Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1323/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 26 tháng 02 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

I. PHẦN MỞ ĐẦU

1. Tính cần thiết phải lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Hóa chất có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, được sử dụng rộng rãi ở hầu hết các ngành nghề kinh tế và mọi hoạt động của đời sống hàng ngày, đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, y tế và giáo dục.

Hoạt động hóa chất luôn tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn, sự cố hóa chất có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào, khi xảy ra sự cố hóa chất luôn đi liền với nguy cơ xảy ra sự cố lớn, có tác động trên phạm vi rộng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, tài sản và môi trường xung quanh. Hầu hết các loại hóa chất có khả năng phát tán nhanh trên diện rộng, rất dễ xâm nhập vào cơ thể người, để lại những hậu quả lâu dài đối với sức khỏe và môi trường bởi khả năng tồn lưu, khó phân hủy.

Quá trình sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất luôn làm phát sinh các chất thải ở dạng nước thải, khí thải, chất thải rắn. Nước thải của sản xuất hóa chất thường có khối lượng lớn và chứa nhiều thành phần độc hại, có hại đến môi trường, nguồn nước tiếp nhận. Khí thải ngành sản xuất công nghiệp hóa chất cũng là nguồn thải khi thải chứa nhiều thành phần độc hại như NH3, SO2.. Cùng với hoạt động sản xuất hóa chất, các ngành công nghiệp khác có sử dụng hóa chất cũng phát triển rất mạnh như công nghiệp dệt nhuộm, sản xuất giấy, gỗ, công nghiệp cơ khí,... nên nhu cầu sử dụng hóa chất tăng nhanh và làm gia tăng các nguy cơ xảy ra sự cố về hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại và nhằm nâng cao sự chủ động, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thì việc xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất là hết sức cần thiết và cấp bách. Đảm bảo an toàn trong công tác quản lý cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu trữ và sử dụng có liên quan đến hóa chất theo đúng quy định của pháp luật góp phần bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường.

2. Các căn cứ pháp lý để lập Kế hoạch

Luật Hóa chất ngày 21/11/2007;

Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;

Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08/4/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ;

Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại;

Thông tư số 20/2013/TT-BCT ngày 05/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về Kế hoạch và Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp;

Công văn số 9574/BCT-HC ngày 29/9/2014 của Bộ Công Thương về việc xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố cấp tỉnh.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, cất giữ và sử dụng hóa chất nguy hiểm của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, cất giữ, vận chuyển và sử dụng hóa chất nguy hiểm trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất).

Chủ động phòng ngừa không để xảy ra sự cố mất an toàn về hóa chất trên địa bàn tỉnh và ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tại địa phương.

2. Yêu cầu

Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện); UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là UBND cấp xã) trong việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, quản lý toàn diện hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh. Huy động mọi nguồn lực tham gia công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hoạt động và chấp hành nghiêm túc các quy định trong hoạt động hóa chất đảm bảo công tác phòng ngừa đạt kết quả cao nhất và ứng phó kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại khi có sự cố xảy ra.

III. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

1. Tóm tắt điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk

a) Điều kiện tự nhiên:

Đắk Lắk ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, diện tích tự nhiên 13.125,37km2; giáp các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Khánh Hòa và vương quốc Campuchia. Đại bộ phận diện tích nằm ở phía Tây dải Trường Sơn, có hướng thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc. Độ cao trung bình 500 - 800m so với mực nước biển. Địa hình đa dạng đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng.

b) Điều kiện kinh tế - xã hội:

Dân số Đắk Lắk khoảng 1,9 triệu người với 47 dân tộc, trong đó người Kinh chiếm 70%, dân tộc thiểu số như Ê Đê, M’nông, Thái, Tày, Nùng,... chiếm 30%. Mật độ dân số toàn tỉnh 139,68 người/km2. Tỉnh có 15 đơn vị hành chính gồm thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và 13 huyện, với 152 xã, 32 phường, thị trấn.

Nền kinh tế chủ yếu là lâm nghiệp, nông nghiệp, công nghiệp chế biến và thủy sản, tiếp đến là dịch vụ, du lịch. Tỉnh đang hướng đầu tư sang lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và khai khoáng. Đến nay công nghiệp đã hình thành hệ thống khá đồng bộ gồm các ngành sản xuất, phân phối điện nước, khai thác mỏ và đặc biệt là công nghiệp chế biến. Nhiều cơ sở công nghiệp có quy mô vừa, hiện đại được xây dựng và đưa vào sản xuất như chế biến cà phê, mía đường, tinh chế gỗ, cán bông, sản xuất vật liệu xây dựng,...

2. Tổng quan về hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh, tình hình sự cố hóa chất và năng lực ứng phó của địa phương

a) Đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất nguy hiểm:

Trên địa bàn tỉnh những ngành nghề có liên quan đến hóa chất chủ yếu là kinh doanh xăng dầu, vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), sang chiết khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) vào chai, cửa hàng LPG, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến lâm sản, chế biến mủ cao su, chế biến tinh bột sắn, bảo quản nông sản và thức ăn gia súc. Các tổ chức tham gia hoạt động hóa chất gồm: 453 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 01 kho xăng dự trữ sức chứa 2.200m3; chiết nạp LPG vào chai có 05 trạm nạp sức chứa từ 90 - 212,5m3, 368 đại lý và cửa hàng; 02 kho cung ứng VLNCN sức chứa 60 tấn và 195 tấn thuốc nổ các loại; 08 kho sử dụng VLNCN sức chứa từ 3 - 5 tấn thuốc nổ các loại; 566 cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và các nhà máy chế biến tinh bột sắn, phân bón vô cơ, chế biến thức ăn gia súc.

Nhìn chung công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất ngày càng được quan tâm. Các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất đã thực hiện các hồ sơ, thủ tục như: Giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện, chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn theo các lĩnh vực kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường, chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy. Một số tổ chức kinh doanh hóa chất có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất lớn đã xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố. Tuy nhiên nhiều tổ chức chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động hóa chất, như: Lưu trữ thông tin hóa chất, lao động liên quan đến hóa chất không có trình độ chuyên môn về hóa chất và huấn luyện kỹ thuật an toàn về hóa chất, chưa chuẩn bị vật tư, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho ứng phó sự cố hóa chất tại chỗ,...

b) Đánh giá tình hình sự cố hóa chất đã xảy ra:

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra sự cố hóa chất.

c) Xác định các nguy cơ gây ra sự cố hóa chất lớn:

Khu vực Khu công nghiệp Hòa Phú; Cụm công nghiệp Tân An 1, Tân An 2, thành phố Buôn Ma Thuột; Cụm công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar do các tổ chức hoạt động hóa chất chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất phân bón, cơ khí, thực phẩm, bảo quản nông sản và trạm nạp LPG vào chai.

Kho cung ứng của Chi nhánh Tây Nguyên - Công ty vật liệu nổ công nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng tại thôn Hòa Nam, xa Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn.

Kho cung ứng của Chi nhánh công nghiệp hóa chất mỏ Đắk Lắk tại xã Đrây Sáp, huyện Krông Ana.

Xưởng chế biến, chiết rót Amoniac của Công ty cổ phần kỹ thuật cao su tại Km18, thôn Đoàn Kết, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar.

Kho chứa xăng dầu của Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên tại xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột.

Trạm nạp LPG của Công ty TNHH kinh doanh tổng hợp Khánh Thư tại Km5, tỉnh lộ 8, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột.

d) Đánh giá năng lực về con người, trang thiết bị phục vụ ứng phó sự cố hóa chất:

Hầu hết các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất đã thực hiện các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy: Thực hiện thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy; tự kiểm tra định kỳ về an toàn phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, trang bị hệ thống, phương tiện phòng cháy theo quy định. Việc thành lập Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh cũng nâng cao công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và công tác ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất chưa thực hiện huấn luyện kỹ thuật an toàn cho người trực tiếp liên quan đến hóa chất và đề nghị cấp có thẩm quyền kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn hóa chất, chưa xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và chưa đầu tư đầy đủ các vật tư, trang thiết bị phục vụ cho công tác ứng phó hoặc phòng ngừa sự cố hóa chất.

IV. KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA SỰ CỐ HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

1. Giải pháp về quản lý

a) Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất:

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hóa chất trên các kênh thông tin đại chúng, tổ chức phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất.

Quản lý quy hoạch về xây dựng dự án hóa chất phù hợp với đặc điểm, tính chất của hóa chất và công nghệ sản xuất, bảo quản hóa chất, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn hóa chất.

Tăng cường công tác hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có kho chứa hóa chất riêng biệt, việc bố trí nơi lưu trữ hóa chất tuân thủ các quy định, quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất thuộc danh mục Phụ lục IV, Phụ lục VII của Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08/4/2011 của Chính phủ xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trình cơ quan chức năng thẩm định.

Bố trí khu kho lưu chứa thuốc bảo vệ thực vật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và nơi lưu chứa tang vật là thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, thuốc giả, thuốc ngoài danh mục theo quy định của pháp luật.

Định kỳ hàng năm thanh tra, kiểm tra hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh.

b) Cơ chế phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh để phòng ngừa sự cố hóa chất:

Các sở, ban, ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất và thông báo đến cơ quan có liên quan những nội dung không thuộc thẩm quyền xử lý khi xảy ra tình huống có khả năng mất an toàn trong hoạt động hóa chất.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý cụm công nghiệp nơi thực hiện dự án hoặc nơi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng cất giữ, sử dụng hóa chất kiểm tra, thẩm định biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của các tổ chức, cá nhân của các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất.

2. Giải pháp nâng cao năng lực của người lao động, cơ sở hóa chất trong hoạt động phòng ngừa hóa chất

a) Nâng cao năng lực người lao động, cơ sở hóa chất trong hoạt động phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất:

Người lãnh đạo, người quản lý trực tiếp hóa chất của tổ chức hoạt động hóa chất được huấn luyện định kỳ và cấp Giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn hóa chất theo quy định.

Xây dựng hệ thống Quy trình vận hành; Quy trình xử lý sự cố, bảo dưỡng cho dây chuyền, máy, thiết bị; Quy định an toàn cho từng phân xưởng, dây chuyền, máy, thiết bị, vật tư, hóa chất sử dụng; các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn; các biện pháp về kỹ thuật an toàn, phòng chống cháy nổ và đầu tư trang thiết bị bảo đảm các công tác an toàn trong kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm.

Định kỳ khám nghiệm, thử nghiệm, bảo dưỡng, sửa chữa máy, thiết bị; thực hiện kiểm định và đăng ký đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và máy, thiết bị có khả năng gây mất an toàn ngành công thương; lựa chọn tổ chức kiểm định các thiết bị áp lực, thiết bị nâng đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Hàng năm tổ chức cho người lao động diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại cơ sở.

Thực hiện kiểm định định kỳ các máy, thiết bị có khả năng mất an toàn ngành công thương tại các tổ chức hoạt động hóa chất.

Xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định; trang bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, bảo hộ cá nhân theo kế hoạch hoặc biện pháp đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

Tổ chức hoạt động hóa chất tự kiểm tra, khắc phục các điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm.

Thông báo, phối hợp diễn tập ứng phó sự cố hóa chất với các tổ chức, cá nhân xung quanh nằm trong phạm vi ảnh hưởng khi có sự cố hóa chất.

Thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định của pháp luật về hóa chất.

b) Yêu cầu về công tác đào tạo trong đảm bảo an toàn hóa chất:

Đối tượng huấn luyện là người lãnh đạo, người quản lý và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất.

Nội dung đào tạo, huấn luyện, cấp giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn liên quan đến sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất phải phù hợp với tính chất, chủng loại, mức độ nguy hiểm của hóa chất tại cơ sở hoạt động hóa chất, vị trí việc làm của đối tượng được huấn luyện và thực hiện theo quy định tại các văn bản của Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thông tư số 36/2014/TT-BCT ngày 22/10/2014 quy định về huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất và cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất. Thông tư số 44/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 quy định Danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, Thông tư số 41/2011/TT-BCT ngày 16/12/2011 quy định về quản lý an toàn trong lĩnh vực dầu khí hóa lỏng và Quyết định số 51/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp.

Phân loại và ghi nhãn hóa chất thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BCT ngày 13/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phân loại và ghi nhãn hóa chất.

Đăng ký sử dụng hóa chất nguy hiểm thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-BCT ngày 22/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc đăng ký sử dụng hóa chất nguy hiểm để sản xuất sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực công nghiệp.

3. Kế hoạch kiểm tra, giám sát nguồn nguy cơ xảy ra sự cố

Việc vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải thực hiện các quy định của Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và các quy định khác có liên quan.

Các nguồn nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất là các điểm tồn trữ tại các tổ chức hoạt động hóa chất, việc giám sát các nguồn nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất thực hiện qua công tác kiểm tra thường xuyên, đột xuất các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cất giữ và sử dụng hóa chất thực hiện xây dựng, thực hiện nội dung kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định. Hàng năm rà soát, cập nhật thông tin các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh để xây dựng các giải pháp phòng ngừa sự cố và lập kế hoạch kiểm tra giám sát nguy cơ xảy ra sự cố phù hợp với từng thời kỳ.

4. Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra

Định kỳ hàng năm, Sở Công Thương lập kế hoạch và thực hiện thanh tra, kiểm tra tuân thủ pháp luật về hóa chất tại các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh; kiểm tra tính sẵn sàng để ứng phó với sự cố hóa chất, lực lượng và vật tư, trang thiết bị, dụng cụ dùng để ứng phó sự cố hóa chất tại cơ sở.

V. KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

1. Xây dựng các kịch bản sự cố hóa chất lớn có thể xảy ra

a) Kịch bản xảy ra sự cố hóa chất khi vận chuyển xăng dầu, LPG, NH3 bằng xe bồn:

- Nguyên nhân xảy ra sự cố: Do tác động cơ học, phương tiện vận chuyển không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nhiệt độ môi trường lớn và các nguyên nhân bất khả kháng như tai nạn,...

- Vị trí xảy ra sự cố: Các tuyến đường vận chuyển hóa chất chủ yếu là quốc lộ thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk gồm quốc lộ 14, 26, 27, 29 và đường quốc lộ vận chuyển đến kho chứa hóa chất thuộc các điểm có khả năng gây sự cố hóa chất lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

b) Kịch bản xảy ra sự cố hóa chất đối với trạm nạp LPG vào chai, kho chứa xăng dầu, xưởng chế biến, chiết rót NH3:

- Nguyên nhân xảy ra sự cố:

+ Bồn chứa không được bảo dưỡng định kỳ, kiểm định theo quy định; nhập vượt quá dung tích bồn trong khi các thiết bị kiểm soát; van an toàn không hoạt động hoặc hoạt động không theo yêu cầu kỹ thuật; nhiệt độ môi trường tăng cao; sự cố hệ thống đường ống; bình khí nén cũ không được kiểm tra, kiểm định bảo dưỡng đúng quy định.

+ Vô tình hay cố ý sử dụng nguồn lửa nơi có vật liệu dễ bắt cháy; sử dụng nguồn phát sinh tĩnh điện hay tia lửa điện; các thiết bị nối mát, nối đất không đảm bảo yêu cầu (điện trở cao hơn mức cho phép).

+ Phát sinh lửa do va chạm xe bồn, xe tải trong kho, khi nạp hoặc xuất từ bồn chứa và xe bồn; hệ thống ống mềm bị lỗi gây tuột hoặc đứt, làm rò rỉ khí hóa lỏng.

- Vị trí xảy ra sự cố:

+ Kho chứa xăng dầu của Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên tại xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, sức chứa 2.200m3.

+ Trạm nạp LPG của Công ty TNHH kinh doanh tổng hợp Khánh Thư tại Km5, tỉnh lộ 8, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, 02 bồn chứa 90m3.

+ Xưởng chế biến, chiết rót Amoniac của Công ty cổ phần kỹ thuật cao su tại Km18, thôn Đoàn Kết, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar, bồn chứa 30m3.

c) Kịch bản xảy ra sự cố hóa chất đối với kho chứa VLNCN:

- Nguyên nhân xảy ra sự cố:

+ Sơ xuất trong sắp xếp, bảo quản, vận chuyển VLNCN để xảy ra cháy nổ kho chứa.

+ Các phần tử xấu đột nhập vào kho gây cháy nổ.

+ Các trường hợp bất khả kháng gây ra như giông tố, lụt bão, sấm sét,...

- Vị trí xảy ra sự cố:

+ Kho cung ứng của Chi nhánh Tây Nguyên - Công ty vật liệu nổ công nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng tại thôn Hòa Nam, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, sức chứa 195 tấn thuốc nổ các loại và phụ kiện.

+ Kho cung ứng của Chi nhánh công nghiệp hóa chất mỏ Đắk Lắk tại xã Đrây Sáp, huyện Krông Ana, sức chứa 60 tấn thuốc nổ, 300.000 kíp nổ các loại.

d) Kịch bản xảy ra sự cố hóa chất đối với các nhà máy sử dụng hóa chất trong khu vực khu, cụm công nghiệp:

- Nguyên nhân xảy ra sự cố: Trong quá trình sử dụng hóa chất không tuân thủ quy trình an toàn hóa chất, quy trình vận hành thiết bị và các nguyên nhân khác dẫn đến cháy nổ hóa chất.

- Vị trí xảy ra sự cố: Khu công nghiệp Hòa Phú; Cụm công nghiệp Tân An 1, Tân An 2, thành phố Buôn Ma Thuột và Cụm công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar.

2. Xây dựng các kế hoạch ứng phó với các kịch bản sự cố hóa chất lớn

a) Khi sự cố xảy ra, tùy theo mức độ và phạm vi ảnh hưởng, các bước thực hiện ứng phó sự cố được triển khai theo các cấp độ ưu tiên như sau:

- Thông báo về tình hình vị trí và phạm vi sự cố tới người lãnh đạo công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tại cơ sở.

- Khoanh vùng, cô lập sự cố và đảm bảo an toàn khu vực tránh sự cố dây chuyền.

- Phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện cứu nạn cứu hộ, sơ tán người và tài sản.

- Thực hiện, phối hợp với các đơn vị chức năng trong ứng phó sự cố và khắc phục môi trường sau sự cố.

b) Quy trình ứng phó với kịch bản xảy ra sự cố hóa chất lớn:

Bước 1. Người phát hiện sự cố thông cáo ngay cho người lãnh đạo cơ sở, người điều khiển phương tiện vận chuyển hóa chất (đối với trường hợp vận chuyển hóa chất), đồng thời báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh, cung cấp chi tiết nhất các thông tin quan sát được như: Vị trí xảy ra sự cố, hiện trạng, nguyên nhân, quy mô,...

Bước 2. Tại khu vực xảy ra sự cố:

- Trường hợp xảy ra sự cố khi vận chuyển hóa chất: Người điều khiển phương tiện vận chuyển hóa chất lập tức triển khai theo biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố khẩn cấp, phương án bảo vệ an ninh trật tự và biện pháp chữa cháy, biện pháp xử lý đã được phê duyệt. Thực hiện thông báo về đơn vị tình hình xảy ra sự cố hóa chất, lãnh đạo cơ sở trực tiếp liên hệ và thông báo có sự cố hóa chất với Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh, Sở Công Thương, chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố hóa chất, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để ứng phó sự cố hóa chất.

- Trường hợp xảy ra sự cố đối với trạm nạp LPG vào chai, kho chứa xăng dầu, xưởng chế biến, chiết rót NH3, kho chứa VLNCN, khu vực khu, cụm công nghiệp: Cần tìm cách ly nguồn gây ra sự cố (ngắt điện, khóa van khí,...), lực lượng ứng phó sự cố hóa chất tại cơ sở cần thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công theo kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt. Lãnh đạo cơ sở trực tiếp liên hệ và thông báo có sự cố hóa chất với Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh, Sở Công Thương, chính quyền địa phương hoặc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý cụm công nghiệp nơi xảy ra sự cố hóa chất.

Bước 3. Xử lý thông tin và đưa ra phương án: Khi nhận được thông tin, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương có liên quan xác định quy mô lan truyền, phương án phòng cháy, chữa cháy, xác định nguồn nhân lực, phương tiện và thiết bị, cấp cứu y tế để huy động mọi nguồn lực có thể nhằm giảm tối thiểu thiệt hại cho người và tài sản do sự cố hóa chất gây ra.

Bước 4. Sau khi lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh có mặt, tiến hành khoanh vùng cách ly. Thực hiện công tác cứu hộ, sơ tán người và tài sản tại khu vực xung quanh nằm trong khu vực cách ly tính từ nơi xảy ra sự cố. Trong trường hợp cần thiết, Sở Công Thương đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo huy động lực lượng, trưng dụng phương tiện, tài sản của tổ chức, cá nhân để phục vụ công tác ứng phó sự cố tại hiện trường. Các đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của ngành và nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đảm bảo an toàn cho lực lượng ứng phó khi thực hiện nhiệm vụ, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ khác khi UBND tỉnh yêu cầu.

Bước 5. Sau khi quá trình ứng phó sự cố tại hiện trường đã được xử lý an toàn, chủ cơ sở có trách nhiệm báo cáo về Sở Công Thương và các sở, ban, ngành có liên quan nguyên nhân gây ra sự cố, tình hình thiệt hại, kế hoạch khắc phục sự cố tại cơ sở, phương án bồi thường thiệt hại và chi phí khắc phục sự cố. Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành công tác kiểm soát chất lượng môi trường, khắc phục sự cố môi trường, khi môi trường đã trở lại trạng thái an toàn để xem xét việc kết thúc hoạt động ứng cứu, thông báo cho người dân trở lại hoạt động bình thường.

3. Các giải pháp kỹ thuật khắc phục sự cố hóa chất

Tùy thuộc vào sự cố và tác nhân gây sự cố mà có giải pháp khắc phục sự cố hóa chất phù hợp, đối với các sự cố hóa chất lớn trên địa bàn tỉnh cần giải quyết là cháy nổ và hóa chất rò rỉ hoặc đổ tràn, khắc phục sự cố bao gồm:

- Khi hóa chất độc hại rò rỉ hoặc đổ tràn: Khẩn trương thực hiện các biện pháp giảm phát tán ra môi trường, hạn chế sử dụng nước để tránh việc chảy tràn vào các nguồn nước. Hấp thụ hóa chất tràn đổ bằng chất liệu trơ (đất, cát, mùn cưa), áp dụng các phương pháp thu gom, vận chuyển và xử lý hóa chất theo quy định.

- Khi xảy ra cháy nổ: Cách ly một trong ba yếu tố gây nên quá trình cháy (nhiệt, chất cháy và oxy), ngăn ngừa cháy lan và cháy trở lại. Các vật liệu dùng để ngăn ngừa cháy lan gồm: Cát, bột đá, nước, các bình chữa cháy,... tùy thuộc vào đặc tính của từng đám cháy do nguồn nhiên liệu tham gia khác nhau mà sử dụng các loại hóa chất hoặc phương tiện chữa cháy khác nhau.

- Khôi phục lại môi trường: Xử lý bằng phương pháp hóa lý, sinh học hay cơ học để khôi phục trở lại tình trạng ban đầu của môi trường nơi xảy ra sự cố hóa chất.

4. Công tác đảm bảo

a) Kế hoạch nâng cao năng lực ứng phó với sự cố hóa chất về con người của lực lượng ứng cứu sự cố của tỉnh:

- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các cuộc hội nghị nhằm nâng cao năng lực về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, tổ chức hội nghị tổng kết giai đoạn 5 năm thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh.

- Các sở, ban, ngành và các cơ quan có liên quan theo nhiệm vụ được phân công rà soát bổ sung, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh.

b) Kế hoạch nâng cao năng lực ứng phó với sự cố hóa chất về trang thiết bị của lực lượng ứng cứu sự cố của tỉnh:

- Các sở, ban, ngành và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo nhiệm vụ được phân công, hàng năm rà soát mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng phát triển thêm hệ thống phòng cháy, chữa cháy, lắp đặt các trụ nước chữa cháy gần các khu vực trung tâm có khả năng xảy ra sự cố hóa chất cao. Bảo dưỡng công trình phòng cháy, chữa cháy thường xuyên đảm bảo tính sẵn sàng trong công tác phòng cháy, chữa cháy và sự cố hóa chất.

c) Công tác tổ chức, phối hợp:

- Sơ đồ thông tin liên lạc khi xảy ra sự cố hóa chất lớn:

- Cách thức tổ chức lực lượng để thực hiện các nhiệm vụ này có thể khác nhau tùy thuộc vào quy mô, tính chất xảy ra sự cố hóa chất, lực lượng ứng phó sự cố được tổ chức thành lập và triển khai thực hiện nhiệm vụ trong suốt quá trình xảy ra sự cố đến khi kết thúc.

- Khi có sự cố hóa chất lớn xảy ra, Sở Công Thương thực hiện thông tin liên lạc đến Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và đơn vị thông tin liên quan đến sự cố, vị trí xảy ra sự cố, hiện trạng, quy mô,...

- Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì họp khẩn cấp và trực tiếp chỉ đạo Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nếu liên quan đến ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn), UBND cấp huyện, UBND cấp xã, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý cụm công nghiệp nơi xảy ra sự cố hóa chất và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố hóa chất; trong trường hợp cần thiết, huy động lực lượng, thiết bị của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ứng phó sự cố hóa chất, thông báo cho Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và các đơn vị có liên quan để phối hợp xử lý.

- Trách nhiệm của các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện theo quy định tại Mục VI Kế hoạch này.

- Đội ứng cứu sự cố khẩn cấp chịu trách nhiệm tham gia trực tiếp trong các hoạt động ứng phó, kiểm soát, khắc phục sự cố; có trách nhiệm đảm bảo thông tin liên lạc, giao thông an toàn, thông suốt trong khu vực sự cố và thực hiện các nhiệm vụ được giao. Lực lượng ứng cứu sự cố khẩn cấp gồm các đơn vị như sau:

+ Đơn vị của tổ chức xảy ra sự cố;

+ Đơn vị phụ trách an toàn môi trường;

+ Đơn vị phụ trách an ninh;

+ Đơn vị phụ trách phòng cháy, chữa cháy;

+ Đơn vị phụ trách liên lạc, phối hợp với địa phương và đại diện khu vực dân cư;

+ Đơn vị phụ trách cấp cứu, cứu thương.

5. Kế hoạch diễn tập ứng phó sự cố

Hàng năm, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch diễn tập phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh, gửi Sở Tài chính thẩm định dự toán kinh phí thực hiện, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Trách nhiệm chung của các sở, ban, ngành và địa phương

Sở Công Thương, Công an tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý cụm công nghiệp nơi xảy ra sự cố hóa chất có trách nhiệm giải quyết những vấn đề liên quan đến quản lý trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Phân công nhiệm vụ cho lãnh đạo, phòng, ban hoặc bộ phận chuyên môn của đơn vị về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và thông báo cho Sở Công Thương để thông tin liên lạc khi có sự cố hóa chất xảy ra.

2. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành và địa phương trong phòng ngừa sự cố hóa chất

a) Sở Công Thương:

Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân thực hiện phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, chú trọng công tác quản lý an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất theo quy định của Luật Hóa chất và các quy định khác liên quan.

Thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hóa chất cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất theo quy định, trong đó chú trọng phê duyệt biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Thường xuyên tổ chức kiểm tra thực hiện kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tại cơ sở.

Rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh. Định kỳ kiểm tra, thanh tra hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về hóa chất.

Tổ chức đào tạo, huấn luyện và cấp Giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn hóa chất cho tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

b) Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh:

Quản lý hóa chất, sản phẩm hóa chất phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị có liên quan kiểm tra tình hình xây dựng các kế hoạch công tác huấn luyện, diễn tập, ứng phó sự cố hóa chất của các doanh nghiệp, đặc biệt các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng lượng lớn hóa chất, có nhiều nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất.

c) Công an tỉnh: Quản lý hóa chất trong lĩnh vực an ninh, cấp phép vận chuyển hóa chất theo quy định của pháp luật.

d) Sở Y tế:

Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất trong ngành y tế, ngành thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác quản lý hóa chất sử dụng trong lĩnh vực dược, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế, hóa chất sử dụng trong trang thiết bị y tế; hóa chất dùng làm phụ gia thực phẩm.

e) Sở Tài nguyên và Môi trường:

Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động hóa chất, thực hiện các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất theo quy định.

Tăng cường công tác quản lý việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động hóa chất. Hướng dẫn tổ chức, cá nhân quản lý, xử lý, thải bỏ hóa chất độc hại tồn dư trong sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định.

Thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

g) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất có điều kiện trong ngành bảo vệ thực vật, thú y cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Tăng cường công tác quản lý hóa chất sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản chế biến nông sản, lâm sản, thủy hải sản.

h) Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ, tác hại của sự cố hóa chất và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhằm bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường.

i) UBND cấp huyện:

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn hóa chất cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn quản lý.

Phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động hóa chất.

Phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, bổ sung quy hoạch các điểm sản xuất, kinh doanh, lưu giữ hóa chất nguy hiểm.

k) Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý cụm công nghiệp nơi xảy ra sự cố hóa chất:

Phối hợp với Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị có liên quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn hóa chất cho các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp.

Thông tin cho Sở Công Thương khi có doanh nghiệp mới hoạt động hóa chất, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính về hóa chất theo quy định.

3. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành và địa phương trong ứng phó sự cố hóa chất

a) Sở Công Thương:

Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh khi có sự cố hóa chất lớn, đảm bảo thông tin kịp thời sự cố hóa chất đến các đơn vị có trách nhiệm ứng phó sự cố hóa chất.

Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác ứng phó, xử lý sự cố hóa chất, đặc biệt là Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

b) Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuẩn bị lực lượng, thiết bị và lập phương án ứng phó khi có sự cố hóa chất xảy ra, phối hợp với chính quyền địa phương sơ tán toàn bộ người dân khỏi vùng nguy hiểm và tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả sự cố hóa chất.

c) Công an tỉnh: Huy động các lực lượng thuộc Công an tỉnh và phối hợp với các lực lượng khác của địa phương sơ tán toàn bộ người dân trong vùng nguy hiểm khi có sự cố hóa chất.

d) Sở Y tế: Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thuốc và lực lượng y, bác sĩ cứu chữa người bị nạn do sự cố hóa chất.

e) UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi xảy ra sự cố: Huy động mọi nguồn lực trên địa bàn tham gia công tác ứng phó sự cố hóa chất.

g) Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý cụm công nghiệp nơi xảy ra sự cố: Huy động mọi nguồn lực sẵn có tại khu, cụm công nghiệp tham gia ứng phó sự cố hóa chất; thông báo kịp thời cho các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp sơ tán và tham gia ứng phó sự cố hóa chất.

4. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành và địa phương trong khắc phục sự cố hóa chất

a) Sở Công Thương:

Phối hợp với các đơn vị có liên quan điều tra nguyên nhân gây nên sự cố hóa chất, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc quản lý, hướng dẫn công tác lưu giữ, bảo quản hóa chất trên địa bàn.

Khi sự cố hóa chất gây ra chưa xác định được nguyên nhân thì Sở Công Thương trong quyền hạn và trách nhiệm của mình, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố và bố trí lưu giữ cho phù hợp.

b) Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn tổ chức, cá nhân gây sự cố hóa chất thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo quy định.

c) Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan điều tra, xử lý và hỗ trợ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động hóa chất theo quy định.

d) Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố hóa chất do cháy nổ theo quy định.

e) Sở Y tế:

Phối hợp với các đơn vị có liên quan điều tra nguyên nhân gây ra sự cố hóa dược, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế, hóa chất dùng làm phụ gia thực phẩm.

Đánh giá rút kinh nghiệm trong việc quản lý, hướng dẫn công tác lưu trữ, bảo quản hóa chất thuộc ngành quản lý.

g) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Phối hợp với các đơn vị có liên quan điều tra nguyên nhân gây ra sự cố thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất bảo quản nông lâm sản.

Đánh giá rút kinh nghiệm trong việc quản lý, hướng dẫn công tác lưu trữ, bảo quản hóa chất thuộc ngành quản lý.

h) UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi xảy ra sự cố hóa chất: Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại khu vực xảy ra sự cố hóa chất khắc phục nơi ở, ổn định đời sống.

5. Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất

a) Trong phòng ngừa sự cố hóa chất;

Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về công tác an toàn trong sản xuất, kinh doanh, lưu trữ, vận chuyển và sử dụng hóa chất, thực hiện báo cáo về Sở Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan theo quy định.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình, quy phạm, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, lưu trữ và sử dụng hóa chất nguy hiểm nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ sức khỏe cho người lao động.

Thực hiện các quy định về khai báo hóa chất, lập, lưu giữ phiếu an toàn hóa chất, xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

Kiểm tra, cải tạo nâng cấp kho chứa hóa chất nguy hiểm. Các vật tư, trang thiết bị dự phòng phải đảm bảo khả năng ứng phó tại chỗ khi sự cố hóa chất xảy ra.

Người lao động tiếp xúc trực tiếp với hóa chất nguy hiểm phải được đào tạo qua các lớp huấn luyện về an toàn hóa chất theo quy định.

b) Trong ứng phó sự cố hóa chất:

Khi xảy ra sự cố hóa chất, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm triển khai thực hiện các biện pháp theo những nội dung của kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất tại cơ sở đã được phê duyệt.

Nếu sự cố lớn vượt quá khả năng kiểm soát của cơ sở thì phải báo ngay cho các cơ quan chức năng có liên quan như: Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh Sở Công Thương, Công an tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã hoặc Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý cụm công nghiệp nơi xảy ra sự cố hóa chất,…

Phối hợp với cơ quan chức năng để tham gia bảo vệ hiện trường, điều tra kết luận nguyên nhân gây ra sự cố hóa chất.

c) Trong khắc phục sự cố hóa chất:

Xây dựng kế hoạch ổn định đời sống và việc làm cho người lao động bị thiệt hại do sự cố hóa chất gây ra.

Kịp thời có các biện pháp xử lý môi trường, hạn chế sự tác động của các chất độc, chất nhiễm xạ, phóng xạ do sự cố hóa chất gây ra đối với môi trường đất, nước, không khí.

Bồi hoàn tài sản cho các tổ chức, cá nhân được huy động hoặc trưng dụng để ứng phó, khắc phục sự cố hóa chất.

Khẩn trương phục hồi các hoạt động sản xuất, ổn định kinh doanh của đơn vị.

6. Kiến nghị:

Trong trường hợp xảy ra sự cố hóa chất nghiêm trọng hoặc sự cố hóa chất xảy ra trong khu vực cần ưu tiên bảo vệ khi vượt quá khả năng của địa phương, đề nghị Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công Thương hỗ trợ về nhân lực, phương tiện,… để phối hợp ứng phó kịp thời, đồng thời cấp kinh phí hỗ trợ khắc phục sự cố hóa chất.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo kịp thời về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (b/c);
- Bộ Công Thương (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn do UBND các huyện, TX, TP sao gửi;
- Báo Đắk Lắk, Đài PT&TH tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Các P, TT thuộc VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CN. (HT.90)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hải Ninh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1323/KH-UBND năm 2016 phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu: 1323/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 26/02/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Nguyễn Hải Ninh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/02/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản