Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 157/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 02 tháng 05 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021-2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Thực hiện Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; gắn với việc tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp, người dân và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế của cơ quan, đơn vị.

2. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, khả thi, từng bước chuyên nghiệp và mang tính bền vững; đảm bảo đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp.

3. Tăng cường phối hợp giữa các Sở, ban, ngành Tỉnh với Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh và các tổ chức cung ứng dịch vụ pháp lý trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đồng hành với doanh nghiệp, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

a) Phát huy các kết quả đã đạt được trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; kịp thời khắc phục các vướng mắc, bất cập, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Tiếp tục đổi mới toàn diện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành; huy động các nguồn lực xã hội; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

c) Triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phấn đấu 100% quy định pháp luật về doanh nghiệp, về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được thông tin kịp thời, đầy đủ đến doanh nghiệp; tăng cường tổ chức tuyên truyền, tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

b) Đảm bảo 100% doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý khi có đề xuất hoặc yêu cầu giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý cho doanh nghiệp.

c) Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

d) Xây dựng và duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, địa phương với Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thúc đẩy xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện khung pháp lý về tăng cường hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

a) Tham gia góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: các sở, ban, ngành; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh; Liên minh Hợp tác xã Tỉnh; Đoàn Luật sư Tỉnh; Hội Luật gia Tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: khi có yêu cầu của Bộ Tư pháp.

b) Rà soát, tham mưu trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉnh sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 558/QĐ-UBND-HC ngày 27 tháng 5 năm 2022 về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022-2025.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: các sở, ban, ngành; đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh; Liên minh Hợp tác xã Tỉnh; Đoàn Luật sư Tỉnh; Hội Luật gia Tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: sau khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.

c) Rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp.

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh; Liên minh Hợp tác xã Tỉnh; Đoàn Luật sư Tỉnh; Hội Luật gia Tỉnh.

- Thời gian thực hiện: hằng năm (từ năm 2024 đến năm 2030).

d) Nghiên cứu kinh nghiệm các tỉnh làm tốt công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp (nghiên cứu, khảo sát, trao đổi qua các hình thức trực tuyến; tổ chức đoàn công tác đi khảo sát, học tập kinh nghiệm trực tiếp về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp).

- Cơ quan chủ trì: các sở, ban, ngành theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: Sở Tư pháp; Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh; Liên minh Hợp tác xã Tỉnh; Đoàn Luật sư Tỉnh; Hội Luật gia Tỉnh.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2024 đến năm 2025.

2. Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương; người làm công tác pháp chế, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật

a) Tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cho người làm công tác pháp chế, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm trong triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư Tỉnh, Hội Luật gia Tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh; Liên minh Hợp tác xã Tỉnh

- Thời gian thực hiện: từ năm 2024 đến năm 2027.

b) Tăng cường phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương và Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh, Liên minh Hợp tác xã Tỉnh, Đoàn Luật sư Tỉnh, Hội Luật gia Tỉnh trong các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Cơ quan chủ trì: các sở, ban, ngành theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh, Đoàn Luật sư Tỉnh, Liên minh Hợp tác xã Tỉnh, Hội Luật gia Tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: hằng năm (từ năm 2024 đến năm 2030).

c) Đổi mới cách thức tiếp cận và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như: xây dựng chuyên mục Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử của Tỉnh/Trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, địa phương nhằm tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và giải đáp kịp thời thắc mắc, khó khăn của doanh nghiệp về pháp lý; đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tiếp cận qua mạng xã hội, các kênh truyền thông, báo chí, đường dây nóng, email… Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn người làm công tác hỗ trợ, pháp lý, đổi mới cách thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Cơ quan chủ trì: các sở, ban, ngành theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, các Sở: Tư pháp, Thông tin và Truyền thông.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2024 đến năm 2027.

d) Triển khai các hoạt động truyền thông phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá đối với các chương trình, sản phẩm, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các sở, ban, ngành, địa phương.

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh, Liên minh Hợp tác xã Tỉnh, Đoàn Luật sư Tỉnh, Hội Luật gia Tỉnh.

- Thời gian thực hiện: hằng năm (từ năm 2024 đến năm 2030).

đ) Lồng ghép hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với thúc đẩy doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.

- Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh, Liên minh Hợp tác xã Tỉnh, Đoàn Luật sư Tỉnh, Hội Luật gia Tỉnh.

- Thời gian thực hiện: sau khi Bộ Tư pháp ban hành các Đề án: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”, “Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” và “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”.

3. Triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

a) Tổ chức đối thoại giữa Ủy ban nhân dân Tỉnh với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

- Cơ quan chủ trì: các sở, ban, ngành theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành; UBND các huyện, thành phố.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh, Liên minh Hợp tác xã Tỉnh, Đoàn Luật sư Tỉnh, Hội Luật gia Tỉnh.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2024 đến năm 2030.

b) Tăng cường xã hội hóa hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; khuyến khích các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia hỗ trợ, triển khai Đề án, Chương trình, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: các sở, ban, ngành; Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh, Đoàn Luật sư Tỉnh, Hội Luật gia Tỉnh và Liên minh Hợp tác xã Tỉnh.

- Thời gian thực hiện: hằng năm (từ năm 2024 đến năm 2030).

c) Đánh giá, kiểm tra, khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

- Cơ quan, tổ chức phối hợp: Sở Nội vụ; các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh, Đoàn Luật sư Tỉnh, Hội Luật gia Tỉnh và Liên minh Hợp tác xã Tỉnh

- Thời gian thực hiện: hằng năm (từ năm 2024 đến năm 2030).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công trách nhiệm

a) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

b) Các Sở, ban, ngành tỉnh; Đoàn Luật sư Tỉnh; Hội Luật gia Tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh, Liên minh Hợp tác xã Tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức thực hiện, hỗ trợ các hoạt động của Kế hoạch trong phạm vi, lĩnh vực mình quản lý.

2. Kinh phí thực hiện

a) Kinh phí thực hiện Kế hoạch được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp hằng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định pháp luật hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có); việc sử dụng các nguồn kinh phí phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

b) Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện Kế hoạch theo quy định.

3 Chế độ báo cáo

Các Sở, ban, ngành Tỉnh; Đoàn Luật sư Tỉnh; Hội Luật gia Tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh; Liên minh Hợp tác xã Tỉnh và UBND các huyện, thành phố báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân Tỉnh (qua Sở Tư pháp) trước ngày 15 tháng 12 hằng năm để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này, có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế - BTP;
- Văn phòng BTP tại TPHCM;
- TT/TU;
- TT/HĐND Tỉnh;
- CT, các PCT/UBND Tỉnh;
- Toà án nhân dân Tỉnh;
- Ban Quản lý Khu kinh tế Tỉnh;
- Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp;
- Hiệp hội Doanh nghiệp Tỉnh;
- Liên minh HTX Tỉnh;
- Hội Luật gia Tỉnh, Đoàn Luật sư Tỉnh;
- Báo Đồng Tháp, Đài PT-TH Đồng Tháp;
- Cổng thông tin điện tử Tỉnh;
- Lưu: VT, NC/NCPC (H.Phương)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Phạm Thiện Nghĩa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 157/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

  • Số hiệu: 157/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 02/05/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Phạm Thiện Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản