Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----- o0o -----

Số: 212/2003/QĐ-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 27 Tháng 02 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VẾ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH DẠY NGHỀ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 96/CP ngày 07/12/1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 02/2001/NĐ-CP ngày 09/01/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Bộ luật lao động và Luật Giáo dục về dạy nghề;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định nguyên tắc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình dạy nghề.

Điều 2. Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Quy định nguyên tắc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình dạy nghề ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây về việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình dạy nghề trái với quy định được ban hành kèm theo Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Thủ trưởng các cơ quan quản lý các cơ sở dạy nghề, Hiệu trưởng, Giám đốc các cơ sở dạy nghề và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG  




Nguyễn Thị Hằng

 

QUY ĐỊNH

NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH DẠY NGHỀ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 212/2003/QĐ-BLĐTBXH, ngày 27/02/2003 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Văn bản này quy định những nguyên tắc, nội dung và việc tổ chức xây dựng, thực hiện chương trình dạy nghề áp dụng cho các cơ sở dạy nghề (công lập và ngoài công lập) trong cả nước.

Điều 2. Chương trình dạy nghề quy định mục tiêu, kế hoạch và nội dung các hoạt động dạy nghề nhằm trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp; rèn luyện phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp và có sức khoẻ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng.

Điều 3. Thời gian dạy nghề của một khoá học dài hạn (bao hàm cả cấp trình độ cao) được xác định ứng với từng nghề, từng trình độ đào tạo, trình độ đầu vào của người học, được thực hiện từ 1 đến 3 năm. Thời gian dạy nghề của một khoá học ngắn hạn (đối với trình độ bán lành nghề) được xác định trên cơ sở phần kiến thức và kỹ năng đủ để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của nghề với thời gian thực hiện dưới 1 năm.

Điều 4. Nguyên tắc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình dạy nghề là cơ sở để các Bộ, ngành, Địa phương tổ chức xây dựng chương trình khung cho nhóm nghề, chương trình dạy nghề cho từng nghề của ngành, địa phương; là căn cứ để quản lý các hoạt động đào tạo, tiến hành kiểm tra, thanh tra và đánh giá kết quả của các cơ sở dạy nghề.

Chương 2:

NGUYÊN TẮC, NỘI DUNG XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH DẠY NGHỀ

MỤC 1. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH DẠY NGHỀ

Điều 5. Chương trình dạy nghề dài hạn (trình độ lành nghề và trình độ cao) được xây dựng theo các nguyên tắc sau:

1. Tuân thủ theo Danh mục nghề đào tạo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;

2. Trên cơ sở phân tích nghề;

3. Đảm bảo giáo dục toàn diện, khoa học, hệ thống, phù hợp và ổn định;

4. Đảm bảo liên thông trong đào tạo;

5. Đảm bảo cơ bản, thực tiễn và từng bước hiện đại phù hợp với phát triển thị trường lao động;

6. Đảm bảo thống nhất của các nghề trong nhóm nghề và tính đặc thù của từng nghề;

7. Hướng tới các chuẩn đào tạo nghề của khu vực và thế giới.

Điều 6. Chương trình dạy nghề ngắn hạn (trình độ bán lành nghề) được xây dựng theo các nguyên tắc sau:

1. Trên cơ sở phân tích nghề;

2. Đảm bảo tính khoa học, tính hệ thống, tính linh hoạt;

3. Đảm bảo liên thông trong đào tạo;

4. Đảm bảo yêu cầu thực tế của thị trường lao động.

MỤC 2. CHƯƠNG TRÌNH KHUNG CHO NHÓM NGHỀ

Điều 7. Chương trình khung cho nhóm nghề là những quy định về mục tiêu đào tạo, khối lượng kiến thức chung (bao gồm kiến thức các môn học chung, kiến thức văn hoá bổ trợ hoặc kiến thức khoa học cơ bản, kiến thức kỹ thuật cơ sở và chuyên môn) và kỹ năng chung của tất cả các nghề trong cùng nhóm nghề, là cơ sở để xây dựng chương trình đào tạo cho từng nghề trong nhóm nghề.

Điều 8. Chương trình khung cho nhóm nghề bao gồm:

1. Mục tiêu đào tạo chung của nhóm nghề theo từng trình độ đào tạo;

2. Khung thời gian đào tạo của các nghề trong nhóm nghề theo từng trình độ đào tạo;

3. Chương trình các môn học hoặc các mô đun đào tạo chung cho nhóm nghề;

4. Tỷ lệ thời gian học cho các khối kiến thức, kỹ năng chung của nhóm nghề;

5. Các hoạt động giáo dục ngoại khoá.

MỤC 3. CHƯƠNG TRÌNH DẠY NGHỀ CHO TỪNG NGHỀ

Điều 9. Chương trình dạy nghề cho từng nghề phải tuân thủ các quy định trong chương trình khung của nhóm nghề và thể hiện được đặc thù của từng nghề.

Điều 10. Chương trình dạy nghề cho từng nghề được xây dựng theo một trong các loại chương trình sau:

1. Chương trình dạy nghề theo môn học;

2. Chương trình dạy nghề theo mô đun;

3. Chương trình dạy nghề kết hợp môn học và mô đun.

Điều 11. Chương trình dạy nghề cho từng nghề bao gồm:

1. Mục tiêu đào tạo theo từng trình độ đào tạo;

2. Kế hoạch đào tạo;

3. Chương trình môn học hoặc mô đun đào tạo;

4. Kế hoạch hoạt động giáo dục ngoại khoá.

Điều 12. Xây dựng mục tiêu đào tạo cho từng nghề

1. Mục tiêu đào tạo là hệ thống những kiến thức, kỹ năng, thái độ và các yêu cầu giáo dục toàn diện mà học sinh phải đạt được sau khi tốt nghiệp.

2. Xây đựng mục tiêu đào tạo của nghề phải căn cứ vào tiêu chuẩn nghề tương tự với trình độ đào tạo.

3. Mục tiêu đào tạo cho từng nghề phải rõ ràng theo một trình tự hợp lý.

Điều 13. Xây dựng kế hoạch đào tạo

1. Kế hoạch đào tạo bao gồm:

a) Phân phối thời gian đào tạo toàn khoá học (được xác định theo quy định tại phụ lục I);

b) Danh mục và phân phối thời gian cho các môn học hoặc các mô đun đào tạo bắt buộc và tự chọn. Các môn học hoặc mô đun đào tạo phải được bố trí theo trình tự hợp lý, khoa học;

c) Quy định các môn (hoặc các mô đun đào tạo) kiểm tra, thi học kỳ, thi hết môn, thi tốt nghiệp.

2. Quy định thời gian cho các hoạt động trong kế hoạch đào tạo

a) Thời gian học tập được tính bằng tuần và giờ học, gồm: thời gian thực học (lý thuyết, thực hành hoặc tích hợp lý thuyết và thực hành, thí nghiệm, thực nghiệm, thực tập, kiến tập, kiểm tra), thời gian ôn và thi (học kỳ, hết môn, tốt nghiệp).

b) Thời gian dành cho các hoạt động chung được tính bằng tuần, gồm: thời gian khai giảng, bế giảng; thời gian sơ kết học kỳ, tổng kết năm học; thời gian nghỉ hè, lễ tết, lao động.

Điều 14. Phân bổ thời gian cho các khối kiến thức, kỹ năng trong kế hoạch đào tạo.

1. Thời gian cho khối kiến thức, kỹ năng trong kế hoạch đào tạo.

a) Những môn học bắt buộc: Chính trị, Pháp luật, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng.

b) Môn học Ngoại ngữ, Tin học và các môn học khác (nếu có) có thể là môn học bắt buộc hay tự chọn tuỳ theo nghề đào tạo.

2. Thời gian cho khối kiến thức văn hoá bổ trợ hoặc khoa học cơ bản.

a) Khối kiến thức văn hoá bổ trợ hoặc khoa học cơ bản được lựa chọn hợp lý, đủ để tiếp thu các kiến thức kỹ thuật cơ sở và chuyên môn của nghề theo các trình độ đào tạo khác nhau.

b) Thời gian học văn hoá bổ trợ hoặc khoa học cơ bản được quy định như sau:

- Không quá 5% so với thời gian thực học của khoá học từ 18 đến 30 tháng đối với đối tượng tuyển sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở;

- Không quá 8% so với thời gian thực học của khoá học từ 30 đến 36 tháng đối với đối tượng tuyển sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông.

3. Thời gian cho khối kiến thức kỹ thuật cơ sở, chuyên môn và kỹ năng nghề.

a) Khối kiến thức kỹ thuật cơ sở cung cấp các kiến thức cần thiết để người học tiếp thu được kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề. Nội dung khối kiến thức kỹ thuật cơ sở được xây dựng cho nhóm nghề và cho từng nghề. Thời lượng dành cho khối kiến thức kỹ thuật cơ sở chiếm từ 10 - 20% thời gian thực học của toàn khoá học.

b) Khối kiến thức chuyên môn nghề cung cấp lý thuyết của nhóm nghề và của nghề. Thời gian dành cho khối kiến thức chuyên môn nghề chiếm từ 8 - 15% thời gian thực học của toàn khoá học.

c) Khối kỹ năng nghề cung cấp các kỹ năng cơ bản của nhóm nghề và kỹ năng của nghề. Thời gian dành cho khối kỹ năng nghề bao gồm thời gian học thực hành và thực tập, chiếm 55 - 75 % thời gian thực học của toàn khoá học đối với chương trình dạy nghề trình độ lành nghề và 50 - 65% thời gian thực học của toàn khoá học đối với chương trình dạy nghề trình độ cao.

Thời gian phân bổ cho các hoạt động trong khoá học đối với từng đối tượng tuyển sinh (tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông hoặc tương đương) được quy định tại phụ lục III.

Điều 15. Xây dựng chương trình môn học

1. Chương trình môn học quy định những kiến thức, kỹ năng học sinh phải đạt được sau khi học tập môn học, phù hợp với thời gian đã được xác định trong kế hoạch đào tạo của mỗi nghề. Môn học phải đảm bảo các yêu cầu về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và sư phạm. Chương trình môn học là căn cứ để triển khai việc giảng dạy, biên soạn giáo trình và tài liệu giảng dạy cho môn học và để kiểm tra công tác đào tạo của nhà trường.

2. Chương trình môn học phải bảo đảm tính cơ bản, tính hiện đại, liên thông và thực tiễn. Nội dung chương trình môn học gồm hai phần: phần cơ bản và phần đặc thù. Phần cơ bản quy định kiến thức, kỹ năng chung đối với nghề đào tạo. Phần đặc thù quy định những nội dung kiến thức, kỹ năng chuyên sâu hoặc mở rộng cần bổ sung cho phù hợp với đặc điểm và yêu cầu cụ thể của sản xuất - kinh doanh. Phần đặc thù không lớn hơn 30% lượng kiến thức của môn học.

3. Cấu trúc của chương trình môn học:

- Tên môn học, vị trí, tính chất, mục tiêu, yêu cầu của môn học;

- Nội dung tổng quát và phân phối thời gian cho các phần, chương, mục, bài;

- Nội dung chi tiết trong từng bài;

- Hướng dẫn thực hiện chương trình môn học.

Điều 16. Xây dựng chương trình dạy nghề theo mô đun

1. Nội dung của chương trình dạy nghề theo mô đun cho từng nghề bao gồm: số lượng mô đun, thời lượng, trình tự thực hiện các mô đun, mối liên hệ giữa các mô đun và tài liệu hướng dẫn sử dụng chương trình dạy nghề theo mô đun.

2. Chương trình dạy nghề theo mô đun được xây dựng theo phương pháp DACUM .

3. Chương trình dạy nghề theo mô đun phải đảm bảo được các đặc trưng: trọn vẹn, phù hợp với năng lục thực hiện trung bình của người học, đánh giá liên tục và lắp ghép phát triển.

Điều 17. Xây dựng mô đun đào tạo

1. Mô đun đào tạo được xây dựng theo một trong hai loại cấu trúc sau:

- Tích hợp giữa kiến thức cơ sở với 1ý thuyết chuyên môn và thực hành nghề;

- Tích hợp giữa lý thuyết chuyên môn và thực hành nghề.

2. Mô đun đào tạo được trình bày ngắn gọn, rõ ràng và súc tích, thể hiện rõ các hoạt động thực hành.

3. Cấu trúc mô đun đào tạo bao gồm:

- Mục tiêu cần đạt được sau khi học xong mô đun;

- Nội dung (kiến thức, kỹ năng, thái độ) của mô đun;

- Điều kiện thực hiện mô đun (thiết bị, phương tiện dạy học, giáo viên, thời gian, các loại học liệu v.v…)

- Kiểm tra hoặc thi dùng để đánh giá trước, trong và sau khi thực hiện mô đun.

Điều 18. Thời gian và nội dung cho các hoạt động giáo dục ngoại khoá

1. Hoạt động giáo dục ngoại khoá gồm: tham quan, báo cáo chuyên đề, hoạt động xã hội, tham gia thực nghiệm, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ và các hoạt động khác phục vụ cho mục tiêu giáo dục.

2. Nội dung và thời gian cụ thể của các hoạt động giáo dục ngoại khoá do Hiệu trưởng trường dạy nghề, Hiệu trưởng trường có dạy nghề dài hạn quyết định.

MỤC 4. XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH DẠY NGHỀ NGẮN HẠN

Điều 19. Chương trình dạy nghề ngắn hạn bao gồm:

1. Mục tiêu đào tạo;

2. Kế hoạch đào tạo;

3. Chương trình môn học hoặc mô đun đào tạo.

Điều 20. Xây dựng mục tiêu đào tạo nghề ngắn hạn

1. Mục tiêu đào tạo nghề ngắn hạn là hệ thống những kiến thức, kỹ năng và thái độ để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, công việc của trình độ lành nghề.

2. Mục tiêu đào tạo phải rõ ràng theo một trình tự hợp lý

Điều 21. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề ngắn hạn

1. Kế hoạch đào tạo nghề ngắn hạn bao gồm:

a) Phân phối thời gian đào tạo toàn khoá học;

b) Danh mục và phân phối thời gian cho các môn học hoặc các mô đun đào tạo Các môn học và mô đun đào tạo phải được bố trí theo trình tự hợp lý khoa học;

c) Kế hoạch kiểm tra các môn học và các mô đun đào tạo trong khoá học.

2. Quy định phân bổ thời gian trong kế hoạch đào tạo

- Thời gian học tập được tính bằng tuần và giờ học, gồm: thời gian thực học (lý thuyết, thực hành hoặc tích hợp lý thuyết và thực hành, thực tập, kiểm tra); thời gian ôn và kiểm tra kết thúc khoá học;

- Thời gian dành cho các hoạt động chung được tính bằng tuần.

3. Phân bổ thời gian học tập:

- Thời gian học lý thuyết chiếm từ 20 - 30% thời gian thực học của toàn khoá học;

- Thời gian học thực hành chiếm từ 70 - 80% thời gian thực học của toàn khoá học.

Điều 22. Xây dựng chương trình môn học và xây dựng mô đun đào tạo cho chương trình dạy nghề ngắn hạn được thực hiện theo quy định tại Điều 15 và Điều 17 của quy định này.

Chương 3:

TỔ CHỨC XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH DẠY NGHỀ

Điều 23. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

l. Chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình các môn học chung bắt buộc, chương trình khung cho một số nhóm nghề và chương trình dạy nghề cho một số nghề phổ biến để áp dụng thống nhất trong các cơ sở dạy nghề;

2. Quy định về tổ chức xây dựng, tổ chức thẩm định để ban hành chương trình khung cho nhóm nghề, chương trình dạy nghề cho từng nghề, chương trình môn học, mô đun đào tạo, giáo trình và các học liệu khác dùng trong các cơ sở dạy nghề.

Điều 24. Các Bộ, ngành thực hiện các công việc sau:

1. Chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức xây dựng, thẩm định các chương trình khung cho nhóm nghề, chương trình dạy nghề cho từng nghề theo sự phân công; Quyết định ban hành chương trình khung cho nhóm nghề, chương trình dạy nghề cho từng nghề sau khi thoả thuận bằng văn bản với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để áp dụng thống nhất trong các cơ sở dạy nghề; Chương trình khung cho nhóm nghề, chương trình dạy nghề cho từng nghề đã được ban hành gửi về Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

2. Tổ chức xây dựng, thẩm định và phê duyệt các chương trình dạy nghề ngắn hạn;

3. Chỉ đạo các cơ sở dạy nghề thuộc quyền quản lý thực hiện đúng nguyên tắc về xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình dạy nghề, chương trình khung cho nhóm nghề, chương trình dạy nghề cho từng nghề đã được ban hành;

4. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện.

Điều 25. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các công việc sau:

1. Tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình dạy nghề đặc thù sau khi có thoả thuận bằng văn bản với Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội; Chương trình dạy nghề cho từng nghề đã được ban hành gửi về Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

2. Tổ chức xây dựng, thẩm định và phê duyệt các chương trình dạy nghề ngắn hạn;

3. Chỉ đạo các cơ sở dạy nghề thuộc quyền quản lý thực hiện đúng quy định nguyên tắc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình dạy nghề, chương trình khung cho nhóm nghề, chương trình dạy nghề cho từng nghề đã được các Bộ, ngành và địa phương ban hành;

4. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện.

Điều 26. Hiệu trưởng các trường dạy nghề, Giám đốc các trung tâm dạy nghề và các cơ sở có đăng ký dạy nghề khác chịu trách nhiệm:

1. Thực hiện đúng các quy định về xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình dạy nghề và các quy định trong chương trình khung cho nhóm nghề, chương trình dạy nghề cho từng nghề do các Bộ, ngành, địa phương ban hành;

2. Tổ chức xây dựng, thực hiện kế hoạch đào tạo, tiến độ giảng dạy, kế hoạch giáo viên, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy và các học liệu khác.

Điều 27. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đểnghiên cứu, giải quyết./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 212/2003/QĐ-BLĐTBXH Quy định nguyên tắc xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình dạy nghề do Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành

  • Số hiệu: 212/2003/QĐ-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/02/2003
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Hằng
  • Ngày công báo: 25/03/2003
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 14/03/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản