Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG
CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 04/NHCS-TDNN

Hà Nội, ngày 02 tháng 01 năm 2014

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CHO VAY VỐN ĐỂ HỖ TRỢ ĐẤT SẢN XUẤT, CHUYỂN ĐỔI NGHỀ VÀ ĐI XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG CHO HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO VÀ HỘ NGHÈO Ở XÃ, THÔN, BẢN ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2013-2015 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 755/QĐ-TTG NGÀY 20/5/2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 04/2013/TTLT-UBDT-BTC-BTNMT ngày 18/11/2013 của liên Bộ: Ủy ban Dân tộc, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn,

Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hướng dẫn thực hiện cho vay vốn để hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề và đi xuất khẩu lao động cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013-2015 như sau:

1. Phạm vi áp dụng

Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thuộc các tỉnh, thành phố từ khu vực phía Bắc đến khu vực Đông Nam bộ và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản, buôn, làng đặc biệt khó khăn (thôn, bản, buôn, làng sau đây gọi chung là thôn) thuộc các tỉnh, thành phố trong các khu vực này.

Riêng hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện chính sách cho vay vốn để hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề và đi xuất khẩu lao động theo Quyết định khác của Thủ tướng Chính phủ (Hiện nay là Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2015).

2. Đối tượng được vay vốn

a) Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo (kể cả hộ có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015, có trong Danh sách hộ nghèo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại thời điểm Quyết định số 755/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành (ngày 20/5/2013); sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp, chưa có hoặc chưa đủ đất sản xuất theo hạn mức bình quân chung do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp tỉnh) quy định, chưa được hưởng chính sách của Nhà nước hỗ trợ về đất sản xuất, chuyển đổi nghề.

b) Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo thuộc Điểm a Khoản 2 này phải có tên trong “Danh sách hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn” được Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện phê duyệt.

Trường hợp, thành viên trong hộ đứng tên vay vốn không trùng với tên người đại diện hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trong Danh sách được UBND cấp huyện phê duyệt thì phải được UBND cấp xã nơi hộ vay cư trú xác nhận quan hệ của người vay và người có tên trong Danh sách hộ dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn là thành viên trong cùng một hộ. Việc xác nhận này được Chủ tịch UBND cấp xã ghi, ký tên, đóng dấu vào dưới phần “Cam kết của hộ vay” trên Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay (mẫu số 01/TD).

c) Mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo thuộc Điểm a Khoản 2 này chỉ được vay vốn để sử dụng vào 01 trong 03 mục đích sau:

- Chi phí tạo đất sản xuất: Vốn vay được sử dụng vào việc chi phí khai hoang, phục hóa, cải tạo đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Người vay không được chuyển nhượng, cho, tặng, cầm cố, cho thuê đất sản xuất trong thời gian 10 năm, kể từ ngày nhận đất sản xuất.

- Chi phí chuyển đổi nghề: Vốn vay được sử dụng mua sắm nông cụ, máy móc để làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp hoặc làm nghề khác (đầu tư vào việc phát triển sản xuất, kinh doanh không trái pháp luật).

- Chi phí đi xuất khẩu lao động.

3. Mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay và thủ tục, quy trình cho vay

a) Đối với cho vay để chi phí tạo đất sản xuất và chuyển đổi nghề

- Mức cho vay tối đa 15 triệu đồng/hộ.

- Thời hạn cho vay tối đa 60 tháng (5 năm).

- Lãi suất cho vay: 0,1%/tháng (1,2%/năm). Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.

- Thủ tục, quy trình, nghiệp vụ cho vay, quản lý và xử lý nợ vay,...được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng Giám đốc tại văn bản số 2744/NHCS-TDNN ngày 06/8/2013 hướng dẫn thực hiện cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Đối với cho vay để chi phí đi xuất khẩu lao động.

Việc cho vay được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng Giám đốc NHCSXH tại văn bản số 2667/NHCS-TDNN ngày 21/9/2009 về việc hướng dẫn thực hiện cho vay người lao động thuộc huyện nghèo đi xuất khẩu lao động theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 3586/NHCS-TDNN ngày 07/11/2013 về việc thông báo thay đổi mức trần chi phí đối với lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài. Trường hợp vay theo mức trần chi phí bao gồm tiền ký quỹ thì phần cho vay ký quỹ được thực hiện theo văn bản số 4021/NHCS-TDNN ngày 27/12/2013 của Tổng Giám đốc về việc hướng dẫn nghiệp vụ cho vay để ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc.

4. Gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn

Trường hợp đến hạn trả nợ, những hộ vay vốn vẫn thuộc diện hộ nghèo và có nhu cầu tiếp tục sử dụng vốn vay thì căn cứ tình hình thực tế để xử lý:

a) Nếu hộ vay còn thuộc diện hộ nghèo và hộ gặp khó khăn tài chính tạm thời chưa có nguồn trả nợ thì có thể được xem xét kéo dài thời gian trả nợ (gia hạn nợ), nhưng tối đa không quá 2,5 năm.

b) Nếu hộ vay đã thoát nghèo theo chuẩn nghèo thì phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trường hợp hộ vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì chuyển sang nợ quá hạn và áp dụng lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

5. Xử lý nợ bị rủi ro

Đối với các hộ gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các khó khăn bất khả kháng khác không trả được nợ thì được xử lý rủi ro theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH và các văn bản hướng dẫn hiện hành của NHCSXH.

6. Công tác kế hoạch

Hàng năm, NHCSXH phối hợp với UBND địa phương lập kế hoạch nhu cầu vốn cho vay đối với chương trình cho vay vốn hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề và đi xuất khẩu lao động cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn gửi NHCSXH cấp trên trực tiếp theo quy định hiện hành của NHCSXH.

7. Hạch toán kế toán

NHCSXH nơi cho vay hạch toán các khoản cho vay vốn để hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề, đi xuất khẩu lao động đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành của NHCSXH.

8. Chế độ báo cáo, thống kê

Chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố thực hiện báo cáo, thống kê hàng tháng theo Quyết định số 1466/QĐ-NHCS ngày 17/6/2011 của Tổng giám đốc NHCSXH về việc báo cáo, thống kê áp dụng trong hệ thống NHCSXH.

9. Tổ chức thực hiện

a) NHCSXH các địa phương có trách nhiệm báo cáo UBND và Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cùng cấp để triển khai thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg .

b) Tổ chức phổ biến nội dung Quyết định 755/QĐ-TTg tới cán bộ NHCSXH, tổ chức chính trị - xã hội, Tổ TK&VV và UBND cấp xã để triển khai chương trình cho vay đúng quy định.

c) Tổ chức tuyên truyền và công khai chủ trương, chính sách, danh sách hộ vay vốn, công khai dư nợ tới đông đảo quần chúng nhân dân biết để giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

d) NHCSXH nơi cho vay tiếp tục theo dõi, thu hồi, thực hiện xử lý nợ đến hạn các khoản dư nợ cho vay hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg đã được Tổng Giám đốc hướng dẫn tại văn bản số 1324/NHCS-TDNN ngày 04/6/2010.

Văn bản này có hiệu lực kể từ ngày ký, Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, chi nhánh báo cáo Hội sở chính NHCSXH để xem xét, giải quyết./.

(Gửi kèm Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 04/2013/TTLT-UBDT-BTC-BTNMT ngày 18/11/2013 của liên Bộ: Ủy ban Dân tộc, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường).

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ (để b/c);
- Ủy ban Dân tộc (để b/c);
- HLH Phụ nữ VN (để p/hợp thực hiện);
- Hội Nông dân VN (để p/hợp thực hiện);
- Hội CCB VN (để p/hợp thực hiện);
- TW ĐTN CS HCM (để p/hợp thực hiện);
- Tổng Giám đốc;
- Trưởng Ban kiểm soát;
- Các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng;
- Các Ban CMNV tại HSC;
- SGD, TTĐT, TT CNTT;
- CN NHCSXH các tỉnh, TP;
- Website NHCSXH;
- Lưu: VT, TK, PC, TDNN.

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Văn Lý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 04/NHCS-TDNN năm 2014 thực hiện cho vay vốn để hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề và đi xuất khẩu lao động cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013-2015 theo Quyết định 755/QĐ-TTg do Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành

  • Số hiệu: 04/NHCS-TDNN
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 02/01/2014
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Chính sách Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Văn Lý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản