Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07 /TTr-MTTW-BTT | Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2016 |
THÔNG TRI
VỀ VIỆC MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THAM GIA CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016 - 2021
Ngày 15/01/2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ được tiến hành vào Chủ nhật, ngày 22 tháng 5 năm 2016.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tiến hành ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; cả nước đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Theo quy định của pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền và trách nhiệm tham gia cuộc bầu cử, góp phần bảo đảm để cuộc bầu cử tiến hành được dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
I. YÊU CẦU
1. Nắm vững Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 04/01/2016 của Bộ Chính trị, các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; các nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định chi tiết, hướng dẫn Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các văn bản hướng dẫn về quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan đến công tác bầu cử.
Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung công tác Mặt trận tham gia bầu cử đã được quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
2. Công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử phải bảo đảm thực sự dân chủ, đúng luật, đúng tiến độ về thời gian quy định cho từng công việc và chất lượng, tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu.
3. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng bộ về tiến độ thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức thành viên để hoàn thành tốt công tác Mặt trận tham gia bầu cử.
II. NỘI DUNG CÔNG TÁC MẶT TRẬN TRONG BẦU CỬ
1. Tham gia thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp để thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và Tổ bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đối với những nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, thì Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp để thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương. Căn cứ vào cơ cấu, thành phần, số lượng của các tổ chức phụ trách bầu cử tại Điều 21 và Điều 22 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cử đại diện lãnh đạo tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử.
2. Tổ chức các hội nghị hiệp thương
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ động thực hiện các bước hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn về bầu cử có liên quan; chú trọng công tác chỉ đạo, hướng dẫn Ban công tác Mặt trận thực hiện đúng quy trình giới thiệu người ở thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã theo quy định tại Nghị quyết số 1134/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 18/01/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử cần chú trọng bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ và người dân tộc thiểu số theo đúng dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội), theo đúng dự kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân (đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân).
3. Tổ chức hội nghị cử tri
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức hội nghị cử tri ở thôn, tổ dân phố để lấy ý kiến nhận xét đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cư trú thường xuyên tại địa phương; phối hợp với các đoàn thể nhân dân vận động cử tri đến dự họp, bảo đảm có đủ số lượng, tỷ lệ cử tri đến dự họp theo quy định tại Nghị quyết số 1134/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 18/01/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong các hội nghị này.
4. Tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh gặp gỡ tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử; hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử.
5. Công tác tuyên truyền
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cùng cấp trong công tác tuyên truyền để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân; làm cho mọi cử tri hiểu rõ vai trò, vị trí của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân; tự mình đi bỏ phiếu để lựa chọn người xứng đáng bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân; nắm chắc tình hình đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân để kịp thời thực hiện công tác tuyên truyền, không để xảy ra các tình huống bất lợi cho cuộc bầu cử.
6. Tổ chức hoạt động giám sát
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát; phối hợp với các tổ chức thành viên và Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp giám sát và vận động nhân dân giám sát quá trình tổ chức cuộc bầu cử, góp phần bảo đảm để cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ và đúng pháp luật.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ các nội dung công tác Mặt trận trong bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể ở cấp mình, đồng thời phối hợp với các tổ chức thành viên để thực hiện. Khi thấy cần thiết, mời một số thành viên Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội cử một số cán bộ chuyên trách tham gia thực hiện những công việc cụ thể.
2. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh thực hiện chế độ báo cáo với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bằng văn bản và thư điện tử (qua địa chỉ hòm thư: banchidaobaucumttq@gmail.com) như sau:
a. Các biên bản Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba, trong đó chú ý nêu tình hình người tự ứng cử.
Thời gian gửi sau từng Hội nghị hiệp thương 01 (một) ngày.
b. Báo cáo tình hình thực hiện bước hai (việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân), bước bốn (tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác hoặc nơi làm việc (nếu có) về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân) của quy trình hiệp thương.
Thời gian chậm nhất phải gửi báo cáo thực hiện bước hai là ngày 11/3/2016.
Thời gian chậm nhất phải gửi báo cáo thực hiện bước bốn đối với bầu cử đại biểu Quốc hội là ngày 13/4/2016, đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là ngày 15/4/2016.
c. Báo cáo tình hình và kết quả tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa người ứng cử với cử tri để thực hiện vận động bầu cử kèm theo bản tổng hợp kiến nghị của cử tri với Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thời gian chậm nhất gửi báo cáo là ngày 20/5/2016.
d. Báo cáo nhanh tình hình và kết quả ngày bầu cử tại địa phương: Có thể báo cáo bằng điện thoại, Fax, qua thư hộp điện tử: banchidaobaucumttq@gmail.com vào ngày 22/5/2016
đ. Báo cáo hoạt động giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thời gian chậm nhất phải gửi báo cáo là ngày 25/5/2016.
e. Báo cáo tổng kết công tác Mặt trận tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân với các nội dung nêu trên kèm theo danh sách trích ngang những người trúng cử đại biểu Quốc hội là cán bộ Mặt trận, đoàn thể, dân tộc thiểu số, tôn giáo của địa phương mình. Thời gian chậm nhất phải gửi báo cáo là ngày 10/6/2016.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh căn cứ vào Mục 2 này để hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã thực hiện chế độ báo cáo.
3. Đề nghị các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia công tác bầu cử, đồng thời giám sát việc bầu cử bảo đảm dân chủ, đúng luật; phản ánh ý kiến, kiến nghị của các đoàn viên, hội viên, dư luận xã hội về bầu cử với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiến hành chung một thời Điểm, nhiều việc phải tiến hành đồng thời, việc triển khai rất khẩn trương, do đó Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban bầu cử địa phương để thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia cuộc bầu cử./.
Nơi nhận: | TM. BAN THƯỜNG TRỰC |
- 1Kế hoạch 151/KH-BTTTT năm 2016 thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 2Thông tư 02/2016/TT-BNV hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 3Kế hoạch 40/KH-HĐBCQG năm 2016 triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành
- 1Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015
- 2Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam 2015
- 3Nghị quyết 1134/2016/UBTVQH13 quy định chi tiết, hướng dẫn về tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 4Kế hoạch 151/KH-BTTTT năm 2016 thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 5Chỉ thị 51-CT/TW năm 2016 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 6Thông tư 02/2016/TT-BNV hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 7Kế hoạch 40/KH-HĐBCQG năm 2016 triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành
Thông tri 07/TTr-MTTW-BTT năm 2016 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 07/TTr-MTTW-BTT
- Loại văn bản: Thông tri
- Ngày ban hành: 28/01/2016
- Nơi ban hành: Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/01/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra