Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 154/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 01 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

KIỂM KÊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Căn cứ Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Thực hiện Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025;

Thực hiện Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30 tháng 6 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định việc kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

Để đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025 với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhận diện, xác định giá trị, lập danh mục và từng bước tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm kê là cơ sở để đánh giá thực trạng di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, xác định những di sản văn hóa phi vật thể thể hiện bản sắc cộng đồng địa phương để lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng đương đại. Từ đó, tham mưu kế hoạch, đề án, dự án bảo vệ, phát huy, khai thác hiệu quả các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch Ninh Bình.

- Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về giá trị di sản văn hóa phi vật thể; khuyến khích cộng đồng cam kết bảo vệ di sản; góp phần bảo vệ, lưu giữ di sản; phát huy tính sáng tạo, tính tự tôn của cộng đồng dân cư và cá nhân chủ thể đang nắm giữ, thực hành di sản văn hóa phi vật thể.

- Danh mục kiểm kê tạo cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch cụ thể đối với từng di sản văn hóa phi vật thể nhằm bảo vệ và phát huy giá trị trong đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

2. Yêu cầu

- Nhận diện, đánh giá được thực trạng các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đặt mối quan hệ của các di sản văn hóa phi vật thể trong điều kiện hoàn cảnh mới.

- Công tác kiểm kê phải được thực hiện đúng quy trình, thông tin thu thập phải chính xác, trung thực, đúng đối tượng và được thể hiện đúng theo các mẫu phiếu kiểm kê. Hồ sơ kiểm kê phải thống nhất, khoa học, được lưu trữ tại các cơ quan theo đúng quy định.

- Quá trình kiểm kê có sự tham gia của các nhà quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là các nghệ nhân, cộng đồng, những chủ thể văn hóa, người nắm giữ và đang thực hành di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương.

- Căn cứ vào kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu cho UBND tỉnh có những giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

- Đề xuất được các di sản văn hóa phi vật thể và lộ trình lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI KIỂM KÊ

1. Đối tượng kiểm kê

Căn cứ vào hệ thống những di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương, tiếp tục triển khai công tác kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể theo Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và điều kiện thực tế của tỉnh, tập trung kiểm kê những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và ưu tiên kiểm kê di sản có nguy cơ mai một trên địa bàn tỉnh, cụ thể gồm 07 đối tượng theo quy định của Thông tư:

1.1. Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam.

1.2. Ngữ văn dân gian, bao gồm sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết.

1.3. Nghệ thuật trình diễn dân gian, bao gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác.

1.4. Tập quán xã hội, bao gồm luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác.

1.5. Lễ hội truyền thống.

1.6. Nghề thủ công truyền thống.

1.7. Tri thức dân gian, bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác.

2. Phạm vi kiểm kê

Công tác kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện trên địa bàn các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

III. NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP, QUY TRÌNH KIỂM KÊ

1. Nội dung kiểm kê

Đối với các di sản trong quá trình kiểm kê cần làm sáng tỏ những nội dung sau:

1.1. Xác định được tên gọi của di sản (tên thường gọi và tên gọi khác nếu có).

1.2. Xác định được loại hình của di sản (06 loại hình đã được xác định nêu trên). Trường hợp di sản văn hóa phi vật thể thuộc nhiều loại hình thì xác định đầy đủ các loại hình có liên quan.

1.3. Xác định rõ địa điểm có di sản: Xác định địa danh nơi di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại. Trường hợp di sản văn hóa phi vật thể tồn tại ở nhiều địa điểm trong tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi cụ thể đến cấp phường, xã, thị trấn.

1.4. Xác định chủ thể của di sản

+ Trường hợp chủ thể là một cá nhân: Xác định rõ họ và tên, tuổi, dân tộc, nghề nghiệp, địa chỉ và những thông tin liên quan đến quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể.

+ Trường hợp chủ thể văn hóa là cộng đồng, nhóm người: Xác định tên thường gọi của cộng đồng, nhóm người và thông tin về những người đại diện cho cộng đồng, nhóm người đó. Thông tin về những người đại diện cần xác định như chủ thể là cá nhân.

1.5. Miêu tả di sản

+ Quá trình ra đời, tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể.

+ Hình thức biểu hiện, quy trình thực hành, công trình kiến trúc, hiện vật và không gian văn hóa liên quan cùng với các sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể.

1.6. Đánh giá giá trị của di sản: cần xác định được giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng hiện nay.

1.7. Xác định hiện trạng di sản (đánh giá sức sống của di sản, khả năng duy trì, nguy cơ, nguyên nhân mai một của di sản).

1.8. Các biện pháp bảo vệ (đề xuất các biện pháp, dự án đã và đang thực hiện bảo vệ di sản).

1.9. Tổng hợp danh mục các tài liệu có liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm các xuất bản phẩm, tư liệu khảo sát điền dã và tài liệu khác.

2. Phương pháp kiểm kê

2.1. Khảo sát điền dã, phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, chụp ảnh, quay phim để thu thập thông tin và tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể.

2.2. Phân tích, đối chiếu, so sánh, đánh giá, tổng hợp các tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể.

2.3. Lập lý lịch di sản văn hóa phi vật thể.

2.4. Lấy ý kiến cam kết của cộng đồng, cá nhân đại diện cho di sản văn hóa phi vật thể.

3. Quy trình kiểm kê

3.1. Nghiên cứu, thu thập tư liệu, thông tin hiện có liên quan đến đối tượng kiểm kê.

3.2. Tập huấn những người tham gia kiểm kê.

3.3. Khảo sát điền dã, thu thập tư liệu, thông tin về đối tượng kiểm kê theo nội dung kiểm kê.

3.4. Lập phiếu kiểm kê, danh mục kiểm kê (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL).

3.5. Tổng hợp, đánh giá, báo cáo kết quả kiểm kê sơ bộ và thông báo đến từng địa phương cơ sở.

3.6. Lập hồ sơ kiểm kê.

Trong quá trình kiểm kê, khi phát hiện di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Sở Văn hóa và Thể thao báo cáo, trình Ủy ban nhân dân tỉnh có biện pháp chỉ đạo bảo vệ kịp thời.

4. Hồ sơ kiểm kê

4.1. Báo cáo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2023.

4.2. Phiếu kiểm kê.

4.3. Danh mục kiểm kê.

4.4. Băng ghi âm, ghi hình, ảnh, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ.

4.5. Nhật ký khảo sát điền dã và các tài liệu khác có liên quan.

Hồ sơ kiểm kê được lưu giữ tại Sở Văn hóa và Thể thao.

IV. THỜI GIAN VÀ TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ

1. Năm 2021

Xây dựng và ban hành Kế hoạch Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025.

2. Năm 2022

- Thu thập tư liệu, thông tin về đối tượng kiểm kê hiện đang lưu giữ tại các thư viện, trung tâm nghiên cứu ở trung ương và địa phương từ trước đến nay.

- Xây dựng phương án điều tra, bao gồm: xây dựng đề cương tổng quát, đề cương chi tiết và lập hệ thống phiếu mẫu phục vụ kiểm kê.

- Tổ chức các hội thảo, hội nghị liên quan, bao gồm: Hội nghị triển khai nhiệm vụ, hội thảo xin ý kiến chuyên gia về tổ chức thực hiện, hội nghị thẩm định phương án kiểm kê, hội nghị nghiệm thu nội dung phiếu kiểm kê.

- Mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho những người tham gia kiểm kê.

- Tổ chức các nhóm chuyên gia và cán bộ thực hiện công tác điền dã thực địa tại 08 huyện, thành phố để thu thập thông tin từ các cá nhân và các tổ chức về các di sản văn hóa phi vật thể hiện còn tồn tại trên địa bàn, lập danh mục kiểm kê đối với các di sản văn hóa phi vật thể còn tồn tại.

- Thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát tiến độ và chất lượng công tác kiểm kê.

3. Năm 2023

- Trên cơ sở kết quả điền dã, kiểm kê thực tế, tổ chức viết các báo cáo, hoàn thiện sản phẩm kết quả kiểm kê.

- Tổ chức hội nghị Hội đồng nghiệm thu và Hội nghị tổng kết công bố kết quả kiểm kê.

- Lập hồ sơ kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh.

- Ban hành Quyết định công bố kết quả kiểm kê tổng thể về di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2023.

4. Năm 2024

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, lựa chọn các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền để thực hiện kiểm kê chuyên sâu theo loại hình.

- Thực hiện kiểm kê chuyên sâu theo loại hình đối với các di sản tiêu biểu thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian và lễ hội truyền thống.

5. Năm 2025

- Kiểm kê chuyên sâu theo loại hình đối với các di sản tiêu biểu thuộc các loại hình di sản truyền khẩu, tập quán xã hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian.

- Xây dựng báo cáo kết quả kiểm kê loại hình đối với các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh.

- Đề xuất một số dự án bảo tồn, phát huy giá trị đối với các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu hoặc có nguy cơ thất truyền.

V. KINH PHÍ

- Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; lồng ghép với các chương trình, kế hoạch khác có liên quan; các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

- Căn cứ nội dung triển khai cụ thể từng năm, Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng dự toán kinh phí thực hiện, gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa và Thể thao

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ:

- Xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện kiểm kê đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đề ra.

- Tổng hợp, xây dựng hồ sơ kiểm kê và tham mưu UBND tỉnh ban hành Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.

- Trên cơ sở kết quả kiểm kê tổng quát, tổ chức nghiên cứu, thực hiện kiểm kê chuyên sâu theo loại hình di sản văn hóa phi vật thể, hàng năm lựa chọn các di sản tiêu biểu để lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện các dự án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.

- Tổ chức thực hiện kế hoạch, triển khai công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn đảm bảo đạt mục tiêu yêu cầu đề ra, đúng tiến độ thời gian. Báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

2. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng ngân sách, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định hiện hành.

3. Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao cung cấp thông tin, dữ liệu cần thiết trong quá trình thực hiện kiểm kê và xây dựng danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh.

4. UBND các huyện, thành phố

- Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong quá trình kiểm kê.

- Tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân, đặc biệt là những cộng đồng dân cư, những tập thể, cá nhân đang lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể hợp tác, hỗ trợ cán bộ và chuyên gia trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn.

Trên đây là Kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025, đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đạt được mục tiêu yêu cầu đề ra. Trong quá trình thực hiện, có phát sinh, vướng mắc, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh (qua Sở Văn hóa và Thể thao) xem xét giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VP6,2,5.
TN_VP6_26.KH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Quang Thìn