Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
 THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 6266/LS-LĐTBXH-TC

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 10 năm 2006

 

HƯỚNG DẪN

VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA HỖ TRỢ DẠY NGHỀ NGẮN HẠN CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
(Theo Thông tư liên tịch số 06/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH)

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân quận 9, quận 12, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi
- Huyện hóc môn, huyện cần giờ, huyện bình chánh

Căn cứ chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Văn bản số 7051/UBND-VX ngày 26 tháng 9 năm 2006 về tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn, Liên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Tài chính hướng dẫn thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn như sau:

1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

Là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo nghề, có nhu cầu học nghề, đủ điều kiện xét tuyển vào các khóa học nghề ngắn hạn và được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên quy định tại Phần I Thông tư liên tịch số 06/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 19 tháng 01 năm 2006 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (gọi tắt là Thông tư 06).

2. Phương thức tổ chức lớp học:

Tổ chức lớp học riêng cho lao động nông thôn theo từng ngành nghề, từng khóa học với quy mô từ 25 - 30 học viên theo quy định tại điểm b mục 1 Phần II Thông tư 06.

Trường hợp lớp học không đủ sĩ số theo quy định, các cơ sở dạy nghề có thể tổ chức lớp học chung với các đối tượng khác.

3. Mức kinh phí hỗ trợ:

Ngân sách hỗ trợ kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn theo mức thu học phí từng khóa tại các cơ sở dạy nghề đã đăng ký với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhưng không vượt mức tối đa quy định tại mục 2 Phần III Thông tư 06.

Đối với trường hợp học viên bỏ học giữa chừng nhưng có thời gian học thực tế hơn 1/2 thời gian đào tạo của mỗi khóa học, ngân sách sẽ hỗ trợ 50% mức hỗ trợ của toàn khóa học/học viên.

4. Kế hoạch - Chương trình đào tạo:

Các cơ sở dạy nghề xây dựng kế hoạch - chương trình đào tạo của từng ngành nghề, từng khóa học phù hợp nhu cầu của người lao động và theo đúng quy định tại Quyết định số 212/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 27 tháng 02 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, được đăng ký tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Hồ sơ thủ tục học nghề:

a) Quy trình xét duyệt hồ sơ học nghề: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận - huyện chịu trách nhiệm xét duyệt danh sách đối tượng tham gia học nghề, trên cơ sở tổng hợp danh sách của Ban Xóa đói giảm nghèo và Việc làm quận - huyện.

b) Ban Xóa đói giảm nghèo và Việc làm quận - huyện tổng hợp danh sách đối tượng có đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ học nghề trên cơ sở xác định của Ban Xóa đói giảm nghèo và Việc làm phường - xã kèm theo đơn xin học nghề của người lao động có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (theo mẫu số 2 kèm theo Thông tư 06).

c) Nếu cơ sở đào tạo là Trung tâm Dạy nghề quận - huyện: không cần ký hợp đồng giữa Trung tâm Dạy nghề và cơ quan Nhà nước, mà thực hiện theo cơ chế Ủy ban nhân dân quận - huyện giao chỉ tiêu và kinh phí đào tạo.

d) Nếu cơ sở đào tạo là cơ sở dạy nghề ngoài công lập: Ủy ban nhân dân quận - huyện có thể ủy nhiệm cho Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội ký hợp đồng đào tạo.

6. Phân bổ, cấp phát, quyết toán kinh phí:

a) Phân bổ kinh phí:

Hàng năm, trên cơ sở dự toán của các quận - huyện và mức hỗ trợ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề của Trung ương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối mức phân bổ trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

b) Cấp phát kinh phí, quyết toán:

- Căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố về phân bổ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia, Sở Tài chính cấp phát kinh phí về ngân sách quận - huyện (kinh phí sự nghiệp chương trình mục tiêu).

- Căn cứ định mức chi (nêu tại Thông tư 06), nhiệm vụ, chỉ tiêu đào tạo do Ủy ban nhân dân quận - huyện giao cho Trung tâm Dạy nghề quận - huyện, hợp đồng giữa quận - huyện (Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) và cơ sở dạy nghề ngoài công lập; Ủy ban nhân dân quận - huyện phê duyệt dự toán chi cho chương trình mục tiêu.

- Phòng Tài chính quận - huyện chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, quyết toán đối với các cơ sở dạy nghề theo đúng quy định.

7. Kiểm tra - Báo cáo:

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận - huyện có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ sở dạy nghề thực hiện; tổng hợp báo cáo kết quả định kỳ 6 tháng với Ủy ban nhân dân quận - huyện và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

8. Thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn phân cấp về quận - huyện quản lý, thanh quyết toán từ ngày 01 tháng 01 năm 2007.

Riêng năm 2006, nguồn kinh phí này vẫn tập trung về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và thanh quyết toán theo Quyết định giao chỉ tiêu số 101/2006/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố./.

KT. GIÁM ĐỐC SỞ TÀI CHÍNH
PHÓ GIÁM ĐỐC




Ngô Kim Liên

KT. GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG-TB&XH
PHÓ GIÁM ĐỐC THƯỜNG TRỰC




Trần Trung Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn số 6266/LS-LĐTBXH-TC về việc quản lý, sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn do Liên sở Lao Động - Thương binh Xã hôi và Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 6266/LS-LĐTBXH-TC
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 30/10/2006
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trần Trung Dũng, Ngô Kim Liên
  • Ngày công báo: 15/11/2006
  • Số công báo: Số 41
  • Ngày hiệu lực: 09/11/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản