Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 165/KH-UBND | Lào Cai, ngày 14 tháng 03 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TẢO HÔN, HÔN NHÂN CẬN HUYẾT THỐNG TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI NĂM 2024.
Thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025; Chương trình MTQG về phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 43-NQ/TU ngày 25/9/2023 của Tỉnh uỷ về tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2023 - 2030; Kế hoạch số 413/KH-UBND ngày 13/11/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TU ngày 25/9/2023 của Tỉnh ủy; UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch Công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai, năm 2024 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích: Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, của xã hội và đồng bào DTTS trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; thực hiện bình đẳng giới; phòng tránh mang thai ngoài ý muốn ở lứa tuổi vị thành niên; phòng, chống bạo lực gia đình; xoá bỏ hủ tục, cải tạo tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Tạo sự đồng thuận trong xã hội thúc đẩy thay đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS nhằm làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
2. Yêu cầu
- Các hoạt động thực hiện phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; giảm tỷ lệ phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con phải bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình, dân số và phát triển phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương.
- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, truyền thông, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; giảm tỷ lệ phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con.
- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; giảm tỷ lệ phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con.
II. NỘI DUNG
1. Mục tiêu
- Không để xảy ra kết hôn cận huyết thống.
- Giảm từ 30% trở lên số người tảo hôn so với năm 2023.
- Giảm từ 25% trở lên số phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con so với năm 2023.
- 100% xã, thôn, bản, hộ gia đình, dòng họ, thầy mo, thầy cúng, ông mai, bà mối,…vùng đồng bào dân tộc thiểu số ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về hôn nhân, gia đình.
- 100% học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và thanh thiếu niên không phải là học sinh vùng đồng bào DTTS được tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan về hôn nhân, gia đình và tác hại, hậu quả của tảo hôn, về chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện các biện pháp KHHGĐ.
- 100% hộ gia đình vùng đồng bào DTTS được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân, gia đình.
- 65% cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, người hoạt động không chuyên trách ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS được tuyên truyền, bồi dưỡng, hướng dẫn nâng cao năng lực, kỹ năng về vận động, tư vấn, truyền thông công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phòng, chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống từ 01 lần trở lên.
- Đẩy mạnh hoạt động của các Mô hình điểm can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
2. Nội dung thực hiện
2.1. Tổ chức hoạt động truyền thông, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân:
2.1.1. Tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về tác hại, hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con gắn với chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện các biện pháp KHHGĐ:
a) Nội dung: Tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Trẻ em; chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện các biện pháp KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số.
b) Thời gian thực hiện: Năm 2024.
c) Cơ quan thực hiện: Các sở Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Văn hoá - Thể thao, Tư pháp, Ban Dân tộc tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh; các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND cấp huyện, cấp xã.
d) Cơ quan phối hợp thực hiện: Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.
2.1.2. Tổ chức Chiến dịch truyền thông phòng, chống tảo hôn:
a) Nội dung: Phát động toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở, Nhân dân các dân tộc tham gia thực hiện chiến dịch truyền thông về phòng, chống tảo hôn, thực hiện bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình, thực hiện chăm sóc sức khoẻ sinh sản, cải tạo phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
b) Thời gian thực hiện: Ngày 28/6/2024 (lấy Ngày Gia đình Việt Nam là ngày phát động chiến dịch truyền thông về phòng, chống tảo hôn).
c) Địa điểm thực hiện: Mỗi huyện, thị xã, thành phố lựa chọn 01 xã để tổ chức Chiến dịch truyền thông.
d) Cơ quan chủ trì thực hiện: UBND các huyện, thị xã, thành phố.
đ) Cơ quan phối hợp thực hiện: Các cơ quan, đơn vị liên quan; UBND cấp xã.
2.1.3. Tổ chức phát động thực hiện Phong trào “Xã, thôn, bản không có tảo hôn, không có phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con”:
a) Nội dung: Phát động, huy động toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc tham gia thực hiện Phong trào.
b) Thời gian thực hiện: Năm 2024.
c) Địa điểm thực hiện: Các xã, phường, thị trấn.
d) Cơ quan chủ trì thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh và Sở Y tế chủ trì tham mưu UBND tỉnh tổ chức phát động thực hiện Phong trào “Xã, thôn, bản không có tảo hôn, không có phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con”.
đ) Cơ quan phối hợp thực hiện: Các cơ quan, đơn vị có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND cấp xã.
2.1.4. Tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; giảm tỷ lệ phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con gắn với chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện các biện pháp KHHGĐ trong vùng đồng bào DTTS:
a) Quy mô, số lượng: 01 hội thảo (200 người).
b) Đối tượng tham gia: Ban Dân tộc và Sở Y tế một số tỉnh vùng núi phía Bắc; Các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thầy mo, thầy cúng, người có uy tín; Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn.
c) Địa điểm thực hiện: Thành phố Lào Cai.
d) Thời gian thực hiện: Quý III hoặc quý IV/2024.
đ) Cơ quan thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai.
e) Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan.
2.2. Tổ chức các hoạt động tại Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con:
2.2.1. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trực tiếp và duy trì sinh hoạt tại Mô hình điểm:
a) Nội dung: Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của Nhân dân, huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con tại các mô hình điểm.
b) Thời gian thực hiện: Năm 2024.
c) Cơ quan thực hiện: Các cơ quan, đơn vị được giao xây dựng Mô hình điểm của tỉnh (Giáo dục - Đào tạo, Văn hoá - Thể thao, Tư pháp, Y Tế, Ban Dân tộc tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh) và Ủy ban Nhân dân cấp huyện.
d) Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan của cấp huyện và UBND cấp xã.
2.2.2. Tư vấn cho người dân tại các mô hình điểm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện các biện pháp KHHGĐ:
a) Nội dung: Tư vấn cho người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình; các tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh sản sớm, nhằm giúp người dân hiểu được giá trị hành động của họ và các trở ngại có khả năng xảy ra.
b) Thời gian thực hiện: Năm 2024.
c) Cơ quan thực hiện: Các cơ quan đơn vị được giao xây dựng Mô hình điểm và UBND cấp huyện.
d) Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan của cấp huyện và UBND cấp xã.
2.2.3. Sơ kết, tổng kết tại các Mô hình điểm:
a) Nội dung: Đánh giá các hoạt động thực hiện tại Mô hình điểm.
b) Thời gian thực hiện: Năm 2024.
c) Cơ quan thực hiện: Các cơ quan đơn vị được giao xây dựng Mô hình điểm và UBND cấp huyện.
d) Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan của cấp huyện và UBND cấp xã.
2.3. Tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn cho Ban chỉ đạo cấp huyện và cấp xã, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở, giáo viên:
a) Quy mô, số lượng: 09 hội nghị, mỗi hội nghị 80 người.
b) Thành phần: Ban Chỉ đạo cấp huyện và cấp xã; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở; giáo viên.
c) Nội dung: Tập huấn kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, giảm tỷ lệ phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con.
d) Địa điểm: Tại các huyện, thị xã, thành phố.
đ) Cơ quan thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh.
e) Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan.
2.4. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong triển khai thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại địa phương:
a) Thời gian thực hiện: Quý II/2024.
b) Cơ quan thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tham mưu.
c) Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan.
3. Công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; giảm tỷ lệ phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con
a) Các hoạt động chủ yếu:
- Đưa mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; giảm tỷ lệ phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con vào trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của các địa phương.
- Hỗ trợ cấp xã thực hiện cung cấp thông tin, tư vấn cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn, làm giấy đăng ký kết hôn và giấy khai sinh cho trẻ em tại địa bàn.
- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong thực hiện ngăn ngừa, phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số.
- Ban chỉ đạo phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tỉnh thành lập các Đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con tại các huyện, thị xã, thành phố; UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra việc thực hiện tại các xã, phường, thị trấn; đảm bảo mỗi địa phương được kiểm tra từ 01 lần trở lên/năm.
- Các địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và có biện pháp ngăn ngừa kịp thời.
- Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
b) Cơ quan thực hiện: Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn chỉ đạo, kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Dân tộc tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung được giao trong Kế hoạch có hiệu quả; là cơ quan thường trực theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện; định kỳ báo cáo đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất các giải pháp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con về Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ủy ban Dân tộc.
- Tham mưu thành lập các Tổ công tác của tỉnh kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn tại các địa phương.
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân cấp huyện xây dựng Kế hoạch phát động, huy động toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia thực hiện Phong trào “Xã, thôn, bản không có tảo hôn, không có phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con”.
- Tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện gửi Ủy ban Dân tộc và Ủy ban Nhân dân tỉnh. (Báo cáo quý trước ngày 20 của tháng cuối quý; báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 20/6; Báo cáo năm gửi trước 25/12).
2. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, tuyên truyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình không để còn tình trạng phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường đổi mới các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân gắn liền với công tác nâng cao chất lượng dân số; tuyên truyền về tác hại, hậu quả của tảo hôn, của việc phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con.
- Thực hiện lồng ghép các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số, kế hoạch hóa gia đình vào các chương trình, đề án nhằm nâng cao chất lượng dân số.
- Chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố tổng hợp, báo cáo số liệu về phụ nữ DTTS dưới 18 tuổi sinh con theo định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm. Phân tích rõ số liệu phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con dưới 18 tuổi để đánh giá chính xác số liệu tảo hôn. Tăng cường phối hợp với các trường học tuyên truyền biện pháp giáo dục giới tính cho các cháu học sinh.
3. Sở Tài chính: Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch đối với các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh để thực hiện các nội dung do ngân sách nhà nước đảm bảo.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo: Triển khai đưa nội dung giáo dục giới tính; các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình; tác hại, hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con trước 18 tuổi vào tuyên truyền, giáo dục ở các trường THPT, THCS&THPT dân tộc nội trú góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về thực hiện hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, nâng cao chất lượng dân số, ..v.v.
- Tăng cường công tác hướng nghiệp, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt trong trường học để tuyên truyền, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình đối với học sinh, đặc biệt là học sinh người DTTS; nghiên cứu đưa nội dung phòng, chống tảo hôn, Luật hôn nhân và gia đình vào chương trình giáo dục trong trường học hàng năm. Đảm bảo hàng năm 100% học sinh các trường THPT, THCS&THPT dân tộc nội trú được tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan về hôn nhân, gia đình và tác hại, hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con trước 18 tuổi, về chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện các biện pháp KHHGĐ.
5. Sở Văn hóa và Thể thao: Triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình gắn với phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa gắn với tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong đồng bào dân tộc thiểu số.
6. Sở Tư pháp: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình cho nhân dân.
Chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với các Phòng, ban của huyện, thị xã, thành phố rà soát số liệu trẻ em chưa được đăng ký khai sinh và hướng dẫn làm thủ tục khai sinh cho trẻ em.
7. Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn các cơ quan truyền thông đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền làm chuyển đổi hành vi về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở.
8. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục chuyển đổi hành vi về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã biên giới.
9. Công an tỉnh: Chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan điều tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan xâm hại tình dục trẻ em, quan hệ tình dục với trẻ em, ... góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống tảo hôn.
10. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ:
Chỉ đạo Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ huyện tăng cường công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, hội viên để có cách tuyên truyền, hỗ trợ, can thiệp kịp thời.
11. Các sở, ngành: Theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị phối hợp với các cơ quan có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch.
12. Đề nghị Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị có kế hoạch lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; giảm tỷ lệ phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con vào hoạt động của ngành, cơ quan, đơn vị.
13. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Xây dựng kế hoạch công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, giảm số phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con của địa phương theo đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; giảm số phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hàng năm. Bố trí kinh phí cho các cơ quan, đơn vị và UBND cấp xã triển khai thực hiện.
- Chỉ đạo UBND cấp xã nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức cho các thôn, bản, hộ gia đình, dòng họ, thầy mo, thầy cúng, ông mai, bà mối,…vùng đồng bào dân tộc thiểu số ký cam kết thực hiện không để xẩy ra tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con. Đảm bảo hàng năm 100% hộ gia đình vùng đồng bào DTTS được tuyên truyền, phổ biến tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con; 100% học sinh trung học cơ sở và thanh thiếu niên không phải là học sinh được tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan về hôn nhân, gia đình và tác hại, hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con trước 18 tuổi; về chăm sóc sức khỏe sinh sản và thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Đẩy mạnh hoạt động của các Mô hình điểm Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức chiến dịch truyền thông, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục giới tính cho học sinh bậc Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông, góp phần giúp các em nhận thức được những tác hại của việc mất cân bằng giới tính, tảo hôn, hôn nhân cận huyết và phòng tránh xâm hại tình dục.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức bồi dưỡng cho Ban Chỉ đạo cấp xã, cán bộ làm công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại địa phương. Đảm bảo năm 2024 các địa phương có từ 65% trở lên số cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, người hoạt động không chuyên trách ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS đã được bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng về vận động, tư vấn, truyền thông công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.
- Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, báo cáo theo quy định.
14. Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh
- Tăng cường thực hiện các nhiệm vụ được phân công; tăng cường theo dõi nắm tình hình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con tại các huyện, thị xã, thành phố được phân công phụ trách; nâng cao trách nhiệm, vai trò, phối hợp của cơ quan, đơn vị với các địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, xử lý vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
- Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con.
- Chủ động trong việc thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
15. Chế độ báo cáo: Các cơ quan, đơn vị, địa phương nêu tại Mục IV Kế hoạch này, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện các nội dung được phân công về Ban Dân tộc tỉnh trước ngày 15 của tháng cuối quý, báo cáo 6 tháng trước ngày 15/6, báo cáo năm trước ngày 05/12, để tổng hợp báo cáo Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Ban Dân tộc tỉnh và Sở Y tế, để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 142/KH-UBND về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2022
- 2Kế hoạch 6125/KH-UBND thực hiện Tiểu dự án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2023
- 3Kế hoạch 225/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án 17-ĐA/TU về Đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2023-2025
- 1Luật Bình đẳng giới 2006
- 2Luật Hôn nhân và gia đình 2014
- 3Quyết định 498/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Luật trẻ em 2016
- 5Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022
- 6Quyết định 1719/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Kế hoạch 142/KH-UBND về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2022
- 8Kế hoạch 6125/KH-UBND thực hiện Tiểu dự án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2023
- 9Kế hoạch 225/KH-UBND năm 2023 thực hiện Đề án 17-ĐA/TU về Đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2023-2025
Kế hoạch 165/KH-UBND công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024
- Số hiệu: 165/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 14/03/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
- Người ký: Giàng Thị Dung
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/03/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra