Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 103/KH-UBND

Cà Mau, ngày 23 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

KIỆN TOÀN, ỔN ĐỊNH MÔ HÌNH TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH LÀM CÔNG TÁC DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN CÁC CẤP TỈNH CÀ MAU

Thực hiện Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch kiện toàn, ổn định mô hình tổ chức bộ máy và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp tỉnh Cà Mau như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT

- Tổ chức bộ máy làm công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của nước ta nhiều lần thay đổi từ Trung ương đến địa phương, quá trình củng cố kéo dài. Những chuyển động của dân số Việt Nam là rất lớn, nhanh, các nội dung quản lý nhà nước về dân số và phát triển thuộc chức năng của nhiều cơ quan nhưng chưa có cơ chế phối hợp liên ngành chặt chẽ. Đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên dân số hiện nay chủ yếu mới được đào tạo về DS-KHHGĐ, kiến thức, kinh nghiệm về các nội dung dân số và phát triển còn nhiều hạn chế.

- Công tác dân số tỉnh Cà Mau trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Từ năm 2006 tỉnh ta bước vào thời kỳ dân số vàng, nhóm dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, tạo đà cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

1. Quy mô dân số và mức sinh

- Năm 2020, dân số tỉnh Cà Mau là 1.195.696 người, với 305.901 hộ, số phụ nữ 15 - 49 tuổi có chồng 238.661 người.

- Giảm sinh là một trong những chỉ tiêu mà nhiều năm qua tỉnh Cà Mau đã kiên trì thực hiện. Cụ thể từ việc thực hiện mục tiêu xây dựng quy mô gia đình ít con (có 01 hoặc 02 con), các chính sách DS-KHHGĐ được triển khai rộng khắp trong tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa, đã có sự tác động kiềm chế mức tăng sinh và giảm sinh con thứ ba trở lên.

- Năm 2011, Cà Mau đã đạt mức sinh thay thế, với số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 02 con; tỷ suất sinh thô đã giảm từ 15,79‰ năm 2011, xuống 14,52‰ năm 2015 và đến năm 2020 giảm còn 13,20‰; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,21% năm 2011, xuống 1,08% năm 2015, đến năm 2020 giảm còn 0,81%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 5,51%, xuống còn 3,45% qua 10 năm thực hiện Chiến lược.

Những thành tựu trên, là kết quả của sự nỗ lực của toàn đảng, toàn dân nhưng trước hết là kết quả của sự phấn đấu không ngừng của những người làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở; trong đó có đội ngũ cán bộ chuyên trách và lực lượng cộng tác viên DS-KHHGĐ đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.

2. Cơ cấu dân số và chất lượng dân số

- Tỉnh Cà Mau đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Số người trong độ tuổi lao động từ 15 - 59 tuổi khá dồi dào và có xu hướng tăng nhanh đan xen với già hóa dân số, theo số liệu tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019 thì số người trong độ tuổi từ 15 - 59 khoảng 771.367 nghìn người chiếm 64,58% dân số toàn tỉnh. Điều này là cơ hội cho phát triển song cũng tạo ra những thách thức lớn về giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm và chăm sóc y tế.

- Tỷ số giới tính của dân số Cà Mau: Tỷ số giới tính được tính bằng dân số nam trên 100 dân số nữ. Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2019 cho thấy, tỷ số giới tính của Cà Mau là 102,6 nam/100 nữ, cao hơn tỷ số giới tính chung của cả nước (99,1 nam/100 nữ) và cao hơn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (99 nam/100 nữ). Trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị là 99,2 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 103,6 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính của dân số Cà Mau liên tục tăng từ 97,5 nam/100 nữ năm 1999, tăng lên 101 nam/100 nữ năm 2009 và tăng lên 102,6 nam/100 nữ năm 2019.

- Tỷ số giới tính có sự khác biệt theo các nhóm tuổi, tuổi càng cao tỷ số giới tính càng thấp: Cao nhất ở nhóm từ 20 - 24 tuổi (111 nam/100 nữ); Thấp nhất ở nhóm từ 75 tuổi trở lên (63,9 nam/100 nữ). Tỷ số giới tính trên 100 từ nhóm tuổi 0 - 49 tuổi và bắt đầu giảm xuống dưới 100 ở nhóm 50 - 54 tuổi (99,2 nam/100 nữ).

Kết quả tổng điều tra năm 2019 cho thấy sự khác biệt đáng kể về tỷ số giới tính giữa các địa phương trong tỉnh: Cao nhất là huyện Ngọc Hiển, có tỷ số giới tính là 108,5 nam/100 nữ; Thấp nhất là thành phố Cà Mau, có tỷ số giới tính là 97,5 nam/100 nữ. Nhìn chung, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có tỷ số giới tính trên 100, chỉ duy nhất có đơn vị thành phố Cà Mau có tỷ số giới tính dưới 100 (97,5 nam/100 nữ).

Kết quả rà soát tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2020 như sau:

STT

Tên đơn vị

Tổng số trẻ sinh ra trong năm 2020

Số bé trai sinh ra trong năm 2020

Số bé gái sinh ra trong năm 2020

Ghi chú

01

TTYT TP Cà Mau

2.820

1.431

1.389

 

02

TTYT Cái Nước

579

302

277

 

03

TTYT U Minh

493

262

231

 

04

TTYT Trần Văn Thời

1.122

599

523

 

05

TTYT Thới Bình

1.851

942

909

 

06

TTYT Phú Tân

1.115

558

557

 

07

TTYT Đầm Dơi

1.253

658

595

 

08

TTYT Năm Căn

725

348

377

 

09

TTYT Ngọc Hiển

647

334

313

 

Tổng cộng

10.605

5.434

5.171

 

Tóm lại: tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Cà Mau đến năm 2020 là 105,09 bé trai/100 bé gái. Tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao. Nguyên nhân tăng, một phần là do một số hộ gia đình còn nặng tâm lý trọng nam, khinh nữ, lựa chọn giới tính trước khi sinh, chọn sinh con trai để nối dõi tông đường, có người thờ phụng, hương khói và là trụ cột trong gia đình... Nếu tình trạng này kéo dài và không tích cực quan tâm kiềm chế tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh, sẽ tác động xấu đến trật tự, an ninh xã hội, gây khó khăn trong việc xây dựng gia đình của các thế hệ tương lai.

Sàng lọc trước sinh, sơ sinh: Đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh đã được triển khai với nội dung sàng lọc trước sinh bằng siêu âm hình thái học trên phạm vi toàn tỉnh và sàng lọc sơ sinh đã được triển khai tại Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện và Trung tâm y tế có giường bệnh tuyến huyện.

Những thay đổi sâu sắc của tình trạng dân số, những xu hướng dẫn số mới trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI và với những khó khăn, thách thức của công tác dân số tỉnh ta hiện nay là rất lớn. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó đặt ra nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cho công tác dân số đến năm 2030. Những mục tiêu, nhiệm vụ của công tác dân số trong những thập niên tới là rất lớn, đòi hỏi cách tiếp cận đa ngành, liên ngành mà không đơn thuần chỉ là chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế. Vì vậy, cần có mô hình tổ chức bộ máy đủ mạnh mới thực thi được những nhiệm vụ này, đặc biệt là việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển như Nghị quyết số 21-NQ/TW đã chỉ đạo là sự cần thiết và cấp bách.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

- Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

- Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.

- Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp.

- Chương trình hành động số 32-CT/TU ngày 28/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau về việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 22/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về hành động thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh Cà Mau.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính để giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2021 - 2025

- Giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp; đồng thời tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

- Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành từ tỉnh đến huyện, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn nhằm tăng cường chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các ngành, cơ quan có liên quan đến lĩnh vực dân số và phát triển.

- Triển khai mô hình phối hợp đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em, Y tế ấp trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; lồng ghép công tác gia đình, trẻ em vào nhiệm vụ của cộng tác viên dân số, nhân viên y tế khóm, ấp; khuyến khích sự tham gia tích cực và tình nguyện của cộng đồng.

2.2. Giai đoạn 2026 - 2030

- Tiếp tục giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp.

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương.

- Đánh giá kết quả việc triển khai cho đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em, Y tế khóm, ấp trên địa bàn tỉnh.

IV. MÔ HÌNH TỔ CHỨC BỘ MÁY, MẠNG LƯỚI VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH LÀM CÔNG TÁC DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN CÁC CẤP

1. Mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp

1.1. Cấp tỉnh: Giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy như hiện nay.

Chi cục DS-KHHGĐ bảo đảm biên chế từ 15 - 20 viên chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân số trong tình hình mới.

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh là tổ chức trực thuộc Sở Y tế, tham mưu giúp Giám đốc Sở Y tế quản lý nhà nước về dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh, bao gồm các lĩnh vực: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số; chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ về dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh.

1.2. Cấp huyện, thành phố

- Đối với Phòng Y tế thành phố Cà Mau trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân số và phát triển trên địa bàn thành phố.

- Đối với Trung tâm Y tế huyện, thành phố có Khoa Dân số, bảo đảm biên chế từ 04 - 06 viên chức thuộc Trung tâm Y tế, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật, tư vấn, truyền thông giáo dục về dân số và phát triển trên địa bàn huyện trong tình hình mới.

1.3. Cấp xã

- Bảo đảm ít nhất 01 (một) viên chức dân số thuộc Trạm Y tế.

- Duy trì và nâng cao hiệu quả các nhiệm vụ công tác dân số cơ sở.

1.4. Tại các khóm, ấp trên địa bàn tỉnh

- Bố trí 01 (một) cộng tác viên kiêm nhiệm y tế khóm, ấp giao Trạm Y tế quản lý.

- Ưu tiên lựa chọn người có kinh nghiệm lâu năm, đạo đức tốt, nhiệt huyết với công việc, có hiểu biết, chuyên môn, có sức khỏe, còn đủ tuổi: tuyển dụng, kiện toàn, ổn định mạng lưới cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em, Y tế khóm, ấp đảm bảo đủ 883 người/883 khóm, ấp.

- Thực hiện các nhiệm vụ của cộng tác viên, mỗi cộng tác viên đảm nhiệm 04 nhiệm vụ: công tác dân số, công tác gia đình, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Y tế ấp; các khóm không có y tế khóm thì công tác viên dân số gia đình trẻ em kiêm nhiệm.

- Phụ cấp chế độ đối với cộng tác viên làm công tác dân số, gia đình và trẻ em, Y tế ấp: Từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo khả năng và điều kiện thực tế của từng địa phương.

2. Cơ chế phối hợp liên ngành dân số và phát triển

- Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành các cấp, để thực hiện nhiệm vụ phối hợp liên ngành về dân số và phát triển, đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề dân số trong tình hình mới, tiến tới thực hiện thành công Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

- Kiện toàn BCĐ Dân số và Phát triển các cấp trên cơ sở BCĐ công tác DS-KHHGĐ hiện nay bảo đảm hoạt động thống nhất.

- BCD Dân số và Phát triển làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, không phát sinh tổ chức, biên chế.

V. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp

- Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa nội dung của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới; Chương trình hành động số 32-CT/TU ngày 28/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau về việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Quyết định số 670/QĐ-UBND ngày 19/4/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động số 32-CT/TU ngày 28/12/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau về việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 22/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về hành động thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh Cà Mau và thực hiện bảo đảm thống nhất nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về vấn đề liên quan đến công tác dân số trong tình hình mới; thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình công tác dân số, đưa công tác dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; vận động, phát huy vai trò của chức sắc tôn giáo, người uy tín trong cộng đồng, người có ảnh hưởng đến người dân tham gia tuyên truyền, giáo dục người dân thực hiện chính sách dân số.

- Trực tiếp chỉ đạo công tác phối hợp liên ngành; phân công nhiệm vụ, thực hiện cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đoàn thể, tổ chức tham gia thực hiện công tác dân số trên địa bàn; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và của cả cộng đồng.

- Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của những cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân số.

2. Đổi mới một số nội dung tuyên truyền, vận động về công tác dân số

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh sang chính sách dân số.

- Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cư trú, cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

- Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường; hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ.

3. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số

- Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số trong tình hình mới.

- Rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ cộng tác viên dân số ở khóm, ấp. Bổ sung nội dung, định mức chi công tác dân số trong phân bổ dự toán chi thường xuyên và vốn đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước.

- Rà soát, hoàn thiện chính sách, chế độ chăm sóc người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. Cụ thể hóa các quy định của nhà nước về xây dựng, quản lý và vận hành cơ sở chăm sóc người cao tuổi theo phương thức hợp tác công tư. Quy định chi tiết, cụ thể chính sách khuyến khích tư nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi.

4. Bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số

- Bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho công tác dân số nhằm nâng cao chất lượng dân số, đời sống mọi mặt của nhân dân, nhất là đối tượng chính sách, vùng đồng bào dân tộc thiểu số biên giới, hải đảo.

- Đẩy mạnh xã hội hóa, có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, phân phối, cung cấp các phương tiện, dịch vụ trong lĩnh vực dân số.

5. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số và phát triển các cấp

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn kết chặt chẽ với kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp phục vụ nhân dân.

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đồng thời thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất, có chính sách đãi ngộ thỏa đáng, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới đội ngũ cộng tác viên dân số kết hợp y tế khóm, ấp.

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn BCĐ công tác Dân số và phát triển các cấp theo chế độ kiêm nhiệm, nhằm tăng cường chỉ đạo, điều phối hoạt động của các ngành, cơ quan chức năng quản lý các lĩnh vực liên quan đến dân số và phát triển.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ, tạo thuận lợi cho người dân. Đẩy nhanh triển khai thực hiện đăng ký dân số và cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thống nhất, đáp ứng nhu cầu quản lý xã hội. Cung cấp số liệu đầy đủ, chính xác và dự báo dân số xác thực phục vụ việc lồng ghép các yếu tố dân số trong xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

- Nghiên cứu, đánh giá tác động về dân số đối với phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

- Khảo sát, đánh giá, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước về dân số và phát triển cho đội ngũ cán bộ dân số từ trung ương đến địa phương.

- Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân số và phát triển của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng lồng ghép các nội dung về dân số vào các hoạt động của ngành, đơn vị.

- Đưa nội dung dân số và phát triển vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Chú trọng đào tạo đội ngũ trong lĩnh vực dân số và phát triển thông qua hệ thống đào tạo.

VI. KINH PHÍ

1. Đối với công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện và xã: do ngân sách nhà nước bố trí theo quy định của pháp luật.

2. Đối với cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em, y tế ấp: hỗ trợ đối với cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em, y tế ấp từ nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì thực hiện kế hoạch, hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc các đơn vị thực hiện kế hoạch; kiểm tra, đánh giá và tổng hợp tình hình thực hiện Đề án, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chủ trì rà soát, xây dựng mô hình về dân số và phát triển; thành lập tổ chức phối hợp liên ngành.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành hướng dẫn, triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình, trẻ em, y tế ấp, nơi chưa bố trí y tế khóm thì cộng tác viên dân số gia đình trẻ em kiêm công tác y tế khóm, giao Trạm Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tuyển chọn và quản lý; đánh giá hiệu quả việc triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình, trẻ em, Y tế ấp, khóm.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình, trẻ em và y tế ấp, khóm tại cơ sở; đánh giá hiệu quả việc triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình, trẻ em, y tế ấp, khóm.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp với Sở Y tế, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hướng dẫn, triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình, trẻ em tại cơ sở và y tế ấp, khóm đánh giá hiệu quả việc triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình, trẻ em, Y tế ấp, khóm.

4. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Y tế kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân số và phát triển.

5. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện đề án theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

6. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau

Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung cụ thể, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương; ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển; kiện toàn tổ chức phối hợp liên ngành, triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình, trẻ em, y tế khóm ấp.

Trên đây là Kế hoạch kiện toàn, ổn định mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh, đề xuất về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cho ý kiến chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Y tế;
- TT: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Các đơn vị tại Mục VII;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Báo, Đài PT-TH tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Phòng KGVX (H.Th/151-YT);
- Lưu: VT.KL09/5.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Luân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 103/KH-UBND năm 2022 về kiện toàn, ổn định mô hình tổ chức bộ máy và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp tỉnh Cà Mau

  • Số hiệu: 103/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 23/05/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Nguyễn Minh Luân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/05/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản