương tiện sơ tán, vận chuyển hàng hóa; chỉ dẫn, phân luồng giao thông đi qua các khu vực xảy ra sự cố; tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả, vận chuyển người, trang bị, phương tiện, vật chất nhu yếu phẩm khi có yêu cầu; đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra.
Chủ trì phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng công trình bảo đảm an toàn theo quy định đối với các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
Xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm y tế cho nhiệm vụ ứng phó thảm họa; bảo đảm thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế đáp ứng các tình huống khẩn cấp về y tế; chỉ đạo các cơ quan đơn vị thuộc quyền phối hợp với các lực lượng xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh trong và sau thảm họa; sẵn sàng thiết lập bệnh viện dã chiến, tiếp nhận vật tư y tế của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi có yêu cầu.
10. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp Bưu chính Viễn thông tổ chức đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động ứng phó, tìm kiếm cứu nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; thống nhất sử dụng tần số cho các phương tiện thông tin làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra thảm họa động đất.
- Thường xuyên cập nhật thông tin về cảnh báo động đất; khi có tin báo động đất của Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Báo Kon Tum, Đài phát thanh và truyền hình phát thông tin, phổ biến kiến thức và hướng dẫn phòng, tránh rủi ro theo cảnh báo của Viện Vật lý địa cầu.
Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương kiểm tra các đập thủy điện trong việc thực hiện các quy định an toàn hồ, đập để ngăn ngừa, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố phát sinh; phối hợp với các lực lượng tổ chức tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố, hậu quả môi trường và xử lý các vấn đề liên quan theo thẩm quyền; có kế hoạch chuẩn bị và cung cấp kịp thời các mặt hàng thiết yếu cho Nhân dân vùng bị thiệt hại khi có yêu cầu.
12. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Theo dõi, hướng dẫn các đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện các chính sách với người tham gia làm nhiệm vụ ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi bị ốm đau, tai nạn, bị thương hoặc chết; đề xuất các chính sách hỗ trợ cho người dân vùng bị nạn theo quy định của pháp luật.
13. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Phối hợp các sở, ngành, địa phương tổ chức sơ tán khách du lịch, tham gia lễ hội, sự kiện và người lao động trong các khu du lịch, các trung tâm văn hóa, thể thao, lễ hội... có nguy cơ cao xảy ra sự cố động đất đến nơi an toàn; khôi phục các cơ sở, các hoạt động du lịch, các thiết chế văn hóa và xử lý các vấn đề phát sinh thuộc các lĩnh vực theo thẩm quyền.
Chủ trì liên hệ với các tỉnh nước bạn giáp biên giới để hỗ trợ cho người, phương tiện của tỉnh gặp sự cố khi xảy ra thảm họa động đất trên vùng biên giới; làm các thủ tục ngoại giao để hỗ trợ cho người và phương tiện nước ngoài gặp sự cố khi xảy ra thảm họa trên địa bàn tỉnh; tăng cường hợp tác ứng phó thảm họa động đất trên vùng biên giới đất liền...
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có liên quan đến động đất trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó thảm họa động đất. Phối hợp với các lực lượng ứng phó thảm họa động đất khi có yêu cầu.
16. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Khi xảy ra tình huống động đất trên tuyến biên giới, kịp thời thông báo cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; tổ chức huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng trên địa bàn sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm và khắc phục hậu quả thảm họa.
17. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Xây dựng, ban hành Kế hoạch ứng phó thảm họa động đất ở các cấp trên địa bàn để triển khai thực hiện; thường xuyên kiểm tra, rà soát, cập nhật, điều chỉnh bổ sung kế hoạch phù hợp với thực tiễn; duy trì chế độ canh, trực, thông báo, cảnh báo; tổ chức huấn luyện, diễn tập nâng cao năng lực cho dân quân tự vệ, đội xung kích và các lực lượng khác, bảo đảm khả năng ứng phó tại chỗ và ban đầu kịp thời, hiệu quả.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho toàn dân, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị trong ứng phó các sự cố, thiên tai, thảm họa.
- Gắn phát triển kinh tế - xã hội với nâng cao khả năng thích ứng chống chịu của hạ tầng và khu dân cư công cộng đủ khả năng phòng chống thảm họa động đất và xây dựng địa điểm sơ tán Nhân dân, điểm an toàn, hệ thống y tế, mạng lưới giao thông, vận chuyển và thông tin liên lạc trọng yếu các công trình lưỡng dụng ở địa phương có thể sử dụng khi xảy ra thảm họa.
- Cân đối, bố trí ngân sách đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư nhu yếu phẩm cần thiết sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo yêu cầu.
- Khi xảy ra thảm họa, huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm “bốn tại chỗ” và phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn, lực lượng của trên, tổ chức sơ tán Nhân dân, tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả; tổ chức bảo vệ an toàn khu vực sơ tán, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
- Triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm về y tế, vật tư, nhu yếu phẩm cho người dân tại các khu sơ tán, các khu vực dân cư bị nạn; có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông; điều tra, xác định thiệt hại, xây dựng và triển khai kế hoạch khắc phục ô nhiễm, phục hồi do các sự cố môi trường gây ra.
- Tổ chức khôi phục tái thiết các cơ sở giáo dục, đào tạo, du lịch, các thiết chế văn hóa, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân vùng bị nạn.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các sở, ngành theo quy định.
- Theo dõi, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch này và Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; tổng hợp nhu cầu đề xuất đầu tư, mua sắm trang thiết bị của các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét theo khả năng ngân sách và theo quy định, từng bước nâng cao năng lực cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ.
- Tham mưu huy động lực lượng, phương tiện của các sở, ngành, địa phương tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ.
19. Các sở, ngành có liên quan
Các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai kế hoạch này và công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó thảm họa động đất thuộc phạm vi quản lý của đơn vị theo quy định. Đồng thời, căn cứ Kế hoạch này, các quy định liên quan và tình hình thực tế đơn vị mình, các sở, ban ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động xây dựng Kế hoạch của ngành, cấp mình sát với tình hình thực tế của địa phương, nhiệm vụ của ngành để triển khai thực hiện; định kỳ hằng năm hoặc đột xuất tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện gửi về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh, trong quá trình thực hiện, trường hợp có phát sinh vướng mắc cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, các đơn vị, địa phương cập nhật, tổng hợp gửi về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 1872/KH-UBND năm 2018 về ứng phó sự cố động đất, sóng thần trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2030
- 2Quyết định 3205/QĐ-UBND năm 2021 về Phương án "Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh"
- 3Kế hoạch 124/KH-UBND năm 2022 về ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 4Kế hoạch 5628/KH-UBND năm 2020 ứng phó thảm họa động đất, sóng thần của thành phố Đà Nẵng
- 5Kế hoạch 112/KH-UBND năm 2022 về ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- 6Kế hoạch 320/KH-UBND về hiệp đồng ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, cứu sập trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2023
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Luật Đầu tư công 2019
- 3Kế hoạch 1872/KH-UBND năm 2018 về ứng phó sự cố động đất, sóng thần trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2030
- 4Quyết định 3205/QĐ-UBND năm 2021 về Phương án "Phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh"
- 5Quyết định 645/QĐ-TTg năm 2022 về Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Kế hoạch 124/KH-UBND năm 2022 về ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 7Kế hoạch 5628/KH-UBND năm 2020 ứng phó thảm họa động đất, sóng thần của thành phố Đà Nẵng
- 8Kế hoạch 112/KH-UBND năm 2022 về ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- 9Kế hoạch 320/KH-UBND về hiệp đồng ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phòng, chống cháy nổ, cháy rừng, cứu sập trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2023
Kế hoạch 2653/KH-UBND năm 2022 về ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- Số hiệu: 2653/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 15/08/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
- Người ký: Nguyễn Hữu Tháp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/08/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra