Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 183/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 31 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH VĨNH PHÚC NĂM 2020

Phần I

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ TỈNH VĨNH PHÚC NĂM 2019

I. KẾT QUẢ

1. Ứng dụng công nghệ thông tin để công bố, công khai thông tin, kết quả giải quyết thủ tục hành chính

- Cổng thông tin - Giao tiếp điện tử (TT-GTĐT) tỉnh và 42 Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của ngành, địa phương được vận hành, cập nhật dữ liệu theo quy định. Các Cổng TTĐT đã cơ bản đăng tải công khai các thông tin theo quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ, qua đó góp phần đẩy mạnh minh bạch và tiếp cận thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân với các cơ quan Nhà nước.

- Cổng TT-GTĐT tỉnh hiện đăng tải 1.745 thủ tục hành chính (TTHC), trong đó chủ yếu là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và 2, đặt liên kết đến 1.246 TTHC giải quyết qua Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 366 danh mục TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, trong đó: cấp tỉnh 322 danh mục, cấp huyện 39 danh mục, cấp xã 05 danh mục.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin tại Bộ phận một cửa

- Tiếp tục triển khai và vận hành hiệu quả hệ thống phần mềm ứng dụng cho Bộ phận một cửa tại 20 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, 09 UBND huyện, thành phố và 137 UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 20/12/2019, hệ thống đã tiếp nhận 307.169 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 247.234 hồ sơ (đạt tỷ lệ 80,5%), số hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 94,2%.

- Phần mềm Một cửa hành chính công ứng dụng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tiếp tục được vận hành và khai thác hiệu quả. Năm 2019, đã tiếp nhận 36.442 hồ sơ, đã giải quyết 34.675 hồ sơ (đạt tỷ lệ 95,15%), số hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 98.16%. Ngày 01/11/2019, chữ ký số, bàn ký điện tử và phần mềm Zalo để trao đổi thông tin với người nộp hồ sơ được chính thức vận hành, sử dụng, mang lại kết quả tích cực, tiết kiệm chi phí, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ

- Phần mềm quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH): đã được nâng cấp và triển khai tại các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và 137 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Phần mềm QLVB&ĐH sau khi được nâng cấp sử dụng mã định danh các cơ quan, đơn vị Nhà nước được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 19/9/2018, liên thông với UBND tỉnh, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành qua Trục liên thông văn bản quốc gia, đồng thời bảo đảm tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, đáp ứng quy trình gửi, nhận văn bản điện tử tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 01/2019/TT-BNV ngày 24/01/2019 của Bộ Nội vụ.

- Ứng dụng thư điện tử công vụ: đã được nâng cấp vào giữa năm 2019. Hiện cấp gần 8.000 hộp thư điện tử cho 100% cơ quan, đơn vị địa phương (trừ viên chức thuộc ngành y tế, giáo dục). Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng thư điện tử còn thấp (theo báo cáo định kỳ hàng tháng về kết quả ứng dụng CNTT xây dựng CQĐT của Sở TT&TT).

- Ứng dụng chữ ký số: đã thực hiện bàn giao 800 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ, bao gồm 391 chứng thư số cơ quan và 409 chứng thư số cá nhân. Từ 15/11/2019, nhiều sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã triển khai ký số văn bản đi và phát hành trên phần mềm QLVB&ĐH.

- Bên cạnh việc sử dụng các ứng dụng dùng chung nêu trên, hầu hết các đơn vị, địa phương đều sử dụng các phần mềm quản lý, chuyên ngành như: Quản lý kế toán - tài chính, tài sản; Quản lý nhân sự; Quản lý hộ tịch; Quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; phần mềm các ngành thuế, kho bạc, hải quan,...

4. Kết quả triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu

Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành tại các sở, ngành tiếp tục được cập nhật, nâng cấp và ứng dụng hiệu quả trong hoạt động quản lý và tác nghiệp chuyên môn. Một số hệ thống CSDL: Bộ TTHC trên Cổng TT-GTĐT tỉnh, GIS hạ tầng viễn thông tỉnh, GIS giao thông tỉnh, CSDL ngành công thương, một số CSDL khoa học công nghệ, CSDL ngành Lao động, thương binh và xã hội, CSDL về giá... đã được vận hành, hiệu quả; các CSDL quan trọng của tỉnh được lưu trữ, bảo đảm an toàn và quản lý tập trung tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh.

5. Hạ tầng kỹ thuật

- 100% các cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp huyện trở lên có mạng LAN, 100% kết nối Internet cáp quang và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng; gần 100% CBCCVC cấp tỉnh, khoảng 95% CBCCVC cấp huyện, 80% cán bộ, công chức cấp xã được trang bị máy tính. Tuy nhiên, nhiều trang thiết bị được trang bị theo các giai đoạn khác nhau, chưa bảo đảm đồng bộ, còn nhiều thiết bị cũ, ảnh hưởng tới việc triển khai các ứng dụng dùng chung.

- Đã tổ chức triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh Vĩnh Phúc và thí điểm kết nối một số hệ thống ứng dụng CNTT qua LGSP của tỉnh như: Dịch vụ liên thông hồ sơ TTHC qua LGSP; Dịch vụ nền tảng quản lý văn bản.

- Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng: đã xây dựng trục đường cáp quang và lắp đặt thiết bị đầu cuối tại 55 cơ quan, đơn vị. Hệ thống mạng diện rộng (WAN) của tỉnh đã kết nối 33 đơn vị, địa phương qua mạng truyền số liệu chuyên dùng (thực hiện từ năm 2014).

- Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến: gồm 01 điểm tập trung tại UBND tỉnh, 09 điểm tại UBND các huyện, thành phố và 02 điểm tại các sở, ngành đã được vận hành hiệu quả, phục vụ các cuộc họp từ Trung ương đến cấp tỉnh và cấp huyện, góp phần tiết kiệm thời gian, ngân sách, bảo đảm nhiều thành phần cán bộ CCVC có thể tham gia hội nghị.

- Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin:

+ Đã có 24 sở, ngành và 09 huyện, thành phố được trang bị các trang thiết bị bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Bên cạnh đó, Trung tâm Hạ tầng Thông tin tỉnh đã triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn dữ liệu, liên kết, tích hợp kỹ thuật, vận hành, bảo mật cho các ứng dụng và CSDL của tỉnh, ngành với hệ thống thiết bị, phần mềm bảo mật, an toàn an ninh thông tin đồng bộ, hiện đại.

+ Tổ chức triển khai cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc theo mô hình quản lý tập trung nhằm nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại cho các máy trạm và thiết bị đầu cuối tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Phần mềm có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu mã độc về Bộ TT&TT.

+ Tổ chức diễn tập an toàn thông tin (ATTT) các cơ quan Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc năm 2019 với chủ đề “Diễn tập phát hiện và phối hợp xử lý tấn công hệ thống CNTT phục vụ CQĐT tỉnh Vĩnh Phúc năm 2019” nhằm phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, bảo đảm an toàn cho hệ thống thông tin của tỉnh và nâng cao năng lực tổ chức, kỹ năng phối hợp, phân tích, xử lý sự cố ATTT mạng của cán bộ quản lý, vận hành các hệ thống thông tin của tỉnh.

+ Tiếp tục triển khai dự án: Tăng cường bảo đảm an toàn an ninh thông tin cho Trung tâm Hạ tầng Thông tin và các thiết bị tường lửa cho 10 cơ quan đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh để bảo đảm 100% cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện có thiết bị tường lửa bảo vệ ATTT.

6. Nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin

- Công tác đào tạo nâng cao kiến thức về CNTT tiếp tục được quan tâm, trong năm 2019 đã tổ chức 01 lớp đào tạo kiến thức chuyên sâu về an ninh mạng, kỹ năng về ATTT và xử lý sự cố cho cán bộ chuyên trách về CNTT của các cơ quan, đơn vị; 16 lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức cơ bản về CNTT cho CBCCVC tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh; thường xuyên cử cán bộ chuyên trách về CNTT tham dự các khóa đào tạo về ATTT do Bộ TT&TT tổ chức.

- Đa số các sở, ban, ngành, huyện, thành phố đã có lãnh đạo phụ trách ứng dụng CNTT của cơ quan và cán bộ chuyên trách về CNTT có trình độ cao đẳng trở lên. Tuy nhiên, do mức độ quan tâm và quyết tâm ứng dụng CNTT trong hoạt động điều hành của lãnh đạo các cơ quan khác nhau, trình độ và kỹ năng ứng dụng CNTT còn nhiều bất cập, vì vậy mức độ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành tại tỉnh nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn.

7. Môi trường pháp lý

Tiếp tục bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện môi trường pháp lý. Năm 2019, tỉnh đã xây dựng, ban hành các văn bản, chính sách, kế hoạch, quy chế, quy định quan trọng là cơ sở để triển khai, thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

- Thông báo số 42/TB-UBND ngày 26/02/2019 Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Xây dựng CQĐT tỉnh về việc triển khai nhiệm vụ ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT năm 2019;

- Kế hoạch số 10041/KH-UBND ngày 17/12/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 tỉnh Vĩnh Phúc;

- Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 27/8/2019 của UBND tỉnh về ứng phó sự cố bảo đảm ATTT mạng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc;

- Quyết định số 1553/QĐ-UBND ngày 26/6/2019 của UBND tỉnh về việc công bố xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2018;

- Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 20/5/2019 của UBND tỉnh về đảm bảo hạ tầng CNTT cho vận hành, khai thác, sử dụng phần mềm một cửa điện tử tỉnh và phần mềm một cửa hành chính công cấp tỉnh;

- Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 29/3/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025;

- Quyết định số 296/QĐ-UBND ngày 24/01/2019 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng CQĐT tỉnh Vĩnh Phúc;

- Quyết định số 39/2019/QĐ-UBND ngày 29/8/2019 của UBND tỉnh quy định thời gian hoạt động của đại lý, điểm truy nhập Internet công cộng và giao thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng.

8. Kinh phí thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2019, kế hoạch 5 năm 2016-2020

a) Kế hoạch năm 2019

- Tổng số nguồn vốn đầu tư công lĩnh vực CNTT được giao kế hoạch năm 2019 là 12,292 tỷ đồng, phân bổ cho 06 dự án (trong đó 04 dự án hoàn thành đã quyết toán với tổng số vốn: 2,292 tỷ đồng; 02 dự án khởi công mới năm 2019 với tổng số tiền: 10 tỷ đồng). Có 02 dự án chuyển nguồn vốn từ 2018 sang năm 2019 với tổng số tiền 5,064 tỷ đồng.

(Chi tiết xem tại Phụ lục 01 kèm theo Kế hoạch này).

- Bảo đảm kinh phí cho các hoạt động ứng dụng CNTT thường xuyên của tỉnh như: một số ứng dụng CNTT phục vụ chuyên môn nghiệp vụ của các ngành; hoạt động đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên trách về CNTT, hoạt động của Ban chỉ đạo Xây dựng CQĐT tỉnh, kinh phí duy trì đường truyền... Năm 2019, tổng số nguồn vốn sự nghiệp bố trí để thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT cho toàn tỉnh khoảng 52,48 tỷ đồng, bao gồm: kinh phí chi thường xuyên, nhiệm vụ ứng dụng CNTT cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, kinh phí thực hiện các dự án

(Chi tiết xem tại Phụ lục 03 kèm theo Kế hoạch này).

b) Kế hoạch giai đoạn 2016-2020

- Tổng kinh phí nguồn đầu tư CNTT theo kế hoạch giai đoạn 2016-2019 là 72,132 tỷ đồng. Trong đó, năm 2016 là 12,565 tỷ đồng, năm 2017 là 25 tỷ đồng, năm 2018 là 22,275 tỷ đồng, năm 2019 là 12,292 tỷ đồng.

- Nguồn kinh phí bố trí cho các hoạt động ứng dụng CNTT thường xuyên hàng năm của tỉnh như: tuyên truyền; đào tạo, bồi dưỡng CNTT; bổ sung, thay thế thiết bị các ngành, địa phương; thuê đường truyền Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh, hệ thống thư điện tử tỉnh... được bố trí khoảng 15 tỷ đồng/năm.

9. Đánh giá đầu tư cho xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử

- Tiếp tục triển khai xây dựng CQĐT tỉnh Vĩnh Phúc theo định hướng, nhiệm vụ tại kiến trúc CQĐT tỉnh Vĩnh Phúc phiên bản 1.0 và Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 29/3/2019 thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Trong năm 2019, đã và đang triển khai xây dựng và đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng một số dự án, nhiệm vụ quan trọng liên quan đến xây dựng CQĐT, như:

+ Nâng cấp 02 ứng dụng dùng chung của tỉnh (gồm phần mềm QLVB&ĐH và hệ thống thư điện tử công vụ).

+ Mua sắm phần mềm phòng, chống mã độc tập trung triển khai tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

+ Thí điểm kết nối một số hệ thống ứng dụng CNTT qua LGSP của tỉnh.

+ Xây dựng phần mềm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh do Văn phòng UBND tỉnh thực hiện.

+ Xây dựng phần mềm hỗ trợ nghiệp vụ tại Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh.

+ Xây dựng phần mềm lấy ý kiến tham gia văn bản quy phạm pháp luật.

+ Phần mềm quản lý các thiết bị bức xạ trong y tế, công nghiệp.

+ Phần mềm quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc.

+ Nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành theo các nghiệp vụ của UBND tỉnh.

+ Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 gồm: 34 dịch vụ công cấp tỉnh, 04 dịch vụ công cấp huyện, 04 dịch vụ công cấp xã.

- Nghiên cứu, triển khai nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP) của tỉnh để thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong nội bộ tỉnh và với Trung ương, bộ, ngành; Triển khai, cập nhật CSDL quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh.

+ Đầu tư trang thiết bị CNTT phục vụ công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

+ Tăng cường trang thiết bị theo lộ trình số hóa giai đoạn II.

+ Mua sắm trang thiết bị CNTT phục vụ công tác chuyên môn tại Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc.

+ Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống mạng Lan và bổ sung thiết bị CNTT tại Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

+ Mua sắm, lắp đặt hệ thống camera phục vụ quản lý, giám sát an ninh tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Vĩnh Phúc...

II. HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN

1. Hạn chế

- Một số nhiệm vụ triển khai CQĐT còn hạn chế như:

+ Nâng cấp phần mềm QLVB&ĐH còn chậm so với yêu cầu Chính phủ.

+ Chưa ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản theo quy định tại Quyết định 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 01/2019/TT-BNV, Thông tư số 02/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ (Văn phòng UBND tỉnh đang lấy ý kiến các thành viên UBND tỉnh, dự kiến ban hành trong tháng 01/2020).

+ Tiến độ triển khai chữ ký số chuyên dùng còn chậm, nhiều sở, ngành, địa phương chưa quyết tâm, quyết liệt triển khai. Tỉnh chưa ban hành quy chế quản lý, sử dụng chứng thư số chuyên dùng chính phủ.

+ Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn ít, tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua mạng còn rất thấp.

+ Chưa ban hành quy chế sử dụng, vận hành Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

- Nhiều ứng dụng CNTT còn manh mún, nhỏ lẻ thiếu đồng bộ, nhiều cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên sử dụng, cập nhật dữ liệu cho các ứng dụng nền tảng CQĐT tỉnh và các ứng dụng chuyên ngành nên hiệu quả khai thác, sử dụng thấp.

- Năng lực, trình độ, ý thức đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương, của cán bộ công chức viên chức trong các cơ quan nhà nước chưa cao. Hầu hết các ngành, địa phương chưa chủ động thực hiện các giải pháp an toàn đơn giản cho hệ thống CNTT của mình.

- Thiết bị như máy tính, máy quét, máy in,... ở cấp xã còn thiết, nhiều mạng LAN cấp xã và một số đơn vị trực thuộc cấp huyện chưa bảo đảm kết nối, từ đó chưa đáp ứng được các yêu cầu triển khai các ứng dụng nền tảng CQĐT hiện tại. Một số đơn vị lại chưa khai thác tốt hạ tầng CNTT đã có, chưa thường xuyên ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ.

2. Nguyên nhân

a) Nguyên nhân chủ quan

- Người đứng đầu một số các cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng vai trò quan trọng của ứng dụng CNTT để xây dựng CQĐT, chưa xác định rõ trách nhiệm, tính gương mẫu, biện pháp quyết liệt trong việc ứng dụng CNTT.

- Đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT, quản trị mạng còn thiếu và năng lực hạn chế. Nhận thức và kỹ năng đảm bảo ATTT của lãnh đạo các cấp, cán bộ trong các cơ quan Nhà nước còn nhiều hạn chế.

- Môi trường chính sách tại tỉnh chưa hấp dẫn, chưa có chính sách thu hút, giữ chân được người làm CNTT có trình độ chuyên môn tốt, nhất là chuyên môn về ATTT.

b) Nguyên nhân khách quan

- Lĩnh vực CNTT phức tạp, công nghệ thay đổi nhanh dẫn đến:

+ Công tác xây dựng kế hoạch, đánh giá tình hình và dự báo còn nhiều bất cập chưa theo kịp với thực tế phát triển của ngành.

+ Đầu tư thiết bị nhanh lạc hậu, cần bảo đảm được nguồn vốn đầu tư để duy trì nâng cấp, bảo đảm ATTT hệ thống, đào tạo nguồn nhân lực.

+ Hành lang pháp lý về quản lý đầu tư, phát triển ứng dụng CNTT, chia sẻ, tích hợp dữ liệu còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa cụ thể, chưa phù hợp với tình hình thực tế như: Nghị định về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức chưa được ban hành nên khó khăn trong triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; Chưa có Thông tư hướng dẫn Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018; Việc thực hiện quy trình thủ tục đầu tư ứng dụng CNTT theo Luật Đầu tư công còn khó khăn, từ khi lập chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đến khi triển khai được thì giải pháp công nghệ có thể lỗi thời, lạc hậu; Chưa có văn bản hướng dẫn lập hồ sơ mua sắm phần mềm thương mại, bản quyền; Việc phê duyệt hồ sơ cấp độ ATTT còn gặp khó khăn;...

- Chưa có nhiều tỉnh thành triển khai thành công hệ thống LGSP một cách đồng bộ, bảo đảm kết nối với các hệ thống thông tin Trung ương (hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP), trục liên thông văn bản quốc gia, các CSDL quốc gia, các hệ thống thông tin của các bộ ngành, địa phương) và các ứng dụng nền tảng CQĐT trong tỉnh, nên việc triển khai ở Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn, tỉnh vừa làm, vừa phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn.

- Các CSDL quốc gia về dân cư, đất đai triển khai chậm; CSDL quốc gia về doanh nghiệp chưa có khả năng chia sẻ trực tuyến; các hệ thống thông tin trên Trung ương triển khai xuống địa phương còn thiếu tính đồng bộ, kết nối;...

III. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

- Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thiện các thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc triển khai xây dựng CPĐT, bảo đảm tính hiệu quả trong triển khai các ứng dụng nền tảng CPĐT/CQĐT; tăng cường triển khai các ứng dụng từ Trung ương, có khả năng cấu hình dùng chung cho các địa phương để bảo đảm tính đồng bộ trong đầu tư, triển khai.

- Xây dựng chính sách thu hút, giữ cán bộ có trình độ cao trong lĩnh vực CNTT, áp dụng chung trên phạm vi cả nước.

- Đề nghị Ban cơ yếu chính phủ rà soát tình hình triển khai thực tế tại các địa phương để đánh giá đúng vai trò, nhiệm vụ, thực trạng, nguồn nhân lực và khả năng triển khai chữ ký số chuyên dùng tại các địa phương; xem xét tận dụng nguồn lực sẵn có của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng trên địa bàn trong hỗ trợ khai thác, sử dụng các dịch vụ của cơ quan Nhà nước.

Phần II

KẾ HOẠCH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ PHÁT TRIỂN QUYỀN PHỦ ĐIỆN TỬ TỈNH VĨNH PHÚC NĂM 2020

I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH

Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005;

Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Luật An toàn thông tin mạng ngày 19/11/2015;

Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước;

Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020;

Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/1/2019 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021;

Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020;

Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025;

Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC;

Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016-2020;

Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 30/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016-2020;

Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước;

Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 18/07/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm 2018 - 2020;

Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước;

Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia;

Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch CCHC Nhà nước giai đoạn 2016-2020;

Văn bản số 1178/BTTTT-THH ngày 21/4/2015 của Bộ TT&TT về việc ban hành Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam, Phiên bản 1.0;

Quyết định số 1565/QĐ-UBND ngày 26/5/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc ban hành kiến trúc CQĐT tỉnh Vĩnh Phúc, phiên bản 1.0;

Quy hoạch phát triển CNTT tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Văn bản số 2055/BTTTT-THH ngày 27/6/2019 và số 4213/BTTTT-THH ngày 26/11/2019 của Bộ TT&TT về việc rà soát, bổ sung chỉ tiêu phát triển CPĐT và ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2020;

Văn bản số 4948/UBND-VX3 ngày 03/7/2019 và số 9679/UBND-VX3 ngày 04/12/2019 của UBND tỉnh về việc rà soát, bổ sung chỉ tiêu phát CPĐT và ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2020;

Hiện trạng cơ sở hạ tầng, ứng dụng và nhu cầu, yêu cầu đầu tư, ứng dụng phát triển CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước tỉnh.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển CQĐT; chú trọng triển khai đồng bộ, có hiệu quả các dịch vụ công mức độ 3,4 nhằm từng bước xây dựng chính quyền hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức và công dân.

- Ứng dụng CNTT, phát triển CQĐT phải tiến hành đồng bộ, gắn chặt với quá trình CCHC, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước; sử dụng các phương tiện hỗ trợ CNTT truyền thông và các phương tiện khác góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực quản lý của chính quyền, nâng cao chất lượng môi trường sống, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

- Ứng dụng CNTT trên cơ sở thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, ứng dụng các công nghệ hiện đại, đồng bộ, có khả năng tương thích với nhiều nền tảng, bảo đảm ATTT mạng, an ninh mạng và bảo vệ thông tin cá nhân của người dân, đảm bảo sự đồng bộ giữa các giải pháp công nghệ và phi công nghệ.

- Kế thừa triệt để kết quả các dự án đã được đầu tư giai đoạn trước, ưu tiên nguồn lực giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm.

- Tổ chức ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước thống nhất, đồng bộ, bảo đảm sự tương thích trong hoạt động và an toàn bảo mật; thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời.

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phần cứng gắn liền với việc xây dựng và đưa vào sử dụng các phần mềm ứng dụng, kết hợp với đào tạo, chuyển giao công nghệ để khai thác sử dụng đạt hiệu quả cao; đảm bảo an toàn, an ninh và bảo mật thông tin dữ liệu.

- Đào tạo nâng cao trình độ CNTT cho cán bộ công chức, viên chức, tăng cường nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực CNTT cho các cơ quan Nhà nước.

2. Mục tiêu

a) Hạ tầng kỹ thuật

- Cập nhật, hoàn thiện khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc phiên bản 2.0 theo nền tảng kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0 của Quốc gia.

- Nghiên cứu xây dựng Trung tâm giám sát đô thị thông minh, Trung tâm giám sát an toàn mạng (không phát sinh tổ chức, bộ máy) phù hợp với yêu cầu của Bộ TT&TT và đặc thù của tỉnh.

- Xây dựng hạ tầng thông tin hiện đại, chuẩn hóa, đồng bộ; đáp ứng sự chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hệ thống mạng LAN của các sở, ngành, địa phương. Hoàn thiện hệ thống mạng LAN của các xã, phường, thị trấn và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh.

- Triển khai và vận hành có hiệu quả Trục liên thông văn bản điện tử trong toàn tỉnh và liên thông với Văn phòng Chính phủ, đồng bộ các hệ thống phần mềm QLVB&ĐH, phần mềm một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến trong toàn tỉnh, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia... theo lộ trình quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục duy trì, triển khai hiệu quả hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến. Rút ngắn thời gian họp, thực hiện giảm việc sử dụng tài liệu giấy (khoảng 30%-50%) thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử.

b) Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước

- 100% phần mềm QLVB&ĐH các cơ quan, đơn vị được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử; tối thiểu 80% hồ sơ công việc tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, 60% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 30% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm văn bản, hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật theo quy định của pháp luật).

- Nâng cao tỷ lệ cán bộ sử dụng thư điện tử công vụ để trao đổi thông tin, tài liệu điện tử thay cho các hệ thống thư điện tử khác (như gmail, yahoo,...) để bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin.

- 90% cán bộ công chức tại cơ quan Nhà nước từ cấp xã trở lên sử dụng thành thạo máy tính và mạng máy tính trong công việc.

- Triển khai sử dụng, ứng dụng chữ ký số trong 100% các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã.

- Tối thiểu 30% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh.

c) Ứng dụng CNTT tin phục vụ người dân và doanh nghiệp

- 100% hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện trên hệ thống phần mềm một cửa của tỉnh; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC đạt từ 20% trở lên; Tích hợp 30% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

- Tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 3,4; 50% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 3,4 cung cấp giao diện cho các thiết bị di động; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 50% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử; 20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến; 50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu tử CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp; 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện TTHC.

- 20% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin CPĐT được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.

- Phối hợp xây dựng, hoàn thiện và phát triển các CSDL quốc gia do các Bộ, ngành trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh.

- 100% Cổng TTĐT của cơ quan nhà nước bảo đảm tuân thủ quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ, tổ chức cập nhật minh bạch thông tin đầy đủ, kịp thời theo quy định tại Luật Tiếp cận thông tin.

- Tỷ lệ đấu thầu qua mạng theo hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 50% về số lượng gói thầu và 15% về tổng giá trị gói thầu.

- Tỷ lệ cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 35%; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án FDI qua mạng đạt 100%.

d) Phát triển nguồn nhân lực

- 100% cán bộ chuyên trách CNTT được đào tạo nâng cao về CNTT, đặc biệt là nâng cao trình độ về ATTT mạng cho cán bộ chuyên trách CNTT và đội ứng cứu sự cố về ATTT mạng trong toàn tỉnh.

- Tiếp tục đào tạo kiến thức và kỹ năng tin học văn phòng, sử dụng thư điện tử, truy cập Internet,... phục vụ công việc cho CBCCVC và hướng đến đào tạo “công dân điện tử”; tổ chức đào tạo và thi cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT cơ bản cho CBCCVC cơ quan Nhà nước, các cá nhân trên địa bàn tỉnh.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Về môi trường chính sách

- Hoàn thiện môi trường chính sách về tổ chức ứng dụng CNTT tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng, phát triển CPĐT trên địa bàn tỉnh; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, đầu tư ứng dụng CNTT.

- Tổ chức đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục triển khai Xây dựng CQĐT tỉnh Vĩnh Phúc theo định hướng tại Kiến trúc CQĐT tỉnh Vĩnh Phúc phiên bản 1.0 đã được phê duyệt; cập nhật, hoàn thiện Khung kiến trúc CQĐT phiên bản 2.0 theo nền tảng kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0 của Quốc gia và phù hợp hiện trạng hạ tầng, nhân lực, ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường thực hiện thuê dịch vụ CNTT nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả và bảo đảm tính đồng bộ trong khai thác ứng dụng và quản lý.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan Nhà nước

- Bảo đảm các ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc từng bước được triển khai thống nhất, đồng bộ theo Kiến trúc CQĐT của tỉnh.

- Triển khai ứng dụng chữ ký số tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện nhằm bảo đảm ATTT, giảm thiểu việc luân chuyển văn bản giấy, tăng cường văn bản điện tử, bảo đảm tính minh bạch trong quản lý, khai thác thông tin.

- Triển khai hệ thống phần mềm và CSDL quản lý, báo cáo trực tuyến về kinh tế xã hội tỉnh, hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác tổng hợp và tham mưu ra quyết định.

- Sẵn sàng và tích cực tiếp nhận chuyển giao khai thác ứng dụng, cập nhật dữ liệu và kết nối liên thông các hệ thống CSDL quốc gia từ các bộ ngành trung ương về: dân cư, đất đai, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, quy hoạch, dự án đầu tư, đấu thầu Online, cán bộ công chức,...

3. Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng Chính quyền điện tử

- Duy trì ứng dụng đồng bộ, hiệu quả các phần mềm dùng chung nền tảng xây dựng, phát triển CPĐT: Phần mềm QLVB&ĐH, một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyển, thư điện tử, Cổng thông tin điện tử...; kết nối liên thông và đồng bộ trục quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia…; cập nhật mã định danh của các cơ quan, đơn vị và tất cả các phần mềm dùng chung trong toàn tỉnh.

- Nâng cấp Cổng TT-GTĐT của tỉnh bảo đảm tích hợp, kết nối theo chỉ đạo chung của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông; bảo đảm hỗ trợ dịch vụ công mức độ 3,4 của tỉnh. Nâng cấp Cổng thông tin điện tử các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, an toàn an ninh thông tin.

- Tiếp tục mở rộng, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các cơ quan, Nhà nước trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tuân thủ tiến độ, kịp thời, hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ. Thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Nâng cấp, tối ưu hóa các tính năng các ứng dụng CNTT tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tại bộ phận một cửa cấp huyện, xã bảo đảm phục vụ người dân doanh nghiệp khai thác dịch vụ công thuận lợi nhất, đặc biệt là phát triển phiên bản giao dịch trên điện thoại thông minh và hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung về các loại văn bản, giấy tờ người dân thường sử dụng khi giao dịch thủ tục hành chính.

- Cổng TT-GTĐT tỉnh và các Cổng/trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện toàn bộ các quy trình, TTHC của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị của tỉnh liên quan đến tổ chức, công dân và cập nhật đầy đủ, công khai trên Cổng TT-GTĐT của tỉnh và cổng, trang thông tin điện tử của các đơn vị, địa phương.

4. Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thông tin, CSDL chuyên ngành, hệ thống thông tin, CSDL quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử

- Thực hiện nhiệm vụ xây dựng, cập nhật hệ thống thông tin, CSDL quốc gia do các Bộ, ngành trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan Trung ương xây dựng các CSDL quốc gia trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là CSDL quốc gia về dân cư, đất đai, kết nối với CSDL đăng ký doanh nghiệp, tạo nền tảng triển khai các ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh đồng bộ.

- Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ đề xuất ứng dụng CNTT xây dựng hạ tầng thông tin, CSDL chuyên ngành phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm không trùng lấp các CSDL quốc gia từ Trung ương, phù hợp Quy hoạch phát triển CNTT tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 và phù hợp Kiến trúc CQĐT tỉnh Vĩnh Phúc.

- Triển khai Hệ thống thông tin báo cáo tình hình kinh tế xã hội của tỉnh đồng bộ 3 cấp tỉnh - huyện - xã, phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

5. Bảo đảm nguồn nhân lực CNTT cho phát triển Chính quyền điện tử

- Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ứng dụng CNTT, phổ biến các văn bản quản lý nhà nước về CNTT như: Luật, Nghị định, các văn bản hướng dẫn... cho CBCCVC các cấp; Tổ chức phổ biến, đào tạo, tuyên truyền kiến thức về Khung kiến trúc CPĐT, CQĐT cấp tỉnh và đánh giá hiệu quả đầu tư ứng dụng CNTT.

- Tiếp tục rà soát, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức về quản trị hệ thống, an ninh ATTT... cho đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT làm việc tại các đơn vị, địa phương. Cử cán bộ có năng lực tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu phù hợp với chuẩn của trong nước và quốc tế về quản trị mạng, an toàn, bảo mật thông tin.

- Tiếp tục tổ chức diễn tập ATTT trong các cơ quan Nhà nước tỉnh; Tổ chức đánh giá thực trạng đội ngũ lãnh đạo, CBCCVC cơ quan Nhà nước trong việc sử dụng, đảm bảo ATTT.

6. Phát triển hạ tầng CNTT phục vụ phát triển Chính quyền điện tử

- Tiếp tục nghiên cứu, triển khai hệ thống nền tảng tích hợp và chia sẻ dùng chung cấp tỉnh (LGSP) làm nền tảng triển khai các ứng dụng trên địa bàn tỉnh, cho phép liên liên thông đồng bộ với NGSP quốc gia, các hệ thống thông tin, CSDL trong toàn tỉnh, đồng thời kết nối liên thông với các hệ thống CSDL quốc gia.

- Rà soát, đánh giá hiện trạng và đầu tư mới để bảo đảm hạ tầng mạng LAN, thiết bị CNTT, đường truyền, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, ...để triển khai CQĐT các cấp; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, kết nối chia sẻ dữ liệu.

- Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống mạng LAN và kết nối mạng diện rộng (WAN) đến 137 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trên cơ sở hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh.

- Khai thác hiệu quả, an toàn hạ tầng CNTT đã được đầu tư, đặc biệt hoạt động hiệu quả, ổn định Trung tâm Hạ tầng thông tin phục vụ triển khai các ứng dụng CNTT đã được đầu tư;

- Chỉ đạo Sở TT&TT phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT trong việc tiếp nhận, triển khai các cảnh báo kịp thời, thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho các hệ thống, CSDL, cổng, trang thông tin điện tử và Trung tâm Hạ tầng thông tin của tỉnh.

- Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo hướng dẫn việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATTT đối với các hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hệ thống cổng, trang thông tin điện tử, tuân thủ quy định xác thực, cấp phép truy cập và sao lưu dữ liệu.

- Rà soát, kiểm tra, đánh giá, thẩm định, tổ chức thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh theo cấp độ như quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 21/4/2017 của Bộ TT&TT Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định 85/2016/NĐ-CP.

7. Công tác tuyên truyền

- Xây dựng chính sách, tuyên truyền thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư các ứng dụng một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, ứng dụng CNTT tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; đồng thời cải thiện vị trí, nâng cao các chỉ số PCI, chỉ số CCHC, chỉ số ICT Index.

- Tăng cường phối hợp, tuyên truyền sử dụng các ứng dụng nền tảng CQĐT; tuyên truyền về an toàn, an ninh thông tin cho CBCCVC trong các cơ quan Nhà nước; nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

- Phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tổ chức hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm, hội thảo về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước tỉnh; Biểu dương, nhân rộng các mô hình tiên tiến triển khai, ứng dụng CNTT hiệu quả.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp môi trường chính sách

- Xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng chứng thư số chuyên dùng trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh; quy định về vận hành, khai thác trục LGSP của tỉnh; chỉ đạo đẩy mạnh triển khai tiếp nhận và xử lý hồ sơ trên hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến.

- Duy trì, cập nhật Kiến trúc CQĐT tỉnh: Xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện ứng dụng CNTT tại cơ quan, đơn vị, địa phương tuân thủ Kiến trúc CQĐT tỉnh Vĩnh Phúc.

- Tiếp tục theo dõi, thực hiện Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 29/3/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.

2. Giải pháp về tài chính

- Bảo đảm nguồn lực để thực hiện các nội dung kế hoạch; kết hợp giữa nguồn vốn ngân sách tỉnh đầu tư về CNTT tập trung với các nguồn vốn ngân sách khác và nguồn vốn do các chủ đầu tư huy động.

- Thực hiện thí điểm thuê các dịch vụ, sản phẩm CNTT trong triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.

- Các đơn vị được giao làm chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy trình, quy định về quản lý dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư cho đến kết thúc đầu tư, đưa sản phẩm vào khai thác, sử dụng; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hiệu quả của dự án CNTT, hiệu quả sử dụng, ứng dụng sau đầu tư.

3. Giải pháp gắn ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính

- Tiếp tục thực hiện chuẩn hóa quy trình, TTHC; việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Thực hiện Kế hoạch số 5264/KH-UBND ngày 18/7/2018 về việc nâng cao Chỉ số CCHC tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2018-2020; Kế hoạch CCHC năm 2020 của tỉnh.

- Áp dụng CNTT trong việc đánh giá, xếp loại chỉ số CCHC đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

4. Giải pháp bảo đảm an toàn thông tin

- Rà soát, đầu tư phần mềm chống mã độc cho máy tính cán bộ, công chức trên toàn tỉnh bảo đảm thực hiện Chỉ thị 14/CT-TTG ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

- Xác định bảo đảm ATTT là nhiệm vụ của từng ngành, địa phương và phải gắn liền với hoạt động ứng dụng CNTT.

- Tăng cường các giải pháp bảo đảm ATTT cho các hệ thống, phần mềm, hạ tầng ứng dụng CNTT, nhất là đối với Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh;

- Thường xuyên kiểm tra, rà soát, khắc phục các điểm yếu về ATTT của hệ thống hạ tầng, ứng dụng CNTT của tỉnh, giảm thiểu nguy cơ mất ATTT, tăng cường thiết bị, công cụ bảo đảm an toàn an ninh thông tin.

- Rà soát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương, các chủ quản hệ thống thông tin thực hiện đúng các quy định của Luật ATTT mạng, Nghị định và các văn bản hướng dẫn về thực hiện ATTT theo cấp độ.

- Tăng cường đào tạo chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách về CNTT; xem xét, đề xuất các giải pháp thuê chuyên gia, tăng cường cán bộ có trình độ cao tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời xử lý các sự cố; chia sẻ, học hỏi, phối hợp với các đơn vị chuyên trách, tổ chức ATTT trong phạm vi cả nước.

5. Các giải pháp khác

- Trên cơ sở kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT tỉnh, xem xét trách nhiệm, có chỉ đạo để tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước trong việc ứng dụng và phát triển CNTT.

- Bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực ứng dụng CNTT: lãnh đạo, CBCCVC và cán bộ chuyên trách CNTT. Tổ chức đánh giá cán bộ chuyên trách về CNTT gắn với chất lượng, hiệu quả triển khai các phần mềm nền tảng của CQĐT tại cơ quan, đơn vị.

- Nghiên cứu các mô hình thành công về ứng dụng CNTT của tỉnh, cũng như các địa phương khác để học tập, nhân rộng.

- Tăng cường hội nhập và thông tin, truyền thông tạo hiểu biết và nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng, các cơ hội và thách thức của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có cách tiếp cận, giải pháp phù hợp, hiệu quả.

V. DANH MỤC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN

Đối với các chương trình dự án chưa được phê duyệt, UBND tỉnh sẽ xem xét cho ý kiến cụ thể làm căn cứ triển khai thực hiện.

(Xem tại Phụ lục 02 và Phụ lục 04 kèm theo Kế hoạch này)

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì tham mưu, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Kế hoạch. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện các nội dung của Kế hoạch. Tham mưu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoặc giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai Kế hoạch. Thực hiện chế độ báo cáo với UBND tỉnh, Bộ TT&TT kết quả thực hiện theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển CNTT trình UBND tỉnh. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh một số giải pháp nhằm nâng cao “Chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin” theo Đề án Cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, thực hiện Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu với UBND tỉnh về nội dung đầu tư các nhiệm vụ, dự án CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh bảo đảm hiệu quả, thiết thực; Hướng dẫn các chủ đầu tư tuân thủ các quy định hiện hành về đầu tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn,... thuộc lĩnh vực CNTT trong quá trình thực hiện đầu tư; Thực hiện việc giám sát, đánh giá đầu tư các nhiệm vụ, dự án ứng dụng CNTT theo Kế hoạch và trên địa bàn tỉnh báo cáo với UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Xây dựng CQĐT tỉnh.

- Rà soát, tham mưu hoàn thiện hạ tầng CNTT cấp xã bảo đảm triển khai ứng dụng CNTT phục vụ phát triển CQĐT tới các cấp.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối, bố trí mức ngân sách để thực hiện các nội dung thuộc Kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng CNTT vào chương trình CCHC, nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trình Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Tổ chức quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả Trung tâm Hạ tầng thông tin của tỉnh. Triển khai các ứng dụng dùng chung của tỉnh bảo đảm thông suốt, liên tục, an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu. Đánh giá việc ứng dụng các phần mềm nền tảng xây dựng CQĐT báo cáo UBND tỉnh định kỳ theo tháng, gắn việc này với đánh giá hoạt động chuyên môn của cán bộ chuyên trách từng cơ quan, đơn vị.

- Tổ chức quản lý, sử dụng, thu hồi, cấp phát mới chứng thư số cho các cá nhân, cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn tích hợp mã số thuế, mã bảo hiểm xã hội trong chứng thư số chuyên dùng của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức diễn tập đảm bảo ATTT trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ về kỹ năng, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tư vấn cho các đơn vị, địa phương triển khai ứng dụng CNTT.

- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quản lý nhà nước về CNTT; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn về CNTT (kỹ năng ứng dụng CNTT, quản trị hệ thống, an toàn, an ninh thông tin,...) cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ làm về CNTT nói riêng trong các cơ quan Nhà nước tỉnh.

2. Văn phòng UBND tỉnh

- Phối hợp với Sở TT&TT trong việc tham mưu về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển CQĐT hướng tới Chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì tham mưu, đề xuất tăng cường khai thác, sử dụng và duy trì hiệu quả hoạt động hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục duy trì hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, chủ trì triển khai, đôn đốc, hướng dẫn sử dụng phần mềm ứng dụng tại bộ phận một cửa và các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh bảo đảm tiến độ, đồng bộ, hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ; tham mưu triển khai ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch hành chính, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có thu phí, lệ phí.

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương và với Trung ương kết nối liên thông phần mềm QLVB&ĐH.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh trong việc cân đối, bố trí kinh phí bảo đảm triển khai các dự án theo Kế hoạch phù hợp với các quy định về đầu tư công.

- Chủ trì thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt các dự án ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.

- Bám sát nhiệm vụ, tình hình triển khai CSDL về Đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất việc tích hợp, chia sẻ CSDL này trong các hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh trong việc cân đối, bố trí kinh phí bảo đảm triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch và các nội dung chi thường xuyên cho hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí các chương trình, dự án ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước đã được phê duyệt. Tổng hợp tình hình cấp phát, quyết toán kinh phí thực hiện kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

5. Sở Nội vụ

- Phối hợp Văn phòng UBND tỉnh triển khai phần mềm ứng dụng tại bộ phận một cửa và các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh bảo đảm tiến độ, đồng bộ, hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ.

- Phối hợp với Sở TT&TT và các ngành, địa phương rà soát, bố trí CBCCVC làm nhiệm vụ chuyên trách CNTT.

- Chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT nghiên cứu, tham mưu việc đưa kết quả chỉ số đánh giá mức độ ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT vào các tiêu chí, chỉ tiêu thi đua, khen thưởng, kỷ luật.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở TT&TT đảm bảo nguồn vốn khoa học và công nghệ đầu tư cho các dự án trong kế hoạch.

- Phối hợp thẩm định các chương trình, dự án đầu tư, ứng dụng CNTT, chủ trì thẩm định về công nghệ theo quy định.

- Chủ trì rà soát, đánh giá việc thí điểm áp dụng ISO điện tử, đề xuất triển khai áp dụng trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, thực hiện Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030, tham mưu đề xuất thí điểm triển khai trên địa bàn tỉnh, định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Xây dựng theo quy định.

8. Sở Tài nguyên và môi trường

Bám sát nhiệm vụ triển khai CSDL quốc gia về đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường để chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất lộ trình triển khai xây dựng CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các sở, ngành, địa phương trong việc tích hợp, chia sẻ CSDL đất đai trong các hệ thống thông tin, đặc biệt là hệ thống thông tin dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 liên quan đến thủ tục đất đai trên địa bàn tỉnh; tham mưu triển khai đồng bộ các CSDL địa chính cấp huyện để tích hợp, đồng bộ với CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh.

9. Công an tỉnh

- Chủ trì tham mưu triển khai việc thu thập thông tin dân cư, xây dựng, quản lý, khai thác CSDL quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh theo quy định; xác định lộ trình kết nối, khai thác thông tin dân cư để chia sẻ cho các sở, ngành, địa phương trong việc xây dựng các hệ thống thông tin, các CSDL chuyên ngành bảo đảm tích hợp, đồng bộ.

- Phối hợp với Sở TT&TT bảo đảm ATTT cơ sở hạ tầng thông tin; thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT.

10. Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Phúc, Báo Vĩnh Phúc, Cổng TT-GTĐT tỉnh Vĩnh Phúc

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về an toàn an ninh thông tin cho CBCCVC trong các cơ quan Nhà nước và sử dụng hiệu quả các ứng dụng nền tảng CQĐT; tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, ứng dụng một cửa điện tử...

- Tăng cường lồng ghép tuyên truyền CCHC, về dịch vụ công trực tuyến và CQĐT của tỉnh.

11. Các ngành, địa phương

- Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo triển khai ứng dụng và phát triển CNTT tại ngành, địa phương bảo đảm chỉ đạo hiệu quả, chất lượng.

- Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; phần mềm ứng dụng cho bộ phận một cửa; ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh bảo đảm hoạt động hiệu quả, chất lượng.

- Phối hợp với Sở TT&TT trong việc triển khai một số ứng dụng CNTT nền tảng chính quyền tử: Cổng thông tin điện tử; phần mềm QLVB&ĐH; thư điện tử công vụ; phần mềm đánh giá mức độ ứng dụng CNTT xây dựng CQĐT của các cơ quan Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh. Định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình sử dụng các ứng dụng nền tảng CQĐT qua Sở TT&TT tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

- Sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong giao dịch điện tử của cơ quan: gửi nhận văn bản điện tử trên phần mềm QLVB&ĐH; đăng tải văn bản điện tử trên cổng thông tin điện tử thành phần, trong các giao dịch điện tử ngành thuế, bảo hiểm xã hội, kho bạc ...

- Chủ động cân đối nguồn vốn của ngành, địa phương mình để bố trí vốn xây dựng và triển khai kế hoạch, chương trình, dự án cụ thể về ứng dụng, phát triển CNTT theo thẩm quyền; thực hiện ứng dụng, phát triển CNTT tại ngành, địa phương. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về ứng dụng CNTT được cấp có thẩm quyền giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tiết kiệm, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về hiệu quả đầu tư các dự án được giao làm Chủ đầu tư.

Trên đây là Kế hoạch ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc năm 2020, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, nghiêm túc thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TT.TU, HĐND tỉnh (BC);
- Ban chỉ đạo Xây dựng CQĐT Quốc gia (BC);
- Bộ TT&TT, Cục Tin học hóa (BC);
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- Cục Thuế tỉnh; Bảo hiểm Xã hội tỉnh;
- Huyện ủy, Thành ủy, UBND các huyện, TP;
- Thành viên BCĐ Xây dựng CQĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TTTH, VX3;
(H: - b)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Trì

 

PHỤ LỤC 01:

DANH MỤC VÀ KINH PHÍ PHÂN BỔ CHO DỰ ÁN CNTT SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2019
(Kèm theo Kế hoạch số: 183/KH-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Đơn vị: Triệu đồng

STT

Chương trình/ngành, lĩnh vực

Kế hoạch năm 2019

Khối lượng thực hiện Kế hoạch năm 2019 tính từ 01/01/2019 đến hết 31/10/2019

Giải ngân Kế hoạch năm 2019 tính từ 01/01/2019 đến hết 31/10/2019

Ước giải ngân Kế hoạch năm 2019

Ghi chú

Tổng số

Trong nước

Tổng số

Trong nước

Tổng số

Trong nước

Tổng số

Trong nước

 

TỔNG

17,356

17,356

11,242

11,242

11,427

11,427

17,356

17,356

 

1

Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống mạng LAN và bổ sung thiết bị CNTT tại UBND huyện Yên Lạc

1,000

1,000

 

 

1,000

1,000

1,000

1,000

Chuyển nguồn từ năm 2018

2

Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 gồm: 34 dịch vụ công cấp tỉnh, 04 dịch vụ công cấp huyện, 04 dịch vụ công cấp xã

4,064

4,064

 

 

2,335

2,335

4,064

4,064

Chuyển nguồn từ năm 2018

3

Xây dựng CSDL dân tộc thiểu số và phần mềm quản lý đồng bào dân tộc

39

39

39

39

39

39

39

39

 

4

Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống mạng LAN và bổ sung thiết bị CNTT tại UBND huyện Lập Thạch

216

216

216

216

216

216

216

216

 

5

Xây dựng điểm một số mạng LAN xã, phường

230

230

230

230

230

230

230

230

 

6

Ứng dụng CNTT tại các cơ quan Đảng tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2015-2020 (cấu phần 1)

1,807

1,807

1,807

1,807

1,807

1,807

1,807

1,807

 

7

Ứng dụng CNTT tại các cơ quan Đảng tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2015-2020 (cấu phần 2)

6,500

6,500

6,500

6,500

2,300

2,300

6,500

6,500

 

8

Nâng cấp 02 ứng dụng dùng chung của tỉnh

3,500

3,500

2,450

2,450

3,500

3,500

3,500

3,500

 

 

PHỤ LỤC 02:

DỰ KIẾN DANH MỤC VÀ KINH PHÍ PHÂN BỔ CHO DỰ ÁN CNTT SỬ DỤNG NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2020
(Kèm theo Kế hoạch số: 183/KH-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Đơn vị: Triệu đồng

TT

Danh mục dự án

Mã dự án

Địa điểm

Quy mô

Thời gian KC-HT

Quyết định đầu tư

Kế hoạch trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020

Kế hoạch trung hạn 2016-2020 đã giao đến hết năm 2019

Giá trị KLTH từ KC đến 31/12/2019

Nhu cầu kế hoạch năm 2020

Dự kiến kế hoạch năm 2020

Chủ đầu tư

 

Số quyết định; ngày, tháng, năm ban hành

TMĐT

 

Tổng số (tất cả các nguồn vốn)

Trong đó:

Tổng số (tất cả các nguồn vốn)

Trong đó

Tổng số

Trong đó

Tổng số (tất cả các nguồn vốn)

Trong đó

Tổng số (tất cả các nguồn vốn)

Trong đó

Tổng số (tất cả các nguồn vốn)

Trong đó

 

Nguồn đầu tư công

Nguồn khác

Nguồn đầu tư công

Nguồn khác

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Nguồn đầu tư công

Nguồn khác

 

Nguồn đầu tư công

Nguồn khác

Nguồn đầu tư công

Nguồn khác

 

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

23

26

27

28

 

 

TỔNG

 

 

 

 

 

35,481

35,481

-

28,513

28313

-

17,200

-

2,700

11,000

3,500

25,432

25,432

 

11,232

11,232

 

11,232

11,232

-

 

 

1

Nâng cấp, bổ sung thiết bị CNTT tại UBND huyện Tam Đảo

 

Tam Đảo

Thiết bị CNTT

2018

3012/QĐ-UBND ngày 30/10/2017

945

945

 

945

945

 

850

 

 

850

 

945

945

 

95

95

 

95

95

 

UBND huyện Tam Đảo

 

2

Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống mạng LAN và bổ sung thiết bị CNTT tại UBND huyện Vĩnh Tường

 

Vĩnh Tường

Thiết bị CNTT

2018

3863/QĐ-UBND ngày 28/11/2016; 2979/QĐ-UBND ngày 30/10/2017

1,375

1,375

 

1,375

1,375

 

1,200

 

 

1,300

 

1,375

1,375

 

175

175

 

175

175

 

UBND huyện Vĩnh Tường

 

3

Bổ sung, thay thế nâng cấp hạ tầng CNTT của Sở Tài nguyên và Môi trường

 

Vĩnh Yên

Thiết bị CNTT

2018

3003/QĐ-UBND ngày 30/10/2017

1,098

1,098

 

1,098

1,098

 

950

 

 

950

 

1,017

1,017

 

67

67

 

67

67

 

Sở Tài nguyên và Môi trường

 

4

Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 gồm; 34 dịch vụ công cấp tỉnh, 04 dịch vụ công cấp huyện, 04 dịch vụ công cấp xã

 

Trên địa bàn tỉnh

Thiết bị CNTT + phần mềm

2017-2019

3553/QĐ-UBND ngày 31/10/2016; 2631/QĐ-UBND ngày 29/9/2017

13,551

13,551

 

8,551

8,551

 

7,000

 

 

7,000

 

13,551

13,551

 

1,551

1,551

 

1,551

1,551

 

Sở Nội vụ

 

5

Đầu tư thiết bị phục vụ phát thanh, số hóa truyền hình cấp huyện

 

Trên địa bàn tỉnh

thiết bị

2020-2021

2774/QĐ-UBND ngày 30/10/2019

9,968

9,968

 

8,000

8,000

 

-

-

-

-

-

 

 

 

8,000

8,000

 

8,000

8,000

 

Sở Thông tin và Truyền thông

 

6

Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống mạng LAN và bổ sung thiết bị CNTT tại UBND huyện Yên Lạc

 

Yên Lạc

Thiết bị CNTT

2018

1060/QĐ-UBND ngày 25/3/2016; 3006/QĐ-UBND ngày 30/10/2017

1,144

1,144

 

1,144

1,144

 

1,000

 

 

1,000

 

1,144

1,144

 

144

144

 

144

144

 

UBND huyện Yên Lạc

 

7

Xây dựng phần mềm quản lý điều hành để nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh

 

Vĩnh Yên

Thiết bị CNTT + phần mềm

2017

3145/QĐ-UBND ngày 6/10/2016

3,427

3,427

 

3,427

3,427

 

2,700

 

2,700

 

 

3,427

3,427

 

727

727

 

727

727

 

Bệnh viện YHCT

 

8

Nâng cấp 2 ứng dụng dùng chung của tỉnh

 

Trên địa bàn tỉnh

Phần mềm

2019

3472/QĐ-UBND ngày 28/10/2016

3,973

3,973

 

3,973

3,973

 

3,500

 

 

 

3,500

3,973

3,973

 

473

473

 

473

473

 

Sở Thông tin và Truyền thông

 

 

PHỤ LỤC 03:

NHIỆM VỤ, DỰ ÁN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN SỬ DỤNG NGUỒN VỐN DO SỞ TÀI CHÍNH QUẢN LÝ TRONG NĂM 2019
(Kèm theo Kế hoạch số: 183/KH-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Đơn vị tính: Đồng

STT

Tên chương trình, dự án

Đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ

Quyết định đầu tư

Kế hoạch vốn đã giao

Số quyết định; ngày, tháng, năm ban hành

Dự toán

Tổng

Trong đó

Lũy kế vốn đã cấp đến 31/12/2018

Năm 2019

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

 

TỔNG

173,752,731,000

166,625,043,800

114,147,440,800

52,477,603,000

1

Tăng cường thiết bị, phần mềm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng tại Trung tâm Hạ tầng thông tin

Sở TT&TT

Quyết định số 1884/QĐ-UBND ngày 30/6/2017; bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 1129/QĐ-UBND ngày 23/5/2018

87,013,146,000

81,943,458,800

64,681,440,800

17,262,018,000

2

Mua sắm phần mềm phòng, chống mã độc tập trung

Sở TT&TT

Quyết định số 1528/QĐ-UBND ngày 24/6/2019 của UBND tỉnh phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu

2,784,969,000

2,784,969,000

 

2,784,969,000

3

Số hóa tài liệu lưu trữ lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc

Sở Nội vụ

Đã được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tại Quyết định số 2569/QĐ-UBND ngày 29/10/2018

12,123,000,000

6,500,000,000

 

6,500,000,000

4

Xây dựng phần mềm Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đối với các đơn vị của Văn phòng UBND tỉnh

Văn phòng UBND tỉnh

Quyết định số 87/QĐ-UBND ngày 10/01/2019 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu

2,832,610,000

2,832,610,000

 

2,832,610,000

5

Kinh phí thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố đảm bảo an toàn thông tin mạng

Sở TT&TT

Quyết định số 208/QĐ-STTTT ngày 26/9/2019 của Sở TT&TT phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu

450,000,000

450,000,000

 

450,000,000

6

Thí điểm kết nối một số hệ thống ứng dụng CNTT qua nền tảng chia sẻ, kết nối của tỉnh (LGSP)

Sở TT&TT

Quyết định số 101/QĐ-STC ngày 25/7/2019 của Sở Tài chính phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu

447,511,000

447,511,000

 

447,511,000

7

Xây dựng phần mềm hỗ trợ nghiệp vụ tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Vĩnh Phúc

Sở TN&MT

Quyết định số 1765/QĐ-UBND ngày 19/7/2019 của UBND tỉnh phê duyệt đề cương nhiệm vụ

2,838,345,000

2,838,345,000

 

2,838,345,000

8

Mua dịch vụ bảo hành, bảo trì hệ thống UPS Galaxy G5000 100KVA tại Trung tâm Hạ tầng thông tin

Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh

Quyết định số 74/QĐ-STTTT ngày 06/5/2019 của Sở TT&TT phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu

395,150,000

395,150,000

 

395,150,000

9

Tăng cường trang thiết bị theo lộ trình số hóa giai đoạn II

Đài PT-TH tỉnh

Được HĐND tỉnh đồng ý về chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 51/NQ-HĐND ngày 23/10/2019

59,333,000,000

59,333,000,000

47,466,000,000

11,867,000,000

10

Mua sắm trang thiết bị CNTT phục vụ công tác chuyên môn tại Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc

Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc

 

1,438,000,000

1,438,000,000

 

1,438,000,000

11

Xây dựng phần mềm lấy ý kiến tham gia văn bản quy phạm pháp luật

Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh

Quyết định số 209/QĐ-STC ngày 26/12/2018 của Sở Tài chính hướng dẫn dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2019

80,000,000

80,000,000

 

80,000,000

12

Phần mềm quản lý các thiết bị bức xạ trong y tế, công nghiệp

Sở Khoa học và Công nghệ

 

436,000,000

436,000,000

 

436,000,000

13

Phần mềm quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh

Quyết định số 1503/QĐ-UBND ngày 29/6/2018 của UBND tỉnh phê duyệt dự toán và kế hoạch nhà thầu

2,675,000,000

2,649,000,000

2,000,000,000

649,000,000

14

Phần mềm quản lý chứng thực

Sở Tư pháp

Được UBND tỉnh đồng ý về chủ trương tại Văn bản số 9141/UBND-NC2 ngày 19/11/2018

 

2,215,000,000

 

2,215,000,000

15

Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống mạng Lan và bổ sung thiết bị CNTT tại Văn Phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Quyết định số 1717/QĐ-UBND ngày 16/7/2019 của UBND tỉnh phê duyệt đề cương, dự toán chi tiết và kế hoạch lựa chọn nhà thầu

666,000,000

666,000,000

 

666,000,000

16

Nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành theo các nghiệp vụ của UBND tỉnh

Văn phòng UBND tỉnh

 

240,000,000

240,000,000

 

240,000,000

17

Mua sắm, lắp đặt hệ thống camera phục vụ quản lý, giám sát an ninh tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Vĩnh Phúc.

Bệnh viện Y dược Cổ truyền

 

 

1,376,000,000

 

1,376,000,000

 

PHỤ LỤC 04:

NHIỆM VỤ, DỰ ÁN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN SỬ DỤNG NGUỒN VỐN DO SỞ TÀI CHÍNH QUẢN LÝ DỰ KIẾN THỰC HIỆN NĂM 2020
(Kèm theo Kế hoạch số: 183/KH-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

STT

Tên chương trình, dự án

Đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

1

Số hóa dữ liệu hộ tịch

Sở Tư pháp

Dự toán: 5.000 triệu đồng

2

Sàn Giao dịch thương mại điện tử tỉnh Vĩnh Phúc

Sở Công Thương

Được UBND tỉnh đồng ý chủ trương tại văn bản số 3899/UBND-KT1 ngày 1/6/2018

3

Kinh phí thuê máy chủ và đường truyền dữ liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở TN&MT

Được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư tại Văn bản số 7676/UBND-VX3 ngày 30/9/2019

4

Xây dựng trang thông tin điện tử của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc

Liên minh Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Phúc

Được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư tại Văn bản số 6704/UBND-VX3 ngày 27/8/2019

5

Xây dựng ứng dụng nghiệp vụ phục vụ HĐND tỉnh Vĩnh Phúc.

Văn phòng HĐND tỉnh

Được UBND tỉnh đồng ý về nguyên tắc chủ trương thực hiện nhiệm vụ tại Văn bản số 6317/UBND-VX3 ngày 15/8/2019

6

Đầu tư trang thiết bị CNTT phục vụ công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố các trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Thanh tra tỉnh

Được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tại Quyết định số 2837/QĐ-UBND ngày 31/10/2019

7

Hệ thống quản lý dữ liệu số hồ sơ tốt nghiệp

Sở Giáo dục và Đào tạo

 

8

Đầu tư nâng cấp trang thông tin điện tử của Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Phúc

Đài PT-TH tỉnh

Được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư tại Văn bản số 9571/UBND-TH2 ngày 03/12/2018

9

Mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin nâng cấp mạng LAN phục vụ công tác chuyên môn tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Phúc.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư tại Văn bản số 9984/UBND-NN2 ngày 16/12/2019

10

Cung cấp phần mềm hệ thống, cho thuê nhà máy chủ hosting và các dịch vụ bảo mật, an ninh cho phần mềm ứng dụng Internet của các cơ quan Đảng tỉnh Vĩnh Phúc

Văn phòng Tỉnh ủy

 

11

Thực hiện chuẩn hóa dữ liệu, số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 183/KH-UBND năm 2019 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phát triển chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc năm 2020

  • Số hiệu: 183/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 31/12/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Nguyễn Văn Trì
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản