Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2278/KH-UBND | Kon Tum, ngày 28 tháng 6 năm 2024 |
KIỂM KÊ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Triển khai thực hiện Quyết định số 1826/QĐ-BNN-KL ngày 20 tháng 6 năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch Kiểm kê rừng tại các tỉnh vùng Tây Nguyên. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum xây dựng Kế hoạch kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh, như sau[1]:
Tỉnh Kon Tum là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện điều tra, kiểm kê rừng từ năm 2014 thuộc Dự án Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013 - 2016 theo Quyết định số 594/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện trên cơ sở biện pháp kỹ thuật và các tiêu chí phân loại rừng theo các Nghị định, Thông tư hướng dẫn tại Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Qua hơn 10 năm, đến nay có những thay đổi theo quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Ngoài ra, dữ liệu về hiện trạng rừng và chủ quản lý rừng có nhiều thay đổi do tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều chương trình về giao đất, giao rừng, cho thuê rừng.
Thực hiện theo Thông báo số 226/TB-VPVP ngày 17 tháng 5 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ về thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện kiểm kê rừng tại các tỉnh vùng Tây Nguyên trong năm 2024 - 2025 nhằm xác định rõ ràng, cụ thể diện tích rừng (theo chủ quản lý và hiện trạng), diện tích rừng bị chồng lấn, tranh chấp về chủ quản lý, rừng nghèo kiệt phân bố manh mún trong vùng quy hoạch bố trí dân di cư tự do, nhằm tạo thêm quỹ đất để triển khai cơ chế, chính sách về bố trí, ổn định dân cư, đặc biệt là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo.
Từ những lý do trên, để cập nhật thông tin, hồ sơ về rừng, đất rừng, phân định ranh giới 03 loại rừng, ranh giới giữa các chủ rừng phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp tại trên địa bàn tỉnh Kon Tum là rất cần thiết.
- Luật Lâm nghiệp năm 2017;
- Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
- Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 tháng 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch sử dụng đất Quốc gia 5 năm 2021 - 2025;
- Quyết định số 1756/QĐ-TTg ngày 31 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng;
- Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng;
- Chỉ thị số 03/CT-TTg 03 ngày 06 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác” và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;
- Thông báo số 226/TB-VPCP ngày 17 tháng 5 năm 2024 của Văn Phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024;
- Quyết định số 1826/QĐ-BNN-KL ngày 20 tháng 6 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ban hành Kế hoạch kiểm kê rừng tại các tỉnh vùng Tây Nguyên;
- Quyết định số 145/QĐ-KL-CĐS ngày 18 tháng 6 năm 2024 của Cục Kiểm lâm về việc ban hành “Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật Điều tra rừng”.
III. NGUYÊN TẮC, MỤC TIÊU, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
1. Nguyên tắc
a) Kế thừa các tài liệu hiện có, gồm: kết quả kiểm kê rừng giai đoạn 2013-2016 và cập nhật theo dõi diễn biến rừng hàng năm; kết quả quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1756/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2023; số liệu hệ thống điều tra hệ thống Chùm ô, Ô định vị nghiên cứu sinh thái rừng quốc gia trên địa bàn tỉnh Kon Tum, thuộc Dự án “Điều tra, đánh giá và giám sát tài nguyên rừng toàn quốc, giai đoạn 2022 - 2025”.
b) Việc điều tra, kiểm kê rừng được thực hiện phù hợp với kiểm kê đất đai.
c) Điều tra, kiểm kê rừng được thực hiện đồng bộ, toàn diện nhằm xác định rõ ràng, cụ thể diện tích rừng (theo chủ quản lý và hiện trạng), diện tích rừng bị chồng lấn, tranh chấp về chủ quản lý, rừng nghèo kiệt phân bố manh mún trên địa bàn.
d) Chủ rừng tự thực hiện kiểm kê rừng; các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn về lâm nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, kiểm tra và tổng hợp kết quả kiểm kê.
đ) Ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm kê rừng để đảm bảo tính chính xác, khách quan của kết quả kiểm kê.
e) Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và chất lượng kiểm kê rừng tại địa phương, kết quả kiểm kê rừng phải được tích hợp vào hệ thống theo dõi diễn biến rừng.
2. Mục tiêu
a) Xác định được toàn diện về hiện trạng diện tích rừng, trữ lượng rừng, trữ lượng các-bon rừng và diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp chưa có rừng gắn với chủ quản lý ở từng địa phương trên địa bàn tỉnh.
b) Đánh giá tình hình biến động diện tích rừng, trữ lượng rừng theo đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh so với số liệu theo dõi diễn biến rừng để giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương trong việc quản lý, sử dụng, phát triển rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp chưa có rừng một cách hiệu quả, bền vững.
c) Cập nhật, bổ sung, chuẩn hóa và hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng, hồ sơ quản lý rừng, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát về lâm nghiệp, là cơ sở để theo dõi diễn biến rừng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
d) Xác định rõ ràng, cụ thể diện tích rừng bị chồng lấn, tranh chấp về chủ quản lý, rừng nghèo kiệt phân bố manh mún trong vùng quy hoạch bố trí dân di cư tự do, nhằm tạo thêm quỹ đất để triển khai cơ chế, chính sách về bố trí, ổn định dân cư, đặc biệt là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo.
3. Phạm vi
Việc điều tra, kiểm kê rừng được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh Kon Tum, cụ thể:
a) Điều tra, kiểm kê diện tích, trữ lượng rừng, trữ lượng các-bon của rừng tự nhiên, rừng trồng thuộc quy hoạch lâm nghiệp và rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp.
b) Điều tra, kiểm kê diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp chưa có rừng.
4. Đối tượng
a) Theo chủ rừng: Chủ rừng theo quy định tại Điều 8 Luật Lâm nghiệp; Ủy ban nhân dân cấp xã (quản lý diện tích rừng và đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp chưa giao, chưa cho thuê).
b) Theo mục đích sử dụng: Rừng đặc dụng; rừng phòng hộ; rừng sản xuất; rừng ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp (rừng tự nhiên, rừng trồng đã quy hoạch cho mục đích khác hoặc từ trước đến nay không thuộc quy hoạch lâm nghiệp).
IV. NỘI DUNG, QUY TRÌNH, PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA, KIỂM KÊ RỪNG
a) Điều tra, kiểm kê rừng theo trạng thái: Kiểm kê rừng tự nhiên; kiểm kê rừng trồng; kiểm kê đất quy hoạch cho lâm nghiệp chưa có rừng.
b) Điều tra, kiểm kê theo chủ quản lý.
- Chủ quản lý rừng thuộc nhóm I, gồm: Hộ gia đình, cá nhân trong nước; Cộng đồng dân cư được giao rừng, thuê rừng; Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Chủ quản lý rừng thuộc nhóm II, gồm: Ban quản lý rừng đặc dụng; Ban quản lý rừng phòng hộ; Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray; Tổ chức kinh tế; Đơn vị vũ trang; Tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất để trồng rừng sản xuất.
c) Điều tra, kiểm kê theo mục đích sử dụng
- Điều tra, kiểm kê rừng đặc dụng, bao gồm: Vườn quốc gia, Khu dự trữ thiên nhiên, Khu bảo tồn loài - sinh cảnh, Khu bảo vệ cảnh quan (rừng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh); rừng tín ngưỡng; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; Khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học, vườn thực vật quốc gia và rừng giống quốc gia.
- Điều tra, kiểm kê rừng phòng hộ, bao gồm: Rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; Rừng phòng hộ biên giới; Rừng phòng hộ chắn gió.
- Điều tra, kiểm kê rừng sản xuất.
- Điều tra, kiểm kê rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp.
2. Quy trình và phương pháp thực hiện
a) Công tác chuẩn bị
- Xây dựng và phê duyệt dự án kiểm kê rừng ở địa phương (thời gian hoàn thành cần đảm bảo bố trí kế hoạch vốn năm 2025 thực hiện kiểm kê rừng tại địa phương).
- Thu thập thông tin, tư liệu liên quan phục vụ nhiệm vụ dự án.
- Xây dựng đề cương kỹ thuật và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
- Tổ chức thông qua đề cương kỹ thuật và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
- Chỉnh sửa đề cương kỹ thuật và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
- Thiết kế kỹ thuật, thống nhất biện pháp kỹ thuật.
- Lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ.
- Phân tích, thiết kế hệ thống mẫu khóa ảnh, mẫu điều tra.
- Thăm dò biến động mẫu điều tra.
- Chuẩn bị vật tư, kỹ thuật.
b) Giải đoán ảnh viễn thám xây dựng tư liệu phục vụ kiểm kê rừng.
- Tiếp nhận ảnh viễn thám.
- Giải đoán ảnh viễn thám, tổ chức điều tra rừng phân loại ảnh thành lập bản đồ phân loại trạng thái rừng theo mẫu khóa ảnh (không bao gồm kết quả điều tra trữ lượng rừng).
- Bàn giao kết quả giải đoán ảnh viễn thám, tổ chức điều tra rừng phân loại ảnh thành lập bản đồ phân loại trạng thái rừng theo mẫu khóa ảnh, tổ chức điều tra trữ lượng rừng và xây dựng tài liệu phục vụ kiểm kê rừng và tổ chức kiểm kê rừng. Sản phẩm bàn giao gồm:
+ Bản đồ kết quả giải đoán ảnh viễn thám.
+ Báo cáo kết quả.
+ Biểu tổng hợp các chỉ tiêu diện tích rừng cho cấp tỉnh.
+ Các sản phẩm trung gian: Mẫu khóa ảnh; các phiếu, biểu…
+ Các tài liệu, văn bản khác liên quan.
c) Tổ chức kiểm kê rừng
- Công tác chuẩn bị ảnh viễn thám; Bản đồ; phần mềm ứng dụng để xử lý ảnh phân loại trạng thái rừng; phần mềm biên tập bản đồ hiện trạng rừng; Phần mềm lập hồ sơ quản lý rừng và tổng hợp kết quả kiểm kê rừng theo chủ rừng, theo đơn vị hành chính; Các mẫu biểu điều tra, kiểm kê rừng và các tài liệu khác có liên quan.
- Tiếp nhận kết quả và tổ chức điều tra rừng phân loại ảnh thành lập bản đồ phân loại trạng thái rừng theo mẫu khóa ảnh (không bao gồm kết quả điều tra trữ lượng rừng).
- Tổ chức điều tra trữ lượng rừng và xây dựng tài liệu phục vụ kiểm kê rừng.
- Sản phẩm điều tra phục vụ kiểm kê rừng của chủ rừng nhóm I.
+ Bản đồ hiện trạng phục vụ kiểm kê rừng in trên nền ảnh vệ tinh tỷ lệ 1/10.000 cấp xã.
+ Bản đồ hiện trạng phục vụ kiểm kê rừng tỷ lệ 1/10.000 cấp xã (dạng số).
+ Danh sách các lô rừng của từng xã cho chủ rừng nhóm I.
- Sản phẩm điều tra phục vụ kiểm kê rừng của chủ rừng nhóm II.
+ Bản đồ hiện trạng phục vụ kiểm kê rừng tỷ lệ 1/10.000 của chủ rừng (dạng số).
+ Danh sách các lô rừng của chủ rừng nhóm II.
- Các sản phẩm trung gian của điều tra phục vụ kiểm kê rừng.
+ Báo cáo kết quả rút mẫu ô đo đếm.
+ Biểu tổng hợp các chỉ tiêu trữ lượng rừng cho cấp tỉnh.
+ Báo cáo kết quả giải đoán ảnh vệ tinh xây dựng bản đồ hiện trạng rừng; tư liệu ảnh vệ tinh.
+ Hệ thống các phiếu điều tra.
+ Hệ thống biểu thành quả điều tra rừng.
+ Hệ thống bản đồ thành quả hiện trạng rừng.
+ Báo cáo kết quả điều tra phục vụ kiểm kê rừng.
+ Các tài liệu, văn bản khác liên quan.
- Kiểm kê rừng.
- Chủ rừng nhóm I: Trên cơ sở tài liệu được xây dựng từ công tác điều tra rừng, chủ rừng kiểm tra, đối chiếu diện tích, trữ lượng rừng, trữ lượng các-bon rừng và kê khai bổ sung vào phiếu kiểm kê. Kết quả kiểm kê rừng của chủ rừng nhòm I gồm: Phiếu kiểm kê (đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư), bản đồ kiểm kê (bản đồ giấy và bản đồ số) và biểu tổng hợp danh sách các lô rừng đã được điều chỉnh phù hợp với thực địa.
- Chủ rừng nhóm II: Rà soát ranh giới lô trạng thái rừng và đất lâm nghiệp của chủ rừng; hiệu chỉnh ranh giới các lô trạng thái rừng nếu có sai khác so với thực địa. Bổ sung và chỉnh sửa thông tin cho lô rừng về đặc điểm lô rừng vào biểu danh sách các lô rừng. Kết quả kiểm kê rừng của chủ rừng nhóm II gồm: Bản đồ kiểm kê (bản đồ giấy và bản đồ số) và biểu tổng hợp danh sách các lô rừng đã được điều chỉnh phù hợp với thực địa.
d) Tổng hợp kết quả số liệu kiểm kê rừng cấp xã được tổng hợp từ các chủ rừng, số liệu cấp huyện, tỉnh được tổng hợp từ số liệu các đơn vị hành chính, các biểu kiểm kê rừng.
đ) Lập hồ sơ quản lý
- Sau khi kết quả kiểm kê rừng được nghiệm thu, tiến hành lập Hồ sơ quản lý rừng cho từng chủ rừng và cấp hành chính để phục vụ cho công tác quản lý ngành lâm nghiệp; đồng thời đây là nguồn thông tin đầu vào phục vụ theo dõi diễn rừng và diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp chưa có rừng hàng năm sau khi kiểm kê.
- Hồ sơ quản lý rừng bao gồm dạng số và dạng giấy (số liệu, bản đồ hiện trạng, diện tích, trữ lượng rừng, trữ lượng các-bon rừng và bản đồ kèm theo thể hiện đến lô quản lý) và các tài liệu liên quan sẽ được cập nhật bổ sung trong quá trình quản lý ở địa phương.
e) Nghiệm thu, phê duyệt kết quả kiểm kê rừng.
- Nghiệm thu: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức nghiệm thu kết quả kiểm kê rừng cấp huyện và chủ rừng nhóm II. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức nghiệm thu kết quả kiểm kê rừng cấp xã.
- Phê duyệt kết quả: Chủ rừng nhóm I xác nhận kết quả kiểm kê rừng và hồ sơ quản lý rừng của chủ rừng nhóm I; Chủ rừng nhóm II xác nhận kết quả kiểm kê rừng và hồ sơ quản lý rừng của chủ rừng nhóm II; Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt kết quả kiểm kê rừng trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, công bố kết quả kiểm kê rừng của tỉnh và báo cáo kết quả kiểm kê rừng của tỉnh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
V. NỘI DUNG, THỜI GIAN, ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ THỰC HIỆN
TT | Nội dung | Thời hạn hoàn thành | Đơn vị chủ trì thực hiện |
I | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | ||
1 | Tiếp nhận và giải đoán ảnh vệ tinh | Quý IV/2024 - Quý I/2025 | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
2 | Hội nghị tập huấn kỹ thuật | Quý I/2025 | Cục Kiểm lâm |
II | Tỉnh Kon Tum |
|
|
1 | Xây dựng kế hoạch điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum | Trước ngày 30/6/2024 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
2 | Xây dựng và phê duyệt dự án kiểm kê rừng ở địa phương | Thời gian hoàn thành cần đảm bảo bố trí kế hoạch vốn năm 2025 để thực hiện kiểm kê rừng tại địa phương (theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông). | |
- | Xây dựng đề cương, dự toán điều tra, kiểm kê rừng tỉnh Kon Tum |
| Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
- | Phê duyệt đề cương, dự kiến kinh phí điều tra, kiểm kê rừng tỉnh Kon Tum |
| UBND tỉnh |
3 | Làm thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thực hiện điều tra, kiểm kê rừng tỉnh Kon Tum | Quý IV/2024 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
4 | Tổ chức điều tra, kiểm kê rừng, công bố kết quả |
|
|
- | Triển khai thực hiện điều tra, kiểm kê rừng trên toàn tỉnh | Quý I/2025 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
- | Phê duyệt kết quả kiểm kê rừng cấp xã | Trước ngày 30/7/2025 | UBND cấp xã |
- | Phê duyệt kết quả kiểm kê rừng cấp huyện | Trước ngày 31/8/2025 | UBND cấp huyện |
- | Công bố kết quả kiểm kê rừng trên địa bàn toàn tỉnh | Trước ngày 30/11/2025 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu trình UBND tỉnh công bố |
- | Báo cáo kết quả kiểm kê rừng ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông | Trước ngày 30/12/2025 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu trình UBND tỉnh |
- | Tổ chức kiểm tra, đôn đốc | Thường xuyên, và theo tiến độ thực hiện của các cấp xã, huyện và toàn tỉnh | Tổ công tác chỉ đạo điều tra, kiểm kê rừng của tỉnh Kon Tum |
VI. DỰ KIẾN KINH PHÍ: Nguồn kinh phí kiểm kê rừng do ngân sách nhà nước bảo đảm từ nguồn sự nghiệp kinh tế và nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có), cụ thể:
1. Dự kiến kinh phí của Trung ương: Kinh phí cho các hoạt động gồm tiếp nhận ảnh, giải đoán ảnh viễn thám; xây dựng tài liệu hướng dẫn, phần mềm tổng hợp, theo dõi kết quả kiểm kê rừng; tổ chức các hội nghị đào tạo, tập huấn kiểm kê rừng; kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tại các địa phương.
2. Dự kiến kinh phí của địa phương: Kinh phí cho các hoạt động gồm: Điều tra rừng trên thực địa để xác định diện tích, trữ lượng, trạng thái rừng; tổ chức kiểm kê rừng đến từng chủ rừng, tổng hợp và công bố kết quả kiểm kê rừng trên địa bàn toàn tỉnh (phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương và tình hình thực tế).
1. Báo cáo kết quả kiểm kê rừng theo đơn vị hành chính.
2. Hệ thống bản đồ: Bản đồ kết quả kiểm kê rừng cấp xã, huyện, tỉnh và chủ rừng nhóm II theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 12 năm 2023.
3. Hệ thống biểu số liệu: Hệ thống biểu tổng hợp kết quả kiểm kê rừng theo cấp hành chính thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 7 Điều 26 Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 12 năm 2023.
4. Hồ sơ quản lý rừng: Hồ sơ quản lý rừng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 31 Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1. Khoa học công nghệ
- Ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thám trong công tác điều tra, kiểm kê rừng; sử dụng ảnh vệ tinh để phục vụ việc điều tra xây dựng bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng; ứng dụng các phần mềm chuyên dụng để giải đoán ảnh vệ tinh, biên tập bản đồ kiểm kê rừng.
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
- Nghiên cứu ứng dụng các phương tiện, thiết bị và công cụ trong điều tra, kiểm kê rừng tiên tiến phù hợp, các trang thiết bị hiện đại sử dụng cho công tác điều tra ngoại nghiệp và xây dựng thành quả như: Máy định vị GPS, máy tính bảng, máy ảnh kỹ thuật số và các phần mềm chuyên dụng có liên quan khác.
2. Nhân lực: Tăng cường năng lực và huy động các lực lượng tham gia công tác điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn toàn tỉnh, cụ thể như sau:
- Nguồn nhân lực từ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: Cục Kiểm lâm, Viện Điều tra Quy hoạch rừng, Trường Đại học Lâm nghiệp.
- Nguồn nhân lực từ các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương.
- Nguồn nhân lực từ các đơn vị chuyên ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng nhóm II...
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Cơ quan đầu mối, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và trực tiếp tổ chức thực hiện Kế hoạch này.
- Khẩn trương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và phê duyệt dự án kiểm kê rừng ở địa phương, thời gian hoàn thành cần đảm bảo bố trí kế hoạch vốn năm 2025 thực hiện kiểm kê rừng tại địa phương. Trong đó lưu ý về nội dung đề cương kỹ thuật và dự toán điều tra, kiểm kê rừng tỉnh Kon Tum, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong năm 2024, để làm cơ sở tổ chức thực hiện hoàn thành trong năm 2025.
- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, thẩm định và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.
- Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và công bố kết quả kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện chế độ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả điều tra xác định hiện trạng rừng theo quy định.
2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum: Theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí thực hiện điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo quy định về phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu về kiểm kê đất đai; giao đất, cho thuê đất và các bản đồ có liên quan để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích hợp vào hồ sơ kiểm kê rừng, đảm bảo đồng bộ với kiểm kê đất đai.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch kiểm kê rừng trên địa bàn toàn tỉnh.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng tuyên truyền, phổ biến cho các chủ rừng, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan về nội dung kế hoạch kiểm kê rừng;
- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có diện tích rừng phối hợp thực hiện các nội dung có liên quan tại địa phương.
5. Các đơn vị chủ rừng là tổ chức
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra, kiểm kê rừng đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu;
- Bố trí nguồn lực để thực hiện điều tra, kiểm kê rừng trên lâm phần được giao quản lý theo đúng quy định pháp luật và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trên đây là Kế hoạch kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện, trường hợp gặp khó khăn vướng mắc, đề nghị tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để kịp thời giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
[1] Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 2381/SNN-KH ngày 28 tháng 6 năm 2024 về việc tham mưu Kế hoạch điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Kế hoạch 2278/KH-UBND năm 2024 về kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- Số hiệu: 2278/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 28/06/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
- Người ký: Nguyễn Hữu Tháp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra