Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 180/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 17 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2023 TỈNH LẠNG SƠN

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thực hiện Công văn số 5529/BKHĐT-HTX ngày 08/8/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023 trên địa bàn tỉnh như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2022

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2022

1. Đánh giá dựa trên các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

1.1. Về số lượng, doanh thu và thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX, LHHTX, THT)

a) Tổ hợp tác (THT)

Đến 30/6/2022 lũy kế số tổ hợp tác là 206 THT với 2.902 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Ước đến 31/12/2022, có tổng số 226 THT đạt 98% so với kế hoạch. Doanh thu bình quân ước đạt khoảng 600 triệu đồng/năm, lãi bình quân 01 THT đạt 30 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 kéo dài và tình hình giá cả leo thang, có nhiều THT không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả nên doanh thu không đáng kể.

b) Hợp tác xã (HTX)

Sáu tháng đầu năm 2022 thành lập mới là 26 HTX (đạt 65% kế hoạch), vốn đăng ký là 59,709 tỷ đồng; có 06 HTX đã giải thể. Đến hết 30/6/2022, có tổng số 425 HTX với tổng vốn đăng ký khoảng 1.022 tỷ đồng. Trong đó, 371 HTX đang hoạt động, 54 HTX ngừng hoạt động (51/54 HTX không hoạt động nhưng vẫn tồn tại trên sổ sách, đang tiến hành thủ tục giải thể). Lĩnh vực hoạt động chủ yếu là nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 80%, lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm khoảng 20%. Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều HTX bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ước đến 31/12/2022 có tổng số 437 HTX, đạt 109% kế hoạch, trong đó 380 HTX hoạt động, giải thể 16 HTX, đạt 178% kế hoạch; doanh thu bình quân 01 HTX ước đạt 1.200 triệu đồng/năm, đạt 102% so với mục tiêu kế hoạch; lãi bình quân 01 HTX ước đạt 180 triệu đồng/năm, đạt 100% kế hoạch năm 2022.

c) Liên hiệp hợp tác xã (LHHTX)

Có 02 Liên hiệp HTX đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 13 HTX thành viên tham gia, (LHHTX sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn Lạng Sơn và LHHTX Đông Bắc Lạng Sơn). Tuy nhiên đến nay đang tạm ngừng hoạt động do kinh doanh không hiệu quả. Đến nay chưa thành lập mới 01 LHHTX so với kế hoạch đề ra.

1.2.Về thành viên, lao động của THT, HTX, LHHTX

Tính đến thời điểm 30/6/2022, số thành viên THT khoảng 2.902 người, đây cũng là số lao động làm việc thường xuyên trong THT. Ước đến 31/12/2022, số thành viên THT là 3.180 thành viên.

Tính đến thời điểm 30/6/2022, tổng số thành viên HTX là 5.457 người, đạt 113% kế hoạch; trong đó số thành viên mới gia nhập là 265 người đạt 28% kế hoạch; tổng số lao động thường xuyên trong HTX là 7.636 người, đạt 99% kế hoạch. Ước đến 31/12/2022, tổng số thành viên HTX đạt là 5.845 người, đạt 121% kế hoạch; trong đó: số lượng thành viên mới gia nhập 630 người, đạt 63% kế hoạch; tổng số lao động thường xuyên trong HTX là 8.150 người, đạt 106% kế hoạch năm 2022.

Số thành viên LHHTX gồm 13 HTX thành viên.

1.3.Về trình độ cán bộ quản lý THT, HTX, LHHTX

Đến 30/6/2022, tổng số cán bộ quản lý HTX là 1.440 người, trong đó cán bộ có trình độ sơ, trung cấp là 620 người; trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 100 người. Ước đến 31/12/2022, tổng số cán bộ quản lý HTX là 1.510 người, trong đó cán bộ có trình độ sơ, trung cấp là 650 người; trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 110 người.

Tổng số cán bộ quản lý LHHTX: 16 người, trong đó: cán bộ có trình độ sơ, trung cấp là 11 người; trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 05 người.

2. Đánh giá theo lĩnh vực

2.1 Về các THT và LHHTX

THT và LHHTX chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các THT chủ yếu được thành lập mang tính thời vụ, liên kết không bền vững, ít THT thực hiện đăng ký chứng thực tại chính quyền cấp xã theo quy định tại Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ về Tổ hợp tác. Hoạt động của các THT chưa chặt chẽ, nhiều THT chưa quan tâm đến việc tổ chức sản xuất kinh doanh theo hợp đồng hợp tác, chưa tích lũy vốn để mở rộng sản xuất; năng lực quản lý, điều hành của Tổ trưởng THT còn hạn chế, chưa thuyết phục được các thành viên góp thêm vốn để tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tạo thêm thu nhập cho các thành viên. Ngoài ra, các THT cũng không báo cáo tình hình hoạt động của mình với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng khác nên việc theo dõi, đánh giá hoạt động của các THT thiếu sát thực.

Toàn tỉnh có 02 LHHTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng chưa hiệu quả, hiện nay đã ngừng hoạt động.

2.2. Về các HTX

a) Lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản

Ước thực hiện đến 31/12/2022 có 335 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, trong đó 289 HTX đang hoạt động, 40 HTX tạm ngừng hoạt động, 09 HTX giải thể. Các HTX hoạt động, chủ yếu là hỗ trợ cho thành viên ở một số khâu trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh như dịch vụ nông nghiệp, cây con giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi và thực hiện bao tiêu sản phẩm cho thành viên.

Số lượng thành viên tham gia là 4.267 người, lao động thường xuyên là 5.950 người, lao động là thành viên HTX là 3.687 người; dịch Covid -19 khiến cho việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, doanh thu bình quân ước đạt 530 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân ước đạt 30 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân người lao động ước đạt 3 triệu đồng/người/tháng.

b) Lĩnh vực công nghiệp

Ước thực hiện đến 31/12/2022 có 50 HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp. Ngành nghề hoạt động chủ yếu là khai thác chế biến đá vôi sản xuất đá các loại, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ. Số lượng thành viên tham gia là 643 người, lao động thường xuyên là 897 người, lao động là thành viên HTX 556 người; doanh thu bình quân ước đạt 900 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân ước đạt 40 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân người lao động ước đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng.

c) Lĩnh vực xây dựng

Ước thực hiện đến 31/12/2022 có 08 HTX hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, trong đó 05 HTX đang hoạt động, 03 HTX tạm ngừng hoạt động. Hầu hết các đơn vị có quy mô nhỏ và vừa, nhận xây dựng các công trình có vốn đầu tư không nhiều, thời gian thi công ngắn.

Số lượng thành viên tham gia là 117 người, lao động thường xuyên là 163 người, lao động là thành viên HTX 101 người; doanh thu bình quân ước đạt 1.500 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân ước đạt 60 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân người lao động ước đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng.

d) Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, vệ sinh môi trường

Ước thực hiện đến 31/12/2022 có 48 HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, vệ sinh môi trường, trong đó 45 HTX đang hoạt động, 03 HTX tạm ngừng hoạt động. Ngành nghề hoạt động chủ yếu là dịch vụ bốc xếp vận chuyển hàng hoá; nhà trọ; dịch vụ bến bãi; kinh doanh nhà hàng, kinh doanh vật liệu xây dựng; dịch vụ thu gom rác thải, vệ sinh môi trường...

Số lượng thành viên tham gia HTX là 584 người, lao động thường xuyên là 816 người, lao động là thành viên HTX 506 người; doanh thu bình quân ước đạt 1.000 triệu đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân ước đạt 45 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân người lao động ước đạt 4 triệu đồng/người/tháng.

e) Lĩnh vực vận tải

Ước thực hiện đến 31/12/2022 có 19 HTX hoạt động trong lĩnh vực vận tải, trong đó 14 HTX đang hoạt động, 05 HTX tạm ngừng hoạt động. Ngành nghề chủ yếu là vận tải hành khách, vận tải hàng hóa. Hoạt động của các HTX vận tải gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh hành khách với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể.

Số lượng thành viên tham gia HTX là 234 người, lao động thường xuyên là 326 người, lao động là thành viên HTX 202 người. Doanh thu bình quân ước đạt 600 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân người lao động ước đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng.

3. Đánh giá tác động của HTX, LHHTX, THT tới thành viên, kinh tế hộ thành viên (về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội)

Hoạt động của các HTX, THT trên địa bàn tỉnh đã có những tác động tích cực đối với các thành viên, kinh tế hộ thành viên trên mọi mặt về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội. Hoạt động của các HTX đã thực sự thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, bước đầu gắn kết và lồng ghép được với quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, tạo mối liên kết, hợp tác giữa các cơ sở sản xuất nhỏ với nhau.

Các HTX trên địa bàn tỉnh đã thu hút và đảm bảo việc làm ổn định cho lao động thường xuyên trong HTX và tổ hợp tác, hầu hết là lao động ở khu vực nông thôn. Các HTX đã tổ chức các khâu dịch vụ như: hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... hoặc trực tiếp giúp người lao động có việc làm nhất là trong những thời điểm “nông nhàn”. Qua đó góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ổn định tình hình chính trị, trật tự xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, một số HTX đã tham gia tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn để chuyển hướng phát triển sản xuất; huy động các nguồn kinh phí giúp con em các hộ thành viên nghèo có điều kiện học tập; tham gia ủng hộ quỹ vì người nghèo, tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; một số HTX còn tham gia thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo của địa phương đã giúp các hộ nghèo tham gia dự án, từ đó từng bước vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Một số HTX hoạt động trên địa bàn nông thôn có nhiều đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, như: HTX thuỷ sản Lê Hồng Phong, HTX Thống Nhất - Chi Lăng; HTX Phượng Hoàng - huyện Chi Lăng; HTX An Sơn - TP Lạng Sơn, HTX Thiên Phú - huyện Đình Lập...

4. Một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị

HTX Thành Lộc - huyện Lộc Bình liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản xuất giống gà sáu ngón Mẫu Sơn với phương pháp thụ tinh nhân tạo, sử dụng hệ thống lò ấp tăng tỷ lệ đạt từ 30-40% lên trên 60%. Với quy mô ban đầu là 1.000 con gà giống bố mẹ (900 gà mái; 100 gà trống), HTX đã cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 con gà giống/năm, ký hợp đồng cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, bao tiêu sản phẩm giá cả ổn định với các hộ sản xuất

trên địa bàn theo hướng chăn nuôi quy mô tập trung số lượng từ 500-2.000 con/hộ; nuôi gà thành phẩm duy trì từ 2.000-3.000 con, tiếp tục mở rộng liên kết với HTX Hà Thành, xã Khuất Xá, Lộc Bình. Trong năm 2021, HTX đã liên kết tiêu thụ được hơn 5.000 con gà sáu ngón với giá trị trên 3.000 triệu đồng cung cấp ra thị trường với các cửa hàng, nhà hàng, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn và các tỉnh thành lân cận.

HTX Nông sản huyện Chi Lăng liên kết sản xuất với các thành viên trong HTX, các hộ sản xuất, THT trồng Na[1] trên địa bàn huyện, diện tích trên 30 ha. Năm 2021, HTX tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ với các HTX, THT trên địa bàn huyện trên 50 ha tiêu thụ với các cửa hàng, doanh nghiệp, siêu thị trong và ngoài tỉnh đồng thời, tìm kiếm và liên kết với các đơn vị kinh doanh qua mạng trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (voso.vn) của Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post); sàn thương mại điện tử Postmart của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; trang thông tin nông sản an hoàn Hà Nội (ttps://nongsanantoanhanoi.gov.vn) để quảng bá, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm. Trong năm 2021 trên 300 tấn Na được liên kết tiêu thụ với giá trị trên 11.000 triệu đồng trong đó HTX đóng vai trò là mắt xích tiêu thụ sản phẩm liên kết với doanh nghiệp có thông tin truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bao bì sản phẩm, giá cả ổn định.

HTX nông sản Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng xây dựng quy trình khép kín sản xuất hữu cơ với diện tích trong nhà màng 4.000 m2, diện tích trồng ngoài trời khoảng 5.000 m2; các thành viên HTX được phổ biến về các kỹ thuật trồng rau hữu cơ từ khâu xử lý đất, ủ đất, lên luống, ươm giống, chăm sóc, thu hoạch đến đóng gói sản phẩm; sản phẩm rau hữu cơ của HTX có thị trường ổn định, cung ứng rau cho chuỗi siêu thị Vinmart, Big C (Hà Nội) theo yêu cầu và các cửa hàng cung ứng sản phẩm sạch tại Hà Nội. Trong năm 2021, HTX sản xuất và cung ứng cho các đơn vị đã liên kết với trên 100kg/ngày, doanh thu trên 1.000 triệu đồng/năm. Năm 2022 HTX liên kết với các HTX trên địa bàn tỉnh mở rộng diện tích sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường sản phẩm chất lượng cao đối với các loại rau đặc sản của Lạng Sơn.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VÀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ

1. Kết quả triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn

1.1. Thuận lợi

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; các Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương, Kết luận của Bộ chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Luật Hợp tác xã năm 2012, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện; UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh, ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện[2]. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tiến hành đánh giá kết quả thực hiện, chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn tiếp theo.

1.2. Khó khăn, hạn chế

Theo Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ và Quyết định số 1084/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 về phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2025 đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi được ban hành, tuy nhiên, một số chính sách còn mang tính cào bằng, chưa có trọng tâm, trọng điểm và thiết thực đối với nhu cầu thực tế của HTX. Đặc biệt, một số chính sách không quy định điều kiện sát thực và cụ thể, gây khó khăn cho HTX, nhất là chính sách về tín dụng và đất đai (các HTX vay được vốn thường phải sử dụng tài sản riêng của cán bộ HTX và thành viên HTX để thế chấp, không có tài sản chung để thế chấp; chính sách về đất đai chưa tạo điều kiện cho HTX thực hiện tập trung đất đai).

Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, trong khi khả năng hiểu biết pháp luật của cán bộ và xã viên HTX còn hạn chế, một số cơ quan cấp huyện chưa quan tâm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên HTX không tiếp cận được với chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chính sách được ban hành nhiều nhưng chưa bố trí đủ nguồn lực để thực hiện nên hiệu quả chưa cao.

Luật Hợp tác xã năm 2012 qua 8 năm triển khai thực hiện đã có nhiều bất cập, cần được bổ sung, sửa đổi phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển mới như: quy định số thành viên tối thiểu thành lập HTX hiện nay không phù hợp thực tiễn ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế; quy định vốn góp của thành viên tối đa không quá 20% vốn điều lệ của HTX phần nào cản trở việc huy động vốn để HTX hoạt động; quy định tỷ lệ cung ứng sản phẩm dịch vụ ra ngoài thành viên; thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể các thủ tục giải thể bắt buộc với HTX, hướng dẫn chuyển đổi HTX sang các loại hình tổ chức khác...

2. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể

Công tác quản lý nhà nước về KTTT được quan tâm, việc thành lập và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX thường xuyên được thực hiện.

Đối với cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã là Sở Kế hoạch và Đầu tư; Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký liên hiệp hợp tác xã (loại hình quỹ tín dụng và liên hiệp hợp tác xã). Đối với cấp huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện là cơ quan đăng ký hợp tác xã tại cấp huyện (cử 01 chuyên viên kiêm nhiệm theo dõi, tham mưu về KTTT, HTX trên địa bàn huyện); trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký HTX, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh HTX; cấp, thay đổi, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký HTX, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh HTX; hướng dẫn HTX thực hiện các thủ tục về đăng ký, đăng ký thay đổi, thông báo thay đổi, tổ chức lại, giải thể đối với HTX. Đối với cấp xã cử 01 công chức kiêm nhiệm theo dõi, tham mưu cho UBND xã về hoạt động KTTT, HTX trên địa bàn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh (trên cơ sở Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển doanh nghiệp và Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh)[3] và ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên (Quyết định số 05/QĐ-BCĐ ngày 10/01/2020 của Ban chỉ đạo). Hằng năm, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển KTTT của tỉnh xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra ở cấp huyện và cơ sở nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả củng cố, phát triển KTTT ở các địa phương. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên tổng hợp, theo dõi KTTT trên địa bàn tỉnh; tham mưu ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển KTTT có hiệu quả như: chính sách hỗ trợ về đất đai, khuyến công, khuyến nông, xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn cho các HTX sản xuất kinh doanh, thực hiện các mô hình thí điểm và nhân rộng các mô hình HTX phát triển có hiệu quả.

Để thực hiện phát triển KTTT, HTX năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành các Chương trình, kế hoạch[4] chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, bổ sung chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2020 - 2025 (Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 về sửa đổi, bổ sung Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh).

Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh đã ban hành các Kế hoạch thực hiện trong năm 2022[5]. Sáu tháng đầu năm đã tổ chức đoàn kiểm tra 09/11 huyện, thành phố để kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (DDCI) 6 tháng đầu năm 2022; nắm bắt, kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể các huyện, thành phố, nhằm kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn triển khai, rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời.

3. Kết quả triển khai chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp tác xã

Thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; Chương trình số 19/CTr-UBND ngày 23/5/2021 của UBND tỉnh Lạng Sơn về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 (Bao gồm các nội dung hỗ trợ như: (1) Tuyên truyền, thành lập mới, củng cố tổ chức KTTT, HTX; (2) Nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT; (3) Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; (4) Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; (5) Hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và các Ngân hàng thương mại), các cấp, các ngành thực căn cứ chức năng nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện. Kết quả thực hiện như sau:

3.1. Chính sách hỗ trợ thành lập mới HTX, củng cố tổ chức KTTT, HTX

a) Về tuyên truyền: Liên minh HTX tỉnh tổ chức 16 Hội nghị tuyên truyền Luật HTX năm 2012 và hướng dẫn thành lập mới HTX cho 1.778 người tham gia tại các xã thuộc huyện Chi Lăng, Hữu Lũng và huyện Bắc Sơn và Cao Lộc; vượt chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên có sự phối hợp với các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình tỉnh cung cấp thông tin số liệu để xây dựng các tin, bài tuyên truyền về kinh tế tập thể trên trang tin của tỉnh (34 tin, bài).

b) Hỗ trợ thành lập mới HTX: sáu tháng đầu năm tỉnh đã hỗ trợ thành lập mới 14 hợp tác xã, kinh phí hỗ trợ là 242 triệu đồng theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

3.2. Chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT

a) Về bồi dưỡng: Năm 2022 dự kiến tổ chức 09 lớp bồi dưỡng, với khoản 730 người tham gia, tổng kinh phí khoảng 920 triệu đồng. Trong đó: Liên minh Hợp tác xã tỉnh dự kiến tổ chức 07 lớp tập huấn với khoảng 560 cán bộ quản lý HTX, đến nay đã tổ chức được 02 lớp tập huấn tại thành phố Lạng Sơn về nghiệp vụ công tác kiểm soát tại Hợp tác xã và Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển HTX cho 240 người là cán bộ kiểm soát viên các HTX trên địa bàn tỉnh đạt 28,5% kế hoạch, nhiệm vụ được giao. Sở Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tổ chức 02 lớp bồi dưỡng cho khoảng 170 công chức, viên chức cơ quan quản lý nhà nước và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội về tổ chức kỹ năng hỗ trợ HTX tiếp cận thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên đến nay chưa thực hiện được do chưa bố trí được nguồn kinh phí.

b) Về đào tạo: tổng kinh phí dự kiến khoảng 200 triệu đồng. Trong đó: Giao Sở Nội vụ chủ trì thực hiện đào tạo đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về KTTT, HTX với kinh phí dự kiến khoảng 100 triệu đồng; Liên minh HTX chủ trì thực hiện đào tạo đối với thành viên và người lao động của KTTT, HTX với kinh phí dự kiến khoảng 100 triệu đồng. Đến nay các ngành đang triển khai thực hiện.

c) Về hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức KTTT: thực hiện chính sách hỗ trợ thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã (Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh) nhằm tạo điều kiện để HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho kinh tế tập thể, thúc đẩy thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời là cơ hội phát huy năng lực, sở trường, vận dụng kiến thức đã học để khởi nghiệp, tạo môi trường khởi nghiệp mới, nhân lên niềm tin khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn. Sáu tháng đầu năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ 8 trí thức trẻ đưa về làm việc tại các HTX với kinh phí hỗ trợ 170 triệu đồng. Lũy kế từ khi thực hiện Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND đến nay tỉnh đã hỗ trợ 20 trí thức trẻ đưa về làm việc tại 19 hợp tác xã tại địa bàn 08 huyện, thành phố với mức lương bằng 1,5 mức lương tối thiểu vùng; (Thành phố Lạng Sơn: 04 trí thức; huyện Bắc Sơn: 03 trí thức; các huyện: Cao Lộc, Chi Lăng, Tràng Định, Văn Quan là 02 trí thức; huyện Đình Lập: 04 trí thức về 03 HTX;huyện Hữu Lũng: 01 trí thức), tổng kinh phí thực hiện là 364 triệu đồng.

3.3. Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường: Sáu tháng đầu năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cho 13 HTX[6]: 395 triệu đồng, trong đó hỗ trợ 09 HTX tham gia hội chợ, triển lãm diễn đàn trong nước: 355 triệu đồng và hỗ trợ cho 04 HTX (tại huyện Chi Lăng) xây dựng nhãn hiệu tập thể và tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP: 40 triệu đồng; hỗ trợ lãi suất tín dụng cho 01 HTX (tại thành phố Lạng Sơn).

3.4. Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm

Năm 2022 dự kiến hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho 10 HTX nông nghiệp với kinh phí hỗ trợ khoảng 23 tỷ đồng, trong đó vốn NSTW 10 tỷ đồng, nguồn vốn khác 13 tỷ đồng. Hiện nay UBND cấp huyện đang lồng ghép vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2022 để thực hiện.

3.5. Hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và các Ngân hàng thương mại

a) Hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX: tính đến thời điểm 30/6/2022 tổng vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX là 7,5 tỷ đồng. Quỹ đã cho 24 HTX vay để thực hiện 32 dự án với lãi suất ưu đãi. Dư nợ cho vay: 6,35 tỷ đồng. Trong đó: nợ trong hạn: 3.3 tỷ, nợ quá hạn: 3,05 tỷ đồng. Thu nợ gốc cho vay: 1.150 triệu đồng. Trong kỳ đã thanh lý 02 Hợp đồng tín dụng và thu hồi vốn vay (HTX An Hồng; HTX Thiên Phú). Nguồn vốn cho vay ưu đãi đã góp phần giúp cho các HTX mở rộng quy mô hoạt động, mở thêm ngành nghề mới, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên tham gia HTX.

b) Hỗ trợ vay vốn từ các Ngân hàng thương mại

Đến 30/6/2022, có 20 HTX có dư nợ vay vốn tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, chiếm 4,8% tổng số HTX đang hoạt động trên địa bàn; dư nợ cho vay đạt 76,3 tỷ đồng chiếm 0,2 tổng dư nợ toàn địa bàn, tăng 18,23 triệu đồng (tăng 31,4%) so với cùng kỳ năm 2021; tỷ trọng dư nợ tập trung đối với các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 60,9% tổng dư nợ, dư nợ đối với HTX xây dựng, giao thông vận tải và HTX khác chiếm 19% tổng dư nợ.

3.6. Hỗ trợ lãi suất tín dụng từ ngân sách nhà nước: Đến tháng 6/2022, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND: cho 525 cá nhân, tổ chức vay vốn, tổng số vốn đã cho vay 287,287 tỷ đồng, không phát sinh nợ xấu. Số tiền hỗ trợ lãi suất tín dụng đã được giải ngân là 10.686 triệu đồng.

4. Kết quả, tình hình thực hiện Đề án

4.1. Kết quả thực hiện Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 2/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 06/5/2021 về thực hiện Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Quyết định số 243/QĐ-UBND ngày 07/02/2022 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt danh sách hợp tác xã tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Theo đó, phê duyệt 04 HTX tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, gồm: (1) Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản Lê Hồng Phong (huyện Bắc Sơn) tham gia hoàn thiện mô hình HTX đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và bảo vệ nguồn lợi cộng đồng; (2) Hợp tác xã nông sản huyện Chi Lăng tham gia hoàn thiện mô hình HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản; (3) Hợp tác xã nông nghiệp An Sơn (thành phố Lạng Sơn) tham gia hoàn thiện mô hình HTX vừa sản xuất, vừa tham gia trị trường (sàn giao dịch nông sản); (4) Hợp tác xã hợp tác sản xuất kinh doanh Hồng Vành Khuyên Nà Mò (huyện Văn Lãng) tham gia hoàn thiện mô hình HTX nông nghiệp đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế/chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản.

Tham gia Đề án, các HTX sẽ được nhà nước hỗ trợ thực hiện một số nội dung để hoàn thiện mô hình như: Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới; hỗ trợ tiếp cận vốn và Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm (hỗ trợ riêng cho mô hình HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp),… Tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn ngân sách nhà nước 13.180 triệu đồng, trong đó NSTW 6.726 triệu đồng, ngân sách tỉnh 6.454 triệu đồng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 189/KH- SKHĐT ngày 16/6/2022 hoàn thiện 04 hợp tác xã tham gia Đề án. Các huyện Chi Lăng, Bắc Sơn, Văn Lãng, thành phố Lạng Sơn hướng dẫn hợp tác xã thuộc địa bàn quản lý tổ chức thực hiện.

4.2. Kết quả xử lý tình hình hợp tác xã không hoạt động, khó khăn trong giải thể, chưa đăng ký và tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012 theo hướng dẫn tại công văn số 6563/BKHĐT-HTX ngày 28/9/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (kèm theo Phụ lục IV)

Thực hiện Công văn số 6563/BKHĐT-HTX ngày 28/9/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn xử lý hoạt động hợp tác xã không hoạt động, khó khăn giải thể, chưa đăng ký và tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012, UBND tỉnh Lạng Sơn đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các cơ quan liên quan hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện; Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 1757/SKHĐT-ĐKKD ngày 11/10/2021 gửi UBND cấp huyện hướng dẫn xử lý hợp tác xã không hoạt động, khó khăn trong giải thể, chưa đăng ký và tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012. UBND các huyện, thành phố đã tiến hành tổ chức, vận động các hợp tác xã không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả thực hiện giải thể theo quy định tại Điều 54 Luật Hợp tác xã năm 2012.

Đến 30/6/2022, tỉnh Lạng Sơn có 425 HTX, trong đó 376 HTX đang hoạt động, 54 HTX ngừng hoạt động (trong đó có 51 HTX không hoạt động nhưng vẫn tồn tại trên sổ sách (trong đó 06 HTX chưa đăng ký tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012, 10 HTX chưa đăng ký mã số thuế), 01 HTX không hoạt động đang tiến hành giải thể nhưng phát sinh vướng mắc. Hiện nay UBND cấp huyện đang tiến hành giải thể theo quy định, dự kiến hoàn thành giải thể trước năm 2023.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Các kết quả đạt được

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã nhất là các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và giao thông vận tải, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay kinh tế tập thể, hợp tác xã đã bắt đầu ổn định và duy trì hoạt động ổn định; doanh thu, thu nhập của hợp tác xã và người lao động trong các tổ chức kinh tế tập thể có chiều hướng gia tăng, mang lại lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

2. Các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

2.1. Tồn tại, hạn chế

- Các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh còn khó khăn về nguồn lực, số lượng hợp tác xã đang hoạt động chưa nhiều, khả năng cạnh tranh thấp, công tác quản trị, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao và đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn hạn chế.

- Ban Chỉ đạo KTTT cấp huyện đã hướng dẫn các hợp tác xã tiếp cận và đăng ký các mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, song còn nhiều vướng mắc trong công đoạn chế biến (do thiếu máy móc, thiết bị, điều kiện cơ sở hạ tầng), khó khăn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm đối tác thị trường tạo đầu ra cho sản phẩm.

- Công tác thông tin, báo cáo chưa được các hợp tác xã chú trọng; công tác quản lý nhà nước về hợp tác xã tại địa phương còn nhiều bất cập.

2.2. Nguyên nhân

- Có sự lúng túng trong nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về mô hình hoạt động của hợp tác xã và vai trò của hợp tác xã, nhất là các quy định về tổ chức hoạt động, tài sản và sở hữu đối với tài sản của hợp tác xã và của từng thành viên, các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

- Vốn, quỹ của các hợp tác xã nông nghiệp còn khó khăn: đa số các hợp tác xã thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh; các hợp tác xã rất khó tiếp cận được với nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, trong khi đó việc huy động vốn từ thành viên khó khăn ảnh hưởng đến năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của hợp tác xã. Nhiều hợp tác xã thiếu chủ động, trông đợi vào sự hỗ trợ của nhà nước.

- Chất lượng nguồn nhân lực của các hợp tác xã thấp. Hiện nay đa số cán bộ chủ chốt hợp tác xã nông nghiệp hiện có trình độ chuyên môn nghiệp vụ hạn chế, ít được đào tạo. Tư duy phát triển sản xuất kinh doanh chưa theo kịp với sự phát triển của cơ chế thị trường, thiếu tính nhạy bén và năng động trong tổ chức điều hành sản xuất kinh doanh.

- Đại dịch Covid-19 xuất hiện đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các huyện nói chung và các hợp tác xã nói riêng.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ NĂM 2023

I. MỘT SỐ YÊU CẦU ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ NĂM 2023

1. Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2023 phải đặt trong kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, của địa phương; phù hợp với Chiến lược Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 340/QĐ- TTg ngày 12 tháng 3 năm 2021), Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 1318/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021) và các chương trình, kế hoạch triển khai của bộ, ngành, địa phương để triền khai chiến lược, kế hoạch nêu trên.

2. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phải xuất phát từ nhu cầu chung thực tế của các thành viên trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, trên mọi vùng lãnh thổ; phải theo đúng các giá trị và các nguyên tắc cơ bản của HTX.

3. Các chỉ tiêu kế hoạch phải khả thi, phù hợp với kết quả, tình hình thực hiện chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2022 và phù hợp với chỉ tiêu kế hoạch dài hạn của địa phương. Ngoài các chỉ tiêu số lượng, cần chú trọng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng, hiệu quả.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KTTT NĂM 2023

1. Dự báo thuận lợi, khó khăn

1.1. Thuận lợi

Trong năm 2023 và những năm tiếp theo Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành của Trung ương, của tỉnh tiếp tục quan tâm phát triển sản xuất kinh doanh, có những chủ trương, chính sách ưu tiên cho đầu tư phát triển kinh tế tập thể, kinh tế - xã hội khu vực miền núi, biên giới, kiềm chế lạm phát hợp lý; cùng với việc thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp của cấp ủy, chính quyền tỉnh nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở, kinh tế - xã hội... tiếp tục tạo tiền đề cho KTTT của tỉnh tiếp tục phát triển.

1.2. Khó khăn

Từ năm 2018 đến nay, tình hình kinh tế thế giới và khu vực vẫn còn có nhiều biến động bất ổn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid -19 và bị ảnh hưởng bởi tác động do chiến tranh giữa Nga - Ukraine đã tác động đến tốc độ phát triển kinh tế ở nước ta và của tỉnh Lạng Sơn.

Các THT, HTX của tỉnh quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh đơn điệu, manh mún, thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, các HTX đang gặp khó khăn về các nguồn vốn vay ưu đãi từ các Ngân hàng thương mại, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX do thiếu tài sản thế chấp, một số HTX làm thủ tục cấp phép mỏ khai thác đá vôi không thực hiện được do HTX không đáp ứng được các quy định của Nhà nước về khai thác khoáng sản (đá vôi) nên đã ngừng hoạt động làm thủ tục giải thể, hoặc chuyển sang hình thức kinh doanh khác.

Trình độ năng lực của một số bộ phận cán bộ quản lý điều hành HTX, THT còn hạn chế; thành viên, người lao động nhìn chung chưa thực sự gắn bó với THT, HTX do lợi ích chưa đảm bảo. Nhiều HTX không có trụ sở giao dịch, còn mượn tạm hoặc nhờ nhà riêng của thành viên.

Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn khó khăn, vốn hoạt động của các đơn vị ít, cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Ngoài ra do ảnh hưởng của những bất lợi về thời tiết, dịch bệnh diễn biến bất thường; giá vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất luôn biến động theo chiều hướng tăng... đó là những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị thấp.

2. Định hướng chung về phát triển KTTT

Phát triển KTTT là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT để KTTT ngày càng phát triển đóng góp thiết thực vào lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tập trung củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh trong mọi lĩnh vực; phấn đấu đưa KTTT thoát khỏi những yếu kém như hiện nay, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về KTTT sâu rộng trong xã hội; giải thể các HTX không còn khả năng củng cố, hoạt động yếu kém. Tập trung vận động, thành lập mới các THT, HTX hoạt động theo quy định của pháp luật đi đôi với việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các THT, HTX hiện có.

Tranh thủ nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh và sự hỗ trợ của Trung ương trong việc đầu tư hỗ trợ, khuyến khích xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, HTX trên từng lĩnh vực, từng ngành nghề. Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của tổ hợp tác, HTX hiện có nhằm tích cực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh; góp phần tạo việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác giữa các THT, HTX với nhau; giữa THT, HTX với các thành phần kinh tế để ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, tiêu thụ nông sản và các sản phẩm khác, nâng dần năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.

Định hướng và tuyên truyền cho các HTX hoạt động đa ngành, đa nghề, tập trung thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và các làng nghề nông thôn. Xác định tiềm năng một số ngành nghề phù hợp với đặc điểm kinh tế, tự nhiên, xã hội của tỉnh như: phát triển rừng, dịch vụ cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mô hình chăn nuôi (nuôi lợn nái sinh sản với quy mô khép kín hoặc quy mô nhỏ tại các hộ thành viên, nuôi cá nước ngọt ở hồ, đập), trồng rau an toàn và một số cây đặc sản như: Cải ngồng, Quýt vàng Bắc Sơn, Na Chi Lăng, Hồng Bảo Lâm, Hồi....; dịch vụ cung ứng thức ăn chăn nuôi, thu gom rác thải, vận chuyển bốc xếp hàng hoá tại cửa khẩu, vận tải hàng hoá, hành khách đường bộ, khai thác chế biến vật liệu xây dựng (đá vôi) gắn với chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Quan tâm bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX, THT.

3. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT mà nòng cốt là HTX, không chỉ chú trọng phát triển về số lượng mà còn yêu cầu về chất lượng. Tập trung nguồn lực phát triển HTX ở các địa bàn các xã chưa có HTX, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn có điều kiện khó khăn; nhằm phát huy vai trò, vị trí và tầm quan trọng của KTHT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

4. Mục tiêu cụ thể

Số HTX thành lập mới: Từ 45 HTX trở lên.

Số HTX hoạt động khá, tốt: Đạt 40% trở lên.

Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong HTX đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.

Thực hiện hỗ trợ hoàn thiện 04 HTX tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới đảm bảo đến 30/9/2023 đạt số điểm đánh giá[7] theo đúng Kế hoạch số 189/KH-SKHĐT ngày 16/6/2022 của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

5. Các giải pháp phát triển kinh tế tập thể năm 2023

5.1. Tiếp tục thực hiện và hoàn thiện thể chế chính sách

Thực hiện tốt các nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và HTX theo quy định.

Tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với hợp tác xã: Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 về sửa đổi, bổ sung Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2020 - 2025; tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ HTX phát triển thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu khác.

5.2. Tuyên truyền, tập huấn các chính sách, văn bản QPPL mới ban hành và nâng cao năng lực nguồn nhân lực HTX

Đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền về đường lối, chính sách phát triển kinh tế tập thể của Đảng và Nhà nước ở các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong toàn bộ hệ thống chính trị về bản chất HTX và mô hình HTX kiểu mới; Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình Lạng Sơn tiếp tục xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về phát triển KTTT, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể.

Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tập thể, các gương điển hình, các HTX tiêu biểu; tổ chức tốt các đợt thi đua, các phong trào làm kinh tế giỏi; hằng năm tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp tác xã gắn với công tác tuyên dương, khen thưởng các HTX, cán bộ quản lý và các xã viên tiêu biểu có nhiều đóng góp cho công tác phát triển kinh tế của địa phương.

5.3. Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX theo quy định tại Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/ 2013 về quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã năm 2012

Hỗ trợ thành lập mới HTX tại các huyện, thành phố; củng cố hoạt động các HTX trung bình, yếu kém; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các HTX trong và ngoài tỉnh; triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án cho các HTX tham gia; tổ chức thực hiện tốt tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới để xây dựng các HTX hoạt động hiệu quả góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Triển khai hỗ trợ HTX theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; Chương trình số 19/CTr-UBND ngày 23/5/2021 của UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 243/QĐ-UBND ngày 07/02/2022 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt danh sách hợp tác xã tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn;

5.4. Nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT, HTX

Các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, THT như: rà soát tình hình hoạt động của HTX, hướng dẫn các huyện thực hiện giải thể các HTX đã ngừng hoạt động nhiều năm; tăng số lượng HTX thành lập mới hằng năm, thu hút thêm thành viên tham gia vào HTX; tăng số vốn điều lệ của HTX; tăng cường năng lực tổ chức, điều hành, hoạt động kinh doanh cho các HTX; các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; tiếp tục hỗ trợ thí điểm mô hình đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở các HTX nông nghiệp trên địa bàn; đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm; từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các HTX... Phát triển các hình thức hợp tác liên kết, đa dạng, phù hợp, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình HTX, THT làm ăn có hiệu quả trên từng lĩnh vực, từng ngành nghề để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

5.5. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc phát triển HTX. Bố trí cán bộ có đủ trình độ, năng lực thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về KTTT. Cần chú ý tập trung khâu đăng ký HTX, THT; kịp thời triển khai thực hiện những chính sách đối với khu vực kinh tế tập thể.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng Tài chính - Kế hoạch hoàn thành dứt điểm việc chuyển đổi dữ liệu đăng ký hợp tác xã vào Hệ thống thông tin Quốc gia về đăng ký hợp tác xã theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; triển khai thực hiện việc cấp đăng ký hợp tác xã trên Hệ thống thông tin Quốc gia về đăng ký hợp tác xã.

Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về hợp tác xã; thực hiện rà soát tình hình hoạt động của các HTX; thu hút thành viên; tăng vốn góp của thành viên vào HTX; tiến hành giải thể (bắt buộc hoặc tự nguyện) các hợp tác xã không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, không bảo đảm tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về hợp tác xã.

5.6. Huy động các lực lượng xã hội, tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế

Phát huy vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh, Liên minh HTX tỉnh.

UBND các huyện, thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đảm bảo các huyện, thành phố đều có Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; thành lập Hội đồng giải thể và tiến hành thực hiện giải thể bắt buộc đối với các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả, hoạt động trên hình thức, đã ngừng hoạt động thuộc địa bàn quản lý; chỉ đạo và đôn đốc các phòng Tài chính - Kế hoạch khẩn trương tiến hành các thủ tục liên quan để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký các hợp tác xã này.

Tiếp tục huy động và phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh và Tỉnh đoàn thanh niên trong việc đẩy mạnh thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.

6. Nguồn vốn thực hiện

Tổng nhu cầu vốn thực hiện hỗ trợ phát triển KTTT, HTX năm 2023 là:

47.622 triệu đồng. Trong đó:

- Ngân sách trung ương: 17.671 triệu đồng.

- Ngân sách địa phương: 12.197 triệu đồng.

- Vốn huy động khác: 17.754 triệu đồng.

* Cụ thể năm 2023 là:

(1). Nhu cầu thực thực hiện hỗ trợ HTX theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025:

Tổng số: 32.810 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách trung ương: 11.120 triệu đồng.

- Ngân sách địa phương: 7.890 triệu đồng.

- Vốn huy động khác: 13.800 triệu đồng.

 (2). Nhu cầu thực thực hiện hỗ trợ HTX theo Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025:

Tổng số: 14.812 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách trung ương: 6.551 triệu đồng.

- Ngân sách địa phương: 4.307 triệu đồng.

- Vốn của HTX: 3.954 triệu đồng.

(Phụ lục chi tiết kèm theo)

III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

1. Thực hiện Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1804/QĐ- TTg ngày 13/11/2020 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Chương trình số 19/CTr-UBND ngày 23/5/2021 về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 06/5/2021 về thực hiện Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, theo đó đã lựa chọn 04 HTX tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021 - 2025. Theo quy định vốn thực hiện Chương trình trên lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Điều 6 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn thực hiện còn nhiều bất cập. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bố trí, phân bổ nguồn vốn riêng để thực hiện Chương trình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 để đạt hiệu quả cao hơn giai đoạn 2016-2020; trước mắt đề nghị quy định rõ tỷ lệ cơ cấu vốn phân bổ cho Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trong tổng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Trung ương phân bổ vốn cho địa phương.

2. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất phân loại, đánh giá HTX theo một văn bản hướng dẫn. Hiện nay địa phương đang phải thực hiện phân loại, đánh giá HTX đồng thời theo hai văn bản là Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/02/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn phân loại đánh giá hợp tác xã (áp dụng cho HTX hoạt động trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế) và Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn phân loại, đánh giá hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (áp dụng riêng cho HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp), gây mất thời gian và không thống nhất trong cách phân loại, đánh giá hợp tác xã trong cùng một địa phương, dẫn đến khó khăn cho công tác tổng hợp, báo cáo.

3. Đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

UBND tỉnh Lạng Sơn trân trọng báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét./.

 


Nơi nhận:
- Như kính gửi:
- Bộ Tài chính;
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Lãnh đạo HĐND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Ngân hàng Nhà nước tỉnh;
- Liên minh Hợp tác xã tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- C, PVP UBND tỉnh, các Phòng CM;
- Lưu: VT, KT (VTD).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đoàn Thu Hà

 



[1] Tổ hợp tác na Thượng Cường; HTX Nông nghiệp Chi Lăng; Tổ hợp tác na Than Muội

[2] Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 07/8/2013 thực hiện Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 23/12/2011 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 28- NQ/TW ngày 11/10/2011; Quyết định số 1961/QĐ-UBND ngày 25/11/2013 về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 02/11/2020 về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 134/-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ; định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2030 (Báo cáo số 229/BC-UBND ngày 17/6/2020); Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 19/8/2020 về phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025 tỉnh Lạng Sơn; Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 17/8/2020 về phát triển kinh tế tập thể năm 2021 tỉnh Lạng Sơn; Chương trình số 19/CTr-UBND, ngày 23/5/2021 về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 21/10/2021 của UBND tỉnh kế hoạch thực hiện nâng cao chất lượng, năng lực, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 06/5/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Kế hoạch số 20/KH-UBND, ngày 30/01/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư phát triển hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 - 2025 (nay là Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 về sửa đổi, bổ sung Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND); Kế hoạch phát triển KTTT giai đoạn 2021- 2025; Chương trình số 19/CTr-UBND, ngày 23/5/2021 về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025.

[3] Quyết định số 2420/QĐ-UBND ngày 28/11/2018 của UBND tỉnh: do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là Phó Trưởng ban thường trực; các Phó Trưởng ban gồm Giám đốc các Sở Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh; các sở, ngành khác là thành viên.

[4] Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 06/5/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Chương trình số 19/CTr-UBND ngày 23/5/2021 của UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển KTTT, HTX tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 19/8/2021 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2022 tỉnh Lạng Sơn; Kế hoạch số 17/KH-BCĐ ngày 20/01/2022 về hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Lạng Sơn năm 2022; Quyết định số 243/QĐ-UBND ngày 07/02/2022 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt danh sách hợp tác xã tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

[5] Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 19/8/2021 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2022 tỉnh Lạng Sơn; Kế hoạch số 17/KH-BCĐ ngày 20/01/2022 về hoạt động của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Lạng Sơn năm 2022.

[6] Huyện Chi Lăng 04 HTX, huyện Văn Lãng 01 HTX, huyện Bắc Sơn 01 HTX, huyện Tràng Định 01 HTX, huyện Lộc Bình 01 HTX, huyện Bình Gia 01 HTX.

[7] Theo Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT ngày 19/02/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã