Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG
CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2744/NHCS-TDNN

Hà Nội, ngày 06 tháng 08 năm 2013

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CHO VAY VỐN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT ĐỐI VỚI HỘ DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN GIAI ĐOẠN 2012-2015 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 54/2012/QĐ-TTG NGÀY 04/12/2012 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015;

Căn cứ Thông tư số 02/2013/TT-UBDT ngày 24/6/2013 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn thực hiện một số điều Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ,

Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hướng dẫn thực hiện cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (sau đây viết tắt là hộ DTTS ĐBKK) giai đoạn 2012-2015 như sau:

1. Điều kiện vay vốn

Hộ DTTS ĐBKK thuộc đối tượng được vay vốn theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg phải có đủ các điều kiện sau:

a) Hộ dân tộc thiểu số (kể cả hộ có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) cư trú hợp pháp, ổn định ở các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã) thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 và các Quyết định khác của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn; có tên trong Danh sách hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn do Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã lập và được UBND cấp huyện phê duyệt.

Trường hợp, thành viên trong hộ đứng tên vay vốn không trùng với tên người đại diện hộ DTTS ĐBKK trong Danh sách được UBND cấp huyện phê duyệt thì phải được UBND cấp xã nơi hộ vay cư trú xác nhận quan hệ của người vay và người có tên trong Danh sách hộ DTTS ĐBKK là thành viên trong cùng một hộ. Việc xác nhận này được Chủ tịch UBND cấp xã ghi, ký tên, đóng dấu vào dưới phần “Cam kết của hộ vay” trên Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay (mẫu số 01/TD).

b) Có phương án hoặc nhu cầu sử dụng vốn vay để sản xuất, kinh doanh được chính quyền cùng các tổ chức chính trị - xã hội của thôn hỗ trợ gia đình lập. Phương án hoặc nhu cầu sử dụng vốn vay được lập theo mẫu số 01/TD “Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay”.

c) Phải sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, không được sử dụng khoản vốn vay để gửi lại vào các ngân hàng khác.

2. Mức cho vay

a) Hộ vay có thể vay một hoặc nhiều lần nhưng tổng các lần vay không vượt quá 8 triệu đồng/hộ.

b) Trường hợp hộ có nhu cầu vay vốn ngoài mức quy định trên, thì áp dụng chính sách cho vay hộ nghèo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

3. Thời hạn cho vay

Thời hạn cho vay được xác định căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của hộ vay nhưng tối đa không quá 5 năm (60 tháng).

4. Lãi suất cho vay

a) Lãi suất cho vay: 0,1%/tháng (1,2%/năm).

b) Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Ngoài lãi suất cho vay, hộ vay không phải trả thêm bất kỳ một khoản phí nào khác, bao gồm cả lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn.

5. Phương thức cho vay

Thực hiện theo phương thức ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã. Cơ chế ủy thác cho vay chương trình này tương tự như cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hộ vay là thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được thành lập theo quy định của NHCSXH.

6. Hồ sơ vay vốn

a) Hộ vay vốn

- Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay (mẫu số 01/TD).

- Sổ vay vốn.

b) Tổ TK&VV

- Biên bản họp Tổ TK&VV mẫu số 10A/TD đối với Tổ thành lập mới hoặc mẫu số 10C/TD đối với trường hợp kết nạp bổ sung tổ viên.

- Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD).

7. Quy trình cho vay

a) Khi hộ DTTS ĐBKK có nhu cầu vay vốn, UBND cấp xã hoặc một trong các tổ chức chính trị-xã hội thôn hỗ trợ hộ vay lập Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay theo mẫu số 01/TD để gửi Tổ TK&VV.

b) Tổ TK&VV cùng tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã, Trưởng thôn tổ chức họp đối chiếu tên người đề nghị vay vốn với Danh sách hộ DTTS ĐBKK được UBND cấp huyện phê duyệt. Hộ DTTS ĐBKK được Tổ TK&VV đề nghị NHCSXH cho vay đảm bảo theo thứ tự ưu tiên trong danh sách hộ DTTS ĐBKK đã được UBND cấp huyện phê duyệt (ưu tiên những hộ khó khăn hơn và những hộ chưa được vay theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn trước). Sau đó lập Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH theo mẫu số 03/TD kèm Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay (mẫu số 01/TD) và biên bản họp bình xét cho vay có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham dự cuộc họp gồm: Tổ trưởng Tổ TK&VV, Trưởng thôn, Hội đoàn thể cấp xã gửi Ban giảm nghèo cấp xã để trình UBND cấp xã xác nhận.

c) Sau khi có xác nhận của UBND cấp xã trên Danh sách 03/TD, Tổ TK&VV gửi NHCSXH hồ sơ vay vốn gồm: Danh sách mẫu số 03/TD kèm Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay theo mẫu số 01/TD và Biên bản họp bình xét cho vay để làm thủ tục phê duyệt cho vay.

d) Cán bộ NHCSXH kiểm tra hồ sơ vay vốn đảm bảo đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ, hộ có tên trong Danh sách 03/TD có xác nhận của UBND cấp xã phù hợp với Danh sách hộ DTTS ĐBKK được UBND cấp huyện phê duyệt thì trình Giám đốc phê duyệt cho vay, đồng thời lập Thông báo kết quả phê duyệt cho vay (mẫu số 04/TD) gửi UBND cấp xã và làm thủ tục giải ngân theo quy định.

Trường hợp chưa đầy đủ các yếu tố theo quy định thì cán bộ NHCSXH hướng dẫn Tổ TK&VV làm lại hồ sơ và thủ tục theo quy định.

đ) UBND cấp xã thông báo kết quả phê duyệt cho vay cho tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác cấp xã để thông báo cho Tổ TK&VV. Tổ TK&VV thông báo Danh sách người được vay, thời gian và địa điểm giải ngân đến từng người vay.

8. Tổ chức giải ngân

a) NHCSXH thực hiện giải ngân trực tiếp cho người vay. Khi nhận tiền, người vay phải có Giấy chứng minh nhân dân. Trường hợp, người đứng tên vay vốn không đến nhận tiền vay thì có thể ủy quyền cho thành viên khác trong hộ (người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự) đến nhận tiền vay nhưng phải có Giấy ủy quyền của người đứng tên vay vốn có xác nhận của UBND cấp xã.

b) Khi phát tiền vay, cán bộ NHCSXH ghi đầy đủ nội dung và yêu cầu người vay ký vào phần nhận tiền vay theo quy định trên sổ vay vốn (bao gồm cả Sổ lưu tại NHCSXH và Sổ người vay giữ) để theo dõi.

9. Thu nợ gốc, thu lãi

a) Thu nợ gốc

- Trước 30 ngày của thời hạn trả nợ cuối cùng, NHCSXH gửi tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác Thông báo danh sách nợ đến hạn của Tổ TK&VV (theo mẫu số 19/TD đính kèm) để thông báo cho Tổ trưởng Tổ TK&VV đôn đốc người vay trả nợ cho NHCSXH.

- Người vay đến Điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại UBND cấp xã (theo lịch giao dịch) để trực tiếp trả nợ gốc cho NHCSXH. Việc thu nợ gốc được thực hiện một lần vào ngày trả nợ cuối cùng. Trường hợp người vay trả nợ trước hạn, NHCSXH nơi cho vay tiến hành thu nợ và hạch toán theo quy định.

b) Thu lãi

NHCSXH nơi cho vay thực hiện việc thu lãi theo định kỳ hàng tháng. Đối với Tổ TK&VV đã được NHCSXH ủy nhiệm thu lãi cho Tổ trưởng thì người vay nộp lãi tiền vay thông qua Tổ trưởng trên cơ sở Biên lai thu lãi của NHCSXH. Đối với Tổ TK&VV không được NHCSXH ủy nhiệm thu lãi thì người vay theo lịch đến Điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại UBND cấp xã để trực tiếp trả lãi cho NHCSXH.

10. Xử lý nợ đến hạn

Đến hạn trả nợ nhưng người vay chưa trả được nợ thì NHCSXH nơi cho vay căn cứ vào thực tế để xử lý cho phù hợp, cụ thể:

a) Nếu hộ vay còn thuộc diện hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo chuẩn quy định và có nhu cầu tiếp tục sử dụng vốn thì NHCSXH nơi cho vay xem xét cho người vay được kéo dài thời hạn trả nợ một hoặc nhiều lần nhưng tổng thời gian kéo dài tối đa không quá 5 năm (60 tháng). Trường hợp này, người vay có giấy Đề nghị gia hạn nợ (mẫu số 09/TD) gửi NHCSXH để phê duyệt.

b) Nếu hộ vay đã thoát khỏi diện hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo chuẩn quy định nhưng chưa thoát nghèo theo chuẩn hộ nghèo và hộ gặp khó khăn tài chính tạm thời chưa có nguồn trả nợ thì NHCSXH nơi cho vay xem xét cho người vay được kéo dài thời gian trả nợ một hoặc nhiều lần nhưng tổng thời gian kéo dài tối đa không quá 2,5 năm (30 tháng). Trường hợp này, người vay có Giấy đề nghị gia hạn nợ (mẫu số 09/TD) gửi NHCSXH để phê duyệt.

c) Nếu hộ vay đã thoát nghèo theo chuẩn hộ nghèo thì phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trường hợp hộ vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì NHCSXH chuyển nợ quá hạn và áp dụng lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.

11. Kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của hộ vay

a) Tổ tiết kiệm và vay vốn

Thường xuyên làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ viên trong Tổ TK&VV sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn cam kết.

b) Tổ chức chính trị - xã hội cấp xã

- Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận tiền vay, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã làm ủy thác phải hoàn thành việc kiểm tra sử dụng vốn vay của từng người vay theo mẫu số 06/TD.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của người vay và thông báo kịp thời cho NHCSXH nơi cho vay về các trường hợp sử dụng vốn vay sai mục đích, vay ké, bỏ trốn, chết, mất tích, bị rủi ro do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn...) để có biện pháp xử lý kịp thời.

12. Xử lý nợ bị rủi ro

Đối với các hộ gặp rủi ro do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc khó khăn bất khả kháng khác không trả được nợ thì được xử lý rủi ro theo Quy chế xử lý nợ bị rủi ro hiện hành của NHCSXH.

13. Công tác kế hoạch

Hàng năm, NHCSXH phối hợp với UBND địa phương lập kế hoạch nhu cầu vốn cho vay đối với chương trình cho vay hộ DTTS ĐBKK gửi NHCSXH cấp trên trực tiếp theo quy định hiện hành của NHCSXH

14. Hạch toán kế toán

NHCSXH nơi cho vay hạch toán các khoản cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS ĐBKK vào tài khoản "Cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn" theo chế độ quy định.

15. Chế độ báo cáo, thống kê

Chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố thực hiện báo cáo, thống kê hàng tháng theo Quyết định số 1466/QĐ-NHCS ngày 17/6/2011 của Tổng giám đốc NHCSXH về việc báo cáo, thống kê áp dụng trong hệ thống NHCSXH.

16. Về chi trả phí dịch vụ ủy thác và hoa hồng

Việc trả phí dịch vụ ủy thác và hoa hồng được thực hiện 01 tháng một lần tính trên số dư nợ bình quân tháng theo quy định:

- Phí dịch vụ ủy thác trả cho tổ chức chính trị - xã hội cấp xã là 0,03%/tháng.

- Hoa hồng trả cho Tổ TK&VV là 0,05%/tháng.

17. Thời hạn triển khai: Triển khai cho vay đến ngày 31/12/2015.

18. Tổ chức thực hiện

a) NHCSXH các địa phương có các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg và các Quyết định khác của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung các xã, thị trấn vào Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn có trách nhiệm báo cáo UBND và Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cùng cấp để triển khai thực hiện Quyết định 54/2012/QĐ-TTg .

b) Tổ chức phổ biến nội dung Quyết định 54/2012/QĐ-TTg tới cán bộ NHCSXH, tổ chức chính trị - xã hội, Tổ TK&VV và UBND cấp xã để triển khai chương trình cho vay đúng quy định.

c) Tổ chức tuyên truyền và công khai chủ trương, chính sách, danh sách hộ vay vốn, công khai dư nợ tới đông đảo quần chúng nhân dân biết để giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ DTTS ĐBKK.

d) Các khoản dư nợ cho vay hộ DTTS ĐBKK theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg , NHCSXH nơi cho vay tiếp tục theo dõi, thu hồi, thực hiện xử lý nợ đến hạn theo quy định hiện hành tại văn bản số 678/NHCS-TD ngày 22/4/2007 về việc hướng dẫn thực hiện cho vay theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg , văn bản số 1953/NHCS-TDNN ngày 28/5/2012 về việc hướng dẫn chuyển nợ quá hạn chương trình cho vay hộ DTTS ĐBKK của Tổng Giám đốc NHCSXH và Quy định xử lý nợ bị rủi ro trong hệ thống NHCSXH ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-HĐQT ngày 27/01/2011 của Hội đồng quản trị NHCSXH.

Trên đây là hướng dẫn của Tổng Giám đốc về cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg. Những điểm không hướng dẫn tại văn bản này, NHCSXH các cấp thực hiện theo quy định tại Quyết định 54/2012/QĐ-TTg và Thông tư số 02/2013/TT-UBDT. Văn bản này có hiệu lực kể từ ngày 08/8/2013. Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, chính NHCSXH (qua Ban Tín dụng người nghèo) để xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- VP Chính phủ; (để b/c)
- Ủy ban Dân tộc; (để b/c)
- HLH Phụ nữ VN; (để p/hợp thực hiện)
- Hội Nông dân VN; (để p/hợp thực hiện)
- Hội CCB VN; (để p/hợp thực hiện)
- TW ĐTN CS HCM; (để p/hợp thực hiện)
- Chủ tịch và các thành viên HĐQT (để b/c);
- Tổng Giám đốc;
- Trưởng Ban kiểm soát;
- Các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng;
- Các Ban CMNV tại HSC;
- SGD, TTĐT, TT CNTT;
- CN NHCSXH các tỉnh, TP;
- Website NHCSXH;
- Lưu: VT, TK, PC, TDNN.

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Văn Lý

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 2744/NHCS-TDNN thực hiện cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015 do Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành

  • Số hiệu: 2744/NHCS-TDNN
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 06/08/2013
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Chính sách Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Văn Lý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/08/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản