Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 234/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 28 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CẢI THIỆN CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG TỈNH ĐỒNG THÁP NĂM 2022

Kết quả đánh giá Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam công bố ngày 10 tháng 5 năm 2022 tại Hà Nội, tỉnh Đồng Tháp đạt 42,43 điểm (giảm 4,53 điểm so với năm 2020), xếp hạng 27/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (giảm 25 bậc so với năm 2020); xếp hạng hai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (sau tỉnh Bạc Liêu).

Để duy trì và phát huy kết quả đạt được, đồng thời, cải thiện Chỉ số PAPI tỉnh Đồng Tháp năm 2022, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao chất lượng điều hành, quản trị và hành chính công của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng nền hành chính minh bạch, liêm chính, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của chính quyền các cấp đối với Nhân dân; đồng thời, phát huy sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật.

- Tiếp tục duy trì và nâng cao điểm số những nội dung thành phần của Chỉ số PAPI năm 2021 đã đạt điểm số cao; đồng thời, cải thiện đối với các nội dung thành phần điểm số thấp (kèm Báo cáo phân tích Chỉ số PAPI). Phấn đấu cải thiện và nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh Đồng Tháp năm 2022 thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm số cao của cả nước.

2. Yêu cầu

- Việc thực hiện Kế hoạch cải thiện Chỉ số PAPI năm 2022 phải thực hiện đồng bộ với Quyết định số 1389/QĐ-UBND-HC ngày 11 tháng 9 năm 2021 của UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2030 và gắn với nhiệm vụ, giải pháp cải thiện Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đối với người dân (SIPAS), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Chuyển đổi số (DTI).

- Cải thiện Chỉ số PAPI năm 2022 của tỉnh Đồng Tháp là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, kiên trì, liên tục của các cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn. Quá trình thực hiện cần kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của sở, ngành tỉnh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn.

- Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong nỗ lực cải thiện Chỉ số PAPI.

II. NỘI DUNG

Phấn đấu Chỉ số PAPI năm 2022 tỉnh Đồng tháp đạt từ 44,13 điểm trở lên (tăng 1,70 điểm so với năm 2021), nằm trong nhóm 1 - nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất, so với cả nước. Trong đó:

(1) Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt từ 4,83 trở lên điểm, tăng 0,26 điểm trở lên so với năm 2021;

(2) Công khai minh bạch đạt 5,45 điểm, tăng 0,60 điểm so với năm 2021;

(3) Trách nhiệm giải trình với người dân đạt từ 4,47 điểm trở lên, tăng 0,15 điểm trở lên so với năm 2021;

(4) Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt từ 6,93 điểm trở lên, tăng 0,16 điểm trở lên so với năm 2021;

(5) Thủ tục hành chính công đạt từ 7,25 điểm trở lên, tăng 0,14 điểm trở lên so với năm 2021;

(6) Cung ứng dịch vụ công đạt từ 7,63 điểm trở lên, tăng 0,08 điểm trở lên so với năm 2021;

(7) Quản trị môi trường giữ số điểm 4,73 như năm 2021;

(8) Quản trị điện tử đạt từ 2,84 điểm trở lên, tăng 0,31 điểm trở lên so với năm 2021.

(Có Phụ lục cụ thể kèm theo)

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nội vụ

Tham mưu UBND Tỉnh ban hành Chỉ thị về cải thiện Chỉ số PAPI trên địa bàn tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị và Kế hoạch này; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp và kịp thời báo cáo UBND Tỉnh tình hình và kết quả thực hiện tại các ngành, các cấp.

2. Thủ trưởng các sở, ngành Tỉnh

- Trên cơ sở các nội dung có liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý, phụ trách, chủ động triển khai các nội dung gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Riêng các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện các tiêu chí lớn của Chỉ số PAPI, xây dựng Kế hoạch thực hiện của ngành gửi về UBND Tỉnh (qua Sở Nội vụ) sau 15 ngày kể từ ngày Kế hoạch này ban hành; đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện về UBND Tỉnh (qua Sở Nội vụ) sau 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả Chỉ số PAPI năm 2022, để tổng hợp.

- Tăng cường hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện và kịp thời hướng dẫn khắc phục những sai sót về chuyên môn thuộc lĩnh vực phụ trách, quản lý đối với UBND cấp huyện, cấp xã và các cơ quan chuyên môn ngành dọc tại cấp huyện, cấp xã.

3. Chủ tịch UBND cấp huyện

- Trên cơ sở các nội dung của Kế hoạch này, căn cứ đặc điểm, tình hình của địa phương, xây dựng kế hoạch và chủ động triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Kế hoạch của địa phương gửi về UBND Tỉnh (qua Sở Nội vụ) sau 15 ngày kể từ ngày Kế hoạch này ban hành; đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện về UBND Tỉnh (qua Sở Nội vụ) sau 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả Chỉ số PAPI năm 2022, để tổng hợp.

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra các cơ quan, đơn vị trực thuộc; chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp hướng dẫn đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nội dung thành phần của Chỉ số PAPI thuộc trách nhiệm thực hiện của UBND cấp xã.

- Chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng kế hoạch và chủ động tổ chức thực hiện đầy đủ, bảo đảm thực chất, hiệu quả các nội dung thành phần của Chỉ số PAPI.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh

- Thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở đối với người dân.

- Hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với UBND cùng cấp trong việc tuyên truyền về nội dung, mục đích, ý nghĩa của Chỉ số PAPI và trách nhiệm của chính quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ tại Kế hoạch này nhằm nâng cao Chỉ số PAPI của Tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với UBND Tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) vận động, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã phối hợp chặt chẽ với UBND cùng cấp tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả Kế hoạch này.

Trên đây là Kế hoạch cải thiện Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Đồng Tháp năm 2022. Trong quá trình thực hiện phát sinh khó khăn, vướng mắc, các ngành, các cấp phản ánh về UBND Tỉnh (qua Sở Nội vụ) để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND Tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND Tỉnh;
- Các cơ quan, ban Đảng Tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh;
- Các tổ chức chính trị - xã hội Tỉnh;
- Các sở, ban, ngành Tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Lưu: VT, T (KSTTHC).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Thiện Nghĩa

 

PHỤ LỤC

NỘI DUNG CẢI THIỆN, NÂNG CAO CHỈ SỐ PAPI NĂM 2022
(Kèm theo Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2022 của UBND Tỉnh)

Nội dung

Nhiệm vụ, giải pháp

Kết quả/Sản phẩm

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Ghi chú

1

Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở: Đạt điểm số từ 4,83 điểm trở lên (tăng 0,26 điểm trở lên so với năm 2021)

a) Tri thức công dân về bầu cử

- Tuyên truyền, phổ biến và thực hiện đầy đủ các quy định của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND);

- Đổi mới cách huy động sự tham gia của cử tri, người dân vào hoạt động bầu cử và ra các quyết định ở địa phương, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong tham gia đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”;

- Thông tin để người dân nắm được thời hạn nhiệm kỳ của trưởng ấp/khóm là 5 năm.

- Các kế hoạch, công văn, hướng dẫn triển khai công tác bầu cử của huyện, của xã.

- Đài phát thanh, trang website: Bài viết, lịch phát sóng, địa chỉ trang website, số buổi phát sóng, hình ảnh video.

UBND cấp huyện, cấp xã

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, Sở Nội vụ

 

b) Cơ hội tham gia

Thông tin để người dân nắm được các quy định về:

- Quyền cử tri được đi bầu để chọn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh;

- Tuân thủ đầy đủ các quy định về tổ chức bầu cử, bảo đảm thực hiện nguyên tắc “mỗi người một lá phiếu” giảm thiểu tình trạng bầu hộ, bầu thay;

- Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND vào năm 2021, nhiệm kỳ 2021 - 2026;

- Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là 5 năm;

- Chức danh Chủ tịch UBND cấp xã do HĐND cấp xã bầu;

- Quyền tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương; tham gia vào quản lý xã hội…

- Các kế hoạch, công văn, hướng dẫn triển khai.

- Các hình thức tuyên truyền.

UBND cấp huyện, cấp xã

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, Sở Nội vụ

 

c) Chất lượng bầu cử Trưởng ấp, Trưởng khóm

Thông tin để người dân nắm được các quy định về:

- Phải có từ hai ứng cử viên trở lên để bầu trưởng ấp/khóm;

- Cử tri đại diện hộ gia đình trong ấp khóm đều được mời đi bầu cử;

- Việc bầu cử được tổ chức theo hình thức bỏ phiếu kín;

- Danh sách người trúng cử trưởng ấp khóm được niêm yết công khai.

- Các kế hoạch, công văn, hướng dẫn triển khai.

- Các hình thức tuyên truyền.

UBND cấp huyện, cấp xã,

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, Sở Nội vụ

 

d) Tham gia đóng góp tự nguyện cho các công trình công cộng

- Thực hiện đúng các quy định về huy động sự đóng góp tự nguyện;

- Thông tin để người dân biết khi tham gia đóng góp tự nguyện công trình công cộng ở xã, phường, thị trấn nơi sinh sống thì có quyền tham gia ý kiến trong quá trình thiết kế, tham gia vào việc quyết định và tham gia giám sát xây mới, tu sửa công trình công cộng ở xã, phường, thị trấn do mình đóng góp;

- Đóng góp của dân được ghi chép vào sổ sách của xã, phường, thị trấn;

- Ban Thanh tra nhân dân hoặc Ban giám sát đầu tư cộng đồng giám sát việc xây mới, tu sửa công trình;

- Khắc phục tình trạng huy động các khoản đóng góp xã hội không dựa trên tinh thần tự nguyện (nếu có).

- Các báo cáo kiểm tra, báo cáo tiếp thu các ý kiến tham gia của người dân về các công trình công cộng.

- Các hình thức công khai.

UBND cấp huyện, cấp xã

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan

 

2

Công khai, minh bạch: Đạt điểm số 5,45 điểm (tăng 0,60 điểm so với năm 2021)

a) Tiếp cận thông tin

- Thực hiện tốt các nội dung công khai và các hình thức công khai theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Luật Tiếp cận thông tin.

- Tuyên truyền, triển khai các hình thức phù hợp như công khai số điện thoại, hộp thư điện tử của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, thường xuyên tổ chức các cuộc gặp, tiếp xúc với Nhân dân... để người dân nói lên nguyện vọng, phản ánh kiến nghị, tham gia đóng góp ý kiến vào các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, các cơ chế, chính sách của Trung ương cũng như của địa phương.

- Các văn bản triển khai, báo cáo;

- Các hình thức công khai...

UBND cấp huyện, cấp xã

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan

 

b) Công khai danh sách hộ nghèo

- Thực hiện đúng quy định về rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.

- Thông tin cho người dân biết về chuẩn nghèo ở đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh; công khai danh sách hộ nghèo 12 tháng qua và các chế độ, chính sách của hộ nghèo được hưởng bằng nhiều hình thức để người dân biết (qua đài, trạm truyền thanh, niêm yết danh sách tại trụ sở UBND cấp xã, tại ấp khóm,…).

- Rà soát bổ sung những hộ thực tế rất nghèo nhưng chưa đưa vào danh sách hộ nghèo và đưa ra khỏi danh sách những hộ thực tế không nghèo hoặc đã thoát nghèo; đồng thời, thông tin kịp thời cho người dân biết.

- Kế hoạch, văn bản triển khai;

- Các hình thức công khai...

UBND cấp huyện, cấp xã

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp

 

c) Công khai thu chi ngân sách

- Thực hiện đúng Thông tư số 344/2016/TT-BTC ngày 13 tháng 2 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách cấp xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn.

- Công bố công khai thu chi ngân sách cấp xã bằng nhiều hình thức (đài, trạm truyền thanh, niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, tại ấp khóm,…); bảo đảm tính chính xác của thông tin về thu chi ngân sách đã công bố.

- Các văn bản chỉ đạo triển khai;

- Các hình thức công khai...

UBND cấp huyện, cấp xã

Sở Tài chính

 

d) Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường, thu hồi đất

- Thực hiện đúng các quy định về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Thực hiện việc lấy ý kiến đóng góp của người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chính quyền địa phương tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân.

- Thông tin cho người dân biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện thời của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh bằng nhiều hình thức (đài, trạm truyền thanh, công khai tại trụ sở UBND cấp xã, tại ấp khóm,…).

- Công tác thu hồi, đền bù bảo đảm đúng quy định: Khi bị thu hồi đất, gia đình được thông báo cụ thể về mục đích sử dụng đất; đất bị thu hồi hiện đang được sử dụng đúng với mục đích quy hoạch ban đầu. Bảo đảm công tác thu hồi, đền bù không ảnh hưởng bất lợi đến cuộc sống của người dân.

- Công khai Bảng giá đất hàng năm sau khi được UBND Tỉnh ban hành tại trụ sở UBND cấp xã, Cổng Thông tin điện tử của Tỉnh và Trang Thông tin điện tử của ngành và các hình thức thích hợp khác.

- Công khai thông tin về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới.

- Các văn bản chỉ đạo, hình ảnh, tài liệu khác (nếu có);

- Các hình thức công khai phù hợp khác.

UBND cấp huyện, cấp xã

Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng

 

3

Trách nhiệm giải trình với người dân: Đạt điểm số từ 4,47 điểm trở lên (tăng 0,15 điểm trở lên so với năm 2021)

a) Hiệu quả tương tác với các cấp chính quyền

- Tuyên truyền cho công dân biết về Tổng đài 1022, đây là nơi tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp có liên quan đến quá trình giải quyết thủ tục hành chính ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), các vấn đề về kinh tế - xã hội, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích,…

- Nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân đối với các vấn đề dân sinh, các khúc mắc trong đời sống hằng ngày.

- Khuyến khích người dân tham gia góp ý xây dựng chính quyền. Lắng nghe, tiếp thu các đóng góp, phản ánh của người dân.

- Thực hiện tốt chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân thông qua các buổi tiếp xúc cử tri và chế độ tiếp dân định kỳ theo quy định; nghiêm túc tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý của nhân dân về công tác quản lý, điều hành, về thái độ và phong cách làm việc của cán bộ, công chức ở cơ sở, bằng nhiều hình thức tiếp xúc, đối thoại như: Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, Chương trình đối thoại với nhân dân trên sóng phát thanh…

Kế hoạch, báo cáo

UBND cấp huyện, cấp xã

Các sở, ngành Tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; Văn phòng UBND Tỉnh

 

b) Giải quyết khiếu nại, tố giác của người dân

Chính quyền địa phương tích cực, chủ động:

- Thực hiện tốt Luật Khiếu nại, Luật tố cáo; Luật Tiếp công dân.

- Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết tốt những khúc mắc của dân.

- Gặp gỡ, tiếp xúc với người dân thông qua các cuộc họp dân thường xuyên hoặc bất thường.

- Tiếp thu và phúc đáp đầy đủ những đề xuất, kiến nghị của Nhân dân.

Kết luận, thông báo, biên bản

UBND cấp huyện, cấp xã

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp

 

c) Tiếp cận dịch vụ tư pháp

- Tạo điều kiện để Ban Thanh tra nhân dân ở cấp xã hoạt động hiệu quả, đi vào thực chất, nhất là trong thực hiện các nhiệm vụ được giao như: Giám sát việc thực hiện chính sách; bảo đảm các khiếu nại, tố cáo được giải quyết và giám sát việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

- Thông tin, tuyên truyền để người dân biết về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Thanh tra nhân dân được Nhân dân bầu.

- UBND các cấp bảo đảm cơ sở vật chất, các điều kiện khác nhằm nâng cao chất lượng tiếp cận pháp luật của người dân tại địa phương, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619 QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Văn bản chỉ đạo, hình thức tuyên truyền, tài liệu khác (nếu có).

UBND cấp huyện, cấp xã

Sở Tư pháp; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp

 

4

Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công: Đạt điểm số từ 6,93 điểm trở lên (tăng 0,16 điểm trở lên so với năm 2021)

a) Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương

Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Nghiêm cấm cán bộ, công chức, người thực thi công vụ có các hành vi như:

- Dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng;

- Nhận các khoản tiền ngoài quy định trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

- Nhận các khoản tiền ngoài quy định trong cấp giấy phép xây dựng.

Kết luận, thông báo, biên bản

UBND cấp huyện, cấp xã

Thanh tra Tỉnh, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Xây dựng

 

b) Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công

- Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, khắc phục tình trạng như: Người dân phải chi thêm tiền để được quan tâm hơn khi đi khám, chữa bệnh; cha mẹ học sinh phải chi thêm tiền để con em được quan tâm hơn.

- Tuyên truyền, tập huấn các văn bản về y tế: Quy định về y đức, Quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, các văn bản hướng dẫn Luật PCTN, Luật KCB...

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục tiểu học công lập; tăng cường các kênh tiếp nhận thông tin của người dân đối với cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên của các trường tiểu học trên địa bàn, xử lý kịp thời các vụ việc, hành vi tiêu cực; thông tin, công khai rộng rãi tới người dân.

- Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiểu học

- Tổ chức kiểm tra đột xuất.

- Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền.

Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo

Thanh tra Tỉnh; UBND cấp huyện, cấp xã

 

c) Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công

- Thực hiện việc tuyển dụng công chức phải bảo đảm nguyên tắc: Cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; khắc phục tình trạng như: Phải đưa tiền “lót tay” để xin được việc làm trong cơ quan nhà nước; Phải có mối quan hệ cá nhân thân quen với người có chức quyền mới xin được vào làm trong cơ quan nhà nước.

Kế hoạch, thông báo

Các sở, ngành Tỉnh; Sở Nội vụ; UBND cấp huyện

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan

 

d) Quyết tâm chống tham nhũng

- Tuyên truyền để người dân biết về Luật Phòng chống tham nhũng để mạnh dạn tố cáo hành vi vòi vĩnh, đòi hối lộ.

- Chính quyền quyết tâm phòng, chống tham nhũng và xử lý nghiêm túc vụ việc tham nhũng ở địa phương

Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng

Thanh tra Tỉnh

Các sở, ngành Tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; UBND cấp huyện, cấp xã

 

5

Thủ tục hành chính công: Đạt điểm số từ 7,25 điểm trở lên (tăng 0,14 điểm trở lên so với năm 2021)

Dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền địa phương; Dịch vụ cấp giấy phép xây dựng; Dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Dịch vụ hành chính ở cấp xã

- Thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông;

- Thực hiện tốt việc niêm yết công khai quy trình giải quyết các thủ tục hành chính và các mức phí, lệ phí phải nộp;

- Tăng cường tuyên truyền về hiệu quả của công tác cải cách thủ tục hành chính hiện nay. Quan tâm tăng cường tuyên truyền và hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong giải quyết thủ tục hành chính;

- Nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giải quyết thủ tục hành chính;

- Quan tâm hơn nữa việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức;

- Tiếp tục quan tâm rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính;

- Thực hiện tốt việc gửi thư xin lỗi đối với những hồ sơ trễ hẹn và quá hạn;

- Các tiêu chí cần quan tâm thực hiện:

Thông tin rõ ràng về thủ tục cần làm;

Phí được niêm yết công khai;

Công chức có trình độ nghiệp vụ;

Được đối xử hợp lý;

Không quá nhiều giấy tờ;

Được hẹn rõ ngày trả kết quả;

Nhận được kết quả như lịch hẹn;

Người dân hài lòng với dịch vụ nhận được.

Kế hoạch, báo cáo

UBND cấp huyện và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, cấp xã

Văn phòng UBND Tỉnh, các sở, ngành Tỉnh;

 

6

Cung ứng dịch vụ công: Đạt điểm số từ 7,63 điểm trở lên (tăng 0,08 điểm trở lên so với năm 2021)

a) Y tế công lập

- Thông tin, tuyên truyền về quy định trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí khám chữa bệnh, người nghèo được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, tác dụng của thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh;

- Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện;

- Thực hiện các giải pháp khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong ngành;

- Cải thiện các điều kiện cơ sở vật chất cơ bản phục vụ người khám, chữa bệnh (thực hiện theo Quyết định số 6858 QĐ-BYT ngày 18 tháng 11 năm 2016 về Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam) như sau:

- Người bệnh điều trị nội trú được nằm một người một giường;

- Người bệnh được sử dụng buồng vệ sinh sạch sẽ và đầy đủ các phương tiện;

- Người bệnh được cung cấp vật dụng cá nhân đầy đủ, sạch sẽ, chất lượng tốt;

- Người bệnh được hưởng các tiện nghi bảo đảm sức khỏe, nâng cao thể trạng và tâm lý;

- Người khuyết tật được tiếp cận đầy đủ với các khoa, phòng và dịch vụ khám, chữa bệnh trong bệnh viện.

Kế hoạch, báo cáo

Sở Y tế

Bảo hiểm xã hội Tỉnh; UBND cấp huyện

 

b) Giáo dục tiểu học công lập

- Tuyên truyền về quy định miễn học phí cho học sinh tiểu học công lập tại địa phương (không kể những khoản đóng góp xây dựng trường và các khoản đóng góp theo quy định).

- Nâng cao chất lượng dạy và học giáo dục tiểu học công lập.

- Khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong ngành.

- Tăng cường mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường và cha mẹ học sinh.

- Cải thiện các điều kiện cơ sở vật chất cơ bản phục vụ dạy và học trong nhà trường.

- Tổ chức khảo sát đo lường sự hài lòng của phụ huynh học sinh và người dân đối với chất lượng giáo dục ở các trường tiểu học công lập.

Kế hoạch, báo cáo

Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện, cấp xã

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan

 

c) Hạ tầng căn bản

- Bảo đảm cung cấp đầy đủ các điều kiện cơ bản cho người dân như: Điện, đường giao thông nông thôn được trải nhựa; nước sạch cho sinh hoạt tới tận nhà.

- Tăng cường tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, bảo đảm dịch vụ thu gom rác thải thường xuyên (hàng ngày).

Kế hoạch, báo cáo

UBND cấp huyện, cấp xã

Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường

 

d) Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn khu dân cư

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thực hiện các chương trình phối hợp hoạt động giữa chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh.

- Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn dân cư, ngăn chặn hiệu quả các loại tội phạm: Trộm cắp xe, móc túi, cướp giật tài sản, trộm đột nhập vào nhà, hành hung.

- Các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, triển khai phối hợp;

- Các hình thức tuyên truyền: đài phát thanh, hội nghị,...

Công an tỉnh

UBND cấp huyện, cấp xã

 

7

Quản trị môi trường: Phấn đấu giữ điểm số 4,73 như năm 2021

a) Nghiêm túc trong bảo vệ môi trường

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 06 tháng 3 năm 2017 của UBND Tỉnh thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và khí tượng thủy văn cho các cán bộ phụ trách các cấp và chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, mô hình tự quản về bảo vệ môi trường hiệu quả ở địa phương.

- Các Kế hoạch và các văn bản triển khai

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND cấp huyện, cấp xã

 

b) Chất lượng không khí và chất lượng nước

- Triển khai, vận hành hiệu quả Hệ thống tiếp nhận, tích hợp và công bố dữ liệu quan trắc môi trường tỉnh Đồng Tháp (giám sát chất lượng nước thải tự động đối với các cơ sở có lưu lượng xả thải từ 1.000 m3 ngày đêm trở lên).

- Xây dựng và thực hiện các kế hoạch phân loại, thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh. Tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải y tế, chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải trong nông nghiệp, nông thôn phát sinh.

- Vận hành hoạt động các khu xử lý rác tập trung đã đầu tư theo quy hoạch; đồng thời, tiến hành các thủ tục đóng cửa các bãi rác tạm, nằm ngoài quy hoạch.

- Bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

- Các Kế hoạch và các văn bản triển khai

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND cấp huyện, cấp xã

 

8

Quản trị điện tử: Đạt điểm số từ 2,84 điểm trở lên (tăng 0,31 điểm trở lên so với năm 2021)

a) Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân biết cách sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương.

Các hình thức tuyên truyền

Sở Thông tin và truyền thông

UBND cấp xã, UBND cấp huyện, Văn phòng UBND Tỉnh (Cổng TTĐT)

 

b) Tiếp cận và sử dụng Internet tại địa phương

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và tổ chức tập huấn cho người dân biết sử dụng Internet.

- Tăng cường các phương thức tương tác với người dân qua ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin bảo đảm thuận tiện, kịp thời, chất lượng và hiệu quả cao

- Triển khai hiệu quả việc thực hiện Chính phủ điện tử trên địa bàn Tỉnh.

Kế hoạch hoặc văn bản khác

Sở Thông tin và truyền thông

UBND cấp xã, UBND cấp huyện

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 234/KH-UBND về cải thiện Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công tỉnh Đồng Tháp năm 2022

  • Số hiệu: 234/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 28/06/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Phạm Thiện Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản