Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 646-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 1955 

 

ĐIỀU LỆ TẠM THỜI

QUY ĐỊNH VIỆC ĐIỀU CHỈNH QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI LÀM CÔNG VÀ CHỦ XÍ NGHIỆP TRONG CÁC XÍ NGHIỆP TƯ DOANH

Chương 1:

MỤC ĐÍCH VÀ PHƯƠNG CHÂM

Điều 1: - Căn cứ vào nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế và nhiệm vụ đoàn kết đấu tranh thống nhất nước nhà, nay ban hành bản điều lệ tạm thời quy định việc điều chỉnh quan hệ giữa người làm công và chủ xí nghiệp trong các xí nghiệp tư doanh.

Bản điều lệ tạm thời này nhằm mục đích khuyến khích phát triển sản xuất làm cho nền công thương nghiệp trở nên phồn thịnh để cải thiện đời sống cho nhân dân, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người làm công và quyền lợi kinh doanh hợp pháp của chủ xí nghiệp theo phương châm:

“Công và tư điều được chiếu cố”

“Người làm công và chủ xí nghiệp đều có lợi”

Người làm công và chủ xí nghiệp phải đoàn kết để sản xuất, đem hết khả năng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi cho người làm công, lợi cho chủ xí nghiệp và lợi cho nhân dân.

Điều lệ tạm thời này nêu lên những nguyên tắc chính về quyền hạn, nhiệm vụ và quyền lợi của hai bên làm cơ sở cho người làm công và chủ xí nghiệp cùng nhau thương lượng thật thà, dân chủ, đoàn kết, giải quyết thoả đáng quyền lợi của hai bên.

Chương 2:

QUYỀN HẠN VÀ NHIỆM VỤ CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG VÀ CHỦ XÍ NGHIỆP

Điều 2: - Người làm công có những quyền hạn và nhiệm vụ như sau:

a)Quyền hạn:

- Hưởng tiền lương hợp lý.

- Ký hợp đồng với chủ theo thể lệ của Chính phủ.

- Tham gia công đoàn và các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội.

b) Nhiệm vụ:

- Tôn trọng kỷ luật lao động, thi hành đúng nội quy xí nghiệp và hợp đồng đã ký kết. Nội quy xí nghiệp do người làm công và chủ xí nghiệp thảo ra và được cơ quan lao động duyệt y.

- Nhắc nhở chủ xí nghiệp thi hành mọi chính sách và luật lệ của Chính phủ trong xí nghiệp.

- Góp ý kiến với chủ xí nghiệp phát triển sản xuất, thực hiện tiết kiệm, cải tiến kỹ thuật.

Điều 3: - Theo đường lối chính sách kinh tế và luật pháp của Chính phủ, chủ xí nghiệp có những quyền hạn và nhiệm vụ như sau:

a) Quyền hạn:

- Kinh doanh công thương nghiệp phục vụ quốc kế dân sinh.

- Quản lý xí nghiệp, phân phối người làm, sử dụng tài sản xí nghiệp.

- Mượn người làm công và giãn người làm công.

b) Nhiệm vụ:

- Thực hiện hợp đồng đã ký kết với người làm công.

- Dần dần cải tiến lề lối quản lý xí nghiệp, tổ chức sản xuất hợp lý, bảo đảm phẩm chất hàng hóa được tốt và bền.

- Dựa trên cơ sở sản xuất ngày càng phát triển mà chăm lo sự an toàn cho người làm công, cải thiện điều kiện làm việc và sinh hoạt của người làm công.

Chương 3:

NỘI DUNG CHỦ YẾU TRONG VIỆC ĐIỀU CHỈNH QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI LÀM CÔNG VÀ CHỦ XÍ NGHIỆP

Chủ mượn người làm công, giãn người làm công; người làm công thôi việc.

Điều 4: - Căn cứ vào luật lệ của Chính phủ, chủ xí nghiệp có quyền mượn người làm thường xuyên, làm theo mùa, làm tạm thời, làm khoán. Hai bên thương lượng để ấn định rõ tiền lương, thì giờ và điều kiện làm việc cũng như các quyền lợi khác và ghi rõ vào một bản hợp đồng mà hai bên ký kết với nhau.

Điều 5: - Nếu chủ xí nghiệp định cho người làm công thôi việc thì phải báo cho cơ quan lao động biết trước. Nếu có ý kiến của cơ quan Công thương xác nhận lý do là chính đáng và được cơ quan Lao động Khu, Tỉnh hay Thành phố đồng ý thì chủ xí nghiệp phải báo cho người làm công biết trước 15 ngày và phải trả trợ cấp thôi viêc. Chủ xí nghiệp có thể cho thôi việc những người làm công nào nhiều lần làm trái nội quy sau khi rõ ý kiến của công đoàn hay đại biểu của những người làm công và được cơ quan Lao động đồng ý

Tiền trợ cấp thôi việc sẽ tuỳ tình hình cụ thể của mỗi xí nghiệp và căn cứ vào thời gian làm việc của người làm công trong xí nghiệp mà định.

Điều khoản này không thi hành cho những người làm công tự ý xin thôi việc, những người làm theo mùa, những người làm tạm thời, những người làm khoán, những người vi phạm kỷ luật mà bị giãn.

Những người làm công, mà chủ xí nghiệp cho thôi việc trong trường hợp xí nghiệp gặp khó khăn về sản xuất hay khó khăn về tiêu thụ, được ưu tiên gọi trở lại làm việc khi xí nghiệp cần tuyển thêm người; quyền ưu tiên này không thi hành cho những người phạm kỷ luật bị cho thôi việc.

Điều 6: - Người làm công muốn thôi việc phải báo trước cho chủ xí nghiệp theo quy định trong hợp đồng. Nếu chưa có hợp đồng thì phải báo cho chủ xí nghiệp biết trước 15 ngày.

Tiền lương.

Điều 7: - Tiền lương và các khoản phụ cấp (nếu có) của người làm công do người làm công và chủ xí nghiệp thương lượng mà định trong hợp đồng và báo cho cơ quan Lao động biết.

Điều 8: - Tiền lương tháng nào phải trả xong tháng ấy, đúng kỳ hạn mà hai bên đã thỏa thuận ghi trong hợp đồng, không được giữ lương.

Điều 9: - Đàn ông, đàn bà làm công việc như nhau, hiệu suất công tác ngang nhau thì lương phải ngang nhau.

Giờ làm việc và ngày nghỉ.

Điều 10: - Trong các xí nghiệp tư doanh, số giờ làm việc là từ 8 đến 10 tiếng

Nơi nào mà điều kiện sản xuất cần làm trên 10 tiếng thì do người làm công và chủ xí nghiệp thỏa thuận với nhau và phải báo cho cơ quan Lao động biết.

Điều 11: - Những giờ làm thêm phải trả thêm lương do hai bên thỏa thuận ghi vào hợp đồng.

Điều 12: - Người làm công thường xuyên được nghỉ trong những ngày lễ chính thức của Chính phủ và vẫn được hưởng lương. Trường hợp cần thiết phải làm việc trong những ngày nghỉ lễ thì người làm công và chủ xí nghiệp thương lượng với nhau về việc trả lương những ngày đó.

Điều 13: - Thì giờ làm việc là ngày nghỉ ở các hiệu buôn, hiệu cắt tóc, tiệm ăn và các nghề thủ công có thể theo tập quán làm ăn, do hai bên chủ và người làm công thỏa thuận quy định.

Quyền lợi khi ốm đau, chửa, đẻ hay bị tai nạn lao động.

Điều 14: - Mỗi khi người làm công ốm đau phải nằm bệnh viện điều trị hoặc có giấy của thầy thuốc chứng thực phải được nghỉ việc trong khoảng 10 ngày, thì những ngày nghỉ được hưởng cả lương và phụ cấp (nếu có). Nếu bệnh kéo dài trên 10 ngày thì hai bên thương lượng mà giải quyết cho thích đáng.

Điều 15: - Đàn bà làm công được nghỉ một thời gian trước và sau khi đẻ mà vẫn được hưởng lương và phụ cấp (nếu có). Thời gian nghĩ sẽ do hai bên thỏa thuận ghi trong hợp đồng.

Điều 16: - Nếu vì công việc mà người làm công bị tai nạn thì chủ xí nghiệp phải trả lương và mọi khoản phí tổn điều trị cho đến khi lành mạnh.

Nếu vì tai nạn mà thành thương tật thì chủ xí nghiệp phải bồi thường cho người làm công một số tiền bằng từ 3 đến 12 tháng lương và phụ cấp (nếu có), tuỳ theo thương tật nặng hay nhẹ và tuỳ theo người chủ xí nghiệp có lỗi nhiều hay ít trong việc bố trí đề phòng tai nạn lao động.

Điều 17: - Nếu người làm công bị chết vì tai nạn lao động thì chủ xí nghiệp phải chịu tiền chôn cất và bồi thường một số tiền bằng 15 tháng lương và phụ cấp (nếu có) cho thân nhân người chết. Ngoài ra chủ xí nghiệp có thể bị truy tố trước tòa án nếu không thi hành đúng những thể lệ đề phòng tai nạn lao động.

Học nghề.

Điều 18: - Chủ xí nghiệp phải giúp đỡ cho những người học nghề mau chóng thành nghề. Người học nghề phải cố gắng học tập, tích cực làm việc.

Điều 19:- Chủ xí nghiệp không được đánh người học nghề.

Điều 20: - Thời gian học nghề nhiều hay ít tuỳ theo tính chất từng nghề và từng nơi, do hai bên thoả thuận mà quy định.

Điều 21: - Phụ cấp của người học nghề do hai bên thoả thuận ghi vào hợp đồng.

Chương 4:

PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

Điều 22:- Để thực hiện có kết quả bản điều lệ tạm thời này, người làm công và chủ xí nghiệp sẽ dùng phương pháp thương lượng thực thà, dân chủ, đoàn kết mà giải quyết thích đáng quyền lợi của hai bên.

Người làm công và chủ xí nghiệp sẽ cùng nhau ký kết hợp đồng quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ và quyền lợi của hai bên đã thỏa thuận. Hợp đồng này phải được cơ quan Lao động duyệt y. Bộ Lao động sẽ ra thông tư hướng dẫn việc ký kết hợp đồng tập thể.

Điều 23: - Trong những trường hợp xung đột quyền lợi mà hai bên đã thương lượng nhưng không giải quyết được thì sẽ đưa đến cơ quan Lao động làm trọng tài hoà giải. Cơ quan Lao động là cơ quan trọng tài duy nhất trong việc giải quyết xích mích giữa người làm công và chủ xí nghiệp. Nếu cơ quan Lao động đã hòa giải mà hai bên hoặc một trong hai bên không đồng ý, thì cơ quan Lao động sẽ đưa ra tòa án xét xử (theo nghị định Liên bộ Tư pháp – Lao động số 87-LĐ-TP ngày 16-8-1955).

Điều 24: - Công đoàn thay mặt cho người làm công để tiến hành thương lượng và ký kết hợp đồng với chủ xí nghiệp, tham dự các cuộc hội nghị hòa giải. Nơi nào chưa có công đoàn thì đại biểu do những người làm Công cử ra đảm nhiệm.

Điều 25: - Bộ Lao động và Bộ Thương nghiệp phối hợp với Tổng công đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức công thương gia vận động người làm công và chủ xí nghiệp thi hành đúng bản điều lệ này để đạt được mục đích và phương châm nêu ở trên.

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 26: - Những điều khoản kể trên sẽ áp dụng cho các xí nghiệp có máy động lực có từ 7 người làm công trở lên và các xí nghiệp thủ công có từ 20 người trở lên.

Điều 27: - Ở các xí nghiệp dùng máy động lực hay xí nghiệp thủ công dùng người làm công dưới số đã quy định ở điều 26 thì người làm công và chủ xí nghiệp chỉ dựa trên tinh thần của bản điều lệ này và tình hình cụ thể của xí nghiệp mà thỏa thuận ký kết hợp đồng với nhau.

Điều 28: - Những người lao động độc lập vì một mình không thể sản xuất được mà cần phải mượn thêm một hai người phụ việc hoặc học nghề thì không thuộc phạm vi thi hành bản điều lệ này.

Điều 29: - Bản điều lệ này áp dụng cho tất cả những người làm công trong xí nghiệp công nghệ, vận tải, thương mại v.v… và không áp dụng cho người làm trong gia đình. Việc thuê mượn và cho thôi việc đối với các người làm trong gia đình vẫn theo tập quán cũ.

Điều 30: - Bản điều lệ này áp dụng cho cả người làm công và chủ xí nghiệp người ngoại kiều.

Điều 31: - Bộ Lao động chịu trách nhiệm giải thích, hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành bản điều lệ này.

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng