Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 108/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 03 tháng 10 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 21-NQ/TU NGÀY 19/7/2016 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TIẾP TỤC CỦNG CỐ, HOÀN THIỆN MẠNG LƯỚI Y TẾ, NÂNG CAO NĂNG LỰC VÀ CHẤT LƯỢNG KHÁM, CHỮA BỆNH CỦA HỆ THỐNG Y TẾ CÁC CẤP, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 19/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh của hệ thống y tế các cấp, giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh của hệ thống y tế các cấp, giai đoạn 2016 - 2020 như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

Tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 19/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh của hệ thống y tế các cấp, giai đoạn 2016 - 2020 (viết tắt là Nghị quyết số 21-NQ/TU) nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra.

Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành và cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TU làm cơ sở để các sở, ban, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể liên quan triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực.

2. Yêu cầu

Việc tiếp tục củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh của hệ thống y tế các cấp phải gắn với mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục phát triển hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ; giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2020 đạt được một số chỉ tiêu sau:

- Hoàn thành và đưa vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa 700 giường.

- Nâng hạng Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ hạng II lên hạng I; nâng hạng bệnh viện từ hạng III lên hạng II đối với Bệnh viện huyện Hữu Lũng, huyện Bắc Sơn và một số bệnh viện khác khi có đủ điều kiện; các Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thực hiện đạt trên 70% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến và thực hiện được một số kỹ thuật chuyên sâu vượt tuyến.

- Tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế từ 50% trở lên;

- Số bác sỹ đạt tỷ lệ 10 bác sỹ/vạn dân; 100% Trạm Y tế xã có bác sỹ;

- 40% số bác sỹ có trình độ sau đại học;

- Số giường bệnh đạt tỷ lệ 29,4 giường bệnh/vạn dân;

- Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 98%;

- Chuẩn bị các điều kiện để triển khai Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Tâm thần và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tuyến tỉnh (CDC).

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

- Chỉ đạo, tổ chức quán triệt nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 19/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh của hệ thống y tế các cấp, giai đoạn 2016 - 2020 đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế.

- Tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nâng cao hiệu quả phối hợp của các cấp, các ngành đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

- Cụ thể hóa các mục tiêu và nhiệm vụ về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vào chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Ngành y tế làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trên nhiều kênh thông tin. Tập trung truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, nước sạch, vệ sinh môi trường; chú trọng tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế.

2. Nâng cao năng lực hệ thống y tế, chất lượng khám chữa bệnh

- Xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, quản lý đầu tư và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho ngành y tế. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

- Tăng cường công tác phối hợp quân - dân y kết hợp tại các địa bàn trọng yếu của tỉnh như khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

- Áp dụng có hiệu quả mô hình bệnh viện vệ tinh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, đa dạng hóa loại hình khám chữa bệnh.

- Tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới bằng nhiều hình thức: Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo, tập huấn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật.

- Hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh thông qua phần mềm quản lý điện tử, duy trì kênh phản hồi thông tin của người dân qua đường dây nóng như điện thoại, trang mạng điện tử...

- Kết hợp giữa chăm sóc sức khỏe ban đầu với các dịch vụ y tế chuyên sâu, dịch vụ y tế kỹ thuật cao, giữa y học cổ truyền với y học hiện đại. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nuôi trồng và bảo vệ các nguồn dược liệu thiên nhiên phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

- Triển khai các hoạt động theo hướng mở rộng dịch vụ, kỹ thuật y tế, đặc biệt là ở tuyến dưới, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng ở nơi gần nhất. Triển khai mô hình bác sỹ gia đình, mô hình quản lý các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường...

- Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện xã hội hóa một số dịch vụ kỹ thuật tại các bệnh viện công lập; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngay tại cộng đồng.

- Hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện đáp ứng nhu cầu hoạt động và đảm bảo các quy định về xử lý chất thải tại cơ sở y tế. Từng bước thực hiện xử lý chất thải y tế ở Trạm Y tế xã.

- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

- Đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 04/6/2015 của Bộ Y tế về phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

3. Tăng cường công tác đào tạo nhân lực và khoa học công nghệ

- Tiếp tục đào tạo bác sỹ đa khoa theo địa chỉ nhằm bảo đảm số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ y tế cho các cơ sở y tế, đặc biệt là bác sỹ công tác tại Trạm Y tế xã.

- Tập trung đào tạo chuẩn hóa trình độ cao đẳng đối với viên chức là hộ sinh, điều dưỡng, dược trình độ trung cấp, kỹ thuật viên; đào tạo nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản theo yêu cầu của Bộ Y tế để đáp ứng nhu cầu nhân lực y tế ở nông thôn và các vùng khó khăn. Nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Cao đẳng Y tế trong việc đổi mới chương trình, tài liệu, phương pháp giảng dạy; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực y tế ở những chuyên ngành còn thiếu của tỉnh.

- Xây dựng đội ngũ nhân viên y tế có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành nhiệm vụ theo Đề án vị trí việc làm của từng đơn vị.

- Đào tạo cán bộ y tế có trình độ chuyên môn giỏi đáp ứng yêu cầu cả về y tế chuyên sâu và y tế phổ cập. Đào tạo cán bộ quản lý ngành, cán bộ kỹ thuật có khả năng làm chủ các phương tiện, vật tư, kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường chính sách thu hút cán bộ y tế làm việc lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các chuyên ngành còn thiếu nhân lực tại các cơ sở khám, chữa bệnh và hệ y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng thành tựu tiến bộ khoa học trong lĩnh vực y tế trên thế giới và trong khu vực vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các lĩnh vực y học cơ bản, y học kỹ thuật cao, y học lâm sàng, y tế cộng đồng, quản lý y tế...

- Ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với khả năng tài chính, kỹ thuật và nhu cầu sử dụng của từng tuyến; nâng cấp, xây dựng các phương thức trao đổi thông tin, truyền tin, gửi báo cáo, số liệu qua thư điện tử đảm bảo kịp thời.

- Chuẩn bị các nguồn lực để tiếp nhận, triển khai thực hiện các danh mục kỹ thuật y tế chuyên sâu theo đề án bệnh viện vệ tinh, mô hình bác sỹ gia đình...

4. Hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân

- Từng bước sáp nhập các trung tâm, đơn vị làm nhiệm vụ dự phòng tuyến tỉnh thành Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tuyến tỉnh (CDC); chuẩn bị các điều kiện cần và đủ tiến tới triển khai các bệnh viện chuyên khoa như Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Tâm thần; hoàn thành và đưa vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa 700 giường theo lộ trình đã được phê duyệt; từng bước nâng hạng các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện.

- Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác y tế, đa dạng hóa loại hình khám, chữa bệnh. Phát triển mạnh dịch vụ y tế tư nhân, đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước đối với loại hình này. Thực hiện phối hợp công tư trong lĩnh vực y tế; huy động tối đa các nguồn lực phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, thuốc thiết yếu cho các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã trong đó ưu tiên các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2020 theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ Y tế.

5. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước

- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong khám, chữa bệnh; tăng cường công tác pháp chế, thanh tra, kiểm tra về y tế, cải tiến phương thức quản lý theo hướng hiện đại hóa và tin học hóa nhằm nâng cao vai trò và hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Củng cố, kiện toàn tổ chức thanh tra y tế theo các nội dung trong Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 28/4/2016 của UBND tỉnh Lạng Sơn về triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực Thanh tra Y tế tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020; đảm bảo đội ngũ thanh tra y tế có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Thực hiện thanh tra về chuyên môn, hành nghề y dược tư nhân. Cấp, quản lý chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động cho cán bộ y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường quyền tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; gắn việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, lộ trình cải cách tiền lương; thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ, bảo đảm phù hợp với trình độ chuyên môn, chất lượng dịch vụ ở từng tuyến và khả năng chi trả của nhân dân; minh bạch giá dịch vụ y tế, phân định rõ phần chi từ ngân sách nhà nước và phần chi của người sử dụng dịch vụ y tế.

- Trên cơ sở đánh giá hiện trạng trang thiết bị y tế, vật tư y tế để có kế hoạch đầu tư, điều chuyển trang thiết bị y tế phù hợp cho các tuyến. Cập nhật và quản lý danh mục trang thiết bị cho các cơ sở y tế tại các tuyến khác nhau.

- Tổ chức giám sát, phát hiện và khống chế không để dịch bệnh xảy ra. Tăng cường quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn.

IV. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

Trên cơ sở những giải pháp cụ thể thực hiện các nhiệm vụ, để tiếp tục củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh của hệ thống y tế các cấp tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2016 - 2020, các mục tiêu đưa ra cần thực hiện theo giai đoạn từng năm (Chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo).

V. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

Gồm nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia, trái phiếu Chính phủ, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện Kế hoạch này; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Kế hoạch và định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Tham mưu, trình UBND tỉnh cân đối ngân sách để thực hiện Kế hoạch; phối hợp với Sở Y tế nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch.

3. Sở Nội vụ

Chủ trì phối hợp với Sở Y tế tham mưu trình UBND tỉnh, Bộ Nội vụ cân đối, phân bổ chỉ tiêu biên chế nguồn nhân lực y tế hàng năm đảm bảo theo quy định để triển khai thực hiện Kế hoạch có hiệu quả.

4. Sở Ngoại vụ

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường huy động các nguồn viện trợ, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để thực hiện Kế hoạch.

5. Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh

Phối hợp với Sở Y tế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện công tác tuyên truyền phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh và các chính sách về y tế.

7. Bảo hiểm xã hội tỉnh

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, giải pháp phát triển bảo hiểm y tế, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân. Cải cách và đơn giản hóa thủ tục mua, thanh toán bảo hiểm y tế, tạo thuận lợi cho người có bảo hiểm y tế trong khám bệnh, chữa bệnh.

8. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh chương trình kết hợp quân - dân y nhằm thực hiện tốt mục tiêu Kế hoạch đề ra.

9. UBND các huyện, thành phố

Xây dựng và đưa các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể về tăng cường y tế cơ sở và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương để thực hiện, đồng thời huy động tốt các nguồn lực để phát triển sự nghiệp y tế, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể

Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để huy động sức mạnh tổng hợp của hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia các hoạt động y tế nhằm đạt được các mục tiêu trong Kế hoạch đề ra.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan căn cứ Kế hoạch này tổ chức triển khai thực hiện./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Tiến Thiệu