Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1955/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 03 tháng 6 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐẢM BẢO TRẬT TỰ HÀNH LANG AN TOÀN GIAO THÔNG VÀ XỬ LÝ DỨT ĐIỂM LỐI ĐI TỰ MỞ QUA ĐƯỜNG SẮT THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 358/QĐ-TTg NGÀY 10 THÁNG 3 NĂM 2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt (sau đây gọi tắt là Quyết định số 358/QĐ-TTg).

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Công văn số 1349/SGTVT ngày 19/5/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo Quyết định số 358/QĐ-TTg như sau:

I. MỤC ĐÍCH

Phân công các Sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh triển khai thực hiện Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 358/QĐ-TTg.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tiếp tục tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường sắt cho người dân, trong đó tập trung vào các đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh bằng hình thức trực tiếp và trên các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo điện tử, báo giấy, bảng quảng cáo, tờ rơi...; yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các cấp, doanh nghiệp kinh doanh đường sắt, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục thực hiện thường xuyên, liên tục.

2. Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện kịp thời và báo cáo, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt, lối đi tự mở qua đường sắt theo quy định pháp luật; đồng thời, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân khi không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm được giao trong việc bảo vệ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt.

3. Chính quyền địa phương các cấp chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật; thực hiện phê duyệt phương án cắm mốc, công bố công khai phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt đã được phê duyệt theo thẩm quyền.

4. Rà soát lại diện tích đất trong hành lang an toàn giao thông đường sắt đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân và có kế hoạch, phương án thu hồi diện tích đất đã cấp theo quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng của ngành đường sắt cắm mốc ranh quy hoạch sử dụng đất và hành lang an toàn đường sắt và lập hồ sơ quản lý đất dành cho đường sắt, tổ chức xác định mốc giới đất dành cho đường sắt tại thực địa để bàn giao địa phương quản lý; tiếp tục thực hiện giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, ưu tiên giải tỏa các vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tiềm ẩn tai nạn giao thông; tổ chức phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm đất dành cho đường sắt; chấn chỉnh việc giao, cho thuê đất và sử dụng đất đai vi phạm quy định bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt.

5. Hoàn thiện công tác rà soát, cập nhập, phân loại, lập hồ sơ quản lý vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt, lối đi tự mở trên các tuyến đường sắt quốc gia đang khai thác; quản lý, theo dõi các lối đi tự mở đã rào xóa bỏ, rào thu hẹp và kịp thời có các biện pháp ngăn chặn, tuyệt đối không để phát sinh lối đi tự mở mới.

III. LỘ TRÌNH, KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Lộ trình thực hiện:

- Giai đoạn đến hết năm 2021: Tiếp tục phối hợp với các đơn vị đường sắt thường xuyên kiểm tra và thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm bảo vệ, bảo đảm an toàn tại các lối đi tự mở đã được xóa bỏ và các vị trí đang tổ chức cảnh giới; không để xảy ra tình trạng tháo dỡ các lối đi tự mở đã rào, xóa bỏ.

- Giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025: Xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở còn lại (bao gồm các vị trí đang tổ chức cảnh giới); đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm không để xảy ra tình trạng tháo dỡ các lối đi tự mở đã rào, xóa bỏ trên tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.

2. Kinh phí thực hiện:

Kinh phí tăng cường an toàn giao thông đường sắt và xây dựng hàng rào, đường gom để xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt quốc gia trên địa bàn tỉnh do địa phương thực hiện khoảng 203,31 tỷ đồng (số liệu tính toán theo Phụ lục I kèm theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ), bao gồm:

- Kinh phí để thực hiện các biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tại các lối đi tự mở (gờ giảm tốc, biển cảnh báo,… trên đường bộ), hoàn thành trong năm 2021 khoảng 2,5 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh hoặc từ nguồn ngân sách địa phương.

- Kinh phí xây dựng hàng rào, đường gom để thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở theo địa bàn của từng địa phương giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 200,81 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương phân theo từng dự án trên địa bàn tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc từ nguồn ngân sách của địa phương.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. UBND các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh và thành phố Phan Thiết thực hiện các nội dung sau:

- Rà soát diện tích đất trong hành lang an toàn giao thông đường sắt đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý thu hồi diện tích đất đã cấp theo quy định pháp luật.

- Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan quản lý đường sắt để rà soát, thống kê, phân loại các công trình vi phạm, các công trình gây ảnh hưởng mất an toàn giao thông đường sắt.

- Rà soát kỹ lưỡng nhằm xem xét, đề xuất các giải pháp xóa bỏ các lối đi tự mở còn lại kể cả việc xây dựng các công trình đường bộ khác mức với đường sắt hoặc nếu có nhu cầu cần thiết nâng cấp lên đường ngang hợp pháp phù hợp với tình hình giao thông thực tế thì địa phương phải bổ sung quy hoạch, bố trí nguồn kinh phí để xin chủ trương thực hiện theo quy định.

- Thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ, chống lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt; chấn chỉnh việc giao, cho thuê đất và sử dụng đất đai vi phạm quy định bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt.

- Có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất dành cho hành lang an toàn giao thông đường sắt.

- Phân công, giao nhiệm vụ và quy trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hành lang an toàn giao thông đường sắt.

- Thường xuyên theo dõi tình hình trật tự an toàn giao thông, hạ tầng giao thông tại các đường ngang đường hợp pháp của ngành đường sắt, nếu phát hiện bất cập phải báo cáo ngay; đồng thời, phối hợp với các đơn vị đường sắt và cơ quan liên quan để xử lý.

- Chủ động bố trí kinh phí ngân sách địa phương để thực hiện các biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tại các lối đi tự mở trên địa bàn của mình đã được giao tại Kế hoạch.

- Chủ trì tổ chức, quản lý lối đi tự mở qua đường sắt:

+ Phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đường sắt, đơn vị kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt hoàn thiện công tác rà soát, cập nhật, phân loại, lập hồ sơ quản lý vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt, lối đi tự mở trên tuyến đường sắt qua địa phương; đối với các lối đi tự mở vào 01 hộ dân, UBND cấp huyện chỉ đạo với Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện công tác vận động, tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp trong việc đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt khi đi qua các lối tự mở nêu trên nhằm đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra tai nạn về giao thông.

+ Tổ chức thực hiện các biện pháp tăng cường bảo đảm an toàn giao thông đường sắt tại các lối đi tự mở; quản lý, theo dõi lối đi tự mở, kịp thời có biện pháp kiềm chế, ngăn chặn, không phát sinh lối đi tự mở mới.

+ Cắm biển hạn chế phương tiện giao thông đường bộ tại các lối đi tự mở đã rào thu hẹp; xây dựng gờ, gồ giảm tốc để cảnh báo cho các phương tiện giao thông khi qua các lối đi tự mở; làm êm thuận các lối đi tự mở theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải; tăng cường giải tỏa tầm nhìn hai phía cho đường sắt, đường bộ tại các lối đi tự mở.

+ Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của nhân viên tại các chốt cảnh giới; yêu cầu nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; bổ sung hoặc kiến nghị bổ sung các trang thiết bị cần thiết cho nhân viên cảnh giới.

- Thực hiện giải pháp giảm, xóa bỏ lối đi tự mở:

+ Chủ trì tổ chức thực hiện, phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đường sắt, đơn vị kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt kiểm tra, rà soát các lối đi tự mở vào một số hộ dân để tổ chức phân luồng giao thông hoặc bố trí tái định cư để di dời các hộ dân này kết hợp đề xuất phương án xóa lối đi tự mở, xây dựng đường gom, hàng rào để xóa bỏ các lối đi tự mở.

+ Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để có hình thức xử lý nghiêm, triệt để đối với các tổ chức, cá nhân để tình trạng lấn chiếm, tái chiếm, sử dụng đất trái phép dành cho đường sắt; tổ chức thực hiện cưỡng chế, giải tỏa các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ và các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn giao thông đường sắt.

+ Tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt.

- Tiếp tục đề nghị các đoàn thể chính trị tại địa phương tham gia cảnh giới tại các vị trí đường ngang đường sắt không bảo đảm an toàn giao thông.

- Định kỳ 06 tháng tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch gửi về Ban An toàn giao thông tỉnh tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Giao thông vận tải.

- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông vận tải xây dựng các đường ngang, cầu vượt qua đường sắt để thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở.

- Tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cơ quan chuyên môn đường sắt tổ chức cắm mốc; công bố công khai phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt đã được phê duyệt.

- Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp công an địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, phối hợp tổ chức cưỡng chế các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông, đặc biệt là các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, vi phạm hành lang an toàn giao thông đối với các đoạn đường bộ chạy gần đường sắt, lối đi tự mở nối với đường bộ thuộc phạm vi quản lý.

- Phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, các đơn vị thuộc ngành đường sắt và UBND các địa phương có tuyến đường sắt đi qua thường xuyên kiểm tra, có biện pháp hiệu quả bảo đảm an toàn tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, đặc biệt tại các đường ngang có tình hình giao thông phức tạp, có nhiều phương tiện qua lại đồng thời tiếp tục tổng hợp kiến nghị của các địa phương về các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, tham mưu UBND tỉnh xử lý.

- Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các địa phương có tuyến đường sắt đi qua và các cơ quan liên quan hoàn thiện quy hoạch giao thông khu vực để đề xuất Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan quản lý có thẩm quyền ngành đường sắt xem xét, chấp thuận xây dựng đường ngang hoặc giao cắt khác mức phù hợp với thực tế nhằm xóa bỏ các lối đi tự mở còn lại; tiếp tục sử dụng quỹ bảo trì đường bộ để làm gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông tại các điểm giao cắt giữa các tuyến đường bộ và đường sắt tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

3. Công an tỉnh.

- Chỉ đạo Công an các địa phương thường xuyên kiểm tra các lối đi tự mở, kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp phá hoại công trình đường sắt, các lối đi tự mở đã rào xóa bỏ, mở lối đi mới; kiểm tra, xử lý các phương tiện tham gia giao thông đường bộ qua các đường ngang vi phạm Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường bộ.

- Phối hợp với Phòng Thanh tra An toàn III và các đơn vị có liên quan thuộc ngành đường sắt thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của đội ngũ trực ban, lái tàu, gác đường ngang; tình trạng lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất dành cho đường sắt.

- Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, quy tắc giao thông tại nơi giao cắt đường bộ và đường sắt, đặc biệt là người dân sống dọc hai bên đường sắt.

4. Sở Xây dựng.

- Chủ trì phối hợp với Sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện có tuyến đường sắt đi qua rà soát việc lập và thực hiện quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư... dọc tuyến đường sắt quốc gia.

- Tăng cường kiểm tra việc kết nối hạ tầng của các dự án đầu tư xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối ngoại vi bị giao cắt với hành lang an toàn đường sắt trong quá trình thẩm định dự án và các bước thẩm định thiết kế.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Thuận: Phối hợp chặt chẽ với Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền Quyết định số 358/QĐ-TTg và Kế hoạch này qua các tin bài, chuyên mục trên các phương tiện thông tin để mọi người dân sinh sống dọc hai bên đường sắt và người tham gia giao thông biết, thực hiện và phòng tránh.

6. Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố có tuyến đường sắt đi qua tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách địa phương trình UBND tỉnh để thực hiện việc thu hẹp, xóa bỏ các lối đi tự mở theo khả năng cân đối nguồn vốn.

- Trên cơ sở đề nghị của Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp kinh tế hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước để thực hiện các biện pháp tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tại các lối đi tự mở theo khả năng cân đối ngân sách địa phương.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Căn cứ kế hoạch này, trên cơ sở đề xuất của Sở Giao thông vận tải, UBND cấp huyện có tuyến đường sắt đi qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách địa phương hoặc từ ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh theo từng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công để xây dựng hàng rào, đường gom nhằm xóa bỏ lối đi tự mở theo địa bàn từng địa phương, đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

8. Sở Tài nguyên và môi trường: Phối hợp với các Sở, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường sắt.

9. Ban An toàn giao thông tỉnh:

- Tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt, quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt đã được cấp phát, tuyên truyền trực tiếp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, ATGT của người tham gia giao thông.

- Phối hợp với ngành đường sắt, UBND các địa phương có tuyến đường sắt đi qua và các đơn vị có liên quan: Tiếp tục khảo sát, thống nhất các vị trí lắp đặt hàng rào hộ lan nhằm rào xóa bỏ các lối tự mở, bảo vệ hành lang an toàn đường sắt, khắc phục các vị trí mất an toàn giữa đường bộ và đường sắt; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường sắt đến mọi đối tượng được biết và nghiêm chỉnh chấp hành.

- Phối hợp với ngành đường sắt và các đơn vị có liên quan kiểm tra các trường hợp lấn chiếm hoặc xây dựng đường gom không đúng quy định trong hành lang an toàn đường sắt, báo cáo UBND tỉnh khi địa phương không xử lý triệt để.

- Theo dõi và kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; đồng thời, tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt qua địa bàn tỉnh Bình Thuận. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện và trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Ủy ban nhân tỉnh (thông qua Ban An toàn giao thông tỉnh) để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Giao thông vận tải;
- Cục Đường sắt Việt Nam;
- Phòng thanh tra An toàn III-Cục Đường sắt Việt Nam;
- Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam;
- Chủ tịch, các Phó CT. UBND tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh;
- Báo Bình Thuận;
- Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận;
- Ban An toàn giao thông tỉnh;
- UBND các các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh và thành phố Phan Thiết;
- Lưu: VT, TH, ĐTQHXD, NCKSTTHC(H     b)

CHỦ TỊCH




Lê Tuấn Phong