Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1570/KH-UBND

Hải Dương, ngày 02 tháng 05 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2024

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chủ động phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bùng phát và chủ động ứng phó với các loại dịch bệnh truyền nhiễm; giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tiếp tục giữ vững thành quả loại trừ sốt rét; duy trì tỷ lệ bệnh nhân mắc sốt rét ở mức dưới 0,5/100.000 dân; 100% các trường hợp sốt rét đều được điều tra, giám sát và điều trị kịp thời; không có trường hợp tử vong do sốt rét gây ra.

- Giảm 10% tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết/100.000 dân so với năm 2023; phấn đấu không có trường hợp tử vong; tỷ lệ ca lâm sàng được xét nghiệm định tuýp vi rút đạt khoảng 3%; 100% các ổ dịch được giám sát các chỉ số véc tơ hoặc duy trì giám sát véc tơ thường xuyên đạt tối thiểu 110 điểm trên địa bàn toàn tỉnh.

- Kiểm soát tỷ lệ mắc bệnh sởi/rubella ≤ 5/100.000 dân. Đạt chỉ tiêu điều tra lấy mẫu giám sát 95 trường hợp sốt phát ban dạng sởi theo đúng quy định. Kiểm soát tỷ lệ mắc bệnh tay chân miệng < 100/100.000 dân, không để xảy ra trường hợp tử vong.

- Nâng cao năng lực dự báo tình hình dịch, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống các bệnh, dịch đang có diễn biến phức tạp, có khả năng xâm nhập vào các địa phương trong tỉnh, như: Cúm A (H7N9, H5N1, H5N6, H9N2), bệnh dại, ho gà, bạch hầu, đậu mùa khỉ,… đảm bảo 100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, không để bùng phát trong cộng đồng, cơ sở y tế.

- 100% các bệnh truyền nhiễm có vắc xin dự phòng khác và các bệnh thủy đậu, tả, viêm não Nhật bản B, đau mắt đỏ,… được phát hiện và xử trí kịp thời.

- 100% cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế để tiếp nhận chăm sóc, điều trị cho người bệnh theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật. 100% cán bộ y tế làm việc tại các khoa/phòng tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh truyền nhiễm được đào tạo liên tục về kiểm soát nhiễm khuẩn, dự phòng, chăm sóc, điều trị cho người mắc bệnh truyền nhiễm.

- 100% các cơ sở y tế dự phòng được trang bị các trang thiết bị, hóa chất, vật tư phòng chống dịch, sẵn sàng đáp ứng với tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

- 100% cán bộ tham gia Đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các sự kiện y tế công cộng các tuyến được đào tạo, tập huấn về chuyên môn kỹ thuật. 100% các cán bộ thực hiện xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét tại các đơn vị y tế dự phòng được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

- 100% các Trung tâm Y tế tuyến huyện và trên 80% các Trạm Y tế tuyến xã được giám sát, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật theo đúng quy định. 100% cơ sở y tế thực hiện báo cáo ca bệnh truyền nhiễm trên hệ thống khai báo dịch bệnh truyền nhiễm.

II. NỘI DUNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tổ chức, chỉ đạo, điều hành

- Tiếp tục phổ biến, quán triệt triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm với nguyên tắc: 1) Lấy phòng bệnh là chính trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; 2) Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; 3) Lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; 4) Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch; 5) Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch.

- Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục tham mưu triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu; sơ cấp cứu, khám chữa bệnh; quản lý sức khoẻ cá nhân và bệnh không lây nhiễm; phòng, chống dịch bệnh và nâng cao sức khoẻ Nhân dân thông qua các chương trình y tế công cộng, công tác dân số, tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ thường xuyên ngay tại cộng đồng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Thường xuyên tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh".

- Kịp thời kiện toàn và nâng cao năng lực của các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người cấp huyện, cấp xã để nâng cao chất lượng, hiệu quả, chủ động triển khai ứng phó với dịch bệnh tại địa phương. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp.

- Lãnh đạo các địa phương theo phân cấp quản lý và các quy định hiện hành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương phối hợp với ngành y tế kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh có khả năng lây lan nhanh, khó kiểm soát, như: sốt xuất huyết, sởi/rubella, đau mắt đỏ,…Tổ chức ra quân đồng loạt nhiều chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun khử khuẩn tại cộng đồng; tổng vệ sinh môi trường, thu dọn rác thải tại các khu dân cư, khu vực công cộng, các tuyến đường; đồng thời, kiểm tra xử lý nghiêm hành vi đổ rác thải, phế thải không đúng nơi quy định. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh; củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống dịch các tuyến. Bố trí kinh phí mua hóa chất cho các Trạm Y tế tuyến xã để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại địa phương.

- Đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cơ sở theo hướng chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khoẻ, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật. Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế hoạt động trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở; tiếp tục thực hiện sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế tuyến huyện theo đúng quy định hiện hành.

- Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở; có chính sách đào tạo phối hợp linh hoạt các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Khẩn trương tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc luân phiên, luân chuyển, điều động nhân lực y tế để hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở. Kịp thời thanh toán các chi phí có liên quan cho người tham gia các hoạt động phòng, chống dịch theo đúng quy định hiện hành.

- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, như: 1) Vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục, các trường học; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; 2) Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ở dịch phát sinh ở động vật và công tác phòng, chống dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người; tuyên truyền các biện pháp phòng tránh bệnh truyền lây qua thực phẩm có nguồn gốc động vật không an toàn sang người.

2. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe

- Mở rộng và đa dạng hoá các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khoẻ, phổ biến kiến thức để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ. Đẩy mạnh phong trào rèn luyện, nâng cao sức khoẻ toàn dân.

- Tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe, thực hành lối sống lành mạnh, duy trì thực hiện thông điệp 2K (khẩu trang - khử khuẩn) thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi cá nhân và hoạt động vệ sinh môi trường thành nề nếp trong sinh hoạt cộng đồng để tiêu diệt tác nhân gây bệnh.

- Truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về tiêm chủng mở rộng và lợi ích của tiêm chủng trong phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin phòng bệnh; khuyến khích, vận động người dân chủ động tham gia tiêm chủng và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

- Tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông đặc thù với từng dịch bệnh truyền nhiễm; tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo mùa, các kỳ lễ hội, các sự kiện lớn của tỉnh; các chiến dịch truyền thông tuyên truyền phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân và các chiến dịch truyền thông hưởng ứng các ngày phòng, chống dịch bệnh, như: Ngày thế giới phòng chống sốt rét (ngày 25/4); Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (ngày 15/6); Ngày thế giới phòng chống dại (28/9); Ngày thế giới phòng, chống dịch bệnh (27/12)...

3. Các giải pháp chuyên môn kỹ thuật

3.1. Đảm bảo triển khai các hoạt động dự phòng theo đúng quy định

a) Công tác dự phòng, giám sát, kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm

- Chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo tình hình dịch; chuẩn bị phương án, kịch bản ứng phó với các cấp độ dịch và thực hiện hiệu quả mục tiêu ngăn chặn nguồn lây xâm nhập từ bên ngoài và phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch từ bên trong.

- Thường xuyên tổ chức đào tạo, tự đào tạo tại các cơ sở y tế để triển khai các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, dự phòng, chăm sóc và điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm

- Tăng cường triển khai giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 17/2019/TT-BYT ngày 17/7/2019 của Bộ Y tế về hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

- Tăng cường công tác phối hợp với các Viện, các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế trong việc giám sát chặt di biến động chủng loại, mật độ...véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết, sốt rét.

- Kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống viêm gan vi rút, đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm có cùng đường lây truyền giống HIV/AIDS cho các nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS.

b) Công tác tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm

Triển khai hoạt động tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng theo yêu cầu của Kế hoạch triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh; tăng cường kiểm tra giám sát, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và đảm bảo an toàn, hiệu quả trong thực hành tiêm chủng. Khuyến khích người dân tự nguyện sử dụng vắc xin dịch vụ để chủ động phòng chống phòng một số bệnh truyền nhiễm phổ biến thường gặp. Triển khai rà soát, chuẩn bị bổ sung vắc xin vào Chương trình tiêm chủng mở rộng theo lộ trình hướng dẫn của Bộ Y tế.

c) Công tác xét nghiệm và an toàn sinh học

- Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo triển khai đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực xét nghiệm chẩn đoán sớm một số bệnh truyền nhiễm thông thường tại tất cả các tuyến, đồng thời chỉ đạo các cơ sở y tế đảm bảo nâng cao chất lượng xét nghiệm và tự đánh giá, công bố mức chất lượng xét nghiệm theo Quyết định số 2429/QĐ-BYT ngày 12/6/2017 của Bộ Y tế về ban hành tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở y tế dự phòng đảm bảo việc triển khai các xét nghiệm theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là các xét nghiệm phát hiện sớm các dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương.

- Tiếp tục thực hiện việc rà soát các cơ sở xét nghiệm tiếp xúc với vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người, các mẫu bệnh phẩm có khả năng chứa vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức kiểm tra, thanh tra cơ sở xét nghiệm tự công bố đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học có thời hạn từ 3 năm trở lên; tiến hành xử lý hoặc kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý đối với các cơ sở không đảm bảo đúng quy định về an toàn sinh học theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 4177/BYT-DP ngày 04/7/2023 về việc triển khai quy định về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm.

- Kịp thời hướng dẫn tổ chức thực hiện việc quản lý mẫu bệnh phẩm có chứa hoặc có khả năng chưa các tác nhân gây bệnh cho người, các chủng vi sinh vật gây bệnh cho người theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

3.2. Công tác khám bệnh, chữa bệnh

- Tiếp tục chỉ đạo xây dựng, triển khai và giám sát thực hiện các quy định, hướng dẫn, quy trình chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi sinh vật gây bệnh cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng trong quá trình cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế. Thường xuyên đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế[1].

- Thực hiện hiệu quả việc phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh đối với người nghi nhiễm, người nhiễm bệnh truyền nhiễm,... trong đó cần quan tâm đặc biệt đối với các nhóm nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, người già và trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

- Tăng cường năng lực cho cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến, tổ chức phân tuyến điều trị, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tổ chức các đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ tuyến dưới. Tăng cường năng lực hồi sức tích cực cho các tuyến đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều trị theo các cấp độ, diễn biến tình hình dịch có thể xảy ra.

3.3. Công tác giám sát, xử lý và đáp ứng với dịch bệnh truyền nhiễm

- Thường xuyên thành lập, kiện toàn Đội đáp ứng nhanh các cấp trong đó nòng cốt là cán bộ y tế trên nguyên tắc Đội đáp ứng nhanh tuyến trên chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật cho Đội đáp ứng nhanh tuyến dưới. Bố trí kinh phí, trang thiết bị dụng cụ bảo hộ cá nhân, vật tư, hóa chất, sinh phẩm vắc xin và thuốc thiết yếu để đảm bảo các điều kiện vận hành Đội đáp ứng nhanh. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho các thành viên Đội đáp ứng nhanh để triển khai thực hiện trong mọi tình huống có thể xảy ra. Tùy theo diễn biến, quy mô dịch bệnh xảy ra tại địa phương để kích hoạt và vận hành Đội đáp ứng nhanh theo đúng quy định tại Quyết định số 5894/QĐ-BYT ngày 19/12/2019 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn thiết lập và vận hành đội đáp ứng nhanh".

- Các địa phương nghiên cứu thành lập, triển khai hoạt động của Tổ phòng, chống dịch cộng đồng trên cơ sở nòng cốt là thành viên của Tổ Covid cộng đồng để tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tiêm chủng đầy đủ; ăn uống khoa học, hợp vệ sinh; tăng cường vận động, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao,…góp phần phòng, chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe.

- Đảm bảo triển khai các biện pháp giám sát dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó tập trung giám sát các đối tượng truyền nhiễm là người mắc bệnh, người mang mầm bệnh, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm và các ổ chứa, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm.

- Đẩy mạnh hoạt động đánh giá, dự báo nguy cơ dịch bệnh và nghiêm túc triển khai các biện pháp điều tra, xử lý ổ dịch, phân cấp, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định tại Thông tư số 17/2019/TT-BYT ngày 17/7/2019 của Bộ Y tế về Hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh dịch truyền nhiễm, trong đó nêu cao vai trò, trách nhiệm của Trạm Y tế tuyến xã, Trung tâm Y tế tuyến huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trong việc tham mưu, triển khai các hoạt động đáp ứng phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn theo phân cấp quản lý (Có hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục đính kèm).

4. Công tác phối hợp liên ngành và với các địa phương

Các sở, ngành, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; bệnh truyền lây từ động vật sang người; phòng, chống buôn lậu gia cầm, gia súc, các sản phẩm từ gia cầm, gia súc không rõ nguồn gốc xuất xứ; triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục, các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

5. Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

Các sở, ban, ngành và địa phương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao đảm bảo xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch bệnh tại địa bàn và lĩnh vực phụ trách; kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo đúng phân cấp quản lý và quy định hiện hành.

III. KINH PHÍ DỰ KIẾN

Nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành; huy động nguồn xã hội hóa, nguồn tài trợ, viện trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định hiện hành

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch nguy hiểm ở người của tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức triển khai và báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này theo đúng quy định hiện hành.

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định nội dung, định mức chi các bệnh truyền nhiễm sử dụng ngân sách địa phương theo quy định tại Thông tư số 33/TT-BYT ngày 31/12/2023 của Bộ Y tế qui định danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B được ưu tiên bố trí ngân sách cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

- Đẩy mạnh phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân; tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về thực hành vệ sinh cá nhân, sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh. Hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch, quản lý chất thải y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng, y tế và kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc chấp hành các quy định của pháp luật trong cơ sở y tế.

- Hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm cho cộng đồng, truyền thông về an toàn thực phẩm; chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm; tăng cường công tác giám sát nguy cơ ngộ độc thực phẩm; điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm ở địa phương.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị y tế thành lập, kiện toàn Đội đáp ứng nhanh các cấp và xây dựng quy trình xử lý ổ dịch; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; đảm bảo tổ chức mua sắm, đấu thầu các trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, theo đúng quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tăng cường triển khai giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; chủ động theo dõi, giám sát tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan rộng, bùng phát kéo dài tại cộng đồng; tiếp tục tổ chức tiêm chủng đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả; thực hiện báo cáo ca bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định.

- Tổ chức phân luồng, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác, thu dung bệnh nhân, hồi sức cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

- Củng cố, kiện toàn và tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các lực lượng phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Chỉ đạo các đơn vị y tế đảm bảo thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các ngành liên quan, rà soát dữ liệu tiêm chủng; tổ chức tiêm chủng HPV theo hướng dẫn của Bộ Y tế; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên người, bệnh truyền lây từ động vật hoặc các sản phẩm từ động vật sang người, phòng chống sử dụng các sản phẩm từ gia cầm, gia súc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này và việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng tại các địa phương, đơn vị; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

2. Sở Tài chính

Căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành, trên cơ sở kế hoạch và dự toán chi tiết do Sở Y tế, các cơ quan đơn vị liên quan tổng hợp, xây dựng, thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện Kế hoạch này.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không sử dụng thức ăn từ sản phẩm động vật chưa qua nấu chín; cẩn trọng với việc chế biến, sử dụng thịt, sữa, sản phẩm động vật nhằm tránh lây nhiễm chéo, đảm bảo an toàn thực phẩm; hướng dẫn những người làm việc tại cơ sở giết mổ động vật, nhân viên thú y và người có tiếp xúc với động vật, sản phẩm động vật phải áp dụng các biện pháp vệ sinh cá nhân, bao gồm việc rửa tay sau khi tiếp xúc với động vật và sản phẩm động vật, mang đồ bảo hộ cá nhân khi tiếp xúc với động vật và sản phẩm động vật sống, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng thiết bị dụng cụ,...

- Phối hợp với Sở Y tế đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người như: bệnh dại, bệnh cúm gia cầm, bệnh liên cầu lợn,... Tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh ở động vật có nguy cơ lây nhiễm sang người, không để dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người và lây lan ra diện rộng.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo về công tác phòng, chống dịch bệnh trong các cấp học; tập huấn nâng cao kiến thức phòng, chống dịch cho cán bộ quản lý, giáo viên trong ngành; tiếp tục phối hợp với Sở Y tế triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 1691/KH-UBND ngày 14/6/2022 của UBND tỉnh về thực hiện “Chương trình y tế trường học trong cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2022 - 2025” trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế phát hiện sớm học sinh, sinh viên mắc bệnh dịch trong trường học, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân; tổ chức tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức phòng bệnh sởi, tay chân miệng, bệnh dại, bệnh cúm,… vệ sinh cá nhân, vệ sinh lớp học vào các buổi học ngoại khóa. Tuyên truyền cho học sinh, sinh viên về dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch trong nhà trường; khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng; phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh trên bảng tin của các trường học; cung cấp kịp thời thông tin về trường hợp học sinh mắc bệnh trong trường học cho ngành y tế để phối hợp xử lý. Phối hợp với các đơn vị trong ngành y tế triển khai tiêm chủng vắc xin phòng bệnh theo đúng quy định.

5. Sở Công thương

Phối hợp với Cục Quản lý thị trường - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, ngừa, ngăn chặn, vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, thực phẩm không đảm bảo an toàn.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với ngành y tế tăng cường thời lượng phát tin bài truyền thông giáo dục sức khỏe, nêu cách làm hay, những kiến thức phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả để mọi người dân biết, có ý thức tự giác phòng tránh dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

7. Công an tỉnh

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường... tại các huyện, thị xã, thành phố và xử lý vi phạm theo đúng quy định hiện hành.

8. Sở Tài nguyên và môi trường

Đẩy mạnh công tác tham mưu cho UBND tỉnh trong việc triển khai có hiệu quả Luật và các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn tổ chức, cá nhân trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải để phòng tránh dịch bệnh và an toàn môi trường; đảm bảo triển khai thực hiện Luật bảo vệ môi trường theo đúng nguyên tắc "bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành".

9. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, BQL các Khu công nghiệp tỉnh

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh theo phân cấp quản lý; Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo điều kiện sinh hoạt, ăn uống, nâng cao thể trạng của người lao động; kịp thời phát hiện, thông báo các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh truyền nhiễm cho y tế cơ quan hoặc cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp với chính quyền địa phương và ngành y tế tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định.

10. Các sở, ban, ngành khác

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm cho các đơn vị trực thuộc.

- Tăng cường vai trò của các Hội, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương trong việc phát động phong trào; chủ động tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; vệ sinh môi trường; tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy; gương mẫu, đi đầu trong việc tiêm và vận động người thân, gia đình tiêm vắc xin phòng cho các đối tượng theo quy định... Tích cực tham gia hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân để góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh tại đơn vị và cộng đồng.

11. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Khẩn trương chỉ đạo, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người cấp huyện, cấp xã. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

- Chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch, bố trí nguồn lực phù hợp với thực tiễn địa phương và diễn biến tình hình, đảm bảo chủ động, linh hoạt, nhanh, hiệu quả trong điều hành và tổ chức phòng, chống dịch. Tiếp tục duy trì và phát huy thành quả đã đạt được trong công tác phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua, trong đó tiếp tục xác định đội ngũ cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách của chính quyền cơ sở cùng với nhân viên y tế là nòng cốt của lực lượng tuyến đầu chống dịch.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tại địa phương bằng nhiều hình thức linh hoạt và tăng cường thực hiện thông qua các tổ nhân dân tự quản, các hội, ban, ngành, đoàn thể cùng với chính quyền địa phương phát huy tính tích cực, tự giác cao, thực hiện tốt phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", trong trường hợp cần thiết tổ chức thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tuyên truyền, hướng dẫn những thông tin thiết thực cho người dân biết và tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

- Phát động và duy trì thường xuyên việc tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, khử khuẩn, diệt lăng quăng/bọ gậy,... thành nề nếp, thói quen với sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng và xã hội, tạo thành phong trào rộng rãi làm thay đổi hành vi từng cá nhân, hộ gia đình theo từng thôn, xóm, khu dân cư, cơ sở giáo dục, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các điểm có nguy cơ để phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết.

- Chỉ đạo việc triển khai công tác thanh kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và xử lý vi phạm theo phân cấp quản lý.

Trên đây là Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy; (để b/c)
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Các cơ sở y tế trong tỉnh (do SYT chuyển gửi);
- Lưu: VT, KGVX, Ph(05).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Hùng

 



[1] Các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế, gồm: Quyết định số 2761/QĐ-BYT ngày 26/6/2023 về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19; Quyết định số 2795/QĐ-BYT ngày 24/7/2023về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 trẻ em; Quyết định số 2760/QĐ-BYT ngày 04/7/2023 về Hướng dẫn chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết Dengue; Quyết định số 2760/QĐ-BYT ngày 10/7/2020 về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Bạch hầu; Quyết định số 2099/QĐ-BYT ngày 29/7/2022 về Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đầu mùa khỉ; Quyết định số 292/QĐ-BYT ngày 06/02/2024 về Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh tay chân miệng. Thông tư số 16/2018/TT-BYT ngày 20/7/2018 của Bộ Y tế quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1570/KH-UBND phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 do tỉnh Hải Dương ban hành

  • Số hiệu: 1570/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 02/05/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Nguyễn Minh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/05/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản