Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 134/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 23 tháng 8 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI MIỀN NÚI, VÙNG SÂU, VÙNG XA VÀ HẢI ĐẢO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tỉnh Ninh Bình có 02 huyện (huyện Nho Quan và huyện Kim Sơn) thuộc phạm vi đối tượng của Chương trình, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, với những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Cụ thể hóa quan điểm, các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021- 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021; Làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương.

- Đẩy mạnh phát triển thương mại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo của tỉnh (Nho Quan và Kim Sơn) theo hướng hiện đại, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; thu hẹp khoảng cách chênh lệch với các khu vực khác trên địa bàn tỉnh; góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với tầm nhìn dài hạn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh đạt mức tăng trưởng 12% hàng năm giai đoạn năm 2021 - 2025.

- Phát triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc trưng, đặc sản phù hợp với tiềm năng, lợi thế tại các khu vực miền núi, vùng xa đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng để kết nối tiêu thụ tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn và đủ điều kiện tham gia hệ thống phân phối trong nước và xuất khẩu.

- Đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thương mại, hệ thống phân phối tại các huyện thuộc Chương trình theo chuỗi liên kết cung ứng dịch vụ thương mại, đảm bảo lưu thông hàng hóa và cân đối cung cầu, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, nhất là hàng hóa thiết yếu.

- Khuyến khích phát triển thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, phát triển mạng lưới kinh doanh, tổ chức hoặc tham gia tổ chức các chuỗi cung ứng phân phối lưu thông hàng hóa, dịch vụ hậu cần, dịch vụ hỗ trợ thương mại. Về cơ chế chính sách: rà soát các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo định hướng về phát triển thương nhân, chính sách ưu đãi phát triển cho các khu vực thuộc Chương trình.

- Phát triển nguồn nhân lực: tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo về tổ chức và quản lý hệ thống phân phối, phát triển thương mại điện tử, kiến thức về xúc tiến thương mại, kỹ năng kinh doanh, quản lý chất lượng hàng hóa...

II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Phạm vi, địa bàn và thời gian thực hiện Chương trình

- Phạm vi, địa bàn: huyện Nho Quan và huyện Kim Sơn.

- Thời gian thực hiện: từ năm 2021 đến hết năm 2025.

2. Đối tượng của Chương trình

- Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại; Các tổ chức cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại trên địa bàn thực hiện của Chương trình.

- Tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại, phát triển chuỗi cung ứng vật tư hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện, thụ hưởng và quản lý các dự án, đề án, nhiệm vụ thuộc Chương trình quy định tại Quyết định 1162/QĐ-TTg.

III. NỘI DUNG TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH

1. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách đặc thù về phát triển thương mại

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài Chính, UBND các huyện: Kim Sơn, Nho Quan và các cơ quan liên quan: rà soát tổ chức thực hiện kịp thời các chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, thuế, vốn, lao động và khoa học công nghệ nhằm phát triển kinh tế, thương mại các khu vực thuộc Chương trình; tham mưu đề xuất đưa vào danh mục dự án ưu đãi đầu tư, ưu tiên đầu tư, thu hút doanh nghiệp đầu tư đối với các dự án hạ tầng thương mại chủ yếu trên địa bàn các huyện: Kim Sơn và Nho Quan.

Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025

2. Khuyến khích phát triển sản phẩm, hàng hóa lợi thế địa phương

- Sở Công Thương chủ trì triển khai các hoạt động khuyến công nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn các huyện: Kim Sơn, Nho Quan nâng cao năng lực hoạt động SXKD, phát triển sản phẩm mới, tăng khả năng tiếp cận thị trường.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với UBND các huyện: Kim Sơn, Nho Quan lựa chọn hỗ trợ phát triển một số sản phẩm hàng hóa dịch vụ chủ lực, đặc trưng của địa phương tham gia Chương trình Ocop;

- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ về tiêu chuẩn, mẫu mã bao bì, đăng ký bảo hộ, xây dựng nhãn hiệu, quản lý chất lượng, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm.

Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025.

3. Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, phát triển hệ thống phân phối cung ứng vật tư hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm địa phương

- UBND các huyện: Kim Sơn, Nho Quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và doanh nghiệp đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống và các dự án hạ tầng thương mại. Rà soát, cải tạo nâng cấp các chợ hiện có trên địa bàn; xây dựng chợ đầu mối, xây mới thêm một số chợ hạng III; mỗi huyện có 01 trung tâm thương mại hoặc khu thương mại dịch vụ tập trung và có từ 05 siêu thị trở lên tại các khu vực kinh tế tập trung, phát triển trên 50 cửa hàng tiện lợi tại các khu vực trung tâm cụ xã. Trong điều kiện phù hợp phát triển 01 trung tâm logistics, hệ thống kho hàng, bến bãi tập kết vật tư hàng hóa phát triển phù hợp với yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các huyện: Kim Sơn, Nho Quan tổ chức triển khai các hoạt động liên kết vùng, miền nhằm tăng cường các hoạt động liên kết cung ứng vật tư, thiết bị cho sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; Tổ chức các phiên chợ hàng Việt tại các địa bàn khó khăn (mỗi năm tổ chức 02 đến 03 phiên chợ); Xây dựng mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.

Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025.

4. Tuyên truyền quảng bá, xúc tiến thương mại

- Sở Công Thương lồng ghép với các Chương trình xúc tiến thương mại, Chương trình khuyến công hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn các huyện Kim Sơn, Nho Quan tiếp cận nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, phát triển và ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, tăng cường quảng bá giới thiệu hàng hóa đặc sản địa phương;

- Ủy ban nhân dân các huyện: Kim Sơn, Nho Quan chủ động triển khai các hoạt động tuyên truyền quảng bá xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm của địa phương; Chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn và cơ quan, đơn vị liên quan lựa chọn tổ chức một số hoạt động kết nối, trao đổi kinh nghiệm với các địa phương thuộc Chương trình;

Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025.

5. Phát triển nguồn nhân lực

UBND các huyện: Kim Sơn, Nho Quan chủ động phối hợp với Sở Công Thương và các sở ngành liên quan hỗ trợ các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nâng cao trình độ năng lực kiến thức, kỹ năng kinh doanh thông qua việc: tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo về tổ chức và quản lý hệ thống phân phối, phát triển thương mại điện tử, kiến thức về xúc tiến thương mại, kỹ năng kinh doanh, quản lý chất lượng hàng hóa...

Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch gồm:

- Ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; lồng ghép các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình khoa học và công nghệ, các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan.

- Kinh phí xã hội hoá: Huy động đóng góp, hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

2. Đối với nguồn Ngân sách nhà nước: Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, hàng năm các cơ quan lập dự toán chi tiết đề nghị cấp kinh phí thực hiện Kế hoạch gửi Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí dự toán để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch phù hợp với khả năng ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để thực hiện Kế hoạch.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ và nội dung công việc được giao tại Kế hoạch này.

2. Sở Công Thương có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện Kim Sơn, Nho Quan;
- Hiệp hội các DN tỉnh;
- Lưu: VT, VP5, VP6;
NN_VP5_KHUB.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Cao Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 134/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 134/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 23/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Nguyễn Cao Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản