Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT ĐỘC HẠI

Trong những năm qua, việc sản xuất, kinh doanh hóa chất phát triển mạnh, cung cấp các loại phân bón, hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cơ bản, hóa chất tiêu dùng và vật liệu nổ đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng xã hội.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất ngày càng tăng, luôn kèm theo các nguy cơ xảy ra các sự cố đe dọa đến sức khỏe, tính mạng con người, an ninh xã hội và môi trường do công tác quản lý hóa chất ở các cấp, các ngành, các địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Để phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả sự cố hóa chất độc hại trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt một số việc sau đây:

1. Bộ Công Thương có trách nhiệm

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, đặc biệt là việc quản lý an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất theo quy định của Luật Hóa chất;

b) Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, rà soát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất đối với các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc kiến nghị ban hành mới các văn bản về tăng cường quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất nhằm chủ động phòng ngừa các sự cố hóa chất, cháy nổ xảy ra;

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của các cơ sở hoạt động hóa chất nguy hiểm và khả năng ứng phó sự cố hóa chất của các cơ sở hoạt động hóa chất;

d) Xây dựng Chương trình quốc gia về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và an toàn hóa chất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

2. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương chỉ đạo, kiểm tra tình hình xây dựng các kế hoạch ứng phó, công tác huấn luyện, diễn tập, ứng phó sự cố hóa chất của các tỉnh, đặc biệt các địa phương có các nhà máy sản xuất hóa chất lớn, có nhiều nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất.

3. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hóa học phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan lập các phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ: ứng cứu các tình huống khẩn cấp về sự cố hóa chất, thực hiện tìm kiếm, cứu nạn và tham gia ứng cứu khi có sự cố hóa chất xảy ra.

4. Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, quản lý việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất của các tổ chức, cá nhân; chỉ đạo lực lượng Phòng cháy, chữa cháy chuẩn bị lực lượng, thiết bị và lập phương án ứng phó khi có sự cố hóa chất xảy ra, trong đó có việc phối hợp với quân đội, chính quyền địa phương sơ tán dân khỏi những vùng nguy hiểm và tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả sự cố hóa chất.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan quản lý môi trường địa phương tăng cường kiểm tra việc đảm bảo môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, hiểu biết về nguy cơ, tác hại và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

7. Các Tập đoàn, Tổng công ty, các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất có trách nhiệm:

a) Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về công tác an toàn trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất nguy hiểm;

b) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất nhất là các hóa chất nguy hiểm;

c) Xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặc tính của hóa chất. Đảm bảo đủ các trang thiết bị an toàn, phòng chống cháy, nổ, phòng chống rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại theo quy định và đảm bảo khả năng ứng phó tại chỗ khi sự cố hóa chất xảy ra;

d) Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh hóa chất quy mô lớn cần lập phương án ứng phó sự cố và định kỳ thực hành diễn tập.

8. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm: trong ứng phó sự cố hóa chất như: Công Thương, Phòng cháy chữa cháy, Y tế, cơ quan tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn địa phương, các đơn vị bộ đội hóa học trên địa bàn;

b) Chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ sở hóa chất trên địa bàn xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất phù hợp với quy mô, điều kiện sản xuất và đặc tính của hóa chất; kiểm tra năng lực ứng phó sự cố hóa chất của các cơ sở hóa chất;

c) Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật nhất là việc cấp phép về sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất, vật liệu nổ của các cơ sở, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý theo đúng quy định của Luật Hóa chất và Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, không để sự cố về hóa chất, cháy nổ xảy ra;

d) Tổ chức các cuộc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh có sự tham gia của các cơ quan có trách nhiệm trên địa bàn.

9. Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả do sự cố hóa chất trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia ứng phó sự cố hóa chất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

10. Tổ chức thực hiện:

a) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này;

b) Bộ Công Thương tổng hợp, theo dõi tình hình và kết quả triển khai Chỉ thị này của các Bộ, cơ quan, địa phương. Định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng Công ty 91;
- Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn;
- VPCP: BTCN, các PCN, cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, NC (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2013 tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 03/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/03/2013
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/03/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản