Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1598/KH-UBND

Kon Tum, ngày 15 tháng 07 năm 2016

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

VỀ VIỆC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHẤT ĐỘC HÓA HỌC/DIOXIN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2016-2020

Căn cứ Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Công văn số 02/CV-BCĐ33 ngày 10/5/2016 của Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, về việc xây dựng Kế hoạch hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2016-2020;

UBND tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU:

1. Mục tiêu tổng quát:

Giải quyết cơ bản hậu quả chất độc hóa học/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và con người trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Về cơ chế chính sách và con người:

- 100% người tham gia kháng chiến và con cháu của họ bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin có đủ điều kiện theo quy định của nhà nước, được hưởng trợ cấp theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

- 100% gia đình có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng được hỗ trợ xây mới nhà ở hoặc sửa chữa theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

- 100% nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được tiếp cận với các phương pháp phục hồi chức năng.

- 100% người khuyết tật do phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin nằm trong độ tuổi lao động và có khả năng lao động được đào tạo nghề và bố trí việc làm phù hợp với khả năng.

- Quản lý khám, xác nhận và cùng tham gia điều trị những bệnh tật, dị dạng, dị tật... trên cơ thể của con người có liên quan đến phơi nhiễm với các loại chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện tư vấn sức khỏe sinh sản, vận động hạn chế sinh đẻ cho 100% nạn nhân có liên quan đến chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

- Quản lý thai nghén cho 95% thai phụ tại các vùng ô nhiễm nặng và nạn nhân chất độc hóa học.

- 90% người dân sinh sống tại các khu vực bị phun rải chất độc hóa học nhiều lần trong chiến tranh được tiếp cận và sử dụng nước sạch vệ sinh môi trường.

b) Về môi trường, sinh thái

- Đẩy mạnh công tác trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc kết hợp phục hồi môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh (ưu tiên cho các khu vực bị phun rải chất độc hóa học nhiều lần trong chiến tranh).

- Tăng cường công tác điều tra, xác minh để kịp thời phát hiện và xử lý chất độc hóa học tồn lưu đảm bảo theo quy định và an toàn về môi trường.

- Quan trắc và giám sát diễn biến tồn lưu chất độc hóa học/dioxin trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về khắc phục hậu quả chất độc hóa học.

2. Thực hiện chính sách trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi giáo dục, y tế, thăm và tặng quà vào các dịp lễ tết... đối với người nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin theo Pháp lệnh ưu đãi người có công. Tiếp tục rà soát không để sót đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin để được hưởng chế độ theo quy định.

3. Rà soát bổ sung hộ gia đình người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin đang ở nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng để kịp thời hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

4. Thực hiện chính sách trợ giúp đối với đối tượng khuyết tật là nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo Pháp lệnh ưu đãi người có công nhưng có đủ điều kiện theo quy định của Luật người khuyết tật được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng. Tổ chức thăm hỏi, động viên, trợ cấp cứu đói cho gia đình nạn nhân thuộc diện hộ nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống...

5. Rà soát và hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế cho hộ gia đình là nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin.

6. Tổ chức đào tạo nghề, bố trí việc làm phù hợp cho người khuyết tật do phơi nhiễm chất độc hóa học nhưng còn khả năng lao động.

7. Tuân thủ quy trình xác định nạn nhân nhiễm/phơi nhiễm chất độc hóa học và các tiêu chí xác định bệnh, tật, dị dạng, dị tật... do nhiễm chất độc hóa học được Nhà nước ban hành.

8. Xây dựng chương trình kế hoạch và định kỳ tổ chức thực hiện việc khám, chăm sóc sức khỏe, truyền thông và tư vấn... cho các nạn nhân chất độc hóa học ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.

9. Tăng cường năng lực, cơ sở vật chất cho các cơ sở bảo trợ xã hội để đảm bảo việc tiếp nhận, nuôi dưỡng nạn nhân nhiễm chất độc hóa học; Tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho các cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, tư vấn di truyền, chẩn đoán dị tật/dị dạng bẩm sinh trước khi sinh... cho nạn nhân nhiễm/ phơi nhiễm chất độc hóa học; Đào tạo và nâng cao năng lực truyền thông, tư vấn sinh sản, di truyền... cho cán bộ y tế cơ sở.

10. Xây dựng các mô hình chăm sóc nạn nhân nhiễm/phơi nhiễm chất độc hóa học tại cộng đồng; phát triển Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin từ tỉnh tới cơ sở.

11. Tăng cường đầu tư các công trình cấp nước sạch cho cộng đồng dân cư, đặc biệt là tại các khu vực bị phun rải chất độc hóa học nhiều lần trong chiến tranh.

12. Phục hồi môi trường sản xuất nông - lâm nghiệp các khu vực bị nhiễm, tập trung phục hồi vùng đồi Sạc Ly (khu vực bị ảnh hưởng chất độc hóa học trên địa bàn các huyện Sa Thầy, Đăk Tô).

13. Phối hợp với các đơn vị có đủ năng lực thực hiện chương trình quan trắc và giám sát tồn lưu dioxin hàng năm.

14. Vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đóng góp, ủng hộ cho nạn nhân nhiễm chất độc hóa học về vật chất, tinh thần để cải thiện đời sống và chữa bệnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công trách nhiệm:

1.1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các địa phương liên quan:

- Tổ chức triển khai Kế hoạch hành động khắc phục ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2016-2020 theo quy định;

- Tổ chức tăng cường năng lực quản lý, phòng ngừa, kiểm soát và xử lý ô nhiễm chất độc hóa học, nâng cấp mạng lưới quan trắc;

- Xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về tồn lưu dioxin và chất độc hóa học khác;

- Thu thập, tổng hợp và lưu giữ thông tin, tư liệu về chất độc hóa học; công bố bản đồ phun rải chất độc hóa học;

- Xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động khắc phục ô nhiễm chất độc hóa học;

- Hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch hành động khắc phục ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2016-2020.

1.2. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các địa phương liên quan thực hiện khoanh vùng, xử lý triệt để lượng chất độc hóa học còn tồn lưu trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

1.3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan đánh giá kết quả thực hiện các chính sách đối với nạn nhân chất độc hóa học và hoàn thiện hệ thống quản lý các nạn nhân chất độc hóa học; tăng cường năng lực và cơ sở vật chất cho các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc hóa học; tổ chức dạy nghề và giải quyết việc làm cho nạn nhân chất độc hóa học; tổ chức tổng điều tra số lượng nạn nhân chất độc hóa học của tỉnh Kon Tum.

- Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách và các chế độ ưu đãi, trợ giúp nạn nhân chất độc hóa học là người tham gia hoạt động kháng chiến và con cháu của họ;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện quy trình hướng dẫn, lập hồ sơ, thẩm định xác nhận nạn nhân CĐHH theo quy định hiện hành;

1.4. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan:

- Xây dựng, triển khai kế hoạch chữa trị, chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh/tật cho nạn nhân chất độc hóa học;

- Xây dựng các chương trình phát hiện sớm, tư vấn sức khỏe và sinh sản, giải độc và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học;

- Nghiên cứu tham mưu kết hợp phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học tại Bệnh viện phục hồi chức năng tỉnh.

1.5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh các giải pháp phục hồi rừng tại các vùng bị suy thoái nặng do chất độc hóa học; nghiên cứu tham mưu xây dựng dự án phục hồi môi trường sản xuất nông - lâm nghiệp tại khu vực dãy núi Sạc Ly - huyện Sa Thầy và huyện Đăk Tô; thực hiện công tác cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại các khu vực bị phun rải chất độc hóa học nhiều lần trong chiến tranh.

1.6. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các địa phương trong việc lồng ghép Kế hoạch vào các quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

- Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động khắc phục ô nhiễm chất độc hóa học;

- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu phân bổ nguồn lực, điều phối ngân sách và các nguồn tài trợ cho các dự án ưu tiên thực hiện thuộc Kế hoạch hành động khắc phục ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin trên địa bàn tỉnh.

1.7. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu phân bổ nguồn lực, điều phối kinh phí chung và các nguồn tài trợ nhằm thực hiện Kế hoạch hành động khắc phục ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin trên địa bàn tỉnh hiệu quả.

1.8. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.

1.9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và cộng đồng tham gia tích cực vào các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin trên địa bàn tỉnh.

1.10. Đài Truyền hình tỉnh Kon Tum thực hiện các chuyên mục, chuyên đề, về khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin trên địa bàn tỉnh.

1.11. UBND các huyện, thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động của từng địa phương; phối hợp với các Sở, ban, ngành thực hiện các chương trình/kế hoạch và các dự án ưu tiên; huy động nguồn lực và lồng ghép các hoạt động có liên quan tại địa phương để đạt được các mục tiêu trong Kế hoạch hành động khắc phục ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2016 - 2020.

1.12. Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng: Khuyến khích tham gia, hỗ trợ, thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

2. Cơ chế tài chính

- UBND tỉnh đảm bảo các nguồn lực cần thiết, vận động sự tham gia đóng góp của cộng đồng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút sự tham gia của các cá nhân, tổ chức kinh tế - chính trị - xã hội trong và ngoài nước thực hiện kế hoạch hành động.

- Việc phân bổ kinh phí cho Kế hoạch hành động được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách, các sở, ban ngành căn cứ vào nhiệm vụ được giao có trách nhiệm lập dự án, dự toán kinh phí trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

3. Chế độ báo cáo:

Các Sở, ban, ngành và các địa phương định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động khắc phục ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin trên địa bàn tỉnh Kon Tum gai đoạn 2016-2020 gửi về Sở tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị chủ động báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường tng hợp, tham mưu) xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên & Môi trường (b/c);
- Ban chỉ đạo 33 (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở ban ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin;
- Văn phòng UBND tỉnh (CVP, các PVP);
- Lưu: VT, NNTN3, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hải

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ CHO CÔNG TÁC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CĐHH ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Kế hoạch số 1598/KH-UBND ngày 15/7/2016 của UBND tỉnh Kon Tum)

Stt

Dự án

Cơ quan chủ trì thực hiện

Mục tiêu

Nội dung

Thời gian thực hiện

Nguồn vốn

1

Nâng cấp, bổ sung Bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu việc phục hồi chức năng cho các nạn nhân chất độc hóa học tại khu vực

Sở Y tế

Xây dựng Bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum có thể phục hồi chức năng cho các nạn nhân chất độc hóa học từ đó làm mô hình điểm để nhân rộng cho địa phương

Kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng một Bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng chuyên ngành chữa trị, điều trị, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, trong đó có bộ phận giúp các nạn nhân tiếp cận tới các phương pháp chữa trị hiện đại, góp phần giảm nhẹ hậu quả về sức khỏe cho các đối tượng nạn nhân chất độc hóa học

2016-2020

NSTW, NSĐP, ODA, XHH

2

Xây dựng mô hình Trung tâm dạy nghề - bảo trợ Xã hội cho các nạn nhân chất độc hóa học tại huyện Ngọc Hồi

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Thử nghiệm mô hình Trung tâm dạy nghề kết hợp hoạt động bảo trợ Xã hội cho các nạn nhân chất độc hóa học tại huyện Ngọc Hồi, làm mô hình điểm để nhân rộng cho các huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Xây dựng thiết kế và thử nghiệm mô hình Trung tâm dạy nghề - bảo trợ Xã hội cho các nạn nhân chất độc hóa học nhằm vừa có thể tiếp nhận nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe nạn nhân, vừa tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề, các kỹ năng sống và các sinh hoạt khác, tạo điều kiện cho các nạn nhân vượt qua khó khăn, bệnh tật để lao động, sinh hoạt và hòa nhập cộng đồng

2016-2020

NSTW, NSĐP,  ODA, XHH

3

Phục hồi môi trường sản xuất nông - lâm nghiệp tại khu vực dãy núi Sạc Ly - huyện Sa Thầy

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Áp dụng các giải pháp tổng thể nhằm phục hồi môi trường sản xuất nông - lâm nghiệp tại khu vực dãy núi Sạc Ly trên địa bàn huyện Sa Thầy

Áp dụng các giải pháp phục hồi môi trường sản xuất nông - lâm nghiệp cụ thể như:

- Mô hình phục hồi môi trường trồng mới và khoanh nuôi bảo vệ rừng tại những vùng đất cao, có độ dốc lớn.

- Mô hình phục hồi môi trường vườn đồi trên diện tích đất có độ dốc trung bình, kết hợp trồng xen bắp, khoai mỳ, đậu tương, cỏ chăn nuôi bò thịt.

- Mô hình canh tác kết hợp lúa - bắp (đậu, đỗ) ở vùng đất thấp.

- Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho người dân ở các xã của vùng dự án.

2016-2020

NSTW, NSĐP, ODA, XHH

4

Nâng cấp mạng lưới quan trắc và xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về tồn lưu dioxin trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Sở Tài nguyên và Môi trường

Nâng cấp mạng lưới quan trắc và xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về tồn lưu dioxin trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020

Bổ sung các điểm quan trắc phân tích dioxin/thuốc bảo vệ thực vật vào mạng lưới quan trắc, đầu tư thiết bị sắc ký khí phân tích thuốc bảo vệ thực vật gốc clo hữu cơ, thu thập số liệu phân tích nồng độ dioxin còn tồn lưu tại các vùng phun rải chất độc hóa học và xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về tồn lưu dioxin trên địa bàn tỉnh Kon Tum

2016-2020

NSTW, NSĐP, ODA, XHH

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1598/KH-UBND năm 2016 về khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành

  • Số hiệu: 1598/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 15/07/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Hữu Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản