Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 19/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 24 tháng 02 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY ĐỊNH QUY TRÌNH CAN THIỆP, TRỢ GIÚP TRẺ EM BỊ BẠO LỰC, BỊ XÂM HẠI TÌNH DỤC NĂM 2016

Căn cứ Quyết định số 3199/QĐ-UBND ngày 07/12/2010 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về Phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục năm 2016, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU YÊU CẦU:

1. Mục tiêu:

- Phấn đấu giảm 10% tỷ lệ trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục so với năm 2015.

- 90% trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại được phát hiện và can thiệp kịp thời.

- 100% tỷ lệ trẻ em được phát hiện bị xâm hại tình dục, bị bạo lực được can thiệp trợ giúp.

2. Yêu cầu:

- Tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phát huy tính chủ động của mỗi địa phương trong việc phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

- Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm cho gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về công tác bảo vệ trẻ em nhằm ngăn ngừa, giảm dần và tiến tới giảm cơ bản tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

- Nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đồng thời tăng cường phối hợp với các ban ngành, tổ chức đoàn thể trong việc xây dựng kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

- Phát huy vai trò của trẻ em trong việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em và làm tròn bổn phận của trẻ em theo quy định của pháp luật. Tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho trẻ em chủ động tham gia vào các hoạt động bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em và các hoạt động khác phù hợp với độ tuổi.

II. NGUYÊN TẮC CHUNG:

1. Kế hoạch quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục gồm các bước: tiếp nhận thông tin; kiểm tra, đánh giá nguy cơ sơ bộ; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho trẻ em trong tình trạng khẩn cấp; thu thập thông tin, xác minh và đánh giá nguy cơ cụ thể đối với trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục; xây dựng và thông qua kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục; thực hiện hoạt động can thiệp, trợ giúp. Rà soát, đánh giá nguy cơ sau can thiệp, trợ giúp và báo cáo kết quả can thiệp, trợ giúp.

2. Kế hoạch quy định: Trẻ em bị bạo lực là nạn nhân của một trong các hành vi: lăng nhục, chửi mắng, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý, gây tổn thương về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em; Đối xử tồi tệ, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt làm những việc trái với đạo đức xã hội; Cưỡng ép trẻ em lao động quá sức, quá thời gian quy định, làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại và những công việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm. Trẻ em bị xâm hại tình dục là nạn nhân của một trong các hành vi: dâm ô, giao cấu, cưỡng dâm, hiếp dâm.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG:

Hoat động 1: Tuyên truyền nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về Quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

- Tăng cường công tác truyền thông, vận động xã hội về tình trạng ngược đãi, bạo lực trẻ em ở gia đình, cộng đồng đang diễn ra phức tạp và trở thành vấn đề xã hội bức xúc trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh-Truyền hình và Báo BR-VT.

- Cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về dịch vụ chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cho gia đình, người giám hộ, cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ trẻ em.

- Thường xuyên tuyên truyền những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em và các vấn đề có liên quan.

- Tuyên truyền Công ước quốc tế về quyền trẻ em; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em; các nội dung về Quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

Hoạt động 2: Tập huấn nâng cao năng lực về quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

- Xây dựng chương trình, giáo trình tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp và mạng lưới Cộng tác viên của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội.

- Đối với cán bộ cấp huyện: Quản lý nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; các văn bản pháp luật liên quan đến việc thực hiện quyền trẻ em; kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; kỹ năng cơ bản làm việc với trẻ em; kiến thức cơ bản về Hệ thống bảo vệ trẻ em; hệ thống chỉ số giám sát, đánh giá lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

- Đối với cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã và cộng tác viên: đặc biệt là công tác tiếp cận trẻ em và gia đình, quản lý trường hợp, thống kê, quản lý, theo dõi, phân loại các nhóm trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt.

Hoạt động 3: Triển khai hệ thống thu thập, giám sát, đánh giá hoạt động can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

- Triển khai thu thập thông tin quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục cho cán bộ và Cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Phối hợp với các cơ quan cùng cấp có liên quan chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

Kinh phí thực hiện Kế hoạch triển khai Quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục là 689 triệu đồng. Giao cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các ban, ngành đoàn thể có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai Quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục năm 2016.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Trách nhiệm của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội:

- Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng loại hình dịch vụ bảo vệ trẻ em, từng bước đáp ứng các nhu cầu can thiệp, trợ giúp của trẻ em trong tình trạng khẩn cấp. Lập đường dây tư vấn để kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em. Cử cán bộ có kiến thức pháp luật hoặc liên hệ với Trung tâm trợ giúp pháp lý giúp đỡ trẻ em, gia đình trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục về mặt pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của các đối tượng này tại các phiên Tòa khi vụ việc được đưa ra xét xử.

- Hỗ trợ giải quyết các trường hợp nghiêm trọng vượt quá khả năng của cấp xã và cấp huyện.

- Phối hợp với các cơ quan cùng cấp có liên quan chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện các nội dung sau:

- Chỉ đạo, hướng dẫn cấp xã thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

- Phối hợp với các ngành liên quan phát triển các loại hình dịch vụ trợ giúp trẻ em; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập các điểm tư vấn trợ giúp trẻ em ở cộng đồng, trường học trên địa bàn.

- Hỗ trợ giải quyết các trường hợp nghiêm trọng vượt quá khả năng của cấp xã.

- Phối hợp với các cơ quan cùng cấp có liên quan chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục.

- Định kỳ ngày 20/05 và 15/11 báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ trẻ em tại địa phương về Sở Lao động Thương binh và Xã hội để kịp thời tổng hợp báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; “b/c"
- Chủ tịch và các PCT.UBND Tỉnh;
- Ban VHXH-HĐND Tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu VT-TH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Lê Thanh Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 19/KH-UBND thực hiện Quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục năm 2016 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành

  • Số hiệu: 19/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 24/02/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Lê Thanh Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/02/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản