Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 180/KH-UBND

Lào Cai, ngày 04 tháng 05 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI TỈNH LÀO CAI NĂM 2022

Thực hiện Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; Thông tư số 96/2018/TT-BTC ngày 18/10/2018 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ; ưu đãi tín dụng và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi; Đề án số 7-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy tỉnh Lào Cai về việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số tỉnh Lào Cai trong tình hình mới, giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch số 119/KH-UBND ngày 15/3/2021 về Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Lào Cai năm 2022, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nhằm thay đổi nhận thức của toàn xã hội, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Truyền thông nâng cao nhận thức tạo sự đồng thuận chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

- 20% người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi.

- 140 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi có triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe.

- 11 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi.

b) Khám sức khỏe, phát hiện, quản lý điều trị bệnh cho người cao tuổi

- Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 52%.

- Tỷ lệ người cao tuổi được được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 65%.

- Tỷ lệ người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm phổ biến đạt 30%.

c) Phát triển cơ sở chăm sóc tập trung và điều trị bệnh cho người cao tuổi

- Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng, Bảo Yên có thành lập khoa lão khoa hoặc có giường bệnh điều trị cho người cao tuổi.

- 70% người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) có thẻ BHYT.

(Có Phụ biểu số 01: Các chỉ tiêu thực hiện kế hoạch kèm theo)

II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

1. Đẩy mạnh truyền thông, vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

- Tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, đầu tư kinh phí; huy động mọi nguồn lực phù hợp với điều kiện của tỉnh để tổ chức thực hiện và giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện chăm sóc sức khỏe ở địa phương.

- Đẩy mạnh truyền thông giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và tham gia thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch. Thường xuyên lồng ghép tổ chức truyền thông giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức truyền thông trực tiếp, hướng dẫn người cao tuổi tự chăm sóc; lồng ghép với các hoạt động truyền thông nhân ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam và Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam hằng năm.

- Xây dựng và triển khai mô hình điểm về tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và duy trì hoạt động các mô hình đã, đang được triển khai.

- Xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi.

2. Củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi.

- Nâng cao năng lực cho các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thực hiện khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho tuyến dưới.

- Nâng cao năng lực cho trạm y tế cấp xã trong thực hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống các bệnh không lây nhiễm cho người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng.

- Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi.

- Xây dựng, phát triển mạng lưới tình nguyện viên tham gia các hoạt động: theo dõi, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại gia đình cho người cao tuổi.

- Xây dựng, triển khai các mô hình: Trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày; xã, phường, thị trấn thân thiện với người cao tuổi; Trung tâm dưỡng lão theo hình thức phù hợp, tiến tới xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (mạng xã hội, internet,...).

3. Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho người làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

- Đào tạo, tập huấn chuyên môn nâng cao năng lực về truyền thông, tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi các tuyến; đặc biệt là trạm y tế xã/phường/thị trấn và tình nguyện viên ở cơ sở.

- Đào tạo và sử dụng bác sỹ gia đình tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

- Đào tạo tập huấn cho người thân chăm sóc người cao tuổi tại gia đình.

4. Xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Căn cứ vào các văn bản quy định của Trung ương, các sở ngành chức năng phối hợp khảo sát, đánh giá và đề xuất xây dựng các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; các văn bản liên quan đến việc xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh:

- Rà soát, bổ sung các văn bản về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội; tích cực xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi.

- Tổ chức triển khai các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên đã được ban hành vẫn còn hiệu lực.

- Xây dựng hệ thống: Chỉ báo thống kê, giám sát; thông tin, cơ sở dữ liệu điện tử quản lý công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

5. Bảo đảm nguồn lực thực hiện

- Đưa mục tiêu chăm sóc sức khỏe vào nhiệm vụ thường xuyên năm 2022 của các sở, ngành, địa phương. Huy động sự đóng góp của tư nhân, doanh nghiệp, cộng đồng và người sử dụng dịch vụ.

- Tham mưu chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể và cá nhân đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đồng thời thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng của các cơ sở cung cấp dịch vụ, kể cả khu vực ngoài công lập.

- Huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư, cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện Kế hoạch; đầu tư, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phù hợp. Quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ của các cơ sở cung cấp dịch vụ; các cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc người cao tuổi hoạt động không vì lợi nhuận được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Dự kiến tổng kinh phí hoạt động thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 1.323 triệu đồng, bao gồm:

Ngân sách Trung ương: 66 triệu đồng;

Ngân sách địa phương: 1.257 triệu đồng.

(Có Phụ biểu số 02: Khái toán kinh phí thực hiện kế hoạch kèm theo)

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Là cơ quan thường trực, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai Kế hoạch; tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hằng năm và giai đoạn theo quy định.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc trình cấp kinh phí; tuyên truyền phổ biến về nội dung của Kế hoạch, huy động nguồn lực thực hiện đạt mục tiêu Kế hoạch đề ra.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức khảo sát đánh giá số liệu đầu vào của một số chỉ tiêu kế hoạch chưa được cập nhật theo dõi làm cơ sở tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện; hướng dẫn đôn đốc, kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động của Kế hoạch, tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì tham mưu UBND tỉnh đảm bảo nguồn lực (nguồn vốn, quỹ đất) để xây dựng Trung tâm chăm sóc sức khỏe tập trung (Trung tâm Dưỡng lão) và phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan huy động nguồn lực đầu tư cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Lào Cai theo Kế hoạch đã được phê duyệt.

3. Sở Nội vụ: Chủ trì tham mưu UBND tỉnh đảm bảo nguồn nhân lực, bộ máy tổ chức hoạt động của các khoa Lão khoa, giường bệnh tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện; thẩm định chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo quy định.

4. Sở Tài chính

- Căn cứ khả năng ngân sách và các nguồn kinh phí hợp pháp khác tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; hướng dẫn các đơn vị việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

- Thẩm định dự toán chi tiết kinh phí trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí đảm bảo cho hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi năm 2022.

5. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi; quá trình già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi; các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và người cao tuổi tự chăm sóc; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền để kịp thời chuyển tải thông tin tới người dân và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chủ trương, chính sách, kế hoạch chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi, có nhiệm vụ:

- Phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các loại hình câu lạc bộ người cao tuổi đưa nội dung chăm sóc sức khỏe vào hoạt động câu lạc bộ; mô hình xã/phường/thị trấn thân thiện với người cao tuổi; phối hợp quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.

- Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch: tỷ lệ người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi; Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi có triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe; tỷ lệ người cao tuổi có thẻ BHYT.

7. Các sở, ban, ngành (thành viên Tiểu ban Chỉ công tác Dân số -Kế hoạch hóa gia đình tỉnh)

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo và tổ chức triển khai, đưa các nội dung, hoạt động của Kế hoạch vào kế hoạch, chương trình, nội dung công tác năm 2022 của ngành lĩnh vực phụ trách.

- Phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành, cơ quan liên quan trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát các hoạt động của Kế hoạch thuộc lĩnh vực theo dõi, quản lý. Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về cơ quan thường trực (Sở Y tế) trước ngày 15/12 để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế, UBND tỉnh.

8. Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh: Chủ trì hướng dẫn Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện, thị xã, thành phố phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi thuộc địa phương mình quản lý; thống kê, cung cấp thông tin về người cao tuổi; phối hợp với ngành Y tế và các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện các hoạt động của Kế hoạch.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội: Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động của Kế hoạch. Tích cực tham gia tuyên truyền, vận động, hưởng ứng triển khai chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách phân cấp cho huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu theo nội dung của Kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn.

- Chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp và đẩy mạnh thực hiện các hoạt động của Kế hoạch theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế.

- Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch, lồng ghép có hiệu quả các hoạt động của Kế hoạch với các chương trình kế hoạch trên địa bàn (từ khâu xây dựng kế hoạch đến khâu tổ chức thực hiện); thực hiện chế độ báo cáo hằng năm theo quy định hiện hành.

Trên đây là Kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Lào Cai đến năm 2022. Yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết, kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Y tế) để chỉ đạo giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, tỉnh;
- Báo Lào Cai, Đài PTTH tỉnh;
- Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh;
- Lưu VT, TH3, VX2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Giàng Thị Dung

 

PHỤ BIỂU SỐ 01

CÁC CHỈ TIÊU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
(Kèm theo Kế hoạch số: 180/KH-UBND ngày 04/05/2022 của UBND tỉnh Lào Cai)

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Toàn tỉnh

Trong đó

Ghi chú

Bắc

Bảo Thắng

Bát Xát

Bảo Yên

Mường Khương

Si Ma Cai

Văn Bàn

TX Sa Pa

TP Lào Cai

I

TRUYỀN THÔNG NÂNG CAO NÂNG CAO NHẬN THỨC TẠO SỰ ĐỒNG THUẬN CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI

1

Tỷ lệ người cao tuổi được cung cấp kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

%

20

20

20

20

20

20

20

20

20

20

 

2

Số CLB người cao tuổi thực hiện nội dung tuyên truyền giáo dục chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

CLB

140

4

6

11

6

4

2

2

20

85

 

3

Số xã (phường, thị trấn) đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi

xã (phường, thị trấn)

11

1

2

1

1

1

1

1

1

2

 

II

KHÁM SỨC KHỎE, PHÁT HIỆN, QUẢN LÝ, ĐIỀU TRỊ BỆNH CHO NGƯỜI CAO TUỔI

1

Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm

%

52

52

52

52

52

52

51

55

51

51

 

2

Tỷ lệ người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe

%

65

66

65

65

66

64

67

65

66

64

 

3

Tỷ lệ người cao tuổi được phát hiện, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm phổ biến

%

30

30

30

30

30

30

30

30

30

30

 

III

PHÁT TRIỂN CƠ SỞ CHĂM SÓC TẬP TRUNG VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH CHO NGƯỜI CAO TUỔI

1

Thành lập trung tâm chăm sóc tập trung (hoặc trung tâm dưỡng lão) tại Thành phố Lào Cai, dự kiến quy mô chăm sóc 50 giường bệnh.

Cơ sở

1

-

-

-

-

-

-

-

-

1

 

2

Bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện đa khoa các huyện, thị xã, thành phố (TTYT Si Ma Cai) có thành lập khoa Lão khoa hoặc có giường bệnh điều trị cho người cao tuổi

BV/TT

3

-

1

-

1

-

-

-

-

1

TP: là BVĐK tỉnh

3

Tỷ lệ người cao tuổi có bảo hiểm y tế

%

70

70

70

70

70

70

70

70

70

70

 

 

PHỤ BIỂU SỐ 02

KHÁI TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
(Kèm theo Kế hoạch số: 180/KH-UBND ngày 04/05/2022 của UBND tỉnh Lào Cai)

Triệu đồng

TT

NỘI DUNG

Nhu cầu kinh phí hàng năm

Ghi chú

Tổng cộng

Nguồn kinh phí

NSĐP

NSTW

 

TỔNG CỘNG

1.323

1.257

66

NSTW THỰC HIỆN THEO NQ 88

I

ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG THAY ĐỔI HÀNH VI VỀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI

135

84

51

 

1

Phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh thực hiện tuyên truyền các nội dung về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

8

8

 

ĐỀ ÁN 7

2

Sản xuất nhân bản các sản phẩm truyền thông

51

 

51

KH 119/KH-UBND

a

Băng zôn tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhân Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam

16

 

16

KH 119/KH-UBND

b

Nhân bản cẩm nang hướng dẫn người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe tại gia đình; các bệnh thường gặp ở người cao tuổi,…

35

 

35

KH 119/KH-UBND

3

Tổ chức truyền thông, tư vấn hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng

76

76

 

KH 119/KH-UBND

II

CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CUNG CẤP DỊCH VỤ CHĂM SÓC SỨC KHỎE BAN ĐẦU, PHÒNG CHỐNG BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM, KHÁM CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI CAO TUỔI; XÂY DỰNG MÔ HÌNH CHĂM SÓC SỨC KHỎE DÀI HẠN CHO NGƯỜI CAO TUỔI

1.174

1.174

 

 

1

Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi (tại trạm y tế xã/phường/thị trấn, tỷ lệ 52%)

1.174

1.174

 

ĐỀ ÁN 7

III

KIỂM TRA GIÁM SÁT

15

 

15

 

1

Kiểm tra, giám sát Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở

15

 

15

KH 119/KH-UBND

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 180/KH-UBND về Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Lào Cai năm 2022

  • Số hiệu: 180/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 04/05/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Giàng Thị Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/05/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản