Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 141/KH-UBND | Hòa Bình, ngày 06 tháng 11 năm 2018 |
DỒN ĐIỀN, ĐỔI THỬA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
Căn cứ Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ ban hành quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Quyết định số 1604/QĐ-UBND, ngày 31/8/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình đến năm 2020;
Căn cứ Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 22/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình";
Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện và hướng dẫn nội dung, trình tự dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, như sau:
I. Kết quả thực hiện công tác dồn điền đổi thửa giai đoạn từ 2015-2018
1. Tình hình chung về sản xuất trồng trọt tỉnh Hòa Bình
Tổng diện tích đất trồng trọt toàn tỉnh là 88.671 ha; trong đó đất lúa là 31.423 ha, đất trồng cây hàng năm là 32.991 ha, đất trồng cây lâu năm là 24.258 ha (số liệu Thống kê 2016).
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm trên 125 nghìn ha. Diện tích cây lương thực có hạt trên 76, nghìn ha, sản lượng 36 vạn tấn (cây lúa 39 nghìn ha, năng suất bình quân trên 50 tạ/ha, sản lượng 19,94 vạn tấn; cây ngô 36 nghìn ha, năng suất 44 tạ/ha, sản lượng trên 16 vạn tấn). Một số loại cây trồng chính khác như: Cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi); diện tích trên 9 nghìn ha; Cây mía trên 8,5 nghìn ha; Cây rau gần 12 ngàn ha. Cây hàng năm khác khoảng 20-21 ngàn ha. Cây ăn quả khác (nhãn, vải, na, chuối) khoảng 4.700 ha.
Trong những năm gần đây, sản xuất trồng trọt của tỉnh có bước phát triển khá về năng suất, sản lượng; nhiều địa phương đã có những loài cây trồng được sản xuất khá tập trung mang tính sản xuất hàng hóa (cây ăn quả có múi, cây mía, cây nhãn, cây rau họ bầu bí, vv). Tuy nhiên, nhìn chung sản xuất trồng trọt hiện nay vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chi phí đầu tư cao; số thửa đất của mỗi hộ gia đình còn nhiều (7-11 thửa), diện tích nhỏ và phân tán (đặc biệt trên diện tích đất lúa, đất trồng cây hàng năm); việc cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất chưa thực hiện được hay thực hiện chưa hiệu quả, vv. Do vậy, thực hiện được tốt công tác dồn điền, đổi thửa sẽ góp phần tích cực khắc phục tình trạng sản xuất manh mún; điều kiện tốt để áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa và xây dựng cánh đồng lớn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
2. Kết quả thực hiện dồn điền, đổi thửa giai đoạn 2015-2018
2.1. Công tác lãnh đạo chỉ đạo
- Những năm qua, việc thực hiện dồn điền, đổi thửa đã được một số địa phương tổ chức thực hiện, điển hình như huyện Yên Thủy. Tuy nhiên, việc triển khai chưa đồng bộ, tính lan tỏa chưa sâu rộng. Do vậy, ngay sau khi Chỉ thị số 35-CT/TU được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, các địa phương tổ chức thực hiện, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dồn điền, đổi thửa; vận động nhân dân tự nguyện, tự giác thực hiện.
- Các địa phượng đã chú trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai xây dựng kế hoạch dồn điền đổi thửa trên địa bàn đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch nông thôn mới (huyện Yên Thủy, Tân Lạc, Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn, Cao Phong)[1];
- Một số huyện đã thành lập Ban chỉ đạo dồn điền, đổi thửa (huyện Yên Thủy, Lương Sơn); Bước đầu đã khắc phục được tình trạng manh mún về ruộng đất của các hộ dân; hình thành những vùng sản xuất tập trung, kết hợp xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, tạo điều kiện cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất…
- Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt, ban hành các quy hoạch, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trồng trọt tập trung của tỉnh[2].
- Công tác đồn điền đổi thửa đã được thể chế và triển khai thực hiện trong Đề án xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
- Đến tháng 6 năm 2018 toàn tỉnh đã dồn điền đổi thửa được 3.741,0 ha, chiếm khoảng 4,67% diện tích đất trồng trọt cả tỉnh, chủ yếu trên điện tích đất trồng lúa; số xã thực hiện dồn điền đổi thửa là 46/191 xã, chiếm 24,08%. Một số huyện đã triển khai công tác dồn điền, đổi thửa tốt như huyện Yên Thủy, Lương Sơn,...; riêng với những vùng trồng cây ăn quả có múi, cây nhãn (như Cao, Phong, Tân Lạc, Lạc Thủy, Kim Bôi,...) công tác dồn điền đổi thửa chủ yếu do nông dân đã tự gom đất, đổi đất cho nhau để hình thành những thửa ruộng, khu vườn có diện tích lớn hơn thuận lợi cho canh tác.
- Kinh phí hỗ trợ cho công tác dồn điền đổi thửa của các địa phương hiện nay được sử dụng kết hợp từ Đề án xây dựng nông thôn mới; kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Nguồn kinh phí được sử dụng chủ yếu cho công tác đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng.
- Bước đầu, việc dồn điền, đổi thửa đã có tác động tích cực đến sản xuất trồng trọt, khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, sổ thửa đất bình quân/hộ đã giảm từ 50-60% (từ 7-9 thửa/hộ giảm còn 1-3 thửa/bộ), việc tổ chức sản xuất, gieo trồng trên thửa đất mới thuận lợi, nhanh chóng, tạo động lực thúc đẩy cơ giới hóa; giảm được các chi phí nhân công như công làm đất, phòng trừ sâu bệnh, công thu hoạch sản phẩm; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới thông qua việc tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động, kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất.
- Công tác dồn điền đổi thửa tại các địa phương đã tạo thuận lợi cho hoạt động chứng nhận vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ,.... Tính đến tháng 10/2018 toàn tỉnh có 794,72ha được chứng nhận, trong đó có cây ăn quả có múi là 665,48 ha, cây rau là 70 ha, cây trồng khác 59,24 ha.
2.3. Thuận lợi, khó khăn trong công tác dồn điền đổi thửa
a) Thuận lợi
- UBND tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tập trung; Quy hoạch phát triển một số cây trồng chính của tỉnh trong đó tập trung vào một số cây trồng có thế mạnh như cây ăn quả có múi, cây mía, cây rau,....
- Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động tham mưu, xác định, lựa chọn các sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh trên thị trường để định hướng đưa vào sản xuất tại những huyện, những vùng đã được dồn điền, đổi thửa nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
- Đã có những mô hình điển hình về dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thăm quan học tập, trao đổi kinh nghiệm (Yên Thủy, Kỳ Sơn, TP Hòa Bình).
c) Khó khăn
- Diện tích đất sản xuất trồng trọt của tỉnh manh mún, nhỏ lẻ, địa hình chia cắt mạnh; bên cạnh đó tập quán canh tác của người dân vẫn mang tính tự phát, sản xuất chưa theo quy hoạch, kế hoạch của tỉnh, địa phương. Các địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác dồn điền, đổi thửa.
- Diện tích đất sản xuất đã chia và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các hộ theo từng thửa ruộng nên tạo tâm lý e ngại cho nông dân khi thực hiện.
- Là tỉnh miền núi phân hạng rất nhiều loại đất, hệ thống thủy lợi tưới tiêu không đồng bộ, hệ thống giao thông nội đồng đi lại còn khó khăn..
- Nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thấp, trong khi khả năng huy động nguồn lực trong dân không nhiều; đặc biệt kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh phí phục vụ công tác đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
c) Tồn tại, hạn chế
- Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về chủ trương dồn điền, đổi thửa của Đảng và Nhà nước.
- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền chưa sâu sát, cụ thể, thiếu quyết tâm.
- Chưa ban hành hướng dẫn, cơ chế, chính sách và bố trí kinh phí về công tác dồn điền, đổi thửa;
- Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội chưa thực sự vào cuộc tích cực; công tác tuyên truyền, vận động chưa sâu rộng nên thiếu sự đồng thuận của nhân dân.
- Cần tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu rõ lợi ích thiết thực khi thực hiện dồn điền, đổi thửa; cách thức, trình tự thực hiện trên cơ sở nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch trong quá trình thực hiện, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
- Cần có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động nông dân tự nguyện, tự giác thực hiện dồn điền, đổi thửa; đồng thời phải ban hành Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện;
- Ủy ban nhân dân các cấp cần sâu sát trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện;
- Tùy theo điều kiện đất đai, địa hình từng cơ sở, từng xứ đồng để áp dụng linh hoạt một hay nhiều hình thức dồn điền đổi thửa cho phù hợp như: “dồn điền, đổi thửa” hoặc “dồn điền nhưng không đổi thửa” hoặc “đổi thửa nhưng không dồn điền”.
- Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; phương án dồn điền, đổi thửa phải được nhân dân bàn bạc kỹ, thống nhất cao.
- Quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải đi trước một bước làm tiền đề cho công tác dồn điền đổi thửa.
- Phải hoàn chỉnh việc chỉnh lý bản đồ, hồ sơ địa chính kịp thời, đúng với thực tế khi dồn điền đổi thửa, tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cho nhân dân.
II. Kế hoạch dồn điền đổi thửa địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
Dồn điền, đổi thửa nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; tạo thuận lợi cho việc liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất; gắn việc dồn điền đổi thửa với tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; Phấn đấu đến năm 2020 có 50% số xã thực hiện dồn điền, đổi thửa; đến năm 2025 có 60% số xã hoàn thành cơ bản việc dồn điền, đổi thửa; tương ứng khoảng 18,0 % diện tích đất sản xuất nông nghiệp; số thửa ruộng bình quân/hộ sau khi dồn đổi giảm từ 7-9 thửa xuống còn 1-3 thửa; quỹ đất công ích dành cho mục đích phát triển hạ tầng, khu dân cư… được quy hoạch tập trung theo yêu cầu xây dựng nông thôn mới
- Việc dồn điền, đổi thửa thực hiện trên cơ sở tự nguyện dồn, đổi, chuyển vị trí đất nông nghiệp hiện có của hộ gia đình, cá nhân; phù hợp với các quy hoạch trong nông nghiệp, nông thôn.
- Phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp; có sự tham gia bàn bạc của người dân và phải đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, phù hợp với Luật đất đai.
- Giữ nguyên diện tích đất canh tác và ranh giới đất đai đã được phân định trước đây giữa các xã, thị trấn và các thôn, xóm trong xã, thị trấn; Chỉ dồn đổi và điều chỉnh vị trí sử dụng đất của từng hộ, tuyệt đối không được chia lại ruộng đất; Sắp xếp, bố trí quỹ đất công ích vào khu vực quy hoạch để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội.
STT | Huyện, thành phố | Diện tích đất sản xuất NN (ha) | Diện tích đất có khả năng dồn điền, đổi thửa (há) | Kế hoạch dồn điền, đổi thửa | Kết quả sau DĐĐT (ha) | ||
Năm 2019 (ha) | Năm 2020 (ha) | Đến năm 2025 (ha) | |||||
1 | Yên Thủy | 7.774,47 | 1.619,20 | 20,00 | 15,00 |
| 1.654,20 |
2 | Lạc Sơn | 9.784,00 | 6.440,00 | 703,00 | 1.036,00 | 2.800,00 | 4.756,50 |
3 | Kim Bôi | 9.087,49 | 3.062,18 | 597,00 | 471,00 | 556,00 | 3.106,46 |
4 | Lạc Thủy | 7.208,32 | 1.020,00 | 212,00 | 209,79 | 468,60 | 1.020,00 |
5 | Tân Lạc | 10.890,00 | 350,00 | 45,00 | 74,00 | 231,00 | 350,00 |
6 | Cao Phong | 5.841,19 | 1.031,85 | 440,00 |
| 591,85 | 1.031,85 |
7 | Lương Sơn | 6.323,87 | 1.400,00 | 186,00 | 186,00 | 930,00 | 1.400,00 |
8 | Kỳ Sơn | 1.217,60 | 345,70 | 31 | 96,80 | 190,90 | 314,70 |
9 | Đà Bắc | 6.485,57 | 648.60 | 50,00 | 190,00 | 408,60 | 648,60 |
10 | Mai Châu | 9.730,00 | 41,00 |
| 8,00 | 8,0 | 41,00 |
11 | TP. H.Bình | 530,35 | 165,70 | 165,70 |
|
| 165,70 |
Tổng | 80.035,30 | 16.159,23 | 2.292,00 | 2.286,59 | 6.201,95 | 14.521,61 |
* Năm 2018:
- Kiện toàn bộ máy thực hiện nhiệm vụ dồn điền, đổi thửa ở các cấp;
- Hoàn thành việc rà soát hiện trạng, phân hạng đất đến từng xứ đồng, thửa ruộng;
- Quy hoạch các khu sản xuất tập trung đến năm 2025 của xã đến từng thôn/xóm;
- Các thôn/xóm đề xuất kế hoạch thực hiện dồn điền đổi thửa phân theo năm.
- Tổng hợp đề xuất của các thôn/xóm vào kế hoạch xã và kế hoạch huyện.
* Giai đoạn 2019-2020:
- Năm 2019: Tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm công tác dồn điền, đổi thửa đã thực hiện đến năm 2018; tổ chức nhân rộng ở các xã đã đăng ký thực hiện, với diện tích 2.292 ha; xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2020;
- Năm 2020: Đánh giá, rút kinh nghiệm tại các địa phương đã triển khai thực hiện năm 2019; Thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa theo kế hoạch đã xây dựng, với diện tích 2.286,95 hạ; xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021- 2025.
* Giai đoạn 2021-2025:
Tiếp tục đánh giá, rút kinh nghiệm, tại các địa phương đã thực hiện giai đoạn 2018-2020; đồng thời triển khai thực hiện tại các địa bàn còn lại theo kế hoạch, với diện tích là 6.201,95 ha; nâng diện tích dồn điền đổi thửa toàn tỉnh sau triển khai kế hoạch là 14.355,91 ha, chiếm 18,0% diện tích đất nông nghiệp.
5. Các hình thức dồn điền, đổi thửa
* Dồn điền, đổi thửa: Là những diện tích có sự hoán đổi các thửa ruộng của các hộ trên cùng một hay nhiều xứ đồng về cùng một vị trí và trở thành cùng một ruộng. Hình thức này chủ yếu áp dụng trên những diện tích tương đối bằng phẳng, có khả năng cải tạo mặt bằng.
* Dồn điền nhưng không đổi thửa: Là hình thức các hộ dân có ruộng liền kề trong cùng một xứ đồng, cùng đặc điểm đất đai, đồng thuận phá bỏ tối đa các bờ ruộng nhỏ để hình thành những thửa ruộng lớn (ở cùng độ cao). Đây là hình thức đơn giản, không phải thay đổi địa điểm, không phải làm lại hồ sơ đất; tuy nhiên cần khâu tổ chức sản xuất tốt để phát huy hiệu quả sau dồn điền (như cấy cùng giống, cùng ngày, cùng chế độ nước, dinh dưỡng, vv) và đặc biệt thuận lợi để cơ giới hóa. Hình thức này cũng rất phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa để sản xuất hàng hóa theo hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.
* Đổi thửa nhưng không dồn điền: Hình thức này phù hợp trên chân ruộng bậc thang, đất bưa bãi, khó có thể cải tạo mặt bằng. Mục đích chính là đưa các thửa ruộng của cùng một hộ về cùng một khu để thuận lợi hơn trong canh tác cho mỗi gia đình.
Tùy điều kiện đất đai, địa hình từng cơ sở, từng xứ đồng mà có thể áp dụng một hay nhiều hình thức dồn điền, đổi thửa cho phù hợp.
6. Trình tự thực hiện dồn điền, đổi thửa
Bước 1. Chuẩn bị
- Tổ chức bộ máy: Giao nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia (tại cấp tỉnh); Ban chỉ đạo chương trình xây dựng Nông thôn mới (tại cấp huyện, xã); Ban dồn điền đổi thửa (tại cấp thôn/ xóm) triển khai thực hiện nhiệm vụ dồn điền, đổi thửa.
- Thu thập tài liệu, bản đồ, sơ đồ hiện trạng, sổ sách; điều tra, thống kê diện tích đất nông nghiệp của xã, thôn; xác định hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp của từng hộ (số thửa, diện tích, loại đất, diện tích giao ổn định lâu dài, vv); Chuẩn bị các vật tư phục vụ cho việc xây dựng và thực hiện phương án dồn điền đổi thửa;
- Ban Chỉ đạo huyện tổ chức hộp: Quán triệt các văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai dồn điền, đổi thửa của huyện; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo; thống nhất kế hoạch triển khai trên địa bàn các xã.
- Ban chỉ đạo xã tổ chức họp: Quán triệt các văn bản chỉ đạo, kế hoạch dồn điền, đổi thửa tại xã và các thôn; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo; thống nhất kế hoạch triển khai trên địa bàn xã.
- Ban dồn điền, đổi thửa thôn tổ chức họp:
Quán triệt các văn bản chỉ đạo của cấp trên; phân công nhiệm vụ cho các thành Ban dồn điền, đổi thửa thôn; giao nhiệm vụ cho bộ phận xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa.
Họp toàn thể nhân dân để thông báo chủ trương dồn điền, đổi thửa và thống nhất, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Bước 2: Khảo sát, xây dựng phương án dồn điền đổi thửa
- Ban dồn điền đổi thửa xóm căn cứ bản đồ giải thửa, tiến hành khảo sát thực địa từng cánh đồng; thống kê số thửa, diện tích đất nông nghiệp của từng hộ trên từng cánh đồng;
- Xác định diện tích đất quy hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng.
- Quy vùng diện tích đất 5% công ích hiện có và xác định diện tích đất thực hiện dồn đổi
- Sau đó, tính toán diện tích đất nông nghiệp còn lại bình quân trên một khẩu (tên hộ, số khẩu) để lập phương án dồn điền, đổi thửa. Trong phương án cần tính đến các đối tượng ưu tiên như gia đình chính sách (bố trí ruộng tốt, thuận lợi nhất), ruộng gần nhà hộ nào nên xem xét giao cho hộ đó để thuận lợi trong chăm sóc... xem xét đến diện tích các hộ đã chuyển nhượng, đã nhận tiền đền bù GPMB (nếu có).
- Hoàn chỉnh phương ăn dồn điền, đổi thửa
- Báo cáo phương án, xin ý kiến của Ban chỉ đạo xã, Tổ công tác của huyện góp ý trước khi họp dân
Bước 3: Họp, triển khai thống nhất phương án với nhân dân
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của cấp trên; chủ trương, quan điểm về công tác dồn điền, đổi thửa đến toàn thể nhân dân.
- Thông qua và thống nhất phương án dồn điền đổi thửa trên địa bàn xã đến toàn thể nhân dân;
(Bước này có thể phải thực hiện nhiều lần, bổ sung, chỉnh sửa đến khi có sự thống nhất cao của toàn thể nhân dân)
Bước 4: Tổ chức thực hiện
Sau khi phương án của xã đã được phê duyệt; UBND xã phối hợp với cán bộ thôn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn từng thôn, đảm bảo phù hợp với phương án đã đề ra. Cụ thể:
- Huy động toàn dân trực tiếp đóng góp ngày công lao động, vật liệu địa phương...tham gia chiến dịch đào đắp giao thông, thủy lợi, kênh mương nội đồng theo quy hoạch đã phê duyệt;
- Tổ chức cho nhân dân bốc thăm vị trí, đo đạc cắm mốc; giao đất ngoài thực và lập biên bản giao đất kèm theo sơ đồ thửa đất.
- Sau khi giao ruộng, tiến hành đo đạc hoặc chỉnh lý bản đồ, sổ sách cho phù hợp với hiện trạng sử dụng đất Thông báo số thửa, diện tích, loại đất của từng hộ sau dồn điền, đổi thửa. Thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trước đó; phát đơn theo mẫu quy định để hoàn thiện hồ sơ trình UBND cấp huyện xét cấp đổi, cấp lại; cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân;
1. Tổng kinh phí thực hiện khoảng: 350.000 triệu đồng (Ba trăm năm mươi tỷ đồng)
2. Nguồn kinh phí:
- Nguồn ngân sách Trung ương (thông qua chính sách hỗ trợ bảo vệ phát triển đất trồng lúa);
- Nguồn ngân sách tỉnh (Hỗ trợ theo chính sách dồn điền đổi thửa được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt);
- Nguồn ngân sách huyện; xã;
- Nguồn chương trình mục tiêu quốc gia;
- Nguồn khác (dân góp, huy động nguồn xã hội hóa);
3. Phân kỳ kinh phí
- Giai đoạn 2019-2020 (dự kiến): 100 tỷ đồng;
- Giai đoạn 2021-2025 (dự kiến): 250 tỷ đồng;
4. Kinh phí thực hiện ưu tiên theo các nội dung
- Hỗ trợ cải tạo, xây dựng đường giao thông nội đồng và hệ thống thủy lợi.
- Thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính và cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Thực hiện chỉnh trang đồng ruộng sau dồn điền, đổi thửa như: san ủi cải tạo mặt bằng đồng ruộng; cải tạo đất; khuyến kích áp dụng cơ giới hóa.
- Hỗ trợ kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo xã, Ban dồn điền đổi thửa xóm
- Thực hiện công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
1. Ban dồn điền, đổi thửa thôn
Xây dựng kế hoạch dồn điền đổi thửa ở thôn và triển khai thực hiện; Thống kê số thửa, diện tích trước khi dồn điền của các hộ; Khảo sát thực địa, phân chia cánh đồng, quy hoạch lại đồng ruộng, xây dựng, phương án dồn điền, đổi thửa; Tổ chức các cuộc họp dân để bàn bạc đi đến thống nhất phương án dồn điền, đổi thửa phù hợp nhất với điều kiện của xóm; Báo cáo UBND xã phương án dồn điền đổi thửa đã thống nhất; Tổ chức cho hộ nông dân đăng ký tự chuyển đổi ruộng đất cho nhau; Đo đạc, giao đất giao đất ngoài thực địa cho các hộ; Tham gia đo đạc chi tiết, hoàn thiện hồ sơ cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ. Thực hiện chế độ báo cáo công tác dồn điền, đổi thửa về Ban chỉ đạo cấp trên theo quy định;
2. Ban Chỉ đạo dồn điền đổi thửa cấp xã
Xây dựng kế hoạch dồn điền đổi thửa ở xã và triển khai thực hiện; Tổ chức điều tra khảo sát hiện trạng, tình hình quản lý và sử dụng đất đai; Xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhất là kế hoạch sản xuất; Xây dựng phương án chuyển đổi ruộng đất; Tổ chức dồn điền đổi thửa gắn với huy động lao động công ích kiến thiết giao thông nội đồng, bờ vùng bờ thửa; Chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn giao ruộng ngoài thực địa; Hoàn chỉnh hồ sơ địa chính đề nghị cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực hiện, theo dõi công tác dồn điền đổi thửa và báo cáo Tổ công tác dồn điền đổi thửa cấp huyện.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Xây dựng kế hoạch dồn điền đổi thửa ở huyện và triển khai thực hiện; Hướng dẫn, tổng hợp kế hoạch dồn điền đổi thửa cấp xã, tham gia quá trình chỉ đạo điều hành tại địa phương;
Giao phòng Nông nghiệp và PTNT đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch dồn điền đổi thửa tại địa phương; hướng dẫn, tổ chức lại sản xuất sau thực hiện dồn điền đổi thửa; giao Phòng Tài Nguyên và Môi trường thực hiện việc tham mưu, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ sau dồn điền, đổi thửa.
Xúc tiến, thu hút, khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; tham gia sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản trên địa bàn với quy mô lớn, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng.
Thực hiện báo cáo công tác dồn điền, đổi thửa về Ban chỉ đạo cấp trên theo quy định;
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo và đôn đốc UBND các xã, phường, thị trấn rà soát quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chuyên ngành làm cơ sở để xây dựng kế hoạch dồn điền, đổi thửa.
Chủ trì hướng dẫn việc đo đạc lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thẩm định về sự cần thiết, phạm vi, giải pháp kỹ thuật công nghệ thiết kế kỹ thuật - dự toán công tác đo đạc bản đồ địa chính sau dồn điền, đổi thửa; kiểm tra, xác nhận bản đồ và các tài liệu có liên quan theo quy định.
Chỉ đạo, hướng dẫn phòng Tài nguyên & Môi trường của các huyện, thành phố rà soát lại tất cả các quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp của các xã, thị trấn; chuẩn bị tốt các điều kiện và thực hiện các bước cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân sau dồn điền đổi thửa, đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi và đúng quy định.
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành xây dựng chính sách hỗ trợ công tác dồn điền đổi thửa, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Phối hợp với Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, quyết định phân bổ kinh phí đo đạc lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện công tác dồn điền đổi thửa của Tỉnh và hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố, các xã, thị trấn thực hiện dồn điền, đổi thửa.
Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố trong việc tổ chức lại sản xuất trên diện tích đã dồn điền đổi thửa
Đề xuất, bổ sung hàng năm nguồn kinh phí từ các nguồn vốn các chương trình, dự án cho công tác dồn điền, đổi thửa.
Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện dồn điền đổi thửa ở các cấp, các ngành và thường xuyên báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tổ chức hội nghị sơ, tổng kết công tác dồn điền, đổi thửa theo yêu cầu;
6. Sở Xây dựng: Thực hiện các nội dung liên quan đến quy hoạch giao thông, đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch điểm dân cư trong quá trình dồn điền đổi thửa; Cung cấp đầy đủ tất cả các loại tài liệu và bản đồ quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp cho các huyện, thành phố và các xã, thị trấn để làm cơ sở để lập phương án dồn điền đổi thửa.
7. Sở Giao thông vận tải: Thực hiện các nội dung liên quan đến quy hoạch giao thông, hạ tầng đồng ruộng, kết nối hạ tầng khu vực,., trong quá trình dồn điền đổi thửa; Cung cấp đầy đủ tất cả các loại tài liệu và bản đồ quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp cho các huyện, thành phố và các xã, thị trấn để làm cơ sở để lập phương án dồn điền đổi thửa.
8. Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng: Có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến để nhân dân hiểu và hưởng ứng việc dồn điền, đổi thửa. Tăng cường truyền thông, cổ vũ kịp thời những điển hình về dồn điền đổi thửa.
9. Sở Tài chính: Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng dự toán đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giao kinh phí thực hiện đo đạc, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân”. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định.
10. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp các Sở, ngành liên quan tham mưu lồng ghép các nguồn vốn đầu tư theo kế hoạch hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định để thực hiện công tác chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Thông tin Truyền thông; Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh, Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các Sở, Ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời thông tin về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp với các cơ quan liên quan thống nhất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
[1] Quyết định số 615/QĐ-UBND, ngày 05/7/2012 của UBND huyện Lạc Thủy; Kế hoạch số 95/KH-HU, ngày 08/2/2018 của BTV Huyện ủy Lạc Thủy; Quyết định số 256/QĐ-HU, ngày 20/4/2017 của Ban thường vụ huyện ủy Lương Sơn; Kế hoạch số 144-KH/HU, ngày 12/3/2018 của Huyện ủy Lạc Sơn, ban hành về Kế hoạch triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp huyện Lạc Sơn; Kế hoạch số 45/KH - UBND, ngày 7/5/2018 UBND huyện Lạc Sơn, ban hành về triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp huyện Lạc Sơn);
[2] Quyết định số 3030/QĐ-UBND ngày 23/12/2013; Quyết định số 2364/QĐ-UBND ngày 31/12/2014; Quyết định số 2881/QĐ-UBND ngày 4/12/2013; Quyết định số: 3086/QĐ-UBND ngày 27/12/2013 và Quyết định số 2245/QĐ-UBND ngày 13/11/2017; Quyết định số 1121/QĐ-UBND ngày 08/5/2018), Quyết định số 1604/QĐ-UBND, ngày 31/8/2015; Quyết định số 29/2014/QĐ-UBND ngày 14/10/2014; Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 và Quyết định 23/2017/QĐ-UBND.
- 1Quyết định 403/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp thực hiện xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2013-2015
- 2Kế hoạch 84/KH-UBND năm 2013 về dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2014-2016
- 3Chỉ thị 4/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
- 1Nghị định 64-CP năm 1993 về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp
- 2Quyết định 403/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp thực hiện xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2013-2015
- 3Luật đất đai 2013
- 4Kế hoạch 84/KH-UBND năm 2013 về dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2014-2016
- 5Quyết định 3030/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hòa Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
- 6Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
- 7Quyết định 3086/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất Cam an toàn tập trung tỉnh Hòa Bình đến năm 2020
- 8Quyết định 29/2014/QĐ-UBND ban hành Tiêu chí quy mô diện tích tối thiểu, tiêu chí khác trong sản xuất trồng trọt tỉnh Hòa Bình
- 9Quyết định 11/2015/QĐ-UBND Quy định cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt, giai đoạn 2015-2020 tỉnh Hòa Bình
- 10Quyết định 2364/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Dự án Quy hoạch vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn tỉnh Hòa Bình, đến năm 2020
- 11Quyết định 2881/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án phát triển sản xuất chè tỉnh Hòa Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
- 12Quyết định 1604/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình đến năm 2020
- 13Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật đất đai
- 14Quyết định 23/2017/QĐ-UBND về sửa đổi Quy định cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt, giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình kèm theo Quyết định 11/2015/QĐ-UBND
- 15Chỉ thị 4/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
Kế hoạch 141/KH-UBND năm 2018 về dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- Số hiệu: 141/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 06/11/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
- Người ký: Nguyễn Văn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra