Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 205/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 27 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ PHƯƠNG TIỆN KINH DOANH VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

Căn cứ Nghị quyết số 40/2016/NĐ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc thông qua Quy hoạch Giao thông vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 202/2019/NĐ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 40/2016/NQ-HĐND ngày 9 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 615/QĐ-UBND ngày 03 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 4466/QĐ-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc sửa đổi điểm a khoản 2 Mục II Điều 1 Quyết định số 615/QĐ-UBND ngày 03 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng chiến lược phát triển đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai có hiệu quả công tác phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo các quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

b) Xây dựng kế hoạch phát triển phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ từng giai đoạn phù hợp với thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và quy hoạch phát triển giao thông vận tải; đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu đi lại của người dân và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

2. Yêu cầu

a) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Xác định rõ loại hình, số lượng phương tiện từng giai đoạn để tạo ra lực lượng vận tải bằng xe ô tô có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phù hợp với thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.

b) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý nhà nước và trong quản lý, điều hành của các đơn vị kinh doanh vận tải để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

c) Từng bước hình thành các đơn vị kinh doanh vận tải có quy mô lớn hoạt động vận tải đa phương thức, đảm bảo kết nối giữa vận tải đường bộ và các phương thức vận tải khác để giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh.

II. HIỆN TRẠNG GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

a) Hệ thống giao thông đường bộ: Tổng chiều dài mạng lưới đường bộ hiện hữu trên địa bàn tỉnh là 8.060 km, trong đó: Đường bê tông nhựa, đường bê tông xi măng có 6.971 km. Mật độ các loại đường bộ bình quân 1,36 km/km2. Cụ thể:

- Hệ thống đường Quốc gia có tổng chiều dài 306,1 km, bao gồm:

05 tuyến Quốc lộ với tổng chiều dài 263,8 km.

01 tuyến đường cao tốc với tổng chiều dài 42,3 km.

- Hệ thống đường tỉnh: 28 tuyến với tổng chiều dài 568 km, đường nhựa và bê tông nhựa là 531 km, tỷ lệ 93,4%; đường đất là 38 km, tỷ lệ 6,6%.

- Hệ thống đường huyện: 227 tuyến với tổng chiều dài 1.227 km, đường nhựa và bê tông nhựa là 1.227 km (Tỷ lệ 100%).

- Hệ thống đường đô thị: Dài 765,9 km bao gồm các tuyến đường nội ô thành phố Biên Hòa và thành phố Long Khánh và tuyến đường tại các thị trấn đã được nhựa, bê tông hóa đạt 90%.

- Hệ thống đường xã: Tổng chiều dài 5.193 km.

b) Hệ thống bến bãi phục vụ vận tải đường bộ

- Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 bến xe khách hoạt động với tổng diện tích khai thác 93.188 m2. Trong đó: Có 01 bến xe loại 2, 06 bến xe loại 3, 09 bến xe loại 4, 02 bến xe loại 5, 02 bến xe loại 6.

- Bãi đỗ xe vận chuyển hàng hóa được bố trí tại khu vực cảng và Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Các đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức các bãi đỗ xe phù hợp với số lượng phương tiện của đơn vị theo quy định.

2. Hiện trạng phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

a) Phương tiện kinh doanh vận tải hành khách: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 8.456 xe ô tô tham gia các loại hình kinh doanh vận tải hành khách: Tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, hợp đồng,... cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể:

- Vận tải khách theo tuyến cố định: Có 250 tuyến cố định liên tỉnh đối lưu với 23 tỉnh, thành với 355 xe hoạt động, thực hiện 398 chuyến/ngày phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó, tỉnh Đồng Nai có 25 đơn vị khai thác 177 tuyến với 252 xe hoạt động.

- Vận tải khách bằng xe buýt: Có 19 tuyến xe buýt với 330 xe hoạt động. Trong đó: Có 10 tuyến liên tỉnh đối lưu cùng 03 tỉnh, thành phố lân cận và 09 tuyến nội tỉnh, tỉnh Đồng Nai có 13 đơn vị khai thác 18 tuyến với 293 xe.

- Vận tải khách bằng xe taxi: Có 11 đơn vị hoạt động với 1.464 xe.

- Vận tải khách theo hợp đồng: Có 116 đơn vị hoạt động với 6.307 xe.

b) Phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa: Có 243 đơn vị hoạt động với 44.547 phương tiện, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó:

- Vận tải hàng hóa bằng xe ô tô có 40.280 xe.

- Vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, đầu kéo có 4.267 xe.

3. Tình hình phát triển phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ giai đoạn 2016-2020

Trong giai đoạn 2016-2020, số lượng phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh tăng trưởng trung bình 15,1%/năm, tăng từ 29.413 xe năm 2016 lên 51.613 xe năm 2020. Trong đó, tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2016-2019, riêng năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên tốc độ tăng trưởng phương tiện thấp.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này có một số loại hình kinh doanh vận tải đường bộ có số lượng phương tiện tăng trưởng âm (-), cụ thể:

a) Phương tiện kinh doanh vận tải khách tuyến cố định giảm từ 421 xe năm 2016 xuống còn 355 xe năm 2020 do các đơn vị kinh doanh vận tải ngưng hoạt động các phương tiện cũ gần hết niên hạn sử dụng, đầu tư chuyển đổi từ xe ghế ngồi sang xe giường nằm, số phương tiện có giảm nhưng chất lượng phương tiện được nâng lên đáng kể.

b) Phương tiện kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt giảm từ 436 xe vào năm 2016 xuống còn 383 xe vào năm 2020 do có 05 tuyến xe buýt (Tuyến số 4, 6, 12, 21, 24) đề nghị tạm ngừng khai thác.

Phương tiện kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi trong giai đoạn 2019- 2020 giảm mạnh (Giảm 254 xe) do sự cạnh tranh mạnh mẽ của loại hình xe hợp đồng công nghệ (Grab,...).

Bảng 1. Tình hình phát triển phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ giai đoạn 2016-2020

TT

Loại hình kinh doanh vận tải

Số lượng phương tiện

Tốc độ tăng trưởng bình quân

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

I

Vận tải hành khách

3.663

5.508

6.595

7.105

7.938

23,3%

1

Xe tuyến cố định

421

555

477

355

355

-3,1%

2

Xe buýt

436

415

401

399

383

-2,4%

3

Xe hợp đồng

1.449

2.886

3.850

4.606

5.587

57,1%

4

Xe taxi

1.357

1.652

1.867

1.745

1.613

3,8%

II

Vận tải hàng hóa

25.750

26.793

33.697

43.767

43.675

13,9%

1

Xe tải

23.768

24.436

30.849

40.138

39.854

13,5%

2

Xe công-ten-nơ, đầu kéo

1.982

2.357

2.848

3.629

3.821

18,6%

TỔNG

29.413

32.301

40.292

50.872

51.613

15.1%

III. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN PHƯƠNG TIỆN KINH DOANH VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

1. Định hướng phát triển phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ

a) Đảm bảo tính hợp lý và đầy đủ về cơ cấu phương tiện giữa các loại hình kinh doanh vận tải, phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.

b) Thúc đẩy phát triển kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đảm bảo kết nối vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh với các tỉnh/thành trên cả nước và với các phương thức vận tải khác được thuận tiện, thông suốt, an toàn.

c) Kiểm soát hiệu quả số lượng đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, khuyến khích hình thành các đơn vị có quy mô lớn, hoạt động đáp ứng các yêu cầu theo quy định về kinh doanh vận tải; hỗ trợ các đơn vị nâng cao năng lực quản lý, điều hành nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải.

d) Tạo điều kiện phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ với chi phí vận tải hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong từng giai đoạn.

2. Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đến năm 2030

Nghị quyết số 40/2016/NĐ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016, Nghị quyết số 202/2019/NĐ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2019 và Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 30 tháng 7 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc thông qua Quy hoạch Giao thông vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và dịch vụ vận tải theo các tiêu chí nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và hiệu quả; phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại.

Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai định hướng đến năm 2030 đảm bảo đồng bộ với các loại hình giao thông khác, đặc biệt thực hiện tốt việc kết nối nhóm cảng biển Đông Nam Bộ và Cảng hàng không Quốc tế Long Thành khi hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa trong từng giai đoạn.

a) Định hướng phát triển mạng lưới giao thông đường bộ

- Hệ thống đường Quốc gia: 12 tuyến đường với tổng chiều dài 594,6 km, trong đó:

Các tuyến Quốc lộ: 05 tuyến (Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 20, Quốc lộ 51, Quốc lộ 56) với tổng chiều dài 263,8 km.

Các tuyến cao tốc: 05 tuyến (Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Tân Phú) với tổng chiều dài 216,6 km.

Các tuyến vành đai: 02 tuyến (Vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh) với tổng chiều dài 56,2 km.

- Hệ thống đường tỉnh: 55 tuyến với tổng chiều dài 771 km. Nâng cấp, mở rộng, mở mới các tuyến đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấp III-ĐB, nền rộng 12 m, mặt bê tông nhựa rộng 2 x 3,5 m và 2 lề gia cố 2 x 2 m, lộ giới 45 m.

- Hệ thống đường huyện: 272 tuyến với tổng chiều dài 1.813,9 km. Đạt tối thiểu là cấp IV, mặt bê tông nhựa, rộng 7 m, nền 9 m, hành lang an toàn mỗi bên 9 m, đất bảo vệ, bảo trì đường bộ mỗi bên 1 m, lộ giới tối thiểu là 32 m, một số tuyến đường quan trọng sẽ được nâng cấp đạt cấp III.

- Hệ thống đường xã: Đến năm 2030 các tuyến đường xã đạt tiêu chuẩn cấp V, mặt nhựa hoặc bê tông xi măng, rộng 5,5 m, nền 7,5 m, hành lang an toàn mỗi bên 9 m, phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ mỗi bên 1 m, lộ giới tối thiểu 29m. Trên cơ sở quy hoạch mạng lưới đường bộ Quốc gia - đường tỉnh - đường huyện, sẽ phát triển mạng lưới đường xã đủ về số lượng, đạt quy mô, đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh (Chủ yếu là nhu cầu đi lại và vận tải nhẹ).

- Hệ thống đường đô thị: Được đầu tư phát triển theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 104-2007 về đường đô thị - yêu cầu thiết kế trên cơ sở quy hoạch xây dựng các Khu đô thị, thị trấn, thị tứ đã được phê duyệt.

b) Định hướng phát triển hệ thống bến bãi phục vụ vận tải đường bộ

- Hệ thống bến xe: Quy hoạch đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có 29 bến xe với tổng diện tích 521.804 m2, bến xe phải đảm bảo diện tích tối thiểu và các bộ phận phục vụ cần thiết theo tiêu chuẩn của từng lại bến xe. Trong đó, quy hoạch 02 bến xe loại 1, 05 bến xe loại 2, 10 bến xe loại 3, 11 bến xe loại 4, 02 bến xe loại 6.

- Hệ thống bãi đỗ xe: Mở mới 21 điểm đỗ xe với tổng diện tích khoảng 2,1 ha trên địa bàn thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh và các huyện.

- Bãi đỗ xe tải: Bố trí tại khu vực cảng và Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3. Kế hoạch phát triển phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ giai đoạn 2021-2025

Đại dịch COVID-19 diễn ra từ năm 2020 đã tác động xấu đến nền kinh tế nói chung, hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ nói riêng. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh vận tải khách chịu tác động nặng do phải ngừng hoạt động trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội cùng với tâm lý người dân e ngại sử dụng phương tiện vận tải khách công cộng trong tình hình dịch bệnh có nhiêu diễn biến phức tạp. Trong giai đoạn này, các đơn vị vận tải tập trung vào việc khắc phục những khó khăn do đại dịch gây ra và phục hồi, củng cố hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.

a) Vận tải hành khách tuyến cố định

- Phục hồi, củng cố các tuyến hiện hữu sau đại dịch COVID-19 và mở mới một số tuyến theo danh mục tuyến cố định liên tỉnh trên địa bàn tỉnh được Bộ Giao thông vận tải công bố.

- Dự kiến tốc độ tăng trưởng trung bình 1,5%/năm, phát triển phương tiện kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định đến năm 2025 lên 382 xe, tăng 27 xe so với năm 2020.

b) Vận tải hành khách bằng xe buýt

- Phục hồi, củng cố các tuyến hiện hữu sau đại dịch COVID-19 và thực hiện kêu gọi các nhà đầu tư khai thác trở lại 06 tuyến đang ngừng hoạt động, mở các tuyến mới theo danh mục tuyến được Ủy ban nhân dân tỉnh công bố. Đảm bảo mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng phủ khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh và kết nối với các địa phương lân cận để phục vụ ngày càng tốt nhu cầu đi lại của người dân.

- Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, ưu tiên phát triển đối với phương tiện dùng năng lượng sạch nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, qua đó giảm áp lực đối với kết cấu hạ tầng giao thông và góp phần bảo vệ môi trường.

- Tổ chức sắp xếp lại các luồng tuyến hoạt động kém hiệu quả, năng lực khai thác, quản lý của đơn vị vận tải đảm nhận tuyến chưa tốt. Cơ cấu lại theo hướng giảm bớt các đơn vị đảm nhận khai thác nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe buýt.

- Dự kiến tốc độ tăng trưởng trung bình 2,5%/năm, phát triển phương tiện kinh doanh vận tải khách bằng xe buýt đến năm 2025 lên 448 xe, tăng 65 xe so với năm 2020.

c) Vận tải hành khách bằng xe taxi

- Do tác động của đại dịch COVID-19 cùng với sự phát triển của loại hình xe hợp đồng công nghệ sử dụng hợp đồng điện tử nên trong giai đoạn đầu các đơn vị vận tải taxi tập trung khắc phục khó khăn và cũng cố hoạt động kinh doanh vận tải nên ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng phương tiện.

- Khuyến khích các đơn vị phát triển loại hình xe taxi sử dụng phần mềm đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi để nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động.

- Dự kiến tốc độ tăng trưởng trung bình 3,8%/năm, phát triển phương tiện kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi đến năm 2025 lên 1.944 xe, tăng 331 xe so với năm 2020.

d) Vận tải hành khách theo hợp đồng

- Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đã tạo hành lang pháp lý và khuyến khích các đơn vị vận tải sử dụng hợp đồng điện tử trong hoạt động kinh doanh vận tải, tạo điều kiện phát triển nhanh loại hình xe hợp đồng công nghệ.

- Có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với việc đầu tư phương tiện hợp đồng đưa rước công nhân, học sinh sinh viên để nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường đảm bảo an toàn giao thông.

- Dự kiến tốc độ tăng trưởng trung bình 12,3%/năm, phát triển phương tiện kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng đến năm 2025 lên 9.979 xe, tăng 4.392 xe so với năm 2020.

đ) Vận tải hành khách du lịch bằng xe ô tô

- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị đăng ký kinh doanh loại hình vận tải khách du lịch bằng xe ô tô. Tuy nhiên, cần có chính sách hợp lý để khuyến khích phát triển loại hình này để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Tỉnh ủy Đồng Nai về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng.

- Dự kiến phát triển phương tiện kinh doanh vận tải khách du lịch đến năm 2025 lên 120 xe.

e) Vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

- Phát triển số lượng phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa đảm bảo đáp ứng chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

- Dự kiến tốc độ tăng trưởng trung bình 7,9%/năm. Phát triển phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa năm 2025 lên 60.927 xe, tăng 17.252 xe so với năm 2020. Trong đó:

Vận tải hàng hóa bằng xe ô tô tăng trưởng trung bình 6,5%/năm lên 54.603 xe vào năm 2025.

Vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, đầu kéo tăng trưởng trung bình 10,6%/năm lên 6.323 xe vào năm 2025.

Bảng 2. Kế hoạch phát triển phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ giai đoạn 2021-2025

Stt

Loại hình kinh doanh vận tải

Số lượng phương tiện năm 2020

Kế hoạch phát triển phương tiện giai đoạn 2021-2025

Ghi chú

Tốc độ (%)

Số lượng

I

Vận tải hành khách

7.938

13,4%

12.873

 

1

Xe tuyến cố định

355

1,5%

382

 

2

Xe buýt

383

3,2%

448

 

3

Xe hợp đồng

5.587

12,3%

9.979

 

4

Xe taxi

1.613

3,8%

1.944

 

5

Xe du lịch

 

 

120

 

II

Vận tải hàng hóa

43.675

7,9%

60.927

 

1

Xe tải

39.854

6,5%

54.603

 

2

Xe công-ten-nơ, đầu kéo

3.821

10,6%

6.323

 

Tổng

51.613

8,6%

73.800

 

4. Định hướng phát triển phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ đến năm 2030

Trong giai đoạn này, hệ thống giao thông đường bộ, đặc biệt là hệ thống đường quốc gia trên địa bàn tỉnh gồm: 05 tuyến cao tốc, 05 tuyến quốc lộ, 02 tuyến đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh và hệ thống đường tỉnh đã cơ bản hoàn chỉnh, đảm bảo kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kết nối với các loại hình giao thông khác, đặc biệt là Cảng hàng không Quốc tế Long Thành hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1, tạo điều điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh.

a) Vận tải hành khách tuyến cố định

- Rà soát, bổ sung thêm các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh kết nối với tỉnh/thành khác trong cả nước và điều chỉnh lưu lượng của các luồng tuyến hiện hữu để phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân.

- Dự kiến tốc độ tăng trưởng trung bình 2,7%/năm. Phát triển phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định đến năm 2030 lên 437 xe, tăng 54 xe so với năm 2025.

b) Vận tải hành khách bằng xe buýt

- Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Rà soát, điều chỉnh các tuyến hiện hữu và mở các tuyến mới đảm bảo kết nối với phương thức vận tải hành khách khối lượng lớn khác được đưa vào khai thác trong giai đoạn này như: Các tuyến đường sắt được quy hoạch trên địa bàn tỉnh, tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Cảng hàng không quốc tế Long Thành,...

- Dự kiến tốc độ tăng trưởng trung bình 5,5%/năm. Phát triển phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt đến năm 2030 lên 586 xe, tăng 138 xe so với năm 2025.

c) Vận tải hành khách bằng xe taxi

- Phát triển số lượng phương tiện vận tải hành khách bằng xe taxi phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là loại hình xe taxi sử dụng phần mềm đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi. Kết nối, hỗ trợ cho hoạt động vận tải khách công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia và Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

- Dự kiến tốc độ tăng trưởng trung bình 8,5%/năm, phát triển phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi đến năm 2030 lên 2.923 xe, tăng 979 xe so với năm 2025.

d) Vận tải hành khách theo hợp đồng

- Tiếp tục khuyến khuyến khích các đơn vị vận tải sử dụng hợp đồng điện tử trong hoạt động kinh doanh vận tải, phát triển nhanh loại hình xe hợp đồng công nghệ. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với phương tiện hợp đồng đưa rước công nhân, học sinh sinh viên.

- Dự kiến tốc độ tăng trưởng trung bình 10,5%/năm. Phát triển phương tiện kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng đến năm 2030 lên 16.440 xe, tăng 6.461 xe so với năm 2025.

đ) Vận tải hành khách du lịch bằng xe ô tô

- Phát triển số lượng phương tiện vận tải khách du lịch đáp ứng với mục tiêu phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2026-2030 tại Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Tỉnh ủy Đồng Nai.

- Dự kiến tốc độ tăng trưởng trung bình 12%/năm, phát triển phương tiện kinh doanh vận tải khách du lịch đến năm 2030 lên 211 xe, tăng 91 xe so với năm 2025.

e) Vận tải hàng hóa bằng xe ô tô

- Theo quy hoạch tổng thể đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối giao thông vùng và kết nối vận tải đang phương thức (Đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, đường sắt) mở ra không gian phát triển kinh tế mới, cơ hội mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế - xã hội. Đồng thời, thúc đẩy phát triển phương tiện vận tải hàng hóa, nhất là vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ kết nối vận tải đa phương thức

- Dự kiến tốc độ tăng trưởng trung bình 6,4%/năm. Phát triển phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa đến năm 2030 lên 80.535 xe, tăng 19.608 xe so với năm 2025. Trong đó:

Vận tải hàng hóa bằng xe ô tô tăng trưởng trung bình 5,4%/năm lên 71.027 xe vào năm 2030.

Vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, đầu kéo tăng trưởng trung bình 8,5%/năm lên 9.508 xe vào năm 2030.

Bảng 3. Định hướng phát triển phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ đến năm 2030

Stt

Loại hình kinh doanh vận tải

Kế hoạch phương tiện năm 2025

Định hướng phát triển phương tiện đến năm 2030

Ghi chú

Tốc độ (%)

Số lượng

I

Vận tải hành khách

12.873

12,0%

20.596

 

1

Xe tuyến cố định

382

2,7%

437

 

2

Xe buýt

448

5,5%

586

 

3

Xe hợp đồng

9.979

10,5%

16.440

 

4

Xe taxi

1.944

8,5%

2.923

 

5

Xe du lịch

120

12%

211

 

II

Vận tải hàng hóa

60.927

6,4%

80.535

 

1

Xe tải

54.603

5,4%

71.027

 

2

Xe công-ten-nơ, đầu kéo

6.323

8,5%

9.508

 

Tổng

73.800

7,4%

101.132

 

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

a) Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đảm bảo mật độ bao phủ của mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh; kết nối giao thông đường bộ với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; kết nối giữa các khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khu vực tập trung dân cư và với các đầu mối giao thông quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

b) Ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng bến xe, bãi đỗ xe theo quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ tại địa phương. Trong đó chú trọng xây dựng gara cao tầng tại các trung tâm đô thị, bãi đậu xe tại các khu du lịch, trung tâm thương mại.

c) Bố trí các điểm đỗ xe tạm thời, điểm đỗ xe cố định đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và các điều kiện, quy định về trật tự an toàn giao thông, không gây cản trở, ảnh hưởng đến phương tiện lưu thông.

2. Giải pháp về kết nối vận tải đa phương thức

a) Thúc đẩy phát triển các loại hình giao thông (Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) theo Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh đã được phê duyệt đảm bảo đồng bộ, kết nối hiệu quả giữa các phương thức giao thông.

b) Tổ chức hiệu quả các điểm nút, đầu mối giao thông quan trọng như ga đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa. Ưu tiên bố trí bãi đỗ xe, điểm dừng đón, trả khách tại các điểm nút, đầu mối giao thông đảm bảo kết nối hoạt động vận tải khách đường bộ với các phương thức vận tải khác.

c) Phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh đồng bộ với quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải đảm bảo phát triển dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ liên quan trực tiếp hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh.

d) Từng bước hình thành các đơn vị kinh doanh vận tải có quy mô lớn, hoạt động vận tải đa phương thức, đảm bảo kết nối giữa vận tải đường bộ và các phương thức vận tải khác để giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh.

3. Giải pháp về khoa học công nghệ

a) Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải.

b) Xác định vị trí và thực hiện lắp camera giám sát tại các vị trí cố định, tuyến đường để kiểm soát hoạt động của các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh.

c) Xây dựng, triển khai hệ thống thông tin về giao thông vận tải đường bộ (Tình hình giao thông tại các tuyến đường, thông tin các tuyến xe buýt, tuyến cố định, các đơn vị taxi, hợp đồng công nghệ,...) trên địa bàn tỉnh, cung cấp thông tin qua website, mạng xã hội và phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động.

d) Khuyến khích các đơn vị vận tải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng phần mềm ứng dụng trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ và công tác quản lý phương tiện, quản lý lái xe, lưu trữ hồ sơ, niêm yết thông tin trên phương tiện, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của hành khách.

đ) Hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ triển khai áp dụng hóa đơn điện tử, vé điện tử của các loại hình kinh doanh vận tải hành khách và hàng hoá bằng xe ô tô.

4. Giải pháp về cơ chế, chính sách

a) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và hiệu quả.

b) Tăng cường công tác đối thoại để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải đường bộ.

c) Triển khai các chính sách miễn, giảm thuế cho các đối tượng tham gia hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật và chính sách ưu tiên phát triển đối với phương tiện sử dụng năng lượng sạch.

d) Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và triển khai các chính sách hỗ trợ đầu tư phương tiện tham gia đưa rước công nhân, học sinh - sinh viên trên địa bàn tỉnh để phục vụ tốt, thu hút nhu cầu đi lại của người dân và các đối tượng công nhân, học sinh - sinh viên qua đó góp phần hạn chế phương tiện cá nhân.

5. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

a) Mở rộng các hình thức đào tạo, đào tạo lại; xã hội hóa công tác đào tạo để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực giao thông vận tải.

b) Xây dựng các chương trình đào tạo, tổ chức tập huấn, hội thảo trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành tại các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ.

c) Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ thường xuyên tố chức đào tạo, tập huấn cho người lái xe, nhân viên phục vụ về nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông, kỹ năng xử lý tình huống phát sinh (Tai nạn, sự cố kỹ thuật,...), văn hóa ứng xử, hỗ trợ người khuyết tật, bảo dường phương tiện và các biện pháp thực hiện tiết kiệm nhiên liệu.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giao thông vận tải

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phù hợp nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông.

b) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

c) Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và thúc đẩy phát triển các loại hình giao thông khác (Đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không) theo Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt.

d) Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các cơ chế, chính sách phát triển phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai.

đ) Phối hợp Sở Tài chính, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ cho việc đầu tư phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe đưa rước công nhân, học sinh - sinh viên để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút nhu cầu đi lại của người dân và hạn chế phương tiện cá nhân.

e) Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.

g) Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan thường xuyên tổ chức đối thoại để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải đường bộ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định.

2. Công an tỉnh

a) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thành phố tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

b) Phối hợp Sở Giao thông vận tải và các địa phương tham mưu xác định các vị trí lắp đặt camera giám sát tại các vị trí cố định, tuyến đường để kiểm soát hoạt động của các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn.

3. Sở Tài chính

Trên cơ sở chủ trương thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các đơn vị có liên quan cân đối ngân sách tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe đưa rước công nhân, học sinh - sinh viên trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tàng giao thông, bến bãi, điểm trung chuyển,... để phục vụ kế hoạch phát triển phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Hướng dẫn, thẩm định giải pháp, tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc xây dựng triển khai phần mềm ứng dụng kết nối vận tải nhằm đảm bảo sẵn sàng kết nối, chia sẻ thông tin, tích hợp dữ liệu, tuân thủ kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh.

b) Phối hợp Sở Giao thông vận tải và các Sở, ngành có liên quan hỗ trợ, hướng các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải.

6. Sở Y tế

a) Công bố các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện khám sức khỏe cho người lái xe và đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở theo quy định.

b) Chỉ đạo các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám sức khỏe cho người lái xe; đồng thời kiểm tra xử lý nghiêm các cơ sở y tế vi phạm trong việc khám sức khỏe cho người lái xe theo quy định.

7. Cục Thuế

a) Hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ triển khai áp dụng hóa đơn điện tử, vé điện tử của các loại hình kinh doanh vận tải hành khách và hàng hoá bằng xe ô tô.

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế cho các đối tượng tham gia hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.

c) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông vận tải hướng dẫn các đơn vị cung cấp phần mềm, đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ thực hiện việc cung cấp thông tin về hợp đồng điện tử đảm bảo quản lý chặt chẽ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.

d) Thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ vi phạm các quy định của Pháp luật về thuế.

8. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đồng Nai

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, phát triển phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ, đặc biệt là phương tiện vận tải khách công cộng bằng xe buýt, xe đưa rước công nhân, học sinh - sinh viên, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai.

9. Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Đồng Nai

Triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp, họp tác xã đầu tư phát triển phương tiện vận tải công cộng theo danh mục lĩnh vực đầu tư cho vay được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, đặc biệt đối với phương tiện vận tải khách công cộng bằng xe buýt, xe đưa rước công nhân, học sinh - sinh viên.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Triển khai phát triển hệ thống đường cấp huyện, cấp xã theo Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh đã được phê duyệt. Trong đó, phát triển mạng lưới đường xã đủ về số lượng, đạt quy mô, đảm bảo chất lượng phụ vụ nhu cầu đi lại và vận tải nhẹ của người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

b) Ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng bến xe, bãi đỗ xe theo quy hoạch phù hợp với tình hình phát triển phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ tại địa phương. Trong đó, xây dựng gara cao tầng tại các trung tâm đô thị, bãi đậu xe tại các khu du lịch, trung tâm thương mại.

c) Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương bố trí các điểm đỗ xe tạm thời, điểm đỗ xe cố định đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và các điều kiện, quy định về trật tự an toàn giao thông, không gây cản trở, ảnh hưởng đến phương tiện lưu thông.

d) Phối hợp Sở Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ tại địa phương.

Trên đây là Kế hoạch phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.

Đề nghị các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan phối hợp triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo, đề xuất gửi về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giao thông vận tải;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Tổng Cục Đường bộ Việt Nam;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh Đồng Nai;
- Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh;
- Chánh, Phó chánh VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT KTN, Tan

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Hoàng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 205/KH-UBND năm 2022 về phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 205/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 27/09/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Nguyễn Thị Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/09/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản