Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 130/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 16 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG TÂM CÔNG TÁC CẢI CÁCH TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2016-2021

Thực hiện Kết luận số 92 - KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49 - NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chương trình số 03-CTr/BCĐCCTPTW ngày 06/10/2016 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về trọng tâm công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016-2021; văn bản số 1087-CTr/BCSĐCP ngày 22/9/2016 của Ban cán sự Đảng Chính phủ về chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2020; Chương trình số 32-CT/BCSĐ ngày 14/6/2016 của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về trọng tâm cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021 với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; các mục tiêu, quan điểm, phương hướng cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị; nội dung Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị; các quy định của Hiến pháp năm 2013, các Bộ luật, luật về hình sự, dân sự, tư pháp… và các chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cải cách tư pháp nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa của chủ trương cải cách tư pháp trong đời sống xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường pháp lý ổn định cho sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Bám sát định hướng về cải cách tư pháp đã được xác định trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 49-NQ/TW và định hướng nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVI; đảm bảo triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW nghiêm túc, kịp thời, đồng bộ, phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp và các quy định của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, các Luật, Bộ luật về Tố tụng tư pháp được Quốc hội thông qua; có lộ trình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp; coi trọng công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp, hoạt động tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chương trình số 03-CTr/BCĐCCTPTW ngày 06/10/2016 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Kế hoạch số 87-KH/BCĐ ngày 08/9/2015 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh; Bộ luật Hình sự, Bộ luật dân sự (sửa đổi); các Bộ luật tố tụng hình sự, dân sự, Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực bổ trợ tư pháp, quyền con người, quyền công dân... đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận trong nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, gắn nhiệm vụ cải cách tư pháp với việc hoàn thiện và xây dựng hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức thực hiện.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

2. Hoàn thiện chính sách pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thực hiện tốt các nội dung sau:

a) Tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, tổ chức triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới ban hành, trọng tâm là Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính và các Bộ luật, Luật có liên quan. Hàng năm, đưa nội dung chỉ đạo thực hiện phổ biến các Bộ luật, Luật trên và các Luật mới ban hành có liên quan đến hình sự, dân sự, thủ tục tố tụng là nội dung trọng tâm thực hiện.

b) Tổ chức thực hiện tốt Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh nói chung, các văn bản về lĩnh vực hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng nói riêng.

c) Tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tuân thủ nghiêm túc quy trình soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của tỉnh đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong năm 2016, các sở, ngành, địa phương thực hiện rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành có liên quan đến Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và các luật, bộ luật về tố tụng tư pháp nhằm bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp với các luật, bộ luật mới được ban hành và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện.

- Thời gian thực hiện: Năm 2016 và các năm tiếp theo

3. Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp

a) Phối hợp thực hiện nghiêm túc Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành án dân sự và các Luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

b) Tổ chức thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình tiến hành hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hành chính, các vụ án dân sự.

- Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên

4. Về bổ trợ tư pháp

a) Tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành; quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; tăng cường xã hội hóa đối với hoạt động công chứng

b) Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 138-KL/TU ngày 05/11/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đoàn luật sư tỉnh nhiệm kỳ 2018 - 2023.

c) Chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành; chỉ đạo việc kiện toàn tổ chức, hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp và giám định viên theo vụ việc.

d) Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Luật Bán đấu giá tài sản (sau khi được ban hành); tăng cường xã hội hóa đối với hoạt động bán đấu giá tài sản.

đ) Chỉ đạo triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) sau khi Luật này được ban hành; Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025 và Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2013 - 2022. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý theo chức năng, nhiệm vụ, chú trọng hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu; trợ giúp pháp lý thông qua hoạt động tố tụng.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện.

- Thời gian thực hiện: Năm 2016 và các năm tiếp theo.

5. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp

a) Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh, tuân thủ kỷ cương, kỷ luật công vụ, công chức gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, bảo đảm đủ số lượng, đạt chuẩn về trình độ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ theo Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2014 của Bộ Tư pháp - Bộ Nội vụ, Công văn số 10 - CV/BCS ngày 20/01/2016 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về việc đề nghị phối hợp chỉ đạo sắp xếp, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp địa phương và các văn bản có liên quan; thực hiện công tác chuyển đổi, luân chuyển, điều động cán bộ; khuyến khích và tạo điều kiện để công chức ngành Tư pháp tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động chuyên môn của Ngành đáp ứng yêu cầu của công tác cải cách Tư pháp trong giai đoạn mới.

Thực hiện kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp và đội ngũ giám định viên theo vụ việc.

b) Nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ đối với những người có nguyện vọng vào các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh (luật sư, công chứng...).

- Cơ quan thực hiện: Sở Nội vụ, Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

6. Đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp

Đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp, cải cách tư pháp cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tài chính, Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện.

- Thời gian thực hiện: Năm 2016 và các năm tiếp theo.

7. Hợp tác quốc tế về cải cách tư pháp

Chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia có liên quan đến lĩnh vực cải cách tư pháp; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, nhất là hợp tác với các địa phương của Trung Quốc và các nước khác. Đề nghị Bộ Tư pháp giới thiệu, hỗ trợ việc xúc tiến, ký kết văn bản kết nghĩa công chứng với 01 địa phương của Cộng hòa Pháp.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Ngoại vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện.

- Thời gian thực hiện: Năm 2016 và các năm tiếp theo.

8. Tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020

Tổ chức tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo chỉ đạo của Trung ương và Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh.

Giao Sở Tư pháp tham mưu thực hiện.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố căn cứ vào nhiệm vụ đã giao tại Chương trình số 32-CT/BCSĐ ngày 14/6/2016 của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và Kế hoạch này có trách nhiệm triển khai khai thực hiện nghiêm túc; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh theo quy định.

2. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch này, định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Thưởng