Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
SỞ NỘI VỤ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 143/HD-SNV

Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 20 tháng 05 năm 2013

 

HƯỚNG DẪN

QUY TRÌNH, THỦ TỤC, HỒ SƠ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI THANH NIÊN XUNG PHONG ĐÃ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ TRONG KHÁNG CHIẾN

Căn cứ Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 08/6/2012 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg và văn bản số 720/BNV-CTTN ngày 01/3/2013 của Bộ Nội vụ về việc giải quyết chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến;

Thực hiện Kế hoạch số 7148/KH-UBND ngày 12/11/2012 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc triển khai thực hiện chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Nội vụ hướng dẫn về quy trình, thủ tục, hồ sơ thực hiện chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến (sau đây gọi tắt là TNXP), cụ thể như sau:

I. Những nội dung quy định về chế độ trợ cấp theo Quyết định số 40/2011/QD-TTg:

1. Đối tượng được hưởng trợ cấp:

Là TNXP tập trung tham gia kháng chiến từ ngày 15/7/1950 đến ngày 30/4/1975, đã hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương mà không thuộc diện hưởng các chế độ hưu trí, mất sức lao động, chế độ bệnh binh, chế độ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

2. Đối tượng không được hưởng trợ cấp:

2.1. Đối tượng đã được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến;

2.2. Đối tượng đã được tính thời gian tham gia thanh niên xung phong để hưởng chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương và Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương;

2.3. TNXP đã được công nhận là Liệt sĩ;

2.4. Những người tính đến ngày 01/10/2011 (ngày có hiệu lực của Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg) đang phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo.

3. Các chế độ trợ cấp và mức hưởng:

3.1. Trợ cấp một lần:

a) Xác định thời gian tính hưởng trợ cấp:

TNXP tập trung tham gia kháng chiến kể từ ngày 15/7/1950 cho đến ngày hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương. Trường hợp thời gian tham gia không liên tục thì thời gian tính hưởng chế độ trợ cấp là tổng thời gian thực tế của các lần tập trung tham gia kháng chiến.

Trường hợp TNXP khai ngày, tháng, năm tham gia TNXP trước năm 1950 thì thời gian tính hưởng chế độ trợ cấp cho TNXP được tính từ ngày 15/7/1950 cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương (ngày 15/7/1950 là ngày thành lập lực lượng TNXP).

Nếu tổng số năm thực tế tham gia kháng chiến có số tháng lẻ, thì cứ đủ 6 tháng trở lên thì được tính tròn là 1 năm, dưới 6 tháng được tính là nửa (1/2) năm.

b) Mức trợ cấp:

- Từ đủ 2 năm trở xuống, mức hưởng trợ cấp một lần bằng 2.500.000 đồng.

- Trên 2 năm, kể từ năm thứ 3 trở đi, cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng.

Công thức tính:

Số tiền trợ cấp = 2.500.000 + [(tổng số năm tính hưởng trợ cấp - 2) X 800.000] (đồng).

c) Đối với TNXP không còn giấy tờ gốc, bản khai để hưởng chế độ chỉ khai được năm tham gia TNXP và năm trở về mà không nhớ được ngày, tháng tham gia TNXP. Căn cứ Khoản 2, Điều 2 Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BLĐTBXH- BNV-BTC ngày 08/6/2012, nếu TNXP không còn giấy tờ gốc hoặc giấy tờ gốc không xác định được thời gian tập trung tham gia kháng chiến thì chỉ thực hiện trợ cấp một lần bằng 2.500.000 đồng.

d) Trường hợp cựu TNXP đã từ trần trước ngày 01/6/2012 mà chưa được hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/4/1999 hoặc Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì một trong những thân nhân của TNXP là: vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp của người từ trần được hưởng chế độ trợ cấp một lần bằng 3.600.000 đồng. Trong trường hợp TNXP từ trần sau ngày 01/6/2012 trở đi thì cách tính hưởng trợ cấp một lần thực hiện theo như quy định đối với TNXP đang còn sống.

Người nuôi dưỡng hợp pháp cựu TNXP là người có trách nhiệm, nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cựu TNXP theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Tại Điều 48 của Luật Hôn nhân và gia đình quy định, trong trường hợp không còn cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì anh, chị, em có nghĩa vụ và quyền đùm bọc nuôi dưỡng nhau.

3.2 Trợ cấp hàng tháng:

a) Tại Điều 3 Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định: TNXP tập trung tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa thì được xét trợ cấp hàng tháng. Như vậy, TNXP phải đủ cả 2 điều kiện là không còn khả năng lao động và hiện sống cô đơn không nơi nương tựa mới thuộc diện được hưởng trợ cấp hàng tháng, cụ thể như sau:

Người không còn khả năng lao động là người được cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp giấy chứng nhận trong đó ghi rõ tình trạng không còn khả năng lao động của TNXP.

Người sống cô đơn không nơi nương tựa là người không có hoặc không còn người nuôi dưỡng hợp pháp. Trường hợp TNXP tuy còn người nuôi dưỡng hợp pháp nhưng người đó cũng thuộc diện phải sống nhờ trợ cấp theo chế độ bảo trợ xã hội thì cũng được vận dụng để xét hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng.

b) Mức trợ cấp hàng tháng được hưởng là: 360.000đ.

Mức trợ cấp này sẽ được điều chỉnh tương ứng trong từng giai đoạn theo quy định của Chính phủ; đối tượng được xét hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng thì không hưởng chế độ trợ cấp một lần.

c) Thời điểm hưởng trợ cấp hàng tháng được thực hiện kể từ ngày Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định về giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng đối với TNXP.

d) Đối tượng TNXP đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ được điều chỉnh để hưởng mức trợ cấp hàng tháng bằng 360.000 đồng, kể từ ngày 01/10/2011 theo quy định tại Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; được thực hiện việc truy lĩnh chênh lệnh kể từ thời điểm nêu trên và không phải làm lại hồ sơ xét hưởng trợ cấp.

4. Hồ sơ xét hưởng trợ cấp, điều chỉnh trợ cấp:

4.1. Đối tượng TNXP hưởng chế độ trợ cấp một lần, hồ sơ cá nhân gồm có:

- Bản khai cá nhân đề nghị hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với TNXP theo Biểu mẫu số 1A;

- Một trong các giấy tờ sau đây chứng minh là TNXP (là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của UBND cấp xã):

a) Lý lịch cán bộ hoặc lý lịch Đảng viên khai trước ngày Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/4/1999 có hiệu lực thi hành.

b) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi TNXP trở về địa phương như: Giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị quản lý TNXP; Giấy chuyển thương, chuyển viện, phiếu sức khoẻ; Giấy khen trong thời gian tham gia lực lượng TNXP; Giấy chứng nhận tham gia TNXP; Giấy điều động công tác, bổ nhiệm, giao nhiệm vụ.

c) Trường hợp TNXP không còn một trong các giấy tờ quy định tại nội dung a, b trên thì phải nộp bản khai có chứng thực của UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú trước khi tham gia TNXP (bản chính, theo Biểu mẫu số 2).

Đối với TNXP từ địa phương khác chuyển đến cư trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà chưa được xem xét giải quyết chế độ thì trong hồ sơ phải có giấy giới thiệu và xác nhận chưa được hưởng chế độ trợ cấp đối với TNXP của Hội Cựu TNXP tỉnh, thành phố nơi TNXP đó cư trú trước khi chuyển đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

4.2. Đối tượng là thân nhân của TNXP đã từ trần, đề nghị hưởng chế độ trợ cấp một lần, hồ sơ gồm:

- Bản khai cá nhân đề nghị hưởng chế độ trợ cấp một làn đối với TNXP đã từ trần theo Biểu mẫu số 1B;

- Một trong các giấy tờ chứng minh là TNXP (là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của UBND cấp xã), như quy định tại điểm 4.1 Khoản 4 Mục I của Hướng dẫn này.

- Bản sao có chứng thực giấy tờ hợp pháp chứng minh mối quan hệ thân nhân với người đã từ trần (vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp của người từ trần).

- Giấy chứng tử của TNXP đã từ trần.

4.3. Đối tượng đề nghị xét hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, hồ sơ gồm có:

- Bản khai cá nhân đề nghị hưởng trợ cấp hàng tháng đối với TNXP lập theo Biểu mẫu số 1C.

- Một trong các giấy tờ chứng minh là TNXP (là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của UBND cấp xã như quy định tại điểm 4.1 Khoản 4 Mục I của Hướng dẫn này.

- Giấy chứng nhận sức khỏe (bản chính) của cơ sở y tế cấp huyện trở lên xác nhận ghi rõ tình trạng không còn khả năng lao động của TNXP.

Đối với TNXP từ địa phương khác chuyển đến cư trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà chưa được xem xét giải quyết chế độ thì trong hồ sơ phải có giấy giới thiệu và xác nhận chưa được hưởng chế độ trợ cấp đối với TNXP của Hội Cựu TNXP tỉnh, thành phố nơi TNXP đó cư trú trước khi chuyển đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

4.4. Trường hợp TNXP đang hưởng trợ cấp thường xuyên theo Quyết định 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/4/1999, nay điều chỉnh trợ cấp theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, gồm:

Bản sao có chứng thực Quyết định của UBND tỉnh cho hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 104/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

II. Trình tự và trách nhiệm thực hiện:

1. Trách nhiệm của TNXP và thân nhân TNXP được xét hưởng trợ cấp:

- Làm bản khai theo các biểu Mẫu ban hành kèm theo hướng dẫn này.

- Nộp 02 (hai) bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Mục 4 hướng dẫn này.

- Đảm bảo tính trung thực của bản khai, các giấy tờ cá nhân và chịu trách nhiệm pháp lý khi có hành vi vi phạm pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Thực hiện việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng chế độ chính sách của TNXP hoặc thân nhân của TNXP (trường hợp TNXP đã từ trần);

- Tổ chức hội nghị để xét hưởng chế độ trợ cấp đối với đối tượng TNXP theo đúng thành phần quy định, bao gồm lãnh đạo: Ủy ban nhân dân, Đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu TNXP (hoặc Ban liên lạc cựu TNXP), Trưởng thôn, ấp (Khu phố trưởng) nơi có đối tượng TNXP đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp; tiến hành lập biên bản hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp theo Biểu mẫu số 2; tổng hợp, báo cáo UBND huyện (thông qua Phòng Nội vụ).

- Trong trường hợp địa phương cấp xã chưa có Ban liên lạc TNXP hoặc Hội cựu TNXP thì UBND cấp xã sau khi lập biên bản xác nhận hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp cần tổng hợp, chuyển danh sách đối tượng này kèm theo Biểu mẫu số 02 đến Hội cựu TNXP cấp huyện hoặc Ban liên lạc TNXP cấp huyện nếu chưa có Hội) đề nghị kiểm tra, xác nhận trước khi tổng hợp hồ sơ báo cáo UBND cấp huyện (thông qua Phòng Nội vụ).

- Trong trường hợp TNXP về nơi cư trú trước khi đi TNXP xin xác nhận (song thời kỳ này ở miền Nam không có chính quyền). Trường hợp này cũng tương tự như trường hợp thay đổi địa danh hành chính, người đi TNXP ở đâu thì do UBND cấp xã hiện nay ở đó xác nhận vào bản khai.

- Thời gian hoàn thành là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định (theo từng đợt).

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

- Phòng Nội vụ tiếp nhận hồ sơ từ UBND cấp xã; kiểm tra hồ sơ theo quy định; tổng hợp, lập danh sách theo các Biểu mẫu số 2A, 2B, 2C; phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, rà soát danh sách đề nghị hưởng chế độ theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg, đảm bảo đúng đối tượng nêu tại khoản 1 Mục I của Hướng dẫn này và loại trừ những đối tượng đã được hưởng các chế độ trợ cấp theo quy định tại khoản 2 Mục I của Hướng dẫn này (nếu có), cho ý kiến và đóng dấu xác nhận vào danh sách đề nghị.

- Đối với những trường hợp TNXP đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/4/1999, nay điều chỉnh để hưởng mức trợ cấp theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Phòng Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tiếp nhận, rà soát, tổng hợp danh sách theo Biểu mẫu số 2D.

- Trình UBND huyện phê duyệt danh sách các đối tượng TNXP được hưởng trợ cấp, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ).

- Thời gian hoàn thành là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ UBND cấp xã (theo từng đợt).

4. Sở Nội vụ:

- Tiếp nhận hồ sơ từ UBND cấp huyện; kiểm tra hồ sơ theo quy định; thông qua Hội đồng thẩm định của tỉnh tổ chức xét duyệt, thẩm định hồ sơ; tổng hợp danh sách, trình UBND tỉnh xem xét, ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp.

- Đối với trường hợp TNXP không còn một trong các giấy tờ chứng minh là TNXP quy định tại điểm 4.1 khoản 4 Mục I của Hướng dẫn này, Sở Nội vụ tổng hợp, chuyển danh sách đối tượng đến Hội cựu TNXP tỉnh đề nghị kiểm tra, xác nhận cho ý kiến trước khi trình UBND tỉnh ra quyết định;

- Sau khi có Quyết định của UBND tỉnh, chuyển Quyết định kèm theo hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp của đối tượng đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý.

- Thời gian hoàn thành là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ UBND cấp huyện (theo từng đợt).

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định về giải quyết chế độ trợ cấp đối với TNXP, hoàn thành việc tổng hợp danh sách đối tượng được hưởng trợ cấp một lần theo Biểu mẫu số 3 kèm theo Công văn đề nghị bổ sung dự toán chi chế độ trợ cấp một lần, gửi 02 bản về Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. Đồng thời, tổ chức thực hiện việc chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng được hưởng theo quy định hiện hành.

- Lưu giữ hồ sơ đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định.

III. Thời gian thực hiện tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ cho TNXP

UBND cấp xã thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ cho TNXP. Việc quy định giải quyết hồ sơ cho từng đợt do UBND cấp xã quy định cụ thể, nhưng tối đa không quá 20 ngày làm việc cho một đợt xét duyệt kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị của đối tượng TNXP.

Trên đây là một số nội dung hướng dẫn về quy trình, thủ tục, hồ sơ thực hiện chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Trong quá trình trực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Sở Nội vụ (Phòng Tổ chức - Biên chế, số ĐT: 3857670) để giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- UBND tỉnh (b/c);
- Đồng chí: Lê Thanh Dũng - PCT UBND tỉnh (b/c);
- Các thành viên Hội đồng thẩm định;
- Sở LĐ-TB&XH (p/hợp);
- Sở Tài chính (p/hợp);
- Hội CTNXP tỉnh (p/hợp);
- Sở Y tế (p/hợp);
- Báo BR-VT; Đài PTTH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Phòng NV, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, tp;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Lưu: VT.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Sầm Văn Mão

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 143/HD-SNV năm 2013 về quy trình, thủ tục, hồ sơ thực hiện chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến do Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành

  • Số hiệu: 143/HD-SNV
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 20/05/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Sầm Văn Mão
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản