Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1027/KH-UBND

Lai Châu, ngày 25 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THÁO GỠ KHÓ KHĂN, THÚC ĐẨY SẢN XUẤT KINH DOANH ỨNG PHÓ VỚI DỊCH COVID-19 CHO CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU

Nhằm chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Lai Châu, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19, duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội; phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh Lai Châu xây dựng Kế hoạch tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ứng phó với dịch Covid-19 cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Chính quyền tỉnh đồng hành cùng với cộng đồng doanh nghiệp tỉnh để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ứng phó với dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Tập trung thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền để hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

3. Tăng cường phối hợp, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Về giải quyết thủ tục hành chính và giảm chi phí cho doanh nghiệp

- Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

+ Rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) để thực hiệt tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC. Khẩn trương đẩy nhanh việc xem xét, thẩm định, trình, duyệt hồ sơ các dự án sản xuất kinh doanh để giúp doanh nghiệp nhanh chóng triển khai thực hiện.

+ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh: Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành trong giải quyết thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng cung cấp dịch vụ công của tỉnh ở mức độ 3, 4.

- Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp năm 2020, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh cắt giảm đối tượng, nội dung, thời gian tiến hành thanh tra đối với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chịu tác động ảnh hưởng lớn, trực tiếp của dịch Covid-19. Không phê duyệt bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước, yêu cầu việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng. Đảm bảo việc thanh tra không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp không quá 01 lần/năm theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

- Cục Thuế tỉnh xem xét, không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật.

- Ban quản lý Khu kinh tế, Chi cục Hải quan cửa khẩu Ma Lù Thàng: Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình thực hiện để giải quyết kịp thời thủ tục thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa....

2. Tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tài chính, thuế cho doanh nghiệp

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lai Châu

+ Yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn khác của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, của tỉnh nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

+ Chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí ... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

+ Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng dịch vụ, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công.

+ Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong thực hiện các quy định tại Thông tư số 05/2020/TT-NHNN, ngày 07/5/2020 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

- Sở Tài chính: Tăng cường phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố tham mưu kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện chính sách theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của chính phủ về các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và các Công văn số 814/UBND-VX ngày 24/4/2020, số 837/UBND-VX ngày 28/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

- Cục Thuế tỉnh: Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp về các chính sách thuế, phí, lệ phí hỗ trợ sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giải quyết kịp thời chính sách về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ và Công văn số 800/UBND-KTN ngày 22/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ.

- Bảo hiểm xã hội tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và không tính lãi phạt chậm nộp theo đúng quy định của pháp luật.

3. Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh

a) Sở Công Thương

- Chủ động phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của các đơn vị sản xuất công nghiệp, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động khuyến công để hỗ trợ cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp, tiết kiệm năng lượng nhằm giảm chi phí sản xuất, mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh gia hạn thời gian cho khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện đang chậm tiến độ nộp hồ sơ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (nếu có đề nghị gia hạn của doanh nghiệp).

- Chủ động phối hợp với Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia, Tổng Công ty điện lực miền Bắc và chủ đầu tư các dự án thủy điện trong quá trình triển khai các công trình lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình.

- Tiếp tục triển khai các giải pháp để đẩy mạnh lưu thông, cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hệ thống bán lẻ.

- Thường xuyên nắm bắt thông tin từ Cục xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh Biên giới phía Bắc về hoạt động xuất nhập khẩu để kịp thời cung cấp tới các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và người dân có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm phù hợp, nhất là các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, đánh giá các dự án có ảnh hưởng đến đất rừng tự nhiên xác định có hiệu quả cao về kinh tế - xã hội cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, từ đó hướng dẫn Nhà đầu tư làm thủ tục đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo quy định.

- Tuyên truyền, phổ biến các hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ pháp lý, quy trình kỹ thuật đầu tư trồng các loại cây như: Mắc ca, chè, dược liệu... đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã - hội của tỉnh.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường phổ biến và hướng dẫn cho doanh nghiệp chăn nuôi các biện pháp tái đàn lợn theo hướng vừa gia tăng về số lượng nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn dịch bệnh; tiếp tục duy trì, xử lý diện tích ao, thể tích lồng, bể nuôi thủy sản hiện có để phục cho vụ nuôi mới; đẩy mạnh phát triển các loại gia súc, gia cầm khác nhằm từng bước góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thị trường.

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đề án, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn; thu hút, kêu gọi, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tập trung xây dựng các mô hình liên kết, vùng sản xuất tập trung.

c) Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Nhà đầu tư liên quan đến đất đai, môi trường, khoáng sản,... hướng dẫn các doanh nghiệp về trình tự thủ tục, hồ sơ pháp lý, đăng ký nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để kịp thời bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định.

- Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, trợ giúp Nhà đầu tư khẩn trương làm các thủ tục giao đất, cho thuê đất, đánh giá tác động môi trường, cấp phép khai thác khoáng sản đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

d) Sở Xây dựng: Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh theo quy định, đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tích cực hướng dẫn, trợ giúp các nhà đầu tư rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư các dự án mà nhà đầu tư quan tâm, tiếp tục rà soát, cắt giảm thời gian tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy, thẩm định, cấp phép xây dựng các công trình.

e) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ; chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết các vướng mắc về lao động, việc làm trong các doanh nghiệp; có biện pháp đa dạng hóa hình thức tuyên truyền và các giải pháp để động viên tinh thần người lao động; có phương án hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và hỗ trợ việc làm cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

- Chủ động xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động để hỗ trợ thích ứng với các điều kiện, hoàn cảnh thay đổi trong dịch bệnh.

f) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chỉ đạo Hiệp hội du lịch tỉnh Lai Châu phối hợp với Hiệp hội du lịch các tỉnh Tây Bắc mở rộng triển khai chương trình “Liên minh kích cầu du lịch các tỉnh vùng Tây Bắc” nhằm liên kết đưa ra gói kích cầu du lịch thu hút du khách tới Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng.

- Đẩy mạnh triển khai các hoạt động truyền thông, xúc tiến dưới nhiều hình thức, đặc biệt là xúc tiến du lịch online để lan tỏa rộng rãi thông điệp “Lai Châu - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, trước mắt tập trung vào khách du lịch nội địa.

- Tổ chức làm việc với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Hà Nội để lên kế hoạch buổi làm việc của tỉnh với các Doanh nghiệp lữ hành du lịch nhằm kết nối, mở rộng các tour du lịch đến Lai Châu, thực hiện trước 10/6.

g) Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng phối hợp với cơ quan liên quan: Giải quyết ngay những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Ma Lù Thàng và các lối mở.

h) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Xem xét thành lập và phát huy vao trò Tổ công tác hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tham vấn cộng đồng...

4. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

a) Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020; đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và năm 2020; tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng để phát huy tối đa hiệu quả kinh tế - xã hội. Quan tâm nắm bắt kịp thời, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm tiến độ, khối lượng và chất lượng công trình. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định của pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

- Sở Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư trong thảo gỡ, giải phóng mặt bằng các dự án để giải ngân vốn đầu tư.

- Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện dự án.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan khẩn trương hoàn tất các thủ tục để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ chi tiết các nguồn vốn ngay khi có đủ các điều kiện phân bổ theo quy định. Phối hợp với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án để rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn đối với các dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án đủ điều kiện để giải ngân.

- Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân, bảo đảm giải ngân hết số vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và kế hoạch vốn năm 2020.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư để tận dụng tốt các cơ hội phát triển; tăng cường hoạt động quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để kêu gọi thu hút đầu tư.

c) Các sở quản lý chuyên ngành nâng cao hơn nữa chất lượng, rút ngắn thời gian thẩm định dự án để thúc đẩy tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước trong tất cả các khâu từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành dự án đưa vào sử dụng.

d) Các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án chuyên ngành

- Tăng cường chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh thi công xây dựng công trình theo đúng tiến độ cam kết. Nghiệm thu khối lượng hoàn thành và thanh toán kịp thời cho các doanh nghiệp.

- Tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Chủ động phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ bị thu hồi đất chấp hành các quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

5. Đẩy mạnh thông tin truyền thông

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo cơ quan truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam và của tỉnh để ổn định tâm lý, củng cố niềm tin tạo đồng thuận xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động, đồng bộ, quyết liệt phòng chống, ứng phó với diễn biến của dịch và tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe và đời sống của Nhân dân, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho người dân và doanh nghiệp.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung quán triệt, khẩn trương chỉ đạo các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý nêu cao tinh thần trách nhiệm triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ tại Kế hoạch này. Ban hành chương trình, hướng dẫn cụ thể trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; cập nhật thường xuyên và báo cáo định kỳ trước ngày 20 hàng tháng về tình hình thực hiện, đề xuất giải pháp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Khuyến nghị các ngành chủ động làm việc với từng nhóm doanh nghiệp, hợp tác xã để nắm bắt vướng mắc, khó khăn và kịp thời có giải pháp tháo gỡ.

2. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lai Châu, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Lai Châu, các tổ chức xã hội, đoàn thể có biện pháp động viên, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, thi đua lao động nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Động viên, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Hội, Hiệp hội, kết nạp thêm thành viên; xây dựng Trang thông tin điện tử để kết nối thành viên; tổ chức khảo sát, làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh có liên quan để kết nối, liên kết, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư; phản ánh kịp thời các đề xuất, kiến nghị của thành viên đến cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương.

3. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố định kỳ báo cáo kết quả thực hiện trong báo cáo tình hình thực hiện phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh hàng tháng, quý. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, giám sát tình hình thực hiện và báo cáo UBND tỉnh định kỳ hàng tháng, quý tại phiên họp UBND tỉnh.

4. Giao Sở Nội vụ bổ sung việc thực hiện Kế hoạch này vào nội dung tính chỉ số Cải cách hành chính các sở, ngành, địa phương 2020.

Trên đây là Kế hoạch tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ứng phó với dịch Covid-19 cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân các huyện, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư ; (B/c)
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- Hội doanh nhân trẻ tỉnh;
- Báo Lai Châu, Đài Phát thanh TH tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Văn phòng UBND: V, TH, KT, VX;
- Lưu: VT, Kt3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Trần Tiến Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1027/KH-UBND năm 2020 về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ứng phó với dịch Covid-19 cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu

  • Số hiệu: 1027/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 25/05/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Người ký: Trần Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản