Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 186/KH-UBND

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC LẬP QUY HOẠCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017; Luật về sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15/6/2018; Luật về sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/2018; Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai công tác lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung cơ bản như sau:

I. LÝ DO, SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH KẾ HOẠCH

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ngày 05/02/2018 về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, UBND Thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là Cơ quan lập Quy hoạch Thành phố (Quyết định số 1220/QĐ-UBND ngày 26/3/2020);

Để triển khai thực hiện đồng thời với công tác lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến nám 2050 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 383/TTg-CN ngày 26/3/2021, UBND Thành phố đã họp và có Thông báo số 104/TB-VP ngày 04/3/2021 về công tác triển khai lập Quy hoạch Thành phố, thống nhất chương trình, kế hoạch triển khai nghiên cứu xây dựng đồng thời 02 quy hoạch (Quy hoạch Thành phố và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô), tổng hợp rà soát các nội dung liên quan (về tiến độ thực hiện, tính chất lồng ghép, phối hợp, tích hợp, ...), để có tính bổ trợ, lồng ghép nội dung 02 quy hoạch tổng hợp toàn Thành phố, đảm bảo thông nhất định hướng quy hoạch chung của Thành phố, tiết kiệm, đẩy nhanh tiến độ, tránh trường hợp thiếu sự đồng bộ thống nhất, phải điều chỉnh lại sau này.

Ngày 25/5/2021, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 25/5/2021 về việc triển khai công tác lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 01/6/2021, UBND Thành phố co Quyết định số 2410/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo Thành phố chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (thay thế quyết định số 2015/QĐ-UBND ngày 14/5/2020).

Ngày 19/7/2021, Ban Chỉ đạo Thành phố chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch Thành phố, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô có Quyết định số 02/QĐ-BCĐ về việc phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo Thành phố chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 18/7/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 4694/BKHĐT-KTĐPLT ngày 18/7/2021 gửi Văn phòng Chính phủ về việc tham gia ý kiến về một số kiến nghị của thành phố Hà Nội, trong đó thống nhất với đề xuất điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô song song với việc lập quy hoạch Thành phố.

Do thực tế triển khai nêu trên, cần thiết phải ban hành Kế hoạch triển khai công tác lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Kế hoạch triển khai công tác lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Triển khai quy định tại Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017, Luật về sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15/6/2018, Luật về sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/2018, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch và thực hiện chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

- Triển khai đồng thời, đảm bảo lồng ghép thống nhất nội dung với điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang triển khai, tránh trường hợp thiếu sự đồng bộ, thống nhất, phải điều chỉnh sau này.

- Việc triển khai công tác lập Quy hoạch Thành phố cần đảm bảo các yêu cầu về quy trình, thủ tục, nội dung, tiến độ theo quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản pháp lý có liên quan.

- Nội dung của Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tuân thủ theo Điều 27 Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quy hoạch. Quy hoạch Thành phố phải thể hiện các dự án cấp quốc gia đã được xác định ở quy hoạch cấp quốc gia; các dự án cấp vùng, liên tỉnh đã được xác định ở quy hoạch vùng; định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường ở cấp Thành phố, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

- Quy trình, thủ tục xây dựng nhiệm vụ, dự toán, tổ chức thẩm định, trình phê duyệt nhiệm vụ, dự toán lập Quy hoạch Thành phố và quy trình thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch Thành phố tuân thủ Luật Quy hoạch, các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.

- Về tiến độ lập Quy hoạch Thành phố rút ngắn thời gian tiến độ lập từ 24 tháng giảm còn khoảng 18 tháng (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch); song song với tiến độ lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, đảm bảo lồng ghép thống nhất nội dung, đảm bảo chất lượng và tuân thủ đúng quy trình, quy định pháp luật hiện hành.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

I. Tổ chức rà soát, đánh giá công tác quy hoạch của thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2020

a) Phạm vi rà soát, đánh giá:

- Phạm vi không gian: phạm vi hành chính thành phố Hà Nội.

- Phạm vi thời gian đánh giá: Giai đoạn 2011-2020.

b) Nội dung công việc thực hiện:

- Đánh giá kết quả chỉ đạo, điều hành thực hiện các quy hoạch Thành phố thời kỳ 2011-2020.

- Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu các quy hoạch Thành phố (cụ thể là quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Thành phố; Các quy hoạch ngành, lĩnh vực, tình hình thực hiện các danh mục trọng điểm đầu tư); tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Đánh giá các vấn đề tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai, những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân (khách quan và chủ quan) trong quá trình triển khai thực hiện.

- Phân tích những yếu tố mới trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu xây dựng phát triển Thủ đô sắp tới.

- Các kiến nghị và đề xuất.

c) Thành phần hồ sơ thực hiện:

Báo cáo tổng hợp “Đánh giá thực hiện Quy hoạch thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2020”; văn bản báo cáo, thuyết minh, bản vẽ và các văn bản pháp lý có liên quan.

d) Tổ chức thực hiện:

- Cơ quan tổ chức rà soát, đánh giá: UBND Thành phố. (Khoản d Điều 49 Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017)

- Cơ quan chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội và các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các nội dung đánh giá (Điều 50 Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017 và Điều 6, Điều 7 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP);

e) Kinh phí tổ chức rà soát đánh giá: từ nguồn kinh phí thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước (Khoản 2 Điều 9 Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017),

f) Tiến độ triển khai và đơn vị thực hiện: dự kiến từ ngày 15/6 đến khi hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch Thành phố, phấn đấu 30/8/2021.

Lưu ý: Tiến hành công tác chuẩn bị trước và triển khai đồng thời với quá trình xây dựng Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thành phố, đảm bảo có kết quả báo cáo để bổ sung thành phần hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thành phố.

2. Tổ chức xây dựng Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thành phố:

a) Phạm vi: toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hà Nội.

b) Nội dung công việc thực hiện:

- Ký hợp đồng với đơn vị tư vấn xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch Thành phố. Thời gian thực hiện hợp đồng: 60 ngày

- Lấy ý kiến các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã (theo thành phần Ban Chỉ đạo lập các Quy hoạch của Thành phố).

- Hoàn thiện, báo cáo UBND Thành phố xem xét, ký Tờ trình trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Hội đồng).

- Tiếp thu, giải trình các ý kiến của Hội đồng thẩm định, hoàn thiện Nhiệm vụ.

- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thành phố.

c) Thành phần hồ sơ:

- Tờ trình về thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch

- Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thành phố.

- Báo cáo thuyết minh Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thành phố.

- Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định về nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch;

(Quy định tại Khoản 4 Điều 18 và Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch).

d) Tổ chức thực hiện:

- Cơ quan tổ chức xây dựng Nhiệm vụ: UBND Thành phố.

- Cơ quan triển khai lập nhiệm vụ: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Đơn vị tư vấn lập nhiệm vụ quy hoạch: Được lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.

e) Kinh phí tổ chức xây dựng Nhiệm vụ lập quy hoạch: Thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công (Khoản 1 Điều 9 Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017).

f) Tiến độ triển khai và đơn vị thực hiện: Dự kiến ngày 10-15/9/2021 hoàn thành dự thảo lần 1 để xin ý kiến các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo (không bao gồm thời gian thẩm định và phê duyệt). Cụ thể:

(1) Xây dựng Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thành phố:

- Đơn vị chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Đơn vị thực hiện: lựa chọn theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.

- Thời gian thực hiện dự kiến: 60 ngày.

(2) Lấy ý kiến các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã (theo thành phần Ban Chỉ đạo lập các Quy hoạch của Thành phố).

- Đơn vị chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Đơn vị phối hợp: Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các thành viên Ban Chỉ đạo lập các Quy hoạch của Thành phố.

- Thời gian dự kiến: Cuối tháng 8, đầu tháng 9/2021.

(3) Hoàn thiện, bổ sung theo các ý kiến đóng góp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, ký Tờ trình trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh.

- Đơn vị chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Đơn vị phối hợp: Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các thành viên BCĐ lập các Quy hoạch của Thành phố.

- Thời gian thực hiện: 15-20/9/2021.

(4) Tổ chức lập, trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Hội đồng) tổ chức thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thành phố.

- UBND Thành phố trình Hội đồng thẩm định.

- Cơ quan tham mưu: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Thời gian thực hiện: không quá 45 ngày (Khoản 6 Điều 18 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 0775/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch).

3. Tổ chức lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau khi Nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

a) Phạm vi: toàn bộ ranh giới địa chính thành phố Hà Nội.

b) Nội dung công việc thực hiện:

- Quy trình tổ chức thực hiện lập Quy hoạch Thành phố (Khoản 4 Điều 16 Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017).

- Tổ chức thẩm định, phê duyệt dự toán lập Quy hoạch Thành phố (Điều 5 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019).

- Tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập Quy hoạch.

c) Thành phần hồ sơ và nội dung quy hoạch:

(1) Thành phần hồ sơ: (Khoản 1 Điều 31 Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017)

- Tờ trình;

- Báo cáo quy hoạch;

- Dự thảo văn bản quyết định phê duyệt quy hoạch;

- Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân về quy hoạch; bản sao ý kiến góp ý của Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý về quy hoạch;

- Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;

- Hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về quy hoạch.

(2) Nội dung quy hoạch: Nội dung Quy hoạch Thành phố (Điều 27 Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017; Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019)

d) Tổ chức thực hiện:

- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: UBND Thành phố.

- Cơ quan lập quy hoạch: Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Đơn vị tư vấn lập quy hoạch: tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện theo quy định về pháp luật đấu thầu.

e) Kinh phí tổ chức lập quy hoạch: thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019 (Khon 1, Điều 9, Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017),

f) Tiến độ triển khai và đơn vị thực hiện:

(1) Chuẩn bị tổ chức lập quy hoạch (dự kiến 60 ngày - kể từ ngày được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ).

- Thẩm định, phê duyệt dự toán lập quy hoạch Thành phố: (theo Điều 5 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công ngày 13/6/2019)

Đơn vị chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư

Đơn vị tổ chức thẩm định: Hội đồng thẩm định

Đơn vị phê duyệt, chấp thuận: Chủ tịch UBND Thành phố

- Tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch.

Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đơn vị chủ trì thẩm định: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đơn vị phê duyệt, chấp thuận: UBND Thành phố.

- Tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch.

Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đơn vị chủ trì thẩm định: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Đơn vị phê duyệt, chấp thuận: UBND Thành phố

(2) Tổ chức lập quy hoạch (khoảng 18 tháng - kể từ ngày Nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

- Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị tư vấn được lựa chọn.

(3) Lấy ý kiến về Quy hoạch (Điều 32 Nghị định 37/2019/NĐ-CP): Đối tượng lấy ý kiến quy hoạch tỉnh gồm các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các địa phương trong vùng và các địa phương liền kề; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy hoạch tỉnh.

- Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

(4) Hoàn chỉnh, báo cáo UBND Thành phố để trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch (khoảng 01 tháng).

- Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị tư vấn được lựa chọn.

(5) Công bố quy hoạch:

- Đơn vị chủ trì: UBND Thành phố.

- Đơn vị thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ban, ngành Thành phố

(theo quy định tại các Điều 38, 39,40 Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017)

Lưu ý: Đối với quy hoạch Thành phố và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải xin ý kiến của Quốc hội (Điều 34 Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017).

(Chi tiết Tiến độ tổng thể tại Biểu tiến độ kèm theo).

IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM.

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Khẩn trương tổ chức xây dựng Nhiệm vụ lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội, các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan trong công tác triển khai đảm bảo lồng ghép, tích hợp đồng bộ, thống nhất nội dung giữa Quy hoạch thành phố Hà Nội với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Thành phố, các quy hoạch chuyên ngành, ngành, lĩnh vực, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng theo quy trình, quy định.

- Chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về: nội dung rà soát, đánh giá công tác quy hoạch của thành phố giai đoạn 2011-2020; tham mưu cho UBND Thành phố trong tổ chức lập, trình Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch và lập Quy hoạch.

- Chủ trì tham mưu bố trí kế hoạch vốn thực hiện công tác xây dựng Nhiệm vụ lập quy hoạch và lập quy hoạch thành phố theo quy định.

- Căn cứ nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt, tổ chức lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, tư vấn phản biện, tư vấn giám sát theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu và các văn bản pháp lý có liên quan.

- Chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn và các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã và đơn vị tư vấn thực hiện xây dựng các nội dung quy hoạch được quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch, Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.

- Báo cáo UBND Thành phố xem xét, quyết định lựa chọn phương án tích hợp quy hoạch trong trường hợp còn có ý kiến khác nhau về việc tích hợp các nội dung đề xuất vào quy hoạch Thành phố.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (đơn vị chủ trì), các sở, ban, ngành Thành phố và đơn vị tư vấn tiến hành lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đồng thời với quá trình lập quy hoạch, tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật về môi trường.

- Trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch: Sau khi hoàn thiện dự thảo Quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND Thành phố: (1) Báo cáo Thành ủy theo quy chế làm việc của BCH Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025; (2) Gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành, các tỉnh thành lân cận; (3) phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Quy hoạch theo các ý kiến đóng góp; (4) báo cáo UBND Thành phố xem xét, gửi Hội đồng thẩm định quy hoạch; (5) hoàn thiện quy hoạch theo ý kiến của Hội đồng thẩm định, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố cho ý kiến thông qua; (5) Lấy ý kiến cộng đồng; (6) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch sau khi có ý kiến của Quốc hội.

2. Sở Quy hoạch-Kiến trúc:

- Phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư trong công tác: tổ chức rà soát, đánh giá các quy hoạch, công tác quy hoạch thành phố giai đoạn 2011-2020, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành, ngành, lĩnh vực trên địa bàn Thành phố.

- Phối hợp chặt chẽ Sở Kế hoạch và Đầu tư trong công tác xây dựng Nhiệm vụ lập quy hoạch Thành phố và tổ chức lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo lồng ghép, tích hợp, thống nhất nội dung vơi điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

3. Sở Tài chính:

Trên cơ sở đề nghị của Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND Thành phố bố trí ngân sách nhà nước chi thường xuyên thực hiện rà soát, đánh giá công tác quy hoạch của Thành phố giai đoạn 2011-2020 và hoạt động của Ban Chỉ đạo Thành phố thành lập theo quyết định số 2410/QĐ-UBND ngày 01/6/2021 của UBND Thành phố theo quy định.

4. Sở Tài Nguyên và Môi trường:

Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị tư vấn tiến hành lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đồng thời với quá trình lập quy hoạch, tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật về môi trường.

5. Sở Nội vụ:

Tham mưu, trình UBND Thành phố xem xét quyết định mô hình, cách thức quản lý để thực hiện Nhiệm vụ Quy hoạch Thành phố và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo đúng các quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND Thành phố.

6. Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã: Phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức rà soát, đánh giá công tác quy hoạch; nghiên cứu các phương án quy hoạch, tham gia các nội dung đề xuất để tích hợp vào Quy hoạch Thành phố; kịp thời cung cấp các hồ sơ quy hoạch chuyên ngành, dự án đầu tư liên quan và chịu trách nhiệm về số liệu, tài liệu cung cấp liên quan đến lĩnh vực được giao và địa bàn quản lý.

UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị được phân công tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Kế hoạch.

Kế hoạch này thay thế Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 26/3/2020 của UBND Thành phố. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan đơn vị cần kịp thời tham mưu báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Thường trực Thành ủy (để b/c);
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các PCT UBND Thành phố;
- Các sở, ban, ngành TP;
- Viện QHXD;
- Viện NCPTKTXH;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUBTP: CVP, các PCVP,
các phòng: TH, TKBT, KT, ĐT(Thực,Năng);
- Lưu: VT, ĐTA1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Chu Ngọc Anh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 186/KH-UBND năm 2021 triển khai công tác lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

  • Số hiệu: 186/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 13/08/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Chu Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản