Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 241/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 19 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG HẠN BẢO VỆ SẢN XUẤT NĂM 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở đồng bằng sông Cửu Long, UBND Tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất năm 2021 như sau:

1. Nhận định tình hình

- Theo nhận định dự báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn Đồng Tháp về khái quát tình hình mùa khô năm 2021. Mưa tập trung trong tháng 9 và 10, tổng lượng mưa 2 tháng này đạt mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Mùa mưa năm nay có khả năng kết thúc vào khoảng giữa tháng 11/2020; sớm hơn hàng năm khoảng 10 ngày, sau đó thời tiết sẽ chuyển sang mùa khô 2020-2021. Nhiệt độ trong tháng 9 và 10 tại các nơi trong Tỉnh có xu hướng giảm dần so với tháng 6, 7, 8, nhiệt độ cao nhất còn ở mức 33°C-34°C, và nhiệt độ tiếp tục xuống thấp trong các tháng 12 năm 2020, 01 năm 2021. Nền nhiệt độ trong những tháng mùa mưa ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,4°C.

- Tình hình mực nước sau lũ và mùa khô 2021: nhìn chung, lũ năm 2020 xuất hiện muộn hơn hàng năm, ở mức thấp hơn năm 2019 khoảng từ 0,1m-0,3m và thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,3m-0,6m. Riêng khu vực phía nam ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0,1m-0,2m. Sau khi đạt đỉnh mực nước tại các nơi sẽ rút nhanh dần trong tháng 11 và 12/2020. Trong những tháng mùa khô 2020-2021 mực nước tại các nơi trong Tỉnh ở mức xấp xỉ và thấp hơn mùa khô năm 2019-2020 khoảng từ 0,1m-0,2m và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0,1m-0,3m.

2. Mục tiêu: Đảm bảo đủ nước tưới cho 224.082 ha diện tích gieo trồng vụ Hè Thu 2021 (lúa 187.000 ha; hoa màu cây công nghiệp ngắn ngày 37.082 ha); 35.091 ha cây lâu năm; 100.000 ha lúa vụ Thu đông và nhu cầu nước sinh hoạt của người dân.

3. Giải pháp thực hiện

3.1. Biện pháp công trình

- Đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét các công trình kênh trục, kênh tạo nguồn do Tỉnh quản lý đã được UBND Tỉnh phê duyệt từ nguồn vốn Trung ương và Tỉnh, công trình cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi gia súc và công trình tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao tuyệt đối không để cho người dân thiếu nước sinh hoạt khi hạn hán xảy ra để kịp thời cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

- Đối với các công trình kênh mương do cấp huyện, thị xã, thành phố quản lý: phải tập trung rà soát, kiểm tra xác định các kênh cạn kiệt, kênh bị chướng ngại vật cản trở dòng chảy và khẩn trương và nhanh chóng thực hiện việc nạo vét đảm bảo đủ nguồn nước tưới, sinh hoạt.

- UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo kiểm tra, sửa chữa và xây dựng mới các trạm bơm để chủ động tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm cho cây lúa và cây trồng cạn (tưới ướt khô xen kẻ, tưới nhỏ giọt,…); đồng thời bố trí thời điểm xuống giống lúa phù hợp với điều kiện nguồn nước, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

- UBND cấp xã tập trung chỉ đạo hợp tác xã, tổ hợp tác dùng nước, chủ đường nước phối hợp với các đoàn thể, người dân tổ chức nạo vét kênh nội đồng; tháo dỡ các vật cản trên kênh; nạo vét các bể hút của máy bơm, tu sửa bờ vùng, bờ thửa đảm bảo nước phục vụ sản xuất áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

3.2. Biện pháp phi công trình

- Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu, mực nước trong mùa khô, rà soát, kiểm tra các công trình kênh mương, cống đập để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất.

- Tăng cường các biện pháp quản lý công trình thủy lợi theo phân cấp; quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nước để cung cấp, phân phối nước hợp lý, hiệu quả.

- Chủ động thời vụ xuống giống vụ Hè Thu, vụ Thu đông năm 2021 theo lịch khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bố trí lịch bơm tưới nước hợp lý, tưới tiết kiệm trong điều kiện nguồn điện phục vụ mùa khô có khả năng thiếu hụt.

- Rà soát các vùng sản xuất, khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; đối với các vùng có khó khăn về nguồn nước các địa phương hướng dẫn người dân chuyển từ trồng lúa sang trồng một số loại cây hoa màu thích hợp, sử dụng giống lúa ngắn ngày, giống chịu hạn phù hợp với điều kiện từng vùng, địa phương, áp dụng các mô hình, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm hiệu quả

4. Tổ chức thực hiện:

4.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn,... phù hợp với điều kiện sản xuất, sinh hoạt của địa phương; thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn và đôn đốc các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn Tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi (kênh mương, cống, đập,.) bị hư hỏng, để có kế hoạch tu sửa, nạo vét; tổ chức thực hiện nạo vét các công trình bị cạn kiệt, đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét các công trình kênh trục, kênh tạo nguồn, trạm bơm tưới, trạm cấp nước sạch đã được bố trí vốn, để kịp thời cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong mùa khô năm 2020.

- Rà soát các vùng sản xuất hàng năm thường xuyên thiếu nước, để chủ động bố trí lịch bơm tưới nước luân phiên, tưới tiết kiệm nước trong điều kiện nguồn điện phục vụ trong mùa khô có khả năng thiếu hụt.

- Rà soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các điểm cháy rừng và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai các biện pháp chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ, kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.

- Chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu UBND Tỉnh chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế; khuyến khích sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây lúa và cây trồng cạn; đồng thời bố trí thời điểm xuống giống lúa phù hợp với điều kiện nguồn nước, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; chủ động tham mưu UBND Tỉnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ kinh phí thực hiện các công trình cấp bách về phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn Tỉnh.

3.2. Sở Thông tin và Truyền thông: chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn đến người dân biết để nâng cao ý thức, đồng thời sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

3.3. Sở Công Thương, Công ty Điện lực Đồng Tháp: phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất - kinh doanh và công tác phòng, chống hạn trên địa bàn Tỉnh.

3.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố chủ động tham mưu bố trí ngân sách thực hiện phòng, chống thiên tai, hạn hán.

3.5. Đài Khí tượng Thủy văn Tỉnh: theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; kịp thời thông tin, dự báo tình hình mực nước, khí tượng, thủy văn, để các ngành, địa phương biết, thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

3.6. UBND huyện, thị xã, thành phố:

- Chỉ đạo đơn vị chuyên môn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; kiểm tra, sửa chữa và đầu tư nâng cấp các trạm bơm để chủ động bơm tưới, kịp thời phục vụ sản xuất; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi từ nguồn vốn thủy lợi phí và vốn hỗ trợ đất lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ. Rà soát các khu vực cấp nước có khả năng thiếu nước sinh hoạt cho người dân để có giải pháp đầu tư đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt của người dân, tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân, đảm bảo hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu; tăng cường tuyên truyền vận động, hướng dẫn Nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp lịch thời vụ, đồng thời khuyến khích áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến cho cây lúa, cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao; phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi diễn biến tình hình, thông báo kịp thời cho các địa phương để có biện pháp ứng phó, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đến sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.

- Chỉ đạo UBND cấp xã, các hợp tác xã, tổ hợp tác dùng nước, chủ đường nước phối hợp với các đoàn thể, người dân thực hiện nạo vét kênh nội đồng, tháo dỡ các vật cản trên kênh, nạo vét các bể hút của máy bơm trong phạm vi quản lý, để tăng hiệu quả bơm tưới, tu sửa bờ vùng, bờ thửa,... nhằm hạn chế thất thoát nước.

Yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành Tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- BNNPTNT;
- Tổng cục Thủy lợi;
- Tổng cục PCTT;
- CT, các PCT/UBND tỉnh;
- Các Sở: NN-PTNT, CT, TC, KHĐT;
- Công ty điện lực Đồng Tháp;
- Đài Khí tượng Thủy văn Đồng Tháp;
- UBND huyện, thị, thành phố;
- Lưu VT, NC/KT. H.A (22 bản).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hùng

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 241/KH-UBND năm 2020 về phòng, chống hạn bảo vệ sản xuất năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

  • Số hiệu: 241/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 19/10/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Nguyễn Thanh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/10/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản