Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 991/HD-SNV | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 3 năm 2016 |
HƯỚNG DẪN
MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CÔNG TÁC CHUẨN BỊ THỰC HIỆN LỰA CHỌN, XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ TÀI LIỆU VÀ GIAO NỘP TÀI LIỆU VÀO TRUNG TÂM LƯU TRỮ LỊCH SỬ THÀNH PHỐ
Căn cứ Thông tư số 16/2014/TT-BNV ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Bộ Nội vụ hướng dẫn giao, nhận tài liệu lưu trữ vào Lưu trữ lịch sử các cấp và Quyết định số 7109/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành Danh mục các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Nội vụ hướng dẫn một số nội dung về công tác chuẩn bị thực hiện lựa chọn, xác định giá trị tài liệu và giao nộp tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố như sau:
I. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ LỰA CHỌN, XÁC ĐỊNH TÀI LIỆU LƯU TRỮ LỊCH SỬ
1. Đối với các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử
Thủ trưởng cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu chỉ đạo, phân công, xác định trách nhiệm trong công tác chuẩn bị lựa chọn, xác định tài liệu nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử, cụ thể như sau:
a) Xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn, chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu để chuẩn bị giao nộp tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố,
b) Ban hành, rà soát điều chỉnh Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức.
Các cơ quan, tổ chức căn cứ Thông tư số 09/2011/TT-BNV ngày 03 tháng 6 năm 2011 của Bộ Nội vụ quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành phổ biến trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức; Thông tư số 13/2011/TT-BNV ngày 24 tháng 10 năm 2011 của Bộ Nội vụ quy định thời hạn bảo quản tài liệu hình thành trong hoạt động Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Thông tư của các Bộ, ngành quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu chuyên ngành..., để xây dựng, ban hành, rà soát điều chỉnh Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu của cơ quan, cụ thể:
- Trường hợp chưa ban hành Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu cần khẩn trương xây dựng ban hành.
- Trường hợp đã ban hành Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu, nhưng không còn phù hợp, chưa đầy đủ; cần rà soát, bổ sung Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu cho phù hợp.
c) Phân công, bố trí nhân sự để thực hiện thu thập, chỉnh lý, lựa chọn, xác định tài liệu nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử, cụ thể:
- Thu thập đầy đủ hồ sơ, tài liệu từ các đơn vị, cá nhân vào Lưu trữ cơ quan theo Danh mục hồ sơ cơ quan hàng năm:
Trường hợp hồ sơ, tài liệu thu thập đã được chỉnh lý hoàn chỉnh, thì tiến hành tổng hợp, lựa chọn, xác định và lập Mục lục hồ sơ, tài liệu có thời hạn bảo quản vĩnh viễn để chuẩn bị nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử;
Trường hợp hồ sơ, tài liệu thu thập chưa được chỉnh lý hoàn chỉnh, thì tổ chức thực hiện chỉnh lý; sau đó tổng hợp, lựa chọn, xác định những tài liệu có thời hạn bảo quản vĩnh viễn và lập Mục lục hồ sơ, tài liệu để chuẩn bị nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử.
- Đối với các cơ quan, tổ chức có hồ sơ, tài liệu tồn đọng từ trước đến nay chưa được chỉnh lý cần tiến hành tổ chức thực hiện chỉnh lý; lựa chọn, xác định những tài liệu có thời hạn bảo quản vĩnh viễn và lập Mục lục hồ sơ, tài liệu để chuẩn bị nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử.
d) Thống kê, lập Mục lục hồ sơ, tài liệu có thời hạn bảo quản vĩnh viễn để nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử
- Các cơ quan, tổ chức thống kê, lập Mục lục hồ sơ, tài liệu có thời hạn bảo quản vĩnh viễn (kể cả tài liệu điện tử nếu có) để nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử; lập Danh mục tài liệu có đóng dấu chỉ các mức độ mật; lập công cụ tra cứu kèm theo khối tài liệu giao nộp (các nội dung trên được lập riêng cho từng năm).
- Theo Điều 21 Luật Lưu trữ quy định hồ sơ, tài liệu có thời hạn bảo quản vĩnh viễn phải được giao nộp vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử. Thời hạn giao nộp là 10 năm, kể từ năm công việc kết thúc:
Đối với những hồ sơ, tài liệu kết thúc từ năm 2006 trở về trước; các cơ quan, tổ chức thống kê, lập Mục lục hồ sơ, tài liệu có thời hạn bảo quản vĩnh viễn và báo cáo về Chi cục Văn thư - Lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố trước ngày 31 tháng 12 năm 2016 để xây dựng kế hoạch chuẩn bị thu thập vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử.
Đối với những hồ sơ, tài liệu kết thúc từ năm 2007 trở về sau này; định kỳ hàng năm, các cơ quan, tổ chức thống kê, lập Mục lục hồ sơ, tài liệu có thời hạn bảo quản vĩnh viễn và báo cáo về Chi cục Văn thư - Lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố để xây dựng kế hoạch chuẩn bị thu thập vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử.
đ) Hoàn thiện hồ sơ, tài liệu chuẩn bị nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử
- Kiểm tra hoàn thiện khối tài liệu giao nộp.
- Sắp xếp hồ sơ, tài liệu nộp lưu vào hộp bảo quản.
- Dán nhãn, ghi số thứ tự hộp bảo quản theo Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu.
e) Màu hộp bảo quản hồ sơ, tài liệu
Để quản lý, bảo quản khoa học, khai thác hiệu quả hồ sơ, tài liệu bảo quản vĩnh viễn và hồ sơ, tài liệu bảo quản có thời hạn, cần sử dụng các màu hộp bảo quản tài liệu như sau:
- Hộp màu vàng: Để bảo quản những hồ sơ, tài liệu bảo quản vĩnh viễn và bố trí liên tục trong khu vực Kho lưu trữ nhất định để thuận tiện cho việc quản lý và chuẩn bị giao nộp vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử.
- Hộp màu xanh: Để bảo quản những hồ sơ, tài liệu bảo quản có thời hạn và bố trí liên tục trong khu vực Kho lưu trữ nhất định để thuận tiện cho việc quản lý.
Ghi chú: Trường hợp các cơ quan, tổ chức đã mua sắm hộp bảo quản hồ sơ, tài liệu khác màu vàng, xanh thì tiếp tục sử dụng tại Kho lưu trữ cơ quan để bảo quản hồ sơ, tài liệu. Trường hợp mua sắm mới hộp bảo quản hồ sơ, tài liệu (kể cả trường hợp thay đổi hộp cũ bị hư hỏng) thì thực hiện mua sắm hộp theo màu quy định tại Điểm e, Khoản 1, Mục I của Hướng dẫn này.
g) Riêng đối với Ủy ban nhân dân quận, huyện:
- Bố trí Kho lưu trữ tập trung và chỉ đạo Phòng Nội vụ xây dựng kế hoạch tổ chức thu thập tài liệu của các cơ quan, tổ chức cấp huyện thuộc Danh mục các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố; đồng thời lựa chọn, xác định những tài liệu có thời hạn bảo quản vĩnh viễn và lập Mục lục hồ sơ, tài liệu để chuẩn bị giao nộp vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố theo quy định.
- Tổ chức thực hiện nội dung các công việc tại Khoản 1, Mục I của Hướng dẫn này.
2. Đối với Trung tâm Lưu trữ lịch sử
Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố tham mưu Chi cục Văn thư - Lưu trữ, Sở Nội vụ tổ chức thực hiện:
a) Lập kế hoạch thu thập tài liệu và thống nhất với các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu về loại hình tài liệu, thành phần tài liệu, thời gian tài liệu, số lượng tài liệu và thời gian giao nộp tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử.
b) Phối hợp, trao đổi với các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tổ chức thực hiện giao nhận hồ sơ, tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử theo kế hoạch.
II. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ GIAO NỘP TÀI LIỆU VÀO TRUNG TÂM LƯU TRỮ LỊCH SỬ THÀNH PHỐ
1. Đối với cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử
Sau khi các cơ quan, tổ chức hoàn thiện hồ sơ, tài liệu nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử và đến thời hạn giao nộp vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử theo quy định tại Điều 21 Luật Lưu trữ (thời hạn 10 năm, kể từ năm công việc kết thúc). Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử theo trình tự và thủ tục như sau:
a) Thành lập Hội đồng xác định giá trị tài liệu của cơ quan, tổ chức.
- Hội đồng xác định giá trị tài liệu được thành lập để xem xét, thông qua Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử và trình người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định. Thành phần của Hội đồng bao gồm:
Chủ tịch Hội đồng (Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan, tổ chức);
Người làm lưu trữ ở cơ quan, tổ chức là Thư ký Hội đồng;
Đại diện lãnh đạo đơn vị có tài liệu là ủy viên;
Người am hiểu về lĩnh vực có tài liệu cần xác định giá trị là ủy viên.
(Riêng đối với Phòng Nội vụ quận, huyện: Tham mưu Ủy ban nhân dân quận, huyện thành lập Hội đồng xác định giá trị tài liệu để xác định giá trị tài liệu đến thời hạn nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử đối với các cơ quan, tổ chức cấp huyện thuộc Danh mục các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố).
- Trường hợp cần thiết, khi họp Hội đồng xác định giá trị tài liệu; các cơ quan, tổ chức có thể mời Chi cục Văn thư - Lưu trữ dự họp để tư vấn, hướng dẫn, góp ý những hồ sơ, tài liệu nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử.
b) Đề nghị Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố thẩm định Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu
- Sau khi được người đứng đầu cơ quan, tổ chức duyệt Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử; cơ quan, tổ chức gửi văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố thẩm định Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử.
- Thành phần Hồ sơ như sau:
Công văn đề nghị thẩm định Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu;
Quyết định thành lập Hội đồng xác định giá trị tài liệu;
Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu;
Biên bản họp Hội đồng xác định giá trị tài liệu.
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
c) Hoàn thiện Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu
Sau khi có ý kiến phê duyệt của Sở Nội vụ đối với Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử; các cơ quan, tổ chức thực hiện các công việc sau:
- Hoàn thiện lại Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu và các thành phần hồ sơ có liên quan.
- Tổ chức đóng gói hồ sơ, tài liệu.
d) Vận chuyển hồ sơ, tài liệu đến Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố để giao nộp.
Cơ quan, tổ chức vận chuyển hồ sơ, tài liệu đến Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố và giao nộp hồ sơ, tài liệu theo Mục lục hồ sơ, tài liệu đã được người đứng đầu cơ quan, tổ chức phê duyệt và ý kiến thẩm định của Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố. Thành phần hồ sơ, tài liệu giao nộp bao gồm:
- Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu (03 bản).
- Các tài liệu kèm theo khối tài liệu nộp lưu như: Bản lịch sử đơn vị hình thành phông và lịch sử phông, hướng dẫn phân loại lập hồ sơ, hướng dẫn xác định giá trị tài liệu,... (trong trường hợp tài liệu của phông lưu trữ được nộp lưu lần đầu và trong cả những lần nộp lưu sau khi có những sửa đổi, bổ sung trong những tài liệu trên).
- Công cụ tra cứu khác kèm theo khối tài liệu nộp lưu.
- Hồ sơ, tài liệu nộp lưu và hộp/cặp bảo quản khối tài liệu nộp lưu.
- Tài liệu điện tử (nếu có).
2. Đối với Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố
a) Thẩm định Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu do cơ quan, tổ chức đề nghị giao nộp.
b) Tham mưu Chi cục Văn thư - Lưu trữ trình Sở Nội vụ phê duyệt Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu.
c) Thông báo kết quả phê duyệt Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu đến cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu.
d) Chuẩn bị Kho lưu trữ và các trang thiết bị để tiếp nhận và bảo quản tài liệu.
đ) Tiếp nhận hồ sơ, tài liệu
- Tiếp nhận hồ sơ, tài liệu; Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu và các thành phần hồ sơ khác có liên quan.
- Kiểm tra, đối chiếu Mục lục hồ sơ, tài liệu nộp lưu với thực tế hồ sơ, tài liệu giao nộp.
- Lập Biên bản giao nhận hồ sơ, tài liệu.
e) Đưa hồ sơ, tài liệu vào Kho và xếp lên giá, kệ.
g) Hoàn thiện Mục lục hồ sơ vào hệ thống quản lý
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đối với cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử
a) Định kỳ hàng năm (trước ngày 31 tháng 12), các cơ quan, tổ chức báo cáo số lượng hồ sơ, tài liệu đã lựa chọn, xác định tài liệu chuẩn bị nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử về Chi cục Văn thư - Lưu trữ để tổng hợp xây dựng kế hoạch chuẩn bị thu thập vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử.
b) Dự trù kinh phí tổ chức lựa chọn, chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu và vận chuyển tài liệu đến Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố để giao nộp.
2. Đối với Chi cục Văn thư - Lưu trữ
Chỉ đạo Trung tâm Lưu trữ lịch sử chủ trì, phối hợp tham mưu:
a) Xây dựng trình Sở Nội vụ để trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt kế hoạch thu thập hồ sơ, tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố giai đoạn 2016 - 2020.
b) Xây dựng trình Sở Nội vụ phê duyệt kế hoạch thu thập hồ sơ, tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố hàng năm.
c) Tổng hợp số lượng hồ sơ, tài liệu chuẩn bị nộp lưu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử từ các cơ quan, tổ chức để xây dựng kế hoạch thu thập vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử.
d) Xây dựng kế hoạch đầu tư các trang thiết bị để tiếp nhận và bảo quản hồ sơ, tài liệu.
đ) Dự trù kinh phí mua sắm trang thiết bị bảo quản hồ sơ, tài liệu khi tiếp nhận tài liệu từ các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu.
Trên đây là hướng dẫn của Sở Nội vụ một số nội dung về công tác chuẩn bị thực hiện lựa chọn, xác định giá trị tài liệu và giao nộp tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cẩn trao đổi, đề nghị liên hệ Chi cục Văn thư - Lưu trữ (địa chỉ Tầng 6, Tòa nhà IPC, số 1489 Đại lộ Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, Quận 7, điện thoại số 37.760.692) để phối hợp giải quyết./.
| KT. GIÁM ĐỐC |
- 1Báo cáo 1366/BC-SNV năm 2017 về tình hình xử lý tài liệu tồn đọng, tích đống do Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 2765/QĐ-SNV năm 2019 về Quy trình giao, nhận hồ sơ, tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố trực thuộc Chi cục Văn thư - Lưu trữ do Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Báo cáo 5391/BC-SNV về tổng kết công tác quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ và quản lý tài liệu lưu trữ lịch sử năm 2020 do Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1Thông tư 09/2011/TT-BNV Quy định về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu hình thành phổ biến trong hoạt động của cơ quan, tổ chức do Bộ Nội vụ ban hành
- 2Thông tư 13/2011/TT-BNV quy định thời hạn bảo quản tài liệu hình thành trong hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Nội vụ ban hành
- 3Luật lưu trữ 2011
- 4Thông tư 16/2014/TT-BNV hướng dẫn giao, nhận tài liệu lưu trữ vào Lưu trữ lịch sử các cấp do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 5Quyết định 7109/QĐ-UBND năm 2015 về Danh mục cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu tài liệu Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Chi cục Văn thư - Lưu trữ Thành phố Hồ Chí Minh
- 6Báo cáo 1366/BC-SNV năm 2017 về tình hình xử lý tài liệu tồn đọng, tích đống do Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 7Quyết định 2765/QĐ-SNV năm 2019 về Quy trình giao, nhận hồ sơ, tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố trực thuộc Chi cục Văn thư - Lưu trữ do Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 8Báo cáo 5391/BC-SNV về tổng kết công tác quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ và quản lý tài liệu lưu trữ lịch sử năm 2020 do Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Hướng dẫn 991/HD-SNV năm 2016 nội dung về công tác chuẩn bị thực hiện lựa chọn, xác định giá trị tài liệu và giao nộp tài liệu vào Trung tâm Lưu trữ lịch sử Thành phố do Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 991/HD-SNV
- Loại văn bản: Hướng dẫn
- Ngày ban hành: 25/03/2016
- Nơi ban hành: Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Hoài Trung
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/03/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra