Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1604/QĐ-UBND

Hòa Bình, ngày 31 tháng 08 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TỈNH HÒA BÌNH ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 1384/QĐ-BNN-KH ngày 18/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án ”Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Chỉ thị số 2039/CT-BNN-KH ngày 20/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 341/TTr-SNN ngày 30/6/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 (có Đề án chi tiết đính kèm) sau đây gọi tắt là Đề án, với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu: Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cả về kinh tế-xã hội và môi trường nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường; Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

a) Nâng cao tốc độ tăng trưởng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng, lợi thế so sánh và giảm chi phí trung gian; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành đạt trên 4,5%/năm, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha canh tác trồng trọt đạt trên 120 triệu đồng/năm.

b) Nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 60% thu nhập bình quân đầu người trên toàn tỉnh; 40% số xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới;

c) Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm tác động tiêu cực đối với môi trường, khai thác tốt các lợi ích về môi trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng chống thiên tai, duy trì ổn định độ che phủ rừng trên 50%.

2. Quan điểm tái cơ cấu

- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành; phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh gắn với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học... bảo đảm phát triển bền vững;

- Thực hiện theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp từng vùng, từng lĩnh vực, vừa phải đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng; chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả thể hiện bằng giá trị, lợi nhuận; chú trọng đáp ứng các yêu cầu về xã hội;

- Nhà nước định hướng tái cơ cấu bằng các cơ chế, chính sách; tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động; hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống; tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng, nông dân và doanh nghiệp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường;

- Trọng tâm của tái cơ cấu là phát triển nông sản, hàng hóa lợi thế có sức cạnh tranh trên thị trường, hiện thực hóa bằng các chương trình ưu tiên; Tăng hàm lượng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa lợi thế theo yêu cầu thị trường; Tái cơ cấu từng sản phẩm đồng bộ về quy mô, hình thức tổ chức sản xuất, nguồn giống, công nghệ, thị trường và chính sách. Đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng vẫn đảm bảo có thể trồng lúa khi cần thiết.

3. Phạm vi của đề án

Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hòa Bình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững sẽ tập trung các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất những sản phẩm chủ lực có tỷ trọng lớn và lợi thế của tỉnh gồm: Rau an toàn; mía ăn tươi; cây ăn quả có múi; gia súc, gia cầm; cá lồng trên vùng hồ Hòa Bình và rừng kinh doanh gỗ lớn.

4. Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 đến năm 2020.

II. NỘI DUNG TÁI CƠ CẤU

1. Sản xuất nông nghiệp

Giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 4,5%/ năm.

1.1. Trồng trọt

Trong giai đoạn 2016-2020, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 4,04%/năm; Đến năm 2020, ngành trồng trọt chiếm tỷ trọng 69,8% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, giá trị sản phẩm thu được trên một ha canh tác gấp 1,5 lần so với năm 2015.

Một số nhiệm vụ chủ yếu:

- Nâng cao giá trị sản phẩm thu được trên đất trồng lúa, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực. Diện tích trồng Ngô trên 41 nghìn ha, sản lượng ngô đạt trên 16,8 vạn tấn trong đó diện tích ngô vụ Đông chiếm 10%; Diện tích trồng cây ăn quả đạt trên 11 nghìn ha, giá trị thu nhập bình quân 350 ÷ 400 triệu đồng/ha/năm trong đó trồng cam an toàn 5 nghìn ha, 70% diện tích cho thu hoạch đạt sản lượng trên 100.000 tấn;

- Đổi mới tư duy, cách thức tổ chức sản xuất trồng trọt theo hướng tập trung các sản phẩm chủ lực, đồng bộ các khâu kỹ thuật trên cánh đồng lớn; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu;

- Tăng cường áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững; Thực hiện quy định về môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất và xử lý chất thải nông nghiệp; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước và các hình thức canh tác tiết kiệm nước;

- Tập trung hỗ trợ kết nối thị trường tiêu thụ, đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm;

- Khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; nhân rộng các mô hình canh tác bền vững, mô hình liên kết sản xuất kinh doanh;

- Hỗ trợ tập huấn, khuyến nông và các dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, kiến thức và kỹ năng quản lý kinh tế theo định hướng thị trường cho nông dân;

- Thí điểm và mở rộng hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; tăng thu nhập cho nông dân thông qua việc chia sẻ bình đẳng lợi nhuận giữa nông dân, cơ sở chế biến và doanh nghiệp tiêu thụ xuất khẩu.

* Chương trình ưu tiên:

(1) Phát triển trồng rau an toàn tập trung.

- Mục tiêu đến năm 2020: Có trên 6,3 nghìn ha chuyên canh sản xuất rau an toàn; giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đạt trên 500 triệu đồng/năm; 50% sản phẩm được tiêu thụ thị trường ngoại tỉnh;

- Nhiệm vụ: Hình thành và phát triển vùng sản xuất rau, rau an toàn, rau bản địa, vùng sản xuất theo quy trình VietGAP đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo cơ cấu chủng loại rau theo nhu cầu của thị trường, có cơ cấu luân canh hợp lý nhằm đáp ứng cơ cấu chủng loại rau theo nhu cầu thị trường.

(2) Phát triển trồng cây ăn quả có múi

- Mục tiêu đến năm 2020: Diện tích cây ăn quả có múi trên 6 nghìn ha; sản lượng trên 100.000 nghìn tấn; giá trị so sánh trên hai nghìn năm trăm tỷ đồng; trên 30% diện tích được chứng nhận sản xuất sản phẩm an toàn.

- Nhiệm vụ: Mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm cây có múi theo hướng sản xuất sản phẩm an toàn, tập trung, quy mô lớn, chuyên canh ổn định, lâu dài trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường.

(3) Nâng cao giá trị mía ăn tươi

- Mục tiêu đến năm 2020: Ổn định diện tích trên 7,5 nghìn ha; năng suất 72 tấn/ha; giá trị sản xuất so sánh đạt trên 1 nghìn tỷ đồng; giá trị thu nhập đạt trên 150 triệu đồng/ha.

- Nhiệm vụ: Ổn định diện tích, tăng năng suất, nâng cao chất lượng trên cơ sở đồng bộ sản xuất, đẩy mạnh chế biến, hỗ trợ lưu thông và tiêu thụ.

1.2. Chăn nuôi

Trong giai đoạn 2016-2020, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ngành chăn nuôi đạt 5,8%/năm, giảm chi phí trung gian 1%/năm; đến năm 2020, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng 29,85% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; Phát triển đàn lợn đến năm 2020 trên 500 nghìn con. Đẩy mạnh chăn nuôi lợn công nghiệp tại các trang trại tư nhân đạt 20% tổng sản lượng; Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 48,5 nghìn tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 38,6 triệu quả, giá trị tăng thêm đạt trên 1 nghìn tỷ đồng; một số nhiệm vụ chủ yếu:

- Phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại, hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư;

- Cải thiện giống và phát triển chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, áp dụng kỹ thuật và công nghệ phù hợp;

- Giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; tăng cường dịch vụ thú y; quy định chặt chẽ việc quản lý và sử dụng thuốc thú y; áp dụng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị, phát triển công nghiệp chế biến đa dạng sản phẩm; cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn;

- Khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến;

- Chuyển chăn nuôi trâu, bò lấy sức kéo sang nuôi thịt;

- Phát triển đàn lợn giống ngoại ông bà tạo nguồn giống cho sản xuất;

- Áp dụng hệ thống quản lý kiểm soát nguy cơ ô nhiễm đất và nước từ chất thải chăn nuôi và phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ các phụ phẩm của ngành chăn nuôi; quản lý vùng nuôi an toàn về môi trường.

* Chương trình ưu tiên:

(1) Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm

- Mục tiêu đến năm 2020: sản lượng thịt hơi xuất chuồng từ các cơ sở nuôi đạt 35 nghìn tấn, sản lượng trứng đạt 38 triệu quả; giá trị so sánh trên 400 tỷ đồng, chiếm 25% giá trị đàn lợn và gia cầm; trên 80% trang trại, gia trại cơ sở chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải;

- Nhiệm vụ: Phát triển sản xuất chăn nuôi công nghiệp khép kín tại các gia trại, trang trại xa khu dân cư, kết hợp hình thành vùng an toàn dịch bệnh cho các vùng nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, giết mổ công nghiệp quy mô lớn, tập trung ở các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy; Nâng cao giá trị sản phẩm, giảm chi phí trung gian, kiểm soát phòng trừ dịch bệnh và vệ sinh an toàn vùng nuôi.

2. Thủy sản

Giai đoạn 2016-2020 phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 12%/năm; Đến năm 2020, giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 360 tỷ đồng, ngành thủy sản chiếm tỷ trọng 6% giá trị sản xuất ngành Nông, lâm, thủy sản; Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản 3.020 ha, có 4.200 lồng nuôi cá, sản lượng thủy sản đạt trên 9,2 nghìn tấn. Một số nhiệm vụ chủ yếu:

- Đẩy mạnh nuôi trồng các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao trên các thủy vực lớn bằng lồng nuôi cải tiến sử dụng thức ăn công nghiệp;

- Tăng cường thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực, các loài cá bản địa trên ao hồ; phát triển thủy sản theo hướng bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới;

- Đầu tư phát triển hệ thống sản xuất giống sạch bệnh, chất lượng cao;

- Xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị;

- Đẩy mạnh liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng nhãn hiệu tập thể với cá sông Đà.

- Bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản và môi trường; Ổn định sản lượng khai thác, quản lý khai thác theo kích cỡ, xây dựng mô hình đồng quản lý nguồn lợi nhằm nâng cao khả năng tự phục hồi và tính bền vững của nguồn lợi thủy sản vùng hồ sông Đà.

* Chương trình ưu tiên:

(1) Phát triển nuôi cá lồng vùng hồ sông Đà

- Mục tiêu đến năm 2020: Có 4,2 nghìn lồng nuôi trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình; tổng thể tích 178.000 m3; sản lượng trên 3,8 nghìn tấn; 50% sản phẩm được tiêu thụ thị trường ngoại tỉnh;

- Nhiệm vụ: Khai thác hợp lý tiềm năng lợi thế mặt nước để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm chi phí trung gian; Tăng số lồng nuôi công nghiệp bằng lồng cải tiến; Lựa chọn và phát triển nuôi các loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao.

3. Lâm nghiệp

Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 5,5%/năm; Đến năm 2020, ngành lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 11,2% giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản; Độ che phủ rừng trên 50%, sản lượng gỗ khai thác 410.000m3, tỷ lệ diện tích và sản lượng gỗ dân dụng, xây dựng cơ bản chiếm 70%, giá trị sản xuất so sánh đạt trên 1,1 nghìn tỷ đồng, một số nhiệm vụ chủ yếu:

- Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non sang khai thác gỗ lớn nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu;

- Đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ và xây dựng nhãn hiệu tập thể cây dược liệu bản địa có lợi thế như: Xạ đen, gừng, nghệ, xa nhân, ba kich.. trên đất rừng.

- Quản lý, sử dụng bền vững diện tích rừng tự nhiên, thay thế các diện tích kém hiệu quả bằng rừng trồng có năng suất cao; khuyến khích đầu tư trồng rừng theo hướng thâm canh, điều chỉnh cơ cấu giống cây lâm nghiệp trồng trong rừng phòng hộ theo hướng tăng cây đa tác dụng, đa mục tiêu tạo điều kiện tăng thu nhập cho người làm nghề rừng;

- Nghiên cứu, bình tuyển, phát triển trồng các loài cây gỗ lớn, mọc nhanh có giá trị kinh tế cao thay thế cây keo;

- Tăng cường năng lực, hiệu lực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; cải thiện sinh kế cho cộng đồng thông qua phí dịch vụ môi trường rừng; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng các hoạt động lâm nghiệp góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong nông thôn, giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

* Chương trình ưu tiên:

(1) Chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn

- Mục tiêu đến năm 2020: Diện tích khai thác rừng gỗ lớn 3,4 nghìn ha; năng suất tăng 1,5 lần so với năm 2014; 30% diện tích được cấp chứng chỉ rừng FSC; 20% sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

- Nhiệm vụ: Tăng tỷ trọng rừng kinh tế, từng bước hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung, cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến đồ gỗ; chuyển đổi diện tích khai thác gỗ non, gỗ dăm sang khai thác gỗ lớn, gỗ dân dụng và xây dựng cơ bản; đẩy mạnh cấp chứng chỉ rừng với các vùng sản xuất gỗ lớn tập trung;

4. Phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn

Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng nông sản, hàng hóa qua chế biến trên 30%; có 10 làng nghề truyền thông được công nhận. Một số nhiệm vụ chủ yếu:

- Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản;

- Thu hút doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào chuỗi sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh thông qua: liên kết sản xuất tạo ra sản lượng nông sản lớn- đầu tư chế biến tạo ra hàng hóa- tiêu thụ hàng hóa tại các thị trường lớn trong và ngoài nước.

- Phát triển làng nghề với quy mô, cơ cấu sản phẩm, trình độ công nghệ hợp lý đủ sức cạnh tranh, thích hợp với điều kiện của từng địa phương; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với hoạt động dịch vụ du lịch và bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các làng nghề để làm nòng cốt cho sự phát triển, ưu tiên những ngành nghề sử dụng nhiều lao động.

- Hiện đại hóa công nghệ xử lý chất thải, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

5. Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới

Phấn đấu đến năm 2020, 40% số xã cơ bản đạt hoặc duy trì được 19 tiêu chí nông thôn mới; mỗi xã có ít nhất 2 sản phẩm đặc thù; 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh môi trường, 70% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Một số nhiệm vụ chủ yếu:

- Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, kết nối các làng xã đến thị trấn, thành phố; phát triển các khu, cụm dân cư với cách thức tổ chức cuộc sống tương tự như dân cư thành thị; phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, kỹ thuật phục vụ sản xuất;

- Thu hút và đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân thành hạt nhân phát triển sản xuất khu vực nông thôn.

- Lựa chọn và đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm đặc thù của xã; tăng cường xây dựng mô hình điểm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất;

- Hỗ trợ, đầu tư tập trung và đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề...; mở rộng các hình thức đào tạo nghề gắn với chuyển giao công nghệ mới, chuyển giao các kỹ thuật và quy trình sản xuất mới cho các hộ nông dân; nhân rộng các mô hình tốt trong đào tạo nghề cho các làng nghề, các vùng sản xuất chuyên canh;

- Chuyển đổi các làng nghề có điều kiện thành các điểm du lịch, gắn kết sản phẩm làng nghề và nông sản với các điểm du lịch, kết nối các tuyến du lịch trong vùng và giữa các vùng lân cận;

- Xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải, chất thải do hoạt động làng nghề, trồng trọt, chăn nuôi ở khu vực nông thôn.

III. GIẢI PHÁP

1. Nâng cao chất lượng chiến lược, quy hoạch; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch

- Rà soát điều chỉnh chiến lược phát triển ngành đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cần bổ sung nội dung tái cơ cấu ngành.

- Tiếp tục lập mới và rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế địa phương; đảm bảo thực hiện hiệu quả chiến lược tăng trưởng xanh và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Trước mắt tập trung rà soát điều chỉnh: Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp, Quy hoạch vùng sản xuất trồng trọt tập trung, Quy hoạch trồng cây có múi và Quy hoạch thủy lợi và Quy hoạch nông thôn mới; Lập mới: Quy hoạch chi tiết vùng nuôi cá lồng vùng hồ sông Đà, Quy hoạch cơ sở chế biến bảo quản nông, lâm, thủy sản, Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu, Quy hoạch vùng kinh doanh cây gỗ lớn; Quy hoạch đê điều.

- Gắn chiến lược với xây dựng quy hoạch, kế hoạch; kết hợp giữa quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh với quy hoạch ngành, lĩnh vực;

- Quản lý giám sát nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch đã phê duyệt;

- Xây dựng chính sách, chương trình, dự án và bố trí nguồn lực thực hiện các nội dung quy hoạch đã được phê duyệt.

2. Tái cơ cấu đầu tư công

- Đầu tư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đào tạo phát triển thị trường và tái đầu tư công.

- Rà soát, phân loại các dự án đầu tư, điều chỉnh phương thức và nguồn đầu tư để thu hút tối đa nguồn lực đầu tư xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp. Ưu tiên các chính sách, chương trình, dự án: Phát triển sản phẩm chủ lực; phát triển giống chất lượng cao; giám sát, phòng ngừa và kiểm soát dịch, bệnh; bảo quản, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng; quản lý lâm nghiệp cộng đồng; phát triển dịch vụ môi trường rừng;

- Thực hiện cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi phát triển nông nghiệp- nông thôn có kết hợp hình thức hợp tác giữa nhà nước và tư nhân cùng các tổ chức xã hội để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tăng cường vốn trung hạn, dài hạn để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; tranh thủ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện tái cơ cấu ngành.

- Tập trung đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống thủy lợi theo hướng đa chức năng phục vụ cho sản xuất nuôi trồng thủy sản tập trung; ưu tiên các chương trình, dự án thủy lợi đầu mối kết hợp nuôi trồng thủy sản tập trung; hỗ trợ về công nghệ các phương pháp tưới công nghệ cao.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi giải quyết nhanh các yêu cầu và đáp ứng có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp.

3. Phát triển khoa học công nghệ

- Đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến; xử lý chất thải, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ đa dạng sinh học, hỗ trợ nông dân kết nối, tiếp cận dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng tiến bộ kỹ thuật.

- Tăng cường xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm lợi thế của địa phương nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm đặc thù, đặc sản của địa phương.

- Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp.

4. Đổi mới quan hệ sản xuất

a) Thu hút và phát huy vai trò Doanh nghiệp

- Đẩy mạnh các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng từ cung cấp đầu vào- tổ chức sản xuất -chế biến -tiêu thụ giữa các tập đoàn lớn, doanh nghiệp với nông dân và tổ chức đại diện của nông dân, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò đầu mối, nòng cốt nhằm nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh hàng nông sản.

- Phát huy vai trò đầu mối tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn gắn với chuỗi giá trị của doanh nghiệp nhằm kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc nông sản;

- Khuyến khích Doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm;

- Hỗ trợ Doanh nghiệp quảng bá, xây dựng nhãn hiệu các sản phẩm lợi thế của tỉnh, tạo điều kiện tiêu thụ hàng hóa nông sản ra thị trường ngoại tỉnh;

- Hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tăng tỷ lệ vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp;

- Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; đảm bảo cạnh tranh công bằng; cung cấp các dịch vụ kiểm dịch, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; áp dụng các quy định, tiêu chuẩn quản lý quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân;

- Phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân (đối tác công tư, hợp tác công tư,...) để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công;

- Thực hiện sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành, chú trọng sắp xếp đổi mới các công ty nông lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 02/2015/TT-BNNPTNT ngày 27/01/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của công ty một thành viên khai thác công trình thủy lợi; thiết lập và nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức quản lý khai thác các công trình thủy lợi và nước sinh hoạt nông thôn.

b) Nâng cao hoạt động Hợp tác xã, tổ hợp tác

- Khuyến khích hộ cá thể liên kết sản xuất thành tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đủ năng lực cạnh tranh, thích ứng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong tình hình mới;

- Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã (HTX) với các doanh nghiệp; thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác;

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để cán bộ, nhân dân hiểu rõ về Luật Hợp tác xã, bản chất, vị trí, vai trò và cách thức tổ chức HTX; nâng cao chất lượng hoạt động ban chủ nhiệm và xã viên HTX nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX điển hình tiên tiến;

- Ban hành và cụ thể hóa một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể;

- Xây dựng mô hình HTX dịch vụ tổng hợp toàn xã; Khuyến khích mở rộng danh mục ngành nghề kinh doanh nông nghiệp ở những lĩnh vực mới nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả giống, vật tư, phân bón và nông sản;

- Nâng cao năng lực quản lý về kinh tế tập thể cho cán bộ các cấp.

c) Đẩy mạnh các hình thức liên kết sản xuất

- Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế liên kết sản xuất- chế biến- tiêu thụ với nông dân và các tổ chức đại diện của nông dân tạo thành vùng sản xuất hàng hóa lớn;

- Tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp- nhà khoa học- nông dân thông qua hợp đồng;

- Nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong việc vận động tuyên truyền tổ chức lại sản xuất nông nghiệp;

- Đẩy mạnh và xúc tiến thương mại và phát triển thị trường;

- Xây dựng chính sách khuyến khích tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, cá thể với yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm, dịch bệnh, môi trường và an sinh xã hội;

d) Đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, sản xuất theo cánh đồng lớn

- Hoàn thiện và nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết sản xuất quy mô lớn hình thành các vùng sản xuất đồng nhất;

- Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

5. Phát triển nguồn nhân lực, tăng cường nguồn nhân lực thực hiện trong Nông nghiệp và PTNT

5.1. Phát triển nguồn nhân lực

a) Đẩy mạnh công tác khuyến nông

- Nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông cơ sở, đảm bảo cung cấp dịch vụ cho nông dân liên kết sản xuất, phát triển các sản phẩm chủ lực từng vùng;

- Điều chỉnh mạng lưới cơ sở đào tạo khuyến nông cho phù hợp với yêu cầu quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của từng vùng nông thôn;

- Xây dựng dự án khuyến nông trọng điểm phục vụ phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung; ứng dụng công nghệ cao.

b) Phát triển đào tạo nghề

- Đào tạo ngành nghề cho lao động nông thôn tại cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, hướng tới doanh nghiệp là nơi đào tạo chính, gắn đào tạo nghề với sản xuất thực tiễn;

- Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 của Bộ Tài chính-Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; tạo điều kiện cho lao động sau đào tạo nghề được vay vốn phát triển sản xuất;

- Hoàn thiện chính sách và tập trung đào tạo kiến thức, kỹ năng cho thanh niên nông thôn để lựa chọn và phát triển nghề phù hợp, chú trọng đào tạo nghề công nghiệp - dịch vụ.

6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về quan điểm, mục tiêu, nội dung, giải pháp, chương trình ưu tiên của Đề án

Tích cực tuyên truyền, quán triệt phổ biến chủ trương, nội dung của đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh đến các cấp, các ngành liên quan, đến các huyện, thành phố, các đơn vị chuyên môn để nắm bắt và thực hiện triển khai thực hiện các kế hoạch hành động tái cơ cấu lĩnh vực liên quan của đơn vị mình.

IV. VỐN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Tổng khái toán kinh phí Đề án

Dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngành nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2016-2020 là 12.376 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư hỗ trợ các chương trình dự án là: 1.339 tỷ đồng; vốn sản xuất hằng năm của các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân là 11.037 tỷ đồng.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ của các Sở, ngành

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và chính quyền địa phương, các đơn vị chuyên ngành rà soát, bổ sung, lập mới các quy hoạch theo yêu cầu;

- Phối hợp Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện Đề án; đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội thực hiện Đề án;

- Hướng dẫn các huyện/thành phố xây dựng và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và gắn với xây dựng nông thôn mới;

- Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, các Tiểu ban và Tổ giúp việc để xây dựng và triển khai thực hiện Đề án;

- Xây dựng các dự án cụ thể theo từng lĩnh vực, đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Chỉ đạo các đơn vị thuộc Ngành xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án theo các lĩnh vực được giao.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh lồng ghép nguồn vốn, bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm; xây dựng chính sách khuyến khích và hướng dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

c) Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách, tham mưu bố trí nguồn kinh phí cho việc thực hiện Đề án; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản hướng dẫn quản lý, cấp phát và thanh quyết toán nguồn kinh phí theo quy định hiện hành.

d) Sở Công Thương: Hướng dẫn các địa phương xúc tiến thương mại, thành lập các hiệp hội ngành hàng, hình thành các chợ đầu mối tiêu thụ nông sản; phát triển hệ thống điện tại các vùng sản xuất.

đ) Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ tiên tiến; chuyển giao các kết quả nghiên cứu phù hợp với điều kiện các địa phương trong tỉnh; duy trì, khai thác hiệu quả nhãn hiệu sản phẩm chủ lực; hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực Nông nghiệp; ưu tiên đề tài, dự án khoa học ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật với sản phẩm lợi thế của tỉnh.

e) Sở Tài nguyên và Môi trường: Rà soát, kiểm soát, quản lý chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp (đặc biệt là đất trồng lúa); đề xuất các chính sách liên quan đến đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

g) Sở Thông tin và Truyền thông: Xây dựng chương trình truyền thông tái cơ cấu ngành nông nghiệp phổ biến đến người dân.

h) Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Hòa Bình: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về các chủ trương, chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

i) Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hòa Bình: Chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tạo điều kiện và cho các tổ chức, cá nhân được vay vốn phát triển sản xuất theo các quy định hiện hành.

k) Các Sở, ngành có liên quan: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp thực hiện các nội dung Đề án tái cơ cấu.

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; các tổ chức chính trị-xã hội

Đề nghị phối hợp chặt chẽ với Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến vận động các đoàn viên, hội viên chủ động, tích cực và tự giác tham gia thực hiện các nội dung, giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Trên cơ sở điều kiện thực tế, tiềm năng lợi thế của địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp;

- Bố trí ngân sách để đảm bảo việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương đảm bảo đạt hiệu quả và mục tiêu đề ra; tổ chức hội nghị triển khai, sơ kết hàng năm và các giai đoạn thực hiện Đề án;

- Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ NN&PTNT;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- UBMT Tổ quốc VN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, Đoàn thể tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thành ủy;
- Chánh, Phó VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, TCTM, THKH, NNTN (BD100).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Quang

 

ĐỀ ÁN

TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TỈNH HÒA BÌNH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1604/QĐ-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình)

Phần mở đầu

I. Sự cần thiết

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa sâu sắc về kinh tế-xã hội và môi trường giúp ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện chiến lược Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/06/2013, phê duyệt Đề án cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 1384/QĐ-BNN-KH ngày 18/06/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định 2403/QĐ-UBND ngày 23/11/2013, ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án trên.

Hòa Bình là tỉnh miền núi phía Tây Bắc với tổng diện tích đất tự nhiên 466.000 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 14% song có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và thu nhập cho 74% dân cư nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt khá, sản xuất chuyển dịch theo hướng tích cực, bước đầu hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực tập trung theo quy hoạch, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị được hình thành và phát huy hiệu quả; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất từng bước được cải thiện. Tuy nhiên cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch còn chậm, chưa tương xứng và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh; chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản thấp, sản xuất chưa gắn chặt với thị trường; tăng trưởng ngành chủ yếu dựa trên tăng sản lượng và lạm dụng yếu tố đầu vào nên giá trị tăng thêm thấp, hiệu sản xuất không cao.

Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, phát huy được tiềm năng và lợi thế so sánh của ngành nông nghiệp cần tổng kết, đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp, xác định mục tiêu, định hướng, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cũng như thực hiện chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 cần thiết được ban hành và thực hiện nhằm tạo bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

II. Những căn cứ xây dựng Đề án

- Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

- Các Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Đề án và kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu ngành trên các lĩnh vực: Trồng trọt, Chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, chế biến...; Các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Quyết định của UBND tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành.

- Kết luận số 95-KH/BTVTU ngày      /6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về Kế hoạch thực hiện Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị, về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

III. Bố cục Đề án

Đề án được bố cục thành 5 phần, với nội dung cụ thể như sau:

- Phần mở đầu: Sự cần thiết; căn cứ pháp lý và bố cục Đề án.

- Phần thứ nhất: Thực trạng sản xuất giai đoạn 2011-2015.

- Phần thứ hai: Đánh giá chung những thành tựu, khó khăn và nguyên nhân. Dự báo cho 5 năm tới.

- Phần thứ ba: Quan điểm, mục tiêu, nội dung và giải pháp.

- Phần thứ tư: Tổ chức thực hiện.

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2011-2015

Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng ngành bình quân đạt 4,07%/năm. Năm 2015 ngành Nông lâm thủy sản chiếm tỷ trọng 22,46% cơ cấu nền kinh tế (có Nhà máy thủy điện); Cơ cấu kinh tế nội ngành được chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, đảm bảo an ninh lương thực và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

I. Kết quả sản xuất nông, lâm thủy sản

1. Sản xuất nông nghiệp

Giai đoạn 2011-2015, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 4%/năm, đến năm 2015 chiếm 84,8% giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, thủy sản; cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha canh tác đất trồng trọt.

1.1. Trồng trọt

Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành vẫn đạt khá và tương đối ổn định, bình quân 4%/năm. Đến năm 2015, chiếm tỷ trọng 71,8% trong ngành nông nghiệp; Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha canh tác đất trồng trọt ngày càng tăng từ 62 triệu đồng năm 2010 tăng lên 103 triệu đồng năm 2015.

Diện tích gieo trồng lúa duy trì ổn định trên 40,5 nghìn ha, năng suất 51,2 tạ/ha, sản lượng 20,37 vạn tấn, giá trị so sánh trên 1 nghìn tỷ đồng; sản lượng và giá trị sản xuất lúa có xu hướng tăng song tỷ trọng giá trị sản xuất có xu hướng giảm dần qua các năm. Hàng năm có trên 5 nghìn ha đất quy hoạch trồng lúa, mầu kém hiệu quả được chuyển sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Diện tích gieo trồng ngô trên 37,1 nghìn ha/năm, năng suất 41,1 tạ/ha, sản lượng trên 15,2 vạn tấn.

Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến năm 2015 ước có diện tích cây có múi 4,1 nghìn ha, chiếm 29,5% diện tích cây lâu năm song giá trị sản xuất của cây có múi chiếm tới gần 50,6% giá trị sản xuất cây lâu năm. Diện tích mía trồng được trên 7,5 nghìn ha, năng suất 68 tấn/ha, sản lượng 51,15 vạn tấn, giá trị sản xuất so sánh trên 1 nghìn tỷ đồng.

Chuyển đổi hơn 7 nghìn ha đất quy hoạch trồng lúa, đất trồng mầu kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, cụ thể: chuyển sang trồng cam 220 ha tại huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; chuyển 225 ha sang trồng nhãn, bưởi tại huyện Tân Lạc, Lạc Thủy; chuyển 1.145 ha sang trồng mía tại huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn; chuyển sang trồng su su 60 ha tại 3 xã vùng cao huyện Tân Lạc; chuyển sang trồng tỏi tía 25 ha tại 8 xã huyện Tân Lạc, Mai Châu; chuyển sang trồng bí 150 ha tại các huyện Lạc Thủy, Tân Lạc, Kim Bôi; chuyển hơn 5,3 nghìn ha sang trồng các loại cây rau, mầu khác trên phạm vi toàn tỉnh.

Các huyện đã áp dụng mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, như: Liên kết 4 nhà trong sản xuất bí xanh tại huyện Yên Thủy, liên kết sản xuất cam tại huyện Cao Phong, liên kết trồng gừng tại huyện Đà Bắc... Bước đầu hình thành mô hình cho hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất như: Cam thu nhập trên 500 triệu đồng/ha. Bưởi đỏ, bưởi da xanh, bưởi diễn thu nhập trên 350 triệu đồng/ha. Nhãn thu nhập trên 250 triệu đồng/ha. Mía tím, mía trắng ép nước thu nhập trên 200 triệu đồng/ha. Rau su su 94 ha, thu nhập trên 200 triệu đồng/ha; trồng tỏi tía: 87 ha, cho thu nhập trên 250 triệu đồng/ha; trồng bí xanh thu nhập trên 120 triệu/ha/vụ,...

Nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất, phát huy lợi thế sẵn có của địa phương, tạo sản phẩm hàng hóa, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt các quy hoạch vùng sản xuất cam an toàn tập trung tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 với quy mô sản xuất tập trung 5.084 ha; Đề án phát triển sản xuất chè tỉnh Hòa Bình đến 2020 với quy mô 3.000 ha, trong đó có 1.000 ha chè Shan tuyết; Quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Hòa Bình đến 2020, trong đó có trung tâm ứng dụng công nghệ cao và các vùng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt; Quy hoạch vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn tỉnh Hòa Bình đến 2020 với quy mô trên 11.000 ha, trong đó sản xuất rau chuyên canh 5.000 ha.

1.2. Chăn nuôi

Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt bình quân 7%; Đến năm 2015 giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,6% trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp. Tổng đàn trâu, bò đến 2015 còn 158 nghìn con, tổng đàn lợn 444 nghìn con, đàn gia cầm 3,95 triệu con; Sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm bình quân đầu người đạt 44,74 kg/người/năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 41,1 nghìn tấn.

Các gia trại, trang trại và các cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp với quy mô phù hợp, an toàn dịch bệnh từng bước được hình thành, tỷ lệ chăn nuôi công nghiệp ước đạt 14%. Trong đó: 17 trang trại chăn nuôi lợn nái và hậu bị quy mô từ 300 - 3.000 con, 57 trang trại chăn nuôi gà thương phẩm quy mô 3.000 - 10.000 con; 09 trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm; 02 trại gà giống. Hơn 250 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô 50 - 300 con và trên 300 gia trại chăn nuôi gà quy mô 500 - 3.000 con.

Hiện có cơ sở Ngọc Hà là một cơ sở giết mổ lợn với công suất 200 lợn/ngày đêm, hoạt động trên 50% công suất; 03 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 460 nghìn tấn/năm;

Năng lực hệ thống thú y ở các cấp được tăng cường, đã chủ động phòng chống các loại dịch bệnh, hướng dẫn nông dân thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ trại chăn nuôi.

Tuy nhiên, tổ chức sản xuất chăn nuôi chậm đổi mới, năng suất thấp, giá thành sản phẩm cao, sức cạnh tranh thấp; Công tác quản lý giống còn yếu; việc sử dụng nguồn thức ăn sẵn có chưa hợp lý. Một số dịch bệnh nguy hiểm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát như cúm gia cầm H5N1, LMLM, dịch tai xanh với tần suất xuất hiện có xu hướng tăng. Chăn nuôi trang trại thiếu bền vững, chưa tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.

Nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quy hoạch lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 và triển khai thực hiện.

2. Sản xuất thủy sản

Trong giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt bình quân giai đoạn này đạt 6%/năm, Năm 2015 ngành thủy sản ước đạt 204 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,48 % giá trị sản xuất toàn ngành nông lâm, thủy sản; Tổng sản lượng đạt 5,8 nghìn tấn trong đó nuôi trồng đạt 4,2 nghìn tấn;

Đã hình thành một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại Lương Sơn, thành phố Hòa Bình, Lạc Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy, Mai Châu... Nuôi cá lồng trên các sông, hồ các thủy vực lớn phát triển mạnh; đến 2015 có 1.950 lồng, tăng 2,5 lần so với năm 2011, năng suất đạt 17,9 tấn/1.000m3 thể tích lồng nuôi. Đến nay đã có 7 doanh nghiệp đầu tư nuôi cá lồng trên Hồ thủy điện Hòa Bình, sản phẩm cá sông Đà được tiêu thụ chủ yếu trên thị trường Hà Nội.

Sản lượng giống sản xuất hàng năm từ 21-30 triệu con/năm, mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu con giống trên địa bàn tỉnh, lượng giống thiếu hụt được cung ứng từ tỉnh ngoài vào địa bàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ, chất lượng giống chưa đảm bảo. Đã thực hiện nhân tạo thành công các giống: Trắm cỏ, Chép, Mè, Trôi, Rôphi và cá Lăng Chấm; Cơ sở vật chất và trang thiết bị của các cơ sở sản xuất giống còn thiếu và lạc hậu, thiếu các thiết bị kiểm tra, kiểm soát chất lượng con.

Nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản, Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản được xây dựng, rà soát và thực hiện; Nghị quyết và Quy định Chính sách phát triển nuôi cá lồng khu vực lòng hồ Sông đà được ban hành và thực hiện. Tuy nhiên, công tác quy hoạch các khu vực cấm khai thác, khu vực bảo vệ bãi giống, quy định sản lượng khai thác chưa được thực hiện; ngành nghề và công cụ khai thác chưa đồng bộ là một trong những nguyên nhân làm suy giảm nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

3. Sản xuất lâm nghiệp

Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt 6,01%/năm; đến năm 2015 chiếm 11,67% giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm thủy sản. Hàng năm trồng mới 8,6 nghìn ha rừng, chăm sóc và khoanh nuôi trên 40 nghìn ha; khai thác 195 nghìn m3 gỗ.

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp được quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng bền vững và hiệu quả; đến nay độ che phủ rừng đạt 49,41% góp phần đảm bảo môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thủy, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học; tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho dân cư sống ở nông thôn miền núi, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Hiện có 33 cơ sở sản xuất chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ quy mô vừa và nhỏ và một số cơ do tư nhân tự bỏ vốn đầu tư. Trong đó 2 dự án xây dựng nhà máy sản xuất ván MDF công suất thiết kế 94.000 m3 ván MDF và 20.000m3 ván ghép thanh mỗi năm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển vùng nguyên liệu, gắn trồng rừng, bảo vệ rừng với khai thác - chế biến;

Diện tích trồng rừng thâm canh được mở rộng, hình thành vùng nguyên liệu tập trung; từng bước chuyển đổi cơ cấu khai thác sản phẩm gỗ non sang khai thác gỗ lớn cung cấp nguyên liệu cho chế biến sâu, chế biến tinh đồ gỗ xuất khẩu đang được các địa phương quan tâm thực hiện.

Quy hoạch phát triển 3 loại rừng, Quy hoạch và kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng hàng năm, quy hoạch các khu bảo tồn tự nhiên được xây dựng và thực hiện.

II. Phát triển thủy lợi và hạ tầng nông nghiệp

Hạ tầng thủy lợi từng bước được cải thiện, chủ động tưới cho 42.908 ha cây hàng năm. Công trình thủy lợi, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên phục vụ tốt cho sản xuất. Hệ thống đê sông được nâng cấp; Các khu vực được đê bảo vệ không thiệt hại nhiều về tài sản và tính mạng, không để xảy ra các sự cố về đê điều khi nước lũ lên cao. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn kiên cố hóa kênh mương, 1.200 km kênh mương tưới tiêu chiếm 40% được kiên cố hóa.

Hệ thống công trình thủy lợi nội đồng được nâng cấp phục vụ nhu cầu tưới, tiêu cho cây trồng; Các hồ đập được sửa chữa, nâng cấp nâng cao khả năng tích nước và kết hợp nuôi trồng thủy sản; thực hiện tốt phân cấp quản lý các công trình thủy lợi.

Quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng chống lũ cho các tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều; quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Bưởi được xây dựng và thực hiện. Tuy nhiên nhiều công trình bị hư hỏng đang được sửa chữa song tiến độ còn chậm; một số dự án thiếu nguồn vốn triển khai;

Cơ giới hóa và chế biến nông sản.

Toàn tỉnh có 2,1 nghìn máy nghiền thức ăn chăn nuôi; 2,2 nghìn máy kéo, máy làm đất vừa và nhỏ chủ động cơ giới hóa hơn 80% diện tích lúa và cây màu; hơn 10 nghìn máy bơm nước trong khâu chăm sóc chủ động tưới tiêu cho lúa và cây màu; trên 2 nghìn máy tuốt lúa, tẽ ngô, lạc trong khâu thu hoạch; 50 máy sấy các loại, 4,5 nghìn máy xay xát gạo. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần tiết kiệm chi phí, giải phóng sức lao động, đảm bảo thời vụ, phòng tránh thiên tai.

Hiện có 16 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm; 33 doanh nghiệp chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre nứa; 2,9 nghìn cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm với 3,55 nghìn lao động, hơn 671 cơ sở chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa với 1,76 nghìn lao động; 6 cơ sở sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được chú trọng; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản được kiểm tra/tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh đạt 85% và tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm chiếm 81%.

III. Xây dựng nông thôn mới

Đến năm 2015, 15% số xã cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới; 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh môi trường, 58% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 19,1%, giảm bình quân 2,8%/năm. Bộ mặt nông thôn từng bước được cải thiện, hình thành một số mô hình sản xuất bền vững.

Tuy nhiên nguồn lực đầu tư cho khu vực nông thôn còn hạn chế, sản xuất phát triển chưa bền vững, thu nhập từ sản xuất còn thấp, số hộ nghèo và khả năng tái nghèo còn cao; ô nhiễm môi trường có xu hướng tăng, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm còn thấp.

IV. Đầu tư trong nông lâm nghiệp

Tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp và nông thôn trong giai đoạn 2011-2015 là 2,37 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,2% tổng đầu tư toàn xã hội; Chủ yếu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất.

Phần thứ hai

THÀNH TỰU, KHÓ KHĂN - YẾU KÉM VÀ NGUYÊN NHÂN, MỘT SỐ DỰ BÁO CHO 5 NĂM TỚI

I. Thành tựu

Tốc độ tăng trưởng ngành duy trì mức độ khá, chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp có chuyển biến tích cực, năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng cao; đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn; nhiều giống cây trồng mới, quy trình kỹ thuật tiên tiến được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất.

Bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung phát huy được tiềm năng lợi thế của địa phương như cam tại Cao Phong, bưởi tại Tân Lạc; su su, tỏi tía tại các xã vùng cao của huyện Mai Châu, Tân Lạc; mía tím tại các huyện Tân Lạc, Kim Bôi, Cao Phong; chè Shan Tuyết tại các xã Vùng cao Mai Châu, Đà Bắc v.v... tạo ra sản lượng lớn có sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác.

Chăn nuôi công nghiệp, trang trại và gia trại phát triển mạnh, từng bước hình thành các vùng nuôi lợn, gà công nghiệp tập trung tại Lương Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn... đã tạo ra sản lượng lớn, góp phần không nhỏ vào việc nhận thức về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

Công tác trồng, chăm sóc bảo vệ rừng hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; từng bước dần khẳng định được giá trị kinh tế và môi trường sinh thái của rừng.

Năng lực hệ thống thủy lợi được cải thiện, chủ động tưới tiêu cho cây trồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng hàng năm, nuôi cá lồng trên các lưu vực lớn đã từng bước khẳng định được lợi thế của tỉnh, đặc biệt là lòng hồ sông Đà.

Cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện đáng kể, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất dần khẳng định được ưu việt trong sản xuất hàng hóa quy mô lớn; tiêu chí cánh đồng lớn được ban hành và triển khai.

Quy hoạch tổng thể phát triển ngành, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực; quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới, Kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT, các chính sách khuyến khích sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi cá lồng, phát triển làng nghề, khuyến khích tiêu thụ nông sản, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được thực hiện, tạo tiền đề tái cơ cấu và phát triển ngành trong thời gian tới.

II. Một số khó khăn, yếu kém

Chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành diễn ra chậm, ngành trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn và ít biến động, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản còn thấp, sản xuất chưa gắn bám sát với với nhu cầu thị trường. Tăng trưởng ngành chủ yếu dựa trên tăng sản lượng thông qua tăng quy mô, tăng vụ, lạm dụng yếu tố đầu vào và nguồn lực tự nhiên nên giá trị tăng thêm thấp, hiệu quả sản xuất không cao, kém bền vững và ảnh hưởng đến môi trường.

Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị chưa nhiều, kém bền vững; liên kết giữa các vùng sản xuất rời rạc, chưa hình thành được các vùng sản xuất lớn có quản trị hiện đại.

Chăn nuôi còn nhỏ lẻ, phân tán, tiềm ẩn nguy cơ lây lan và khó kiểm soát dịch bệnh; Cây tập trung trồng phân tán, chủ yếu là vườn tạp, chất lượng và giá trị thấp; Ngành nghề nông thôn, công nghiệp chế biến chậm phát triển; Sản phẩm bán ra thị trường chủ yếu dạng tươi sống hoặc sơ chế; Việc tiêu thụ sản phẩm những năm được mùa còn gặp khó khăn.

Hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển các còn mang tính phong trào, hoạt động yếu; hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty TNHH một thành viên nông, lâm nghiệp còn thấp;

Nhiều quy hoạch, đề án được xây dựng song thiếu nguồn lực để thực hiện; các quy hoạch còn chồng chéo.

Giá vật tư đầu vào và nông sản không ổn định, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương thiếu sức cạnh tranh; Dịch vụ nông nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của nông dân nông thôn; Hỗ trợ đào tạo nghề và phát triển doanh nhân trong khu vực nông thôn còn ít.

Đời sống một bộ phận nông dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; chênh lệch giàu nghèo gia tăng, yêu cầu việc làm ngày càng bức xúc;

Vốn đầu tư phát triển sản xuất còn thấp, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tỷ lệ còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên việc sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa hiệu quả.

III. Nguyên nhân

Xuất phát điểm phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn của tỉnh thấp; thiên tai, dịch bệnh tiềm ẩn; lạm phát trượt giá ngày càng tăng; thiếu nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó về chủ quan: Tập quán sản xuất lạc hậu, tư duy, tâm lý sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp, sản xuất chưa gắn với nhu cầu thị trường, chưa chú trọng bảo quản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn thấp và kém hiệu quả; Đầu tư trực tiếp cho phát triển sản xuất thấp. Nguồn vốn cấp hàng năm cho chương trình phát triển rừng bền vững, bố trí dân cư, nâng cấp đê sông, Đề án 1588 còn thấp. Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đòi hỏi nguồn vốn lớn trong khi ngân sách cấp từ Chương trình MTQG hàng năm thấp, khó huy động nguồn lực khác, nguồn lực của địa phương hạn hẹp đã ảnh hưởng tới tinh thần quyết tâm của các xã trong quá trình thực hiện.

IV. Một số dự báo cho 5 năm tới

1. Tình hình quốc tế

Trong những năm qua, Việt Nam thực sự đẩy mạnh việc tham gia hội nhập kinh tế với khu vực và quốc tế từ khi tham gia ASEAN (1995) và các định chế kinh tế, tài chính thương mại của ASEAN như: Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Khu vực đầu tư ASEAN (AIA); ký Hiệp định khung với EU (1995); tham gia Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) năm 1996, Diễn đàn APEC năm 1998; ký Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ (2000) dựa trên những nguyên tắc cơ bản của WTO và năm 2007 đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO.

Nhìn tổng quát, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta đã xúc tiến với bước đi khá vững chắc và đạt được kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Trước hết, Việt Nam đã mở rộng quan hệ kinh tế với hàng loạt quốc gia và khu vực, trở thành thành viên của các tổ chức kinh tế, thương mại chủ chốt, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng hiệu quả hơn.

Tuy nhiên sự cạnh tranh các sản phẩm nhập khẩu với các sản phẩm trong tỉnh còn gay gắt, là một động lực để các sản phẩm trong Tỉnh có những chiến lược cụ thể trong sản xuất, chế biến và cạnh tranh trên thị trường.

Kế hoạch phát triển ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn 5 năm 2016-2020 được xây dựng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực phục hồi đà tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng tốc độ còn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tốc độ tăng trưởng nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt các diễn biến ở biển Đông có thể có tác động ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của cả nước; kinh tế Việt Nam tham gia ngày càng sâu, rộng và chịu tác động trực tiếp của nền kinh tế thế giới; Một số nông sản như lúa gạo, bưởi, vải, cá tra, tiêu, điều... được tiêu thụ trên thị trường thế giới song yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật rất khắt khe.

2. Tình hình trong nước

2.1. Thuận lợi và cơ hội

- Chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tư duy và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tổ chức sản xuất, xây dựng nông thôn mới;

- Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm nhiều đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tái cơ cấu nền kinh tế và đặc biệt là ngành Nông được đẩy mạnh, nhiều chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống cho nông dân và xây dựng nông thôn mới được ban hành và đi vào cuộc sống;

- Đầu tư của nhà nước, doanh nghiệp, người dân có triển vọng được phục hồi; Cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật được củng cố; Khoa học công nghệ phát triển mạnh; Mức độ cơ giới hóa, sử dụng giống mới, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, công nghệ bảo quản chế biến,...ngày càng tăng;

- Quan hệ sản xuất có thay đổi tích cực, hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn, hợp tác, liên kết kép kín được hình thành và phát huy hiệu quả; Hình thức kinh tế tập thể dần phát huy được những nhược điểm quy mô nhỏ của kinh tế cá thể;

- Nội lực kinh tế, cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, năng lực sản xuất tiếp tục được tăng cường; Kết quả bước đầu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp & PTNT tạo ra những chuyển biến mới đối với sự phát triển của tỉnh;

- Đã xác định được định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và hoạt động thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và gắn với xây dựng nông thôn mới.

2.2. Khó khăn, thách thức

- Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh khó lường, giá cả nông sản không ổn định; Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ hơn với những diễn biến bất thường về hạn hán, bão, lũ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp;

- Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng còn yếu và chưa đồng bộ; dịch vụ phát triển chậm; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; Công tác cải cách hành chính chưa theo kịp yêu cầu phát triển; vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định về trật tự xã hội;

- Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tư duy sản xuất cá thể, nguồn lực đầu tư hạn chế, khả năng tiếp cận khoa học công nghệ thấp, tiêu thụ nông sản không ổn định, thành phần kinh tế tư nhân đầu tư chưa nhiều, liên kết sản xuất rời rạc, hợp tác xã hoạt động hiệu quả thấp v.v.. là những khó khăn, thách thức trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung.

- Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, các mặt hàng nông sản trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng khốc liệt, đặc biệt yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm;

- Việc hạ giá thành sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm là thách thức lớn đối với việc phát triển các sản phẩm hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh ta.

Phần thứ ba

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP ĐẾN NĂM 2020

I. Quan điểm

1. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành; phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh gắn với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học... bảo đảm phát triển bền vững.

2. Thực hiện theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp từng vùng, từng lĩnh vực, vừa phải đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng; chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả thể hiện bằng giá trị, lợi nhuận; chú trọng đáp ứng các yêu cầu về xã hội.

3. Nhà nước định hướng tái cơ cấu bằng các cơ chế, chính sách; tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động; hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống; tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng, nông dân và doanh nghiệp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

4. Trọng tâm của tái cơ cấu là phát triển nông sản, hàng hóa lợi thế có sức cạnh tranh trên thị trường, hiện thực hóa bằng các chương trình ưu tiên; Tăng hàm lượng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa lợi thế theo yêu cầu thị trường; Tái cơ cấu từng sản phẩm đồng bộ về quy mô, hình thức tổ chức sản xuất, nguồn giống, công nghệ, thị trường và chính sách. Đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng vẫn đảm bảo có thể trồng lúa khi cần thiết.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường; Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao tốc độ tăng trưởng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng, lợi thế so sánh và giảm chi phí trung gian; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành đạt trên 4,5%/năm, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha canh tác trồng trọt đạt trên 120 triệu đồng/năm.

- Nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 60% thu nhập bình quân đầu người trên toàn tỉnh; 40% số xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới;

- Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm tác động tiêu cực đối với môi trường, khai thác tốt các lợi ích về môi trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng chống thiên tai, duy trì ổn định độ che phủ rừng trên 50%.

III. Nội dung

1. Sản xuất nông nghiệp

Giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 4,5%/ năm.

1.1. Trồng trọt

Trong giai đoạn 2016-2020, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 4,04%/năm; Đến năm 2020, ngành trồng trọt chiếm tỷ trọng 69,8% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, giá trị sản phẩm thu được trên một ha canh tác gấp 1,5 lần so với năm 2015.

Một số nhiệm vụ chủ yếu:

- Nâng cao giá trị sản phẩm thu được trên đất trồng lúa, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực. Diện tích trồng Ngô trên 41 nghìn ha, sản lượng ngô đạt trên 16,8 vạn tấn trong đó diện tích ngô vụ Đông chiếm 10%; Diện tích trồng cây ăn quả đạt trên 11 nghìn ha, giá trị thu nhập bình quân 350 ÷ 400 triệu đồng/ha/năm trong đó trồng cam an toàn 5 nghìn ha, 70% diện tích cho thu hoạch đạt sản lượng trên 100.000 tấn;

- Đổi mới tư duy, cách thức tổ chức sản xuất trồng trọt theo hướng tập trung các sản phẩm chủ lực, đồng bộ các khâu kỹ thuật trên cánh đồng lớn; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu;

- Tăng cường áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững; Thực hiện quy định về môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất và xử lý chất thải nông nghiệp; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước và các hình thức canh tác tiết kiệm nước;

- Tập trung hỗ trợ kết nối thị trường tiêu thụ, đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm;

- Khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; nhân rộng các mô hình canh tác bền vững, mô hình liên kết sản xuất kinh doanh;

- Hỗ trợ tập huấn, khuyến nông và các dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, kiến thức và kỹ năng quản lý kinh tế theo định hướng thị trường cho nông dân;

- Thí điểm và mở rộng hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; tăng thu nhập cho nông dân thông qua việc chia sẻ bình đẳng lợi nhuận giữa nông dân, cơ sở chế biến và doanh nghiệp tiêu thụ xuất khẩu.

* Chương trình ưu tiên:

(1) Phát triển trồng rau an toàn tập trung.

- Mục tiêu đến năm 2020: có trên 6,3 nghìn ha chuyên canh sản xuất rau an toàn; giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đạt trên 500 triệu đồng/năm; 50% sản phẩm được tiêu thụ thị trường ngoại tỉnh.

- Nhiệm vụ: Hình thành và phát triển vùng sản xuất rau, rau an toàn, rau bản địa, vùng sản xuất theo quy trình VietGAP đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo cơ cấu chủng loại rau theo nhu cầu của thị trường, có cơ cấu luân canh hợp lý nhằm đáp ứng cơ cấu chủng loại rau theo nhu cầu thị trường.

(2) Phát triển trồng cây ăn quả có múi

- Mục tiêu đến năm 2020: diện tích cây ăn quả có múi trên 6,1 nghìn ha; sản lượng trên 100.000 nghìn tấn; giá trị so sánh trên hai nghìn năm trăm tỷ đồng; trên 30% diện tích được chứng nhận sản xuất sản phẩm an toàn.

- Nhiệm vụ: Mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm cây có múi theo hướng sản xuất sản phẩm an toàn, tập trung, quy mô lớn, chuyên canh ổn định, lâu dài trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường.

(3) Nâng cao giá trị mía ăn tươi

- Mục tiêu đến năm 2020: ổn định diện tích trên 7,5 nghìn ha; năng suất 72 tấn/ha; giá trị sản xuất so sánh đạt trên một nghìn tỷ đồng; giá trị thu nhập đạt trên 150 triệu đồng/ha;

- Nhiệm vụ: ổn định diện tích, tăng năng suất, nâng cao chất lượng trên cơ sở đồng bộ sản xuất, đẩy mạnh chế biến, hỗ trợ lưu thông và tiêu thụ.

1.2. Chăn nuôi

Trong giai đoạn 2016-2020, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ngành chăn nuôi đạt 5,8%/năm, giảm chi phí trung gian 1%/năm; đến năm 2020, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng 29,85% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; Phát triển đàn lợn đến năm 2020 trên 500 nghìn con. Đẩy mạnh chăn nuôi lợn công nghiệp tại các trang trại tư nhân đạt 20% tổng sản lượng; Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 48,5 nghìn tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 38,6 triệu quả, giá trị tăng thêm đạt trên 1 nghìn tỷ đồng; Một số nhiệm vụ chủ yếu:

- Phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại, hình thành các vùng chăn nuôi xa khu dân cư;

- Cải thiện giống và phát triển chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, áp dụng kỹ thuật và công nghệ phù hợp;

- Giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; tăng cường dịch vụ thú y; quy định chặt chẽ việc quản lý và sử dụng thuốc thú y; áp dụng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị, phát triển công nghiệp chế biến đa dạng sản phẩm; cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn;

- Khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến;

- Chuyển chăn nuôi trâu, bò lấy sức kéo sang nuôi thịt;

- Phát triển đàn lợn giống ngoại ông bà tạo nguồn giống cho sản xuất;

- Áp dụng hệ thống quản lý kiểm soát nguy cơ ô nhiễm đất và nước từ chất thải chăn nuôi và phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ các phụ phẩm của ngành chăn nuôi; quản lý vùng nuôi an toàn về môi trường.

* Chương trình ưu tiên:

(2) Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm

- Mục tiêu đến năm 2020: sản lượng thịt hơi xuất chuồng từ các cơ sở nuôi đạt 35 nghìn tấn, sản lượng trứng đạt 38 triệu quả; giá trị so sánh trên 400 tỷ đồng, chiếm 25% giá trị đàn lợn và gia cầm; trên 80% trang trại, gia trại cơ sở chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải;

- Nhiệm vụ: Phát triển sản xuất chăn nuôi công nghiệp khép kín tại các gia trại, trang trại xa khu dân cư, kết hợp hình thành vùng an toàn dịch bệnh cho các vùng nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, giết mổ công nghiệp quy mô lớn, tập trung ở các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy; Nâng cao giá trị sản phẩm, giảm chi phí trung gian, kiểm soát phòng trừ dịch bệnh và vệ sinh an toàn vùng nuôi.

2. Thủy sản

Giai đoạn 2016-2020 phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 12%/năm; Đến năm 2020, giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 360 tỷ đồng, ngành thủy sản chiếm tỷ trọng 6% giá trị sản xuất ngành Nông, lâm, thủy sản; Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản 3.020 ha, có 4.200 lồng nuôi cá, sản lượng thủy sản đạt trên 9,2 nghìn tấn. Một số nhiệm vụ chủ yếu:

- Đẩy mạnh nuôi trồng các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao trên các thủy vực lớn bằng lồng nuôi cải tiến sử dụng thức ăn công nghiệp;

- Tăng cường thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực, các loài cá bản địa trên ao hồ; phát triển thủy sản theo hướng bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới;

- Đầu tư phát triển hệ thống sản xuất giống sạch bệnh, chất lượng cao;

- Xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị;

- Đẩy mạnh liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng nhãn hiệu tập thể với cá Sông Đà.

- Bảo vệ, khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản và môi trường; Ổn định sản lượng khai thác, quản lý khai thác theo kích cỡ, xây dựng mô hình đồng quản lý nguồn lợi nhằm nâng cao khả năng tự phục hồi và tính bền vững của nguồn lợi thủy sản vùng hồ sông Đà.

* Chương trình ưu tiên:

(2) Phát triển nuôi cá lồng vùng hồ sông Đà

- Mục tiêu đến năm 2020: có 4,2 nghìn lồng nuôi trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình; tổng thể tích 178 nghìn m3; sản lượng trên 3,8 nghìn tấn; 50% sản phẩm được tiêu thụ thị trường ngoại tỉnh;

- Nhiệm vụ: Khai thác hợp lý tiềm năng lợi thế mặt nước để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm chi phí trung gian; Tăng số lồng nuôi công nghiệp bằng lồng cải tiến; Lựa chọn và phát triển nuôi các loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao.

3. Lâm nghiệp

Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 5,5%/năm; Đến năm 2020, ngành lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 11,2% giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản; Độ che phủ rừng trên 50%, sản lượng gỗ khai thác 410 nghìn m3, tỷ lệ diện tích và sản lượng gỗ dân dụng, xây dựng cơ bản chiếm 70%, giá trị sản xuất so sánh đạt trên 1,1 nghìn tỷ đồng. Một số nhiệm vụ chủ yếu:

- Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non sang khai thác gỗ lớn nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu;

- Đẩy mạnh phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ và xây dựng nhãn hiệu tập thể cây dược liệu bản địa có lợi thế như: Xạ đen, gừng, nghệ, xa nhân, ba kich... trên đất rừng;

- Quản lý, sử dụng bền vững diện tích rừng tự nhiên, thay thế các diện tích kém hiệu quả bằng rừng trồng có năng suất cao; khuyến khích đầu tư trồng rừng theo hướng thâm canh, điều chỉnh cơ cấu giống cây lâm nghiệp trồng trong rừng phòng hộ theo hướng tăng cây đa tác dụng, đa mục tiêu tạo điều kiện tăng thu nhập cho người làm nghề rừng;

- Nghiên cứu, bình tuyển, phát triển trồng các loài cây gỗ lớn, mọc nhanh có giá trị kinh tế cao thay thế cây keo;

- Tăng cường năng lực, hiệu lực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; cải thiện sinh kế cho cộng đồng thông qua phí dịch vụ môi trường rừng; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, đa dạng các hoạt động lâm nghiệp góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong nông thôn, giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

* Chương trình ưu tiên:

(2) Chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn

- Mục tiêu đến năm 2020: diện tích khai thác rừng gỗ lớn 3,4 nghìn ha; năng suất tăng 1,5 lần so với năm 2014; 30% diện tích được cấp chứng chỉ rừng FSC; 20% sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

- Nhiệm vụ: Tăng tỷ trọng rừng kinh tế, từng bước hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung, cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến đồ gỗ; chuyển đổi diện tích khai thác gỗ non, gỗ dăm sang khai thác gỗ lớn, gỗ dân dụng và xây dựng cơ bản; đẩy mạnh cấp chứng chỉ rừng với các vùng sản xuất gỗ lớn tập trung.

4. Phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn

Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng nông sản, hàng hóa qua chế biến trên 30%; có 10 làng nghề truyền thống được công nhận. Một số nhiệm vụ chủ yếu:

- Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản;

- Thu hút doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào chuỗi sản xuất-chế biến- tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh thông qua: liên kết sản xuất tạo ra sản lượng nông sản lớn- đầu tư chế biến tạo ra hàng hóa- tiêu thụ hàng hóa tại các thị trường lớn trong và ngoài nước;

- Phát triển làng nghề với quy mô, cơ cấu sản phẩm, trình độ công nghệ hợp lý đủ sức cạnh tranh, thích hợp với điều kiện của từng địa phương; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với hoạt động dịch vụ du lịch và bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các làng nghề để làm nòng cốt cho sự phát triển, ưu tiên những ngành nghề sử dụng nhiều lao động;

- Hiện đại hóa công nghệ xử lý chất thải, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

5. Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới

Phấn đấu đến năm 2020, 40% số xã cơ bản đạt hoặc duy trì được 19 tiêu chí nông thôn mới; mỗi xã có ít nhất 2 sản phẩm đặc thù; 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh môi trường, 70% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Một số nhiệm vụ chủ yếu:

- Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, kết nối các làng xã đến thị trấn, thành phố; phát triển các khu, cụm dân cư với cách thức tổ chức cuộc sống tương tự như dân cư thành thị; phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, kỹ thuật phục vụ sản xuất;

- Thu hút và đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân thành hạt nhân phát triển sản xuất khu vực nông thôn;

- Lựa chọn và đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm đặc thù của xã; tăng cường xây dựng mô hình điểm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất;

- Hỗ trợ, đầu tư tập trung và đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề...; mở rộng các hình thức đào tạo nghề gắn với chuyển giao công nghệ mới, chuyển giao các kỹ thuật và quy trình sản xuất mới cho các hộ nông dân; nhân rộng các mô hình tốt trong đào tạo nghề cho các làng nghề, các vùng sản xuất chuyên canh;

- Chuyển đổi các làng nghề có điều kiện thành các điểm du lịch, gắn kết sản phẩm làng nghề và nông sản với các điểm du lịch, kết nối các tuyến du lịch trong vùng và giữa các vùng lân cận;

- Xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải, chất thải do hoạt động làng nghề, trồng trọt, chăn nuôi ở khu vực nông thôn.

IV. Giải pháp

1. Nâng cao chất lượng chiến lược, quy hoạch; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch

- Rà soát điều chỉnh chiến lược phát triển ngành đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cần bổ sung nội dung tái cơ cấu ngành;

- Tiếp tục lập mới và rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế địa phương; đảm bảo thực hiện hiệu quả chiến lược tăng trưởng xanh và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; Trước mắt tập trung rà soát điều chỉnh: Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp, Quy hoạch vùng sản xuất trồng trọt tập trung, Quy hoạch trồng cây có múi và Quy hoạch thủy lợi và Quy hoạch nông thôn mới; Lập mới: Quy hoạch chi tiết vùng nuôi cá lồng vùng hồ sông Đà, Quy hoạch cơ sở chế biến bảo quản nông, lâm, thủy sản, Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu, Quy hoạch vùng kinh doanh cây gỗ lớn; Quy hoạch đê điều;

- Gắn chiến lược với xây dựng quy hoạch, kế hoạch; kết hợp giữa quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh với quy hoạch ngành, lĩnh vực;

- Quản lý giám sát nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch đã phê duyệt;

- Xây dựng chính sách, chương trình, dự án và bố trí nguồn lực thực hiện các nội dung quy hoạch đã được phê duyệt.

2. Tái cơ cấu đầu tư công

- Đầu tư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đào tạo phát triển thị trường và tái đầu tư công;

- Rà soát, phân loại các dự án đầu tư, điều chỉnh phương thức và nguồn đầu tư để thu hút tối đa nguồn lực đầu tư xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp. Ưu tiên các chính sách, chương trình, dự án: phát triển sản phẩm chủ lực; phát triển giống chất lượng cao; giám sát, phòng ngừa và kiểm soát dịch, bệnh; bảo quản, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng; quản lý lâm nghiệp cộng đồng; phát triển dịch vụ môi trường rừng;

- Thực hiện cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi phát triển nông nghiệp- nông thôn có kết hợp hình thức hợp tác giữa nhà nước và tư nhân cùng các tổ chức xã hội để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tăng cường vốn trung hạn, dài hạn để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; tranh thủ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện tái cơ cấu ngành;

- Tập trung đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống thủy lợi theo hướng đa chức năng phục vụ cho sản xuất nuôi trồng thủy sản tập trung; ưu tiên các chương trình, dự án thủy lợi đầu mối kết hợp nuôi trồng thủy sản tập trung; hỗ trợ về công nghệ các phương pháp tưới công nghệ cao;

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi giải quyết nhanh các yêu cầu và đáp ứng có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp.

3. Phát triển khoa học công nghệ

- Đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến; xử lý chất thải, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ đa dạng sinh học, hỗ trợ nông dân kết nối, tiếp cận dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng tiến bộ kỹ thuật;

- Tăng cường xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm lợi thế của địa phương nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm đặc thù, đặc sản của địa phương.

- Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp.

4. Đổi mới quan hệ sản xuất

a) Thu hút và phát huy vai trò Doanh nghiệp

- Đẩy mạnh các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng từ cung cấp đầu vào-tổ chức sản xuất-chế biến-tiêu thụ giữa các tập đoàn lớn, doanh nghiệp với nông dân và tổ chức đại diện của nông dân, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò đầu mối, nòng cốt nhằm nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh hàng nông sản.

- Phát huy vai trò đầu mối tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn gắn với chuỗi giá trị của doanh nghiệp nhằm kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc nông sản;

- Khuyến khích Doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm;

- Hỗ trợ Doanh nghiệp quảng bá, xây dựng nhãn hiệu các sản phẩm lợi thế của tỉnh, tạo điều kiện tiêu thụ hàng hóa nông sản ra thị trường ngoại tỉnh;

- Hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tăng tỷ lệ vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp;

- Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; đảm bảo cạnh tranh công bằng; cung cấp các dịch vụ kiểm dịch, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; áp dụng các quy định, tiêu chuẩn quản lý quốc gia nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân;

- Phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân (đối tác công tư, hợp tác công tư,...) để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công;

- Thực hiện sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành, chú trọng sắp xếp đổi mới các công ty nông lâm nghiệp theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn 02/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp & PTNT, nhằm nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của công ty một thành viên khai thác công trình thủy lợi; thiết lập và nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức quản lý khai thác các công trình nước sinh hoạt nông thôn.

b) Nâng cao hoạt động Hợp tác xã, tổ hợp tác

- Khuyến khích hộ cá thể liên kết sản xuất thành tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đủ năng lực cạnh tranh, thích ứng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong tình hình mới;

- Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các HTX với các doanh nghiệp; thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác;

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để cán bộ, nhân dân hiểu rõ về Luật Hợp tác xã, bản chất, vị trí, vai trò và cách thức tổ chức HTX; nâng cao chất lượng hoạt động ban chủ nhiệm và xã viên HTX nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX điển hình tiên tiến;

- Ban hành và cụ thể hóa một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế HTX;

- Xây dựng mô hình HTX dịch vụ tổng hợp toàn xã; Khuyến khích mở rộng danh mục ngành nghề kinh doanh nông nghiệp ở những lĩnh vực mới nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả giống, vật tư, phân bón và nông sản;

- Nâng cao năng lực quản lý về kinh tế tập thể cán bộ các cấp.

c) Đẩy mạnh các hình thức liên kết sản xuất

- Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế liên kết sản xuất- chế biến- tiêu thụ với nông dân và các tổ chức đại diện của nông dân tạo thành vùng sản xuất hàng hóa lớn;

- Tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - nhà khoa học - nông dân thông qua hợp đồng;

- Nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong việc vận động tuyên truyền tổ chức lại sản xuất nông nghiệp;

- Đẩy mạnh và xúc tiến thương mại và phát triển thị trường

- Xây dựng chính sách khuyến khích tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, cá thể với yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm, dịch bệnh, môi trường và an sinh xã hội.

d) Đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, sản xuất theo cánh đồng lớn

- Hoàn thiện và nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn, mô hình liên kết sản xuất quy mô lớn hình thành các vùng sản xuất đồng nhất;

- Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

5. Phát triển nguồn nhân lực, tăng cường nguồn nhân lực thực hiện trong Nông nghiệp và PTNT

5.1. Phát triển nguồn nhân lực

a) Đẩy mạnh công tác khuyến nông

- Nâng cao năng lực hệ thống khuyến nông cơ sở, đảm bảo cung cấp dịch vụ cho nông dân liên kết sản xuất, phát triển các sản phẩm chủ lực từng vùng;

- Điều chỉnh mạng lưới cơ sở đào tạo khuyến nông cho phù hợp với yêu cầu quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng vùng nông thôn;

- Xây dựng dự án khuyến nông trọng điểm phục vụ phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung; ứng dụng công nghệ cao.

b) Phát triển đào tạo nghề

- Đào tạo ngành nghề cho lao động nông thôn tại cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, hướng tới doanh nghiệp là nơi đào tạo chính, gắn đào tạo nghề với sản xuất thực tiễn;

- Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo Thông tư 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010; tạo điều kiện cho lao động sau đào tạo nghề được vay vốn phát triển sản xuất;

- Hoàn thiện chính sách và tập trung đào tạo kiến thức, kỹ năng cho thanh niên nông thôn để lựa chọn và phát triển nghề phù hợp, chú trọng đào tạo nghề công nghiệp - dịch vụ.

5.2. Nguồn lực tài chính

Tổng nguồn vốn dự kiến

12,376

tỷ đồng, phân kỳ theo nguồn vốn từng Chương trình như sau:

Nguồn vốn

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Tổng

Tỷ lệ %

Tổng chi phí trung gian

1,551

1,938

2,405

2,925

3,557

12,376

100

Ngân sách Trung ương

58

71

87

106

130

454

3.67

Ngân sách tỉnh

41

52

66

81

99

338

2.73

Ngân sách huyện

67

85

106

130

158

546

4.41

Các nguồn khác

233

291

361

439

534

1,856

15.00

Dân đóng góp

1,151

1,439

1,785

2,169

2,636

9,181

74.19

(1) Phát triển trồng rau an toàn tập trung.

 

Tổng chi phí trung gian

72

147

242

314

420

1,196

Nguồn vốn

Ngân sách Trung ương

0.7

1.5

2.4

3.1

4.2

12.0

Mô hình khuyến nông

Ngân sách tỉnh

2.2

4.4

7.3

9.4

12.6

35.9

Sự nghiệp KT (NQ 10)

Ngân sách huyện

3.6

7.4

12.1

15.7

21.0

59.8

Hỗ trợ đất trồng lúa

Các nguồn khác

10.9

22.1

36.3

47.0

63.0

179.4

DN đầu tư

Dân đóng góp

55.0

112.1

183.9

238.4

319.4

908.8

 

(2) Phát triển trồng cây có múi

Tổng chi phí trung gian

349

492

661

869

1,105

3,476

Nguồn vốn

Ngân sách Trung ương

3.5

4.9

6.6

8.7

11.0

35

Mô hình khuyến nông

Ngân sách tỉnh

10.5

14.8

19.8

26.1

33.1

104

Sự nghiệp KT (NQ 10)

Ngân sách huyện

17.4

24.6

33.1

43.4

55.2

174

Sự nghiệp kinh tế

Các nguồn khác

52.3

73.9

99.2

130.3

165.7

521

DN đầu tư

Dân đóng góp

265.2

374.2

502.4

660.4

839.5

2,642

 

(3) Nâng cao giá trị mía ăn tươi

Tổng chi phí trung gian

287

310

332

357

382

1,668

Nguồn vốn

Ngân sách Trung ương

2.9

3.1

3.3

3.6

3.8

17

Mô hình khuyến nông

Ngân sách tỉnh

2.9

3.1

3.3

3.6

3.8

17

Sự nghiệp kinh tế

Ngân sách huyện

5.7

6.2

6.6

7.1

7.6

33

Sự nghiệp kinh tế

Các nguồn khác

43.1

46.4

49.8

53.6

57.3

250

DN đầu tư

Dân đóng góp

232.9

250.7

268.9

289.3

309.3

1,351

 

(4) Phát triển cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm.

Tổng chi phí trung gian

656

741

838

948

1,074

4,257

Nguồn vốn

Ngân sách Trung ương

32.8

37.0

41.9

47.4

53.7

213

NĐ 210, QĐ50

Ngân sách tỉnh

19.7

22.2

25.1

28.4

32.2

128

Thực hiện NĐ 210

Ngân sách huyện

32.8

37.0

41.9

47.4

53.7

213

Sự nghiệp kinh tế

Các nguồn khác

98.4

111.1

125.7

142.2

161.1

639

DN đầu tư

Dân đóng góp

472.1

533.4

603.2

682.7

773.5

3,065

 

(5) Phát triển nuôi cá lồng bè trên lòng hồ sông Đà.

 

Tổng chi phí trung gian

53

86

134

196

280

749

Nguồn vốn

Ngân sách Trung ương

5.3

8.6

13.4

19.6

28.0

75

Đề án 1588

Ngân sách tỉnh

1.6

2.6

4.0

5.9

8.4

22

 

Ngân sách huyện

1.1

1.7

2.7

3.9

5.6

15

 

Các nguồn khác

7.9

12.9

20.1

29.5

41.9

112

Doanh nghiệp đầu tư

Dân đóng góp

36.9

60.3

93.7

137.5

195.7

524

 

(6) Chương trình chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn

 

Tổng chi phí trung gian

133

162

198

240

297

1,031

Nguồn vốn

Ngân sách Trung ương

13.3

16.2

19.8

24.0

29.7

103

KH BVPT rừng

Ngân sách tỉnh

4.0

4.9

6.0

7.2

8.9

31

Thực hiện NĐ 210

Ngân sách huyện

6.7

8.1

9.9

12.0

14.8

52

Sự nghiệp kinh tế

Các nguồn khác

20.0

24.3

29.8

36.0

44.5

155

DN đầu tư, dự án

Dân đóng góp

89.4

108.6

132.9

160.9

198.8

691

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về quan điểm, mục tiêu, nội dung, giải pháp, chương trình ưu tiên của Đề án

Tích cực tuyên truyền, quán triệt phổ biến chủ trương, nội dung của đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và PTNT của tỉnh đến các cấp, các ngành liên quan, đến các huyện, thành phố, các đơn vị chuyên môn để nắm bắt và thực hiện triển khai thực hiện các kế hoạch hành động tái cơ cấu lĩnh vực liên quan của đơn vị mình.

Phần thứ tư

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành và chính quyền địa phương, các đơn vị chuyên ngành rà soát, bổ sung, lập mới các quy hoạch theo yêu cầu;

- Phối hợp Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện Đề án; đề xuất cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội thực hiện Đề án;

- Hướng dẫn các huyện/thành phố xây dựng và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và gắn với xây dựng nông thôn mới;

- Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, các Tiểu ban và Tổ giúp việc để xây dựng và triển khai thực hiện Đề án;

- Xây dựng các dự án cụ thể theo từng lĩnh vực, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Chỉ đạo các đơn vị thuộc Ngành xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án theo các lĩnh vực được giao.

II. Các sở, ngành, cơ quan liên quan

1. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách, tham mưu bố trí nguồn kinh phí cho việc thực hiện Đề án; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các văn bản hướng dẫn quản lý, cấp phát và thanh quyết toán nguồn kinh phí theo quy định hiện hành.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh lồng ghép nguồn vốn, bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm; xây dựng chính sách khuyến khích và hướng dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

3. Sở Công Thương: Hướng dẫn các địa phương xúc tiến thương mại, thành lập các hiệp hội ngành hàng, hình thành các chợ đầu mối tiêu thụ nông sản; phát triển hệ thống điện tại các vùng sản xuất.

4. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ tiên tiến; chuyển giao các kết quả nghiên cứu phù hợp với điều kiện các địa phương trong tỉnh; duy trì, khai thác hiệu quả nhãn hiệu sản phẩm chủ lực; hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực Nông nghiệp; ưu tiên đề tài, dự án khoa học ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật với sản phẩm lợi thế của tỉnh.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Rà soát, kiểm soát, quản lý chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp (đặc biệt là đất trồng lúa); đề xuất các chính sách liên quan đến đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

6. Sở Thông tin và Truyền thông: Xây dựng chương trình truyền thông tái cơ cấu ngành nông nghiệp phổ biến đến người dân.

7. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Hòa Bình: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về các chủ trương, chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

8. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hòa Bình: Chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tạo điều kiện và cho các tổ chức, cá nhân được vay vốn phát triển sản xuất theo các quy định hiện hành.

9. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, tổ chức chính trị-xã hội: Tăng cường tuyên truyền, vận động các hội viên chủ động, tích cực và tự giác thực hiện Đề án.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Trên cơ sở điều kiện thực tế, tiềm năng lợi thế của địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp;

- Bố trí ngân sách để đảm bảo việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương đảm bảo đạt hiệu quả và mục tiêu đề ra; tổ chức hội nghị triển khai, sơ kết hàng năm và các giai đoạn thực hiện Đề án.

- Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1604/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hòa Bình đến năm 2020

  • Số hiệu: 1604/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/08/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Nguyễn Văn Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản