Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 126/KH-UBND

Phú Yên, ngày 13 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN 2050 TỈNH PHÚ YÊN

Thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Phú Yên (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), với các nội dung sau:

I. THỰC TRẠNG NGÀNH LÂM NGHIỆP CỦA TỈNH 2006-2020

- Trong giai đoạn 2006-2020, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển chủ yếu là mô hình trồng rừng kinh tế của hộ gia đình, quy mô nhỏ, chất lượng, hiệu quả tăng trưởng còn thấp, năng lực cạnh tranh yếu; hiệu quả sử dụng đất đai thấp, tái cơ cấu ngành còn chậm, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…

- Phát triển rừng trồng nhanh, rừng tự nhiên giảm về diện tích và chất lượng: Sau 15 năm thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020, tổng diện tích rừng trên toàn tỉnh đến nay đạt gần 244 nghìn ha, tỷ lệ che phủ rừng là 45,09% (năm 2006 là 31,9%); trong đó, rừng trồng tăng từ 35 nghìn ha vào tháng 12 năm 2006 (kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2006) lên 98,5 nghìn ha năm 2020 (theo Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 của UBND tỉnh). Tuy nhiên, chất lượng rừng tự nhiên suy giảm; theo số liệu kiểm kê rừng 1997 (thực hiện theo Chỉ thị 286/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/5/1997), toàn tỉnh có tổng trữ lượng rừng tự nhiên trên 16 triệu m3, đến năm 2016 con số này giảm chỉ còn 14,6 triệu m3 (số liệu kiểm kê rừng năm 2016) do giảm về diện tích và trữ lượng rừng.

- Cơ cấu quy hoạch 3 loại rừng được thay đổi qua từng thời kỳ:

+ Giai đoạn 2007-2016, đất và rừng quy hoạch lâm nghiệp toàn tỉnh là 250 nghìn ha; trong đó, quy hoạch rừng đặc dụng 19.160 ha; chiếm 7,66% (tính trên tổng quỹ đất lâm nghiệp), phòng hộ 101.110 ha; chiếm 40,44% và sản xuất 129.730 ha; chiếm 51,9% (theo Quyết định số 2358/QĐ-UBND ngày 12/12/2007 của UBND tỉnh).

+ Giai đoạn từ 2017 đến nay, đất và rừng quy hoạch lâm nghiệp hơn 276 nghìn ha; trong đó, quy hoạch rừng đặc dụng 19.459 ha; chiếm 7,05% (tính trên tổng quỹ đất lâm nghiệp), phòng hộ 102.718 ha; chiếm 37,21% và sản xuất 153.869 ha; chiếm 55,74% (theo Nghị Quyết 100/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh).

Chỉ tiêu sử dụng đất

QH 3 loại rừng 2007-2016

QH 3 loại rừng từ năm 2017

Diện tích (ha)

So sánh

Tăng (+), giảm (-) ha

Tỷ lệ (%)

Diện tích đất lâm nghiệp

250.000,00

276.046,00

26.046,00

10,42

1. Đất rừng đặc dụng

19.160,00

19.459,45

299,45

1,56

2. Đất rừng phòng hộ

101.110,00

102.718,00

1.608,00

1,59

3. Đất rừng sản xuất

129.730,00

153.868,55

24.138,55

18,61

Tóm lại: Đảng và Chính phủ luôn có quan điểm, định hướng nhất quán và xuyên suốt về vai trò quan trọng của rừng và ngành lâm nghiệp đối với sự phát triển bền vững của đất nước, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và phải đối mặt với một số khó khăn thách thức trong giai đoạn tới như: Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch thiếu ổn định, tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp vẫn diễn ra phức tạp, chất lượng rừng tự nhiên liên tục suy giảm, năng suất và chất lượng rừng trồng chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu…

II. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Rừng vừa là tài nguyên, vừa là tư liệu sản xuất, cần được cụ thể hóa thành hai mục tiêu chính để phát triển ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030 của tỉnh, bao gồm: Mục tiêu bảo tồn-phòng hộ và mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp; mục tiêu bảo bảo tồn-phòng hộ cơ bản dành cho đối tượng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, còn mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp chủ yếu dành cho đối tượng rừng sản xuất.

2. Phát triển, chuyển đổi mô hình tăng trưởng lâm nghiệp từ việc dựa vào mở rộng diện tích sang tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, hỗ trợ làm giàu rừng tự nhiên kết hợp phát triển dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và giá trị sản phẩm tạo ra; phát triển rừng phù hợp quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến tiên tiến, hiện đại; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hài hòa giữa phát triển lâm nghiệp với phát triển kinh tế-xã hội địa phương và các ngành, lĩnh vực liên quan nhằm đóng góp tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, góp phần nâng cao đời sống người dân miền núi, đảm bảo an toàn môi trường, hạn chế hạn hán, lũ lụt, sạt lở…

3. Đẩy mạnh xã hội hóa và tổ chức liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp; thu hút các nguồn lực và bảo đảm sự tham gia của các thành phần kinh tế trong hoạt động lâm nghiệp.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Phát triển lâm nghiệp của tỉnh đảm bảo theo định hướng, mục tiêu tổng quát Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Đồng thời, Kế hoạch tập trung hai nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là: (1) Bảo vệ rừng tự nhiên hiện còn, phục hồi hệ sinh thái rừng tự nhiên đang bị suy thoái làm nền tảng để đạt được các mục tiêu phát triển rừng bền vững, điều tiết nguồn nước và bảo tồn đa dạng sinh học; (2) khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; phát huy lợi thế từng vùng sinh thái của từng địa phương để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp và định hướng phát triển chung của tỉnh.

Đối với tỉnh Phú Yên, mục tiêu chung cần giải quyết trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 gồm 03 nội dung chính, đó là:

1.1. Mục tiêu bảo tồn thiên nhiên: Đặt mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng là ưu tiên hàng đầu của phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2050. Quản lý hiệu quả, khôi phục và mở rộng diện tích hợp lý các khu bảo tồn để đảm bảo hành lang kết nối của hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.

1.2. Mục tiêu phòng hộ: Quản lý rừng bền vững là kim chỉ nam xuyên suốt trong tâm điểm của chiến lược; trong đó, ưu tiên đầu tư bảo vệ rừng tự nhiên và tái trồng rừng phòng hộ; tập trung xây dựng các khu rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, khôi phục rừng ngập mặn đảm bảo an ninh môi trường, giảm thiểu thiên tai.

1.3. Mục tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp:

- Tập trung phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến tiên tiến, hiện đại; xây dựng ngành công nghiệp gỗ và sản phẩm lâm nghiệp có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao. Chú trọng phát triển lâm sản ngoài gỗ, trong đó có các loại cây dược liệu, cây thuốc đặc trưng.

- Ứng dụng quy trình và công nghệ sản xuất tiên tiến, gắn với công nghiệp chế biến và chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ, đi đôi với đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng các đặc sản của tỉnh. Khuyến khích sự tham gia của các bên, đặc biệt là khối tư nhân và trao quyền cho cộng đồng địa phương luôn nằm trong tâm điểm của các chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1 Mục tiêu kinh tế

- Quản lý, sử dụng hiệu quả diện tích đất rừng sản xuất của tỉnh, trong đó, đưa vào sử dụng hiệu quả khoảng 43 nghìn ha đất trống chưa có rừng. Thực hiện hoàn thành việc giao rừng, cho thuê rừng và ổn định công tác quản lý, bảo vệ và tổ chức sản xuất theo đề án được duyệt (giao rừng, cho thuê rừng đối với tổ chức là 94.029,84 ha; đối hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng là 112.627,15 ha). Tỷ lệ diện tích rừng sản xuất quản lý bền vững có xác nhận năm 2025 đạt 30% và 50% vào năm 2030.

- Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 150 ha/năm; phục hồi rừng phòng hộ, đặc dụng: 1.000 ha/năm; trồng rừng sản xuất: 6.000 ha/năm.

- Đổi mới mô hình tăng trưởng từ dựa vào mở rộng diện tích và khối lượng sang tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm lâm nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần và đến năm 2030 tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.

- Phát triển kinh tế lâm nghiệp với kim chỉ nam là phát triển rừng bền vững. Trong đó, tập trung mở rộng quy mô rừng gỗ lớn đạt khoảng 10% tổng diện tích rừng trồng bình quân hàng năm; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm đạt 200 ngàn m3/năm; tăng sinh khối rừng trồng đạt bình quân 15-20 m3/ha/năm; phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0% đến 5,5%/năm.

- Đa dạng hóa nguồn thu từ rừng phù hợp với quy định của pháp luật: Phát triển mô hình liên doanh, liên kết thực hiện các đề án, dự án du lịch sinh thái rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại các Ban quản lý rừng; thí điểm thực hiện chi trả phí dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng…

2.2 Mục tiêu về xã hội:

- Phấn đấu đến năm 2030, 100% hộ gia đình miền núi được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng có thu nhập và cuộc sống ổn định từ hoạt động lâm nghiệp.

- Giảm dần số người vi phạm Luật Lâm nghiệp hàng năm khoảng 10%.

- Đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số làm lâm nghiệp tăng trên 2 lần so với năm 2020; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 02%.

2.3 Mục tiêu về môi trường:

- Tập trung huy động nguồn lực xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, dự án đầu tư lâm nghiệp để khôi phục, phát triển hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ đầu nguồn của tỉnh; đến năm 2025, xây dựng hoàn chỉnh các khu rừng đặc dụng, phòng hộ thuộc các Ban quản lý rừng (khoảng 100 nghìn ha rừng) nhằm đảm bảo an ninh môi trường, hạn chế thiên tai, thảm họa thiên nhiên; xây dựng nền tảng để duy trì ổn định cơ cấu phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh đến năm 2030.

- Giảm thiểu tối đa các vụ phá rừng, cháy rừng nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn về môi trường sinh thái, đời sống, xã hội của cộng đồng và an ninh môi trường.

- Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 đạt và giữ ổn định 48% đến năm 2030.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

1.1. Quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên rừng:

- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại cơ cấu 3 loại rừng của tỉnh phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

- Xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án…đảm bảo thực hiện kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực lâm nghiệp phù hợp với Chiến lược phát triển lâm nghiệp của Chính phủ, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

- Tổ chức quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có. Không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ trường hợp các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc các dự án phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội cần thiết Chính phủ quyết định). Thực hiện nghiêm túc việc dừng khai thác rừng tự nhiên gắn với triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng.

- Thực hiện liên doanh, liên kết giữa các thành phần kinh tế, giữa các Ban quản lý rừng với doanh nghiệp và hộ gia đình nhằm mở rộng quy mô vùng nguyên liệu tập trung, phát triển các dịch vụ du lịch, trồng cây dược liệu dưới tán rừng...

1.2. Trồng, quản lý, bảo vệ nâng cao chất lượng rừng bền vững:

- Điều chỉnh cơ cấu giống cây lâm nghiệp theo hướng tăng tỉ lệ các giống cây đa tác dụng, đa mục đích và được kiểm soát chất lượng; điều tra đánh giá diện tích đất có cây gỗ tái sinh rải rác, rừng nghèo để khoanh nuôi, bảo vệ; khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển rừng sản xuất, trồng thâm canh tạo vùng nguyên liệu tập trung cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến. Phát triển các mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, nông lâm kết hợp. Tăng cường áp dụng các khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm.

- Mở rộng đối tượng áp dụng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử; tăng năng lực, hiệu lực bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

- Nâng cao tỷ lệ sử dụng gỗ nguyên liệu, khuyến khích dùng gỗ rừng trồng, giảm dần tỷ lệ gỗ nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài. Xây dựng vùng trồng rừng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến gỗ; củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở chế biến gỗ quy mô vừa và nhỏ, đồng thời phát triển cơ sở chế biến gỗ quy mô lớn; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp chế biến lâm sản ngoài gỗ, doanh nghiệp, cơ sở thủ công mỹ nghệ gỗ và mây tre.

1.3. Phát triển sản phẩm lâm nghiệp: Tập trung khai thác sản phẩm lâm sản tiềm năng trên địa bàn tỉnh như: Dăm nguyên liệu, đồ mộc nội thất, ván ép, ván ghép thanh…; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh hợp tác đầu tư với một số công ty nước ngoài sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như: Chế biến viên nén năng lượng, gỗ ván sàn cao cấp…

1.4. Kiện toàn cơ cấu tổ chức quản lý ngành lâm nghiệp:

- Củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực của lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; rà soát, kiện toàn cơ chế hoạt động của các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng theo cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật và quản trị lâm nghiệp hiệu quả. Các hoạt động cụ thể bao gồm nâng cao năng lực và kỹ năng quản lý cho các cán bộ lâm nghiệp, tập trung vào đào tạo nguồn lực tại các trường đào tạo, bồi dưỡng...; mở rộng và đầu tư trọng điểm vào các nghiên cứu khoa học cơ bản và phát triển công nghệ phục vụ chuyên ngành lâm nghiệp.

- Xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá lĩnh vực lâm nghiệp trên toàn tỉnh.

1.5. Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách:

- Tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả một số chính sách hỗ trợ phát triển rừng sản xuất tại các xã, huyện có tham gia dự án trồng rừng sản xuất (dự án KfW9); khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trồng rừng thâm canh nhằm phát triển rừng trên đất quy hoạch cho lâm nghiệp để nâng độ che phủ và các giá trị từ rừng; triển khai các dự án lâm nghiệp (NSNN, ODA) đảm bảo chất lượng đầu tư và tiến độ đề ra; khai thác gỗ, củi rừng trồng đúng quy trình, quy phạm gắn với trồng lại rừng và phát triển công nghiệp chế biến.

- Nâng cao vai trò của ngành lâm nghiệp trong xóa đói giảm nghèo, đóng góp của ngành lâm nghiệp với các ngành nghề khác, góp phần vào phát triển nông thôn, thích ứng và giảm thiểu với khí hậu và an sinh xã hội. Nhà nước thực hiện các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ nghiên cứu khoa học trong lâm nghiệp, phổ biến công nghệ lâm nghiệp tiên tiến và ứng dụng; nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật của lâm nghiệp.

2. Giải pháp thực hiện

2.1. Về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành, địa phương: Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư, Chỉ thị 15-CT/TU ngày 04/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên và các Chỉ thị của UBND tỉnh (bao gồm: Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 24/9/2020 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng; số 17/CT-UBND ngày 25/8/2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã). Trong đó, tập trung đẩy nhanh việc phân cấp, phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp của từng cấp, ngành, địa phương và người đứng đầu trong hệ thống tổ chức nhà nước.

2.2. Về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng.

- Vận động các hộ gia đình sống gần rừng, ven rừng ký cam kết bảo vệ rừng và tham gia chữa cháy rừng; tổ chức xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng tại các cộng đồng dân cư thôn có rừng; thay đổi nhận thức, tập quán kinh doanh, sản xuất lâm nghiệp sang thâm canh, kết hợp sản xuất gỗ nhỏ và gỗ lớn.

2.3. Về quản lý quy hoạch và đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp:

- Thực hiện tốt công tác rà soát, điều chỉnh, tích hợp quy hoạch đất lâm nghiệp, làm tiền đề cho việc hoạch định các nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030.

- Đẩy nhanh tiến độ rà soát, điều chỉnh ranh giới, tiến tới hoàn thiện hồ sơ giao đất, giao rừng, xây dựng hồ sơ quản lý toàn bộ diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng đến từng đơn vị chủ rừng, đặc biệt là các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng.

- Xây dựng kế hoạch sử dụng đất, triển khai thực hiện tốt phương án quản lý rừng bền vững, kế hoạch phát triển lâm nghiệp trung hạn và hàng năm đúng định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, phù hợp với đặc thù, tiềm năng của từng đơn vị và có tính khoa học cao.

2.4. Về bảo vệ rừng:

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các khu rừng trọng điểm có nguy cơ bị lấn chiếm, phá rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

- Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng Công an-Quân đội- Kiểm lâm trong việc tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn quản lý.

2.5. Công tác sử dụng và phát triển rừng:

- Tập trung khoanh nuôi tái sinh, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng nhằm duy trì khả năng phòng hộ điều tiết nguồn nước, cắt lũ mùa mưa, gắn với phòng hộ các công trình thủy điện, thủy lợi; phục hồi các khu rừng đặc dụng bị phá, khai thác cạn kiệt và bảo vệ các loài động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu của địa phương.

- Quy hoạch, định hướng phát triển trồng rừng sản xuất tập trung, nâng cao sản lượng, chất lượng rừng trồng, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Đầu tư trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn nhằm nâng cao chất lượng, giá trị lâm sản, góp phần duy trì ổn định độ che phủ rừng trong một giai đoạn nhất định.

- Hưởng ứng phong trào trồng 1 tỉ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021): Tổ chức phát động và triển khai thực hiện Đề án trồng 15 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn toàn tỉnh.

2.6. Về khoa học, công nghệ:

- Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào công tác lâm nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR; trong đó, đặc biệt việc ứng dụng công nghệ viễn thám (tỉnh Phú Yên cũng đã có kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 2010/QĐ-UBND ngày 01/12/2020) để giám sát, theo dõi biến động tài nguyên rừng và sử dụng máy bay không người lái (Flycam) trong công tác chỉ huy chữa cháy rừng.

- Tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giống lâm nghiệp. Trong đó, quan tâm đề xuất nghiên cứu chọn loại cây trồng phù hợp với từng vùng lập địa, từng địa phương, đáp ứng được lợi ích kinh tế cũng như an ninh môi trường để khuyến cáo cho chủ rừng.

- Tổ chức xây dựng các đề án, dự án, mô hình thí điểm phát triển tiềm năng cây đặc sản, cây dược liệu dưới tán rừng; liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

2.7. Về phát triển kinh tế lâm nghiệp kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái:

- Tổ chức xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững có hiệu quả; tập trung các giải pháp khôi phục lại rừng phòng hộ, đặc dụng; nghiên cứu phát triển rừng có chiều sâu, đa mục tiêu, vừa duy trì khả năng phòng hộ, vừa bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo tồn nguồn gien, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường.

- Nghiên cứu, đề xuất các mô hình quản lý rừng bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế rừng, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho các hộ gia đình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng.

- Xây dựng đề án thí điểm thực hiện tự chủ về tài chính đối với Ban quản lý rừng phòng hộ, dựa trên nguồn lực thu từ dịch vụ môi trường rừng, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái rừng, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong đầu tư, quản lý, bảo vệ rừng bền vững gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm...

- Đánh giá tiềm năng của từng khu rừng để xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng rừng kết hợp vào mục đích phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường...

2.8. Về chế biến và tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp:

Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lâm nghiệp, tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và hộ gia đình theo chuỗi hành trình sản phẩm từ khâu tạo nguyên liệu tới khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm,... Đưa công nghệ chế biến hiện đại, cho sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

2.9. Về thu hút vốn đầu tư:

- Đối với vốn ngân sách: Tập trung, khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án, đề án thực hiện Kế hoạch hành động trình cấp thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở bố trí kịp thời cho nhiệm vụ của Kế hoạch hành động.

- Đối với nguồn vốn vay của Chính phủ như: Vốn Ngân hàng tái thiết Đức (Dự án KFW9-theo Nghị quyết số 286/NQ-HĐND ngày 01/10/2020 của HĐND tỉnh); Vốn Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Châu á…chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các điều kiện cơ bản như: Quy hoạch 3 loại rừng, hiện trạng tài nguyên rừng, các lưu vực phòng hộ đầu nguồn, các khu rừng có tiềm năng đa dạng sinh học…để cung cấp kịp thời cho đối tác, nhằm rút ngắn giai đoạn chuẩn bị dự án, thu hút nguồn vốn đầu tư.

- Đối với nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp: Tập trung điều tra lập địa, đánh giá tiềm năng khu rừng, xác định quỹ đất khu rừng… để quảng bá, kêu gọi nhà đầu tư, tập trung vào các hoạt động như: Du lịch sinh thái rừng, phát triển lâm đặc sản, dược liệu dưới tán rừng, trồng cây gỗ lớn…

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và PTNT:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh: Tổ chức thực hiện Chiến lược và Kế hoạch này; xây dựng các chương trình, đề án, dự án trọng điểm theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT để thực hiện Chiến lược và Kế hoạch; kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

- Hỗ trợ các địa phương xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án …để triển khai Kế hoạch của tỉnh và Chiến lược của trung ương.

- Tổ chức tuyên truyền, công khai thông tin tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch và Chiến lược.

2. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính: Theo chức năng, nhiệm vụ, chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nội dung của Kế hoạch và Chiến lược.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, làm cơ sở cho phát triển lâm nghiệp; chủ trì phối hợp trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, an ninh môi trường để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch và Chiến lược.

4. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng và triển khai các giải pháp tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển lâm nghiệp theo định hướng của Chiến lược.

5. Các sở, ngành có liên quan: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức thực hiện Kế hoạch và Chiến lược theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

6. UBND các huyện, thị xã, thành phố:Tổ chức xây dựng và thực hiện Kế hoạch này phù hợp với điều kiện địa phương.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, TP;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh, Phó CVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, KT, HK

CHỦ TỊCH




Trần Hữu Thế

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 126/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh Phú Yên

  • Số hiệu: 126/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 13/07/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Trần Hữu Thế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/07/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản