Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2022

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT ĐIỀU TRA, KIỂM SÁT XÉT XỬ SƠ THẨM ÁN KINH TẾ NĂM 2022

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 27/12/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác  của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022; Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 30/12/2021 về công tác trọng tâm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2022; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3) hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án kinh tế năm 2022 như sau:

I. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội và các chỉ tiêu nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân. Quán triệt, thực hiện nghiêm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

2. Tiếp tục khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, hoạt động tranh tụng tại phiên tòa xét xử các vụ án kinh tế. Thực hiện nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự, bảo đảm buộc tội có căn cứ, đúng pháp luật; không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; chống hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế.

3. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về kinh tế trong các lĩnh vực: đầu tư, mua sắm, quản lý tài sản công; tài chính, ngân hàng, chứng khoán, thương mại; tài nguyên môi trường; giáo dục và y tế... Thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án, vụ việc kinh tế; hạn chế các vụ việc, vụ án phải gia hạn thời hạn xác minh, thời hạn điều tra nhiều lần, giảm tỷ lệ các vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung; quản lý, kiểm sát chặt chẽ các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra trong các giai đoạn tố tụng hình sự.

4. Tập trung xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy theo dõi, chỉ đạo; tham mưu cho cấp ủy giải quyết tốt các vụ án, vụ việc có đối tượng là cán bộ, đảng viên theo đúng Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị; chú trọng làm rõ yếu tố chiếm đoạt để xử lý đúng bản chất vụ án và thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế.

5. Quản lý chặt chẽ kết quả thực hiện nhiệm vụ giải quyết các vụ án kinh tế của Viện kiểm sát cấp dưới; xác định những đơn vị, nội dung công tác còn nhiều hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời.

6. Chú trọng phát hiện, tổng hợp vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án kinh tế để nâng cao số lượng, chất lượng các kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong quản lý nhà nước của các cơ quan hữu quan.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án kinh tế

1.1. Trong giai đoạn khởi tố vụ án

- Kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm về kinh tế; kịp thời, chủ động đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh để thu thập chứng cứ ngay từ đầu; trực tiếp tiến hành kiểm tra, xác minh trong trường hợp cần thiết theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, không để xảy ra trường hợp oan sai, bỏ lọt tội phạm hoặc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

- Tăng cường yêu cầu Cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh tài sản của các đối tượng có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản trong các vụ án kinh tế để yêu cầu hoặc trực tiếp áp dụng sớm các biện pháp tố tụng thu hồi tài sản cho Nhà nước.

- Kiểm sát đầy đủ, kịp thời các quyết định xử lý của Cơ quan điều tra trong giai đoạn khởi tố vụ án, đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật; chú ý phát hiện, xử lý ngay trường hợp lạm dụng việc tạm đình chỉ kiểm tra, xác minh dẫn đến kéo dài thời hạn giải quyết vụ án, vụ việc.

1.2. Trong giai đoạn điều tra vụ án

- Tiếp tục thực hiện nghiêm các Chỉ thị chuyên đề của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về trách nhiệm công tố, kiểm sát điều tra. Phê chuẩn các lệnh, quyết định về khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật và cần thiết; chú trọng phân loại rõ sai phạm, phân hóa sâu đối tượng để có quan điểm xử lý phù hợp; kiên quyết từ chối phê chuẩn hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ, trái pháp luật của Cơ quan điều tra.

- Đề ra yêu cầu điều tra sát với những vấn đề cần chứng minh trong từng vụ án cụ thể; tham gia đầy đủ các hoạt động điều tra theo luật định để thu thập đầy đủ, toàn diện chứng cứ; trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra khi cần thiết để kiểm tra, củng cố chứng cứ, đảm bảo vững chắc cho việc truy tố, buộc tội của Viện kiểm sát. Tăng cường phát hiện những vi phạm, thiếu sót trong trưng cầu giám định và định giá tài sản để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

- Kiểm sát chặt chẽ các quyết định xử lý của Cơ quan điều tra trong giai đoạn điều tra, các vụ án tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra, không để xảy ra việc lạm dụng căn cứ tạm đình chỉ, đình chỉ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

- Phối hợp với Cơ quan điều tra tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, không để kéo dài, hạn chế việc gia hạn thời hạn điều tra nhiều lần mà không có lý do xác đáng theo luật định.

1.3. Trong giai đoạn truy tố

- Tích cực, chủ động trực tiếp phúc cung hoặc tiến hành một số hoạt động điều tra để thẩm định chứng cứ, nhất là các vụ án phức tạp, chứng cứ có nhiều mâu thuẫn, có đơn khiếu kiện về oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

- Đẩy nhanh tiến độ truy tố, đảm bảo đúng thời hạn luật định, có biện pháp cụ thể khắc phục trường hợp gia hạn thời hạn truy tố không có căn cứ và không cần thiết.

- Chú trọng tổng hợp, đánh giá hệ thống chứng cứ, tài liệu để nâng cao chất lượng bản Cáo trạng, bảo đảm truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp phải đính chính, thay đổi hoặc rút quyết định truy tố.

1.4. Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm

- Kiểm sát viên nắm chắc nội dung của vụ án, các chứng cứ, tài liệu; dự kiến vấn đề cần xét hỏi, tranh luận và đối đáp, các tình huống tố tụng có thể phát sinh tại phiên tòa để chủ động về quan điểm và cách thức xử lý. Xây dựng báo cáo đề xuất quan điểm xử lý đối với các bị cáo về hình sự, dân sự và biện pháp tư pháp trình lãnh đạo Viện cho ý kiến trước khi xét xử theo đúng quy định, quy chế của Ngành.

- Kiểm sát viên chủ động xét hỏi, tranh luận đầy đủ với những người tham gia tố tụng để làm rõ các tình tiết của vụ án; xử lý tốt các tình huống phát sinh, nhất là trường hợp người tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ, tài liệu cập nhật, đánh giá đầy đủ kết quả tranh tụng để bảo vệ quan điểm truy tố, buộc tội của Viện kiểm sát, đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật; kiểm sát chặt chẽ bản án, hoạt động xét xử của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, kịp thời phát hiện các vi phạm để đề xuất ban hành kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục (nếu có).

- Đối với các vụ án kinh tế phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, lãnh đạo Viện kiểm sát địa phương, đơn vị cần lựa chọn, phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm, năng lực thụ lý, giải quyết; đề nghị Tòa án cùng cấp phân công Thẩm phán phối hợp nghiên cứu hồ sơ ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên phối hợp với Thẩm phán chủ tọa phiên tòa rà soát, bổ sung chứng cứ, tài liệu theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên với Viện kiểm sát cấp dưới trong việc giải quyết các vụ án hình sự do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố và phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm. Viện kiểm sát địa phương chủ động phối hợp với Vụ 3 giải quyết tốt các vụ án kinh tế do cấp Trung ương khởi tố, điều tra, truy tố, chuyển Tòa án địa phương xét xử sơ thẩm, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

2. Chế độ thông tin báo cáo và quản lý công tác

- Thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo theo Quy chế về thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân; báo cáo đầy đủ kết quả giải quyết các vụ án do Vụ 3 chuyển vụ án để điều tra, truy tố, xét xử theo thẩm quyền.

- Đối với các vụ án thuộc diện quy định theo Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị, nếu có khó khăn, vướng mắc về tài liệu, chứng cứ hoặc về đường lối xử lý thì Viện kiểm sát cấp dưới cần báo cáo xin ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp trên.

- Viện kiểm sát cấp tỉnh báo cáo thỉnh thị kịp thời, đầy đủ các vụ án, vụ việc thuộc trách nhiệm quản lý, theo dõi của Vụ 3 theo Quy định số 599/QĐ-VKSTC ngày 06/12/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về pháp luật, nghiệp vụ, báo cáo thỉnh thị, trả lời thỉnh thị trong ngành Kiểm sát nhân dân. Quản lý, kiểm tra, đánh giá án đình chỉ do không phạm tội, đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Bộ luật Hình sự của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra cùng cấp và cấp dưới, báo cáo đầy đủ về Vụ 3 theo đúng Hướng dẫn số 33/HD-VKSTC ngày 30/11/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chủ động báo cáo bằng văn bản các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm hoặc cơ quan truyền thông đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Trên cơ sở Hướng dẫn này, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của cấp mình và hướng dẫn các Viện kiểm sát cấp huyện về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án kinh tế.

- Viện kiểm sát Quân sự Trung ương ban hành hướng dẫn các đơn vị trực thuộc trong hệ thống Viện kiểm sát quân sự./.

 


Nơi nhận:
- Đ/c Viện trưởng VKSNDTC (để b/c);
- Đ/c Nguyễn Huy Tiến PVTTT VKSTC (để b/c);
- VKSND tỉnh, TP trực thuộc TW (để t/h);
- VKS Quân sự Trung ương (để t/h);
- Các đơn vị thuộc VKSND tối cao (để phối hợp);
- Các đ/c Lãnh đạo Vụ 3 (để t/h);
- Các Phòng thuộc Vụ 3 (để t/h);
- Lưu: VT, Vụ 3.

TL. VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ
VÀ KIỂM SÁT TRA ÁN KINH TẾ




Hồ Đức Anh