Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
CỤC CHÍNH SÁCH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 331/CS

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 1995

 

HƯỚNG DẪN

CỦA CỤC CHÍNH SÁCH SỐ 331/CS NGÀY 20 THÁNG 12 NĂM 1995 VỀ HỒ SƠ THỦ TỤC QUẢN LÝ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁC MẠNG ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI THEO THÔNG TƯ SỐ 2285/QP-TT NGÀY 21-11-1995 CỦA BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ vào các Thông tư số 22/LĐ-TBXH ngày 29-8-1995, số 25/LĐ-TBXH ngày 28/9/1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Thông tư số 2285/QP-TT ngày 21-11-1995 của Bộ Quốc phòng về việc thực hiện các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 29-4-1995 của Chính phủ.
Sau khi thống nhất với các cơ quan có liên quan, Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị hướng dẫn cụ thể về hồ sơ thủ tục quản lý đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng tại ngũ thuộc diện hưởng chế độ ưu đãi như sau:

I- NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Hồ sơ của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng được hưởng chế độ ưu đãi phải theo mẫu quy định thống nhất (mẫu kèm theo hướng dẫn này) để quản lý và thực hiện chính sách khi tại ngũ và khi xuất ngũ.

2. Các giấy tờ quy định trong hồ sơ là chứng từ pháp lý phải ghi đúng, đủ nội dung và do Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền ký tên và đóng dấu đơn vị (không ghi bằng 2 thứ mực, không tẩy xoá, không dùng giấy sao lục, không ký thừa lệnh hoặc dùng chữ ký sẵn...)

3. Những quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng đang hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Thông tư số 289/QP-TT ngày 26-02-1994 của Bộ Quốc phòng thì bản thân đối tượng không phải khai lại hồ sơ. Trường hợp hồ sơ quản lý còn thiếu nội dung nào thì cơ quan quản lý đối tượng lập bổ sung cho hoàn chỉnh.

4. Những quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng tại ngũ thuộc diện được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại Thông tư 2285/QP-TT ngày 21-11-1995 của Bộ Quốc phòng, khi xuất ngũ đơn vị chuyển hồ sơ sang cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng về cư trú.

II- HỒ SƠ THỦ TỤC

Những nội dung hồ sơ quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng được hưởng các chế độ ưu đãi cơ bản thực hiện theo quy định tại các Thông tư số 22/LĐ-TBXH ngày 28-9-1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Về phân cấp trách nhiệm, quyền hạn lập và ký các loại hồ sơ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 2285/QP-TT ngày 21-11-1995 của Bộ Quốc phòng. Cụ thể:

1. Hồ sơ người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng 8-1945 vẫn thực hiện như quy định của Ban tổ chức Trung ương.

2. Hồ sơ người hoạt động cách mạng từ 01-01-1945 đến trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945:

- Bản khai cá nhân có xác nhận của thủ trưởng đơn vị.

- Xác nhận của Cục trưởng Cục Cán bộ;

- Quyết định của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;

- Phiếu lập sổ phụ cấp tiền khởi nghĩa do Cục Chính sách lập.

3. Hồ sơ đối với liệt sỹ (phần thuộc trách nhiệm của quân đội):

a) Hồ sơ báo tử:

- Giấy báo tử do Thủ trưởng cấp trung đoàn hoặc tương đương trở lên ký;

- Thư chia buồn

- Biên bản kiểm kê và bàn giao di vật do cơ quan chính trị lập;

- Sơ đồ mộ trí.

Ngoài ra, những trường hợp chết được xác nhận liệt sỹ theo khoản 5, 6, 7 và 8 Điều 11 của Nghị định 28/CP thì tuỳ trường hợp chết phải có 1 trong các giấy tờ khác như:

+ Biên bản xảy ra trường hợp chết do đấu tranh chống các loại tội phạm hoặc dũng cảm làm những công việc cấp bách phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;

+ Giấy xác nhận ở nơi có phụ cấp đặc biệt bằng 100% nếu trường hợp chết do ốm đau, tai nạn;

+ Bệnh án điều trị, biên bản tử vong của bệnh viện hoặc cơ sở y tế nếu trường hợp là thương binh chết do vết thương tái phát.

b) Những trường hợp quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng mất tin, mất tích từ ngày 31-12-1994 trở về trước, việc kết luận, lập hồ sơ báo tử vẫn thực hiện như quy định hiện hành.

4. Hồ sơ đối với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động:

- Giấy xác nhận được tặng danh hiệu Anh hùng do Cục Chính sách lập;

- Quyết định của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được hưởng phụ cấp ưu đãi;

- Phiếu lập sổ phụ cấp ưu đãi hàng tháng do Cục trưởng Cục Chính sách ký;

5. Hồ sơ đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh:

a) Hồ sơ thương binh:

- Giấy chứng nhận bị thương do Thủ trưởng cấp trung đoàn hoặc đơn vị tương đương trở lên ký;

- Biên bản giám định thương tật do Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền cấp;

- 4 ảnh 3x4

- Quyết định và giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh do Tư lệnh Quân khu ký đối với đơn vị thuộc Quân khu; do Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị hoặc Cục trưởng Cục Chính sách ký đối với các đơn vị khác.

- Phiếu lập trợ cấp thương tật hàng tháng hoặc một lần do Chủ nhiệm Chính trị Quân khu ký đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thuộc quân khu; do Cục trưởng Cục Chính sách ký đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh các đơn vị khác.

Ngoài ra, những trường hợp bị thương được xác nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 25 của Nghị định 28/CP thì tuỳ trường hợp bị thương phải có 1 trong các giấy tờ khác như:

+ Biên bản xảy ra trường hợp bị thương do đấu tranh chống các loại tội phạm hoặc dũng cảm làm những công việc cấp bách phục vụ quốc phòng, an ninh, hoặc dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân.

+ Bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về thời gian bị tù, đày có vết thương thực thể;

+ Giấy xác nhận ở nơi có phụ cấp đặc biệt bằng 100% nếu trường hợp bị tai nạn.

b) Những quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng bị thương từ ngày 31-12-1994 trở về trước quy định tại điểm 4 mục IV Thông tư số 2285/QP-TT ngày 21-11-1995 của Bộ Quốc phòng chỉ xem xét các vết thương thực thể và được giải quyết theo diện tồn đọng về chính sách sau chiến tranh, phải có:

- Bản khai cá nhân về quá trình hoạt động và bị thương có xác nhận và đề nghị của cơ quan, đơn vị quản lý. Nếu đã xuất ngũ thì kèm theo quyết định xuất ngũ hoặc giấy xác nhận của chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự quận, huyện, thị nơi quân nhân về cư trú.

- Giấy chứng nhận bị thương gốc do đơn vị khi bị thương cấp. Trường hợp không còn giấy chứng nhận bị thương thì phải có 1 trong các chứng từ như: phiếu chuyển thương hoặc giấy ra viện, hoặc hồ sơ bệnh án điều trị khi bị thương. Căn cứ vào những chứng từ này, Thủ trưởng đơn vị theo phân cấp quản lý, hoặc chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận bị thương và kèm theo các chứng từ gốc.

c) Trường hợp bị thương đã giám định thương tật, nay xin giám định bổ sung vết thương sót hoặc vết thương cũ tái phát phải có:

- Bản khai cá nhân về tình trạng thương tật có xác nhận và đề nghị của đơn vị quản lý;

- Giấy chứng nhận bị thương gốc do đơn vị khi bị thương cấp và biên bản giám định thương tật lần đầu;

- Giấy ra viện hoặc hồ sơ bệnh án điều trị vết thương tái phát.

6. Hồ sơ đối với bệnh binh:

- Giấy chứng nhận bệnh tật do cơ quan quân y lập và Thủ trưởng đơn vị cấp trung đoàn hoặc tương đương trở lên ký;

- Biên bản giám định y khoa do Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền cấp;

- 4 ảnh 3x4

- Quyết định và giấy chứng nhậ bệnh binh do Tư lệnh Quân khu ký đối với đơn vị thuộc quân khu: do Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị hoặc Cục trưởng Cục Chính sách ký đối với các đơn vị khác.

7. Hồ sơ đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế:

- Bản khai cá nhân (theo mẫu bản khai của người hoạt động Cách mạng từ 01-01-1945 đến trước ngày tổng khởi nghĩa tháng 8-1945) có xác nhận của Thủ tưởng cấp trung đoàn hoặc đương tương trở lên;

- Quyết định của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cấp giấy chứng nhận và hưởng trợ cấp ưu đãi;

- Phiếu lập trợ cấp ưu đãi hàng tháng hoặc 1 lần do Cục trưởng Cục Chính sách ký;

- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp một lần (nếu có).

8. Hồ sơ đối với người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày:

- Bản khai cá nhân (theo mẫu bản khai của người hoạt động Cách mạng từ 01-01-1945 đến trước ngày tổng khởi nghĩa tháng 8-1945);

- Bản kết luận của cấp có thẩm quyền về thời gian bị tù, đày;

- Quyết định của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị hưởng trợ cấp ưu đãi.

III- ĐĂNG KÝ QUẢN LÝ VÀ DI CHUYỂN HỒ SƠ

1. Các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ, phải có sổ đăng ký quản lý những quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng thuộc đơn vị được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại Thông tư số 2285/QP-TT ngày 21-11-1995 của Bộ Quốc phòng (cả số đang hưởng và số có quyết định được hưởng).

2. Hồ sơ của từng đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi lập thành 3 bộ (bản chính); 1 bộ lưu ở Cục Chính sách, 2 bộ lưu ở đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ. Khi quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng di chuyển sang đơn vị khác (vẫn trong nội bộ quân đội) thì ngoài giấy giới thiệu di chuyển, bàn giao cả hai bộ hồ sơ để đơn vị mới quản lý. Khi xuất ngũ thì niêm phong 2 bộ hồ sơ để quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng mang theo nộp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cư trú; đồng thời báo về Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị.

Riêng hồ sơ báo tử bàn giao cho cơ quan quân sự tỉnh, thành phố nơi gia đình cư trú.

3. Hồ sơ là cơ sở để quản lý và thực hiện chính sách đối với người có công; là căn cứ để tổ chức khai thác phục vụ cho kế hoạch công tác chính sách trong quân đội; là văn bản pháp lý để giải quyết các khiếu nại, tố cáo. Do vậy, các đơn vị phải giữ gìn bảo quản chu đáo, tránh để hư hỏng mất mát; đồng thời có kế hoạch rà soát, bổ sung đầy đủ các yếu tố, giấy tờ để đảm bảo tính pháp lý của hồ sơ và việc quản lý lâu dài.

4. Ký hiệu ghi trên hồ sơ thống nhất như sau:

a) Ký hiệu hồ sơ các đối tượng

- Hồ sơ người hoạt động Cách mạng trước tháng 8 - 1945 : CM

- Hồ sơ liệt sỹ : LS

- Hồ sơ Anh hùng : AH

- Hồ sơ thương binh : AQ

- Hồ sơ người hưởng chính sách như thương binh : CK

- Hồ sơ bệnh binh : BB

- Hồ sơ người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày : BT

- Hồ sơ người hoạt động kháng chiến : KC

b) Ký hiệu hồ sơ theo thời kỳ:

- Trước Cách mạng tháng 8- 1945 : LT

- Trong kháng chiến chống Pháp : CP

- Trong kháng chiến chống Mỹ : CM

- Bảo vệ Tổ quốc : BT

c) Ký hiệu trong quân đội:

Hồ sơ thương binh, bệnh binh, liệt sỹ thuộc các Quân khu ký hiệu:

- Quân khu 1 : K1

- Quân khu 2 : K2

- Quân khu 3 : K3

- Quân khu 4 : K4

- Quân khu 5 : K5

- Quân khu 7 : K7

- Quân khu 9 : K9

- Quân khu Thủ đô : KD

Hồ sơ thương binh, bệnh binh và các đối tượng khác của đơn vị còn lại dùng ký hiệu sau:

- Nếu do Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ký : TC

- Nếu do Cục Chính sách và đơn vị ký : CS

Ký hiệu hồ sơ ghi ở góc trên bên phải, các chữ viết hoa. Ký hiệu đơn vị ghi trước, gạch chéo rồi ghi ký hiệu hồ sơ đối tượng tiếp đến là số quản lý của Bộ Quốc phòng và ký hiệu thời kỳ, phía dưới là số quản lý của đơn vị (bắt đầu từ số 01 trở đi).

Ví dụ:

- Hồ sơ thương binh của Quân khu 1 bị thương trong chống Mỹ

28 CM

K1/AQ

01

- Hồ sơ liệt sỹ của Quân chủng Phòng không trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc:

312 BT

CS/LS

02

- Hồ sơ người hoạt động trước Cách mạng tháng 8-1945.

138 LT

TC/CM

01

Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các đơn vị phản ánh về Cục Chính sách để xem xét hướng dẫn.

 

Đỗ Quang Bích

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

hướng dẫn số 331/CS về hồ sơ thủ tục quản lý người có công với cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi theo Thông tư số 2285/QP-TT ngày 21/11/1995 của Bộ Quốc phòng do Cục chính sách Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 331/CS
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 20/12/1995
  • Nơi ban hành: Cục Chính sách Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Đỗ Quang Bích
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản