- 1Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNT quy định về quản lý thuốc thú y do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Quyết định 434/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Kế hoạch 86/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tại tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021-2030
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 162/KH-UBND | Thái Bình, ngày 25 tháng 11 năm 2021 |
PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT THỦY SẢN NĂM 2022.
Căn cứ Luật Thú y số 79/2015/QH13; Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; thực hiện Công văn số 4117/BNN-TY ngày 01/7/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2022; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2022, cụ thể như sau:
1. Mục đích:
- Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở thủy sản để nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế, bảo đảm phát triển ổn định và bền vững nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
- Phát hiện sớm và xử lý nhanh gọn, kịp thời các loại dịch bệnh ở động vật thủy sản, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro, thiệt hại do dịch bệnh gây ra, góp phần đảm bảo cho nuôi trồng thủy sản đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả.
2. Yêu cầu:
- Phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị các cấp và của cả cộng đồng; phòng bệnh là chính, chống dịch kịp thời, hiệu quả.
- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản của các cấp, các ngành và người nuôi thủy sản, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
- Đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ và người nuôi thủy sản về công tác thú y thủy sản nhất là năng lực, kỹ năng tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; tăng cường và củng cố hệ thống giám sát dịch bệnh động vật thủy sản từ tỉnh tới cơ sở.
1. Giám sát dịch bệnh thủy sản:
Thực hiện theo Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021 - 2030” và Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 24/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tại tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021 - 2030.
1.1. Giám sát lâm sàng:
- Người nuôi thủy sản có trách nhiệm theo dõi hàng ngày để phát hiện và báo cáo kịp thời thủy sản bị bệnh, bị chết và có các biện pháp xử lý theo quy định.
- Chi Cục Chăn nuôi và Thú y chịu trách nhiệm lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu môi trường để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh khi có dịch bệnh xảy ra hoặc khi môi trường biến động bất thường và thực hiện báo cáo theo quy định.
1.2. Giám sát chủ động:
- Quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản được thực hiện theo Dự toán kinh phí hàng năm của Chi cục Thủy sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Kiểm tra mầm bệnh lưu hành trên động vật thủy sản: Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm xác minh mầm bệnh lưu hành khi môi trường biến động và có dấu hiệu dịch bệnh nguy hiểm ở động vật thủy sản để đánh giá nguy cơ bùng phát dịch; kịp thời cảnh báo nguy cơ bệnh dịch lây lan, hướng dẫn các biện pháp xử lý, khoanh vùng, cụ thể:
Đối với tôm: Giám sát bệnh đốm trắng do vi rút, bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh do vi rút DIV1.
Đối với cá: Kiểm tra bệnh do vi rút Tilapia Lake Virus (TiLV) ở cá rô phi, bệnh hoại tử thần kinh ở cá song (cá mú), cá vược (cá chẽm); bệnh xuất huyết do vi rút SVCV và các vi khuẩn gây bệnh (Aeromonas sp, Streptococcus sp, Edwardsiella sp) trên cá nước ngọt (trắm, trôi, mè, chép…).
Đối với ngao: Thực hiện các chỉ tiêu về quan trắc môi trường theo quy định của Luật Thú y và Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1.3. Chế độ báo cáo dịch bệnh động vật thủy sản: Thực hiện báo cáo đột xuất ổ dịch; báo cáo cập nhật tình hình ổ dịch; báo cáo kết thúc ổ dịch; báo cáo điều tra ổ dịch; báo cáo bệnh mới; báo cáo định kỳ và báo cáo kết quả giám sát dịch bệnh theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1.4. Trách nhiệm giám sát:
- Chủ cơ sở nuôi: Có trách nhiệm thực hiện giám sát lâm sàng phát hiện bệnh; tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc lấy mẫu giám sát dịch bệnh.
- Nhân viên thú y xã: Thực hiện nhiệm vụ cụ thể được phân công.
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y có trách nhiệm:
Xây dựng và thực hiện kế hoạch giám sát theo quy định.
Lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm, thông báo kết quả xét nghiệm đến chính quyền địa phương, người nuôi trồng thủy sản, các đơn vị chuyên môn và hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, xử lý dịch bệnh khi có kết quả xét nghiệm; tổng hợp báo cáo theo quy định.
2. Điều tra ổ dịch và các biện pháp xử lý ổ dịch, chống dịch:
2.1. Khai báo dịch bệnh:
- Chủ cơ sở nuôi, người phát hiện động vật thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh, chết nhiều không rõ nguyên nhân hoặc chết do môi trường, do thời tiết có trách nhiệm báo cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
- Trong trường hợp dịch bệnh lây lan nhanh trên phạm vi rộng, gây chết nhiều động vật thủy sản, chủ cơ sở nuôi, người phát hiện động vật thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, nhân viên thú y xã có thể báo cáo về Chi cục Chăn nuôi và Thú y để kịp thời tổ chức chống dịch.
2.2. Điều tra ổ dịch:
2.2.1. Nguyên tắc điều tra ổ dịch:
- Điều tra ổ dịch chỉ được thực hiện đối với ổ dịch bệnh mới xuất hiện; ổ dịch bệnh thuộc Danh mục bệnh phải công bố dịch xảy ra ở phạm vi rộng, làm chết nhiều động vật thủy sản.
- Điều tra ổ dịch phải được thực hiện trong vòng 01 (một) ngày kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông tin động vật thủy sản chết, có dấu hiệu mắc bệnh.
- Thông tin về ổ dịch phải được thu thập chi tiết, đầy đủ, chính xác và kịp thời.
- Trước khi điều tra phải thu thập đầy đủ thông tin về môi trường nuôi, dịch bệnh trong vùng.
2.2.2. Nội dung điều tra ổ dịch:
- Thu thập thông tin ban đầu về các chỉ tiêu quan trắc môi trường ở thời điểm trước và trong thời gian xảy ra dịch bệnh, xác định các đặc điểm dịch tễ cơ bản và sự tồn tại của ổ dịch; truy xuất nguồn gốc ổ dịch.
- Điều tra và cập nhật thông tin về ổ dịch tại cơ sở có động vật thủy sản mắc bệnh, bao gồm: Kiểm tra, đối chiếu với những thông tin được báo cáo trước đó; các chỉ tiêu, biến động môi trường (nếu có); kiểm tra lâm sàng, số lượng, loài, lứa tuổi, ngày phát hiện động vật thủy sản mắc bệnh; diện tích (hoặc số lượng) động vật thủy sản mắc bệnh, độ sâu mực nước nuôi, diện tích (hoặc số lượng) thả nuôi; thức ăn, thuốc, hóa chất đã được sử dụng; hình thức nuôi, quan sát diễn biến tại nơi có dịch bệnh động vật thủy sản; nguồn gốc con giống, kết quả xét nghiệm, kiểm dịch trước khi thả nuôi.
- Đề xuất tiến hành nghiên cứu các yếu tố nguy cơ, lấy mẫu kiểm tra bệnh khi cần thiết để xét nghiệm xác định mầm bệnh.
- Mô tả diễn biến của ổ dịch theo thời gian, địa điểm, động vật thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh; đánh giá về nguyên nhân ổ dịch.
- Tổng hợp, phân tích, đánh giá và đưa ra chẩn đoán xác định ổ dịch, xác định dịch bệnh, phương thức lây lan.
- Báo cáo kết quả điều tra ổ dịch, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh trong thời gian tiếp theo, đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch.
2.2.3. Trách nhiệm điều tra ổ dịch:
- Nhân viên thú y xã có trách nhiệm đến cơ sở nuôi có động vật thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh để xác minh thông tin và báo cáo theo biểu mẫu; đồng thời báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định.
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai điều tra ổ dịch; cử cán bộ đến cơ sở nuôi có động vật thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh để hướng dẫn xử lý ổ dịch, lấy mẫu xét nghiệm, xác minh nguồn gốc dịch bệnh và báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định; trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, vượt quá khả năng của Chi cục Chăn nuôi và Thú y phải báo cáo ngay về Cục Thú y.
2.3. Lấy mẫu, chẩn đoán, xét nghiệm xác định mầm bệnh:
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm xác định mầm bệnh; mẫu bệnh phẩm phải được gửi đến đơn vị xét nghiệm trong vòng 01 (một) ngày kể từ khi kết thúc việc lấy mẫu.
- Trường hợp mẫu bệnh phẩm không đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng; đơn vị xét nghiệm trực tiếp đề nghị cơ quan lấy mẫu lại, lấy mẫu bổ sung để chẩn đoán xét nghiệm.
- Trong cùng một xã, phường, thị trấn, cùng một vùng nuôi có chung nguồn nước cấp và trong cùng giai đoạn có dịch bệnh, khi đã có kết quả xét nghiệm cho những ổ dịch đầu tiên, không nhất thiết phải lấy mẫu xét nghiệm ở những ổ dịch tiếp theo. Kết luận về các ổ dịch tiếp theo được dựa vào dấu hiệu lâm sàng của động vật thủy sản mắc bệnh, môi trường nước nuôi. Trường hợp các ổ dịch tiếp theo có động vật thủy sản mắc bệnh với triệu chứng, bệnh tích lâm sàng không giống với bệnh đã được xác định thì tiếp tục lấy mẫu để xét nghiệm xác định mầm bệnh.
2.4. Xử lý ổ dịch bệnh động vật thủy sản:
2.4.1. Các bệnh thủy sản phải công bố dịch: Danh mục các bệnh thủy sản phải công bố dịch được quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2.4.2. Xử lý ổ dịch bệnh động vật thủy sản:
Thực hiện theo các quy định của Luật Thú y; áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng, chống đối với một số bệnh động vật thủy sản nguy hiểm theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cụ thể, chủ cơ sở nuôi thực hiện xử lý động vật thủy sản mắc bệnh bằng một trong các hình thức sau:
- Thu hoạch động vật thủy sản mắc bệnh: Thực hiện đối với động vật thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm, có thể sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hoặc các mục đích khác.
- Chữa bệnh động vật thủy sản: Thực hiện đối với động vật thủy sản mắc bệnh được cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản xác định có thể điều trị và chủ cơ sở nuôi có nhu cầu điều trị động vật thủy sản mắc bệnh.
- Tiêu hủy động vật thủy sản mắc bệnh: Thực hiện đối với động vật thủy sản mắc bệnh không thuộc 2 đối tượng trên.
2.5. Thu hoạch động vật thủy sản trong ổ dịch:
2.5.1. Chủ cơ sở nuôi thu hoạch động vật thủy sản trong ổ dịch phải thực hiện những yêu cầu sau:
- Thông báo với Chi cục Chăn nuôi và Thú y về mục đích sử dụng, khối lượng, các biện pháp xử lý, kế hoạch thực hiện và biện pháp giám sát việc sử dụng động vật thủy sản mắc bệnh.
- Không sử dụng động vật thủy sản mắc bệnh làm giống, thức ăn tươi sống cho động vật thủy sản khác.
- Chỉ vận chuyển động vật thủy sản đến các cơ sở thu gom, mua, bán, sơ chế, chế biến (sau đây gọi chung là cơ sở tiếp nhận) và bảo đảm không làm lây lan dịch bệnh trong quá trình vận chuyển.
2.5.2. Trách nhiệm của Chi cục Chăn nuôi và Thú y sau khi nhận được thông báo của chủ cơ sở:
- Phân công cán bộ hướng dẫn, giám sát việc thu hoạch, bảo quản, vận chuyển của cơ sở nuôi có động vật thủy sản mắc bệnh.
- Thông báo tên, địa chỉ cơ sở tiếp nhận cho cơ quan quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp tỉnh nơi tiếp nhận để giám sát tại cơ sở tiếp nhận.
2.5.3. Cơ sở tiếp nhận phải bảo đảm và chịu trách nhiệm về an toàn dịch bệnh trong quá trình sơ chế, chế biến.
2.6. Chữa bệnh động vật thủy sản:
2.6.1. Nguyên tắc chữa bệnh động vật thủy sản:
- Chỉ chữa bệnh đối với những bệnh có phác đồ điều trị, động vật thủy sản bị bệnh có khả năng được chữa khỏi bệnh và đã xác định được bệnh.
- Trường hợp chữa bệnh nhưng động vật thủy sản không khỏi hoặc bị chết trong quá trình chữa bệnh thì thực hiện tiêu hủy, không sử dụng động vật thủy sản không đáp ứng quy định về ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch để làm thực phẩm.
2.6.2. Trách nhiệm của chủ cơ sở nuôi:
- Chủ động chữa bệnh động vật thủy sản mắc bệnh theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
- Chỉ sử dụng các loại thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học có trong Danh mục thuốc thú y dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam, đồng thời, sử dụng đúng liều lượng của thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản; ghi chép quá trình sử dụng các loại sản phẩm này.
2.6.3. Trách nhiệm của nhân viên thú y xã, thú y tư nhân:
- Chữa bệnh động vật thủy sản theo hướng dẫn của Cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
- Chỉ sử dụng các loại thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học có trong Danh mục thuốc thú y dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.
2.6.4. Trách nhiệm của Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
- Hướng dẫn, phổ biến phác đồ điều trị động vật thủy sản mắc bệnh; hướng dẫn phác đồ điều trị cho địa phương, nhân viên thú y xã, thú y tư nhân, người nuôi động vật thủy sản.
- Phối hợp với Chi cục Thủy sản, cơ sở nuôi, các tổ chức, cá nhân thử nghiệm phác đồ điều trị.
- Tổng hợp báo cáo về hiệu quả của việc áp dụng phác đồ điều trị; đề xuất thử nghiệm, ban hành phác đồ điều trị mới có hiệu quả hơn.
2.7. Tiêu hủy động vật thủy sản mắc bệnh:
2.7.1. Trình tự thực hiện tiêu hủy:
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định tiêu hủy và quyết định thành lập tổ tiêu hủy.
- Tổ tiêu hủy bao gồm đại diện: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy sản, Ủy ban nhân dân cấp xã và chủ cơ sở có động vật thủy sản mắc bệnh phải tiêu hủy.
- Trong vòng 24 giờ kể từ khi ban hành Quyết định thành lập, Tổ tiêu hủy có trách nhiệm: Khoanh vùng ổ dịch đã được xác định trong Quyết định tiêu hủy; lập biên bản, có xác nhận của chủ cơ sở có động vật thủy sản phải tiêu hủy.
2.7.2. Hóa chất sử dụng: Hóa chất sử dụng để tiêu hủy, khử trùng được xuất từ Quỹ dự phòng của tỉnh, huyện của chủ cơ sở nuôi hoặc các loại hóa chất có công dụng tương đương trong Danh mục thuốc thú y dùng trong thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.
2.8. Khử trùng sau thu hoạch, tiêu hủy đối với ổ dịch:
- Chủ cơ sở thực hiện khử trùng nước trong bể, ao, đầm; khử trùng công cụ, dụng cụ, lồng nuôi, lưới; xử lý nền đáy, diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh bằng hoá chất được phép sử dụng sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy động vật thủy sản, đảm bảo không còn mầm bệnh, dư lượng hóa chất và đảm bảo vệ sinh môi trường; thông báo cho cơ sở nuôi liền kề, có chung nguồn cấp thoát nước để áp dụng các biện pháp phòng bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
- Đảm bảo cho những người tham gia quá trình xử lý, tiêu hủy động vật thủy sản thực hiện việc vệ sinh cá nhân, tiêu diệt mầm bệnh, không làm phát tán mầm bệnh ra ngoài môi trường và cơ sở nuôi khác.
2.9. Công bố dịch, tổ chức chống dịch bệnh động vật thủy sản:
- Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị công bố dịch bệnh động vật thủy sản của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công bố dịch bệnh động vật thủy sản khi có đủ điều kiện theo quy định của Luật Thú y.
- Khi công bố dịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan của địa phương thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.
2.10. Kiểm soát vận chuyển động vật thủy sản trong vùng có dịch:
- Động vật thủy sản chỉ được phép vận chuyển ra ngoài vùng có dịch sau khi đã xử lý theo đúng hướng dẫn và có giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Chăn nuôi và Thú y đối với trường hợp vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.
- Hạn chế vận chuyển qua vùng có dịch giống thủy sản mẫn cảm với bệnh dịch đang công bố. Trường hợp phải vận chuyển qua vùng có dịch phải thông báo và thực hiện theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
2.11. Biện pháp xử lý đối với cơ sở nuôi chưa có bệnh ở vùng có dịch trong thời gian công bố ổ dịch:
Chủ cơ sở nuôi cần áp dụng các biện pháp sau:
- Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường, khu vực nuôi thủy sản.
- Tăng cường chăm sóc và nâng cao sức đề kháng cho động vật thủy sản nuôi.
- Không thả mới hoặc thả bổ sung động vật thủy sản mẫn cảm với bệnh dịch đã công bố trong thời gian công bố dịch.
- Đối với cơ sở nuôi ao, đầm: Hạn chế tối đa bổ sung nước, thay nước trong thời gian địa phương có công bố dịch hoặc cơ sở nuôi xung quanh có thông báo xuất hiện bệnh.
- Tăng cường giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm động vật thủy sản mắc bệnh, báo cáo với chính quyền địa phương hoặc nhân viên thú y xã và áp dụng biện pháp phòng chống kịp thời.
2.12. Công bố hết dịch:
- Sau ít nhất 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày xử lý xong ổ dịch cuối cùng mà không phát sinh ổ dịch mới và đã thực hiện các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật mẫn cảm với bệnh; đồng thời, thực hiện các biện pháp vệ sinh khử trùng tiêu độc đối với vùng dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y có báo cáo bằng văn bản và đề nghị Cục Thú y thẩm định điều kiện công bố hết dịch.
- Sau khi hoàn thành việc thẩm định điều kiện công bố hết dịch, Cục Thú y có văn bản đồng ý đủ điều kiện công bố hết dịch để Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố hết dịch theo quy định.
Thực hiện theo các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản; số 13/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 quy định về quản lý thuốc thú y:
- Thực hiện kiểm dịch đối với tất cả các loại giống thủy sản và các loại sản phẩm động vật thủy sản xuất ra ngoài tỉnh theo quy định.
- Thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh, về điều kiện sản xuất, kinh doanh, vận chuyển giống thủy sản xuất, nhập vào địa bàn tỉnh; phối hợp với Chi cục Thủy sản thanh tra, kiểm tra việc quản lý, kinh doanh, sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường, thuốc thú y, vắc xin, hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định về vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật thủy sản, sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
- Tăng cường quản lý việc chấp hành thả giống theo đúng chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn về lịch thời vụ, cũng như các quy định khác trong công tác nuôi trồng và phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.
4. Xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh:
Thực hiện theo Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 24/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tại tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021 - 2030, trong đó cần chú trọng:
- Tổ chức phổ biến, tập huấn, hướng dẫn địa phương, tổ chức và doanh nghiệp đối với các quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.
- Tổ chức giám sát chủ động, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh với các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên tôm nuôi và một số đối tượng thủy sản nuôi khác.
- Tổ chức ghi chép, lưu trữ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về dịch bệnh, giám sát dịch bệnh và các tài liệu liên quan để được công nhận an toàn dịch bệnh.
5. Công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn về dịch bệnh thủy sản: Tăng cường tuyên truyền qua Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình; Đài Phát thanh, Truyền hình cấp huyện, xã; hội nghị, hội thảo,... các quy định của pháp luật về nuôi, phòng chống dịch bệnh, yêu cầu chất lượng sản phẩm, các văn bản hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan chuyên ngành thú y, nuôi trồng thủy sản.
6. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, họp sơ kết, tổng kết:
- Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo, củng cố các ban quản lý vùng nuôi tại các địa bàn nuôi thủy sản tập trung (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, Hợp tác xã dịch vụ thủy sản, cán bộ phụ trách thủy sản các xã, thị trấn có diện tích giáp biển, trưởng ban chăn nuôi và thú y) để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh thủy sản được kịp thời, hiệu quả; tăng cường theo dõi quản lý môi trường và dịch bệnh động vật thủy sản tại địa phương, giao trách nhiệm cụ thể đến trưởng thôn, trưởng ban quản lý vùng nuôi, trưởng ban chăn nuôi và thú y, cán bộ phụ trách thủy sản trong việc giám sát báo cáo dịch bệnh, tuyệt đối không được dấu dịch.
- Hàng năm, các cấp tổ chức họp sơ kết, tổng kết, phân tích và nhận định tình hình dịch bệnh thủy sản của năm trước; đánh giá các biện pháp phòng, trị bệnh đã triển khai và đưa ra những điều chỉnh phù hợp và hiệu quả cho năm tiếp theo đồng thời triển khai Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản năm tới.
7. Dự trù kinh phí phòng, chống dịch bệnh:
7.1. Kinh phí ngân sách cấp tỉnh: Dự kiến khoảng 526.105.000 đồng, được giao trong dự toán hàng năm cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
7.2. Kinh phí ngân sách cấp huyện, xã (thực hiện theo phân cấp quản lý tài chính):
- Kinh phí tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn huyện, thành phố; kinh phí điều tra ổ dịch, kinh phí phòng, chống dịch cho cán bộ huyện, xã khi xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm trong danh mục các bệnh phải công bố dịch hoặc các bệnh mới phát sinh; củng cố nâng cao năng lực giám sát và thông tin báo cáo dịch bệnh động vật thủy sản đối với hệ thống thú y cấp xã.
- Kinh phí hỗ trợ cho cán bộ thú y, lâm sinh thủy sản và những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản (thực hiện công tác điều tra các hộ có dịch, giám sát kiểm tra, xử lý hóa chất tại hộ,…); kinh phí hỗ trợ quy hoạch, cải thiện và nâng cấp cơ sở các vùng nuôi ở địa bàn huyện, xã.
7.3. Hộ nuôi trồng thủy sản: Tự bảo đảm kinh phí chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư để khử trùng, xử lý dịch bệnh trong quá trình nuôi.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
1.1. Tham mưu và trình Ủy ban nhân dân tỉnh:
- Phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường và Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản.
- Thành lập Quỹ dự phòng của địa phương về vật tư, hóa chất, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
- Phân công trách nhiệm cho các đơn vị có liên quan xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; Kế hoạch quan trắc môi trường; tổ chức giám sát dịch bệnh động vật thủy sản nuôi và quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
- Chỉ đạo các đơn vị liên quan của địa phương phối hợp với Cục Thú y trong việc tổ chức phòng, chống, giám sát, điều tra dịch bệnh động vật thủy sản tại địa phương.
- Chỉ đạo, giám sát việc xử lý, tiêu hủy động vật thủy sản nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh và huy động lực lượng tham gia chống dịch theo đề nghị của cơ quan thú y. Kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng hóa chất từ Quỹ dự trữ quốc gia, Quỹ dự phòng của địa phương theo quy định.
1.2. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản:
1.2.1. Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
- Điều tra, khảo sát thực địa và tham mưu xây dựng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản và tổ chức thực hiện Kế hoạch sau khi được phê duyệt.
- Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh, điều trị và chống dịch bệnh động vật thủy sản tại cơ sở nuôi, buôn bán, bảo quản, vận chuyển động vật thủy sản.
- Chỉ đạo và hướng dẫn nhân viên thú y xã và chủ cơ sở nuôi thực hiện việc báo cáo dịch bệnh động vật thủy sản theo biểu mẫu; chịu trách nhiệm cấp phát đồng thời hướng dẫn thú y xã trong việc sử dụng các biểu mẫu báo cáo.
- Tổ chức tập huấn về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản cho cán bộ thú y và người nuôi thủy sản; phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp huyện tổ chức tập huấn cho các cơ sở nuôi trên địa bàn quản lý.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật thủy sản.
- Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc vận chuyển thủy sản được thu hoạch từ ổ dịch về cơ sở sơ chế, chế biến.
- Phối hợp với Chi cục Thủy sản và sử dụng các thông tin về chỉ tiêu quan trắc môi trường trong xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.
- Định kỳ cung cấp số liệu dịch bệnh động vật thủy sản cho Chi cục Thủy sản để làm căn cứ xây dựng và triển khai các biện pháp quản lý nuôi trồng thủy sản.
- Cung cấp thông tin dịch bệnh động vật thủy sản ở phạm vi địa phương quản lý cho chính quyền, người dân, cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
1.2.2. Chi cục Thủy sản:
- Hằng năm điều tra, khảo sát thực địa và xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch quan trắc môi trường tại địa phương; tổ chức thực hiện Kế hoạch sau khi được phê duyệt.
- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, các cơ sở nuôi theo quy hoạch của địa phương; khôi phục sản xuất sau khi xử lý dịch bệnh.
- Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc áp dụng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình, ghi chép biểu mẫu về sản xuất động vật thủy sản giống và nuôi trồng thủy sản đáp ứng các yêu cầu an toàn dịch bệnh.
- Thực hiện hoặc quản lý thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.
- Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc sử dụng thức ăn, hóa chất, thuốc, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; xử lý, cải tạo môi trường; thực hiện mùa vụ nuôi, áp dụng kỹ thuật trong sản xuất giống thủy sản và nuôi thủy sản thương phẩm.
- Định kỳ hằng tháng cung cấp số liệu nuôi trồng thủy sản, quan trắc cảnh báo môi trường cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y để làm căn cứ xây dựng và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.
- Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thú y vùng 2, Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản trong công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh động vật thủy sản.
1.2.3. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản:
- Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y giám sát thu hoạch, vận chuyển động vật thủy sản mắc bệnh để chế biến thực phẩm khi được yêu cầu.
- Giám sát việc tiếp nhận động vật thủy sản mắc bệnh tại các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm thủy sản khi nhận được thông báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.
1.2.4. Các đơn vị có liên quan của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y trong công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh.
2. Các Sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội:
2.1. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan cân đối ngân sách hàng năm để thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh; hướng dẫn về trình tự thủ tục thực hiện cấp phát, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định; chủ trì thẩm định, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo cơ chế chính sách và quy định hiện hành của nhà nước.
2.2. Sở Kế hoạch - Đầu tư: Phối hợp với Sở Tài chính cân đối ngân sách hàng năm để thực hiện Kế hoạch.
2.3. Sở Công Thương: Thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, diễn biến thị trường, xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm thủy sản trong tỉnh, xây dựng giải pháp bảo đảm lưu thông, tránh gây bất ổn về thị trường.
2.4. Cục Quản lý thị trường tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức tuyên truyền vận động người dân thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2021 và kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thủy sản, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo đúng quy định.
2.5. Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn các đơn vị trong ngành đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.
2.6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trực tiếp là Chi cục Chăn nuôi và Thú y) lấy mẫu kiểm tra, đánh giá tác động của các yếu tố môi trường nước trong các vùng nuôi thủy sản.
2.7. Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trực tiếp là Chi cục Chăn nuôi và Thú y) xây dựng nội dung, chuyên mục cho chương trình truyền thông đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.
2.8. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chỉ đạo các đồn Biên phòng thực hiện nghiêm quy chế phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng tỉnh với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết ngăn chặn các hành vi vận chuyển giống thủy sản trái phép trên bờ và trên biển tại khu vực phụ trách; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và thông báo cho chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn.
2.9. Các tổ chức chính trị xã hội: Theo chức năng nhiệm vụ được phân công xây dựng phương án cụ thể thực hiện Kế hoạch này; phối hợp với cơ quan chuyên môn và các địa phương tích cực tuyên truyền để các thành viên, hội viên tham gia thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trong gia đình và cộng đồng.
3. Ủy ban nhân dân huyện, Thành phố:
- Xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn quản lý theo Kế hoạch của tỉnh.
- Chỉ đạo, kiểm tra và giám sát các phòng, ban chức năng của địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản. Chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn; có kế hoạch và phương án, chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ lực lượng, vật tư chủ động đối phó kịp thời khi có dịch xảy ra. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản.
- Bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản, hỗ trợ các cơ sở có động vật thủy sản mắc bệnh, cả khi dịch bệnh xảy ra nhưng chưa đủ điều kiện công bố dịch.
- Thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của địa phương để nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; đưa tin đầy đủ kịp thời, phù hợp, chính xác về diễn biến, nguy cơ dịch bệnh và biện pháp phòng, chống.
- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, quản lý triển khai công tác quy hoạch vùng nuôi; tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch lây lan; thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
4. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:
- Xây dựng kế hoạch và trực tiếp tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản cụ thể đến thôn, xóm trên địa bàn.
- Thành lập các tổ giám sát dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ nuôi thủy sản, tiếp nhận và báo cáo thông tin về dịch bệnh động vật thủy sản; phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch lây lan.
- Triển khai công tác quản lý quy hoạch vùng nuôi thủy sản bảo đảm vệ sinh môi trường.
- Kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản tại các cơ sở nuôi trồng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Chỉ đạo Đài Truyền thanh xã, phường, thị trấn tăng cường tiếp sóng, đưa tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản từ đó tự giác chấp hành quy định phòng chống dịch bệnh.
- Trường hợp xảy ra dịch bệnh, huy động và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, lực lượng chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn huy động ngay tại các thôn, xóm thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh; bố trí kinh phí địa phương để kịp thời giải quyết các yêu cầu phát sinh trực tiếp sau đó có phương án trình xin cấp trên phê duyệt.
- Huy động các tổ chức đoàn thể ở các địa phương, vận động nhân dân đồng thuận và tham gia hưởng ứng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo kế hoạch; tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản.
- Chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ vật tư, hoá chất và kinh phí được hỗ trợ và bảo đảm chi đúng đối tượng theo quy định; kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản tại địa bàn quản lý.
- Áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật nuôi trồng thủy sản do cơ quan chuyên môn hướng dẫn; áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường cơ sở, vùng nuôi trồng thủy sản theo quy định. Áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản; chấp hành các quy định về kiểm dịch, báo cáo dịch bệnh, thiết lập và lưu trữ các loại sổ sách theo dõi con giống, cải tạo ao đầm, chăm sóc, quản lý….; hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu môi trường, dịch bệnh; tham dự các lớp tập huấn về phòng, chống dịch bệnh, kỹ thuật nuôi do các cơ quan quản lý tổ chức; được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước về chống dịch theo quy định hiện hành.
- Lập, thực hiện nghiêm túc các cam kết trong thủ tục hành chính về môi trường được phê duyệt hoặc xác nhận; phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường quy định.
Trên đây là Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2022. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét, giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Quyết định 2821/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Kế hoạch Phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2021-2030
- 2Kế hoạch 3861/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 3Quyết định 3634/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản tỉnh Quảng Trị năm 2022
- 4Kế hoạch 40/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2022
- 5Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2022 triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 6Kế hoạch 3112/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 1Luật thú y 2015
- 2Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống bệnh động vật thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNT quy định về quản lý thuốc thú y do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 5Quyết định 434/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Kế hoạch 86/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tại tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021-2030
- 7Quyết định 2821/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Kế hoạch Phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2021-2030
- 8Kế hoạch 3861/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 9Quyết định 3634/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản tỉnh Quảng Trị năm 2022
- 10Kế hoạch 40/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2022
- 11Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2022 triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 12Kế hoạch 3112/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Kế hoạch 162/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2022 do tỉnh Thái Bình ban hành
- Số hiệu: 162/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 25/11/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
- Người ký: Lại Văn Hoàn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/11/2021
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định