Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 174/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 20 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 68/NQ-CP NGÀY 01/7/2021 CỦA CHÍNH PHỦ, QUYẾT ĐỊNH SỐ 23/2021/QĐ-TTG NGÀY 07/7/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG, NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG GẶP KHÓ KHĂN DO ĐẠI DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 68/NQ-CP);

Căn cứ Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg);

Căn cứ Công văn số 313-CV/TU ngày 12/7/2021 của Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP;

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NGUYÊN TẮC HỖ TRỢ

1. Mục đích

- Phổ biến, quán triệt các nội dung của Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đến các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố, người lao động, người sử dụng lao động và cá nhân liên quan nhằm nâng cao nhận thức, hiểu rõ tầm quan trọng và tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện.

- Triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

2. Yêu cầu

- Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong việc triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh theo phương châm quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả, đảm bảo chính sách hỗ trợ được kịp thời đến tay người lao động, người sử dụng lao động.

- Đảm bảo huy động đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách theo quy định; làm tốt công tác hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong quá trình thực hiện.

- Xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, thiết thực; đồng thời, Kế hoạch là cơ sở để đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh.

3. Nguyên tắc hỗ trợ

- Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch; không bỏ sót, trùng lặp đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

- Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung quy định tại điểm 7, điểm 8 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia. Trong trường hợp đối tượng vừa đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, vừa đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của địa phương thì chỉ được hưởng một chính sách có mức hỗ trợ cao nhất.

- Phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương; căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai thực hiện, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ.

II. NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG, ĐIỀU KIỆN, MỨC, THỜI GIAN HỖ TRỢ VÀ HỒ SƠ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN

1. Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

a) Đối tượng hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

b) Mức đóng và thời gian áp dụng mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp: Thực hiện theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

c) Đơn vị thực hiện: Bảo hiểm xã hội tỉnh và Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn việc triển khai thực hiện chính sách này; đồng thời, chủ trì thực hiện việc xác định đối tượng được hỗ trợ chính sách và thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho các đối tượng theo quy định.

2. Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

a) Đối tượng hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

b) Điều kiện hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

c) Thời gian áp dụng: Thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

d) Trình tự, thủ tục thực hiện: Thực hiện theo quy định tại Điều 8 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

e) Đơn vị thực hiện: Bảo hiểm xã hội tỉnh và Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn việc triển khai thực hiện chính sách này; đồng thời, chủ trì xác định đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ chính sách dựa trên cơ sở đề nghị của người sử dụng lao động và thực hiện việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho các đối tượng theo quy định.

3. Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động

a) Đối tượng, điều kiện hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Điều 9 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

b) Mức, thời gian hỗ trợ và phương thức chi trả: Thực hiện theo quy định tại Điều 10 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

c) Hồ sơ đề nghị và trình tự, thủ tục thực hiện: Thực hiện theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

d) Đơn vị thực hiện: Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan, trên cơ sở hồ sơ đề xuất của người sử dụng lao động, khẩn trương xác định đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ chính sách và quyết định việc hỗ trợ theo quy định.

e) Đơn vị chi trả chính sách hỗ trợ: Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, thực hiện việc chi trả cho người sử dụng lao động theo quy định.

4. Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương

a) Đối tượng, điều kiện hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg;

b) Mức hỗ trợ và phương thức chi trả: Thực hiện theo quy định tại Điều 14 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg;

c) Hồ sơ đề nghị và trình tự, thủ tục thực hiện: Thực hiện theo quy định tại Điều 15, Điều 16 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg;

d) Đơn vị thực hiện:

- UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, tổ chức hướng dẫn thực hiện; chủ động tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục trên địa bàn (bao gồm cả trong và ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp) và tổ chức thẩm định hồ sơ (bao gồm danh sách và kinh phí hỗ trợ) và gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ.

- Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn các khu công nghiệp tỉnh thông báo tới các doanh nghiệp do mình quản lý, theo dõi; các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo tới các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục thuộc lĩnh vực, địa bàn do mình quản lý, theo dõi, nhất là các nội dung liên quan đến đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ và trình tự, thủ tục thực hiện.

e) Đơn vị chi trả chính sách hỗ trợ: UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, thực hiện việc chi trả cho các đối tượng theo quy định.

5. Hỗ trợ người lao động ngừng việc

a) Đối tượng, điều kiện hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Điều 17 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

b) Mức hỗ trợ và phương thức chi trả: Thực hiện theo quy định tại Điều 18 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

c) Hồ sơ đề nghị và trình tự, thủ tục thực hiện: Thực hiện theo quy định tại Điều 19, Điều 20 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

d) Đơn vị thực hiện:

- UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, tổ chức hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đề nghị của người sử dụng lao động trên địa bàn do mình quản lý (bao gồm cả trong và ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp); trên cơ sở đó, tổ chức thẩm định hồ sơ (bao gồm danh sách và kinh phí hỗ trợ) và gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ.

- Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn các khu công nghiệp tỉnh, các ngành, địa phương, đơn vị thông báo nội dung chính sách này tới các đơn vị sử dụng lao động thuộc lĩnh vực, địa bàn do mình quản lý, theo dõi, nhất là các nội dung liên quan đến đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ và trình tự, thủ tục thực hiện.

e) Đơn vị chi trả: UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, thực hiện việc chi trả cho các đối tượng theo quy định.

6. Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

a) Đối tượng, điều kiện hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Điều 21 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

b) Mức hỗ trợ và phương thức chi trả: Thực hiện theo quy định tại Điều 22 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

c) Hồ sơ đề nghị và trình tự, thủ tục thực hiện: Thực hiện theo quy định tại Điều 23, Điều 24 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

d) Đơn vị thực hiện:

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, tổ chức hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đề nghị của người lao động trên địa bàn toàn tỉnh; trên cơ sở đó, tổ chức thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt danh sách và mức hỗ trợ theo quy định.

- Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn các khu công nghiệp tỉnh, các ngành, địa phương, đơn vị thông báo nội dung chính sách này tới các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục thuộc lĩnh vực, địa bàn do mình quản lý, theo dõi, nhất là các nội dung liên quan đến đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ và trình tự, thủ tục thực hiện.

e) Đơn vị chi trả: Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, thực hiện việc chi trả cho các đối tượng theo quy định.

7. Hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế

a) Đối tượng hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Điều 25 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

b) Mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Điều 26 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

c) Hồ sơ đề nghị, trình tự, thủ tục thực hiện: Thực hiện theo quy định tại Điều 27 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

d) Đơn vị thực hiện

- Đối với các trường hợp (F0, F1) đang điều trị, cách ly tại cơ sở y tế: Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo lập danh sách các trường hợp F0, F1 đang điều trị, cách ly tại các cơ sở y tế đủ điều kiện được hưởng chính sách và tổ chức thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định.

- Đối với các trường hợp F1 đang cách ly tại cơ sở cách ly tập trung: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, chỉ đạo lập danh sách các trường hợp F1 đang cách ly tập trung tại cơ sở cách ly (bao gồm cả các cơ sở cách ly tại các huyện, thị xã, thành phố) đủ điều kiện được hưởng chính sách và gửi về Sở Y tế để thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định.

- Đối với các trường hợp F0, F1 đã kết thúc điều trị, hoàn thành cách ly tại cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà: UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ theo quy định, lập danh sách các trường hợp đủ điều kiện được hưởng chính sách và gửi về UBND các huyện, thị xã, thành phố để tổng hợp, gửi Sở Y tế để thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định.

e) Đơn vị chi trả:

- Sở Y tế chủ trì, thực hiện việc chi trả cho các các trường hợp F0, F1 đang điều trị, cách ly tại cơ sở y tế.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, thực hiện việc chi trả cho các trường hợp F1 đang cách ly tại cơ sở cách ly tập trung.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, thực hiện việc chi trả cho các trường hợp F0, F1 đã kết thúc điều trị, hoàn thành cách ly tại cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà.

8. Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật

a) Đối tượng, điều kiện hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Điều 28 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

b) Mức hỗ trợ và phương thức chi trả: Thực hiện theo quy định tại Điều 29 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

c) Hồ sơ đề nghị, trình tự, thủ tục thực hiện: Thực hiện theo quy định tại Điều 30 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

d) Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, căn cứ các quy định, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để chỉ đạo hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đề nghị của các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật (bao gồm cả đơn vị trực thuộc cơ quan Trung ương), lập danh sách các trường hợp đủ điều kiện được hưởng chính sách; trên cơ sở đó, tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ theo quy định.

e) Đơn vị chi trả: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, thực hiện việc chi trả cho các đối tượng theo quy định.

9. Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch

a) Đối tượng, điều kiện hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Điều 31 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg;

b) Mức hỗ trợ, phương thức chi trả: Thực hiện theo quy định tại Điều 32 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

c) Hồ sơ đề nghị và trình tự, thủ tục thực hiện: Thực hiện theo quy định tại Điều 33, Điều 34 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

d) Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, căn cứ các quy định, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để chỉ đạo hướng dẫn, chủ động tiếp nhận hồ sơ đề nghị của hướng dẫn viên du lịch, lập danh sách các trường hợp đủ điều kiện được hưởng chính sách; trên cơ sở đó, tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ theo quy định.

e) Đơn vị chi trả: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, thực hiện việc chi trả cho các đối tượng theo quy định.

10. Hỗ trợ hộ kinh doanh

a) Đối tượng, điều kiện hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Điều 35 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

b) Mức hỗ trợ và phương thức chi trả: Thực hiện theo quy định tại Điều 36 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

c) Hồ sơ đề nghị, trình tự, thủ tục thực hiện: Thực hiện theo quy định tại Điều 37 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

d) Đơn vị thực hiện:

- UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, xác nhận việc tạm ngừng kinh doanh của các hộ kinh doanh theo đúng Quyết định 23/2021/QĐ-TTg (chỉ áp dụng đối với các hộ kinh doanh phải tạm ngừng kinh doanh để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) và niêm yết công khai theo quy định; tổng hợp, gửi danh sách đến Chi cục Thuế địa phương để tổ chức thẩm định, báo cáo UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, rà soát, tổng hợp danh sách và gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ theo quy định.

e) Đơn vị chi trả: UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, thực hiện việc chi trả cho các đối tượng theo quy định.

11. Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất

a) Điều kiện vay vốn: Thực hiện theo quy định tại Điều 38 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

b) Mức cho vay, thời hạn cho vay, thời hạn giải ngân: Thực hiện theo quy định tại Điều 39 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

c) Hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện: Thực hiện theo quy định tại Điều 40 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

d) Đơn vị thực hiện: Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với Cơ quan Bảo hiểm xã hội, Cơ quan Thuế và các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện chính sách này; đồng thời, chủ động tiếp nhận hồ sơ đề nghị của người sử dụng lao động và tổ chức thẩm định, phê duyệt cho vay theo quy định.

d) Đơn vị chi trả: Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh thực hiện việc giải ngân cho các đối tượng theo quy định.

12. Hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác

Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các ngành, đơn vị liên quan, căn cứ quy định tại khoản 12 mục II và điểm c khoản 8 mục III Nghị quyết số 68/NQ-CP và tình hình thực tế, tham mưu xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, điều kiện, nguyên tắc, mức hỗ trợ, phương thức chi trả, hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện, nguồn kinh phí hỗ trợ, thời gian thực hiện; báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh trước ngày 31/7/2021 để cho ý kiến, trước khi trình UBND tỉnh quyết định.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí hỗ trợ các đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3, mục II của Kế hoạch này do Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo.

2. Kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng quy định tại khoản 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12 mục II của Kế hoạch này do ngân sách Trung ương hỗ trợ theo quy định tại điểm đ khoản 2 mục I Nghị quyết số 68/NQ-CP và ngân sách địa phương đảm bảo từ 50% nguồn dự phòng ngân sách các cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

3. Kinh phí hỗ trợ đối tượng quy định tại khoản 11 mục II của Kế hoạch này được lấy từ nguồn vốn cho vay theo quy định tại Điều 41 Chương X Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Là Cơ quan Thường trực tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Kế hoạch này; chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, hướng dẫn các ngành, địa phương, đơn vị, người sử dụng lao động, người lao động về trình tự, thủ tục thực hiện, đảm bảo tính thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện; tổng hợp, tham mưu, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội , UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo thời gian quy định đối với các nhiệm vụ được giao tại khoản 3, 4, 5, 6, 10, 12 mục II của Kế hoạch, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các ngành, địa phương, đơn vị liên quan, rà soát, tổng hợp các đối tượng lao động khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng không thuộc đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; trên cơ sở đó, tham mưu xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ, nguồn kinh phí hỗ trợ, báo cáo UBND tỉnh.

- Định kỳ vào ngày 20 hàng tháng, tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này.

- Tăng cường công tác phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh trong việc kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch tại các ngành, địa phương, đơn vị.

2. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành, đơn vị liên quan, tham mưu bố trí nguồn kinh phí thực hiện chính sách; báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

- Xác định nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ, trong đó xác định rõ phần ngân sách địa phương đảm bảo, phần đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước); tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính xem xét, hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

- Hướng dẫn thực hiện việc phân bổ, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ chính sách theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo thời gian quy định đối với các nhiệm vụ được giao tại khoản 8, 9 mục II của Kế hoạch, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: phối hợp Sở Tài chính và các ngành, đơn vị liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh cân đối ngân sách địa phương để thực hiện chính sách theo quy định.

5. Bảo hiểm xã hội tỉnh

- Chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo thời gian quy định đối với các nhiệm vụ được giao tại khoản 1, 2, 3 mục II của Kế hoạch.

- Phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện việc thống kê, xác nhận người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội khi lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với các nội dung hỗ trợ tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 11 mục II của Kế hoạch.

- Chuyển kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động và thu hồi kinh phí hỗ trợ (trường hợp còn dư) của người sử dụng lao động theo quyết định của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, hướng dẫn triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ tại khoản 4 Mục II của Kế hoạch đối với các đối tượng là cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

7. Cục Thuế tỉnh: Chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn Chi cục Thuế các huyện, thị xã, thành phố, khu vực, cung cấp danh sách các hộ kinh doanh thuộc diện được hỗ trợ. Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố thẩm định, quyết định hỗ trợ cho hộ kinh doanh theo quy định tại khoản 10 Mục II của Kế hoạch.

8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thanh Hóa

- Chỉ đạo, giám sát việc thực hiện của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh;

- Tiếp nhận, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

9. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa

- Chủ trì, hướng dẫn triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ tại khoản 11 Mục II của Kế hoạch.

- Thực hiện cho vay, quản lý nguồn vốn cho vay, thu hồi nợ và xử lý nợ theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

10. Sở Y tế: Chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo thời gian quy định đối với các nhiệm vụ được giao tại khoản 7 mục II của Kế hoạch, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

11. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở tăng cường phổ biến, tuyên truyền Kế hoạch này; tuyên truyền rộng rãi về đối tượng, tiêu chí, điều kiện hưởng, hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện để mọi người dân hiểu, giám sát và đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

12. Công an tỉnh: Tăng cường chỉ đạo việc bảo đảm an ninh trật tự; tham gia phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trong việc nắm bắt tình hình, chủ động tham mưu thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với những trường hợp có hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách.

13. Thanh tra tỉnh: Chủ trì, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp giám sát; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg theo quy định của pháp luật.

14. Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp: Tổ chức thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Kế hoạch này đến các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

15. Kho bạc Nhà nước tỉnh: Chủ trì, hướng dẫn, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan giải quyết kinh phí hỗ trợ kịp thời theo quy định.

16. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, chỉ đạo tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

17. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, các đoàn thể cấp tỉnh, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh, Hiệp hội Doanh nhân nữ tỉnh: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, thông tin đến các thành viên, hội viên về nội dung chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Kế hoạch này; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh.

18. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn do mình quản lý theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện tại địa phương mình.

- Căn cứ điều kiện, tiêu chí, quy trình, cách thức thực hiện theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Kế hoạch này và tình hình thực tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương ban hành Kế hoạch chi tiết, cụ thể chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ ngày Kế hoạch này được ban hành để triển khai thực hiện trên địa bàn; phân công, giao nhiệm vụ, yêu cầu thời gian hoàn thành và gắn trách nhiệm với từng phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn.

- Chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả, đảm bảo thời gian quy định đối với các nhiệm vụ được giao tại khoản 4, 5, 7, 10, 12 mục II của Kế hoạch.

- Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trên địa bàn, đảm bảo đúng đối tượng, đúng mức hưởng, công khai, minh bạch; tuyệt đối không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách.

- Chủ động cân đối ngân sách địa phương theo khoản 3 mục III của Kế hoạch để thực hiện hỗ trợ kịp thời các nội dung hỗ trợ tại các khoản 4, 5, 7, 10, 12 mục II của Kế hoạch. Tổng hợp kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách trên địa bàn và gửi về Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định phân bổ kinh phí thực hiện.

- Thực hiện thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định hiện hành của Nhà nước.

19. Chế độ báo cáo

Yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị liên quan, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ trước ngày 20 hàng tháng và gửi về UBND tỉnh (qua Sở Lao động -Thương binh và Xã hội) để tổng hợp, báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (để b/c);
- TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh;
- Các Thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh;
- Các Huyện, Thị, Thành ủy;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VCCI Thanh Hóa, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh, Hiệp hội Doanh nhân nữ tỉnh;
- Lưu: VT, VX.LĐVL107

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đỗ Minh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 174/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 174/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 20/07/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Đỗ Minh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản