Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1390/KH-UBND

Lai Châu, ngày 18 tháng 7 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA TIÊU CỰC, THAM NHŨNG TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG VỤ

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (sau đây gọi là Chỉ thị số 10/CT-TTg), Công điện số 724/CĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ (sau đây gọi là Công điện số 724/CĐ-TTg) và Công văn số 943-CV/TU ngày 21/6/2019 của Tỉnh ủy Lai Châu về việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng (sau đây gọi là Công văn số 943-CV/TU), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể và Nhân dân đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, từng bước hình thành văn hóa phòng, chống tham nhũng tại địa phương.

2. Yêu cầu

Việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, Công điện số 724/CĐ-TTg, Công văn số 943-CV/TU và Kế hoạch này phải được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên, liên tục, tiến hành đồng thời với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cấp, mỗi ngành, gắn với việc thực hiện đồng bộ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.

II. NỘI DUNG

1. Quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg, Công điện số 724/CĐ-TTg gắn với việc tiếp tục thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về phòng, chống tham nhũng (PCTN); Luật PCTN năm 2018; Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PCTN năm 2018 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về PCTN.

Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện thành phố (các cơ quan, đơn vị, địa phương).

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

2. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng.

a) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc; nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định việc tiếp công dân, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân theo đúng quy định; phải gương mẫu, đi đầu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu thực hiện công tác phòng chống tham nhũng đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ nói chung và quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp nói riêng. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái. Phải coi đấu tranh PCTN là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục, lâu dài, đặc biệt quan trọng và lấy làm tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

b) Chấn chỉnh công tác quản lý; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ; tổ chức rà soát, đánh giá việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị nói chung và cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng nói riêng. Chỉ đạo thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn nghiệp vụ; ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, cụ thể. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật; định kỳ luân chuyển, thay đổi vị trí công tác theo đúng quy định; đồng thời lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm, nhất là đối với các trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, điều tra viên, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường…… bảo đảm ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ. Giải quyết dứt điểm, kịp thời các kiến nghị, phản ánh, tố cáo của người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng giải thích không rõ ràng thay vì giải quyết.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

3. Thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương, đổi mới công nghệ quản lý.

a) Khẩn trương rà soát; sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý; nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát; khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp; rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, đề xuất loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết; sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 01 lần.

Cơ quan thực hiện: Các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

b) Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đối thoại với doanh nghiệp, người dân theo hướng thực chất, cầu thị; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để giải quyết thực chất, dứt điểm, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý đối với những bất cập trong quy định của pháp luật (nếu có); công khai thời gian, địa điểm tiếp dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên trang thông tin điện tử (nếu có) và trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức.

Cơ quan thực hiện: Các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

c) Công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà; công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo đúng quy định; thực hiện định kỳ báo cáo theo quy định về công tác phòng, chống tham nhũng.

Cơ quan thực hiện: Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh.

Thời gian thực hiện: Sau khi có hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ

d) Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước, phối hợp xây dựng Chính phủ điện tử từ cấp Trung ương đến địa phương; đưa ra lộ trình cụ thể để triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 trở lên; hoàn thiện các thủ tục để đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công vào hoạt động; tại những nơi thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân, doanh nghiệp phải có giám sát bằng công nghệ hiện đại (như ghi âm, ghi hình, giám sát trực tuyến...).

Cơ quan thực hiện: Các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

4. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng.

a) Đẩy mạnh việc thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ công, coi đó là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ; chú trọng việc giám sát thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và những việc không được làm của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện phương châm: kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ.

Cơ quan thực hiện: Các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

b) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã và Hội Doanh nghiệp trẻ, Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Lai Châu, Văn phòng UBND tỉnh, các cơ quan báo chí tăng cường các biện pháp tuyên truyền sâu rộng về chính sách, pháp luật; hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, thực hành liêm chính, không tiếp tay với tiêu cực, tham nhũng, kiên quyết không đưa, không môi giới hối lộ; tuân thủ các quy tắc, văn hóa ứng xử văn minh; tích cực, chủ động tham gia phát hiện các biểu hiện, các hành vi tham nhũng, lãng phí, thông tin kịp thời, chính xác, trung thực cho các cơ quan chức năng; tôn vinh những điển hình tốt; việc thông tin cần đảm bảo đúng bản chất, sự thật, không suy diễn, chủ quan, đưa thông tin một chiều, sai lệch.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

5. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm.

a) Tăng cường đôn đốc, kiểm tra thường xuyên, đột xuất hoạt động thực thi công vụ để kịp thời, phát hiện, xử lý ngay hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

Cơ quan thực hiện: Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

b) Tiếp tục chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo đúng tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; tổ chức rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các đơn vị trực thuộc để tránh tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo đối với doanh nghiệp; tăng cường giám sát trong nội bộ ngành, cơ quan, đơn vị đối với hoạt động của các đoàn thanh tra không để sơ hở để thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thanh tra; khắc phục tình trạng chồng chéo, gây phiền hà, sách nhiễu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Cơ quan thực hiện: Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

c) Tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo và có chế tài xử lý; có hình thức khen thưởng, động viên, khích lệ đối với những đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện, chấp hành tốt; kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm và công khai danh tính cán bộ vi phạm trên Cổng thông tin điện tử tỉnh; cương quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, tham nhũng, đưa ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước; không xử lý hành chính mà phải xử lý hình sự nghiêm minh đối với hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà với người dân, doanh nghiệp đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật.

Cơ quan thực hiện: Các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

d) Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tăng cường hoạt động giám sát trong thực thi công vụ của các cơ quan, tổ chức, công chức, viên chức nhà nước nhằm góp phần ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ chức năng, nhiệm được giao, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức quán triệt trong toàn ngành, địa phương mình quản lý thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-TTg, Công điện số 724/CĐ-TTg, Công văn số 943-CV/TU và Kế hoạch này; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình; thực hiện chế độ báo cáo về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) theo quy định hiện hành.

2. Báo Lai Châu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh: Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tổ chức tốt công tác tuyên truyền Chỉ thị số 10/CT-TTg, Công điện số 724/CĐ-TTg, Công văn số 943-CV/TU và Kế hoạch này; kịp thời thông tin công khai kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm và tôn vinh những điển hình tốt.

3. Thanh tra tỉnh chủ trì, hàng năm rà soát, đối chiếu các nội dung kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra các sở, thanh tra các cấp, các ngành trên địa bàn toàn tỉnh với kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra các Bộ ngành Trung ương, nhằm phát hiện những nội dung còn chồng chéo giữa các đơn vị để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh các cuộc thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, Công điện số 724/CĐ-TTg, Công văn số 943-CV/TU và Kế hoạch này, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để nắm, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (B/c);
- Thanh tra Chính phủ (B/c);
- TTTU, TT HĐND tỉnh (B/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1390/KH-UBND năm 2019 thực hiện biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ do tỉnh Lai Châu ban hành

  • Số hiệu: 1390/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 18/07/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Người ký: Trần Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/07/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản