Hệ thống pháp luật

ỦY BAN BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG KHÓA IX NHIỆM KỲ 2016 - 2021
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/KH-UBBC

Đà Nẵng, ngày 03 tháng 02 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016 - 2021

Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 105/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia;

Căn cứ Kế hoạch số 40/KH-HĐBCQG ngày 29 tháng 01 năm 2016 của Hội đồng bầu cử quốc gia triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021;

Căn cứ Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 04 tháng 01 năm 2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021;

Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính nhủ về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021;

Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016 - 2021 (sau đây viết tắt là Ủy ban bầu cử thành phố) xây dựng Kế hoạch triển khai công tác bầu cử như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là sự kiện chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng; là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân. Cuộc bầu cử phải đảm bảo các nội dung sau:

- Bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất để lựa chọn, bầu được những đại biểu ưu tú, đại diện cho Nhân dân cả nước tại Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và các đại biểu đại diện cho Nhân dân địa phương tại Hội đồng nhân dân các cấp, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trong nhiệm kỳ 2016 - 2021.

- Bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu. Đồng thời, bảo đảm cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm theo đúng quy trình pháp luật quy định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Tổ chức tốt việc hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong công tác bầu cử; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.

II. NHỮNG CÔNG VIỆC THUỘC THẨM QUYỀN CỦA ỦY BAN BẦU CỬ THÀNH PHỐ

Theo quy định tại Điều 23 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử thành phố có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Về bầu cử đại biểu Quốc hội

a) Chỉ đạo việc chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội ở các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn thành phố; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội của Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử;

b) Chỉ đạo thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử đại biểu Quốc hội ở thành phố;

c) Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ở thành phố;

d) Nhận và xem xét hồ sơ của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở thành phố giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và hồ sơ của người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương; gửi danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của những người được giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố để tiến hành hiệp thương; gửi hồ sơ và danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội tại thành phố đến Hội đồng bầu cử quốc gia;

đ) Lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo đơn vị bầu cử và báo cáo để Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định;

e) Chỉ đạo, kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri;

g) Nhận tài liệu, phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội từ Ủy ban nhân dân thành phố và phân phối cho các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử;

h) Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội của Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử; khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Quốc hội do Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử chuyển đến; khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội;

i) Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội của các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội; lập biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội ở thành phố;

k) Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội theo yêu cầu của Hội đồng bầu cử quốc gia;

l) Chuyển hồ sơ, biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội đến Hội đồng bầu cử quốc gia;

m) Tổ chức việc bầu cử thêm, bầu cử lại đại biểu Quốc hội theo quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia.

2. Về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố

a) Chỉ đạo việc tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

b) Quản lý và phân bổ kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố;

c) Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở thành phố;

d) Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở thành phố;

đ) Ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu của mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố;

e) Nhận và xem xét hồ sơ của những người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội; đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế, thôn, tổ dân phố ở địa phương giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố; gửi danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố để tiến hành hiệp thương;

g) Lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố theo từng đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố; xóa tên người ứng cử trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố;

h) Nhận tài liệu, phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân từ Ủy ban nhân dân thành phố và phân phối cho các Ban bầu cử chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử;

i) Nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố ở từng đơn vị bầu cử do các Ban bầu cử gửi đến; lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố;

k) Chỉ đạo việc bầu cử thêm, bầu cử lại đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định tại các Điều 79, 80, 81 và 82 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân;

l) Xác nhận và công bố kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố; xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố;

m) Trình Hội đồng nhân dân thành phố khóa mới báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố được bầu;

n) Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố của Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, Tổ bầu cử; khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố do Ban bầu cử, Tổ bầu cử chuyển đến; khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, việc lập danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố;

o) Bàn giao các biên bản tổng kết và hồ sơ, tài liệu về cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố cho Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố khóa mới.

III. NỘI DUNG NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016 - 2021

1. Hội nghị triển khai công tác bầu cử

Hội nghị triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tổ chức vào thứ Sáu, ngày 05 tháng 02 năm 2016.

2. Lịch trình thời gian và các công việc cần thực hiện trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021: kèm theo Kế hoạch này.

3. Phân công trách nhiệm triển khai công tác bầu cử

a) Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố:

- Căn cứ Điều 9 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 1132/NQ-UBTVQH13 ngày 16 tháng 01 năm 2016, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố (sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố) và Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường (trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố, có tham khảo ý kiến của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường có liên quan) (chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, tức ngày 07 tháng 02 năm 2016);

- Căn cứ Điều 51 Luật Bầu, cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường (chậm nhất là 90 ngày trước ngày bầu cử, tức ngày 22 tháng 02 năm 2016).

b) Ủy ban nhân dân thành phố:

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đảm bảo phục vụ tốt cuộc bầu cử;

- Sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập Ủy ban bầu cử thành phố (chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, tức ngày 07 tháng 02 năm 2016); báo cáo danh sách Ủy ban bầu cử thành phố với Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Chuẩn bị phương án để đề nghị Ủy ban bầu cử thành phố báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của mỗi đơn vị bầu cử (chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử, tức ngày 03 tháng 3 năm 2016);

- Chuẩn bị phương án để đề nghị Ủy ban bầu cử thành phố ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu của mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố (chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử, tức ngày 03 tháng 3 năm 2016);

- Sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội một Ban bầu cử đại biểu Quốc hội; thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố một Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố (chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử, tức ngày 13 tháng 3 năm 2016);

- Chuẩn bị tài liệu, phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố chuyển cho Ủy ban bầu cử thành phố.

c) Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các nội dung:

- Tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử theo Điều 22, 24 và 25 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân;

- Tổ chức hội nghị hiệp thương, hội nghị cử tri và hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử theo quy định của Nghị quyết số 1134/2016/UBTVQH13 ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định chi tiết, hướng dẫn về việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung; Nghị quyết liên tịch số 11/2016/NQLT/UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ chức Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021;

- Hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cùng cấp thực hiện công tác tuyên truyền và giám sát quá trình tổ chức bầu cử theo Thông tri số 07/TTr-MTTW-BTT ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

d) Ban Tổ chức Thành ủy:

Hướng dẫn triển khai công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, quận, huyện, phường, xã thuộc thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương tại Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW ngày 31 tháng 01 năm 2016.

đ) Sở Nội vụ:

- Cơ quan Thường trực Ủy ban bầu cử thành phố;

- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai Nghị quyết số 41/NQ-HĐBCQG ngày 29 tháng 01 năm 2016 của Hội đồng bầu cử quốc gia quy định các mẫu văn bản trong công tác bầu cử; hướng dẫn về hồ sơ ứng cử và thời hạn nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, các trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân; hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử;

- Hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo quy định của Bộ Nội vụ tại Thông tư số 02/2016/TT-BNV ngày 01 tháng 02 năm 2016;

- Tham mưu UBND thành phố và Ủy ban bầu cử thành phố triển khai công tác thi đua, khen thưởng trong tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo Hướng dẫn số 82/HD-BTĐKT ngày 20 tháng 01 năm 2016 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương;

- Tham mưu UBND thành phố và Ủy ban bầu cử thành phố chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu, phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;

- Phối hợp với Sở Tài chính trong việc xây dựng định mức và phương án phân bổ kinh phí bầu cử tại các cơ quan, đơn vị và địa phương.

e) Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban bầu cử thành phố, Ủy ban nhân dân và Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố triển khai Thông tư số 06/2016/TT-BTC ngày 14 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021:

- Căn cứ mức kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử do ngân sách Trung ương đảm bảo, căn cứ tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách thành phố, tham mưu để Chủ tịch Ủy ban bầu cử thành phố thống nhất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố về mức chi cụ thể tại địa phương; trên cơ sở đó, tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định ban hành các mức chi cụ thể bằng văn bản và báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp gần nhất;

- Hướng dẫn xây dựng dự toán kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; giúp Ủy ban bầu cử thành phố tổng hợp, thẩm định kinh phí tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của thành phố Đà Nẵng, gửi Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, đồng gửi Bộ Tài chính;

- Căn cứ mức kinh phí bầu cử được Bộ Tài chính thông báo, Ủy ban bầu cử thành phố phê duyệt phương án phân bổ kinh phí bầu cử và giao cho Sở Tài chính thông báo kinh phí bầu cử cho các cơ quan, tổ chức liên quan ở cấp thành phố và Ủy ban bầu cử quận, huyện. Ủy ban bầu cử quận, huyện quyết định phân bổ kinh phí và giao cho Phòng Tài chính - Kế hoạch thông báo kinh phí bầu cử cho các Ủy ban bầu cử phường, xã, Tổ bầu cử, Ban bầu cử và các cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa bàn;

- Hướng dẫn hạch toán, quyết toán kinh phí; kiểm tra xét duyệt quyết toán kinh phí của các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí phục vụ bầu cử; tổng hợp kinh phí bầu cử đã sử dụng vào báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và quyết toán với Bộ Tài chính theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và văn bản hướng dẫn Luật; báo cáo tình hình phân bổ và sử dụng kinh phí bầu cử về Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền.

g) Sở Thông tin và Truyền thông:

- Căn cứ Hướng dẫn số 169-HD/BTGTW ngày 15 tháng 01 năm 2016 của Ban Tuyên giáo Trung ương và Kế hoạch số 151/KH-BTTTT ngày 15 tháng 01 năm 2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông về thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn thành phố tổ chức tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; quyền ứng cử, quyền bầu cử của công dân theo quy định của Hiến pháp, các nội dung cơ bản của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; góp phần nâng cao ý thức làm chủ, tinh thần tự giác của mọi công dân, cơ quan, tổ chức trong thực hiện công tác bầu cử;

- Hình thức tuyên truyền và tiến độ triển khai công tác tuyên truyền cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các cơ quan tuyên truyền từ thành phố đến cơ sở, bắt đầu từ sau Hội nghị toàn thành phố triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, được chia thành 03 đợt theo Kế hoạch số 40/KH-HĐBCQG của Hội đồng bầu cử quốc gia và Kế hoạch số 151/KH-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.

h) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền, cổ động trực quan về công tác bầu cử theo đúng mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức, tiến độ thời gian đã nêu trong Kế hoạch số 40/KH-HĐBCQG của Hội đồng bầu cử quốc gia và Kế hoạch của Ủy ban bầu cử thành phố.

i) Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố:

Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố cùng với Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã và các ngành chức năng liên quan có kế hoạch, phương án bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau ngày bầu cử.

k) Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân phường, xã trực thuộc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đảm bảo phục vụ tốt cuộc bầu cử;

- Chuẩn bị phương án để đề nghị Ủy ban bầu cử quận, huyện ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu của mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quận, huyện (chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử, tức ngày 03 tháng 3 năm 2016);

- Sau khi thống nhất với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, huyện, các quận, huyện quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quận, huyện một Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quận, huyện (chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử, tức ngày 13 tháng 3 năm 2016);

- Chuẩn bị tài liệu, phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quận, huyện chuyển cho Ủy ban bầu cử quận, huyện.

- Chỉ đạo việc lập danh sách cử tri;

- Phê chuẩn các khu vực bỏ phiếu theo đề nghị của Ủy ban nhân dân các phường, xã (chậm nhất là 50 ngày trước ngày bầu cử, tức ngày 02 tháng 4 năm 2016);

- Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch thông báo kinh phí bầu cử cho các Ủy ban bầu cử phường, xã, Tổ bầu cử, Ban bầu cử và các cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa bàn; quản lý và sử dụng kinh phí bầu cử theo quy định của Bộ Tài chính, Ủy ban bầu cử thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố và hướng dẫn của Sở Tài chính.

l) Ủy ban nhân dân các phường, xã:

- Tổ chức tốt cuộc bầu cử trên địa bàn;

- Chuẩn bị phương án để đề nghị Ủy ban bầu cử phường, xã ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu của mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phường, xã (chậm nhất là 80 ngày trước ngày bầu cử, tức ngày 03 tháng 3 năm 2016);

- Sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân xã (đối với xã) và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường, xã, Ủy ban nhân dân các phường, xã quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phường, xã một Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phường, xã (chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử, tức ngày 13 tháng 3 năm 2016);

- Quyết định phương án phân chia các khu vực bỏ phiếu (chậm nhất là 50 ngày trước ngày bầu cử, tức ngày 02 tháng 4 năm 2016);

- Thành lập Tổ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân: Ủy ban nhân dân phường, xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân (đối với xã) và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường, xã, Ủy ban nhân dân các phường, xã quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (chậm nhất là 50 ngày trước ngày bầu cử, tức ngày 02 tháng 4 năm 2016);

- Lập và niêm yết danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu (chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, tức ngày 12 tháng 4 năm 2016);

- Chuẩn bị tài liệu, phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân phường, xã chuyển cho Ủy ban bầu cử phường, xã;

- Sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử theo hướng dẫn của cấp trên.

4. Công bố kết quả bầu cử

- Hội đồng bầu cử quốc gia công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất 20 ngày sau ngày bầu cử, tức ngày 11 tháng 6 năm 2016.

- Ủy ban bầu cử thành phố công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố; Ủy ban bầu cử quận, huyện công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân quận, huyện; Ủy ban bầu cử phường, xã công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phường, xã chậm nhất 10 ngày sau ngày bầu cử, tức ngày 01 tháng 6 năm 2016.

5. Xác nhận tư cách người trúng cử

- Hội đồng bầu cử quốc gia xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên;

- Ủy ban bầu cử xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mà mình chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử, cấp giấy chứng nhận đại biểu Hội đồng nhân dân khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Hội đồng nhân dân khóa mới về kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đầu tiên.

6. Tổng kết cuộc bầu cử

- Sau khi kết thúc cuộc bầu cử, Ủy ban bầu cử thành phố tổng kết và gửi báo cáo tổng kết bầu cử tại thành phố đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ủy ban bầu cử quận, huyện, phường, xã gửi báo cáo tổng kết cuộc bầu cử tại địa phương đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cấp trên trực tiếp.

Thời gian tiến hành tổng kết: từ sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia công bố kết quả bầu cử cho đến trước ngày 22 tháng 6 năm 2016.

- Tại kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân khóa mới, Ủy ban bầu cử các cấp trình Hội đồng nhân dân khóa mới báo cáo kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân.

Trên đây là Kế hoạch triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, đề nghị các tổ chức và cá nhân triển khai thực hiện bám sát quy định của pháp luật về bầu cử; trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc, đề nghị kịp thời phản ánh về Ủy ban bầu cử thành phố để xem xét giải quyết và kiến nghị Hội đồng bầu cử quốc gia./.

 

 

Nơi nhận:
- Hội đồng bầu cử quốc gia;
- Bộ Nội vụ;
- Ban Thường vụ Thành ủy;
- Các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP; các Ban HĐNDTP;
- Ủy ban MTTQVN TP; đoàn thể chính trị - xã hội TP;
- BCĐ công tác bầu cử thành phố;
- Các thành viên Ủy ban bầu cử TP;
- Các sở, ban, ngành;
- Quận, Huyện ủy, UBND các quận, huyện;
- Đảng ủy, UBND các phường, xã;
- Công an thành phố;
- Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố;
- Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố;
- Bưu điện, Viễn thông Đà Nẵng;
- Cty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng;
- Cổng TTĐTTP; Trung tâm Thông tin DVC;
- Báo Đà Nẵng, Báo CATP ĐN, Đài PTTH ĐN;
- Lưu: VT, SNV.

TM. ỦY BAN BẦU CỬ
CHỦ TỊCH




Trần Thọ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 01/KH-UBBC năm 2016 triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 do thành phố Đà Nẵng ban hành

  • Số hiệu: 01/KH-UBBC
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 03/02/2016
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Trần Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/02/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản