Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 249/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 08 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN KIỂM SOÁT MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH GIAI ĐOẠN 2016 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 1472/QĐ-BYT ngày 20/4/2016 của Bộ Y tế ban hành Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025; Công văn số 4111/BYT-TCDS ngày 05/7/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ;

Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) giai đoạn 2016 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể:

Giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở để đưa tỷ số này đạt dưới mức 115 bé trai/100 bé gái vào năm 2020, đạt 107 bé trai/100 bé gái sau năm 2025 và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên (103 - 107 bé trai/100 bé gái).

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác khảo sát, đánh giá

a) Các hoạt động chủ yếu

- Khảo sát, đánh giá thực trạng về MCBGTKS.

- Khảo sát thu thập thông tin hàng năm về MCBGTKS.

- Đánh giá kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2016 - 2020.

b) Phương thức thực hiện: Sở Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2017 và 2025.

2. Tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Nội dung truyền thông: Tình trạng MCBGTKS, nguyên nhân, hệ lụy, những quy định pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, không phân biệt đối xử giữa nam và nữ, giữa con trai và con gái, tích cực tham gia vào việc phát hiện, tố giác các vi phạm về lựa chọn giới tính thai nhi.

a) Các hoạt động chủ yếu:

- Cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí các cấp.

- Tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề về MCBGTKS và phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi tại tuyến xã. Thực hiện ít nhất 01 cuộc/xã trên toàn tỉnh.

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động trực tiếp về MCBGTKS đến các đối tượng tại cộng đồng, địa bàn cư trú thông qua mạng lưới cộng tác viên Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), nhân viên y tế ấp - khu phố và tuyên truyền viên của các ngành, đoàn thể ở cơ sở. Thực hiện ít nhất 10 - 15 cuộc/xã/năm.

- Tổ chức tuyên truyền, tư vấn trực tiếp cho nam/nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn, người cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi:

+ Tổ chức hội thảo, tập huấn cung cấp thông tin cho người cung cấp dịch vụ; mỗi năm 11 hội thảo tuyến huyện.

+ Tổ chức tư vấn chuyên đề về MCBGTKS và phổ biến tuyên truyền, giáo dục pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho đối tượng vị thành niên, thanh niên.

Tổ chức mỗi xã 01 cuộc/năm.

- Lồng ghép các nội dung truyền thông về MCBGTKS vào các hoạt động văn hóa xã hội khác:

+ Tổ chức thi, sáng tác tác phẩm văn hóa - nghệ thuật (ca nhạc, thơ, văn, kịch…) về đề tài này; lựa chọn các tác phẩm có chất lượng tốt để sản xuất và phổ biến.

+ Lồng ghép các nội dung truyền thông về MCBGTKS vào hoạt động của các Đội Thông tin lưu động.

- Sản xuất và phát sóng, đăng tải các chương trình về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; hệ lụy của MCBGTKS đối với gia đình và xã hội... trên các phương tiện thông tin đại chúng:

+ Thực hiện ít nhất 02 phóng sự, 02 tọa đàm/năm trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; xây dựng 04 chuyên trang/năm trên Báo Ấp Bắc.

+ Tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi thường xuyên trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (định kỳ mỗi tuần 03 phút).

- Tổ chức các chiến dịch, sự kiện truyền thông về nội dung bình đẳng giới, không phân biệt con gái/con trai, không lựa chọn giới tính thai nhi.

b) Phương thức thực hiện: Sở Y tế (Chi cục DS-KHHGĐ) chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.

c) Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2025

3. Biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, sản phẩm truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh

a) Các hoạt động chủ yếu:

- Sản xuất, cung cấp bản tin, tài liệu truyền thông về MCBGTKS, những quy định của pháp luật liên quan đến việc lựa chọn giới tính thai nhi. Mỗi năm dự kiến in 5.000 - 10.000 tờ các loại.

- Xây dựng các cụm pa-nô, áp-phích tuyên truyền tại tuyến xã, nơi tập trung dân cư, cơ sở cung cấp dịch vụ có liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi. Dự kiến sẽ xây dựng 44 pa-nô (mỗi đơn vị huyện 04 pa-nô) trên phạm vi toàn tỉnh. In 1.000 áp-phích dán tại các điểm cung cấp dịch vụ.

- Sản xuất, phát hành các sản phẩm truyền thông dễ hiểu và phù hợp, cấp cho các đối tượng phù hợp. Mỗi năm 50.000 tờ rơi, sách mỏng...

b) Phương thức thực hiện: Sở Y tế (Chi cục DS-KHHGĐ) chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện.

c) Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2025.

4. Đưa nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh vào giảng dạy.

a) Các hoạt động chủ yếu:

- Lồng ghép giảng dạy nội dung về giới, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh tại Trường Chính trị, các trường THPT, Trường Cao đẳng y tế:

+ Sở Y tế (Chi cục DS-KHHGĐ) phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin về tình hình MCBGTKS cho các đối tượng đang theo học các khóa bồi dưỡng, đào tạo tại trường; nguyên nhân, hệ lụy của MCBGTKS; không phân biệt đối xử giữa nam và nữ, giữa con trai và con gái, những quy định pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi…

+ Lồng ghép nội dung về giới, bình đẳng giới, MCBGTKS vào các trường THPT, Trường Cao đẳng y tế nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về giới, bình đẳng giới; đặc biệt là các môn Sinh học và Giáo dục công dân; đồng thời, tổ chức các hoạt động ngoại khóa phù hợp nhằm tăng cường thời lượng giáo dục về giới và bình đẳng giới.

b) Phương thức thực hiện: Sở Y tế phối hợp với Sở GD&ĐT, Trường Cao đẳng y tế tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về giới và bình đẳng giới cho các nhà quản lý giáo dục, giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy, trọng tâm là đội ngũ giáo viên môn Sinh học và Giáo dục công dân.

c) Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2025

5. Tổ chức hội nghị, hội thảo về mất cân bằng giới tính khi sinh

a) Các hoạt động chủ yếu

- Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Đề án năm giai đoạn 2016 - 2025, sơ kết 5 năm thực hiện và tổng kết thực hiện đề án.

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về MCBGTKS:

+ Hội thảo tôn vinh các gia đình có con 1 bề là gái, thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, gia đình hạnh phúc, kinh tế phát triển... Mỗi huyện, thành, thị: 01 hội thảo.

+ Hội thảo tôn vinh trẻ em gái trong học tập và rèn luyện. Mỗi huyện, thành, thị: 01 hội thảo.

b) Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2025

6. Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi

a) Các hoạt động chủ yếu:

- Hỗ trợ các tổ chức xã hội nghề nghiệp đưa nội dung nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi trong các quy định, quy chế, điều lệ của tổ chức áp dụng cho các thành viên.

- Hướng dẫn phổ biến, giáo dục pháp luật, các quy chế, quy định, điều lệ của tổ chức về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho nhân viên y tế, thành viên các tổ chức xã hội nghề nghiệp có liên quan.

- Tổ chức cho các đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ có liên quan cam kết không lựa chọn giới tính thai nhi và tham gia tuyên truyền về kiểm soát MCBGTKS.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn cho công chức thanh tra chuyên ngành DS-KHHGĐ, thanh tra viên y tế…

- Giám sát, đánh giá việc thực hiện pháp luật và qui chế, quy định, điều lệ của tổ chức về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

- Tổ chức khen thưởng cá nhân, tập thể thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ, các điển hình chấp hành tốt quy định pháp luật trong việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi (không siêu âm vì mục đích xác định giới tính, không hướng dẫn các phương pháp để tạo giới tính...).

b) Phương thức thực hiện: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.

c) Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2025

7. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về lựa chọn giới tính thai nhi

- Định kỳ kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật về nghiêm cấm việc cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính ở các cấp:

+ Thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ, giám sát đối với các cơ sở sản xuất các sản phẩm truyền thông; các cơ sở kinh doanh sách.

+ Thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, phá thai và các dịch vụ khác có liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2025.

- Xây dựng mạng lưới cung cấp, thu nhận và xử lý thông tin tố giác, tố cáo vi phạm ở cộng đồng dân cư. Lắp đặt đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin tố giác, tố cáo vi phạm từ cộng đồng dân cư.

8. Đào tạo, tập huấn về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

a) Các hoạt động chủ yếu:

- Đào tạo, tập huấn về nội dung, phương pháp, kỹ năng truyền thông về kiểm soát MCBGTKS. Đảm bảo 100% cán bộ truyền thông các cấp, cộng tác viên DS-KHHGĐ và nhân viên y tế ấp - khu phố được tập huấn về phương pháp, kỹ năng truyền thông về kiểm soát MCBGTKS, lựa chọn giới tính thai nhi, giới và bình đẳng giới trong xã hội và đời sống gia đình.

- Tập huấn bắt buộc về các quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; đảm bảo 100% nhân viên y tế các cơ sở cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi được tập huấn về các quy định, quy trình, quy phạm chuyên môn kỹ thuật liên quan đến việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

b) Phương thức thực hiện: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.

c) Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2025

9. Các hoạt động quản lý, giám sát

a) Các hoạt động chủ yếu: Định kỳ giám sát, kiểm tra tiến độ, kết quả thực hiện các hoạt động của kế hoạch theo quý, năm. Tổ chức học tập kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt Đề án.

b) Phương thức thực hiện: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án.

c) Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2025

III. KINH PHÍ

- Tổng kinh phí: Dự toán kinh phí thực hiện từ năm 2017 - 2020: 8.874.930.000 đồng (Tám tỷ tám trăm bảy mươi bốn triệu chín trăm ba mươi ngàn đồng). Kinh phí thực hiện giai đoạn từ 2021 - 2025 sẽ được dự toán sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Kinh phí thực hiện Kế hoạch: Sử dụng từ nguồn kinh phí sự nghiệp y tế hàng năm do Sở Y tế quản lý (Phụ lục chi tiết đính kèm).

- Căn cứ kế hoạch được phê duyệt, hàng năm, Sở Tài chính cân đối, bố trí kinh phí thực hiện vào dự toán ngân sách nhà nước báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế:

Chủ trì tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch này trên phạm vi toàn tỉnh; giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo về Bộ Y tế, UBND tỉnh; hàng năm và từng giai đoạn tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện.

2. Sở Tài chính:

Bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

3. Các ban, ngành tỉnh, đề nghị các đoàn thể tỉnh và đơn vị liên quan:

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Y tế tổ chức, triển khai, thực hiện Kế hoạch này.

4. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch này trên địa bàn; quan tâm hỗ trợ đầu tư từ ngân sách địa phương trong thực hiện đề án.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; đề nghị các đoàn thể tỉnh tổ chức triển khai thực hiện. Quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, báo cáo về UBND tỉnh (thông qua Sở Y tế) để được hướng dẫn, giải quyết./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Đức

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 249/KH-UBND năm 2016 thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

  • Số hiệu: 249/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 08/11/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Trần Thanh Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản